Những bài pháp thoại trong ba tháng an cư (7)

31/08/20153:31 SA(Xem: 13110)
Những bài pháp thoại trong ba tháng an cư (7)

blank

 

8- Ngày thứ 8 (Bài thứ 7)

- Chiều ngày 23/6 ÂL.

ngoi thien hkst 04
Chư sư và chư ni đang ngồi thiền trong khoá an cư kiết hạ 2015 tại 
Huyền Không Sơn Thượng (ảnh: Huyền Không Sơn Thương)

Hôm qua, thầy nói chuyện với chư sư, chư ni, về 5 quyền, 5 lực mà nói chưa hết. 5 quyền, 5 lực trong khi ngồi tập định, minh sát nó khác với sinh hoạt thường nhật.

5 quyền có thể tu tập riêng lẻ.

Có ba loại bồ-tát: Bồ-tát đức tin, Bồ-tát tinh tấn và Bồ-tát trí tuệ. Bồ-tát trí tuệ thành tựu quả vị Phật sớm nhất, sau đó là Bồ-tát đức tin, sau rốt nữa là Bồ-tát tinh tấn. Bồ-tát tinh tấn, tức là hạnh nguyện phục vụ chúng sanh với thời gian lâu xa nhất mới thành Phật, như Bồ-tát Mettaya (Di Lặc).

Về Tín: Có người đức tin có sẵn từ truyền thống gia đình. Có người có đức tin sau khi đọc kinh sách, nghiên cứu giáo pháp. Có người sau khi đi Ấn Độ thăm bốn chỗ động tâm, đọc bia ký vua A Dục, thăm các nước đất Phật như Thái, Miến, Tích Lan... thì đức tin mới vững chắc. Có người thờ xá-lợi Phật, thấy xá-lợi sanh thêm một ngôi, hai ngôi thì đức tin mới được củng cố... Có người chứng kiến việc nhân quả trả vay ở đời, thấy chuyện luân hồi tái sanh là có thật... nên phát sanh thâm tín Tam Bảo.

Ngược lại, tuy có người có đức tin từ truyền thống gia đình nhưng lớn lên chạy theo danh lợi, địa vị, quyền lực, mù quáng theo con đường bất chánh nên tối ám lương tri – thì đức tin bị diệt mất. Có người do ỷ y mình thông minh, tài giỏi chỉ tin vào kiến thức, lý trí khôn ngoan của mình thôi; loại người này đức tin rất yếu. Có người học khoa học tự nhiên, giỏi về toán, lý, hoá nên chỉ tin vào cái gì chứng minh được, giải thích được; loại người này dễ không có đức tin.  Nhưng đạo Phật không chỉ dừng lại ở lý trí khoa học; nó còn có những lãnh vực mà không bao giờ tu duy lý tính với tới được.

Nói tóm lại, về đức tin, có người ít, người nhiều, có người bị sụt giảm rồi mất, có người được trưởng dưỡng thêm.

Về Tấn: Bồ-tát tinh tấn, tức là có hạnh nguyện chuyên làm lành lánh dữ, làm các thiện sự, các công ích phục vụ chúng sanh, xã hội. Ai chuyên bỏ ác làm lành, làm các công đức, phục vụ Tam Bảo, phục vụ chúng sanh, xã hội không mệt mỏi thì Tấn này (hạnh phục vụ) sẽ lớn mạnh, tăng trưởng.

Về Niệm: Trong công việc, làm việc gì ghi nhớ việc ấy; làm việc gì, chú tâm vào việc ấy không xao lãng. Người có niệm đi không bước vấp, đi không hấp tấp, vội vã, không dễ gì té ngã do bất cẩn được. Sâu hơn chút nữa, ý nghĩ khởi gì là biết cái ấy. Cái gì phát sanh nơi thân, nơi cảm giác, nơi trạng thái tâm, nơi ý thức, tư tưởng, nhận thức - người có niệm, nói rõ hơn là có tu tập Tứ Niệm Xứ - đều ghi nhận rõ ràng. Ở đây sẽ có ba giai đoạn ghi nhận: Một, nó khỏi sanh một hồi mới ghi nhận; hai, nó đang khởi sanh liền ghi nhận; ba, vừa mới khởi sanh là ghi nhận liền.

