12. Thấy Phật A-súc

10/04/20163:55 SA(Xem: 9511)
12. Thấy Phật A-súc

CÕI PHẬT ĐÂU XA 
THẤP THOÁNG LỜI KINH DUY MA CẬT 
(Viết về kinh Duy Ma Cật
Nhà xuất bản Văn Học 2016 
Đỗ Hồng Ngọc

12. Thấy Phật A-súc

 

1. Lúc ấy, Thế Tôn hỏi Duy-ma-cật: “Như ông muốn thấy Như Lai thì quán Như Lai bằng cách nào?”

Duy-ma-cật thưa: “Như tự quán cái ‘thật tướng’ của thân, quán Phật cũng như vậy…”

Phật đã không hỏi “Như ông muốn thấy Phật thì quán Phật bằng cách nào?” mà hỏi “quán Như Lai” bằng cách nào.

Phật là Như Lai nhưng Như Lai không phải Phật. Như LaiNhư Lai: “vô sở tùng lai diệc vô sở khứ”, chẳng đến từ đâu, chẳng đi về đâu…

Phật không hỏi về cách “quán Phật” nhưng Duy-ma-cật vẫn trả lời: “quán Phật cũng như vậy”, nghĩa là cũng như quán cái Thật Tướng của chính bản thân mình, không khác.

Cái “thật tướng” của bản thân mình? Phải, cái thật tướng ấy chính là Pháp thân, không phải là cái “giả tướng” thiên hình vạn trạng do vọng tưởng tạo nên!

Thấy và quán khác nhau. Muốn “thấy” Như Lai thì phải “quán” chớ không thể nhìn bằng mắt thịt (nhục nhãn) được. Nhìn Phật có thể thấy 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp gì gì đó, cũng chỉ là “giả tướng”.

Khi Phật thấy biết Như Lai thì Phật bèn cười tủm tỉm, thôi nhé, đừng làm phiền ta nữa nhé. Và từ đó, với lòng Từ bi vô hạn, Phật mong “khai thị” cho tất cả chúng sanh được “ngộ nhập” như mình, nghĩa là cũng trở thành Phật như mình.

Khi gặp Phật thì ta kính lễ (Kính lễ chư Phật), còn khi gặp Như Lai ta chỉ còn có cách xưng tán, trầm trồ, khen ngợi, gật gù, không biết nói gì hơn! (Xưng tán Như Lai!).

Muốn làm Pháp sư thì phải đủ ba điều kiện: “vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai”, chớ không phải vào nhà Phật, mặc áo Phật… Với Như Lai: “chẳng có thể dùng trí mà hiểu, chẳng có thể dùng thức mà biết. Không thể dùng lời nóiphân biệt, mà chỉ rõ”. Cho nên chỉ còn có cách “quán”: nhìn sâu vào bên trong, nhìn xuyên qua cái giả tướng bên ngoài, “kiến tướng phi tướng tức kiến Như Lai” (Kim Cang) .

Mà “quán” Như Lai thì từ thân mình mà quán, từ thấy biết thực tướng của chính bản thân mình mà thấy biết Như Lai, chớ tìm kiếm đâu xa cho mất công.

Cho nên Phật dạy: hãy nương tựa chính mình!

 

