Sơ Quát Về Chữ Niệm Trong Đạo Phật Qua Duy Thức Học

28/04/20222:52 CH(Xem: 4390)
Sơ Quát Về Chữ Niệm Trong Đạo Phật Qua Duy Thức Học

SƠ QUÁT VỀ CHỮ "NIỆM"
TRONG ĐẠO PHẬT QUA DUY THỨC HỌC

Khánh Hoàng

hoa senTheo định nghĩa thông thường, “Niệm” chính là nhớ nghĩ. Đó là hoạt động thuộc phạm vi tinh thần, thuộc phạm vi tâm thức cơ bản nhất.  Niệm cũng chính là sự sống vi tế, thâm sâu, u uẩn nhất mà lại thường trực nhất của con người nói riêng và của tất cả chúng sinh có khả năng tư duy, tư lương nói chung. Ngay khi thân tứ đại đang có đây bị chết đi , bị hoại diệt, không còn hoạt động nữa (như khi tim ngừng đập, phổi ngừng thở...), Niệm vẫn còn hiện hữu nơi thần thức  lưu chuyển hướng tìm đến, bám trụ vào các sinh duyên mới để hình thành một sinh thể khác.  Niệm có nhiều dạng loại, trạng thái và tên gọi khác nhau trong đời sống thường ngày như tưởng niệm, mặc niệm,  suy niệm, hoài niệm, ức niệm,. ..Trong đạo Phật, chúng ta lại thường hay nghe về khởi niệm, động niệm, tà niệm, tạp niệm, thất niệmvọng niệm, chánh niệm, vô niệm… 

Theo giáo lý Duy Thức Học, Niệm được cảm nhận là sự biểu hiện động thái, tướng trạng, hành trạng, dụng năng của tâm thức.  Bắt đầu từ  thức A Lại Da (còn gọi là Thức Thứ Tám, Tàng Thức, A Đà Na Thức, Căn Bản Thức...) mầm mống Niệm được khởi phát với 5 Biến Hành tâm sở (Tác Ý, Xúc, Thọ, Tưởng, và Tư). Hiển Dương Thánh Giáo Luận (Tác giả: Đại sĩ Vô Trước (310-390), Dịch giả Phạn- Hán: Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang(602-664), Dịch giả Hán- Việt: Quảng Minh) giải thích về 5 tâm sở Biến Hành được ghi nhận và cảm nhận khái quát như sau:

“1. Tác Ý: được sinh ra từ chủng tử nơi A Lại Da thức, dựa vào A Lại Dasinh khởi,  cùng tương ưng với A Lại Da, và cùng A Lại Da chuyển hiện.

2. Xúc: là sự phân biệt có được từ bộ Ba Hòa Hợp là Căn, Cảnh, và Thức.  Xúc làm chổ sở y cho tâm sở Thọ tiếp nối theo ngay sau đó.

3. Thọ: là cảm nghiệm, lãnh nạp (những cảm nhận, cảm giác…)

4. Tưởng: là những ảnh tượng, ấn tượng, hình bóng... trong tâm thức được tiếp nối ngay sau tâm sở Thọ.

5. Tư: là ý nghiệp nơi cảnh khiến có tâm tạo tác các điều thiện, ác, phi thiện phi ác... “

Duy Thức Học nêu rõ thức A Lại Da có tánh chất vô phú, vô ký nên rất mênh mang, khoáng đạt, không trụ, không nương chấp, chưa có phân biệt về thiện hay ác. Do đó, 5 Biến Hành tâm sở của A Lại Da cũng tương ưng có tánh chất rất nhẹ nhàng, mông lung, chưa có đủ sức lực bám trụ, mà chỉ cuồn cuộn chảy xiết theo nghiệp lực của chủng tử tập khí:

"Thị vô phú vô ký                (Tạm dịch: Là vô phú, vô ký
Xúc đẳng diệc như thị          Năm Biến Hành đều vậy
Hằng chuyển như bộc lưu    Luôn chuyển động như dòng thác chảy xiết
A La Hán vị xả"                  Bậc A La Hán mới xả bỏ thức này)


Một vị tăng hỏi thiền sư Thiên Nhan: “Thế nào là Lý Bản Thường ?”. Thiền sư Thiên Nhan đáp : “Động”.. Vị tăng lại hỏi “Khi động thì sao?”. Ngài đáp : “Chẳng phải Lý Bản Thường”. Ở đây, câu trả lời của thiền sư Thiên Nhan đã chỉ thẳng vào ngay động thái từ Bản Thức A Lại Da nơi người nêu ra câu hỏi.

Sau 5 tâm sở Biến Hành (Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, Tư) , chữ "Niệm" được đề cập ngay  ở phần  5 tâm sở Biệt Cảnh.  Theo Du Già Sư Địa Luận (Bồ tát Di Lặc thuyết giảng, Đại sĩ Vô Trước  ghi chép,   Pháp sư Huyền Trang (602 -664) dich từ Phạn văn sang Hán Văn, sa môn Thích Giác Phổ và cư sĩ Trần Phá Nhạc dịch từ Hán sang Việt ), 5 tâm sở Biệt Cảnh được giải thích như sau :

 “1. Dục: là ý muốn, vui thích làm (tánh hành động), là tạo nghiệp phát động.

   2. Thắng giải: là rõ biết để theo đó mà làm (tánh năng tùy thuận), là tạo nghiệp đối với sở duyên, giử gìn công đức.

   3. Niệm: là nhớ nghĩ rồi theo đó mà làm (tánh ghi nhớ), là tạo nghiệp nhớ nghĩ đối với việc đã nghĩ

   4. Định  (Tam Ma Địa): là tánh xem xét sâu một cảnh tâm sở y, là tạo nghiệp làm chổ nương của trí

   5. Tuệ: là tánh chọn lọc các pháp, do như lý dẫn dắt hay không, là tạo nghiệp hý luận nhiễm ô, thanh tịnh  đối với sở hành, thuận theo thúc đẩy tìm hiểu”.

Hiển Dương Thánh Giáo Luận cũng ghi nhận chi tiết thêm về Niệm (Biệt Cảnh Tâm Sở) như sau:  "Niệm là khiến tâm nhớ rõ, không quên lãng đối với cảnh quen thuộc, và là chổ sở y cho Định (Đẳng Trì). Như kinh nói là đối với các pháp mà có Niệm, có Tùy Niệm (nhớ lại cảnh đã từng trải qua), có Biệt Niệm (nhớ lại biệt tướng của các pháp), nhớ không quên mất, ghi nhận rõ ràng trong tâm, làm tự tánh…”.  

Năm tâm sở Biệt Cảnh này không có ở A Lại Da Thức. Ở Mạt Na Thức cũng chỉ bắt đầu có xuất hiện tâm sở Tuệ (tâm sở Biệt Cảnh thứ 5).  Vậy thức A Lại Da (Thức 8) và  thức Mạt Na (Thức 7) đều chưa có Niệm chính thức mà chỉ được xem như mới có những mầm mống chao động sơ khởi (5 tâm sở Biến Hành và 1 tâm sở Tuệ của 5 tâm sở Biệt Cảnh) làm căn nguồn cần thiết để khởi niệm.  Niệm chỉ chính thức có ở nơi Tiền Lục Thức bao gồm Ý Thức và Tiền Ngũ Thức (Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức) trong đó Niệm đươc phát triễn mạnh mẽ sung mãn nhất ở nơi Ý thức.

