Thư Viện Hoa Sen

Có tiếng nhưng không có miếng

15/05/20153:40 CH(Xem: 34888)
Có tiếng nhưng không có miếng

CÓ TIẾNG NHƯNG KHÔNG CÓ MIẾNG
Thiện Ý

          Ở đời, chúng ta thường thấy có người bên ngoài dáng vẻ giàu sang, thành công, đi xe sang trọng, nhà ở thật đẹp và quý phái.  Nhưng trên thực tế, họ rất chật vật trong đời sống hằng ngày. Tôi có một anh bạn quen sang Mỹ chỉ mới hơn 5 năm.  Thế mà, đi xe hiệu BMW và ở nhà trong khu đắt tiền, cao cấp, lên đến bạc triệu.  Hỏi ra thì anh chỉ cười buồn và than rằng lúc nào cũng bận rộn, không có thời gian rảnh.  Sau này mới biết rằng anh làm 3 việc (job) cùng một lúc để có thể xoay sở trả cho căn nhà sang trọng và chiếc xe đắt tiền.  Bề ngoài trông anh giàu có, nhưng bên trong anh thật sự túng thiếu quanh năm.  Chắc bạn cũng muốn biết tại sao họ phải làm vậy? Mình có cơm ăn cơm, có muối thì ăn muối, có sao đâu!  Mặc cảm nghèo nàn, thua thiệt đóng một vai trò quan trọng trong trường hợp này.

          Hình như chúng ta khoe khoang sự giàu sang, thành đạt của mình để tìm kiếm một lời khen thưởng, một sự thán phục từ bên ngoài.  Nghĩa là, mình làm cật lực, nhọc mệt cả đời để đổi lại những ganh tức, bực bội của người bên ngoài vì họ không có những thứ mình đang hưởng thụ.  Chạy theo danh vọng, tiền tài thì chẳng phải là điều gì mới mẻ!  Hầu như đa số cho rằng đó chính là mục đích sống của mình, dù phần lớn không ai muốn nói ra vì sợ bị chê là thiển cận, tham lam.

          Dù biết là thế!  Nhưng ai cũng cứ cho là ‘hữu danh thì hữu thực’ nên mọi người cứ bon chen, bươn chải tìm kiếm vật dục, giàu sang bên ngoài.  Có người dù đời sống trong gia đình thật là nhọc nhằn, vất vả nhưng vẫn cứ chạy theo đua đòi vẻ bề ngoài, và tìm mọi cách che dấu cái khổ đau, nhọc mệt mà mình và gia đình đang gánh chịu.  Giống như một người nghiện rượu, dù biết rằng thói hư, tật xấu này sẽ chỉ mang lại niềm vui tạm bợ, và sẽ dìm mình xuống hố khổ đau về sau.  Nhưng vẫn tìm cách biện hộ, bào chữa rằng là mình chỉ uống cho vui, để giải sầu. Rồi đến một hôm, bừng tỉnh nhìn lại thì thấy mình thực là: ‘hữu danh, vô thực.’

          Nếu bạn đi hỏi thử 100 người ngoài đường, ai cũng nói họ cần tiền, cần danh lợi vì những thứ này sẽ mang lại hạnh phúc cho họ.  Có ai đó nói rằng: sống đời xứng đáng, có hạnh phúc không thể đo lường bằng tiếng tăm, tiền tài, hay vật chất, mà bằng hạnh phúc, yêu thương mà mình trao đổi trong đời.  Đó là nói về mặt vật chất.  Phần tâm linh, cũng không ngoại lệ.  Có người tu tập nhưng chỉ chuộng dáng vẻ bề ngoài nên thỉnh thoảng có người cười nhạo bằng câu: ‘Đường đường tăng tướng, dung mạo khả nghi!’ Dù biết rằng ‘chiếc áo không làm nên thầy tu’ nhưng với vẻ ngoài đạo mạo, họ lầm tưởng rằng làm vậy sẽ được mọi người nể trọng.      

 Thực ra, đức Phật không ngăn cấm việc làm giàu và cầu danh nếu những thứ này thực sự mang lại hạnh phúc, an lạc cho mình, và cho người.  Như trong kinh Pháp Hoa, phẩm Tựa thứ nhất:  Ngài Văn Thù nói rằng Ngài Di Lặc trước kia là Cầu Danh bồ tát nhưng vẫn giữ trọn công hạnh bồ tát lợi mình, lợi người, và sau cùng, vẫn thành Phật. Vả lại, những trưởng giả giàu có trong thời đức Phật tại thế, như ông Cấp Cô Độc, đã đóng góp, cúng dường, xây dựng tịnh xá cho chư tăng.  Nhờ vậy mà Phật pháp được tuyên dương, hưng thịnh. Công lao của các vị đại thí chủ này thật là đáng tán dươngvô cùng to lớn về mặt góp phần tạo dựng, phát huy, và duy trì văn hóa Phật giáoẤn độ thời đó.  Phải nói rằng, nếu không có những đại thí chủ giàu có như vậy đóng góp thì việc phát triển Phật pháp thật là đã khó khăn hơn nhiều!