Những khi suy nghĩ vẩn vơ, nhiều chuyện buồn đau chi phối, hay nghĩ đến quá khứ, vị lai, nhiều vọng tưởng hoặc nhiều phóng tâm... thường bị thất niệm. Vậy, có người niệm được củng cố, tăng trưởng; có người bị sụt giảm, mất niệm.

Ở đây cần một một lưu ý: Cái gì đi qua tai, mắt mũi lưỡi thân ý – ghi nhận được nó là chức năng của Chánh Niệm, thấy rõ nó là chức năng của Chánh Kiến; biết rõ nó là thiện ác, tốt xấu, đàn ông, đàn bà là chức năng của Chánh Tư Duy.

Về Định: Bất cứ đối tượng nào, nếu ta chú tâm lâu thì phát sanh định. Khi nào ta giữ tâm ổn định, quân bình, bình tĩnh thì khi ấy ta có định – đây là định trong đời sống thường nhật. Trên đời, làm bất cứ công việc gì, dù thiện, dù ác, đều có định nầy, do vậy có tà định, có chánh định. Tà định hướng tới điều ác, việc ác. Chánh định hướng tới điều lành, việc lành. Tà định khởi tâm dục mà tâp thiền. Chánh định ly dục mà tập thiền.

Muốn định trong đời sống thường nhật được tăng trưởng thì phải thường xuyênchú tâm, có niệm, vì niệm sanh định. Tốt hơnhiệu quả hơn thì phải tu tập thiền định.

Về Tuệ: Tuệ có 2 loại là tuệ tục đế và tuệ chân đế. Tuệ tục đế là tuệ thấy rõ nhân quả, tội phước, đúng sai, phải trái, thiện ác, chuyện đáng làm và chuyện không nên làm. Tuệ chân đế là tuệ thấy rõ cái thực, cái như chân như thực, thấy rõ bản chất như thật của tâm và pháp. Ví dụ thấy rõ tâm vô thường, vô ngã; pháp vô thường, vô ngã. Chẳng có gì nắm bắt được, lưu giữ được, nó luôn trôi chảy, dịch chuyển, cả tâm và pháp, 2 sát-na không giống nhau, 2 giọt nước không giống nhau, một tư, một tưởng, một tế bào sắc chất cũng thế. Chẳng có cái ngã tính nào, thực tính nào trong sự dịch chuyển muôn đời ấy. Đó là cái thực, là sự thực. Thấy được cái ấy là ta có tuệ giác, từ cạn vào sâu. Giác ngộ điều ấy thì tâm ta vô ưu, vô não, giải thoát thênh thang, tự do thênh thang trước sự dịch chuyển vô thường vô ngã của tâm và pháp. Ta buông xả hết, tự nhiên buông xả hết tham sân phiền não chứ chẳng có ý buông xả tham sân, phiền não trước những được thua, thành bại, đúng sai, phải trái, bờ này, bờ kia... nữa. Niết-bàn là vậy, chứ không phải thế gian phápvô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh rồi nói Niết-bàn là thường, lạc, ngã, tịnh như đâu đó hiểu lầm. Cái ấy là nhị nguyên, là hai bờ của thế gian pháp. Bỏ bên này chụp bên kia. Bỏ cái này, được cái nọ. Phải siêu xuất cả hai bờ như câu kinh Pháp cú sau đây:

“- Bên này sông, bên kia sông

Cả hai không có, cũng không bờ nào

Thoát ly phiền não buộc rào

Là sa-môn gọi, đúng sao danh người!”

Không được cái gì cả mới tự do, mới giải thoát. Được cái gì đó là sở đắc, là bản ngã. Coi chừng đó!

Trở lại với sự tu tập cụ thể, như minh sát nói, thấy đau biết đau, thấy tham biết tham... là tập ghi nhận như thực đó. Đếm số hơi thở thì thấy rõ đếm số hơi thở, như thực đó. Theo dõi hơi thở thấy rõ đang theo dõi hơi thở, như thực đó. Nếu đếm số và theo dõi hơi thởnhất tâm thì đi vào định, nó cũng là như thực, vì đấy là sự vận hành tự nhiên của tâm và pháp. Từ định sang tuệ mà nhìn ngắm thân, thọ, tâm và pháp cũng tương tự vậy, đều là thấy tự nhiên như nhiên như chúng đang là cả.