Như thế, có thể phân biệt 2 nguyên nhân khởi niệm chính yếu là:

1. Niệm do tác động tương tác từ bộ ba hòa hợp Căn- Cảnh - Thức :  Bộ ba hòa hợp này thường xuyên có mặt  ngay trong đời sống sinh hoạt thường ngày, ở thời điểm hiện tại với cảnh trần hiện tiền : 6 căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) khi tiếp xúc 6 cảnh trần (Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) sẽ tác động hình thành niệm khởi phát sinh 6 Thức (Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, Ý Thức)  nơi Bát Thức Tâm Vương. Bát Thức Tâm Vương bao gồm A Lại Da Thức (Thức 8, Căn Bản Thức, Tàng Thức ..., có dụng năng tích tập, tích chứa các chủng tử), Mạt Na Thức (Thức 7, có dụng năng tư lương, phân biệt chấp ngã), Ý Thức (Thức 6, có dụng năng tư duy, phân biệt chấp cảnh) và Tiền Ngũ Thức (là phần Căn Bản Thức nương tựa  nơi 5 cơ quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, có dụng năng tiếp thu trần cảnh rồi đưa bóng dáng trần cảnh về cho Ý Thức phân biệt).  Niệm khởi nơi Thức  này có liên quan mật thiết với dụng năng phân biệt của Ý Thức với sự hội đủ 3 thành phần: 6 Căn (một hay nhiều căn của 6 căn), 6 Cảnh (một hay nhiều trần cảnh của 6 trần cảnh), 6 thức (một hay nhiều thức trong Tiền Ngũ Thức và thêm Ý Thức). Thí dụ như khi ta đến trước một thác nước (cảnh trần), mắt (nhãn căn) thấy rõ thác nước, tai (nhĩ căn) nghe tiếng nước chảy xiết đập mạnh vào nền đá, mũi(tỹ căn) ngửi mùi nước, thân thể tay chân (thân căn) tiếp xúc, cảm nhận được sự mát lạnh từ bụi nước...rồi ta liền khởi niệm nhận biết về danh loại "À! đây gọi là thác nước, không là suối nước, ghềnh nước hay vật nào khác..". Từ niệm khởi về danh loại (Danh), tự động sẽ có môt loạt các dòng niệm phân biệt khác được hình thành, đại loại  như về danh xưng, các nhận xét,các cảm thọ, cảm xúc, các ý định, ước muốn … về thác nước .: "thác nước này tên gì ?, thác nước đẹp quá, hùng vĩ quá, cần phải chụp ảnh lưu niệm, cần ghi nhớ  vị trí nơi này để ngày sau có thể quay lại du lịch ...” Các niệm khởi này phản ánh cung cách tiếp nhận cảnh trần, cách sống của mỗi con ngườihiện tại mà cũng là mầm nhân sinh khởi đời sống của chúng sanh trong tương lai.  Do vậy, Niệm chính là kết quả hiện thời của sự tương kiến, tương tác nơi bộ ba hòa hợp Căn- Cảnh -Thức và cũng là bóng dáng của mầm nhân đã được gieo trồng từ bao nhiêu kiếp sống quá khứ.  Niệm khởi lên nơi Ý thức cùng với các Tâm sở tương ưng (nhất là với các tâm sở phiền não) sẽ tạo nên Ý nghiệp dưới dạng chủng tử tập khí, rồi các chủng tử này sẽ được cất chứa vào kho Tàng Thức A Lại Da.  Đây được xem như một dạng thể những giao ước, hẹn hò …mà ta mặc nhiên tự ý ký kết với cảnh trần:  các giao ước, hẹn hò này sẽ không bị mất đi mà trái lại, chúng dần dà được tích tập, tích chứa rất an toàn, rất ẩn mật nơi kho tàng chủng tử A Lại Da Thức, rồi sau đó tùy duyên sẽ trở thành những mầm nhân cho luân hồi, nhân quả trong các kiếp sau. Điều này giải thích  tại sao mỗi con người lại có dáng vóc, cử chỉ, cách cư xử, tánh tình không giống nhau, và tại sao có khi lại "vừa nhìn là thương..." hoặc "vừa thấy liền ghét"...

2. Niệm do từ kho chủng tử (Tàng thức A Lại Da) lưu xuất: là niệm khởi không cần thông qua đầy đủ bộ ba hòa hợp Căn- Cảnh - Thức  nêu trên  vì loại niệm này không cần đến 5 căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) và 5 trần cảnh hiện tiền (sắc thanh hương vị xúc) nữa  mà niệm chỉ do từ 3 thức chính yếuA Lại Da Thức, Mạt Na Thức  và Ý Thức . Đặc biệt, ở loại niệm khởi này, Ý Thức không còn giữ vai trò phân biệt sở duyên cảnh trần ở bên ngoài như ở loại niệm trước  mà ở đây, Ý Thức chỉ phân biệt  pháp trần. Pháp trần chính là sở duyên cảnh trần nơi nội tâm (cảnh trần "pháp", cảnh trần thứ 6 của 6 cảnh trần):  pháp trần hiện khởi từ sự vận hành của các chủng tử khi nội tâm đã vắng xa, không còn có ảnh hưởng từ các cảnh duyên bên ngoài nữa. Đây là niệm khởi trong các giấc mơ khi ngủ (của phàm phu) hoặc khi 5 căn (Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân) và  5 thức (Tiền Ngũ Thức) dù còn sinh hoạt nhưng không có  tiếp nhậnphân biệt 5 cảnh trần bên ngoài (sắc, thanh, hương, vị, xúc), cũng là niệm khởi khi ngồi thiền của các hành giả tu thiền định nhưng chưa có đầy đủ định lựctuệ lực để không bị ảnh hưởng đến, không màng đến, không bị vướng bận đến Niệm khởi hay chưa có đủ Giác Lực để chiếu soi làm suy tổn, biến hoại các chủng tử nghiệp thức

Cả 2 nguyên nhân khởi niệm trên đều có liên quan mật thiết đến sự chuyển động của 8 thức Tâm Vương.   Sự chuyển động này  phát xuất từ nguồn năng lượng kho tàng chủng tử nghiệp thức nên dòng Niệm khởi có đặc tánh căn bản là tuôn chảy chảy rất mạnh mẽ , dữ dội, cuồng bạo như thác nước,  gọi là "bộc lưu"  mà kinh Thủ Lăng Nghiêm đã nêu rõ qua 4 câu kệ:

"Đà Na vi tế thức           (Tạm dịch:  "Thức Đà Na vi tế
Tập khí thành bộc lưu                          Tập khí như thác nước
Chơn phi chơn khủng mê                     Thật không thật mê loạn
Ngã thường bất khai diễn"                   Ta thường không khai diễn".

Đặc tánh cuồng bạo này của dòng Niệm khởi cũng được kinh Bộc Lưu nhắc đến như sau:  “Như vầy tôi nghe,  một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc). Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn.  Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, vị Thiên ấy cung kính hỏi và được đức Phật khai thị như sau :

-  “Bạch Thế Tôn, Ngài vượt qua bộc lưu như thế nào ?”

- “ Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu”.

-“ Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?”

-“ Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu”.

Vị Thiên liền đọc bài kệ tán thán:

“Từ lâu, tôi mới thấy.

Bà-la-môn tịch tịnh.

Không đứng, không bước tới,

Vượt chấp trước ở đời”.

Vị Thiên ấy nói như vậy và bậc Đạo Sư chấp nhận. Vị Thiên ấy biết được: "Thế Tôn đã chấp nhận ta". Vị ấy đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi biến mất.”