Duy-ma-cật nói rõ hơn: Con quán Như Lai như thế này: Lúc trước chẳng lại, lúc sau chẳng đi, hiện nay chẳng trụ (không có thời gian). Chẳng quán Sắc, chẳng quán lẽ Như của Sắc, chẳng quán Tánh của Sắc. Chẳng quán tánh của Thọ, Tưởng, Hành, Thức, cho đến chẳng quán tánh như của thức (không phải ngũ uẩn). Chẳng phải do Bốn đại khởi lên (không phải tứ đại). Bốn đại ấy đồng với hư không. Sáu nhập không chứa giữ gì cả. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm đã vượt qua (không sáu căn chẳng sáu trần) chẳng ở tại Ba cõi. Ba cấu nhiễm đã lìa, thuận theo Ba môn giải thoát, đầy đủ Ba minh. Ba minh ấy đồng với vô minh (Vô minh thực tánh tức Phật tánh/ Ảo hóa không thân tức Pháp thân (Huyền Giác). Chẳng phải một tướng duy nhất, chẳng phải nhiều tướng khác nhau. Chẳng phải tướng mình, chẳng phải tướng kẻ khác. Chẳng phải không có tướng, chẳng phải giữ lấy tướng.  Chẳng ở bên này, chẳng ở bên kia, chẳng ở giữa dòng (không không gian), nhưng giáo hóa chúng sinh. Quán lẽ tịch diệt, cũng chẳng tịch diệt mãi. Chẳng phải thế này, chẳng phải thế kia. Chẳng dùng cái này, chẳng dùng cái kia. Chẳng có thể dùng trí mà hiểu, chẳng có thể dùng thức mà biết. Không tối, không sáng. Không danh, không tướng. Không mạnh, không yếu. Không sạch, không dơ. Chẳng ở tại phương vị, chẳng lìa khỏi phương vị. Chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi. Không chỉ, không nói. Chẳng bố thí, chẳng keo lận. Chẳng trì giới, chẳng phạm giới. Chẳng nhẫn nhịn, chẳng giận hờn. Chẳng tinh tấn, chẳng giải đãi. Chẳng định, chẳng loạn. Chẳng trí, chẳng ngu. Chẳng thành thật, chẳng dối trá. Chẳng lại, chẳng đi. Chẳng ra, chẳng vào. Tất cả ngôn ngữ đàm luận đều dứt. Chẳng phải ruộng phước, chẳng phải chẳng là ruộng phước. Chẳng phải đáng nhận sự cúng dường, chẳng phải chẳng đáng nhận sự cúng dường. Chẳng giữ, chẳng bỏ. Chẳng phải có tướng, chẳng phải không tướng. Đồng với sự chân thật, ngang với tánh các pháp. Không thể cân, không thể lường, vượt quá sự cân lường. Chẳng phải lớn, chẳng phải nhỏ. Chẳng phải thấy, chẳng phải nghe. Chẳng phải hiểu, chẳng phải biết. Lìa các việc trói buộc. Các trí đều bình đẳng, đồng với chúng sinh. Không phân biệt các pháp, tất cả đều không mất. Không trược, không não. Không tác, không khởi. Không sinh, không diệt. Không sợ, không lo. Không vui thích, không chán ngán. Không có việc đã qua, không có việc sẽ tới, không có việc hiện nay. Không thể dùng lời nóiphân biệt, mà chỉ rõ.

“Thế Tôn! Thân Như Lai là như thế. Theo đúng như vậy, dùng phép quán như vậy, gọi là chánh quán. Nếu theo phép quán khác, gọi là tà quán.”

 

Bởi chỉ cần quán cái thực tướng của bản thân mình cũng đủ thấy biết Như Lai nên Duy-ma-cật mới giả bệnh (thân bệnh), để giúp mọi người phát hiện: Ủa cái thân mình vậy đó sao?  Nếu chỉ thấy cái tướng giả của thân mình đi đứng nằm ngồi nói năng suy nghĩ tranh luận cải cọ đấu đá giành giật tham lam sân hận si mê… thì không thể thấy cái thật tướng của thân. Vì thật tướng của thân thì vắng lặng, tịch tịnh, bất sinh bất diệt, vô thủy vô chung, chính là Như Lai Đa Bảo ngồi cười tủm tỉm vồn vả bắt tay Phật Thích Ca mời vào ngồi cạnh mình bên trong tháp báu ngàn xưa ngàn sau!

 

Khi quán thật tướng của tự thân thì sẽ thấy gì? Thấy hóa ra chỉ là tứ đại, ngũ uẩn. Hóa ra chỉ là một sự lắp ráp tạm thời. Đất, nước, gió, lửa, chính là Oxygen , Hydrogen, Carbone, Nitrogen… C,H,O,N các “chất liệu” chủ yếu tạo ra protéine của sự sống với khoảng 60 nguyên tố đồng chì sắt kẽm ma-nhê, mangan… lưu huỳnh, calcium, phospho, muối… các thứ! Và chúng do duyên mà hợp thành một cái ta mong manh, giả tạm, đi đứng nằm ngồi, nói năng, xum xoe, tranh luận, đấu đá, giành giật cho náo nhiệt chốn Ta-bà. Ở các sinh vật khác cũng vậy, cũng chừng ấy nguyên liệu gia giảm chút đỉnh. Bộ gen của chuột có đến 97,5% giống bộ gien người, bộ gien của cây sồi có đến 70% gien người… Nhưng, không dừng ở đó, đào sâu thêm chút nữa là các electron, neutron chạy xà quần và sâu thêm chút nữa sẽ là hạ nguyên tử, lượng tử, hạt, sóng các thứ, sau cùng, ồ thì ra một trường năng lượng vô thường vô ngã, không, vô tướng…Tóm lại, “bổn lai vô nhất vật“. Thực tướng là vậy đó.