Chúng ta không phải khao khát thành danh để được mọi người ca tụng, khen tặngChúng ta cũng không khao khát xem mình là một người ‘làm cái gì cũng được, cũng thành công.’ Sở dĩ mình không khao khát được như vậy vì mình hiểu rằng những cái mình mong mỏi đó sẽ khó mà mang lại hạnh phúc, an lạc bền lâu cho chính bản thân mình.  Khi mình đánh giá bản thân qua những việc mình làm, giá trị hay không giá trị, mình đang phụng sự cho cái bản ngã (ego) của chính mình.  Mình sẽ không bao giờ thỏa mãn sự đòi hỏi của bản ngã.  Ngược lại, rất là đau khổ khi mình nếm mùi thất bại.  Giá trị thật không phải ở chỗ mình thành công được cái gì, mà là mình có đang thật sự sống và cảm nhận sự thành công đó, hay ngay như cả thất bại, của chính mình. 

Trong kinh Trung bộ - số 29-30, Thí dụ lõi cây (đại kinhtiểu kinh) Phật dạy rằng: ‘mục đích chính của đời sống phạm hạnhtâm giải thoát bất động, đối với mục đích này thì tất cả những lợi lạc khác chỉ là cặn bã.’ (Ni Sư Trí Hải tóm lượt).  Như vậy, muốn sống thật với tâm giải thoát bất động mình phải hiểu rõ mình là ai, và sẽ không để bị 8 ngọn gió đời (bát phong), lợi suy, vui khổ, vinh nhục, và khen chê, làm rúng động.  Tình thực mà nói để tâm không bị 8 ngọn gió đời lay chuyển là một điều rất khó làm! Như trong trường hợp của thi hào Tô Đông Pha (1037-1101) gởi tặng cho Thiền sư Phật Ấn (1032-1098), một bài thơ ông sáng tác

Thân tâm cúi lạy đấng Chí Tôn 
           Hào quang tỏa sáng khắp càn khôn 
           Tám ngọn gió đời lay chẳng động 
           Thân tọa đài sen nét nghiêm trang

           (Khể thủ thiên trung thiên 
            Hào quang chiếu đại thiên 
            Bát phong xuy bất động 
            Đoan tọa tử kim liên.) 

           Sau khi làm xong bài thơ này, Tô Đông Pha rất hài lòng bèn cho người đem tặng Thiền sư Phật Ấn đang ở chùa Kim Sơn. Sau khi Thiền sư Phật Ấn xem qua bài thơ, bèn lấy bút phê vào hai chữ ''phóng thí'' (có nghĩa là đánh rắm) và gởi lại cho Tô Đông Pha. Nhận thấy lời phê của Thiền sư Phật Ấn, Tô Đông Pha đùng đùng nổi giận vội bươn bả vượt sông sang chùa Kim Sơn để bắt tội Thiền sư Phật Ấn
          Gặp nhau ở bến sông, Tô Đông Pha lớn tiếng trách: 
- Bài thơ tôi sai sót ở chỗ nào mà ông phê vào hai chữ ''đánh rắm'' kia. 
         Thiền sư Phật Ấn cười xòa: 
- Ông nói ''Tám gió thổi không động'' mà chỉ cần một cái ''đánh rắm'' thôi đã bay sang sông rồi. 

Đến lúc ấy, Tô Đông Pha mới hiểu rằng tâm mình rõ ràng chưa bất động

Cho nên Thiền sư Hoàng Bá có dạy: 

Nhược bất nhứt phiên hàn triệt cốt.

Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương. 

 Nghĩa là: "Nếu không một phen sương thấm lạnh. Hoa mai đâu nở ngát hương thơm". 

Ông bà mình cũng có câu: ‘Có thực mới vực được đạo.’ Vì vậy, nếu chỉ hiểu nghĩa của đạo thì vẫn chưa đủ.  Phải biết sống với đạo thì mới có thể ‘vực được’ đạo! Trong kinh Tăng Chi Bộ số 6 - Tùy Chuyển Thế Giới (Lokavipatti Sutta) HT. Minh Châu dịch, có dạy cách sống đạo như sau: Đây là đặc thù, này các Tỷ-Kheo, đây là thù thắng, đây là sai biệt giữa vị Thánh đệ tửnghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp.

Lợi dưỡng, không lợi dưỡng,
Danh vọng, không danh vọng,
Chỉ tríchtán thán,
An lạcđau khổ,
Những pháp này vô thường,
Không thường hằng, biến diệt,
Biết đúng, giữ chánh niệm,
Bậc trí quán biến diệt.
Pháp khả ái, không động,
Không khả ái, không sân,
Các pháp thuận hay nghịch,
Được tiêu tan không còn.