  
Đạo Phật là đạo tu tâm. Duy Thức tông quan niệm "nhất thiết duy tâm tạo" (tất cả chỉ từ nơi tâm mà được tạo thành) và "vạn pháp duy thức" (mọi sự vật là do từ thức phân biệt).  Niệm lại là đơn vị nguyên ủy, cơ bản nhất, thực tế nhất của tâm thức nên để tu tâm hiệu quả, cần rõ biết và dần dà làm chủ được niệm. Vì niệm niệm hiện đang sinh khởi nơi chính mình, ngay nơi tâm thức của chính mình: các niệm này đang là tâm ta, cái tâm đang có niệm niệm tiếp nối nhau sinh sinh diệt diệt với đủ loại hình tướng, sắc thái, dạng loại ... Mổi mỗi động tâm  là mỗi mỗi niệm, còn tâm (thức) là còn niệm. Ngay trong giáo lý Tứ Thánh Đế (4 sự thật, 4 chân lý, 4 căn bản về Thế Gian và về tu tập  Xuất Thế Gian),  ý nghĩa về chữ "Niệm"  đã được khai thị, chỉ bày, phân biệt rõ qua từng giai đoạn tu tập  37 phẩm Trợ Đạo của Đạo Đế (một trong Tứ Thánh Đế).   37 phẩm Trợ Đạo gồm có 7 phần bao gồm Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, và Bát Chánh Đạo. 7 phần này không tách rời, biệt lập nhau mà được xem là chuổi tiến trình tu tậpliên hệ gắn kết tuần tự, tiếp nối mật thiết với nhau, trong đó hành trạng, dạng thể của Niệm khởi không đồng nhất mà cứ dần dà được chuyển biến,  tiến hóa từ địa vị phàm phu đến các bậc hiền thánh mà cao nhất là các quả vị Tứ Thánh Thanh Văn hoặc Thập Địa Bồ Tát.

           
Phần Tứ Niệm Xứ Quán ( = Tứ Niệm Trú Quán) là giai đoạn tu tập đầu tiên của Đạo Đế để bắt đầu thể nhậpTứ Thánh Đế. Trong giai đoạn này, hành giả do đã có được Tín tâm nơi Tam Bảo  nên gia công nhớ nghĩ, quán sát  tập trung niệm quán vào ngay nơi đời sống hiện tại của bản thân mà không phải là niệm vào các thế sự vặt vãnh tầm thường hằng ngày mà là niệm ngay vào nơi thân và tâm của chính mình, niệm về "Xứ" ("Xứ Niệm") trong nội tâm, niệm về nơi giao tiếp giữa 6 căn và 6 cảnh trần, niệm về tác động của 6 cảnh trần vào nơi 6 thức tâm của chính mình mà thấu biết được về các cảnh trạng đau khổ (Khổ Đế) nơi thân tâm.  Bốn đối tượng sở duyên của Tứ Niệm Xứ Quán là Thân, Thọ, Tâm, và Pháp. Sự thể nhập Lý Tứ Đế được biểu hiện qua sự nhận biết rõ về các dạng thể, trạng thái của "Khổ" (Khổ Đế) như bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã...nơi 4 đối tượng sở duyên này. Cách thực hành của pháp tu này thường được nhắc đến là: "Quán Thân Bất Tịnh, Quán Thọ Thị Khổ, Quán Tâm Vô Thường, Quán Pháp Vô Ngã". Thật ra các hệ lụy này của Khổ Đếliên quan, tương hệ rất khắn khít, chặt chẻ, chằng chịt với nhau, không một, không khác (bất nhất bất dị)  nên khó có thể cho rằng Thân chỉ là bất tịnh hay Tâm chỉ là vô thường..., mà Thân và Tâm... đều chỉ bị bao trùm bởi một khối khổ rộng lớn, khổng lồ, trong đó có bao hàm đầy đủ tất cả các hành tướng  của Khổ Đế (khổ, không, vô thường, vô ngã...). Vì thế,  Biện Trung Biên Luận (Bồ Tát Di Lặc thuyết kệ, Bồ Tát Thế Thân (316-396) luận giải, ngài An Huệ (475-555) thích sớ, ngài Chân Đế (499-569) dịch Phạn sang Hán, Quảng Minh dịch Hán sang Việt)  gọi Tứ Niệm Xứ Quán là Tu Khai Giác. Hiển Dương Thánh Giáo Luận cũng ghi nhận Tứ Niệm Xứ Quán chỉ là Quán Sát Tâm với ý nghĩaquán thân chính là quán tâm chấp thọ, quán thọ chính là quán tâm lãnh nạp, quán tâm chính là quán tâm liễu biệt, và quán pháp chính là quán tâm nhiễm tịnh…

Đến phần Tứ Chánh Cần, còn gọi là "Tứ Chánh Đoạn" (phần 2 của 37 Trợ Đạo Phẩm), "Niệm" không còn là thuần túy quán sát, ghi nhận, hiểu biết như ở Tứ Niệm Xứ Quán nữa mà đã có thêm sự nhận định, thẩm giá về các việc Ác,  các việc Thiện đã nghĩ, đã làm trong quá khứ và lại có thêm sự định hướng để tinh tấn, tu tập (như giục tâm, giữ tâm, phát khởi Chánh Cần...) trong hiện tại và trong tương lai. Tinh Tấn (Chánh Cần) không phải chỉ là sự tiến bộ, tiến hóa ("Tấn"), sự cần cù, chăm chỉ ("Cần") đơn thuần, phổ quát không có định hướng mà có bao hàm thêm ý nghĩa tinh luyện, trong sáng, trong sạch ("Tinh"), chánh trực, thiện lành ("Chánh").  Sự định hướng để tinh tấn, tu tập này cũng thường được gọi tên là "Như Lý Tác Ý" hoặc là "Như Lý Khởi Tư Duy": tác ýtư duy theo định hướng thiện lành, định hướng Tam Huệ Học (Văn- Tư- Tu).  Đây cũng là khởi đầu cho Giới Vô Lậu Học (Vô Lậu Học thứ nhất của Tam Vô Lậu Học:  Giới- Định- Tuệ). Như thế, “Niệm quán sát” nơi Tứ Niệm Xứ đến đây đã được gia cố trở thành “Niệm phân biệt về giảm Ác, tăng Thiện” nơi Tứ Chánh Cần. Biện Trung Biên Luận gọi tu tập Tứ Chánh Cần là Tu Tổn Giảm. Hiển Dương Thánh Giáo Luận cho rằng tu tập Tứ Chánh Cần sẽ hình thành được  Như Ý Túc đầu tiên (Dục Như Ý Túc) của 4 Như Ý Túc.  Hiển Dương Thánh Giáo Luận ghi nhận về  ý nghĩa của Tứ Chánh Cần như sau:

“1. Pháp ác (các phiền não) đã sanh thì khởi ước muốn, nổ lực phát khởi Chánh Cần, giục tâm, giữ tâm để đoạn trừ chúng, 

2. Pháp ác chưa sanh thì khởi ước muốn, nổ lực phát khởi Chánh Cần, giục tâm, giữ tâm để giữ cho chúng không sanh,

3. Pháp thiện (Văn- Tư- Tu, Tam Huệ Học) chưa sanh thì khởi ước muốn, nổ lực phát khởi Chánh Cần, giục tâm, giữ tâm để phát sinh chúng,

4. Pháp thiện đã sanh thì khởi ước muốn, nổ lực phát khởi Chánh Cần, giục tâm, giữ tâm để an trú, không quên lãng, tu viên mãn, tăng trưởng rộng lớn thêm".

Đến phần Tứ Như Ý Túc (còn gọi là "Tứ Thần Túc"), “Niệm phân biệt về giảm Ác, tăng Thiện” nơi Tứ Chánh Cần lại được phát triển thêm một bậc.  Đến đây, Niệm không còn theo đuổi, bám chấp nơi Thân- Thọ- Tâm- Pháp của Tứ Niệm Xứ Quán và nơi Thiện Ác ba thời của Tứ Chánh Cần nữa, mà Niệm chỉ thuần túy trở về nghĩ nhớ, quán sát, ghi nhận ngay vào nơi nội tâm của chính mình, mổi mỗi động tâm trong tu tập là mỗi mỗi niệm cần được nghĩ nhớ, quán sát, ghi nhận.  Có 4 Như Ý TúcDục Như Ý Túc, Cần (Tinh Tấn) Như Ý Túc, Tâm Như Ý Túc, và Quán Như Ý Túc với ý nghĩa được ghi nhận theo Hiển Dương Thánh Giáo luận là:

“1. Dục Như Ý Túc:  là Dục Tăng Thượng nên đắc Tam Ma ĐịaDục Như Ý Túc và ba Như Ý Túc còn lại đều là các loại Tam Ma Địa (Định). Dục Như Ý Túc được gọi là  Dục Tăng Thượng Tam Ma Địa . Định này  bắt nguồn từ  công phu tu tập Tứ Chánh Cần, từ nơi tâm mong muốn các ác pháp bị trừ diệt, không còn hiện hành và mong muốn các pháp thiện được hiện hànhtăng trưởng thêm lên. Định sau đó được tiếp tục triển chuyển ra thành Tâm Trú Nhất Cảnh Tánh.