Thế nhưng, vô tướngvẫn có tướng: Chân khôngdiệu hữu. Diệu hữuchân khôngchớ không phải là “hư vô chủ nghĩa”!

Như Lai “chẳng có thể dùng trí mà hiểu, chẳng có thể dùng thức mà biết, không thể dùng lời nóiphân biệt, mà chỉ rõ”. Cho nên khi Văn Thù hỏi Duy-ma-cật “Bất nhị là gì?”, ông chỉ biết làm thinh, không nói một tiếng! Bất khả thuyết! Sự làm thinh đó đã được Văn-Thù khen ngợi hết lời!

Tuy nhiên có kẻ buông dao thành Phật, có kẻ tình cờ một hôm nhận ra Như Lai trong cái bông bụp tầm thường hàng ngày qua lại, có kẻ giật mình nghe Như Lai qua tiếng gió, có người ngộ Như Lai qua tiếng ngói vỡ, bóng trăng đáy nước, dấu chân chim giữa không trung… !

 

Phật cũng là Như Lai. Ấy là khi Phật sống trong thực tướng, trong Pháp thân của chính mình, là khi Phật sống cùng Như Lai, với Như Lai. Trước khi thuyết giảng, bao giờ Phật cũng nhập vào Tam muội. Lúc đó Phật là Như Lai nhưng đành mượn ngôn ngữ làm phương tiện. Cho nên nhiều khi giảng xong Phật bảo “nói vậy mà chẳng phải vậy đâu nhé”, tức phi thị danh thôi, đừng có bám chấp!
2. Lúc ấy, Xá-lợi-phất hỏi Duy-ma-cật: “Ông trước mất ở đâu mà sanh lại nơi đây?” (nhữ ư hà một nhi lai sanh thử?)
Duy-ma-cật hỏi lại: “Trong chỗ đắc pháp của ông, có việc mất và sanh chăng?
Xá-lợi-phất: “Không có mất và sanh.”

Duy-ma-cật: “Nếu trong các pháp không có tướng mất và sanh, sao ông lại hỏi tôi: ‘Mất ở chốn nào mà sanh lại nơi đây?’ Ý ông thế nào? Ví như một vị ảo sư hóa ra kẻ nam, người nữ. Đó có phải là thác rồi sanh lại chăng?”.


Xá-lợi-phất: “Không có thác và sanh.
Duy-ma-cật: “Ông há chẳng nghe Phật dạy các pháp đều như tướng ảo hóa đó sao?”
Xá-lợi-phất: “Đúng như vậy.”
Duy-ma-cật: “Nếu tất cả pháp đều như tướng ảo hóa, tại sao ông lại hỏi tôi rằng: ‘Thác ở chốn nào mà sanh lại đây?’.Xá-lợi-phất! Thác chỉ là pháp hư dối, là tướng suy tànhoại diệt; sanh cũng chỉ là pháp hư dối, là tướng tương tục, nối tiếp. Bồ-tát tuy “thác” nhưng chẳng hết cội lành, tuy “sanh” nhưng chẳng thêm việc dữ.”

 

Quả vậy. Bài học Phật đã dạy cho các Bồ-tát Chúng Hương, mà cũng là cho tất cả các vị đệ tử, Bồ tát xuất gia, tại gia hôm nay chính là “Bất tận hữu vi, bất trụ vô vi”.

“Bồ-tát ở tại sanh tử mà chẳng làm việc ô trược, trụ nơi Niết-bàn mà chẳng diệt độ mãi. Chẳng phải hạnh phàm phu, mà cũng chẳng phải hạnh hiền thánh ! Chẳng cấu uế, chẳng thanh tịnh ».

“Bồ-tát tuy vượt khỏi hạnh của ma, mà vẫn thị hiện hàng phục chúng ma. Tuy quán mười hai duyên khởi, nhưng cũng vào các tà kiến! Tuy nhiếp phục tất cả chúng sinh mà chẳng luyến ái chấp trước. Tuy ưa mến cuộc xa lìa, nhưng chẳng nương theo lẽ thân tâm dứt hết »…!

Cho nên không có chuyện mất với còn, thác với sanh. Người ta không nên hỏi Bồ-tát như thế. Xá-lợi-phất cũng chỉ giả vờ hỏi để « đặt vấn đề » về vai trò Bố-tát « bất tận hữu vi, bất trụ vô vi » như thế nào, nhằm nhắc lại bài học Phật đã dạy trước đó, đặc biệt cho Bảo Tích và năm trăm vị « bồ tát tại gia tương lai » hôm ấy ở Tỳ-da-ly.

