Thư Viện Hoa Sen

Những Bài Pháp Thoại Trong Ba Tháng An Cư

18/08/20153:25 SA(Xem: 19531)
Những Bài Pháp Thoại Trong Ba Tháng An Cư

blank

 

1- Ngày thứ nhất (Bài thứ nhất)

- Tối ngày 16/6 ÂL.

an cu huyen khong son thuong 01Chúng ta vừa làm lễ xong, đã nguyện 3 lần câu Pāli: Imasmi vihāre ima temāsa vassa upemi (Con xin nguyện an cư suốt ba tháng tại ngôi chùa này).

Nguyện là đã thốt ra lời trước Tam Bảo rồi, linh thiêng lắm, không chơi giỡn được đâu, phải nghiêm túc chấp hành. Vậy trong ba tháng an cư này, từ hôm nay cho đến ngày 16/9 ÂL, không ai được đi đâu, lại cấm tuyệt đi đêm, ngoại trừ ốm bệnh phải đi bệnh viện. Nếu có việc đột xuất, bất khả kháng thì phải trình báo, xin phép chư tỳ-khưu trong Ban Tri Sự, Quản Chúng... Nếu thầy tổ, cha mẹ bị bệnh, Phật tử ở xa thỉnh mời việc quan trọng hoặc có việc của Tăng giao thì được đi không quá 7 ngày. Trong trường hợp này, vị tỳ-khưu phải lên chánh điện, thắp hương, chí thành đảnh lễ rồi nguyện: Anto sattāhe painivattissāmi (Con nguyện sẽ trở về trong vòng 7 ngày). Tuy nhiên, nếu mặt trời mọc sớm ngày thứ 7 mà chưa về chùa thì xem như bị “đứt hạ!” Đứt hạ có nghĩa là mùa an cư ấy, vị ấy không được tính thêm tuổi hạ, coi như mất tuổi hạ.

An cư có nghĩa là “ở yên”. Quanh năm thân tâm chúng ta không yên; không yên do áp lực công việc trong ngoài (suốt 5,6 tháng qua, chùa đã và đang xây dựng nhiều công trình); không yên do thân khẩu ý của chúng ta còn thô tháo; không yên do tham giận bất thường; không yên do còn ham chơi phù phiếm, không yên do nội tâm chưa được hoàn toàn kiểm soát; không yên do hằng trăm cái ngoại trần hấp dẫn lôi cuốn mê ly tác động, chi phối làm cho cái tâm của chúng ta nhúc nhích, máy động hoài, không yên được.

Vậy, an cư thì phải thật sự “ở yên” các con ạ! Trước là để báo đền ân đức Tam Bảo, sau đó là báo đền ân đức của chư thí chủ gần xa; sau rốt nữa là chúng ta sẽ nếm thưởng được, hân thưởng được năng lượng an lành của Pháp. Còn nữa, chỉ cần “ở yên” thôi là chúng ta tích luỹ không biết bao nhiêu pháp lành, bao nhiêu công đức, bao nhiêu sự thành tựu trong đời sống tu tập, để khỏi phải uổng phí mái đầu xanh đã tự nguyện “cát ái ly gia”.

Ở yên có nghĩa là mắt tai mũi lưỡi thân ý phải yên, phải lặng; nói cách khác là cả ba nghiệp thân, khẩu ý đều yên, đều lặng.

Thân yên vì thân không sát sanh, trộm cắp, tà hạnh. Khẩu yên là vì khẩu không nói dối, không nói lời hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, rỗng không, vô ích. Ý yên là ý không tham, không sân, không tà kiến. Hoá ra chỉ ở yên thôi là chúng ta đã đang sống trong 10 nghiệp lành. Oai lắm! Xứng đáng lắm!

