Đi Trong Phật Tánh

19/04/20226:10 SA(Xem: 2512)
Đi Trong Phật Tánh

ĐI TRONG PHẬT TÁNH
Nguyễn Thế Đăng

hoa sen 23Tu hành Phật tánh theo Kinh Đại Bát Niết Bàn là:

Nền tảng: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.”

Con đường: đi trong chính Phật tánh, vì Phật tánh bao trùm tất cả thời giankhông gian.

Quả: là Phật tánh đã được khai mở trọn vẹn, tức là Phật quả.

Nền tảng ấy phải thấy, tức là cái Thấy. Con đường gồm Thiền định, liên tục giữ gìn không lìa, khỏi cái Thấy Phật tánh ấy và Hạnh, tức là sống Phật tánh bằng tất cả con người của mình, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

Thấy Phật tánh là thấy thân Như Lai:

Thân Như Lai là thân kim cương, không có giới hạn, là thường, lạc, ngã, tịnh, là thân tâm không ngăn ngại, có đủ tám đức tự tại.

Tánh của tất cả pháp vốn trụ nơi vô trụ. Vô trụ gọi là vô biên thân. Lại vô trụ gọi là Kim cương Tam muội, Kim cương tam muội phá hoại tất cả trụ, các trụ này gọi là hai mươi lăm cõi hữu. Kim cương Tam muội chính là Như Lai” (phẩm Bồ tát Sư Tử Hống)

Muốn thấy Như Lai hay Phật tánh thì phải tu không có chỗ trụ. Không có chỗ trụ thì hai mươi lăm cõi hữu tan hoại và Như Lai thường, lạc, ngã, tịnh hiện bày.

Bạch Thế Tôn! Định vô tướng gọi là Đại Niết bàn. Thế nên Đại Niết bàn gọi là vô tướng. Do nhân duyên gì gọi là vô tướng?

-         Thiện nam tử! Vì không có mười tướng sắc, thanh, hương, vị, xúc, sanh, trụ, diệt, nam, nữ, đây gọi là mười tướng. Vì không có mười tướng như vậy nên gọi là vô tướng.

Thiện nam tử! Nếu bám nắm tướng thì sanh ra si, vì si nên sanh ái, vì ái nên bị trói buộc, vì trói buộc nên thọ sanh, vì thọ sanh nên có chết, vì chết nên vô thường. Người chẳng bám nắm tướng thì chẳng sanh ra si, vì chẳng sanh si nên không có ái, vì không có ái nên không có trói buộc, vì không trói buộc nên chẳng thọ sanh, vì chẳng thọ sanh nên không có chết, vì không có chết nên gọi là thường.

Bồ tát Sư Tử Hống bạch Phật: Thế Tôn, tỳ kheo nào có thể cắt đứt được mười tướng ấy?

Phật dạy: Nếu có tỳ kheo nào lúc nào cũng tu tập ba tướng này thì cắt đứt được mười tướng: luôn luôn tu tập tướng chánh định tam muội, luôn luôn tu tập tướng trí huệ, luôn luôn tu tập tướng xả. Đó gọi là ba loại tướng”.

Muốn thấy Phật tánh Đại Niết bàn thì phải thấy vô tướng. Vô tướng này xóa đi các tướng tạo ra sanh tử khiến Phật tánh bị che khuất. Mười tướng này chia cắt thực tại để tạo ra không gianthời gian của cái gọi là sanh tử luân hồi.

Để xóa bỏ mười tướng giả lập do vọng tưởng này, hành giả phải thường xuyên, luôn luôn tu tập ba loại: chánh định tam muội (samatha), trí huệ quán chiếu (vipassana) và xả (định huệ đồng thời hay chỉ quán hợp nhất, đồng đẳng)

Thật ra ba tướng hay ba phẩm tính này là hoạt động tự nhiên vốn sẵn của Chân Tâm Phật tánh, nhưng đang là những chúng sanh nhiều mê lầm, chúng ta phải tu tập, làm quen với chúng bằng ba tướng tạm thời và hạn hẹp của tâm thức của mình để đến lúc tương ưng được với Định, Huệ, và Định Huệ đồng thời của chính Chân Tâm Phật tánh vốn có sẵn nơi mỗi chúng ta.

Kinh nói tiếp:

Thiện nam tử! Duyên nơi một cảnh được gọi là tam muội, nhưng duyên các cảnh khác cũng vẫn là một cảnh. Định, huệ, xả cũng lại như vậy.

Trụ trong định tam muội như vậy mà quán sát tất cả pháp thì gọi là trí huệ. Chẳng thấy định và huệ sai khác nhau, đó gọi là tướng xả.

