V. Phẩm Ngu

24/05/201112:00 SA(Xem: 11409)
V. Phẩm Ngu

V. Phẩm Ngu

1. Nhà Vua và Người Nghèo Có Vợ Đẹp

Đêm dài cho kẻ thức...

Đức Phật dạy câu này khi ngụ tại Kỳ Viên, liên quan đến vua Ba-tư-nặc ở Kosala và một người.

Và một dịp lễ, vua Ba-tư-nặc ở Kosala cưỡi voi trắng Pundarika trang hoàng lộng lẫy diễu hành khắp thành. Đến lúc sắp giải tán, dân chúng bị ném đất loạn xạ, đập bằng gậỵ lung tung, nhưng vẫn nghễnh cổ nhìn xem. Nhà vua được phước báo nhu thế do bố thí, giữ giới và làm nhiều công đức.

Trên tầng lầu chót một tòa nhà bảy tầng có thiếu phụ vợ một người nghèo, mở cửa sổ nhìn vua, xong lui vào. Cô ta hiện ra trước mắt nhà vua như vầng trăng rằm rồi lẫn vào đám mây. Quá say đắm, nhà vua suýt té nhào khỏi lưng voi. Kết thúc thật nhanh cuộc diễu hành, vua trở về hoàng cung hỏi viên quan thân tín có thấy thiếu phụ hay không, và ra lệnh dòi ông chồng. Ông ta hiểu ngay mạng sống bị đe dọa là vì cô vợ, nhưng không dám cãi lệnh. Ông ta dến hầu vua, và bị sung vào đội lính hầu. ông ta từ chối, xin trả tiền sưu nhưng không được.

Nhà vua muốn kết tội và giết ông ta để đoạt cô vợ. Phần ông ta vì sợ chết, cũng hết lòng phục vụ nhà vua. Lửa ái nơi vua càng lúc càng tăng. Vì không tìm thấy chút lỗi nào, vua bèn sai ông ta tìm cho được đất đỏ với bông súng màu đỏ và màu xanh, nếu không có mang về kịp giờ vua tắm sẽ bị tội chết.

Ông ta hốt hoảng về nhà, hối vợ cơm nước. Không kịp chờ cơm chín, ông vội múc đại gạo vừa mới sôi, lỏng bỏng như cháo, thêm một ít cà-ri vào giỏ, vội vàng lên đường. Khi ông vội vàng đi như thế thì cơm cũng về chín tới. Ông để riêng một phần cơm ngon và bắt đầu ăn. Kịp có khách ông ta mời ăn luôn phần đã để dành. Ăn xong ông ta vứt một nắm cơm xuống hồ, súc miệng và lớn tiếng khấn nguyện long thần hồ này xin cho ngàn phước báo do bố thí thức ăn cho người khách và trăm phước báo do bố thí cơm gạo cho cá dưới hồ, tất cả đều hồi hướng đến long thần, và hãy mang đến cho ông đất đỏ với bông súng màu trắng và xanh. Ông lặp lại lời khẩn cầu đến ba lần.

Long vương ở đó nghe hết lời khấn, hóa thành ông lão đến gặp người lính hầu, hỏi lại kỹ. Sau khi nghe người lính hầu nói lại ba lần hồi hướng hết công đức bố thí, long vương bèn mang đất đỏ với bông súng đến.

Nhà vua sợ người lính hầu hoàn thành sứ mạng, nên đã ra lệnh đóng cửa và niêm phong rất sớm. Do đó tuy người lính đến kịp lúc, vẫn không thể dâng vua đất và hoa được, dù đã xin lính gác mở cửa. Ông thất vọng, lòng ngổn ngang không biết tính sao.

Cuối cùng ông đặt tảng đất đỏ nơi ngạch cửa và treo bông súng lên cánh cửa, la to:

- Hỡi mọi người trong thành, xin làm chứng tôi đã hoàn thành sứ mạng vua giao phó. Vua đang tìm hết cách hại tôi một cách vô cớ.

Người lính hầu la lên ba lần như thế, bối rối không biết đi đâu ẩn trú; nghĩ đến chư Tăng giàu lòng nhân từ, liền đến tinh xá ngủ lại.

Nhà vua suốt đêm không thể nào chợp mắt được vì lửa ái thiêu đốt tâm can. Vua chờ trời hé sáng để giết người chồng và mang người vợ về cung. Đang trằn trọc vua nghe được bốn âm thanh. Nguyên do là có bốn người bị đọa vào địa ngục rộng đến sáu chục dặm, bị nấu sôi sục như hạt gạo nấu hầm trong nồi nung suốt ba chục năm, xuống tận đáy địa ngục và sau ba chục năm nữa trồi lên miệng địa ngục, nhìn lẫn nhau, muốn đọc một câu kệ cũng không nỗi, chỉ bập bẹ vài chữ, rồi lại rơi tõm vào địa ngục trở lại.

Vua nghe những âm thanh trên sau nửa đêm. Hốt hoảng và sợ hãi, vua hoang mang không hiểu có phải mình đã tới số, hay chánh hậu tận mạng, hay vương quốc tận diệt, và thức luôn đến sáng. Trời sáng rồi, vua cho mời vị tư tế đến hỏi xem đó là điềm báo gì qua bốn âm thanh đã nghe là "Du, Sa, Na, So". Vị Bà-la-môn tư tế hoàn toàn không biết gì về ý nghĩa, nhưng sợ lộ ra sự ngu dốt của mình sẽ mất hết lợi danh, nên đáp càn:

- Ồ! Trầm trọng lắm, tâu bệ hạ.

Vua hỏi dồn:

- Xin thầy nói rành mạch hơn!

- Có nghĩa là bệ hạ sắp lìa đời.

Vua càng kinh hãi, ú ớ hỏi tiếp:

- Không có cách nào ngăn được sao?

- Tâu bệ hạ, có. Xin Ngài đừng sợ. Trong ba bộ Vệ-đà chỉ rằng phải tế lễ nhiều sinh vật thì có thể cứu mạng bệ hạ.

- Ta phải tìm thứ gì?

- Một trăm voi, một trăm ngựa, một trăm bò đực, một trăm bò cái, một trăm dê, một trăm lừa, một trăm ngựa giống, một trăm cừu, một trăm gà, một trăm heo, một trăm con trai, một trăm con gái.

Sở dĩ vị Bà-la-môn đòi nhiều thứ như thế, vì chỉ nói tên thú rừng không, sẽ mang tiếng là muốn ăn thịt, do đó ông ta cần thêm voi, ngựa và người. Vua muốn cứu mạng mình với bất kì giá nào nên ưng thuận. (Theo Tương Ưng bộ kinh, mỗi loài lên đến năm trăm.Dân chúng xót thương la khóc nghe như tiếng trái đất nứt vỡ).