Nói thì nghe dễ vậy, nhưng làm thế nào để cho thân, khẩu, ý đều được yên, được lặng? Ngày này sang ngày khác, cái thân chúng ta luôn luôn cử động; cái tay cái chân luôn nhúc nhích, di động, chuyển động, đi đứng nằm ngồi, lại còn trăm công nghìn việc về cây, đá, cát, sạn, hoa cỏ... đổ mồ hôi hột. Vậy thì khi bắt nó ngồi yên thì nó phản ứng, nó “làm nũng” đủ kiểu! Cái khẩu cũng tương tợ vậy. Nó quen nói lung tung, lang tang. Nó quen bàn những chuyện vô ích. Nó quen nói xấu người này, chê người kia. Nó quen say sưa nói chuyện trên trời dưới đất. Nó quen kể chuyện “tào lao”, “xịt bộp”. Nó quen cười ha ha, cười hi hi, cười tếu táo để nhạo người này, chọc người nọ. Nó quen tranh cãi, hiếu thắng. Nó quen thốt ra lời cộc cằn, thô lỗ. Nó quen mách lẻo, đấu láo, “buôn dưa lê”, “đâm bị thóc, thọc bị gạo”... Có nghĩa là rất nhiều người trong chúng ta, cái khẩu nó thiếu sự yên lặng cần thiết. Cái thân, cái khẩu đã vậy nhưng cái ý thì lại còn trầm trọng hơn, nhiều chuyện hơn, đa sự hơn. Nó lầm thầm đêm, lầm thầm ngày. Nó nghĩ tưởng lung tung. Nó là con vượn chuyền cành, nhảy nhót chí choé bắt hoa bẻ trái triền cao, lũng thấp. Nó là con ngựa bất kham phóng vọt dặm bụi mịt mù, không kể dặm đường xa ngái, đầu non cuối biển! Nó nghĩ đến những niềm vui, những thích khoái qua mắt tai mũi lưỡi thân. Nó chơi các trang mạng xã hội Facebook, Twitter... Nó vọng tưởng non này, núi kia.. Nó như Tôn Hành Giả, “cân đẩu vân” một cái thì ở đâu cũng tới; địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh hay a-tu-la chỉ trong nháy mắt!

Vậy thì muốn cho thân khẩu ý ở yên thì chúng ta phải ngồi yên, ngồi lặng; yên lặng từ ngoài da cho đến trong ruột, trọn vẹn cả thân tâm. Muốn làm vậy, muốn được vậy thì chúng ta phải tập thiền. Thầy nói tập thiền chứ chưa nói thiền định hay thiền tuệ. Tập thiền ở đây là ta tập ngồi yên, rứa thôi, ngồi yên như chơi vậy, chẳng có bản ngã sở đắc gì khi ta ngồi yên như ngồi chơi, có phải vậy không?

Bắt đầu ngày mai, ngoại trừ nhóm nhà trù bếp núc củi lửa, tất cả đại chúng, chư tăng ni chúng điệu chỉ lao động buổi sáng từ 7 giờ đến 9g30 là nghỉ; 10g30 chư tăng đi khất thực, trong chùa thôi, do thí chủ đặt bát mỗi ngày; 11g, 11g30 độ ngọ; 12g đến 13g tịnh chỉ; 13g 30... chúng ta bắt đầu tập thiền tịnh 2 thời buổi chiều (một thời cho Tăng và một thời cho Ni và tu nữ); buổi tối sau thời khoá tụng niệm, chúng ta có thời thiền tập thể (gồm tất cả chư tăng, chúng điệu và cả cư sĩ công quả trong chùa) cho đến 20 giờ. Và thời thiền nào thầy cũng có một pháp thoại ngắn từ 20 đến 30 phút.

Sau 20 giờ, chư tỳ khưu ôn kinh, luật và tập tụng đọc Pāṭimokkha (Tứ thanh tịnh giới) để chuẩn bị cho các ngày sám hối, đọc tụng 227 học giới các ngày 15 và 30 tại các chùa (sa-di cũng tập tụng đọc). Chúng điệu thì học kinh, luật theo chương trình của sư giáo thọ.

Thế đấy, khái quát là vậy! Thầy nói ngắn nhưng cũng tạm đầy đủ những thông tin cần thiết.

Cảm ơn đại chúng đã chú tâm lắng nghe. Và phải nguyện chấp hành nghiêm túc đó nghe!

(Cả chánh điện hoan hỷ cất tiếng “ Sādhu, sādhu – lành thay” vang rền...)

2- Ngày thứ 2 (Bài thứ 2)

- Chiều ngày 17/6 ÂL.

Hôm nay trước khi tập ngồi yên, thầy sẽ giảng nói cách thức ngồi yên, ngồi thoải mái, ngồi như chơi là thế nào.

Có lần, đã lâu lắm, thuở thầy Chí Mậu, trụ trì chùa Từ Hiếu còn tại tiền; và thầy Thái Hoà còn là giáo thọ sư ở đấy, thầy có lên chùa Từ Hiếu, một lần là giảng về Tứ Diệu Đế cho một lớp huynh trưởng cấp Tín hay cấp Tấn gì đó; một lần là do Ôn Thiện Hạnh mời lên về viếc góp ý tạo cảnh. Một lần giảng về Tứ Niệm Xứ cho Ni chúng tại ngôi chùa sát chùa Từ Hiếu (quên tên). Khi thơ thẩn dạo chơi trong vườn với thầy Thái Hoà, thầy thấy có một tịnh thất đề tên là Ngồi Yên. Hay! Thầy tự nghĩ, ngồi yên chứ không nói thiền định hay thiền tuệ. Mà ngồi yên như vậy là thiền rồi, thiền vắng lặng, thiền rỗng rang, thiền tự nhiên... gì gì cũng được cả. Nó lại còn là từ thuần Việt.

Thầy để ý cái cụm từ “ngồi yên” từ đó. Chắc chắn tác giả cái cụm từ này là của Ôn Nhất Hạnh. Và tại Làng Mai cũng có sử dụng một cụm tù rất ấn tượng, là “Một Ngày Làm Biếng”. Ngày ấy trong thiền viện ai cũng được tự do, tự do trong yên lặng để đọc sách, dạo chơi, uống trà hay ngủ nghỉ. Tuyệt! Nhưng cụm từ “Làm Biếng” hơi nguy hiểm. Nên ngày chủ nhật, theo thông lệ, thầy và chư sư đi trì bình, trưa dùng trong bát những gì khất thực được, buổi chiều mọi người được thư xả, tự do trong yên lặng. Buổi tối, chủ nhật chúng ta cũng có buổi trà đàm giữa thầy và trò như thường lệ.

Trở lại với việc ngồi yên. Ngồi yên và thiền là như thế nào!

Gọi ngồi yên nhưng chúng ta sẽ không ngồi yên được. Muốn ngồi yên thì thân phải yên, tâm phải yên. Nhưng hãy để ý nhé! Thân có yên được đâu, nó cựa quậy, nó đau, nó mỏi, nó nhức, nó tê chỗ này, nó ngứa chỗ nọ, nó uể oải, nó buồn ngủ... Và tâm cũng vậy, nó trầm trệ, nó dã dượi, nó lừ đừ, nó nhúc nhích, nó nhảy nhót lung tung... Nói tóm là nó sẽ phát sanh những chướng ngại mà thiền gọi là 5 triền cái. Triền là quấn, là vấn. Cái là che lấp, che đậy. Nói cho rõ nghĩa là 5 cái pháp này nó quấn, nó vấn chúng sanh trong phiền não, khổ đau; nó che đậy, che lấp cái tâm, cái trí vốn trong sáng của chúng ta. Đó là:

- Hôn trầm, thuỵ miên: Hôn trầmdã dượi, lừ đừ, thờ ơ, lãnh đạm, đãng trí, buông xuôi, biếng nhác, tiêu cực, thụ động, vô ký (không ghi nhận). Đây là những trạng thái bệnh hoạn của tâm sở, sự mệt mỏi của tâm sở. Thuỵ miên là mê ngủ, buồn ngủ; là trạng thái mệt mỏi của thân.

- Nghi: Là trạng thái phân vân, lưỡng lự, do dự, bất nhất, bất quyết, ngần ngại, ngờ vực, hốt hoảng, không định hướng; nghi ngờ cả đối tượng thiền, có khi nghi ngờ cả khả năng của chính mình (Đây là nghĩa nghi trong khi tập thiền, khác với nghi trong kinh điển với sinh hoạttu tập thường nhật là nghi Phật, nghi Pháp, nghi Tăng, nghi nhân quả nghiệp báo, nghi luân hồi tử sanh...)

- Sân: Là nóng nảy, bứt rứt, khó chịu, bực bội... do khi ngồi bị đau nhức, tê, ngứa... (Chúng là nguyên nhân làm cho tâm sân phát sanh).

- Trạo hối: Nói đầy đủ là trạo cửhối quá.

