Tiến sĩ Alexander Berzin, Matt Lindén
Lozang Ngodrub chuyển Việt ngữ; Võ Thư Ngân hiệu đính
Tất cả chúng ta được sinh ra với tiềm năng có lòng bi mẫn, khi ta ước mong người khác thoát khổ và nhân tạo khổ. Ta có thể phát triển khả năng đó, để đem lại vô vàn lợi lạc cho tự thân và tha nhân.
Cách tốt nhất để bắt đầu phát triển tâm bi là giới hạn phạm vi nhắm vào những người mà ta gặp gỡ ngoài đời, qua mạng lưới điện tử, và có thể một số thú vật. Dần dần, ta sẽ luyện tập để nới rộng lòng bi đến tất cả mọi người: những người ta yêu thích, người lạ, và thậm chí những người mà ta thật sự không ưa thích chút nào. Ta sẽ tiếp tục cho đến khi lòng bi của mình bao trùm cả thế giới, đúng vậy, ngay cả những con gián!
Lòng bi có cả hai yếu tố cảm xúc và lý lẽ. Về mặt cảm xúc, ta cần phải đánh giá cao tính phụ thuộc lẫn nhau của tất cả sự sống trên hành tinh này. Nền kinh tế toàn cầu và tất cả những thứ mình hưởng thụ như thức ăn, quần áo, đồ phụ tùng, nhà cửa, xe cộ, v.v…, xuất xứ từ công lao vất vả của người khác. Nếu không nhờ người khác thì chúng ta sẽ không có đường sá, điện, xăng, nước hay thức ăn. Chỉ riêng điều này thôi cũng sẽ khiến ta tri ân người khác, một trạng thái hạnh phúc dẫn đến điều mà ta gọi là “tình thương ấm áp”. Càng quán chiếu về cảm giác tri ân này nhiều hơn thì ta sẽ càng trân quý người khác mạnh mẽ hơn, như một bà mẹ sẽ cảm thấy đau lòng, nếu như điều gì đáng sợ sẽ xảy ra với đứa con duy nhất của mình. Ta sẽ buồn bã khi người khác gặp điều không may, nhưng không thương hại hay tội nghiệp cho họ. Ta sẽ đồng cảm với họ, như thể khó khăn của họ là vấn đề của chính mình.
Cơ sở lý lẽ để mở rộng lòng bi đồng đều cho tất cả mọi người thì rất rõ rệt, nhưng đó là điều mà nhiều người thậm chí không hề nghĩ đến: tất cả mọi người đều bình đẳng khi muốn được hạnh phúc, và tất cả mọi người đều bình đẳng khi muốn thoát khỏi khổ đau và bất hạnh. Hai điều này là sự thật, không cần biết ai đó là người gần gũi hay xa cách với mình, không cần biết họ có thể làm gì. Thậm chí, nếu họ có tạo ra nhiều tổn hại thì họ làm như vậy là vì vô minh, mê lầm và hoang tưởng, vì ý tưởng lầm lạc rằng nó sẽ có lợi cho họ, hay cho xã hội, chứ không phải vì họ xấu xa một cách cố hữu; không có ai “xấu xa” một cách cố hữu cả. Vì vậy nên việc phát tâm bi đối với họ là điều hợp lý và thích đáng, bởi vì họ không muốn đau khổ, cũng như mình.
Thiền Quán Về Lòng Bi
Việc tu tập để phát triển lòng bi sẽ xảy ra theo các giai đoạn có cường độ khác nhau. Trước tiên, ta sẽ chú tâm vào nỗi khổ của những người mình ưa thích, rồi những người trung dung, rồi đến những người mình không thích. Cuối cùng thì ta sẽ chú tâm vào nỗi khổ của tất cả mọi người, ở khắp nơi, một cách đồng đều.
Ở mỗi giai đoạn, ta sẽ phát khởi ba cảm giác:
- Nếu như họ được thoát khổ và nhân tạo khổ thì tuyệt diệu biết bao nhiêu.
- Nguyện cho họ thoát khổ; tôi ước mong cho họ thoát khổ.
- Nguyện cho tôi có thể giúp họ thoát khổ.
Vậy thì lòng bi chứa đựng sự sẵn sàng giúp đỡ tha nhân thoát khỏi khó khăn và khắc phục nỗi bất hạnh của họ. Lòng bi tin rằng khó khăn có thể được giải quyết, bằng cách áp dụng các phương pháp thực tiễn, nghĩa là không có hoàn cảnh nào là vô vọng. Thế thì lòng bi trong đạo Phật là một tâm thái tích cực, sẵn sàng bắt tay vào việc bất cứ lúc nào để tạo lợi lạc cho tha nhân.