Hoàng hậu Mạt-lợi (Mallika) nghe tiếng kêu khóc inh ỏi, hỏi vua:

- Đại vương, làm sao mà các căn của Ngài hỗn loạnmệt mỏi thế?

- Mạt-lợi! Bà không biết một con rắn độc lọt vào tai ta sao?

Và vua kể lại mọi sự. Hoàng hậu bảo thẳng với vua:

- Bệ hạ quả là kẻ thiếu trí. Trong kho không thiếu chi các món ngon vật lạ, bệ hạ cai trị cả hai vương quốc, nhưng thật sự bệ hạ lại là kẻ thiếu trí.

Vua ngạc nhiên hỏi lại, và được hoàng hậu giải thích:

- Có bao giờ bệ hạ nghe rằng phải hi sinh mạng người khác để cứu sống mình không? Chỉ vì người Bà-la-môn ngu xuẩn kia đã nói xằng mà xuýt chút nữa bệ hạ đẩy dân chúng vào bể khổ. Đức Đạo sư đang ngụ trong tinh xá gần đây, bậc Thầy của trời và người, bậc Thắng tri của tam thế. Bệ hạ hãy đến thỉnh cầu Ngài chỉ giáo.

Nhà vua và hoàng hậu đến tinh xá gặp Phật. Được Phật hỏi vì việc gì mà đến muộn, nhà vua vẫn còn ám ảnh về nỗi sợ chết không thốt nên lời, chỉ đảnh lễ rồi đứng im đó, hoàng hậu Mạt-lợi thay lời trình bày và được Phật dạy:

- Âm thanh vua nghe được là tiếng rên siết của kẻ xấu ác bị khổ hình.

Vua tò mò hỏi:

- Bạch Thế Tôn, họ đã tạo nghiệp gì?

Phật kể lại:

Chuyện quá khứĐịa Ngục

Vào thời xưa khi con người sống đến hai chục ngàn tuổi, Phật Ca-diếp xuất hiện. Trên đường du hóa với hai mươi ngàn Tỳ-kheo lậu tận, Phật đến thành Ba-la-nại. Dân trong thành từng nhóm hai, ba người hoặc đông hơn, cúng dường thức ăn. Lúc đó có bốn người con của một thương buôn giàu có, sản nghiệp mỗi người lên đến bốn trăm triệu, và rất hòa thuận với nhau. Một hôm họ bàn với nhau sao không cúng dường, tạo công đức, giữ giới hạnh vì một vị Phật đang du hóa. Nhưng không ai tán đồng. Kẻ thì ưa chè chén say sưa, người thì đắm say trong cơm thịt béo bở hoặc của ngon món lạ nấu nướng cầu kỳ. Có tên còn đòi tung tiền mua chuộc vợ người và cướp đoạt để tiêu khiển. Cả bọn tán đồng ý kiến này và làm theo. Cứ như thế họ phạm tội tà dâm suốt hai chục ngàn năm, đến lúc mạng chung bị đọa vào địa ngục A-tỳ, bị khổ hình đau đớn trong thời kỳ giữa hai vị Phật ra đời. Vì quả báo ác nghiệp chưa tiêu, tái sanh, họ lại bị đọa vào Thiết địa ngục lớn sáu mươi dặm. Sau khi chìm xuống tận đáy địa ngục ba chục ngàn năm, họ bị trồi lên cũng ba chục ngàn năm. Mỗi người đều mong muốn đọc lên một câu kệ, nhưng chỉ thốt được một vần đầu, rồi lại rơi vào Thiết địa ngục.

(Hết Chuyện quá khứ)

Phật hỏi nhà vua:

- Bệ hạ nghe được chữ gì?

- Bạch Thế Tôn, chữ "Du".

Phật liền đọc hết câu kệ mà kẻ chịu tội muốn thốt lên. Sau đó, Ngài bảo vua nói tiếp các chữ còn lại, và bổ túc thành bốn bài kệ như sau:

Du: Tạo ác nghiệp một đời,
Có của chẳng thi ân,

Tài sản dù ức triệu,

Không cứu nổi mạng thân.

Sa: Sáu chục ngàn năm dài,
Tạo tác bao nghiệp ác,

Địa ngục nung nấu sôi,

Biết bao giờ được thoát?

Na: Chẳng có ngày được thoát,
Thoát từ đâu có được?

Do xa xưa mình đã,

Gây bao điều ô trược.

So: Xin hứa chắc từ đây,
Nếu tái sanh làm người,

Quyết bố thí trì giới,

Làm việc thiện đời đời.

Thế Tôn đọc và giải thích từng câu kệ. Vua nghe qua chuyển động cả tâm can. Hiểu rằng tội tà dâm quả thậtnghiêm trọng, sẽ bị đọa địa ngục trong thời kỳ giữa hai đức Phật, rồi qua Thiết địa ngục chịu khổ hình thêm sáu chục ngàn năm chưa chắc đã mãn. Nhớ lại mình cũng sắp phạm tội, vua tự hứa từ đây dứt hết lòng tham dục vợ người, và thưa với Phật:

- Bạch Thế Tôn, hôm nay con mới biết đêm dài đối với kẻ thức.

Người lính hầu của vua ngồi gần đó cũng thưa:

- Bạch Thế Tôn, hôm qua con mới biết đường dài cho kẻ mệt.

Thế Tôn nối kết hai câu trên vào Pháp Cú:

(60) Đêm dài cho kẻ thức,
Đường dài cho kẻ mệt,

Luân hồi dài, kẻ ngu,

Không biết chơn diệu pháp.

Vua đảnh lễ Thế Tôn xong, trở về ra lệnh thả hết người và vật tế lễ. Họ được rưới nước trên đầu, trở về nhà và đồng thanh tán thán hoàng hậu Mạt-lợi, chúc bà được khang an trường thọ.

Buổi chiều chúng Tăng tụ họp trong Pháp đường bàn tán về trí tuệ của Mạt-lợi. Đức Phật đang ở trong hương thất nghe được liền vào Pháp đường ngồi tòa báu Như Lai và kể:

Chuyện quá khứ

Vua Ba-La-Nại VàHoàng Hậu Dinnà

Xưa kia một hoàng tử đến khấn với vị thần cây đa, nếu được thần phù hộ lên ngôi báu sẽ lấy máu của một trăm vua và hoàng hậu xứ Diêm-phù-đề này tế thần. Khi vua cha băng hà, hoàng tử giữ lời hứa chinh phục các vua khác, từng người một đủ một trăm vua và hoàng hậu, đem đến gốc cây nọ định sẽ bắt uống thuốc độc cho chết, riêng hoàng hậu Dinnà của vị vua trẻ tuổi nhất được tha mạng vì đang có mang.