Vì « bất tận hữu vi » nên chẳng ngại cõi Ta-bà uế trược, vì « bất trụ vô vi » nên vẫn thênh thang một cõi đi về!

Câu hỏi đặt ra của Xa-lợi-phất giúp Duy-ma-cật nhắc lại : Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Cái gì có « tướng » thì chắc chắnhư dối, là vọng tưởng. Thác với sinh, mất với còn, nam với nữ… là ảo hóa. « Ảo hóa không thân tức Pháp thân/ Pháp thân giác liễu vô nhất vật » cho nên Huệ Năng đã reo lên khi thấy biết Pháp thân, « tam Thân tứ Trí ».
Câu hỏi của Xá-lợi-phất đặt ra cho Duy-ma-cật « nhữ ư hà một nhi lai sanh thử?» không chỉ có nghĩa nói về « sanh tử », mà chỉ hàm ý hỏi ông từ đâu đến đây, từ đâu hiện ra mà hay quá, mà giỏi quá vây? Nhờ gì mà một Duy-ma-cật giữa chốn Ta-bà ô trượcthành tựu được chúng sanh không khó nhọc, trở thành một « điển hình » cho các Bồ-tát tại gia tương lai học tập nhằm tạo nên một lứa đệ tử mới trẻ trung năng động truyền bá chánh pháp của Phật, giúp chúng sanh an vui hạnh phúc giữa cõi Ta-bà đầy gian nan vọng động này?

Duy-ma-cật khiêm tốn, không tiết lộ mình từ đâu đến, mình nhờ đâu mà có được những thành tựu ngoạn mục như vậy thì Phật đã chỉ ra:

Có một cõi gọi là Diệu Hỷ, đức Phật ở đó hiệu là Vô Động. Duy-ma-cật đây thác ở nước ấy mà sanh lại đây.”

Thì ra Duy-ma-cật đã từ đó. Từ một cõi Tịnh độ gọi là Diệu Hỷ – niềm vui kỳ diệu, bất tận – nhờ học với một vị Phật gọi là Phật Vô Động, Vô Nộ, Bất Động (Aksobhya) đó thôi!

Dĩ nhiên nhờ đó mà tuy ở cõi Ta-bà náo nhiệt, một đại gia vợ con sản nghiệp đùm đề mà vẫn “như như bất động”, vẫn “kiến tướng phi tướng” thấy biết được Như Lai: “Pháp hỷ là vợ nhà/ Từ bi là con gái/ Tâm thiện là con trai/ Không tịch là nhà/ Trần lao là đệ tử…”. Một người như vậy, rõ ràng đang sống cùng, sống với, sống trong Như Lai Vô Động!

Xá-lợi-phất nói: “Chưa từng có vậy! Thế Tôn! Người này (Duy-ma-cật) há có thể bỏ cõi thanh tịnhvui lòng sanh lại chốn nhiều sân hại này sao?”

“Chốn nhiều sân hại”? Đúng vậy. Trong “tham, sân, si, mạn, nghi” thì sân chính là nguy cơ lớn nhất làm sụp đổ mọi đạo hạnh của một vị Bồ-tát. Dĩ nhiên Bồ-tát vẫn biết sân chứ, nhưng biết là mình đang sân, chỉ thị hiện vậy thôi, để làm “Phật sự” thì được, chớ “sân” đến nỗi bầm gan tím ruột, đỏ mặt tía tai, tăng huyết áp… thì không nên. Sân là một cảm xúc mạnh, bùng nổ nhất, tạo nghiệp qua thân khẩu ý không kiềm chế được, đưa đến nhiều tác hại cho Thân và Tâm. Nếu tham dẫn đến ngạ quỹ, Si dẫn đến súc sanh thì Sân mới dẫn người ta vào ngay địa ngục! Chín chục phần trăm bệnh lý của con người  có nguồn gốc từ stress. Giận thì “dữ”, tức thì “tối”. Mất ăn mất ngủ. Tiểu đường. Tăng huyết áp. Suy nhược thần kinh. Trầm cảm… Cõi Ta-bà thì vì sân mà khủng bố, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… ngày càng phát triển trong một thế giới phẳng, toàn cầu hóa hiện nay. Cho nên đã đến lúc Phật Vô Động, Vô Nộ… xuất hiện!  Bát chánh đạo, Chánh địnhcon đường giải thoát.

