Bài Giới Thiệu Về Nghiệp

21/10/201212:00 SA(Xem: 38643)
Bài Giới Thiệu Về Nghiệp

BÀI GIỚI THIỆU VỀ NGHIỆP 

Alexander Berzin Halapa, 
Mễ Tây Cơ, 2 tháng Năm, 2006
 

Tứ Diệu Đế trong Ngôn Ngữ Hàng Ngày


Tôi rất vui vì đã có mặt tại Halapa một lần nữa. Chủ đề mà tôi được yêu cầu thảo luận tối nay là về nghiệp. Dĩ nhiên, khi học hỏi về một chủ đề nào đó trong Phật pháp, điều quan trọng là có một vài ý niệm về lý do tại sao ta muốn học hỏi nó, tầm quan trọng của nó là gì và nó phù hợp như thế nào trong phạm vi của Phật pháp. Trên cơ bản, Đức Phật đã nói về kinh nghiệm của mỗi người, những gì ta đã trải qua trong đời sống, những gì đang xảy ra. Điều cơ bản nhất mà tất cả chúng ta đều trải qua là gì? Đó là đôi khi thì ta buồn và đôi khi thì ta vui. Đây là cách chúng ta trải nghiệm cuộc đời, phải không?

Khi xem xét trạng thái khi buồn, khi vui này, ta sẽ khám phá ra là có nhiều vấn đề liên hệ với điều này. Khi ta buồn thì hiển nhiên đó là điều đau khổ. Không ai thích buồn, phải không? Ta có thể buồn vì nhiều việc, như khi một người bạn đi xa, hay khi nghe những việc, những lời khó nghe, và ta cũng có thể không vui khi nghĩ về nhiều việc khác nhau bằng nhiều loại cảm xúc khác nhau. Nhưng đôi khi, ta cảm thấy buồn và điều này dường như chẳng có một sự liên hệ nào với những gì ta thật sự nghe hay thấy, hoặc những gì đang xảy ra quanh mình. Đây là một vấn đề, phải không?

Còn niềm vui thì sao? Đôi khi chúng ta cảm thấy vui vẻ, phải không? Ta cảm thấy vui khi thấy, nghe những sự việc, tin tức của một người thân, và ta cũng có thể vui khi nghĩ về điều gì đó, như nhớ lại thời gian tuyệt vời ta đã chia sẻ với ai đó. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, ta sẽ thấy rằng niềm vui mà ta có cũng có một vài vấn đề trong đó. Trước nhất, nó không bao giờ kéo dài mãi mãi. Ta không biết nó sẽ kéo dài bao lâu và dường như nó chẳng bao giờ đủ. Ta có thể thấy sung sướng khi ăn một muỗng thức ăn, nhưng bao nhiêu đó không đủ – chúng ta muốn ăn thêm, nhiều hơn và thêm nữa. Đúng ra, đây là một câu hỏi rất lý thú – bạn phải ăn một món ăn đến mức nào thì mới thật sự thưởng thức nó? Hãy nghĩ về điều này. Một điều sai lầm khác, một thiếu sót khác của niềm vui này là chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra sau đó. Ta có thể tiếp tục vui vẻ trong giây phút sau, hay có thể buồn. Nó có thể thay đổi, nên không có gì bảo đảm đối với niềm vui này.

Thật sự đối với Phật giáo, loại nội quán hay phân tích về niềm vui và nỗi buồn theo cách này không phải là điều gì đặc biệt; nhiều nhà tư tưởng lớn trên thế giới đã từng quan sát điều này và giảng dạy nó. Tuy nhiên, những gì Đức Phật dạy, những gì Ngài thấu hiểu là một loại vấn đề sâu xa hơn, hay một nỗi khổ. Ngài nhìn vào sự thăng trầm trong hoàn cảnh đời sống của mỗi người, vào niềm vui nỗi buồn thăng trầm, lên xuống một cách sâu sắc hơn, và những gì Ngài thấu hiểu là nguyên nhân của sự việc này thật sự là một phần của mỗi khoảnh khắc mà chúng ta trải qua. Nói cách khác, cách ta kinh nghiệm mọi việc với sự thăng trầm vui và buồn sẽ kéo dài tình trạng bất toại nguyện này.

Vì vậy nên Đức Phật đã quán chiếu và thấy được nguyên nhân đã tồn tại trong mỗi khoảnh khắc, điều gì đang kéo dài tình trạng bất toại nguyện này, và Ngài thấy rằng nó là sự vô minh về thực tại. Nói cách khác, đó là sự vô minh về cách chúng ta hiện hữu như thế nào, mỗi người chung quanh ta tồn tại như thế nào, thế giới hiện hữu ra sao.

Điều này hoàn toàn khác biệt với những gì nhiều người khác đã từng nói. Thí dụ, một số người cho rằng về mặt cơ bản, sự thăng trầm của vui buồnchúng ta trải qua là do sự tưởng thưởng và trừng phạt, từ việc ta có tuân thủ luật pháp hay không. Theo ý kiến của nhiều vị thầy, vấn đề căn bản đối với việc vui hay buồn là sự phục tùng, nhưng Đức Phật nói rằng: không, đó không phải là vấn đề. Nguyên nhân thật sự là tâm vô minh của chúng ta chứ không phải là vấn đề phục tùng hay không; nó là sự vô minh về đời sống. Sau đó, Đức Phật tiếp tục nói rằng sự vô minh ấy không phải là một thành phần liên đới và thiết yếu của đời sống, của cách ta trải nghiệm sự việc như thế nào. Nó không cần phải có mặt: nó là điều có thể được loại bỏ, và nó có thể được loại bỏ hoàn toàn, không bao giờ quay trở lại nữa. Rồi Ngài nói rằng cách thật sự để thực hiện điều này là thay đổi cách ta kinh nghiệm sự việc.

Việc loại trừ tâm vô minh này không phải là yêu cầu người khác loại bỏ nó giùm ta, mà là thay đổi thái độ của chính mình về mặt cơ bản, thay đổi sự thấu hiểu của ta về thực tại. Nếu có thể thay thế sự hiểu lầm bằng sự thấu hiểu và có được nó trong mọi lúc, ta sẽ khám phá ra rằng mình không phải trải qua sự thăng trầm liên tục của vui buồn này, và ta sẽ không kéo dài sự kiện này. Vì thế, đây là một giáo huấn vô cùng căn bản của Đức Phật, nói theo ngôn ngữ đơn giản.

Nghiệp Liên Hệ với Hành Vi Nhân Quả

Khi chúng ta nói về nghiệp thì nó là một giải thích cơ bản về lý do và cách những kinh nghiệm vui buồn của chúng ta lên xuống ra sao – đó là tất cả những gì thuộc về nghiệp. Nói cách khác, làm cách nào tâm vô minh của ta sản sinh ra sự thăng trẩm vui buồn, ra những kinh nghiệm thoải mái và khó chịu? Nói cách khác, nó liên quan đến nhân và quả, và nhân quả là một chủ đề vô cùng phức tạp. Như Đức Phật đã nói, một chậu nước không đầy vì giọt nước đầu tiên hay giọt nước cuối cùng, mà do sự tích lũy toàn bộ các giọt nước. Tương tự thế, những gì chúng ta kinh nghiệm trong đời sống là kết quả của không chỉ một nguyên nhânnguyên nhân không chỉ là một điều mà ta chỉ tạo ra ngay tức thì trước khoảnh khắc này, hay những gì ta đã làm hàng a tăng kỳ kiếp về trước. Nó là kết quả từ một khối lượng lớn của các yếu tố nhân duyên.

Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm khoa học, vì nó cho rằng các sự kiện không xảy ra một cách cô lập, mà mọi việc thật sự phụ thuộc lẫn nhau. Chỉ cần có một thí dụ rất đơn giản, tất cả chúng ta sẽ không hiện diện nơi đây, trong phòng này để nghe bài thuyết trình này nếu người Tây Ban Nha đã không đến nước Mỹ, phải không? Đó chỉ là một nguyên nhân để chúng ta hiện diện ở đây. Giống như vậy, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trực tiếp và gián tiếp, góp phần vào sự việc mà ta đang trải nghiệm ngay bây giờ, hay bất cứ khoảnh khắc nào.

Tuy nhiên, nghiệp đang giải thích những nguyên nhân liên hệ một cách đặc biệt với tâm thức của chúng ta, nhưng có nhiều nguyên nhân khác góp phần cho những gì ta trải qua – các nguyên nhân vật lý, thí dụ như thời tiết và v.v… Nhiều điều tác động đến ta không chỉ xuất phát từ tâm thức của chính mình, mà còn bắt nguồn từ tâm thức của người khác nữa. Hãy cho thí dụ về các chính trị gia, những người quyết định nhiều chính sách khác nhau và chúng ảnh hưởng đến ta, và những điều này cũng có thể bị pha trộn với sự nhầm lẫn nào đó, phải không?

Nghiệp không nói về đức tin, nó không nói về định mệnh hay sự tiền định và những điều như thế, mà đúng hơn, nó nói về cách ta kinh nghiệm sự việc và thái độ của ta sẽ ảnh hưởng cách ta trải nghiệm đời sống ra sao. Chữ nghiệp(karma) được sử dụng một cách rất bao quát để chỉ mọi thứ liên hệ đến hành vi nhân quả; nói cách khác, mối liên hệ nhân quả xuất phát từ thái độhành vi của chúng ta. “Nghiệp” có thể nói đến toàn bộ chủ đề hành vi nhân quả một cách tổng quát, hay nó có thể nói riêng về một khía cạnh của toàn bộ quá trình ấy. Vì vậy, nếu muốn thấu hiểu cơ chế của nghiệp, chúng ta phải xem xét nó một cách chính xác hơn, chi tiết hơn.

Một Số Hệ Thống Giải Thích về Nghiệp

Khi khởi sự xem xét những giải thích chính xác hơn trong Phật giáo, ta sẽ sớm khám phá ra rằng không phải chỉ có một sự giải thích. Một số người Tây phương thấy điều này hơi bất tiện, nhưng nếu có một sự rắc rối hay một cảnh ngộ khó khăn, chúng ta có thể giải thích nó bằng một vài cách khác nhau, tùy theo quan điểm của mình. Ở phương Tây, chúng ta làm như thế, chúng ta có thể giải thích sự việc từ quan điểm xã hội, từ quan điểm tâm lý, quan điểm kinh tế – điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Những sự giải thích đa dạng giúp ta thấu hiểu những gì đang xảy ra một cách đầy đủ hơn. Và mỗi một cách giải thích về những gì đang diễn ra căn cứ trên một hệ thống tư tưởng nào đó – hệ thống tâm lý học, hệ thống chính trị học, kinh tế học và v.v… Chúng ta có điều gì tương tự ở đây trong Phật giáo, vì thế, ta thấy rằng có một vài sự giải thích từ những hệ thống giáo điều triết học khác nhau về cách nghiệp hoạt động ra sao. Chúng ta cũng có điều này ở phương Tây, ngay cả trong một môn học như tâm lý học – có thể có một sự giải thích từ quan điểm tâm lý của trường phái Freudian, một sự giải thích theo quan điểm của trường phái Jungian; người ta có thể giải thích sự việc theo đường lối của xã hội chủ nghĩa, hay chủ nghĩa tư bản. Chúng ta thấy điều này trong Phật giáo, và nó thật sự là điều hữu ích khi ta xem xét một vài hệ thống này, vì chúng cung cấp cho ta những sự thấu hiểu khác nhau về cách nghiệp vận hành như thế nào. Đối với mục tiêu của mình, ta không cần đi sâu vào chi tiết về những sự khác biệt giữa các hệ thống này, nhưng điều hữu ích là ta biết rằng có một vài hệ thống trong Phật giáo.

Dĩ nhiên, điều đó ám chỉ rằng chúng ta cũng có những hệ thống Tây phương giải thích về những gì đang xảy ra đối với những điều chúng ta đang trải qua. Điều này không nhất thiết mâu thuẫn với những gì ta nói về nghiệp.

Nghiệp như Yếu Tố Tinh Thần của một sự Thôi Thúc

Khi nói về nghiệp như một đề mục cụ thể, một sự việc cụ thể, nghiệp tự nó đang nói đến một yếu tố tinh thần, nếu đi theo một hệ thống giải thích. Khi ta nói về “yếu tố tinh thần”, nó có nghĩa là gì? Yếu tố tinh thần là một cách nhận thức điều gì đó. Hãy lấy một thí dụ: ta thấy một người nào đó và đi về phía họ. Có nhiều yếu tố tinh thần liên quan ở đây, đối với kinh nghiệm này. Có nhiều khía cạnh khác nhau đối với cách ta nhận thức về người này. Một số khía cạnh rất căn bản, như sự phân biệt người này với người khác, với bức tường. Sự thích thú – đó là một cách để nhận thức về người này và nó sẽ đi kèm theo khi ta nhìn thấy họ. Sự tập trung tinh thần có thể có mặt, những cảm xúc khác nhau có thể hiện diện. Tất cả những điều này là yếu tố tinh thần, và chúng hợp tác với nhau trong khoảnh khắc ta nhìn thấy người này và tiến về phía họ.

Yếu tố tinh thần nào là nghiệp? Nghiệp là yếu tố tinh thần đang thu hút ta đến với người này; nó là sự thúc đẩy đi kèm khi ta nhìn thấy người này, rồi đi về phía họ. Đó là lý do tại sao trong một số lý thuyết, nghiệp được giải thích hầu như là một năng lực vật lý. Dĩ nhiên, có thể có những yếu tố tinh thần khác, như ý định. Chúng ta định làm gì với người này? Ta có thể có ý muốn ôm họ hay đấm vào mặt họ. Có nhiều yếu tố khác liên hệ trong đó, nhưng nghiệp đơn giảnyếu tố tinh thần thúc đẩy, khiến ta thực hiện hành động ôm lấy người kia hay đấm vào mặt họ, khi ta nhìn thấy họ và tiến về phía họ. Hơn nữa, hãy nhớ rằng những sự thúc đẩy tinh thần không chỉ là những hành động vật lý, chẳng hạn như cái ôm hay đánh đấm. Ta cũng có thể có một sự thúc đẩy tinh thần khi nghĩ về điều gì đó; nó không chỉ thuộc về khía cạnh nói năng hay thực hiện điều gì trên phương diện thể chất. Dù ta đang nghĩ về điều gì, nói điều gì, hay đang làm điều gì, tất cả những điều này liên hệ với một sự thúc đẩy tinh thần nào đó.