Thần cây sợ các hoàng tộc xứ Diêm-phù-đề bị tiêu diệt, và rễ cây đa bị ô nhiễm do lòng tin mù quáng của hoàng tử. Tự nghĩ sức mình không đủ, thần cây liền cầu cứu các vị thần khác, nhưng đều bị từ chối. Thần đến trời Cakkavàla, rồi Tứ thiên vương cũng không nhận lời. Cuối cùng đến trời Đế Thích, thần mạnh miệng quy cho Đế Thích chịu trách nhiệm về dòng máu hoàng tộc, do đó được Đế Thích, tuy không trực tiếp ngăn chặn hành động của hoàng tử, nhưng bày mưu cho thần. Thần sẽ khoác áo choàng đêm, ra khỏi cây, giả bộ cho vua thấy là muốn đi xa để vua cầm giữ lại. Lúc đó thần sẽ ra điều kiện cho vua là phải có mặt hoàng hậu Dinnà của vua Uggasena mới đúng với lời hứa khi trước. Và bà ta sẽ dạy giáo pháp cho nhà vua, đồng thời sẽ cứu mạng cho các vua và hoàng hậu này.

Thế là hoàng hậu Dinnà được đưa đến. Bà chỉ tiến tới trước chồng mình, vua Uggasena, đảnh lễ, dù rằng ông này đang ngồi ở vòng ngoài của một trăm vua thua trận. Vua Ba-la-nại bị xúc phạm, tỏ thái độ bất bình. Bà bèn nói:

- Tôi có bổn phận với bệ hạ không? Vị vua của tôi đây là người ban quyền lực cho tôi. Tại sao tôi có thể bỏ ông ta để đảnh lễ bệ hạ?

Thần cây hoan hô bà, tung hoa trước mắt đám đông tụ họp:

- Hoàng hậu thật khéo nói!

Vua Ba-la-nại bảo:

- Bà không đảnh lễ ta cũng được. Nhưng sao không đảnh lễ thần cây đây? Ông ta có quyền lực nhiệm mầu, đã ban cho ta quyền thống trịuy lực của một vị vua.

- Tâu bệ hạ, bệ hạ đã chinh phục các vua này bằng tài sức của chính mình. Thần cây chẳng hề đánh bại họ rồi đưa về cho bệ hạ.

Bà nói tiếp:

- Bệ hạ bảo thần cây có quyền lực nhiệm mầu, thế bên trái của thần có một cây đang bốc cháy, sao thần không dùng phép tắt lửa đi!

Thần cây lại tung hô bà như trước:

- Hoàng hậu thật khéo nói!

Hoàng hậu vừa nói vừa khóc và cười. Vua cho bà mất trí.

Nhơn đó bà kể lại:

Chuyện quá khứ

Người Đàn Bà Giết Con Cừu

Thuở xưa tôi sinh vào một gia đình gia giáo. Bạn của chồng đến chơi, tôi nhờ nữ tỳ mua thịt về nấu cơm đãi khách. Cô ta tìm khắp chợ không có. Vì thấy một con cừu nằm gần nhà, tôi cắt cổ làm thịt. Do ác nghiệp đó tôi chết đi bị đày vào địa ngục. Sau bao khổ hình, do quả báo chưa hết, đầu tôi bị cắt nhiều lần bằng số lông cừu. Nếu vua giết hết những người này để tế thần thì biết bao giờ mới hết khổ đau? Tôi đã khóc vì nhớ đến nỗi khổ trước kia.

Bà đọc kệ:

Do tội cắt cổ cừu,
Đầu tôi phải rơi đổ,

Nhiều lần bằng số lông,

Của chú cừu khốn khổ.

Nếu vua định giết chết,

Chừng ấy số sinh linh,

Biết làm sao lường hết,

Nỗi thống khổ điêu linh.

Bà đã cười vì vui mừng thoát được khổ ách đó.

Thần cây lại tán thán bà. Vua giật mình vì suýt nữa đã phạm tội ác không biết bao giờ mời rửa sạch được. Vua ra lệnh thả hết các vua, đảnh lễ những người lớn tuổi và chào kính những người trẻ hơn mình, xin mọi người tha thứ cho mình, và cho họ trở về xứ sở.

(Hết Chuyện Quá Khứ)

Phật kể chuyện xong bảo chúng Tăng không phải bây giờ Mạt-lợi cứu mạng nhiều người mà trong kiếp trước bà cũng đã làm như thế. Lúc đó vua Ba-la-nại là vua Ba-tư-nặc, hoàng hậu Dinnà là Mạt-lợi, và thần cây là Thế Tôn. Phật dayï tiếp rằng đoạt mạng sống của chúng sanh là không bao giờ đúng pháp mà con chịu khổ ách lâu dài. Ngài đọc kệ:

Người nếu biết khổ đau,
Bắt nguồn từ sự sống,

Không còn đoạt mạng sống

Của người, để chịu phiền.

2. Một Tăng Sinh Khó Dạy

Tìm không được bạn đường...

Đức Phật dạy câu này tại Xá-vệ, liên quan đến đệ tử của Trưởng lão Đại Ca-diếp.

Trưởng lão lúc đó ngụ tại hang Pipphali, có hai đệ tử theo hầu. Một người làm tròn bổn phận, người kia luôn lẫn tránh công việc, thậm chí còn dành công trạng của bạn đồng môn. Tức là khi bạn mình đã chuẩn bị nước tắm cho thầy xong, anh ta vội báo cho thầy để lập công. Anh bạn thấy thế liền chơi khăm một vố. Khi bạn lười di ngủ sau giờ cơm trưa, anh đun nước tắm cho thầy xong đổ vào vại dựng ở nhà sau, chỉ chừa lại một ít trong nồi đun.Thức dậy, bạn lười thấy nồi đun bốc hơi, đinh ninh nước đã đun xong và mang vào phòng tắm liền chạy đi báo thầy như mọi lần.

Trưởng lão bước vào phòng tắm, chẳng thấy nước, chỉ cho bạn lười. Hoảng hồn, anh vào nhà bếp cầm vá quậy trong nồi hơi thấy cạn queo. Anh bực mình mắng bạn là đồ đểu, và lúng ta lúng túng đến chỗ tắm ngoài sông múc nước. Đã thế trở về còn bị Trưởng lão gọi đến dạy bảo:

- Một Tỳ-kheo không được nói mình làm xong khi không phải chính mình làm. Khi ta bước vào thấy không có nước ngươi lại bực mình cầm bình đi, một vị tăng không được hành động như thế.