2.  Cần Như Ý Túc: là Cần Tăng Thượng nên đắc Tam Ma Địa . Đây là  tinh tấn, dũng mãnh, nhiệt thành, siêng năng tu tập 8 pháp Đoạn Hành để chứng đắc Tâm Trú Nhất Cảnh Tánh.

Tám pháp Đoạn Hành là pháp tu căn bản của Tứ Như Ý Túc, đặc biệt ở 3 Như Ý Túc sau  (Cần Như Ý Túc, Tâm Như Ý Túc, và Quán Như Ý Túc).  Tám pháp Đoạn Hành bao gồm:

(1) Dục : là tâm mong muốn các ác pháp bị trừ diệt, không còn hiện hành và mong muốn các pháp thiện được hiện hànhtăng trưởng thêm lên.

(2) Cần (Tinh Tấn): là siêng năng tu tập Xa Ma Tha (Chỉ) và Tỳ Bát Xá Na (Quán).

(3) Tín: là nhân tố để khởi Dục, là sở nhân cho Dục, do từ Tín mà có Dục sanh khởi.

(4) An: là nhờ có Tinh Tấnthân tâm không còn nặng nề, thô nặng mà trở nên nhẹ nhàng, thư thái để có thể kham nhiệm.

(5) Chánh Niệm: là phòng hộ tâm hôn trầmtrạo cử của Tùy Phiền Não khiến cho tâm ghi nhớ, không quên.

(6) Chánh Tri: là tâm liền nhận ra, nhận thấy, nhận biết bất cứ khi nào có Tùy Phiền Não hiện hành.

(7) Tư: là tâm tạo tác trong khi Tịnh Chỉ (tâm chán ghét các cảnh sở duyên nổi lên từ trạo cử) và khi Sách Cử (tâm phấn chấn trở lại sau khi hôn trầm)

(8) Xả: là tâm bình đẳng, chánh trực, an trú Bất Nhiễm Ô, đã rời xa trạo cử, hôn trầm.

3. Tâm Như Ý Túc: là Tâm Tăng Thượng nên đắc Tam Ma Địa. Đây là hành giả tu tập hạnh Xa Ma Tha, tư duy nội pháp (các Tưởng Uẩn, Hành Uẩn của 5 Uẩn), đắc Tâm Trú Nhất Cảnh Tánh mà thành tựu Tam Ma Địa.

4. Quán Như Ý Túc: là Quán Tăng Thượng nên đắc Tam Ma Địa. Đây là do công phu tu tập quán sátthành tựu Tam Ma Địa: hành giả nghe học Chánh Pháp, ghi nhớ rồi  dùng trí tuệ giản trạch, quán sát, biến giác quán sát mà đắc Tam Ma Địa”.

Biện Trung Biên Luận gọi tu tập Tứ Như Ý Túc là Tu Oánh Sức, qua đó tâm sẽ có được tánh Kham Năng, tánh có thể đảm đương tu tập 5 thứ Tăng Thượng là: Tăng Thượng Dục, Tăng Thượng Gia Hành, Tăng Thượng Không Quên Cảnh Sở Duyên, Tăng Thượng Không Tán Loạn, và Tăng Thương Tư Trạch. 5 Tăng Thương này theo thứ tự là bước đầu hình thành và phát triển ra 5 Căn là Tín Căn, Tấn Căn, Niệm Căn, Định Căn, và Tuệ Căn. Do vậy,  tu tập Tứ Như Ý Túc được gọi là Thuận Giải Thoát Phần, có khả năng diệt trừ 5 thứ lầm lỗi, chướng ngại đến tu tậpgiải đãi, hôn trầm, trạo cử, không tác hành, và tác hành.

Duy Thức Học cho rằng công phu tu tậpTứ Như Ý Túc thuộc về Tứ Gia Hạnh Vị của Duy Thức Hanh. Công phu này chưa đạt đến Duy Thức Tánh vì còn có chổ sở đắc như được diễn đạt qua bài kệ sau:

" Hiện tiền lập thiểu vật    (Tạm dịch:       Ngay đây xong chút vật

  Vị thị Duy Thức tánh                              Chưa là Duy Thức tánh

  Dĩ hữu sở đắc cố                                    Với còn có chỗ đắc

  Phi thật trụ Duy Thức"                           Không là thật trụ Duy Thức).

Như thế, dạng loại Niệm ở nơi công phu tu tập Tứ Như Ý Túc đã có phân biệt rõ ràng về thiện-ác, đã có định hướng tu tập vững vàng về các công phu Chỉ- Quán, và đã có những thành quả nhất định từ công phu tu tập qua các thành tựu bốn loại Định Như Ý  (Dục Tăng Thượng Tam Ma Địa , Cần Tăng Thượng Tam Ma Địa,  Tâm Tăng Thượng Tam Ma Địa , Quán Tăng Thượng Tam Ma Địa)  và Tâm Trú Nhất Cảnh Tánh.  Đây cũng là khởi đầu cho Định Vô Lậu Học  (Vô Lậu Học thứ nhì của Tam Vô Lậu Học  Giới- Định- Tuệ).  Ngoài ra, chữ "Chánh Niệm" đã bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên nơi tu tập Tứ Như Ý Túc với ý nghĩaan trú tâm nơi Chỉ (Xa Ma Tha) để không quên, không rời lìa cảnh sở duyên (Định tâm nơi cảnh sở duyên).  Các thành quả này là tiền đề cơ bản để xây dựng và hình thành hai phần tiếp theo của tu tập 37 Trợ Đạo Phẩm là 5 Căn và 5 Lực.

Năm Căn gồm có Tín Căn, Tấn Căn, Niệm Căn, Định Căn, và Tuệ Căn. Chữ "Căn" ở đây có thể được hiểu như căn nguồn, cội nguồn, căn cứ địa, căn cứ xuất phát nơi khởi phát  ra 5 trạng thái hoạt dụng thiện lành của tâm thức là Tín, Tấn, Niệm, Định, và Tuệ . Ý nghĩa của 5 Căn được ghi nhận theo luận Hiển Dương Thánh Giáo là:

“1. Tín Căn: là do thế gian đạo khiến tâm thanh tịnh, trong sáng, không dơ bẩn, lìa Tùy Phiền Não, được trú Bất Động. Rồi sau cầu Thánh Đế Hiện Quán đễ vĩnh đoạn Tùy Miên, tu tập các phương tiện đối trị, nhờ đó tăng khởi Thượng Tín

  2. Tấn Căn (Chánh Cần Căn): là dựa vào Tín Căn, tu tăng tiến dũng mãnh, câu hành với Tín Căn.

  3. Niệm Căn: là dựa vào Tấn Căn nên trí sáng tỏ, không quên lãng, câu hành với Tấn Căn.

  4. Định Căn (Đẳng Trì Căn): là dựa vào Niệm Căn, Tâm Trú Nhất Cảnh, câu hành với Niệm Căn.