Ảnh Hưởng của Hành Nghiệp

Giống như khoa học, Phật giáo giảng dạy rất nhiều về mặt nhân quả. Thế thì nếu như bị nghiệp, sự thúc đẩy này, dẫn dắt, ta sẽ thực hiện những công việc, sẽ nói năng và suy nghĩ những điều gì đó, rồi tạo ra một kết quả. Nghiệp không nói quá nhiều về ảnh hưởng của hành vi của chúng ta đối với những người khác – mặc dù dĩ nhiên là nó có ảnh hưởng đến người khác. Đó là bởi vì thật sự phần lớn ảnh hưởng mà người khác nhận được từ những điều ta ứng xử với họ là tùy vào họ. Một số ảnh hưởng mà người khác nhận lãnh từ những gì ta làm đối với họ chỉ là các yếu tố vật lý mà thôi: bạn đánh ai đó và da của họ bị bầm. Đó chỉ là nhân quả về mặt thể chất; ta không nói về điều này đối với nghiệp. Tuy nhiên, ảnh hưởng mà người kia có đối với cách họ cảm nhận về những gì ta nói hay làm đối với họ là tùy theo ý họ, phải không? Thí dụ, ta có thể nói với ai điều gì rất tàn nhẫn và họ có thể cảm thấy rất tổn thương, rất khó chịu. Tuy nhiên, họ cũng có thể nghĩ rằng ta là kẻ hoàn toàn ngu ngốc, vì vậy nên họ không tin ta và không tiếp nhận ta một cách nghiêm chỉnh, hay thậm chí, họ có thể không nghe ta nói, hoặc nghe một cách sai lầm. Họ có thể bận tâm về điều gì khác, thí dụ vậy. Vì thế, thậm chí nếu ta thật sự có ý định làm tổn thương cảm xúc của người đó một cách thậm tệ, không có gì bảo đảm là điều này sẽ xảy ra, mặc dù rõ ràng đạo Phật dạy chúng ta cố gắng không làm tổn thương bất cứ ai. Tuy nhiên ở đây, điều này không liên hệ đến nghiệp.

Khi nói về nghiệp quả của điều gì, nó là những nghiệp quả chính ta sẽ kinh qua như kết quả của hành động dựa trên cung cách đầy xung động và thúc bách này, với sự thôi thúc của nghiệp.

Bản thân ta sẽ chịu những ảnh hưởng gì? Một trong những ảnh hưởng – và điều này rất tương tự với những gì khoa học Tây phương nói – là ta sẽ điều kiện hóa chính mình để suy nghĩ, nói năng và hành động theo một cách nào đó, rồi nó tạo ra một khuynh hướng lập lại cung cách hành động đó. Kết quả của khuynh hướng lập lại hành động và cũng là một tiềm năng để lập lại hành động ấy – ta cũng có sự phân biệt phần nào giữa các tiềm năng và khuynh hướng, mặc dù không nhất thiết phải đi vào chi tiết về điều này – là ta sẽ muốn lập lại hành động đó.

Khuynh hướng hay tiềm năng này thật sự sản sinh ra điều gì? Khuynh hướng này tạo ra một cảm giáccảm giác muốn đi về phía bạn và ôm lấy bạn, thí dụ thế, hay cảm giác muốn đi đến bên bạn và nói điều gì xấu xa. Và rồi, khi cảm thấy muốn làm điều này thì dĩ nhiên, ta có sự chọn lựa nên làm điều này hay không. Đó là một điểm rất quan trọng khi ta nhận thấy rằng mình có sự lựa chọn trong việc thực hiện những gì mình có ý muốn hành động hay không. Nhưng nếu ta quyết định mình sẽ làm việc đó, hay thậm chí không hề suy nghĩ mình sẽ làm điều đó hay không mà cứ hành động, thì giai đoạn kế tiếp là lúc mà nghiệp biểu lộ. Nghiệp là sự thúc đẩy, động năng, sự thôi thúc mà nhờ có nó, ta mới thực hiện một hành động.

Sau đó, có nhiều điều khác chín muồi từ những xu hướng này. Trên căn bản, một trong những điều này cũng là nội dung của những gì chúng ta trãi qua. “Nội dung” là một chữ hơi rộng; tôi nghĩ là chúng ta phải nói rõ ràng hơn chút nữa. Ở đây, thí dụ như vấn đề là gặp gỡ người này mà không gặp người kia. Nó cũng liên hệ đến cung cách người ta đối xử với mình. Chúng ta phải hết sức cẩn thận về cách nói như thế nào để chính xác hơn. Nghiệpcủa ta không khiến cho người kia la hét với mình – họ la hét với ta vì kết quả của những khuynh hướng mà họ phải la hét với người khác, nhưng nghiệp của riêng ta là chịu trách nhiệm cho việc chịu đựng người khác la hét với mình.

Dĩ nhiên, điều này không phải là điều dễ hiểu nhất, nhưng tôi nghĩ một cách tiếp cận để hiểu vấn đề này là cho một thí dụ. Nếu một đứa bé mang tả và làm dơ tả thì nó phải chịu đựng điều này; đứa bé phải sống với tình trạng bẩn thỉu mà nó tạo ra. Hãy để qua một bên toàn bộ vấn đề là có ai thay tả cho đứa bé hay không, nhưng điểm chính ở đây là nếu bạn tạo ra một tình trạng bẩn thỉu, thì bạn phải chịu đựng sự bẩn thỉu ấy. Chúng ta tạo ra sự rối ren trong đời sống, và khi cuộc sống tiếp diễn, ta sẽ phải gặp nhiều rắc rối hơn. Trên căn bản, sự việc diễn tiến như thế. Nói một cách rõ rệt hơn, khi ta hành động ra sao với người khác thì họ sẽ đối xử với ta bằng cách tương tự như vậy. Tuy nhiên, có một nguyên tắc khác rất quan trọng đối với nghiệp là điều này không xảy ra như thế tức thì. Ta có thể nói chuyện với người nào đó một cách rất tử tế và nhẹ nhàng, nhưng họ vẫn điên tiết lên, la hét với ta khi họ tức giận.

Đây là lý do mà ta phải đưa toàn bộ sự thảo luận về tái sinh vào đây, để thật sự thấu hiểu nghiệp, bởi vì sự việc trãi qua một thời gian vô cùng lâu dài trước khi chúng sản sinh ra một ảnh hưởng, và có thể chúng không tạo ra một ảnh hưởng trong đời sống hiện tại. Trên thực tế, hầu như chúng không bao giờ có tác dụng trong hiện kiếp. Điều này không được người Tây phương chấp nhận một cách dễ dàng. Đối với một số người thì dường như đạo Phật nói rằng, “Hãy làm người tốt trong kiếp này và bạn sẽ hưởng được kết quả trên thiên đàng sau khi chết; nếu làm người xấu xa, bạn sẽ phải chịu kết quả trong địa ngục sau khi đời sống này kết thúc.”

Chúng ta phải xem xét điều này khá chặt chẽ: Có phải Phật giáo cũng nói giống như vậy, hay là khác với điều này? Đây không phải là một chủ đề dễ dàng, nó là một chủ đề rất phức tạp, bởi vì để thật sự hiểu về nhân quảnghiệp báo, chúng ta cần phải thấu hiểu về tái sinh – khái niệm của Phật giáo về tái sinh, không phải quan điểm tái sinh của các trường phái phi Phật giáo. Ai là người đã tạo ra một nguyên nhân và ai phải gánh chịu kết quả của nó? Có một “cái tôi” được tưởng thưởng hay bị trừng phạt hay không?

Tuy nhiên, nếu để vấn đề tái sinh và ai trải nghiệm nó sang một bên, như tôi đã đề cập ở lúc đầu, đạo Phật không nói về một hệ thống thưởng phạt căn cứ trên việc tuân theo luật lệ. Phật giáo không nói về cuộc đời này là một sự thử thách nào đó, và ta sẽ nhận lấy kết quả của thử thách này trong kiếp sau. Nó chỉ nói một cách đơn giản là sự việc cần một thời gian dài để tạo ra ảnh hưởng của nó. Ta có thể thấy điều này về mặt môi trường. Chúng ta hành động theo một cách nào đó và điều này tạo ra những ảnh hưởng nào đó trong đời sống này, nhưng nó sẽ sản sinh nhiều ảnh hưởng to lớn hơn trong kiếp sống của những thế hệ tương lai. Đó là điều tương tự như thế.