Tăng sinh lười đó rất mực giận dữ, cho rằng chỉ vì mấy giọt nước mà thầy la mắng mình như thế. Ngày hôm sau anh không thèm theo thầy đi khất thực nữa. Trưởng lão phải đi với tăng sinh kia. Khi cả hai đi xa, tăng sinh man trá đi đến nhà cư sĩ hay hộ cho Trưởng lão, bảo rằng ngài khó ở, không đi bát được, và xin cúng dường thức ăn. Cư sĩ làm theo, anh ta nhận lấy và ăn hết một mình trên đường về tinh xá.

Hôm sau, Trưởng lão đến nhà cư sĩ, ông ta vui mừng thấy Ngài bình phục và còn bảo là thức ăn do ông ta cúng dường. Trưởng lão không thốt một lời, về tinh xá răn đe anh đệ tử man trá:

- Ta biết hành động của ngươi hôm qua. Hạnh xấu này không phù hợp với một người đã từ bỏ thế gian. Ngươi không được ăn thực phẩm do gợi ý.

Tăng sinh lười bừng lên ác cảm đối với thầy mình. Anh nghĩ rằng chỉ vì mấy giọt nước thầy mắng mình là nói dối, bây giờ chỉ một nắm cơm của tín thí thầy cấm không cho ăn vì cho là mình đã gợi ý mưu toan, thầy còn cho huynh kia một bộ y; quả là thầy đối xử với mình quá tệ bạc, mình phải trả thù mới được. Thế rồi hôm sau trong khi Trưởng lão di khất thực, ở lại tinh xá một mình, anh ta lấy gậy đập hết đồ dùng để ăn uống, nổi lửa đốt lều cỏ của Trưởng lão, sau đó dùng búa đập nát tan những gì không cháy hết. Mạng chung anh ta đọa vào địa ngục A-Tỳ.

Dân chúng đều bàn tán chuyện trên. Có một vị tăng rời Vương-xá đến Kỳ Viên viếng Phật, được Phật hỏi thăm sức khỏe trưởng lão Đại Ca-diếp liền thuật lại tự sự. Phật giải thích không phải lần đầu anh ta nổi giận vì bị khiển trách, mà trong tiền kiếp anh ta cũng đã từng làm như thế, và Phật kể:

Chuyện quá khứ

Con Khỉ Và Chim Singila

Thời xưa khi Phạm-ma-đạt cai trị Ba-la-nại, một con chim Sigila làm tổ trên vùng Hy-mã-lạp-sơn. Một hôm, vào mùa mưa, một con khỉ đến đó run rẩy vì lạnh. Chim thấy vậy bèn đọc kệ:

Như người, này anh khỉ!
Anh có đầu, tay chân,

Lý do gì bào chữa,

Không làm nhà che thân?

Khỉ nhận đúng như thế, nhưng biết không đủ trí khôn để cất nhà, bèn nói:

Này chim Singila,
Đầu và tay chân ta,

Tuy là giống người thật,

Nhưng người thông minh thật,

Còn ta tìm không ra.

Chim nghe qua hiểu ngay kẻ như thế không thể nào ở trong nhà, đáp với giọng khinh bỉ:

Kẻ nào không kiên định,
Bộp chộp và gian dối,

Không giữ được giới hạnh,

Sẽ không được phúc lành.

Này anh bạn khỉ ơi,

Hãy cố gắng tới nơi,

Cố hết sức mình để

Từ bỏ những thói xưa,

Xây một lều cho khỏi

Run lạnh vì gió mưa.

Khỉ bị mắng nhiếc, bừng giận, phen này quyết ra tay cho chim biết hạnh phúc là gì. Nó phá tan nát tổ chim tung ra gió. Chim thoát được bay mất khỉ tóm lấy tổ.

Rồi Thế Tôn hợp nhất những nhân vật trong Bổn Sanh:

- Khỉ lúc đó là Sa-di đốt nhà, chim Singila Đại Ca-diếp. Này các Tỳ-kheo, đây không phải là lần đầu Sa-di đốt nhà vì bất bình khi bị khiển trách, trong tiền kiếp cũng đã làm như thế. Ca-diếp, đệ tử Ta, nên sống một mình hơn là với kẻ cuồng dại.

Thế Tôn nói với Pháp Cú:

(61) Tìm không được bạn đường,
Hơn mình hay bằng mình,

Thà quyết sống một mình,

Không bè bạn kẻ ngu.

3. Kẻ Vận Rủi Trong Nhà

Con tôi, tài sản tôi...

Thế Tôn đã dạy câu trên khi ở Xá-vệ, liên quan đến chưởng khố A-nan.

3A. Chưởng Khố Keo Kiệt

Chưởng khố A-nan ở Xá-vệ, gia sản lên đến tám trăm triệu, nhưng lại là nhà đại keo kiệt, cứ mỗi nửa tháng, ông triệu tập thân tộc và dạy con trai là Mulasiri ba điều:

- Đừng tưởng rằng tám trăm triệu là món tiền lớn.

- Có được của chớ bao giờ cho ai.

- Luôn luôn ráng kiếm thêm nhiều nữa. Nếu hơ hỏng tiền bạc để lọt qua kẽ tay, tuy từng chút những chắc chắn, của cải sẽ bay mất.

kết luận:

Xem kìa hương sắc phai dần,
Kiến tha về tổ, chuyên cần làm sao!

Ong kia hút mật siêng năng,

Người khôn chăm sóc kỉ cang gia đình.

Sau đó ít lâu, ông chỉ chỗ năm kho của cải cho con trai rồi qua đời, bị ô danh vì tính keo kiệt. Ông đầu thai vào một trong số ngàn nhà Chiên-đà-la tại một ngôi làng kế Xá-vệ.

Vua hay tin phong cho con trai thừa kế ông làm chưởng khố.

3B. Kẻ Vận Rủi Trong Nhà

Ngàn gia đình này làm thuê kiếm sống. Nhưng kể từ ngày bà mẹ mang thai ông, họ không kiếm ra nổi, một đồng bạc cũng như một mẻo gạo để nuôi thân. Họ xì xào với nhau:

- Còn đang làm lụng mà đào ra không nổi một hột cơm, chắc phải có một tên vận đen trong chúng ta.

Họ chia ra hai nhóm, điều tra cặn kẽ, lòi ra tên xấu số đó, và đuổi mẹ ông đi. Từ lúc mang thai ông, bà phải vất vả lắm mới sống lây lất qua ngày, cuối cùng cũng sinh được bé trai. Tay, chân, mặt, mũi, miệng cậu bé không nằm đúng chỗ nên trông cậu bé thật quái dị, y như một tên quỷ đen đủi gớm ghiếc. Tuy vậy bà mẹ vẫn không bỏ rơi đứa con mang nặng đẻ đau, tình mẹ bao la. Bà rất chật vật để nuôi con, nếu mang theo ra đường thì chẳng nhận được gì, nếu để ở nhà thì còn được chút ít. Cậu bé lớn lên, và khi đến tuổi xin ăn được, bà đặt một miếng sành vào tay bảo:

- Mẹ con ta thật khốn đốn, cùng quẫn, mẹ không thể nuôi nổi con nữa. Con hãy đi xin, trong thành người ta bố thí cho người nghèo và du sĩ.