Tóm lại, sự tu tập của chúng ta dù định hay tuệ cũng phải từ cái như thực đang là mà đi, không bao giờ sai lầm cả, không bao giờ sợ lạc vào tà ma ngoại đạo cả. Hãy cố lên. Phải đầy đủ Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ mà lên đường, mà tập thiền nhé!

- Tối ngày 23/6 ÂL

ngoi thien hkst 03
Ảnh: Huyền Không Sơn Thượng

Sự tập thiền của chúng ta, quan trọng là ngồi yên; ngồi yên mà thấy dễ chịu, thoải mái chỉ khi nào ta điều thân được; còn nếu chưa điều thân được thì ngồi là một cực hình.

Khi ngồi đã tạm yên rồi, coi chừng, ta vẫn còn bị những hình ảnh, những màu sắc chi phối như đã nói tối hôm qua. Còn nữa, có người trình pháp là: “Con thấy rõ ràng hình ảnh một người. Và lạ lùng, là con thấy rõ luôn tâm tánh của người ấy! Con tự tin là nhận xét của con rất đúng!”

Ở đây, thầy lưu ý mọi người rằng, ta đang tập ngồi yên, và khách quan lắng nghe cái gì đang xẩy ra, nhất là những chướng ngại, những triền cái rồi tìm cách đối trị. Giả dụ những cảm giác, những ý nghĩ, những tư tưởng có khởi sanh thì cũng chỉ lắng nghe như thực. Các sư, ni ở đây đã từng tu tập minh sát tại các trường thiền, khi suy nghĩ, thì vị ấy chỉ ghi nhận “suy nghĩ à, suy nghĩ à” rồi thôi. Đối tượng được ghi nhận như thực vậy là paramattha (chân đế). Đối tượng của minh sát luôn là paramattha. Còn khi mình phân tích, nhận xét đối tượng, dù tốt hay xấu thì đã rơi vào khái niệm (paññatti) của tư duy lý tính, của bản ngã, của chủ quan – luôn đánh mất cái thực, cái chân đế!

Hãy lưu tâm cái thực, cái như thực, cái đang diễn ra như chúng là. Đau, nhức, tê, buồn ngủ, dã dượi, chảy nước miếng... đều được ghi nhận như chúng là. Ta không làm gì cả. Tại sao vậy? Trong trường hợp này, các đối tượng đều là paramattha nên ta cũng chỉ ghi nhận: “Đau à, nhức à, tê à, buồn ngủ à, dã dượi à, chảy nước miếng à!” Chỉ cần đặt để ý thức vào đấy, nói cho văn hoa một chút, là thắp sáng ngọn đèn chánh niệm vào đấy – thì chúng tự rã tan. Không tin à, cứ thử đi! Buông lung, phóng dật cũng vậy. Đừng sợ! Mà cũng đừng nỗ lực thái quátinh tấn thái quá để mong hết buông lung, phóng dật. Coi chừng bản ngã đấy! Chỉ cần ghi nhận cái thực: “Buông lung à, phóng dật à!” Rồi để thường trực ý thức vào đấy thì một hồi, buông lung, phóng dật cũng tự ra đi. Tại sao vậy? Vì khi ấy, diễn tiến từng sát-na soi chiếu qua dòng tâm của ta là tuệ tâm sở. Và khi mà tuệ tâm sở được duy trì liên tục thì tuệ ấy có một sức mạnh - được gọi là tuệ lực (5 quyền, 5 lực) – làm cho những tâm sở câu hữu đều được thắp sáng lên, tốt lên, tích cực lên.

Tất cả đấy là cách đối trị của minh sát, của tuệ tri, hoàn toàn vắng lặngvô ngã. Nó rất cao siêu đấy, tuy nhiên không phải chúng ta làm không được! Cố gắng với cái như thực nhé! 

MỤC LỤC

 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/08/2014(Xem: 27468)
27/06/2018(Xem: 12179)
25/06/2018(Xem: 11733)
04/12/2012(Xem: 55567)
17/06/2016(Xem: 8855)
14/10/2010(Xem: 77815)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.