Trạo là rung lắc, lay động; cử là cất lên, đưa lên, dậy lên, nổi lên... Vậy trạo cửtrạng thái tâm dao động, hưng phấn quá cả tiêu cực lẫn tích cực, suy nghĩ vẩn vơ, phóng tâm, vọng tưởng, hoang tưởng, hồi tưởng quá khứ, mơ mộng tương lại, cuốn theo hiện tại. Hối quá là nuối tiếc dĩ vãng, tưởng nhớ quá khứ, ăn năn những việc đã qua.

Nếu hôn trầm, thuỵ miên là chìm dưới đối tượng. đọng dưới đối tượng, ngủ dưới đối tượng – thì trạo hối là phóng trên đối tượng, là ra ngoài đối tượng, trượt trên đối tượng, bồng bềnh, lang  thang, rong chơi chân trời, góc bể...

Tại chỗ này, mọi người nên lưu ý: Chỉ có rà soát theo hơi thở, nắm bắt ngay hơi thở, chú tâm liên tục theo hơi thở vào ra; nghĩa là luôn luôn nắm giữ đối tượng hơi thở đừng để trượt lên trên cũng như chìm xuống dưới thì sẽ loại trừ hôn trầm, thuỵ miêntrạo hối.

Triền cái thứ năm là dục.

- Dục này là tham dục, ái dục. Trạng thái sơ khởi của nó là muốn cái này, muốn cái kia, muốn thay đổi cách ngồi, muốn nghỉ ngơi một chút, muốn mát mẻ một chút, muốn thư giản một lúc... Tất cả chúng đều là chướng ngại cho việc tập thiền. Cường độ dục cao hơn, nguy hiểm hơn là những ham muốn ngũ dục bắt đầu sanh khởi; ấy là tơ tưởng hình bóng đẹp, người thương, người yêu, vợ con trong quá khứ hoặc trong hiện tại. Rồi là những bài hát, bài ca yêu thích, nhưng âm thanh mê ly, những mùi hương quyến rũ, những món ăn thích khoái, những xúc chạm êm ái... và ý thì chìm trong các dục ngũ trần. Rồi còn nào là ước mơ thiên đường, tiên nữ, các cảnh trời cao sang thoả mãn các dục vật chất... Rồi còn ước mơ đắc định, các cảnh trời sắc giới, vô sắc giới, thần thông, phép lạ...

Chính 5 triền cái ấy che tấp tâm trí chúng ta, làm cho chúng ta không thấy được bản chất thực tánh, tâm tròn sáng, viên minh, vô nhiêm, trong lặng của chúng ta.

Vậy muốn thân yên, tâm yên thì ta bắt đầu đề cập đến các phương pháp tập thiền. Tập thiền để đối trị với 5 triền cái. Thiền định thì có khả năng làm lắng dịu 5 triền cái. Thiền tuệ thì nhổ tận, nhổ tiệt 5 triền cái ấy luôn.

Hôm nay thầy chưa nói đến các phương pháp ấy. Mọi người chỉ cần ngồi và thở để tự xem mình có những chướng ngại gì. Hãy để tâm rỗng rang, trong sáng, không dính mắc gì cả để tự chứng nghiệm cái gì đang xẩy ra nơi thân và nơi tâm mình. Cái rỗng rang, trong sáng, không dính mắc tương tự như câu kinh Kim Cang mà ngài Huệ Năng đã giác ngộ đấy: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm! Nếu ai đã từng đọc Thiền Đông Độ thì trạng thái ngồi để tâm rỗng rang không dích mắc gì cả ấy nó tương tợ Vô tâm của Đạt Ma, Vô Niệm của Huệ Năng. Và khi đọc các thiền sư Việt Nam thì nó cũng đồng Vô tâm của Trần

Nhân Tông trong câu thơ: Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (Vô tâm ngắm cảnh hỏi chi thiền).

Bây giờ chúng ta ngồi nhé, 45 phút thôi.

- Tối ngày 17/6 ÂL

Hôm nay tất chúng ta cùng ngồi.

Đầu tiên, thầy nói chuyện với những ai mới tập thiền, một số sư, một số ni chưa quen; và nhất là chúng điệu và cư sĩ. Ai ngồi kiết già, bán kiết già được thì ngồi, ai không có già nào cả, cũng không sao. Trong trường hợp này, lựa chọn thế ngồi cho thoải mái, lưng phải thật thẳng, giữ đầu và cổ tương đối vững vàng, đừng gục xuống mà cũng đừng thẳng đuột. Tuy nhiên, tốt nhất nên tập ngồi kiết già hoặc bán già vì các con còn trẻ, trẻ thì dễ tập, dễ uốn!