  5. Tuệ Căn: là dựa vào Định Căn, Tuệ giản trạch các pháp, câu hành với Định Căn”.

Như thế, nếu nói riêng về ý nghĩa chữ "Tín" nơi Tín Căn,  Tín đây không còn là niềm tin sơ khởi nơi Tam Bảo qua các hình tướng trang nghiêm bên ngoài hoặc qua các giáo pháp được lãnh hội ban đầu như niềm tin ở giai đoạn tu tập Tứ Niệm XứTứ Chánh Cần nữa. Tín nơi Tín Cănniềm tin nay đã được gia cố, vững chắc thêm với các thành quả tu tập cụ thể , hiệu quả chân thực  khi tu tập Tứ Như Ý TúcNgũ Căn để bắt đầu đạt được Tứ Gia Hạnh quả vị. Các thành quả này bao gồm 4 Tăng Thượng Tam Ma Địa và Tâm Trú Nhất Cảnh Tánh ở giai đoạn tu tập Tứ Như Ý Túc, nay ở giai đoạn tu tập Ngũ Căn lại tiếp tục có thêm  Thánh Đế Hiện Quán (Quán sát mà không thông qua sự phân biệt của Ý Thức nơi  nghĩa lý của Tứ Thánh Đế: Khổ- Tập- Diệt- Đạo), lìa Tùy Phiền Não, vĩnh đoạn Tùy Miên…. Chính do điều này, có thể nói "Tín" của Tín Cănlòng tin được phát khởi từ các căn cứ địa tâm thức vững chắc nên rất khó bị lay chuyển hoặc dời đổi bởi các thế lực, điều kiện bên ngoài (như các thế lực, các ảnh hưởng của ngoại đạo, tà đạo, tà sư, ác hữu...).

Đồng bộ theo  với Tín Căn, 4 Căn còn lại (Tấn, Niệm, Định, Huệ) cũng có những tiến triển tương ưng,  không còn như trước nữa. Như sức tinh tấn của Tấn Căn, sức nhớ nghĩ của Niệm Căn, sức chuyên chú của Định Căn, sức sáng tỏ của Tuệ Căn nay đều được gia cố thêm, kiên trì hơn, bền chắc hơn do đều đã có thêm căn cứ địa vững chãi.  Đây cũng là bước của khởi đầu của Tuệ Vô Lậu Học (Vô Lậu Học thứ ba của Tam Vô Lậu Học  Giới- Định- Tuệ).  Vì thế, tu tập 5 Căn sẽ khiến đạt được 2 giai vị đầu tiên (Noãn Vị và Đảnh Vị) của Tứ Gia Hạnh Vị. Tuy nhiên, hai giai vị này còn thuộc giai đoạn Tầm Tư nên cần phảiý ngôn, được giải thích theo Biện Trung Biên Luận là:

“1. Noãn Vị: (Noãn là ấm nóng) là giai đoạn tâm thức cảm thấy được ấm nóng, là giai đoạn báo hiệu sắp có lửa, ánh sáng nơi Thánh Đạo. Ở giai vị này, hành giả quán thấy các pháp tự tướng, các pháp cộng tướng đều chỉ là ý ngônhoạch đắc Trí Pháp Minh, quán sát được chân xác các cảnh sở duyên của các pháp.

   2. Đảnh Vị: (Đảnh là đỉnh đầu, đỉnh núi) là từ Noãn Vị được tăng trưởng rồi thành mãn mà chuyển lên”.

Mặt khác, dù đã có căn cứ địa để xuất pháttu tập đúng hướng nhưng sức lực của Tín- Tấn - Niệm- Định- Tuệ nơi 5 Căn còn được xem là chưa đủ mạnh vì chúng có thể còn bị thoái chuyển. Theo Biện Trung Biên Luận, thiện căn nơi 5 Căn còn được xem là thiện căn động (thiện căn có thể bị thoái động), chỉ là lớp đầu tiên của Thiện Căn Thuận Quyết Trạch Phần. Luận này cho rằng công phu tu tập ở 5 Căn chỉ là Tu Phát Thượng nghĩa là tu tập để gia cố thêm cho tu tập 4 Thần Túc, tăng thượng phát triển 4 Thần Túc ra thành 5 Căn.

Qua đến phần tu tập 5 Lực (5 Thần Lực), sức mạnh của lòng tin (Tín Lực), của sự tinh tấn (Tấn Lực), của sự nhớ nghĩ, không quên chánh pháp, giữ gìn Chánh Niệm  (Niệm Lực), của sự chuyên chú tâm (Định Lực), của khả năng tư duy quán chiếu (Tuệ Lực) đều đã được tăng trưởng phát triển thuần thục nên nay hoàn toànđủ khả năng đàn áp, làm tổn diệt các chướng ngại trong tu tập như các tà tín, bất tín (do từ nơi Tín Lực), sự biếng nhác, giải đãi (do từ nơi Tấn Lực), các tà niệm, thất niệm, loạn tâm (do từ nơi Niệm Lực), các thứ loạn tưởng, phiền não...(do từ nơi Tuệ Lực).  Biện Trung Biên gọi tu tập 5 Lực là Tu Lân Cận. Đến đây, sau khi đã thành mãn thêm công phu tu tập 5 Căn và 5 Lực gọi là đã hoàn tất được  Thuận Quyết Trạch Phần. Phần này có 2 lớp là lớp 5 Căn (của Noãn Vị và Đảnh Vị) và lớp 5 Lực (của Nhẫn Vị và Thế Đệ Nhất Vị). Biện Trung Biên Luận giải thích về Nhẫn Vị và Thế Đệ Nhất Vị (giai vị thứ ba và thứ tư của Tứ Gia Hạnh Vị) như sau:

"3. Nhẫn Vị: Nhẫn là xác nhận (nhẫn khả) các pháp chỉ toàn là duy tâm, nên từ đây không còn bị thoái đọa trong tu tập nữa.

  4. Thế Đệ Nhất Vị: là thấy rõ cả thế gian chỉ là pháp hữu lậu. Trong các pháp hữu lậu này, pháp Hiện Quán của Bồ Tát là hơn cả nên gọi là Thế Đệ Nhất. Đến đây, Bồ Tát ngộ nhập Cảnh Không nên Thức không còn phát sinh, làm điều kiện đưa đến Định Vô Gián để phát sinh Trí Vô Lậu, gọi là đắc nhập Kiến Đạo và Chánh Tánh Ly Sanh”.

Do vậy, giai vị Thế Đệ Nhất của Tứ Gia Hạnh là do công phu tu tập Hiện Quán Thánh Đế, quán sát thành công, thấu rõ được Lý Tứ Đếba cõi (Dục Giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới) mà có đủ được 16 Tâm (16 Trí) cần thiết để "Thấy Đạo"(Kiến Đạo), đắc giai vị Nhập Lưu (Tu Đà Hoàn).

Qua đến phần tu tập Thất Giác Chi (Thất Biến Giác Chi), các luận Biện Trung BiênHiển Dương Thánh Giáo đều nêu rõ rằng Thất Giác Chi là giai đoạn tu tập chuyên biệt, dành riêng cho giai vị Kiến Đạo (Kiến Đạo Vị),  của các bậc đã đắc nhập Kiến Đạo, đã đạt được Thánh  vị Tu Đà Hoàn (quả vị Nhập Lưu hay Dự Lưu Quả) tương đương với quả vị Sơ Địa Bồ Tát (Hoan Hỷ Địa hay Cực Hỷ Địa) của Thập Địa Bồ Tát.  Qua hiển thị của hai bộ luận này, Thất Giác Chi được định nghĩa là "7 chi hổ trợ cho Tuệ Giác (Vô Phân Biệt Như Như Trí)”. Bảy chi này bao gồm:

“1. Niệm Giác Chi: là chi sở y cho Tuệ Giác, là tâm trí sáng tỏ Thánh Đế, không quên Thánh Đế. Đây là do đã có đủ thiện lực để Kiến Đạo hiện tiền, đắc nhập xuất thế Vô Công Dụng, Vô Phân Biệt.