Thiện nam tử! Thanh VănDuyên Giác sức tam muội nhiều, sức trí huệ ít, do vậy nên chẳng thấy Phật tánh. Bồ tát Thập trụ sức trí huệ nhiều, sức tam muội ít, nên chẳng thấy rõ ràng được Phật tánh. Chư Phật Thế Tôn định huệ đồng đẳng, nên thấy Phật tánh rõ ràng không chướng ngại, như xem trái Am ma lặc trong bàn tay. Thấy Phật tánh, đó gọi là tướng xả.

Xa ma tha (samatha) gọi là có thể diệt trừ, vì có thể diệt trừ tất cả phiền não trói buộc. Lại xa ma tha gọi là tịch tĩnh, vì có thể làm cho ba nghiệp thân, khẩu, ý đều tịch tĩnh. Lại xa ma tha gọi là lóng trong, vì có thể lóng trong ba pháp dơ trược tham, sân, si.

Tỳ bà xá na (vipassana) gọi là chánh kiến, cũng gọi là thấy rõ, có thể thấy, thấy khắp, thấy tuần tự, thấy tướng riêng. Đó gọi là trí huệ.

Ưu tất xoa (upeksa) gọi là bình đẳng, cũng gọi là không hơn thua, cũng gọi là chẳng quán, cũng gọi là không tu hành. Đó gọi là xả.”

Tóm lại đây là ba pháp tu Định (Chỉ), Quán (Quán) và Định Huệ đồng đẳng (Chỉ Quán đồng đẳng) như ba pháp tu được nói trong Kinh Viên Giác. Thực hành ba pháp tu này liên tục hoặc thay đổi tiếp nối nhau, người ta sẽ dần dần thấy Phật tánh càng ngày càng rõ ràng hơn.

Định, Huệ, Định Huệ đồng đẳng cũng có nhiều cấp độ sâu cạn khác nhau, tùy theo tâm thức thô hay tế và tế đến đâu. Chẳng hạn Vipassana (Huệ, Quán) đức Phật dạy cho Bồ tát Sư Tử Hống như sau:

Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng: Thế Tôn! Như trong kinh nói nếu Tỳ bà xá na có thể phá phiền não thì vì cớ gì lại tu tập Xa ma tha?

Phật nói: Thiện nam tử! Ông nói Tỳ bà xá na phá phiền não, nghĩa ấy không đúng. Vì sao thế? Khi có trí huệ thì không có phiền não, khi có phiền não thì không có trí huệ. Làm sao mà nói Tỳ bà xá na có thể phá phiền não?

Thiện nam tử! Ví như khi sáng thì không có tối, khi tối thì không có sáng. Nếu nói sáng có thể phá tối thì không có chuyện đó.

Thiện nam tử! Ai có trí huệ? Ai có phiền não? Mà nói rằng trí huệ có thể phá trừ phiền não? Nếu đã không có ắt không có chỗ phá trừ.

Thiện nam tử! Nếu nói trí huệ có thể phá trừ phiền não là đến mà phá, hay chẳng đến mà phá? Nếu chẳng đến mà phá thì phàm phu lẽ ra cũng phá được. Nếu đến mà phá thì lẽ ra niệm (tu tập) ban đầu đã phá được. Nếu niệm ban đầu chẳng phá được thì niệm sau cũng chẳng phá được. Nếu niệm ban đầu đến đã phá ngay được hết thì như vậy là chẳng đến. Làm sao nói rằng trí huệ có thể phá phiền não? Nếu nói rằng đến hay chẳng đến cũng đều có thể phá phiền não thì nghĩa ấy chẳng đúng.

Thiện nam tử! Như địa đại tánh chất là cứng, hỏa đại tánh chất nóng, thủy đại tánh chất ướt, phong đại tánh chất động. Tánh chất cứng của địa đại cho đến tánh chất động của phong đại chẳng phải do cái gì làm ra, tánh chất của chúng tự như vậy. Như tánh chất của bốn đại, phiền não cũng vậy, tánh chất của nó là tự đoạn diệt. Nếu tánh chất của nó là tự đoạn diệt, sao lại nói rằng trí huệ có thể đoạn diệt? Do nghĩa này nên Tỳ bà xá na quyết định chẳng thể phá trừ phiền não.”

Kinh còn nói nhiều về ba pháp tu Định HuệĐịnh Huệ đồng đẳng. Ở trên chỉ trích một phần Đức Phật dạy về Tỳ bà xá na cho Bồ tát Sư Tử Hống. Đây là Tỳ bà xá na cấp cao, như kinh định nghĩa là “thấy rõ, thấy khắp, thấy tướng riêng. Đó gọi là trí huệ”.

Tỳ bà xá na hay trí huệ là thấy thẳng, trực tiếp tánh Không của các pháp.

Trước hết, vipassana hay trí huệphiền não chẳng dính dáng gì nhau, phiền não chẳng thể nào dính vào trí huệ hay bản tánh của tâm. Phiền não chẳng dính mắc nơi tâm, thế thì “Ai có phiền não?”. Nếu phiền não không có ai để dính mắc, phiền não không có chỗ trụ thì lấy chỗ nào đề phá trừ?

Trí huệ chẳng đến phiền não, phiền não chẳng đến trí huệ, cả hai chẳng đến nhau, đây là tánh Không, đây là giải thoát. Tỳ bà xá na hay trí huệ soi thấu là thấy các pháp chẳng đến nhau, ngay đó là giải thoát.

Đại Bồ tát tu hai pháp định huệ này thì bốn luồng gió dữ bốn điên đảo chẳng thể động, như núi Tu Di. Các tà ma tà thuật chẳng thể lừa gạt. Thường hưởng thọ an lạc vi diệu đệ nhất. Có thể hiểu nghĩa sâu bí mật của Như Lai. Được vui chẳng mừng, gặp khổ chẳng buồn. Chư thiên và người đời cung kính tán thán. Thấy rõ sanh tử và chẳng sanh tử, khéo rõ biết pháp giới, pháp tánh, pháp thân thường lạc ngã tịnh. Đây gọi là Đại Niết bàn.

Thiện nam tử! Tướng định gọi là Không tam muội. Tướng huệ gọi là Vô nguyện tam muội. Tướng xả gọi là Vô tướng tam muội.”

 

Ở đây trích thêm một đoạn quán thật tướng:

Tu Bạt Đà thưa hỏi: Bạch Thế Tôn! Làm sao có thể đoạn trừ được tất cả các cõi?

Phật bảo: Thiện nam tử! Nếu ai quán thật tướng thì có thể đoạn trừ tất cả các cõi.

Tu Bạt Đà thưa: Thế Tôn! Thế nào gọi là thật tướng?

-         Thiện nam tử! Tướng của vô tướng gọi là thật tướng.

-         Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là tướng của vô tướng?

-         Thiện nam tử! Tất cả pháp khôngtự tướng, không có tha tướng và không có tự tha tướng, không tướng vô nhân, không tướng tác, không tướng thọ, không tướng tác giả, không tướng thọ giả, không tướng pháp và phi pháp, không tướng nam nữ, không tướng con người, không tướng vi trần, không tướng thời tiết, không tướng làm tự, không tướng làm tha, không tướng là tự - tha, không tướng có, không tướng không, không tướng sanh, không tướng sanh giả, không tướng nhân, không tướng nhân nhân, không tướng quả, không tướng quả của quả, không tướng ngày đêm, không tướng sáng tối, không tướng thấy, không tướng người thấy, không tướng nghe, không tướng người nghe, không tướng tri giác, không tướng người tri giác, không tướng Bồ đề, không tướng người đắc Bồ đề, không tướng nghiệp, không tướng nghiệp chủ, không tướng phiền não, không tướng phiền não chủ.

Thiện nam tử! Những tướng như vậy tùy theo diệt ở chỗ nào thì gọi đó là tướng chân thật. Thiện nam tử! Tất cả các pháp đều là hư giả, tùy theo diệt ở chỗ nào, đó gọi là thật. Đây gọi là thật tướng, là pháp giới, là trí rốt ráo, là Đệ nhất nghĩa đế, là đệ nhất nghĩa Không.

Thiện nam tử! Thật tướng, pháp giới, trí rốt ráo, đệ nhất nghĩa đế, đệ nhất nghĩa Không này, nếu người hạ trí quán thì được Thanh Văn Bồ đề, người trung trí quán thì được Duyên Giác Bồ đề, người thượng trí quán thì được Vô thượng Bồ đề” (phẩm Kiều Trần Như).

Thiền địnhthường xuyên an trụ trong thật tướng này, cũng tức là an trụ trong Phật tánh. An trụ trong nền tảng Phật tánh, không lìa khỏi nền tảng Phật tánh này, đây là thiền định.

Như đoạn kinh trên nói, cũng cái trí quán thật tướng tùy theo cạn hay sâu mà có giác ngộ của Thanh Văn, Duyên Giác và Phật. Trí quán thật tướng là cái thấy thật tướng. Gìn giữ, hộ trì cái thấy thật tướng, đó là thiền định. Thiền định ấy không chỉ lúc ngồi thiền, mà xuyên suốt qua mọi hoạt động khi thức, gọi là hậu thiền định. Hành giả là biết giữ gìn thiền định, tức là giữ gìn cái thấy thật tướng, an trụ trong thật tướng, trong suốt cả cuộc sống, khi thức, khi ngủ, khi ngồi thiền và khi chết.