Hạnh PhúcBất Hạnh

Nghiệp chín trong một không gian hoàn toàn khác biệt – nói cách khác, những kết quả xuất phát từ những hành nghiệp này thuộc về một không gian khác – liên quan với những gì chúng ta đã nói đến ở phần đầu của bài thuyết trình này, đó là không gian của hạnh phúcbất hạnh. Khi lập lại những hành động nào đó, chúng ta sẽ kinh qua những sự việc nào đó – người khác đối xử đối với mình theo một cung cách nào đó, hay có thể là một hòn đá từ trên đỉnh vách đá sẽ rơi lên đầu ta. Chúng ta trãi qua những thứ này với niềm hạnh phúc hay bất hạnh. Hãy nghĩ về điều này. Có một số người, khi dẫm lên một con gián, họ cảm thấy rất vui – ta đã tóm được thứ ghê gớm này! Những người khác, khi dẫm lên một con gián, họ cảm thấy kinh tởm và rất buồn bã. Một số người khi bị ai đánh, hay la hét, họ cảm thấy bất hạnh và rất buồn, còn những người khác thì lại cảm thấy vui, “Vâng, tôi là người tội lỗi; tôi không tốt; tôi xấu xa; tôi đáng bị la rầy và đánh đập.”

Chắc các bạn biết câu nói này, tôi nghĩ là nó xuất xứ từ đây, tại Mễ Tây Cơ (Mexico), hay có lẽ người nào đã đặt ra câu chuyện và tôi đã tin vào nó, nhưng câu nói đó là: “Nếu chồng tôi đánh tôi thì có nghĩa là anh ấy thật sự yêu tôi; nếu anh ấy không đánh tôi thì có nghĩa rằng anh ấy không yêu tôi.”

Niềm hạnh phúc hay bất hạnh này hầu như là một loại không gian khác biệt, có phải không? Điều gì xảy ra cho ta trong một không gian là những gì ta đã làm một cách thúc bách, lập lại lập lại nhiều lần, và những gì ta kinh nghiệm, những việc xảy ra cho ta – đó là một không gian; và những không gian khác là cách ta thật sự trải nghiệm nó như thế nào, với niềm hạnh phúc hay bất hạnh. Những điều mà ta kinh nghiệm, hai không gian này, cả hai đều đang chín muồi từ những hành nghiệp trong quá khứ, nhưng từ những hành nghiệp khác nhau. Nếu ta chỉ nhìn vào không gian của hạnh phúcbất hạnh, đây này là một không gian rất tổng quát. Nó bắt nguồn từ cách ta hành động một cách tiêu cực hay xây dựng. Nếu ta hành động một cách tiêu cực, kết quả là ta sẽ kinh qua nỗi bất hạnh; nếu ta hành động một cách xây dựng, kết quả sẽ là sự trải nghiệm hạnh phúc.

Hành Động Xây DựngTiêu Cực

Bây giờ thì sự việc trở nên rất thú vị, khi ta tìm hiểu xem đạo Phật có ý gì khi nói về hành vi xây dựngtiêu cực. Tự nhiên là có một vài sự giải thích về điều này. Tuy nhiên, như đã thấy, chúng ta không thể thật sự định rõ bản tính của một hành động qua khía cạnh ảnh hưởng mà nó tạo ra cho một người khác, bởi vì không ai biết được nó sẽ có ảnh hưởng gì: có rất nhiều những yếu tố khác liên quan trong đó. Thế nên xây dựng hay tiêu cực liên quan đến trạng thái trong tâm thức mình, lúc chúng ta hành động. Nếu hành động của ta dựa trên sự tham lam, hay chấp thủ, hoặc sân hận, hay hoàn toàn ngờ nghệch, thì nó tiêu cực. Trái lại, nếu hành động của ta không dựa trên sân hận, không tham lam, không chấp thủ, không ngờ nghệch, thì nó có tính cách xây dựng. Hiển nhiênxa hơn nữa, nếu nó dựa trên lòng từ ái và bi mẫn, bố thí, v.v… thì đó cũng là hành vi xây dựng.

Ngoài ra, còn có những yếu tố khác. Việc xem xét những yếu tố khác khiến cho một hành động trở thành xây dựng hay tiêu cực là điều rất thú vị. Một yếu tốnhân phẩm đạo đức, hay nhân phẩm đạo lý. Điều này liên quan đến quan niệm về bản thân và lòng tự trọng. Nếu không có lòng tự trọng thì ta sẽ không quan tâm đến ảnh hưởng của hành động của mình đối với bản thân. Nó là thái độ “sao cũng được.” Với lòng tự trọng thấp như thế, ta sẽ hành động một cách tiêu cực. Nói cách khác, nếu tôi nghĩ về chính mình một cách tích cực, nếu tôi tôn trọng bản thân như một con người, thì tôi sẽ không hành động như một thằng ngốc. Tôi sẽ không hành động một cách ngu dại, tàn nhẫn, bởi vì tôi không muốn tự hạ thấp mình để hành động như thế – tôi có một ý niệm cao cả hơn nhiều về bản thân, về những gì tôi có thể làm. Đây là yếu tốchúng ta đang nói đến ở đây: việc có ý thức về nhân phẩm đạo đức hay không. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng, vì nó quyết định ta sẽ hành động trong một cách xây dựng hay tiêu cực.

Một yếu tố khác là sự quan tâm đến cách hành vi của ta sẽ phản ảnh ra sao về những người khác. Chúng ta đang nói về điều gì? Nếu ta tạo ra một hành động kinh khiếp, nó sẽ phản ảnh như thế nào về gia đình tôi? Nó phản ảnh như thế nào về quê hương tôi? Nếu tôi có một hành động kinh khiếp, người ta sẽ nghĩ gì về người Mễ Tây Cơ? Nếu chúng taPhật tử mà tôi đi uống rượu say và đánh lộn với người khác, điều này sẽ phản ảnh ra sao về đạo Phật và Phật tử? Bởi vì ta có đủ lòng tôn trọng đối với gia đình, đoàn thể của mình, hay bất cứ cá thể nào, như tôn giáo, quốc gia, thành phố, với ý thức quan tâm về ảnh hưởnghành vi của chúng ta sẽ tạo ra, với sự quan tâm về cách hành động của chúng ta sẽ phản ảnh ra sao về những người khác, nếu như có được điều này, ta sẽ tránh những hành vi tiêu cực. Nếu như không có nó, ta sẽ hành động một cách tiêu cực. Đây là một tuệ giác đặc biệt thâm thúy của đạo Phật. Yếu tố chính là gì? Là lòng tự tôn, tự trọng và tinh thần quý trọng cộng đồng của mình.

Điều này cho ta một tuệ giác lớn về một số yếu tố cần phải được cân nhắc trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Nếu chúng ta tước đoạt nơi một con ngườicộng đồng của họ tất cả ý thức về nhân phẩm, khiến cho đời sống của họ trở nên thật sự thậm tệ và có những ý nghĩ ghê gớm về họ, họ sẽ cảm thấy dù họ có cố gắng làm gì đi nữa thì cũng không quan trọng. Nếu họ không có ý thức về giá trị bản thân hay giá trị cộng đồng của họ, thì tại sao không hành động một cách tiêu cực? Họ cảm thấy rằng họ không có gì để mất. Tôi nghĩ rằng điều này là một điều hữu ích để ghi nhớ về cách ta ứng xử với người khác ra sao, đặc biệt là trong những hoàn cảnh rắc rối trên thếgiới. Điều quan trọng là đừng bao giờ tước đoạt ý thức về nhân phẩm của ai hay cảm giác về giá trị của cộng đồng của họ.