  2. Trạch Pháp Giác Chi: là chi tự tánh của Tuệ Giác, là do đã có Tuệ Giác vô phân biệt, vô công dụng nên y chỉ nơi Niệm, cùng Niệm câu hành, vì thế hiểu rõ, giác ngộ Thánh Đế.

  3. Tinh Tấn Giác Chi: là xuất ly của Tuệ Giác, là sanh tâm dũng mãnh nơi Thánh Đế.

  4. Hỷ Giác Chi: là lợi ích của Tuệ Giác, là có tâm hỷ duyệt nơi Thánh Đế.

  5. Khinh An Giác Chi: là Vô Nhiễm của Tuệ Giác, có thể là Tuệ tâm sở, là có thân tâm kham nhiệm ở trong Chân Đế Hiện Quán (Kiến Đạo ly Tam Giới), lấy tánh Kham Năng làm chỗ dụng công tu tập

   6. Định (Tam Ma Địa) Giác Chi: cũng là Vô Nhiễm của Tuệ Giác, là chỗ sở y của Vô Nhiễm để có được Chuyển Y, là có tâm trú Nhất Cảnh Tánh ở trong Chân Đế Hiện Quán.

   7. Xả Giác Chi: cũng là Vô Nhiễm của Tuệ Giác, là tự tánh của Vô Nhiễm , là có tâm bình đẳng, tâm chánh trực, tâm không chuyển động ở trong Chân Đế Hiện Quán.  Nơi Xả Giác Chi, các phiền não tạp nhiễm đều bị đoạn trừ nên hiển lộ tự tánh Vô Nhiễm “.

Như thế, Niệm của tu tập Thất Giác Chi (Niệm Giác Chi) là Niệm thuộc về Tuệ Giác (Giác Niệm) của các vị Thánh thuộc giai vị  Sơ Địa (Hoan Hỷ Địa hay Cực Hỷ Địa) Bồ Tát, không còn là Niệm sanh khởi từ nơi thức (Thức Niệm) nữa dù thức A Lại Da vẫn còn hiện hữu và còn hoạt động nơi các vị.  Giai vị  Sơ Địa  Bồ Tát được xem là giai đoạn tu tập của Kiến Đạo Vị với mục tiêu là để đoạn trừ Ngũ Cái (5 thứ phiền não che mờ chân tâm, gồm có: Tham ái, Sân nhuế, Thụy miên, Trạo cử, và Nghi),  hầu bắt đầu có Chuyển Y (Chuyển biến Căn Bản Y,  A Lại Da thức, trong đó  2 trọng chướngPhiền Não ChướngSở Tri Chướng được chuyển hóa ra thành 2 đại quả là Đại Niết BànĐại Bồ Đề). Tuệ Giác của Thất Giác Chi chính là Giác Trí, là thể dạng ở các giai đoạn đầu tiên của Trí Bát Nhã. Trí này có dụng năng quán sát, nhận biết rõ về Không Tánh nơi ngũ uẩn, nơi tất cả pháp. Như trong bài Bát Nhã Tâm Kinh đã khai thị: "Lúc Bồ Tát Quán Tự Tại thực hành sâu xa Bát Nhã Ba La Mật Đa, soi thấy 5 uẩn đều Không mà vượt qua tất cả khổ ách".  Bồ tát nay đạt được pháp tánh, thấy được pháp thân không còn bị vướng chấp hai bên Năng và Sở, chứng đắc Tâm Bình Đẳng nên thấy được pháp tánh của mình , của người, của chúng sanh, của chư Bồ tát, của chư Phật đều bình đẳngthể nhập Biến Hành Pháp Giới, gọi là "vào nhà Như Lai". Pháp thân, pháp tánh chính là Chánh Lý Bình Đẳng tối thượng cho tất cả dạng loại chúng sanh.

Duy Thức Học cũng cho rằng nơi công phu tu tậpKiến Đạo Vị, các Bồ Tát Hoan Hỷ Địa  có được Vô Sở Đắc Trí  (Trí tuệ không còn khởi Niệm hai bên như là ta đã đắc chứng được quả vị này, thành tựu được giai vị kia) nên đã trụ nơi Duy Thức Tánh, đã ngộ nhập Duy Thức, đã bắt đầu có Chuyển Y, đã bắt đầu xả ly Năng ThủSở Thủ (nhị thủ). Vì thế, giai đoạn tu tập này tương ưng với Thông Đạt vị của Duy Thức Hạnh, diễn đạt qua 4 câu kệ:

"Nhược thời ư sở duyên     (Tạm dịch: "Nếu khi nơi chỗ thấy biết

 Trí đô vô sở đắc                                         Trí đều không chỗ đắc

 Nhĩ thời trụ Duy Thức                               Ấy là lúc trụ Duy Thức

 Ly nhị thủ tướng cố"                                 Đã lìa bỏ hai tướng chấp thủ").

Qua đến phần tu tập Bát Chánh Đạo (Bát Thánh Đạo), các luận Biện Trung BiênHiển Dương Thánh Giáo đều nêu rõ Bát Chánh Đạo là giai đoạn tu tập chuyên biệt, dành riêng cho giai vị Tu Đạo (Tu Đạo Vị) của các bậc Bồ Tát Đăng Địa từ Nhị Địa (Ly Cấu Địa) đến  Thập Địa (Pháp Vân Địa).  Qua tu tập Bát Chánh Đạo, các Bồ Tát tinh cần tư duy ,nỗ lực xuất ly (Địa 2, Ly Cấu Địa); nỗ lực không còn trụ chấp vào các pháp ái (Địa 3, Phát Quang Địa); nỗ lực thanh tịnh tối thắng, bình đẳng lưu xuất (Địa 4, Diệm Huệ Địa); đắc tương tục bình đẳng do có được 10 Ý Lạc Bình Đẳng Tịnh Tâm (Địa 5, Nan Thắng Địa); thấu rõ được các pháp duyên khởi vốn không nhiễm, không tịnh (Địa 6, Hiện Tiền Địa); thấy biết ra tất cả các pháp đều là Vô Tướng, nên không còn bị chấp mắc vào nơi các hành tướng  (Địa 7, Viễn Hành Địa); chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, có được 2 thứ tự tại là Trí Vô Phân Biệt Tự TạiTịnh Độ Tự Tại (Địa 8, Bất Động Địa); viên mãn chứng đắc được Trí Vô Ngại Giải, đắc thêm tự tại thứ ba là Trí Tự Tại (Địa 9, Thiện Huệ Địa), đoạn trừ xong 2 trọng chướng (Phiền Não Chướng, Sở Tri Chướng), thông đạt nốt tự tại thứ tư là Nghiệp Tự Tại để từ nay tùy đại nguyện hóa độ chúng sanhbiến hóa ra các việc lợi ích hữu tình (Địa 10, Pháp Vân Địa).

Bát Chánh Đạo gồm có 8 chi phần được Hiển Dương Thánh Giáo Luận hiển thị như sau:

“1. Chánh Kiến: là sau khi Kiến Đạo, đã có được Biến Giác Chi (Thất Giác Chi) thì sự thấy ("Kiến") đã được thanh tịnh, Kiến thanh tịnh này nay được an lập trong giai đoạn Tu Đạo. Tổng hợp 2 thứ Kiến này (Kiến của Kiến Đạo và Kiến của Tu Đạo) được gọi là Chánh Kiến.

2. Chánh Tư Duy: là dựa vào Chánh Kiếncâu hành với Chánh Kiếntư duy ly dục, tư duy không sân nhuế, tư duy không sát hại, tư duy các Đế, cùng tương ưng với tác ý vô lậu khiến tâm hướng vào, cực độ hướng vào, tìm cầu, cưc độ tìm cầu, hiện tiền tìm cầu, giác liễu suy nghĩ, quán sát tư duy, đặc tánh tư duy.