Để rõ hơn sự thiền định, chúng ta trích một đoạn kinh về Niệm Pháp, một trong Sáu Chánh Niệm (niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên) trong phẩm Phạm Hạnh:

Thế nào là Đại Bồ tát niệm Pháp? Đại Bồ tát tư duy chỗ thuyết pháp của chư Phật là tối diệu, tối thượng. Do pháp này có thể khiến chúng sanh đắc quả trong hiện tại. Duy chỉ chánh pháp này không có thời gian, là chỗ thấy của con mắt pháp, chẳng phải con mắt thịt thấy được. Chẳng thể lấy thí dụ để so sánh: không sanh, không xuất, không trụ, không diệt, không thủy không chung, vô vi, vô số. Người không có nhà thì làm nhà cho họ, người không có chỗ nương về thì làm chỗ nương về cho họ, người không có ánh sáng thì làm ánh sáng cho họ, người chưa đến bờ bên kia thì làm cho đến bờ bên kia, chỗ không có hương thơm thì làm hương thơm vô ngại, người không nhìn thấy thì làm cho thấy rõ ràng. Pháp này chẳng động chẳng chuyển, chẳng dài chẳng ngắn, dứt hẳn các vui mà thường an vui, vi diệu rốt ráo. Chẳng phải sắc hay dứt sắc mà cũng là sắc; cho đến chẳng phải thức hay dứt thức mà cũng là thức. Chẳng phải nghiệp hay dứt nghiệp, chẳng phải cột buộc hay dứt cột buộc, chẳng phải vật hay dứt vật mà cũng là vật. Chẳng phải giới hay dứt giới mà cũng là giới. Chẳng phải hữu hay dứt hữu mà cũng là hữu, chẳng phải nhập hay dứt nhập mà cũng là nhập, chẳng phải nhân hay dứt nhân mà cũng là nhân, chẳng phải quả hay dứt quả mà cũng là quả, chẳng phải hư chẳng phải thật, dứt tất cả thật mà cũng là thật. Chẳng phải sanh chẳng phải diệt, dứt hẳn sanh diệt mà cũng là diệt; chẳng phải tướng chẳng phải phi tướng, dứt tất cả tướng mà cũng là tướng. Chẳng phải dạy chẳng phải không dạy mà cũng là thầy. Chẳng phải sợ chẳng phải an, dứt tất cả sợ, mà cũng là an. Chẳng phải nhẫn chẳng phải không nhẫn, dứt hẳn chẳng nhẫn mà cũng là nhẫn; chẳng phải dừng (chỉ) chẳng phải không dừng, dứt tất cả dừng, mà cũng là dừng. Tất cả chỗ cùng tột của pháp đều có thể dứt hẳn, tất cả phiền não, thanh tịnh vô tướng, thoát hẳn các tướng; là chỗ an trụ rốt ráo của vô lượng chúng sanh, có thể diệt tất cả ngọn lửa sanh tử, chính là chỗ đi và ở của chư Phật, thường chẳng biến đổi. Đây gọi là Đại Bồ tát niệm Pháp

 

Thế nào là Hạnh? Hạnh là hành động, hoạt động ở trong nền tảng Phật tánh. Hạnh là sự biểu lộ của cái thấy và thiền định trong đời sống, mà đời sống là sự biểu lộ của nền tảng Phật tánh. Hoạt động trong nền tảng Phật tánh này, nên Phật tánh thường lạc ngã tịnh thấm nhuần đầy tràn sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân ý, khiến cho thế giới sanh tử chuyển hóa thành Niết bàn.

Tất cả thế đế đối với Như Lai tức là Đệ nhất nghĩa đế” (Phẩm Phạm Hạnh).

Sắc được chuyển hóa thành Niết bàn:

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Kiều Trần Như: Sắc là vô thuờng. Do diệt sắc (vô thường) này mà được sắc giải thoát thường trụ. Thọ tưởng hành thức cũng là vô thường. Do diệt thức này mà được thức giải thoát thường trụ.

Kiều Trần Như! Sắc tức là khổ. Do diệt sắc (khổ) này mà được sắc giải thoát an lạc. Thọ tưởng hành thức cũng đều như vậy.

Kiều Trần Như! Sắc tức là không. Do diệt sắc trống không này mà được sắc giải thoát chẳng phải trống không. Thọ tưởng hành thức cũng đều như vậy.

Kiều Trần Như! Sắc là vô ngã. Do diệt sắc này mà được sắc giải thoát, chân ngã.

Kiều Trần Như! Sắc chẳng phải tịch tĩnh. Do diệt sắc này mà được sắc Niết bàn tịch tĩnh.” (phẩm Kiều Trần Như)

Tất cả là Pháp thân, Báo thân, Hóa thân của Phật. Tất cả pháp giới là sự thị hiện của Phật.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/04/2016(Xem: 5759)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.