Cậu bé đi xin từng nhà. Cuối cùng đến nhà mà trong kiếp trước cậu là trưởng khố A-nan. Nhớ lại tiền kiếp, cậu bước thẳng vào trong, qua hết ba phòng mà chẳng ai trông thấy. Đến phòng thứ tư mấy đứa con nhỏ của trưởng khố Mulasiri hoảng sợ bật khóc. Đám gia nhân rượt đẩy cậu ta, đánh đuổi đi:

- Cút đi! Quái vật hết nước nói!

Rồi xô cậu vào đống rác.

Lúc bấy giờ Thế Tôn đi khất thực với Trưởng lão A-nan, và đến đúng nhà ấy. Để trả lời câu hỏi của Trưởng lão, Thế Tôn kể sự tình. Trưởng lão gọi Mulasiri đến, thế là đám đông tụ tập quanh. Mulasiri không nhìn ra ai khi Thế Tôn chỉ tên ăn mày. Thế Tôn bảo:

- Đó là cha ngươi.

Mulasiri không tin. Phật bảo tên ăn mày, tức chưởng khố A-nan, chỉ chỗ năm kho của cải. Cậu ta chỉ đúng. Mulasiri tin chắcqui y Phật. Thế Tôn nói Pháp Cú cho đúng:

(62) Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sanh ưu não,

Tự ta, ta không có,

Con đâu,tài sản đâu?

4. Kẻ Móc Túi

Người ngu nghĩ mình ngu ...

Thế Tôn dạy câu này ở Kỳ Viên, do chuyện hai tên trộm không còn thân thiết với nhau nữa.

Họ vốn thân nhau từ lâu, một hôm cùng với đám đông đến Kỳ Viên nghe pháp. Một người chú tâm nghe Phật thuyếtchứng quả Dự lưu. Người kia rình cơ hội để giở trò, thấy một món đồ đáng giá năm farthing (1 farthing bằng 1/4 xu) trong chéo áo một thính chúng, liền bợ ngay. Như vậy tên trộm chuyên nghiệp vẫn có được bữa ăn nấu thường ngày trong nhà, còn người cải tà quy chánh thì bếp lạnh nồi không, lại còn bị vợ chồng tên trộm kia nhạo báng chê cười:

- Anh khôn ngoan quá, đến nỗi không còn tiền để nấu cơm mà ăn!

Biết rằng bạn đồng nghiệp cũ của mình là kẻ ngu, không phải là người trí, anh ta cùng quyến thuộc đến Kỳ Viên, gặp Thế Tôn kể chuyện.

Phật dạy anh Pháp Cú:

(63) Người ngu nghĩ mình ngu,
Nhờ vậy thành có trí.

Người ngu tưởng có trí,

Thật xứng gọi trí ngu.

5. Trí Ngu

Người ngu, dù trọn đời...

Thế Tôn đã dạy như thế tại Kỳ Viên, do chuyện Trưởng lão Udàyi.

Khi các Đại Trưởng lão rời Pháp đườngUdàyi thường ngồi vào chỗ của các vị ấy. Một hôm có vài khách tăng đến, thấy như thế cứ tưởng Udàyi là một Đại Trưởng lão. Họ hỏi ông vài câu về ngũ uẩn, và vài vấn đề khác. Vỡ lẽ ra ông chẳng biết gì, họ khinh bỉ bảo nhau:

- Tỳ-kheo này là ai mà cùng sống trong tinh xá với Phật, nhưng lại không biết đến cả ngũ uẩn, tứ đại và căn trần?

Rồi họ thưa với Phật, Thế Tôn bèn dạy Pháp Cú:

(64) Người ngu dù trọn đời,
Thân cận người có trí,

Không biết được chánh pháp,

Như muỗng với vị canh.

6. Từ Trụy Lạc Tới Đức Hạnh

Người trí, dầu một khắc...

Đức Phật dạy câu này tại Kỳ Viên về ba mươi Tỳ-kheo Pàtheyyaka.

Thế Tôn đã thuyết pháp lần đầu tiên cho họ trong rừng Kappàsika, khi họ đang đi tìm người nữ.

Họ đều vâng theo lời của Phật: "Hãy đến, các Tỳ-kheo!" và nhận được y bát từ thần thông. Ai cũng giữ được Mười ba phạm hạnh, và sau một thời gian dài, họ trở về gặp Phật, nghe Phật thuyết về vô sanh. Trước khi rời chỗ ngồi, họ chứng A-la-hán.

Các Tỳ-kheo bàn tán trong Pháp đường:

- Chẳng bao lâu mà các vị này đã đắc pháp!

Phật nghe được liền dạy:

- Các Tỳ-kheo! Đây không phải là lần đầu ba mươi người bạn này phạm tội, mà trong tiền kiếp đã có. Nhưng khi nghe Maha Tundila thuyết pháp trong Bổn Sanh Tundila, họ được Pháp nhãn thanh tịnh và tuân giữ Ngũ giới. Chỉ có công đức này mà họ chứng A-la-hán ngay tại chỗ ngồi.

Và Phật nói Pháp Cú:

(65) Người trí, dầu một khắc,
Thân cận người có trí,

Biết ngay chân diệu pháp,

Như lưỡi với vị canh.

7. Một Người Cùi Bị Thử Thách Phủ Nhận Niềm Tin

Người ngu si thiếu trí...

Thế Tôn đã dạy như thế tại Trúc Lâm do chuyện người cùi Suppabuddha. Truyện này được kể trong kinh Udàna.

Người cùi Supabuddha ngồi vòng ngoài hội chúng nghe phápđắc quả Dự lưu. Anh ta muốn trình với Thế Tôn pháp lạc của mình, nhưng không dám bước vào giữa hội chúng. Đợi đến lúc mọi người đảnh lễ Phật xong, đi theo Phật một quãng ngắn và quay về, anh mới trở lại tịnh xá.

Trời Đế Thích thấy vậy muốn thử anh, liền bay đến, lơ lửng trên không, bảo anh:

Suppabuddha, anh nghèo hèn, khốn khổ. Ta sẽ cho anh vô số của cải nếu anh chịu nói "Phật không phải là Phật, Pháp không phải là Pháp, Tăng không phải là Tăng. Ta đã chán ngấy Pháp, chán ngấy Tăng".