Vì không còn bị ám ảnh bởi cái bả danh vọng, lợi dưỡng chúng ta sẵn sàng mở lòng chấp nhận con người thật của mình, xấu có, tốt có, và cũng chấp nhận bất cứ cái gì đến với mình, thành công hay thất bại.  Mình không để sự thôi thúc của sự hám danh hám lợi, từ bên ngoài lẫn bên trong, làm chủ, mà trở về tập trung sống thực với chính mình.

Mình có sự tự do để chọn lựa giữa hiểu biết, yêu thương, và sợ hãi, oán hận.  Bất cứ những trải nghiệm, hay hoàn cảnh nào mình có sự chọn lựa đó.  Sợ hãi, âu lo sẽ khiến mình giới hạn sự tự do chọn lựa, và giới hạn niềm tin của mình vào bản thân: ‘Tôi muốn làm cái đó nhưng sợ làm không nỗi!’  Sự hiểu biết, yêu thương, ngược lại, khuyến khích chúng ta thử nghiệm khả năng mình, và không coi giá trị của bản thân mình là do kết quả của sự thành công hay thất bại.  Mình đang tu tập cái tâm giải thoát bất động mà Phật dạy ở trên, không để cho thành bại quyết định con người mình.   

Như vậy, sống có tiếng tăm, danh vọng nhưng thực chất không an lạc, không phải là mục đích của đời người, và cũng không phải là những lời dạy bảo của Phật. Thà là mình sống không ai biết nhưng vui vẻ, tươi mát. Các pháp thuận hay nghịch là pháp luôn biến diệt, không thường còn.  Tiếng tăm, danh vọng, lợi dưỡng cũng vậy, chúng đến rồi lại đi.  Nếu sống với những cái giả tạm, mà cho là hạnh phúc thật sự, sẽ chỉ làm cho mình thêm đau khổ mà thôi!  Cho nên, người nào hiểu đạo sâu sắc sẽ thấy danh lợi bề ngoài chỉ là ảo tướng

Xin lỗi lại lẩn thẩn vào thế giới: ‘Biết rồi! Khổ lắm nói mãi!’ Dù biết vậy, nhưng cái thế giới vật chất càng ngày càng lớn mạnh.  Nó đang dần chiếm mất cái nét đẹp của tâm linh, tình người, nhân nghĩa…  Thế giới chúng ta đang sống không còn mênh mông to lớn nữa.  Mà giờ đây đang thu nhỏ dần qua những phương tiện truyền thông hiện đại, như mạng internet, và luôn cả phương tiện giao thông, như máy bay càng ngày càng nhiều.  chính vậy mà việc hưởng thụ dục lạc, và danh vọng lợi dưỡng cũng tăng theo cấp số nhân.  Những hình thức bề ngoài, dù không có gì xa lạ, nhưng rất thịnh hànhphổ biếnchúng ta đang tận mắt chứng kiến khắp nơi trên thế giới, qua mạng truyền thông, những cảnh sống xa hoa, phù phiếm.  Nhưng mình có biết đâu rằng: Đó chỉ là những nét đẹp bề ngoài. Còn con người thật bên trong có hạnh phúc hay không, lại là chuyện khác! 

Theo nhân sinh quan của đạo Phật, chúng ta cùng nương nhau mà tồn tạiHạnh phúc của người này, có thể, là nhân làm sinh ra hạnh phúc cho người kia. Nếu chúng ta cứ chật vật chạy theo những danh lợi, hạnh phúc, tiếng tăm giả tạm bên ngoài, và chà đạp lên mọi giá trị, đạo đức làm người, mình đang làm một khuôn mẫu xấu, ảnh hưởng đến người khác và, có thể, cho cả thế hệ mai sau.  Cho nên, có đôi lúc mình cần những sự giúp đỡ để vượt qua những khó khăn, chướng ngại.  Mỗi lần nhờ sự giúp đỡ của người khác, nếu mình không để cho cái cảm giác thấy mình bất lực, yếu kém xâm chiếm, mình đang mở rộng lòng đón nhận con người thật của mình.  Chấp nhận sự thật và thôi tìm kiếm những giá trị ngoài bản thân mình, và đôi khi mình phải đầu hàng với sự thật, là một quá trình đầy khó khăn, phiền não.  Nhưng nếu chúng ta biết dừng lại, lắng nghe bản thân mình, và hết lòng ôm trọn những khiếm khuyết và tốt đẹp của con người mình, và trở về bản chất chân thật của mình, thì đây mới chính là chỗ mình tìm thấy hạnh phúcan lạc thật sự.

                                                                             Thiện Ý

                                                                     (đầu tháng 5, 2015)    
Tạo bài viết
18/12/2015(Xem: 20218)
16/01/2016(Xem: 16843)
06/10/2016(Xem: 16849)
17/12/2016(Xem: 27639)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: