VƯỢT THOÁT BỘC LƯU Bộc lưu là ngôn ngữ biểu tượng được một vị Thiên dùng để đặt câu hỏi với đức Thế Tôn : làm sao vượt khỏi bộc lưu? Lúc đó đức Phật đang ở tại vườn Anàthapindika, tu viện Jetavana. Bộc lưu là dòng thác, dòng nước chảy mạnh. Nghĩa bóng của nó là dòng hữu vi, dòng ái, dòng vô minh, chấp thủ hay dòng sinh tử. Sinh tử như một dòng thác lũ cuồn cuộn cuốn phăng đi bao kiếp sống của chúng sanh. Tất cả chúng sanh đang hiện hữu trong dòng thác đó, nếu ‘đứng’ lại sẽ bị nhấn chìm, còn ‘bước tới’ sẽ bị cuốn trôi. Và vấn đề bây giờ là chúng ta làm thế nào để vượt thoát dòng sinh tử này. Trước hết, chúng ta rõ ràng ai cũng đều nhận thức rằng, sinh tử là khổ đau. Đó là sự thật thứ nhất (khổ đế). Là khổ đau, vậy chúng ta hãy để cho dòng chảy sinh tử ấy nhấn chìm hay cuốn trôi? Nếu chấp nhận để cho nhấn chìm hay cuốn trôi thì không còn gì để nói. (Có đôi khi, con người ta biết rằng hành động như thế, nói năng như thế và suy nghĩ như thế là đưa đến khổ đau nhưng người ta vẫn không nỡ sống cho có hạnh phúc, nghĩa là không nỡ từ bỏ những suy nghĩ, hành động và cách nói năng kia). Tất nhiên số còn lại, và phần nhiều, đều muốn chấm dứt khổ đau. Tức không muốn dừng lại hay bước tới. Bằng cách nào? Đứng lại có nghĩa là chấp ngã, ngã sở, cái gọi là ta, của ta và từ đó khởi lên các tâm lý tham đắm, sân hận, chiến tranh… để bảo vệ cái ta, của ta (tập đế). Và như thế, ngay lập tức bị nhấn chìm xuống vũng sâu của khổ đau sinh tử luân hồi. Bước tới cũng như thế. Bước tới là chạy theo ngoại cảnh, chạy theo năm thứ dục lạc, chạy theo những tài danh, thế lợi, là tham ái, ham muốn cuộc đời. Mặc dù đường đời là chông chênh, những tám cơn gió luôn rít lên từng trận và đôi khi còn tạo nên bão táp thổi rát mặt và cuốn phăng đi sự sống và tan nát cõi lòng nhưng mấy ai không đành lòng để dòng đời cuốn trôi mình đi như dòng nước cuốn trôi củi mục! Người có trí tuệ sáng suốt nhận ra sự thật của cuộc đời và không đành lòng để cho dòng nước tử sinh nhấn chìm hay cuốn trôi đi kiếp sống vốn thật hiếm hoi mới nhặt được này. Người có trí tuệ càng không thể bằng lòng để bị nhấn chìm hay bị cuốn trôi đi khi biết rằng dòng thác loạn tử sinh ấy cũng do chính mình tạo ra. Sao ta nỡ bỏ mặc ta lênh đênh trong dòng thác tử sanh do chính ta tạo ra kia chứ? Thật là, một mình mình lại thương mình xót xa. Trong tất cả chúng ta, ai không một lần xót xa như thế khi bất chợt dừng chân trên bước đường danh lợi để nhìn lại chính mình, rồi tự hỏi mình là ai? Đường trần rong ruỗi bấy lâu Gian truân cơ nghiệp, bạc đầu lợi danh Một chiều mỏi bước dừng chân Giật mình mình hỏi chính mình là ai !? Và người có trí tuệ đã dứt khoát hành động vượt qua bộc lưu, vượt qua dòng thác khắc nghiệt này: Không đứng lại, không bước tới Ta vượt qua bộc lưu. Đứng lại và bước tới là cặp đối lập tượng trưng. Còn vô số các cặp đối lập như thế (như thương yêu – ganh ghét ……) đã cuốn phăng hay nhận chìm chúng ta trong biển trầm luân sinh tử. Không đứng lại, không bước tới là không trú vào ngã, ngã sở, không chấp trước, tức rời khỏi tâm lý tham, sân, si, vượt khỏi tham ái dục lạc, cắt đứt năm triền cái và năm hạ phần kiết sử… là vượt qua bộc lưu. Đó cũng chính là câu trả lời cho Trưởng lão Tu-bồ-đề khi Ngài hỏi làm thế nào để phát tâm vô thượng chánh đẳng giác và làm sao điều phục tâm mình? Không đứng lại, không bước tới chính là “vô trú bát nhã”. Và như thế, vượt thoát bộc lưu chính là nhờ sự hành trì và thể nhập ‘vô trú bát nhã’, huỷ diệt ngã chấp cũng ở đó, phát với hành tâm và trú tâm cũng ở đó. Vấn đề chỉ có vậy. Những ai tự cho mình là người có tri thức hãy tự gánh vác đời mình. Và hỡi những người bạn trẻ, chúng ta hãy lên đường vượt dòng thác hung hãn này! Tịnh thất an lạc Đầu mùa hạ tân tỵ Nguyên Hùng. Bài đọc thêm: Tìm Hiểu Kinh Bộc Lưu (Tỳ Kheo Minh Điệp) |