Anh cùi hỏi lại:

- Ông là ai?

- Ta là Đế Thích.

- Đồ ngu, không biết xấu hổ, ông không xứng đáng nói chuyện với ta. Ông bảo ta nghèo túng và khổ sở. Trái lại ta được an lạc với tài sản to lớn: Tín tài, giới tài, tấn tài, tàm quý tài, văn tài, xả tài, định huệ tài, cả bảy kho báu này là của ta.

Ai có kho báu này,
Dù là nam hay nữ,

Không thể gọi nghèo khổ,

Đời họ chẳng rỗng suông.

Đó là bảy kho báu đáng quý, người có được thì đối với chư Phật và Phật Độc Giác không phải là nghèo.

Đế Thích nghe xong, đến kể lại cho Thế Tôn, và được Phật dạy là dù tiền muôn bạc ức cũng không thể thuyết phục người cùi phủ nhận niềm tin nơi Phật, Pháp, Tăng.

Và người cùi Suppabuddha đến chỗ Phật, được Ngài đón tiếp thân tình. Anh trình với Phật pháp lạc có được, dứng lên rồi đi ra. Đi được một quãng, anh bị con bê cái húc chết. Con bê này nguyên là Dạ-xoa tái sanh làm bò trong một trăm kiếp, đã giết bốn chàng trai trẻ: người quyền thế Pukkusati, Bahiya daruciriya, tên trộm ngoài vòng pháp luật Tambadathika, và người cùi Suppabuddha.

Chuyện quá khứ:

7A. Bốn Chàng Trai Và Cô Kỹ Nữ

Trong một tiền kiếp, bốn chàng trai này là con của một thương gia giàu có, và Dạ-xoa là một cô kĩ nữ tuyệt đẹp. Một hôm nọ dẫn cô đến vườn giải trí, hưởng lạc xong chiều đến, nghĩ rằng không ai ở đây ngoài họ, họ bàn nhau lấy lại một ngàn tiền đã trả, lột hết vàng giết cô ta rồi bỏ đi. Cô kĩ nữ nghe được, và khi bị giết, cô thề sau này sẽ thành Dạ-xoa, sẽ giết hại họ như họ đã giết hại cô. Và quả báo hiện ra y như thế.

Các Tỳ-kheo báo tin cho Phật về cái chết của người cùi, và hỏi Phật kiếp sau anh ta sẽ như thế nào, vì sao anh ta bị bệnh cùi. Phật cho biết anh ta đã chứng quả Dự lưu và sanh trên cõi trời ba mươi ba và Phật kể:

Chuyện quá khứ:

7B. Chàng Trai Láo Xược

Trong một tiền kiếp, gặp vị Phật Độc Giác Tagarasikhi, anh cùi đã nhổ nước miếng vào ngài vì cống cao ngã mạn. Anh ta phải chịu khổ não rất lâu ở địa ngục, nhưng quả báo chưa hết anh tái sanh làm người cùi.

Phật giảng tiếp cho các Tỳ-kheo:

- Này các Tỳ-kheo! Mọi chúng sanh trên thế gian dều bị quả báo ác nghiệt do hành nghiệp xấu ác.

Và Phật dạy thêm Pháp cú:

(66) Người ngu si thiếu trí,
Tự ngã thành kẻ thù,

Làm các nghiệp không thiện,

Phải chịu quả đắng cay.

8. Một Nông Dân Bị Kết Tội Oan

Nghiệp làm không chánh thiện....

Câu này đức Phật dạy tại Kỳ Viên, liên quan đến một nông dân.

Anh nông dân đang cày trên miếng ruộng gần thành Xá-vệ. Thấy Thế TônTrưởng lão A-nan làm thị giả đi ngang, anh đảnh lễtiếp tục cày. Thế Tôn không nói gì cả, Ngài đến chỗ túi tiền rơi - trước đó. Ngài quan sát thế gian thấy rõ túi tiền và mọi chuyện - chỉ cho A-nan và bảo:

- Hãy xem, A-nan, một con rắn độc!

A-nan thưa:

- Bạch Thế Tôn, con đã thấy, một con rắn độc chết người!

Anh nông dân nghe được, liền đến chỗ rắn, khi Phật và A-nan bỏ đi, định sẽ giết rắn. Nhưng đến nơi thấy túi tiền, anh chợt hiểu chắc Thế Tôn ám chỉ túi tiền là con rắn độc. Không cần biết đích xác những gì bên trong, anh đặt túi qua một bên, phủ đất lên và tiếp tục cày.

Trời sáng, nhà kia khám phá bị mất trộm, liền đuổi theo dấu bọn trộm, đến cánh đồng nơi chôn túi tiền, và thấy dấu chân anh nông dân. Đào đất, nhặt túi tiền lên xong, họ mắng nhiếc anh:

- Anh đã trộm nhà người và giờ đây anh làm bộ cày bừa, phải không?

Sau khi nện anh ta một trận đích đáng rồi, họ bắt dẫn anh lên kiện vua. Nghe qua sự tình vua ra lệnh xử tử. Quân lính trói thúc ké anh, kéo ra pháp trường, dọc đường còn đánh đập. Anh nông dân chỉ một bề lặp đi lặp lại:

- Hãy xem, A-nan, một con rắn độc!

- Bạch Thế Tôn, con đã thấy, một con rắn độc chết người!

Quân lính ngạc nhiên, hỏi anh ý nghĩa ra sao? Anh bảo sẽ giải thích nếu gặp được vua. Và anh được như ý. Trước mặt vua, anh kể lại mọi sự và xác nhận mình không phải kẻ trộm. Vua ngẫm nghĩ anh ta đã nêu danh Thế Tôn, bậc cao tột trong thế gian làm chứng, thì thật không đúng nếu kết tội, và vua quyết định dẫn anh đến gặp Phật để làm sáng tỏ vụ này.

Sau khi bạch Phật, dược Phật xác nhận câu chuyện xảy ra, cùng lời lẽ Phật đã thốt quả y như lời anh nông dân, vua hiểu hết tự sự. Chẳng qua là bọn trộm biết được một lối vào thành xuyên qua một suối nước bí mật. Họ đã đào một đường hầm đến nhà người giàu kia, trộm một số lớn tiền và vàng, rồi chạy thoát ra ngoài bằng con suối. Sau khi đánh lừa đồng bọn, một tên dấu riêng một túi tiền một ngàn đồng vào áo. Hắn cũng cùng đồng bọn đến cánh đồng để chia của. Xong xuôi bọn chúng giải tán, và túi tiền đó rớt lại mà hắn không hề hay biết. Vua bèn kết luận:

Bạch Thế Tôn, nếu anh nông dân không nói tên một bậc như ngài để làm chứng, chắc không khỏi chết. Anh đã tự cứu mạng do lặp lại lời của Phật.