Xong chưa? Rồi à! Bây giờ các con chỉ ngồi và đếm hơi thở thôi. Đúng, chỉ ngồi và đếm hơi thở hít vô, hơi thở ra thôi. Đơn giản vậy. Đếm hơi thở có từ thời đức Phật, ngài dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ khi nói về hít vô, thở ra. Tiếng Pāḷi là Ānāpānasati. Ānāpāna là hơi thở vô, hơi thở ra. Sati là niệm. Nói gọn là niệm hơi thở vô ra. Cụm từ Ānāpānasati này được Tàu dịch là An Ban Thủ Ý. An banhơi thở vô ra. Thủ ý là nắm giữ cái ý, nhiếp tâm hay định tâm. Có nghĩa là nhiếp tâm hay định tâm nơi hơi thở vào ra. Có một quyển kinh nói về An Ban Thủ Ý do An Thế Cao dịch và thiền sư Khương Tăng Hội đề tựa, xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ thứ 3 TL. Ở trong quyển kinh này, ngài Khương Tăng Hội giới thiệu cách tu niệm hơi thở qua 6 giai đoạn mà ngài gọi là Lục Diệu Môn: Sổ tức, tuỳ tức, chỉ, quán, hoàn, tịnh. Sổ là đếm, tức là hơi thở. Sổ tức là đếm hơi thở. Tuỳ là theo dõi, theo khít, luôn áp sát theo, nương theo; vậy tuỳ tức là theo dõi, nương theo hơi thở. Chỉ là dừng lắng, là định. Quán là tuệ. Hoàn là cách gọi khác của đạo. Và tịnh là cách gọi khác của quả.

Thấy chưa, mặc dầu ngài Khương Tăng Hội đã triển khai Ānāpānasati, nhưng vẫn không rời tinh thần kinh điển Nguyên thuỷ. Và rõ ràng cái cửa đầu tiên là phải đếm hơi thở để trú tâm nơi hơi thở

Khi hơi thở hít vô rồi thở ra, đếm 01. Hơi thở hít vô, thở ra, đếm 02... Đếm cho đến 10. Đếm 10 xong trở lại đếm 01, 02 rồi đến 10. Cứ trở lui, trở tới con số 01 đến 10 ấy. Đừng xem thường, hãy chú tâm liên tục mà đếm, nó dễ quên lắm đấy. Có người vừa mới đếm 3,4 hơi thở là cái tâm đã chạy đi đâu mất tiêu! Đếm đúng và nhớ số đếm liên tục, đừng quên. Khó lắm đấy, đừng xem thường. Lưu ý, là đếm theo “hơi thở thực”, chứ không phải đếm theo “quán tính”. Đếm theo hơi thở thực là khi đếm, cái tâm nó gắn khít với hơi thở. Đếm theo quán tính là đếm một cách máy móc, đếm theo tưởng của mình chứ không liên hệ gì với hơi thở thực cả. Hai các hoàn toàn khác nhau đấy! Đếm theo hơi thở thực mới đúng. Nhớ là khi quên chỗ nào, lầm lộn chỗ nào thì phải trở lại từ đầu. Mục đích của đếm hơi thở là cột tâm vào số đếm, vào hơi thở ấy để cho tâm khỏi chạy nhảy lung tung.

Cứ đếm đến 10, trở lại 01 đến 10 hoài như vậy cho đến lúc thấy rõ ràng mình không còn quên số đếm thì tâm đã bắt đầu an trú. Vậy là chúng ta đã thành công giai đoạn một, nghĩa là đã bước qua Sổ Tức Môn để bắt đầu đi vào Tuỳ Tức môn. 

Hôm nay thầy nói ngang chỗ đó đã.

Chúng ta hãy cùng nhau đếm số hơi thở, 45 phút thôi.

Hoà thượng Giới Đức
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)


MỤC LỤC

Tạo bài viết
11/02/2021(Xem: 8780)
08/09/2015(Xem: 20100)
05/10/2014(Xem: 23814)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: