- 01. Phật Pháp căn bản
- 02. Đạo nào cũng là Đạo
- 03. Đốt vàng mã một hủ tục mê tín cần hủy bỏ
- 04. Quan điểm của Phật giáo về vấn đề xem tử vi bói toán
- 05. Cúng sao giải hạn
- 06. Cầu nguyện và tụng kinh
- 07. Vấn đề cúng lễ người quá vãng
- 08. Xét lại câu tục ngữ "đời cha ăn mặn đời con khát nước" qua lăng kính Đạo Phật
- 09. Hái lộc đầu xuân
- 10. Bơ và những viên ðá cuội
- 11. Hôn nhân đồng tính
- 12. Thấy tu, thầy chùa, hay thầy cúng
- 13. Bài pháp rất ngắn của Đức Đạt Lai Lạt Ma dành cho Phật tử Việt Nam trên đỉnh Dharamsala
- 14. Quan niệm giải thoát trong Phật giáo và Bà la môn giáo
- 15. Đức phật có thuyết pháp hay không thuyết pháp
- 16. Tâm chân như và tâm sinh diệt
- 17. Ứng dụng Thiền vào việc tập luyện thể dục
- 18. Cuộc đời thì vô thường, sự sống chỉ có mặt ngay trong giây phút hiện tại
- 19. Sống trong giây phút hiện tại
PHẬT PHÁP TRONG ĐỜI SỐNG
Tâm Diệu
Nhà xuất bản Hồng Đức 2014
18
CUỘC ĐỜI THÌ VÔ THƯỜNG,
SỰ SỐNG CHỈ CÓ MẶT
NGAY TRONG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI
Nếu chúng ta nhìn kỹ lại bản thân thì sẽ thấy là dường như chúng ta ít khi thực sự sống ngay trong giây phút hiện tại, mà thường để tâm trí hồi tưởng về những việc trong quá khứ hoặc suy nghĩ, tính toán tới những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai.
Trong khi đó, đối diện với người và việc trước mặt, ngay trong hiện tại, thì lại lơ là, chứ chúng ta không chú tâm, không sống hết mình với giây phút hiện tại. Đôi khi người đối diện chúng ta nói, nhưng chúng ta thì lại còn đang mải nghĩ về những vấn đề nào đó của riêng mình đến nỗi chính người đối thoại phải hỏi: “Ủa, anh/chị đang nghĩ gì thế, có nghe tôi nói không vậy?”. Đó là tình trạng “sống say, chết mộng”, không “thực sự sống”.
Đức Phật là vị giác ngộ. Đạo Phật là đạo Giác Ngộ. Giác ngộ cái gì? Giác ngộ chính con người thật, bộ mặt thật từ ngàn đời trước khi chúng ta trôi lăn vào dòng sông sinh tử, bị làn sóng tâm ý thức lôi cuốn, nhận chìm vào vòng vô minh tham ái sinh diệt, tạo ra cái thế giới hiện tượng tương đối này, nó vốn là cái gì?
Nhà Phật quan niệm rằng giác ngộ được nguồn gốc của kiếp nhân sinh rồi thì mình tự giải thoát ra khỏi được sự ràng buộc của mê vọng, của vòng luân hồi sinh tử. Muốn thế, người hành giả phải hoàn toàn thanh tịnh hóa được tâm mình, chấm dứt mọi suy nghĩ mông lung, tâm viên ý mã.
Mục tiêu tối hậu là giác ngộ giải thoát hoàn toàn, nhưng giáo lý nhà Phật đã chia con đường lớn ra thành từng đoạn đường ngắn hay còn gọi là những bước đi nhỏ để mọi người, tùy theo hoàn cảnh, cơ duyên, đều có thể tự mình đạt được từng bước giải thoát trong đời sống hằng ngày. Những bước giải thoát nho nhỏ này chính là sự thực tập trong ngày, dành đôi chút thì giờ để “sống trong giây phút hiện tại”. Đó chính là những giây phút mà tâm trí con người thoát ra khỏi sự o ép căng thẳng vì những sự suy nghĩ triền miên về quá khứ và tương lai.
Những nỗi thống khổ của kiếp người có thể chia đại cương ra thành hai nhóm, thân khổ và tâm khổ. Nghèo đói, bệnh tật, vân vân, là thân khổ. Buồn rầu ghen tức, tiếc nuối, lo sợ, vân vân, là tâm khổ. Nhưng thường thì hai loại khổ này đều có liên hệ mật thiết với nhau, thân khổ thì tâm cũng thấy khổ. Tuy nhiên, người mãi chạy theo mê vọng quá thì sẽ có thể bị những nỗi khổ mà lẽ ra không đáng bị khổ, thí dụ nghèo đói, thất nghiệp thì lo sợ ngày mai không có cơm ăn. Nhưng nếu không nghèo đói, mà lại vẫn quá lo sợ về một tương lai sẽ nghèo đói, rồi từ đó nẩy sinh ra những sự quá lố, keo kiệt, bon chen, bần tiện khiến cho tâm trí bị o ép, không được giải thoát ngay cả những khi có thể sống thanh thản thì thật là đáng tiếc.
Nhà Phật theo con đường trung đạo. Mỗi Phật tử đều có thể áp dụng giáo lý nhà Phật vào hai giai đoạn tu tập, giai đoạn thứ nhất là ứng dụng giáo lý vào đời sống tương đối hàng ngày để đem lại niềm an lạc và giải thoát cho mình và cho xã hội và giai đoạn thứ hai là giai đoạn tu tập để giác ngộ giải thoát triệt để.
Trong đời sống hàng ngày thì ứng dụng hai quy tắc “Không làm những điều xấu ác” và ”Siêng làm những việc tốt lành”, thực hiện được những điều này, người Phật tử tin chắc sẽ được hưởng quả báo tốt lành. Nếu đã làm toàn những điều tốt lành mà vẫn gặp những điều xấu thì người Phật tử biết rằng họ đang phải trả những món nợ cũ, những ân oán trong quá khứ mà họ đã tạo.
Và một con đường thứ hai dành cho những người muốn hoàn toàn giác ngộ, giải thoát, thì bản thân người hành giả phải tự mình thanh tịnh hóa tâm, chấm dứt dòng suy nghĩ miên man che mờ Chân Tâm, để Trí Tuệ Bát Nhã, cũng còn gọi là Phật Tánh, hoặc Chân Tâm, hiển lộ.
Đối với nhà Phật thì “quá khứ qua rồi, tương lai chưa đến”, sự sống của chúng ta chính ở ngay giây phút hiện tại này. Nhà Phật đã ví sự sống của mỗi sinh vật tiếp giáp với cuộc đời cũng như cái bánh xe lăn trên mặt đất, nó chỉ tiếp cận ngay tại khúc cong ngắn ngủi của cái bánh xe đúng vào lúc lăn trên đất mà thôi. Cũng như mỗi sinh vật đều chỉ “sống thật” ngay lúc đang hít vào và thở ra, hơi thở trước thì đã chấm dứt, hơi thở sau thì chưa xuất hiện - và có thể sẽ không bao giờ xuất hiện, nếu đương sự thở ra mà không hít vào nữa, thì cuộc đời đã chấm dứt rồi. Cho nên chỉ có giây phút hiện tại là quan trọng mà thôi.
Do đó, đức Phật dạy rất nhiều pháp môn để cho đệ tử nhà Phật tu tập, ngõ hầu đạt được khả năng nhận biết được khi tâm ý thức của mình hoạt động miên man, lăng xăng, nhảy nhót từ chuyện này qua chuyện khác, từ quá khứ chạy qua tương lai, như con vượn chuyền cành, như con ngựa lồng phi nước đại. Nhận biết được để mà lập tức chấm dứt dòng thường lưu suy tưởng, đem tâm trở về hiện tại, đó là những pháp môn tu như Quán Niệm Hơi Thở, Tứ Niệm Xứ, Thiền Tông, Thiền Minh Sát Tuệ, Niệm Phật, vân vân . . .
Trong bài kinh Nhất Dạ Hiền Giả, đức Phật dạy:
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Đêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Đêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.
****
Mải mê với quá khứ và tương lai, chúng ta quên mất hiện tại. Cũng như câu chuyện ẩn dụ về một người bị cọp đuổi, anh ta phóng mình chạy, không kịp coi trước coi sau, lọt ngay xuống một cái giếng khô bỏ hoang. May thay, anh quơ tay chụp vội được cái rễ cây cổ thụ thòng xuống thành giếng. Bám chặt rễ cây, anh nhìn lên miệng giếng, thất kinh hồn vía khi thấy hai con chuột trắng và đen đang gặm rễ cây. Trong lúc tuyệt vọng, anh nhìn thấy một chùm nho đong đưa trước mặt. Vừa đói vừa khát, chùm nho đối với anh bây giờ chính là nguồn tiếp nối sự sống, anh vươn cổ tới gặm một trái, ôi mới ngon ngọt mát mẻ làm sao!
Có nhiều lối giải thích câu chuyện, nhưng nếu giải thích theo tinh thần bài này: “Cuộc đời thì vô thường, đầy bất trắc, sự sống chỉ có mặt ngay trong giây phút hiện tại” thì rõ ràng đối với anh chàng này, nghĩ về quá khứ giầu sang hoặc tương lai huy hoàng đều không ích lợi gì nữa, chỉ có quả nho trong hiện tại là giúp cho anh sống còn mà thôi. Cọp rượt dụ cho những bươi chải trong cuộc đời, lọt xuống giếng dụ cho những hiểm nguy mà con người thường gặp, chuột trắng và đen dụ cho ngày và đêm cứ lẳng lặng gặm mòn dần đời sống của kiếp người và cái rễ cây sẽ bị gặm đứt bất cứ lúc nào là dụ cho vô thường đến bất chợt, không ai có thể biết trước.
*****
Trong đời sống tương đối, không có cái gì vĩnh cửu, tất cả đều trong vòng “sinh, trụ, dị, diệt”, có nghĩa là mỗi sự vật đều xuất hiện, có mặt một thời gian, biến đổi dần, rồi chấm dứt, hoặc là chết, hoặc là tan vỡ. Đôi khi, có những sự vật không kịp đi đủ chu kỳ, sự chết hoặc tan vỡ đến bất thình lình, quá mau, khiến cho không ai biết trước được thời điểm biến mất của nó. Vậy mà chúng ta lãng quên đi, cứ tưởng rằng những người thân kia sẽ hiện hữu mãi mãi với chúng ta, cho nên chúng ta không tiếc những phút giây hiện tại, có thể là những giây phút cuối cùng trong cuộc đời mà họ và chúng ta có nhau. Chúng ta lơ là, không "sống thực sự" với họ trong lúc còn có thể, để rồi đây nếu chẳng may vô thường ập đến, thì lúc đó chúng ta có tiếc nuối cũng đã quá muộn màng.
Ngày 26 tháng 12 năm 2004, trong khi cuộc sống của mọi người thế giới đang trôi chảy, một ngày như mọi ngày, người nào việc nấy, thì bỗng nhiên thiên tai giáng xuống, trong vòng giây lát, một cơn sóng lớn như trái núi bằng nước ầm ầm đánh ập vào một miền bờ biển Á Châu, đập tan cả một vùng nhà cửa mênh mông vốn là vùng nghỉ mát trù phú, giết chết trên hai trăm ngàn người. Tai nạn xảy ra chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, vừa bằng thời gian uống một chén trà.
Một phóng viên nhà báo có kể lại như sau:
“…Vào cái ngày định mạng đó, Tilly Smith – một cháu bé gái 10 tuổi người Anh – đang đứng trên bờ biển Maikhao thuộc tỉnh Phuket, Thái Lan. Cả gia đình cháu đang vui vẻ thưởng thức cảnh sóng ngoài khơi cuồn cuồn đập vào bờ ra. Những người lớn thấy lạ thì chăm chú nhìn một cách tò mò. Nhưng cháu Tilly thì khiếp sợ, hét lên thất thanh:
- Chúng ta phải chạy ra khỏi bờ biển ngay lập tức, mẹ ơi, con sợ rằng đây sẽ là tsunami!
Đám người lớn ngẩn ra tỏ vẻ không hiểu cho đến khi Tilly hét thêm một từ ngữ thần diệu ngắn gọn:
- Một cơn sóng lớn khủng khiếp!
Lời cảnh báo của em được truyền đi như lửa cháy rừng. Trong giây phút, cả bãi biển bỗng vắng ngắt. Nhờ thế, vùng Maikhao trở thành một trong số rất ít nơi thoát được cảnh người chết hoặc thương tích nặng nề.
Mẹ cô bé kể lại: “Nghe con tôi la thất thanh, tôi chạy vội vàng ra khỏi bãi biển về khách sạn, phóng vội lên lầu vì nghĩ rằng nơi đó an toàn. Mấy phút sau, sóng biển đánh thốc vào ngay cái bãi biển đó và xóa tan tất cả mọi thứ trên đường sóng thần lướt qua. Thật là một quang cảnh kinh hoàng và tôi rất hãnh diện rằng con gái tôi đã biết để mà báo nguy cho mọi người.
Cũng là tình cờ may mắn mà Tilly có dịp biết được đó là tsunami. Vì cháu vừa mới được học về động đất ngay trước khi đi du lịch, kiến thức còn nóng hổi trong đầu, em đã cứu được biết bao nhiêu người"…
Trên đây là một trong số hiếm hoi những người chạy thoát lưỡi hái của tử thần. Ngoài ra, những hoàn cảnh thương tâm làm đau xót lòng người thì đầy dẫy, xuất hiện ngay trong buổi sáng ngày hôm sau, 27 tháng 12 năm 2004, khi ánh mặt trời ló dạng thì cũng là lúc sự thật kinh hoàng phơi bày trước mắt.
Đó đây, những người mẹ thất thần đi tìm con, lật lên từng cái xác, từng cái xác mà khi dòng nước rút lui đã bỏ lại trên bãi cát. Tiếng những người mẹ khóc gào thảm thiết, đó đây còn văng vẳng: - Con ơi, con ơi, con đâu rồi, con ơi, ...
Và những gương mặt tuyệt vọng của những người cha nhẫn nại mò mẫm trong những đống xác đã trương phình, mùi hôi xông lên nồng nặc để tìm đứa con thân yêu bé nhỏ từ nay xa cách ngàn đời. Không ai dám nhìn vào đôi mắt bi thương tuyệt vọng của những người mẹ, những người cha tội nghiệp.
Trong một ngôi chùa ở Batapola, Tích Lan, cháu Sujeewa Samarasingha, một cháu bé có cha mẹ, gia đình khá giả, có nhà cao cửa rộng, có quần áo đẹp đẽ, bỗng nhiên một buổi sớm mai, cháu mất tất cả, trở thành một trẻ mồ côi, được các nhà sư Phật giáo đem về sống tạm trong chùa, được nuôi bằng lòng hảo tâm của các thí chủ bố thí vật thực. Cháu kể lại: Tất cả gia đình cháu đều biến mất hết, nhà cửa bị phá sập, quần áo bị cuốn đi…
****
Trong đời sống tương đối này, không có gì là vĩnh cửu, thường hằng, tất cả đều trong vòng “thành, trụ hoại, không”, có nghĩa là mỗi sự vật đều xuất hiện, có mặt một thời gian, biến đổi dần, rồi chấm dứt, hoặc là chết, hoặc là tan vỡ. Nên nhà Phật có lời khuyên như sau:
Ngày hôm nay đã qua đi
Mạng sống đã thu ngắn lại
Như cá trong chậu thủy tinh
Dưới đáy có một lỗ nhỏ
Mỗi ngày rơi một giọt nước
Sống tối đa một trăm năm
Nhưng vô thường bỗng đến thăm
Cái chậu vỡ thành từng mảnh
Con cá giẫy giụa dưới đất
Rồi mắt nhắm lại, im lìm.
Mạng sống đã thu ngắn lại
Như cá trong chậu thủy tinh
Dưới đáy có một lỗ nhỏ
Mỗi ngày rơi một giọt nước
Sống tối đa một trăm năm
Nhưng vô thường bỗng đến thăm
Cái chậu vỡ thành từng mảnh
Con cá giẫy giụa dưới đất
Rồi mắt nhắm lại, im lìm.
Đại chúng,
Hãy nhớ đời người lâu nhất
Cũng chỉ một trăm năm thôi
Nhưng nếu vô thường đến gấp
Thì cuộc đời chấm dứt ngay
Cơ duyên gặp được Phật pháp
Hãy nên tu tập đêm ngày
Như lửa cháy đầu, tinh tấn
Một đời giải thoát mới hay.
Cũng chỉ một trăm năm thôi
Nhưng nếu vô thường đến gấp
Thì cuộc đời chấm dứt ngay
Cơ duyên gặp được Phật pháp
Hãy nên tu tập đêm ngày
Như lửa cháy đầu, tinh tấn
Một đời giải thoát mới hay.