Đại vương, Ta đã nói như thế đến khi đó. Một người trí sẽ không hành động để phải hối hận.

Rồi Phật đọc Pháp Cú:

(67) Nghiệp làm không chánh thiện,
Làm rồi sanh ăn năn,

Mặt nhuốm lệ, khóc than,

Lãnh chịu quả di thục.

9. Sumana - Người Làm Vườn

Và nghiệp làm chánh thiện...

Phật dạy câu này ở Trúc Lâm về người làm vườn Sumana. Mỗi ngày sáng sớm, người làm vườn Sumana hay dâng lên vua Bình-sa vương tám bó hoa nhài và nhận tám tiền mỗi bó. Nhưng hôm đó, trên đường mang hoa vào thành, anh thấy Đức Phật đang khất thực với chúng Tỳ-kheo đông đảo, phóng hào quang sáu màu, đầy hùng lực của một vị Phật. Anh nhận thấy thân Phật như một khối ngọc quý, một khối vàng ròng, với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của bậc đại nhân. Lòng phân vân không biết làm sao phục vụ, chợt thấy bó hoa, liền muốn dâng cúng Phật. Tuy biết rằng nhà vua có thể cầm tù, giết hay trục xuất khỏi nước nếu không dâng hoa cho vua, anh vẫn muốn cúng cho Phật. Anh nghĩ tiếp nếu dâng hoa cho vua đi nữa, bất quá chỉ nhận tiền đủ kéo dài mạng sống trong kiếp này, trong khi dâng cúng Thế Tôn sẽ được an lạc, được cứu độ hằng triệu kiếp không kể xiết. Do đó, anh làm vườn dâng mạng sống của mình cho Phật.

Niềm tin kiên cố và lòng hoan hỷ, anh ta tung hoa lên. Ban đầu hai bó lơ lửng trên đầu Phật như một bảo cái, hai bó tiếp bên phải, rồi phía sau, rồi bên trái, rủ xuống như một tấm màn. Như vậy tám bó hoa vây bọc Thế Tôn bốn phía, cuống hoa hướng ra ngoài và cánh hoa hướng vào trong, trước mặt Phật như có cổng chào, và chung quanh như những phiến bạc. Hoa tuy là loài vô tình, nhưng cư xử như có trí khôn, không dạt về một bên, không rơi xuống, đi theo khi Phật cử động, đứng yên khi Phật dừng lại. Hào quang tỏa ra hàng trăm tia từ thân Phật, trước và sau, phải và trái, và từ đỉnh đầu sáng rực. Không ai gặp Ngài mà bỏ đi. Họ nhiễu bên phải ba vòng quanh Ngài, tu hội đông như đám cây cọ chạy trước mặt Ngài. Cả thành náo động, chín mươi triệu dân bên trong với chín mươi triệu dân bên ngoài, không một người nào, dù đàn ông hay đàn bà không đến lễ với đồ cúng dường. Rống lên tiếng rống sư tử và vẫy lên hàng ngàn mảnh vải, đám đông khổng lồ đã diễn hành trước mặt Thế Tôn.

Để biểu dương hành động đáng quý của anh làm vườn, Thế Tôn tiếp tục đi qua thành một khoảng đường ba dặm theo nhịp trống định âm. Toàn thân anh ta tràn ngập năm điều hoan hỷ. Theo Thế Tôn một khúc đường, anh lọt vào vùng hào quang của Phật như thể lao vào biển son, xưng tán Phật, đảnh lễ Ngài, và xách giỏ không về nhà.

Anh ta kể chuyện cho vợ nghe. Vợ anh ta quá ngu si không tin sự mầu nhiệm như thế, tru tréo lên mắng nhiếc chồng:

- Vua chúa thì cay nghiệt và tàn bạo. Bị chọc giận thế nào cũng ra lệnh chặt tay, chặt chân hay xử hình phạt khác. Ông làm như thế thì bao nhiêu trừng phạt sẽ trút xuống cho tôi!

Rồi mang con đến hoàng cung, cô gặp vua kể lể việc làm của chồng, và tuyên bố cho cô biết là cô bỏ chồng.

Vua Bình-Sa vương là thánh đệ tử của Phật. Ngay lần đầu gặp Phật vua đã chứng quả Dự lưu, niềm tin kiên cố và tâm an bình. Vua hiểu người này quá ngu si, làm sao có thể tin một việc làm công đức như thế và ông giả vờ giận dữ quát lên:

- Mụ kia! Hắn đã dâng hoa của ta cho Thế Tôn à! Mụ bỏ hắn là phải. Ta sẽ xử sự với hắn. Dám cả gan dâng hoa của ta cho Thế Tôn. Nhờ nói thế, vua đuổi được cô ta về, rồi dến gặp Phật ngay, đảnh lễ Ngài và cùng đi. Phật biết tâm vua đang an bình, nên đi tiếp vào thành, kinh hành qua đường phố theo nhịp trống định âm, và dừng trước cổng hoàng cung. Vua đỡ bình bátthỉnh Phật vào. Phật tỏ ý ngồi trên sân hoàng cung, vua liền ra lệnh dựng cấp tốc một lều che và Phật ngự giữa lều với chúng Tỳ-kheo chung quanh.

Tại sao Phật làm như thế? Vì nếu vào hoàng cung, dân chúng sẽ không thấy được Phật, do đó sẽ không biết được hành động thiện của người làm vườn (bởi vì chỉ chư Phật mới tuyên dương rộng rãi đức hạnh của người tốt. Còn người tầm thường có kể lại cái tốt của người cũng chỉ để lộ lòng đố kị).

Bốn cụm hoa vẫn còn lơ lửng bốn phía. Dân chúng phụng sự Phật, còn nhà vua dâng lên Phật và Tăng đoàn món ăn thượng vị. Thọ thực xong, Phật hồi hướng công đức và với bốn cụm hoa bao quanh như trước đây, Phật và đám đông hân hoan reo hò cùng về Tinh xá.

Vua tiễn Phật một đoạn đường rồi quay về gặp anh làm vườn. Hỏi thăm và được anh kể lại lời đã nói với Phật khi xưng tán Ngài rằng vua có thể giết hay đuổi anh ra khỏi nước, vua khen anh là một bậc đại nhân và thưởng tám voi, tám ngựa và tám gia nhân, tám nữ tỳ và tám bộ châu báu lộng lẫy, tám ngàn đồng tiền, tám cung nữ trong hậu cung trang điểm đầy đồ trang sức, và tám làng chọn lọc.

Trưởng lão A-nan nghe tiếng reo hò hân hoan suốt ngày từ sáng sớm, thắc mắc không biết anh làm vườn được phước báo gì, hỏi Phật và được Phật đáp:

- Này A-nan! Hành động của người làm vườn không phải là việc nhỏ. Anh ta đã giao mang sống cho Ta và xưng tán Ta. Vì đặt niềm tin nơi Phật, anh ta sẽ không rơi vào đường khổ suốt trăm ngàn kiếp, mà còn được quả phúc ở cõi trờicõi người, và sẽ thành vị Phật Độc Giác tên Sumana.

Khi Thế Tôn về đến Tinh xá, bước vào hương thất, hoa của Sumana rơi trên tường cổng.

Buổi chiều, các Tỳ-kheo bàn tán tại Pháp đường về anh làm vườn. Phật từ hương thất tiến đến, vào Pháp đường bằng một trong ba ngõ, ngồi vào tòa Như Lai, hỏi các Tỳ-kheo, nghe họ kể xong. Phật bảo:

- Đúng vậy, các Tỳ-kheo! Chỉ nên làm việc gì đừng ân hận về sau, mỗi khi nhớ lại chỉ thấy hoan hỷ.

Và Phật nói Pháp Cú:

(68) Và nghiệp làm chánh thiện,
Làm rồi không ăn năn,

Hoan hỷ ý đẹp lòng,

Hưởng thọ quả dị thục.

10. Upplavannà Bị Cưỡng Bức

Người ngu nghĩ là ngọt...

Nhân chuyện Uppalavannà, Thế Tôn đã dạy như trên tại Kỳ Viên.

Uppalavanà, đã lập nguyện với Phật Padumuttara, sau khi tạo công đức suốt một trăm ngàn kiếp từ loài trời đến loài người, mạng chungcõi trời vào thời Phật hiện tại, và tái sinh tại Xá-vệ là con gái một thương gia giàu có. Nước da cô như màu đài sen xanh nên có tên là Uppalavannà, tức Liên Hoa Sắc. Đến tuổi cập kê, tất cả các vương tôn công tử nước Diêm-phù-đề đến cầu hôn. Ông thương gia không biết giải quyết cách nào bèn bảo con gái đi tu. Dây là kiếp chót của cô trước khi chứng Niết-bàn nên lời của ông cha, như dầu đã được tinh chế trăm năm, rưới lên đầu cô. Do đó cô bằng lòng. Ông chuẩn bị những món quà đắt giá cho cô, và dẫn cô đến Ni đoàn, cô được nhận.

Chẳng bao lâu, cô được giao việc mở và đóng Bồ-tát đường. Thắp đèn và quét dọn xong, cô chăm chú nhìn ngọn đèn, chú tâm vào yếu tố của lửa, nhập định. Xuất định, cô chứng A-la-hán và đắc thần thông.

Sau đó cô hành hương khất thực trong xứ, trở về cô phải qua một khu rừng rậm. Thời đó các ni cô không bị cấm ở trong rừng. Họ dựng cho cô căn lều, đặt một giường và treo màn chung quanh. Ra khỏi rừng, cô đến Xá-vệ khất thực rối trở về lều của mình. Lúc đó, một người Bà-la-môn bà con với cô tên Ananda, đã đem lòng yêu cô từ khi cô còn ở thế gian, nghe cô đi khất thực, liền vaò rừng trước cô, trốn dưới trong lều.

Trở về lều, đóng cửa lại, cô lên gường ngồi, không thấy gì trong tối vì cô mới ở ngoài sáng vào. Cô vừa mới lên giường thì tên trẻ tuổi từ dưới gầm chun ra và leo lên. Cô la:

- Đồ điên! Chớ hại ta!

Nhưng tên kia, dù bị kháng cự, đã cưỡng bức cô, và bỏ đi. Không thể chịu nổi sự đồi bại của hắn, đất nứt ra nuốt hắn và hắn bị đọa vào địa ngục A-tỳ.

Cô kể cho các ni cô việc đã xảy ra. Các Tỳ-kheo nghe ni cô kể lại bạch với Phật, và được Phật dạy:

- Này các Tỳ-kheo! Kẻ ngu có thể là bất cứ ai, Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo ni, cư sĩ nam hay nữ, phạm tội ác thấy vui thích, sung sướng hay khoái lạc khi phạm tội, như thể được ăn mật, đường hay vị ngọt nào khác.

Và Phật đọc Pháp Cú:

(69) Người ngu nghĩ là ngọt,
Khi ác chưa chín muồi,

Ác nghiệp chín muồi rồi,

Người ngu chịu khổ đau.

Sau đó các Tỳ-kheo bàn tán trong Pháp đường:

- Ngay cả người đã thoát khỏi dục lạc rồi vẫn ưa thích khoái lạc tình áithỏa mãn dục vọng. Tại sao không? Họ đâu phải là cây Kolàpa hay ụ kiến, mà là con người bằng xương bằng thịt.

Phật nghe bèn dạy rằng:

- Này các Tỳ-kheo! Người đã giải thoát khỏi dục vọng, không ưa thích khoái lạc tình ái cũng không thỏa mãn dục vọng. Như một giọt nước rơi xuống lá sen, không thấm vào lá, cũng không đọng trên lá, nhưng lăn đi và rơi xuống, như hạt cải không bám vào đầu mũi kim, cũng không ở lại đó, mà lăn đi và rơi xuống. Cũng vậy, tình yêu đôi lứa không vướng bận tim người đã giải thoát khỏi dục lạc thế gian.

Và Phật đọc Pháp Cú trong phẩm Bà-la-môn:

(401) Như nước trên lá sen,
Như hạt cải đầu kim,

Người không nhiễm ái dục,

Ta gọi Bà-la-môn.

Bấy giờ Phật mời vua Ba-tư-nặc đến bảo:

- Đại vương, trong giáo đoàn của Ta, thanh nữ và thanh niên gia giáo rời bỏ quyến thuộctài sản, từ bỏ thế gian, vào ngụ trong rừng. Đối với giới nữ trong rừng có thể có những người tâm địa xấu, bị lưả dục nung nấu, vô lễ và ngạo mạn với họ, cưỡng bức họ, làm uổng phí đời tu của họ. Như thế cần xây dựng chỗ cư trú cho Ni chúng trong thành.

Vua tuân hành. Từ đó chư ni chỉ được ở trong thành.

(Xem tiếp Phần 2)

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
10/10/2012(Xem: 22383)
10/02/2014(Xem: 23464)
16/09/2014(Xem: 17603)
01/08/2011(Xem: 28090)
12/07/2011(Xem: 35372)
17/11/2013(Xem: 43806)
16/11/2011(Xem: 33385)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.