3. Chánh Ngữ: là ở giai đoạn Tu Đạo, dựa vào Chánh Tư Duy, do liên tục tác ý vô lậu tư duy các Đế nên có được 4 thứ ngữ nghiệp thuộc về Thánh Ái Giới (Giới được các thánh hiền hâm mộ), bất lạc, ly lạc, trừ diệt các thứ ly, trừng tịnh, phòng hộ; bất tác, ly tác, không hành, không hủy, không phạm, cầu kiều thuyền bè, viễn ly, không trái vượt, đặc tánh không có các thứ trái vượt.

4. Chánh Nghiệp: là ở giai đoạn Tu Đạo, do liên tục tác ý vô lậu, tư duy các Đế nên được 3 thứ thân nghiệp thuộc về Thánh Ái Giới, bất lạc, ly lạc, trừ diệt các thứ ly, trừng tịnh, phòng hộ; bất tác, ly tác, không hành, không hủy, không phạm, cầu kiều thuyền bè, viễn ly, không trái vượt, đặc tánh không có các thứ trái vượt.

5. Chánh Mạng: là ở giai đoạn Tu Đạo, do liên tục tác ý vô lậu tư duy các Đế nên viễn ly pháp ác, tà mạng đã làm, thuộc về Thánh Ái Giới, bất lạc, ly lạc, trừ diệt các thứ ly, trừng tịnh, phòng hộ; bất tác, ly tác, không hành, không hủy, không phạm, cầu kiều thuyền bè, viễn ly, không trái vượt, đặc tánh không có các thứ trái vượt.

6. Chánh Tinh Tấn (còn gọi là Chánh Sách Lệ hay Chánh Phương Tiện): là ở giai đoạn Tu Đạo, do liên tục tác ý vô lậu, tư duy các Đế nên đối với sự tu tập Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chiưa thích nổ lực, dũng mãnh kham nhiệm, gắng sức.

7. Chánh Niệm: là ở giai đoạn Tu Đạo, do liên tục tác ý vô lậu tư duy các Đế, rồi y theo đó mà tu hoặc Chỉ (Xa Ma Tha) hoặc Quán (Tỳ Bát Xá Na) hoặc cả hai, rồi tu tập Thất Giác Chiniệm niệm, chánh niệm, tùy niệm, các niệm không quên lãng, luôn ghi nhớ, niệm tâm sáng tỏ.

8. Chánh Định (còn gọi là Chánh Đẳng Trì): là ở giai đoạn Tu Đạo, do liên tục tác ý vô lậu, tư duy các Đế, lại dựa vào ba con đường (Chỉ, Quán, và Chỉ Quán song hành) để tu Định như Chánh niệm nhiếp tâm, tâm trú an trú, cận trú, đẳng trú, bất loạn, bất tác, chánh nhiếp trì, Xa Ma Tha, Tâm Trú Nhất Cảnh Tánh”.

Biện Trung Biên luận giải thích và phân định Bát Chánh Đạo ra 4 chi :

“1.Phân Biệt Chi : là Chánh Kiến của Bát Chánh Đạo. Chi này tuy thuộc thế gian nhưng nó là thể của Trí Hậu Đắc xuất thế gian. Chánh Kiến có khả năng phăn biệt được sự tự sở chứng trong Kiến Đạo Vị.

   2.Hối Thị Tha Chi: là hai chi Chánh Tư DuyChánh Ngữ, phát khởi ngôn từ để chỉ dạy người khác.

   3.Linh Tha Tín Chi: bao gồm Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng là các pháp khiến cho người khác tin nhận.

   4. Đối Trị Chướng Tri: bao gồm Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định là các pháp tu tập đối trị“. 

Do vậy, Niệm của phần tu tập Bát Chánh Đạo cũng là Niệm của Tuệ Giác Bát Nhã như Niệm của phần tu tập Thất Giác Chi nhưng nay đã được gia cố thêm Thánh lực chiếu soi các pháp giới và lại có thêm sức mạnh từ các đại nguyện từ bi cứu độ khắp tất cả hữu tình chúng sanh: Tuệ Giác Bát Nhã về Pháp Thân Bình Đẳng ở phần tu tập Thất Giác Chi nay có thêm lực dụng, có thêm khả năng để đoạn trừ 2 trọng chướngPhiền Não ChướngSở Tri Chướng, đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, viên mãn 4 thứ Tự Tại, hoàn tất Chuyển Y với 2 đại quả  là Đại Niết BànĐại Bồ Đề.

Duy Thức Học gọi công phu tu tậpTu Đạo VịTu Tập Vị của Duy Thức Hạnh, gồm có Trú Tâm ở Sơ Địa cho đến Xuất Tâm ở Thập Địadiễn đạt qua 4 câu kệ:

"Vô đắc bất tư nghì        (Tạm dịch:       "Vô đắc không thể nghĩ lường

 Thị xuất thế gian trí                              Đó là ra khỏi trí thế gian

 Xả nhị thô trọng cố                               Khi đã buông bỏ hai thô nặng

 Tiện chứng đắc chuyển y"                     Liền chứng đắcchuyển y").

Như thế,  qua 37 phẩm Trợ Đạo, vẫn cùng là chữ "Niệm" nhưng ý nghĩa về chữ này đã không cứng nhắc, khư khư một nghĩa đồng nhất, bất di, bất dịch.  Ở phàm phu,"Niệm" là dòng chảy tâm thức, dòng chảy này có  hướng từ bên trong nội tâm ( kho Tàng Thức A Lại Da , kho chứa  vô lượng chủng tử nghiệp thức) phóng ra bên ngoài với đầy ắp 6 cảnh trần (sắc, thanh, hượng vị, xúc, pháp) rồi các chuyển thức, mạnh mẽ nhất là Ý ThứcMạt Na Thức, tha hồ chụp vồ, nắm bắt... theo 6 cảnh trần mà gây tạo thêm các nghiệp cảm, đưa vào thêm cho kho chứa A Lại Da. Tựu trung, Niệm ở phàm phu được cảm nhận là có 3 tánh chất là (1) thụ động, tiêu cực, (2) lăng xăng, không ngưng nghỉ,  và (3) lung tung, không định hướng. Phàm phu khởi niệm liên tục, bất tận từ bộ ba Hòa Hợp Căn- Cảnh -Thức , luôn bám víu theo các ảnh tượng nơi Tưởng Uẩn  (các ảnh tượng sinh khởi từ Thức Uẩn, Thọ Uẩn, Sắc Uẩn cùng với sức chuyển dịch của Hành Uẩn), khiến sinh khởi tràn lan nhớ nghĩ vô hạn lượng rồi lo lắng triền miên hết việc này, viêc nọ, việc mình, việc người,  việc bản thân, việc gia đình, việc thân nhân, việc bạn bè , việc hôm qua, hôm nay, ngày mai, tháng này, năm nọ, việc viêc liên tục chồng chất xen lẫn vào nhau.. Rồi tiếp theo các vọng niệm này lại phát triển thêm biết bao phiền não,  đại để  như mong muốn (phiền não tham ái) về những việc chưa tới; như giận hờn, thù ghét  (phiền não sân nhuế) với những việc bất như ý đã qua... Điều này khiến dòng Niệm thức phàm phu này được ví như con trâu đen cuồng điên ngổ ngáo dưới nhãn quan nhà Thiền .  Ở giai đoạn tu tập Tứ Niệm Xứ Quán, do bắt đầu có được lòng tin nơi Tam Bảo, nơi Lý Tứ Đế nên đã ra sức tu tập theo Chánh Pháp; “dòng Niệm Thức thụ động- lăng xănglung tung, vô định hướng” của phàm phu  bắt đầu dần dà có được sự chủ động, bớt lăng xăng, bớt lung tung  do  tâm thức  từ nay đã có 4 nơi (4 đối tượng) qui hướng,  nghĩ nhớ dụng công quán sát về là Thân, Thọ, Tâm, và Pháp. Điều này có nghĩa là con trâu đen cuồng điên ngổ ngáo của niệm thức phàm phu  đang bước đầu được thuần phục để sẽ được đổi màu từ đen sang trắng trong các giai đoạn sau.  Ở giai đoạn tu tập Tứ Chánh Cần, “dòng Niệm Thức có chủ động- bớt lăng xăng- bớt lung tung - có định hướng” của Tứ Niệm Xứ Quán lại bắt đầu có thêm được sự thanh lọc, tinh luyện qua các nhận định, thẩm xét về 2 tiêu chuẩn phẩm chất là Thiện và Ác trong 3 thời (quá khứ, hiện tại, và vị lai) để có thể chủ động về phương hướng chảy trôi cần có cho dòng Niệm Thức.  Đến giai đoạn tu tập Tứ Như Ý Túc, “dòng chảy Niệm Thức có chủ động- bớt lăng xăng- bớt lung tung - có định hướng và được thanh lọc” của Tứ Chánh Cần bắt đầu lại được gia tăng sức mạnh về Định lực (4 Như Ý Định) bởi công phu tu tập Chỉ (Tâm Như Ý Túc) và tu tập Quán (Quán Như Ý Túc) cùng với Dục Như Ý TúcTinh Tấn Như Ý Túc.  Đến giai đoạn tu tập Ngũ CănNgũ Lực, "dòng chảy Niệm Thức có chủ động- bớt lăng xăng- bớt lung tung - có định hướng - được thanh lọc và được gia cố bởi Định lực"  của Tứ Như Ý Túc lại được duy trì bền bỉ, vững chắc với sự định hình và thiết lập 5 căn cứ địa cho tu tập (Tín Căn, Tấn Căn, Niệm Căn, Định Căn, và Tuệ Căn), từ đó có thể khởi phát ra 5 lực cần thiết (Tín Lưc, Tấn Lực, Niệm Lực, Định Lực, và Tuệ Lực) hầu có thể thấy biết rõ được Lý Tứ Đếngộ nhập vào giai vị Kiến Đạo, đắc chứng quả vị Nhập Lưu (Tu Đà Hoàn quả).  Khi hoàn tất giai đoạn tu tập Ngũ Lực, do Thức không còn đủ sức mạnh để sinh khởi, nên có thể xem là Thức Niệm (Niệm phát khởi từ sự hành chuyển của 8 Thức Tâm Vương) đã không còn hiện hữu nữa. Điều này cũng có nghĩa là trong 2 giai đoạn tu tập tiếp theo về Thất Giác Chi và về Bát Chánh Đạo của Tứ Thánh Thanh Văn hay của Thập Địa Bồ Tát, các vị chỉ có Giác Niệm: thể tánh, bản chất của Niệm nay đã có bước chuyển hóa rất lớn, chuyển hóa từ Thức sang Giác.

Đồng bộ với chữ "Niệm", chữ "Chánh Niệm" cũng có ý nghĩa  không cứng nhắc, khư khư một nghĩa đồng nhất, bất di, bất dịch. Chữ "Chánh Niệm" bắt đầu xuất hiện nơi tu tập Tứ Như Ý Túc với ý nghĩa là nhớ nghĩ không quên công phu Chỉ và Quán, là an trú tâm nơi Chỉ (Xa Ma Tha) để không quên, không rời lìa cảnh sở duyên (Định tâm nơi cảnh sở duyên). Ở phần tu tập Ngũ Căntu tập Ngũ Lực, chữ "Chánh Niệm" có ý nghĩa tiến triển lên một mức độ mới: nó không chỉ là nhớ nghĩ, không quên công phu Chỉ và Quán, mà còn là luôn nhớ nghĩ, sống với trí tuệ thu hoạch được từ công phu Chỉ và Quán nơi giáo lý Tứ Thánh Đế. Ở phần tu tập Thất Giác ChiBát Chánh Đạo, Chánh Niệm không còn xuất phát từ 8 Thức Tâm Vương nữa mà từ Tuệ Giác  xuất thế Vô Công Dụng Đạo, từ  giác trí sáng tỏ  không có phân biệt, từ trí Bát Nhã ….

 Trong Pháp Bảo Đàn Kinh (Thiền Tối Thượng Thừa), Lục Tổ khai thị là các vọng niệm đều bị tiêu tan nhanh chóng, chuyển hóa thành Vô Niệm (Bát Nhã Định) một khi bị quán chiếu bởi Trí Tuệ Bát Nhã; với khẳng định "Trí tuệ quán chiếu trong ngoài sáng suốt thì tự đạt Bổn Tâm (“thức tự Bổn Tâm”), tự đạt Bổn Tâm là nguồn Giải Thoát, được giải thoátBát Nhã Tam Muội, Bát Nhã Tam Muội chính là Vô Niệm".

Tựu trung, Niệm thức có thể được xem là dòng chảy thường trực của Vô Minh, căn nguồn thẳm sâu nhất của sanh tử luân hồi. Dòng chảy này chảy hoài, chảy mãi không dừng, chảy từ đời này sang kiếp nọ; chảy từ kho Tàng Thức vô hạn lượng chủng tử nghiệp thức vào đến vô hạn lượng các hình thái sinh thể tương ưng qua đời đời kiếp kiếp... Trong kinh Phật có câu chuyện  "Bình Bát Trôi Ngược Dòng" như sau:  “Sau khi thọ thực bát cháo sữa cúng dường của hai chị em nàng mục nữ Sujata, Sa môn Gotama đến bên dòng sông Ni-liên-thiền nói rằng: “Nếu ta thành đạo Bồ Đề, thì bình bát này sẽ trôi ngược dòng sông!”. Rồi Ngài ném bình bát ra giữa dòng nước. Lạ thay, bình bát bằng vàng trôi ngược dòng nước chảy một khoảng xa. Lúc này, Sa môn Gotama trở lại cội cây cổ thụ Ajapala, dũng mãnh phát đại nguyện: “Nếu ta chưa thành đạo, dù thịt nát xương tan, quyết không rời cội cây này”. Sau bốn mươi chín ngày đêm thiền định, vào rạng sáng khi sao Mai mọc, Ngài chứng nhập vào cảnh giới bất khả tư nghì, thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác"...  Nơi câu chuyện này, có thể cảm nhận là đức Phật đã hiển thị dòng chảy Niệm Thức như dòng sông Ni Liên Thiền (tất cả sự vật thế gian đều trôi chảy theo sức cuộn trôi của sông). Ngài cũng đã ẩn dụ công phu tu tập thành đạo Bồ Đề cần có sự vận hành ngược chiều lại dòng chảy Niệm Thức đó mà không đứng lại (để bị đắm chìm); cũng không bước tới, chạy theo (để bị trôi giạt trong luân hồi sinh tử) như kinh Bộc Lưu đã khai thị. Sự vận hành ngược chiều này có thể được thị hiện qua rất nhiều phương cách: tùy theo căn cơ của chúng sanh mà chư Phật, chư Tổ đã đề ra nhiều dạng loại, thứ bậc phương tiện (các tông, các phái...) để “nhổ đinh, tháo chốt" mà độ sinh. Một trong các căn bản quan trọng nơi các phương tiện này chính là khai hiển ra phương cách thích hợp để có thể giúp chuyển hóa thể tánh Niệm từ Thức qua Giác, chuyển hóa từ địa vị phàm phu qua các giai vị Hiền Thánh vậy.

 

                                                        Khánh Hoàng

                                                   Plano _ April 22, 2022

 

Tạo bài viết
16/11/2010(Xem: 46976)
23/11/2010(Xem: 77535)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…