Đây là một vài yếu tố tinh thần liên quan với điều gì khiến cho một hành động trở nên tiêu cực hay xây dựng. Nó cũng là việc xem trọng sự thật là cách ta hành động và xử sự đối với người khác sẽ ảnh hưởng đến họ. Điều này nói về việc có lòng quan tâm hay chăm sóc – tôi gọi nó là “thái độ chăm sóc.” Nhưng đôi khi, ta rất ngây thơ, ta nghĩ rằng tôi có thể nói bất cứ điều gì với bạn và sẽ không có sao hết. Tôi thật sự không quan tâm đến cảm giác của bạn một cách nghiêm túc. Thế là ta không có thái độ chăm sóc đối với người khác.

Nếu ta hành động bằng loại yếu tố tinh thần như tham lam, sân hận, không có ý thức về giá trị bản thân, không quan tâm về cách ta hành xử sẽ phản ảnh về người khác ra sao, không có sự chăm sóc, không thấy rằng những gì ta làm sẽ ảnh hưởng đến người khác cũng như bản thân mình, thì kết quả của điều này là gì? Là sự bất hạnh. Tuy nhiên, nỗi bất hạnh này không phải là một sự trừng phạt.

Chúng ta thật sự phải tư duy sâu sắc về điều này. Có phải tâm trạng chất chứa tất cả những yếu tố tiêu cực này thật sự là một tâm trạng hạnh phúc, và nó có thể thật sự sản sinh ra một kinh nghiệm hạnh phúc trong ta hay không, hay nó chỉ có thể tạo ra bất hạnh? Nếu suy nghĩ về điều này nhiều hơn nữa thì ta sẽ thấy thật ra đây là điều hợp lý, rằng trạng thái đó của tâm thức, trạng thái tiêu cực của tâm, sẽ đưa đến kết quả của sự bất hạnh, và nếu chúng ta có một trạng thái đối nghịch, không có tham lam, sân hận và tất cả những điều khác, nó sẽ sản sinh ra hạnh phúc. Vì vậy, ta có những loại hành vi chung chung này – xây dựngtiêu cực – và chúng sẽ đưa đến kết quả là những kinh nghiệm hạnh phúc hay bất hạnh.

Hơn nữa, có những loại hành động cụ thể mà ta tạo ra như la hét với người nào, hay tử tế với ai và v.v…, và những điều này cũng có sự ảnh hưởng của nó về khuynh hướng lập lại hành động đó và khuynh hướng rơi vào các tình huống mà người khác sẽ đối xử với ta theo cách này.

Một kết quả khác của hảnh nghiệp của chúng ta – nhưng không cần phải đi vào nhiều chi tiết ở đây – liên hệ đến loại tái sinh nào mà ta sẽ trải qua: ta sẽ tái sinh với một cơ thể và tâm thức của một con chó, một con gián, hay một con người. Loại cơ thể và tâm thức mà ta sẽ có được như là bối cảnh cho những kinh nghiệm nào đó sẽ xảy ra cho ta và cách ta cư xử theo cung cách nào đó. Có nhiều chi tiết khác ở đây, nhưng trong bài thuyết trình giới thiệunày, tôi chỉ muốn đề cập tới các nguyên tắc tổng quát nhất.

Thuyết Quyết Định hay Tự Do Ý Chí

Thế là một mặt, ta lập đi lập lại những loại hành vi nào đó và sự việc xảy ra với ta; và ở mặt khác, ta kinh qua tất cả những điều này với sự thăng trầm của hạnh phúcbất hạnh, những điều đôi khi phù hợp với hành động của ta và đôi khi, dường như chẳng liên hệvới nhau cả. Tất cả những điều này thăng trầm, lên xuống trong mọi lúc, và ta không biết điều gì sẽ xảy ra sau đó. Dĩ nhiên, những gì xảy ra với ta không chỉ là do ta và nghiệp của riêng ta tạo ra. Nó cũng bị ảnh hưởng bởi những gì đang xảy ra với tất cả những người khác trong vũ trụ và nghiệp của họ, và những gì họ đang làm, cộng với những gì đang xảy ra với vũ trụ vật lý – những hiện tượng khí tượng của vũ trụ như thời tiết, động đất, loại hiện tượng như thế. Vì vậy, rất khó tiên đoán những gì chúng ta sẽ trãi qua sau đó – các yếu tố ảnh hưởng sự việc quá phức tạp, và trên thực tế, Đức Phật nói rằng đó là vấn đề phức tạp nhất của bất cứ điều gì mà ta có thể thấu hiểu được.

Chúng ta phải hiểu rõ ở đây, bởi vì rất nhiều người hỏi về nghiệp – có phải nó là thuyết quyết định hay chúng tatự do ý chí không? Không có điều nào đúng, cả hai đều là những cực đoan. Thuyết quyết định thường ngụ ý rằng người khác đã quyết định giùm ta những gì ta sẽ làm hay trải nghiệm – một nhân vật bên ngoài, một đấng cao cả hơn, hay bất cứ người nào đó. Đạo Phật nói không phải là điều này; không phải người nào khác đã quyết định những gì mình sẽ làm và chúng ta chỉ là những con rối, thể hiện một vai trò nào đó mà ai khác đã viết kịch bản cho ta.

Mặt khác, tự do ý chí hơi giống như ai đó ngổi trong nhà hàng, cầm một tờ thực đơn trước mặt họ và quyết định những món họ muốn ăn. Cuộc sống không như thế. Đạo Phật nói rằng nếu tưởng tượng đời sống như vậy thì không đúng, đó là một sự lầm lẫn. Dường như và có vẻ như có một cái “tôi” riêng biệt – tách khỏi đời sống, kinh nghiệm, một người ngoại cuộc với tất cả mọi việc đang xảy ra, có thể nhìn đời sống như một thực đơn và chọn những món trong đó. Không có “tôi” riêng biệt với đời sống, hay kinh nghiệm và những gì sẽ xảy ra cho ta không hiện hữu như những món ăn nho nhỏ trên thực đơn mà ta có thể chọn, như thể chúng đã có sẵn ở đó, rồi ta chỉ cần ấn nút và chúng chui ra khỏi máy bán hàng tự động, hay là điều gì tương tự như thế. Tôi nghĩ đây là một hình tượng hữu ích để ta có thể thấy nó ngớ ngẩn như thế nào. Không phải là các kinh nghiệm đang tồn tại như những món ăn khô làm sẵn trong một máy bán hàng tự động và bạn chọn lựa món nào bạn muốn; nhấn nút, bỏ tiền vô và nó chạy ra cho bạn. Cuộc sống không phải như thế, đúng không? Không phải là chúng ta quyết định trước, “Hôm nay, tôi sẽ có hạnh phúcmọi người sẽ tử tế với tôi.” Rồi chúng ta đặt tiền vào máy của cuộc đời và những gì ta chọn sẽ đến với mình. Đó là tự do ý chí, phải không? Tự do ý chí để quyết định những gì sẽ xảy ra cho mình và những gì ta sẽ làm. Nhưng những gì xảy ra cho chúng ta thì hoàn toàn vi tếphức tạp hơn hai loại cực đoan của thuyết quyết địnhtự do ý chí rất nhiều.