 

3. Vì thấy đại chúng lấy làm khát ngưỡng, muốn nhìn thấy thế giới Diệu Hỷ với đức Như Lai Vô Động và chúng Bồ-tát, Thanh văn của Ngài, đức Phật bảo Duy-ma-cật: “Thiện nam tử! Ông hãy vì chúng hội này, hiện ra nước Diệu Hỷ với Đức Như Lai Vô Động và chúng Bồ-tát, Thanh văn của ngài. Đại chúng đây đều muốn thấy như vậy.”

Duy-ma-cậy liền vào tam muội, chánh định. Ở đó, ông mới trở về được với Phật Vô Động rồi “bứt” lấy một chùm mang xuống Ta-bà cho mọi người coi chơi!

Không có cái cõi Diệu Hỷ nào cả! Nó ở ngay trong cõi Ta-bà đó thôi. Nên khi Duy-ma-cật rinh nó đi thì chỉ có các vị Đại đệ tử, các Bồ-tát mới thấy… rúng động, còn mọi người vẫn thản nhiên như không!
Lúc ấy, Phật Thích-ca Mâu-ni nói với đại chúng rằng: “Các ông hãy nhìn xem Thế giới Diệu Hỷ với Đức Như Lai Vô Động. Nước của ngài trang nghiêm tốt đẹp, Bồ-tát thì giữ hạnh trong sạch, chư đệ tử đều thanh bạch.”

Đại chúng đều thưa: “Dạ, chúng con đã thấy như vậy.”

Phật dạy: “Nếu Bồ-tát muốn được cõi Phật thanh tịnh như vậy, nên học theo đạo mà Đức Như Lai Vô Động đã làm.”

Phật bảo Xá-lợi-phất: “Ông có nhìn thấy thế giới Diệu Hỷ với đức Phật Vô Động chăng?”

Xá-lợi-phất bạch rằng: “Dạ, đã thấy. Thế Tôn! Con nguyện cho tất cả chúng sinh đều được cõi thanh tịnh như Phật Vô Động! Nguyện cho tất cả đều được sức thần thông như Duy-ma-cật ».

Đức Phật liền thọ ký cho tất cả: “Các ông sẽ được sanh về nước ấy.”
Xá-lợi-phất như thay mặt mọi người nói : “Thế Tôn! Chúng con lấy làm khoái mà có sự ích lợi tốt lành là được nhìn thấy người này, được thân cận và cúng dường người này (tức Duy-ma-cật). Những chúng sinh nào, hoặc ở đời hiện tại này, hoặc sau khi Phật diệt độ, mà nghe được kinh này, cũng sẽ được sự ích lợi tốt lành như vậy. Huống chi đã nghe rồi, mà còn tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, như pháp mà tu hành?… Những ai sao chép và gìn giữ quyển kinh này, nên biết rằng nơi người ấy cư ngụ tất có đức Như Lai. Nếu ai nghe kinh này mà tỏ ý vui, ắt người ấy hướng về địa vị của bậc Nhất thiết trí. Nếu ai tin và hiểu kinh này, cho đến chỉ cần một bài kệ bốn câu và diễn giải với kẻ khác, nên biết rằng người ấy chắc chắn sẽ được thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”

*      *

*

4. Duy-ma-cật giả bệnh rên hừ hừ nói: “Các nhân giả! Thân này đáng lo, đáng chán, mà nên ưa thích thân Phật. Tại sao vậy? Thân Phật tức là Pháp thân. Do vô lượng pháp thanh tịnh mà thân Như Lai sinh ra.

“Các nhân giả! Muốn được thân Phật dứt hết các bệnh của chúng sinh, nên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”

Bồ-tát Văn Thù và Duy-ma-cật

Lúc ấy, Phật bảo Bồ Tát Di-lặc: “Di-lặc! Nay ta đem pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề đã kết tập trong vô lượng ức a-tăng-kỳ kiếp mà phó chúc cho ông…”

Rồi quay sang bảo A-nan: “Hãy thọ trì kinh này và lưu hành giảng thuyết rộng rãi.”

Chỉ riêng Kinh Duy Ma Cật sở thuyết hay Pháp môn giải thoát bất khả tư nghị này Phật mới giao cho cả Bồ-tát lẫn Thanh-văn, không phân biệt!
Om Aksobhya Hum!
(Nguồn: Đỗ Hồng Ngọc)

                                           

 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/03/2013(Xem: 28958)
04/12/2017(Xem: 18831)
12/03/2022(Xem: 4406)
23/03/2020(Xem: 13020)
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?