Vô Minh là Cội Nguồn của Nghiệp

Chúng ta đã nói ở phần trước của bài thuyết giảng là điểm đặc thù trong Phật giáoĐức Phật đã dạy về nguyên nhân tạo ra sự thăng trầm liên tục của những kinh nghiệm hạnh phúcbất hạnh, về nguyên nhân tạo ra mọi sự việc xảy ra mà ta thật sự không mong muốn và không hề có một sự kiểm soát nào. Nguyên nhân là một phần của mỗi một khoảnh khắc kinh nghiệm của chúng ta và nó đang kéo dài toàn bộ hội chứng này – nguyên nhân ấy là sự vô minh. Không chỉ thế, nhưng khi ta hành động vì vô minh – cho dù tiêu cực hay xây dựng – nó tăng cường cái gọi là “thói quen bất biến” – thói quen hành động một cách liên tục với tâm vô minh – vì thế, ta tiếp tục hành động với tâm vô minh trong mỗi một khoảnh khắc.

Sự vô minh này là gì? Đó là một chủ đề rất sâu sắc trong Phật giáo; nhưng nếu nóí một cách rất đơn giản thì điều mà chúng ta đang nói đến là sự vô minh về cách tôi hiện hữu như thế nào, bạn tồn tại ra sao, và mọi người hiện hữu ra sao. Thí dụ, chúng ta nghĩ rằng tôi là trung tâm vũ trụ; tôi là người quan trọng nhất; sự việc nên luôn luôn xảy ra theo ý tôi; tôi luôn luôn đúng; người khác nên luôn luôn có thì giờ cho tôi. Chúng ta có thể nhận ra thái độ này khi sử dụng điện thoại di động: ta cảm thấy mình có thể gọi bất cứ người nào vào bất cứ lúc nào và làm phiền họ, bất chấp họ đang làm gì, và họ phải có thì giờ cho tôi, bởi vì những gì tôi phải nói thì quan trọng hơn bất cứ điều gì mà họ có thể đang làm. Dựa trên sự vô minh này, ta có thể hành xử một cách tiêu cực đối với người nào đó, như la lối họ, đối xử với họ một cách tàn nhẫn, và ta sẽ làm thế bởi vì họ đã không làm những gì tôi muốn họ làm, hay họ đang làm điều mà tôi không thích. Họ nên làm những gì tôi thích bởi vì những gì tôi muốn rõ ràng là quan trọng hơn những gì họ muốn. Hay là, dựa trên cùng một sự vô minh, ta có thể làm điều gì tốt đẹp cho ai đó, tử tế với họ, bởi vì tôi muốn họ thích tôi; tôi muốn họ vui vẻ với tôi. Tôi thấy mình cần làm điều gì cho người nào mà tôi nghĩ là cần sự giúp đỡ, vì thế, tôi sẽ nói với con gái tôi cách nuôi con như thế nào, cách lo toan việc nhà ra sao. Đây không phải là điều hữu ích hay sao? Không cần biết đứa con gái có cần lời khuyên và giúp đỡ hay không, nhưng ta nghĩ rằng tôi là người quan trọng nhất, tôi muốn là người được cần đến, và hiển nhiên là tôi hiểu biết hơn con gái tôi về cách nuôi dưỡng con cái, và rõ ràng là cô ta cần phải nghe lời khuyên của tôi.

Thế là có sự vô minh này, và nó ẩn sau hành vi tiêu cực lẫn xây dựng. Vì tâm vô minh này mà chúng ta kéo dài chu kỳ thăng trầm, lên xuống này. Vì vậy, chúng ta phải xem xét làm cách nào để thoát khỏi nó.

Thoát Khỏi Vô Minh

Khi chúng ta nhìn vào cơ cấu về cách những chủng tử nghiệp và tập khí chín muồi như thế nào, đặc biệtcác chủng tử nghiệp, thì tất cả đều liên quan đến thái độ của ta đối với niềm vui và nỗi buồn thăng trầm mà ta trãi qua. Ở đây, ta có hai yếu tố tinh thần đồng hành đáng kể với những kinh nghiệm vui buồn. Yếu tố thứ nhất là “tham ái”. Khi kinh qua hạnh phúc, chúng ta khao khát – nghĩa là chúng ta có sự tham muốn rất mạnh mẽ – để không xa rời hạnh phúc. “Bạn đừng bỏ đi, hãy ở đây với tôi hoài, bạn có thể ở lại lâu hơn không” – đại loại là những điều như thế khi ta đang vui vẻ với người nào đó. Hay ta đang hưởng thụ và cảm thấy hạnh phúc với việc ăn bánh sô cô la, nên ta không muốn rời xa niềm vui ấy. Vì vậy nên ta tiếp tục ăn thêm, ăn nữa và nhiều hơn nữa, có phải không? Đó là tham ái. Rồi khi trãi qua bất hạnh, chúng ta muốn lánh xa nó càng nhanh càng tốt. Bên dưới cả hai điều này là yếu tố tinh thần thứ hai – một thái độ mạnh mẽ đồng hóa với cái “tôi”, một cái “tôi” vững chắc, với những gì ta đang trãi qua. Tôi phải có niềm vui này và bất cứ điều gì mang lại cho tôi hạnh phúc, hơn nữa và nhiều hơn nữa, và không tách rời khỏi nó. Tôi phải cách biệt với những gì tôi không thích. Tôikhông thích những điều bạn đang nói, vì thế, tốt hơn hết là bạn hãy im đi, không thì tôi sẽ la hét với bạn.

Khi ta trãi qua sự buồn vui thăng trầm trong cuộc sống với niềm khát khao này và một sự đồng hóa mạnh mẽ về một cái “tôi” vững chắc với những gì đang xảy ra, điều mà sau rốt, căn cứ trên vô minh – việc này khiến cho tất cả các chủng tử nghiệp này chín muồi. Theo phương cách đó, chúng ta đang duy trì sự thăng trầm, lên xuống của niềm vui và nỗi buồn, lập đi lập lại tất cả những hành vi trước đây của mình, bởi vì đây là những gì chín muồi từ những chủng tử ấy. Điều thật đáng sợ là sự vô minh này có mặt trong mỗi thời khắc của niềm vui và nỗi buồn. Nó tạo tác thêm những khoảnh khắc hạnh phúc và khổ đau, và chúng cũng sẽ đồng hành với vô minh. Tâm vô minhchúng ta trãi nghiệm hiện nay là kết quả của tâm vô minh trong quá khứ, khi ta đã kinh qua hạnh phúc và buồn đau.

Vòng tuần hoàn tái diễn thiếu kiểm soát này, chu kỳ tự duy trì này, chính là điều mà Phật giáo gọi là “luân hồi” (“samsara”). Nếu ta có thể thoát khỏi sự vô minh này thì toàn bộ hệ thống của nghiệp sẽ tan rã và ta sẽ thoát khỏi luân hồi. Nếu ta thay thế vô minh bằng sự thấu hiểu đúng đắn – tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết điều này nghĩa là gì, mà chỉ nói về ý tưởng tổng quát – nếu chúng ta thay thế sự vô minh bằng sự thấu hiểu đúng đắn, thì sẽ không có cơ sở cho cái “tôi” vững chắc này – không căn cứ địa cho việc “tôi phải có điều này và không có điều kia.” Không có tham ái, vì thế không có sự khởi động của các khuynh hướng và tập khí này. Và nếu không có điều gì khởi động các yếu tố này, bạn không thể nói rằng bạn vẫn còn có những khuynh hướng và tập khí.

Tôi sẽ cố gắng cho một thí dụ. Nếu bạn có khuynh hướng thấy những con khủng long thì khi chúng bị tuyệt chủng, bạn sẽ không nhìn thấy chúng nữa khi đi trong rừng, có phải không? Trước kia đã có khuynh hướng này: khi đi trong rừng, tôi luôn luôn thấy khủng long. Bây giờ không còn khủng long, nên đã không còn khuynh hướng để thấy chúng nữa. Dùng thí dụ ấy, khi không còn gì để khiến cho một khuynh hướng chín muồi, đó là một con khủng long đi trước mặt bạn, khiến cho một khuynh hướng nhìn thấy con khủng long chín muồi, nếu không có gì để khởi động khuynh hướng đó, bạn sẽ không còn nó nữa. Và nếu các chủng tử nghiệp không chín nữa bởi vì không còn các chủng tử đó nữa, thì chúng ta không trãi qua sự thăng trầm của hạnh phúcbất hạnh nữa, chắc chắn là ta sẽ không kinh nghiệm bất cứ sự vô minh nào đi kèm với nó nữa; điều đó cũng mất đi.

Đây là cách mà chúng ta thoát khỏi toàn bộ tình trạng luân hồi này. Ta không còn kinh qua sự bất toại nguyện, bất an, thăng trầm của vui buồn, thay vì vậy, ta có một kinh nghiệm rất vững chãi của một loại hạnh phúc rất khác biệt, một phẩm chất rất khác biệt – không phải là loại hạnh phúc lẫn lộn với vô minh, và không phải loại hạnh phúc “tôi đã thắng cuộc nên đây là phần thưởng của tôi.” Nó là niềm hạnh phúcchúng ta kinh nghiệm khi thoát khỏi một hoàn cảnh khó khăn. Tôi nghĩ một thí dụ đơn giản, tuy không phải là một thí dụ chính xác, cho sự tiếp cận với những gì mà điều này đề cập đến là niềm hạnh phúc mà ta cảm nhận khi ta cởi đôi giày chật ra vào cuối ngày – đó là một sự vui vẻ thoải mái vì ta đã thoát khỏi cái đau này.

Cũng như thế, điều mà ta sẽ kinh nghiệm với sự giải thoát là những hành động của ta không còn bị lèo lái vì sự thôi thúc cưỡng ép của nghiệp, khiến ta hành động theo một cách nào đó, kinh nghiệm những điều nào đó. Đúng hơn, nếu ta đang tu tập, vượt qua cả sự giải thoát, để trở thành một vị Phật thì yếo tố dẫn dắt hành động của ta sẽ là lòng bi mẫnước mong cho người khác thoát khổ và những nguyên nhân của nỗi khổ này.

Lời Kết Luận

Đây là một giải thích căn bản về một số nguyên tắc liên hệ đến nghiệp. Có rất nhiều, nhiều điều hơn nữa để ta có thể nói và giải thích. Một số vấn đề được giải thích bằng những nguyên tắc phổ biến, như loại hành động này đưa đến loại ảnh hưởng này, và nếu yếu tố này có mặt thì kết quả sẽ mạnh mẽ hơn, và nếu nó không có mặt – nếu tình cờ, bạn làm điều gì trái ngược với hành động có mục đíchảnh hưởng sẽ khác biệt, và v.v…Có rất nhiều chi tiết về vấn đề này.

Cũng như thế, về mặt những gì sẽ chín trong hiện tại thì rất khó khái quát hóa bằng các nguyên tắc, bởi vì nó chịu ảnh hưởng của tất cả các yếu tố khác đang xảy ra chung quanh ta. Điều gì xảy ra cho ta hiện nay, chúng ta không chỉ khái quát hóa bằng các nguyên tắc chung chung, bởi vì những gì xảy ra trong hiện tại chịu ảnh hưởng của tất cả những yếu tố khác đang diễn ra. Hãy thử nghĩ nếu như bạn gặp tai nạn trên đường, điều gì đã khiến việc này xảy ra? Về phía những người khác, đó là nghiệp đã khiến họ đi trên con đường đó, cùng các điều kiện giao thông, thời tiếtđiều kiện đường xá. Rất nhiều yếu tố đã tụ họp lại trong trường hợp này để tạo ra một tai nạn chín muồi trong hiện tại.

Nếu thích thú về đề tài này thì chúng ta sẽ có một không gian rộng lớn để khám phá nhiều khía cạnh khác nhau của nó. Càng học hỏi về nghiệp, tôi nghĩ nó càng hữu ích cho việc vượt thắng sự khống chế của nghiệp, để ta không chỉ tự giải thoát mình ra khỏi nỗi khổ luân hồi, mà còn có thể hỗ trợ người khác tốt hơn.

Quý vị có thắc mắc gì không?

Câu Hỏi

Hỏi: Trong phạm vi này, có phải là tội lỗi không có mặt trong đó? Nó không có liên quan gì đến tội lỗi, phải không?

Đáp: Đúng thế. Giải thích của đạo Phật về nghiệp không liên quan gì đến tội lỗi. Tội lỗi dựa trên cách suy nghĩ về khía cạnh của một cái “tôi” rất mạnh mẽ vững chắc như một thực thể tồn tại riêng biệt và những gì tôi đã làm là những thực thể riêng lẻ khác, giống như hai quả bóng bàn, hay những gì tương tự như thế. Rồi ta tin rằng thực thể “tôi” đó quá tệthực thể “những gì tôi đã làm” quá tệ hại. Vì thế, cũng có một sự phán đoán về hai thực thể dường như vững chắc và rồi không có sự buông xả – đó là tội lỗi. Nó giống như khi ta chẳng bao giờ vất rác ra khỏi nhà mà cứ để nó ở trong nhà và nói nó ghê gớm như thế nào, nó hôi thối, dơ bẩn ra sao, mà chẳng bao giờ vứt bỏ nó.

Hỏi: Nghe có vẻ rất rõ rànghợp lý. Tôi có thể hiểu được toàn bộ hệ thống, và cách làm thế nào để thoát khỏi vô minh, sự thúc đẩy, các khuynh hướng và tất cả mọi việc. Nhưng tôi nghĩ rằng thấu hiểu nó chưa đủ để loại trừ kinh nghiệm hay xung động của một hành vi thúc bách trong hiện tại.

Đáp: Đúng thế. Vâng, đó là lý do tại sao trước tiên, chúng ta cần tự kiểm soát đạo đức của mình. Hãy nhớ là, chúng ta đã nói rằng có một khoảng cách nhỏ giữa điều khi tôi muốn nói, “Cái áo đầm bạn mặc hôm nay xấu quá,” và khi tôi thật sự nói nó. Nếu có thể nắm bắt khoảng không gian ấy, thì ta có khả năng quyết định nếu tôi nói với người đó là họ đang mặc một cái áo đầm xấu xí thì sẽ tạo ra ảnh hưởng gì. Và nếu thấy rằng nó không phải là một điều xây dựng để nói ra, chúng ta sẽ không nói làm gì. Đó là khởi điểm của mình, bắt đầu bằng nguyên tắc đạo đứctự chủ.

Cũng như thế, ta có thể xem xét tôi có những cảm xúc nào khi tôi muốn làm điều gì đó? Có phải ý muốn làm việc đó căn cứ trên một sự phiền não, chẳng hạn như tham lam? Có phải nó căn cứ trên sân hận; hay si mê? Tôi có nghĩ rằng nếu nói cái áo đầm của bạn xấu thì sẽ không có ảnh hưởng gì đối với bạn không? Hay ước muốn làm điều gì đó của tôi dựa trên sự tử tế ân cần và những động lực tích cực hơn? Đây là lý do tại sao định nghĩa của một cảm xúc hay thái độ phiền não rất hữu ích: nó là một trạng thái của tâm mà khi sinh khởi, khiến cho ta mất sự bình antự chủ.

Bạn có thể nói rằng khi mất sự bình an: tim ta sẽ đập nhanh hơn một chút; ta cảm thấy hơi khó chịu. Vì vậy nên ta cố gắng chú ý đến, thí dụ như những điều tinh tế, như có phải tôi đang nói điều gì đó vì lòng tự hào hay không? Thí dụ, người nào nói, “Tôi không hiểu điều đó,” và bạn nói, “Ô, nhưng tôi hiểu!” Bạn sẽ để ý có một chút lo lắng, một chút tự hào đằng sau câu nói này, một sự kiêu hãnh nào đấy, nên đây là những gì ta cần phải đề phòng.

Tuy nhiên, để hiểu được thực tại, nghĩa là thấu hiểu tánh Khôngvân vân thì rất khó, rất là khó, và ngay cả khi đã hiểu nó, ta phải trở nên quen thuộc với nó, để có được nó trong mọi lúc. Đó là lý do mà ta khởi đầu bằng giớiluật, để chấm dứt những hành động tiêu cực.

Hỏi: Có vài điều tôi không hiểu. Tôi nghĩ giáo sư có nói rằng có hai cảm xúc duy trì niềm hạnh phúcbất hạnh này, những sự dao động lên xuống này. Có phải giáo sư nói rằng một trong hai điều này là tham ái, còn điều kia là gì?

Đáp: Những gì tôi đã giải thích là hai yếu tố khởi động các chủng tử nghiệp– điều này thuộc về giáo lý mười hai nhân duyên. Một yếu tốtham áiyếu tố kia – tôi đã nói một cách đơn giản – thật ra nó là “chấp thủ”, và nó là một danh sách khoảng năm khả năng khác nhau. Đây là những gì sẽ đạt được kết quả, nên điều nổi bật nhất là sự nhận diện về một cái “tôi” vững chắc mà ta đang trải nghiệm, với những gì đang diễn tiến.

Hỏi: Có phải nhận diện ra một cái “tôi” vững chắc liên quan đến điều gì đó? Rõ ràng có sự vô minh ở đây, chúng ta phải đương đầu với nó và thoát khỏi vô minh. Nhưng nói một cách chính xác thì chúng ta vô minh về điều gì và đang nhầm lẫn nó với điều gì?

Đáp: Đây không phải là một câu hỏi dễ dàng để trả lời một cách đơn giản. Chúng ta mê lầm về cái “tôi” có hiện hữu, cái “tôi” quy ước, với cái “tôi” sai lầm không thật sự hiện hữu. Những gì chúng ta đang làm là tưởng tượng cái “tôi” tồn tại trên thực tế tồn tại theo một cách bất khả dĩ nào đấy, đó là một sự cường điệu. Nó bổ sung thêm điều không hề hiện diện ở đây. Thí dụ: tôi vui hay tôi không vui. Không phải là bạn không vui mà là tôi không vui. Khi có một kinh nghiệm hạnh phúc hay bất hạnh, chúng ta nói về nó theo khía cạnh tôi hạnh phúc. Không phải bạn hạnh phúc hay người nào khác hạnh phúc, mà tôi hạnh phúc. Cái “tôi” hay “mình” là cái “mình” quy ước, có tồn tại.

Tôi sẽ cho một thí dụ về cái “tôi” quy ước này. Giả sử chúng ta xem một bộ phim, cho là “Cuốn Theo Chiều Gió”. Trong đó có một cảnh vui, rồi một cảnh buồn, và rồi một cảnh vui khác. Thế thì điều gì đang xảy ra ở đây? Màn hạnh phúc là một cảnh trong phim “Cuốn Theo Chiều Gió” và màn bất hạnh là một cảnh khác của bộ phim. “Cuốn Theo Chiều Gió” là cách ta đặt tên theo quy ước cho cả bộ phim, cho tất cả các cảnh hạnh phúcbất hạnh đó. Tuy nhiên, “Cuốn Theo Chiều Gió” chỉ là một tựa đề, là một cái tên. Nhưng khi nói về “Cuốn Theo Chiều Gió”, chúng ta không chỉ nói về tựa đề. Ta đang nói về bộ phim thật sự mà tựa đề nói đến. Đó là bộ phim hiện hữu một cách quy ước: nó hiện hữu. Bộ phim không phải là điều gì tách rời với mỗi một cảnh trong đó – một bộ phim tách rời và độc lập với những cảnh ấy sẽ là một bộ phim không thật. Nó không tồn tại. Chúng ta nói một bộ phim tồn tại một cách quy ước chỉ là những gì có thể được đặt tên hay quy gán, dựa vào các cảnh.

Tương tự thế, chúng ta có những khoảnh khắc hạnh phúc trong đời sống, những khoảnh khắc bất hạnh trong đời và v.v…, và chúng ta nói về tất cả những điều này như thế nào? Ta đề cập đến nó như cái “tôi” – cái “tôi” quy ước, là điều hiện hữu: nó không phải là bạn, nó là “tôi”. Tương tự thế, bộ phim đó là “Cuốn Theo Chiều Gió”, không phải là “Chiến Tranh Các Vì Sao”. Nhưng không có cái “tôi” tách rời với những khoảnh khắc của kinh nghiệm hạnh phúcbất hạnh, và cái “tôi” đang kinh nghiệm những khoảnh khắc ấy. Đó sẽ là cái “tôi” không thật, một cái “tôi” không hề tồn tại. Và cái “tôi” chỉ là một từ ngữ; vì thế “tôi” chỉ đơn thuần là những gì mà từ ngữ ấy đang đề cập đến về nền tảng của tất cả những khoảnh khắc kinh nghiệm của một đời sống.

Thế thì sự vô minh là việc cho rằng có một cái “tôi” riêng biệt nào đó bên trong thân thể này, sống ở trong đó, nối kết với nó một cách nào đó, nhấn những cái nút, và bây giờ cái “tôi” ấy cảm thấy đau ở bàn chân của tôi. Tôi rất đau khổ và không thích điều này. Nó tựa như có một cái “tôi” riêng rẽ với toàn bộ những kinh nghiệm bên trong sự vật xa lạ đó, gọi là thân thể. Rồi dựa trên căn bản lầm lẫn cái “tôi” riêng rẽ này, nhầm lẫn cái “tôi” giả dối này với cái “tôi” quy ướcđồng hóa nó với cái “tôi” giả dối, ta cảm nhận với tâm tham ái rằng, “Tôi phải lánh xa sự buồn phiền này, nỗi đau này, nỗi bất hạnh mà tôi trãi qua từ nỗi đau thể chất.” Dĩ nhiên, khi không có nhận thức sai lầm ấy về một cái “tôi” vững chắc, không có nghĩa là chúng ta chỉ ngồi đó và tiếp tục mang nỗi đau. Nếu chân ta ở trong lửa, dĩ nhiên, ta sẽ lấy nó ra khỏi lửa, nhưng khái niệm về cái “tôi” đằng sau nó thì hoàn toàn khác biệt. Không có sự hoảng sợ.

Tuy nhiên, khái niệm về một cái “tôi” giả dối so với một cái “tôi” quy ước thì rất phức tạpcấp tiến. Vì vậy, hãy để yên nó ở đó. Thay vì vậy, hãy chấm dứt buổi tối hôm nay bằng sự hồi hướng. Hãy nghĩ rằng nếu ta có được bất cứ sự hiểu biết nào, bất cứ năng lực tích cực nào từ buổi thảo luận này, nguyện cho những điều này thâm nhập sâu sắc hơn nữa, tăng trưởng mạnh mẽ nhiều hơn nữa, và trở thành nhân giác ngộ vì lợi ích cho tất cả.

(Nguồn: http://www.berzinarchives.com)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/12/2015(Xem: 18378)
16/01/2016(Xem: 15123)
06/10/2016(Xem: 15181)
17/12/2016(Xem: 24447)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.