Buông bỏ

18/03/20173:25 SA(Xem: 9831)
Buông bỏ
BUÔNG BỎ
Thích Nhật Quang


thichnhatquangHôm nay, tôi có một vài điều nhắc nhở góp thêm vào đời sống sinh hoạt tu học của đại chúng. Tôi luôn mong rằng chương trình tu học của huynh đệ trong đạo tràng được nâng lên một mức đặc biệt. Quan niệm của tôi về việc học Phật pháp không có cao thấp, tất cả đều do nhân duyên và mỗi hành giả học Phật có sự quan tâm, quyết tâm riêng. Nhìn chung tôi thấy mức độ lãnh hội Phật phápcông phu hành trì của đa số quý vị ngang bằng nhau. Tuy không xuất gia cùng một lượt và nhân duyên đến với đạo của từng vị khác nhau, không ai giống ai nên chủng duyên sâu xa của từng người đối với Tam Bảo thì không thể nói dày mỏng thế nào. Mỗi người kết một chủng duyên riêng nhưng nếu quyết chí thì ai cũng có thể thực hiện tốt sở nguyện của mình.

 Khi sống trong đại chúng, tôi luôn luôn muốn gần gũi làm người đi trước nhắc nhở, động viên quý vị trên con đường tu hành. Đối với tôi đó là một nhân duyên đặc biệt, bởi thế dù thân có nhiều bệnh nhưng lúc nào tôi cũng muốn sống gắn bó với đạo tràng. Những quy chế Hòa thượng Trúc Lâm nêu lên, tôi thấy như quen thuộc từ hồi nào. Những điều Ngài dạy có uy lực, sức mạnh làm nền tảng vững cho bất cứ thiền sinh nào muốn theo tu học. Từ thập niên 70 khi được Ngài trực tiếp hướng dẫn, có một điều trong quy chế rất đặc biệt mà tôi ấn tượng là “phủi tay”. Đối với quy chế này, khi quyết tâm thực hiện phải trải qua biết bao trăn trở. Lúc chưa xuất gia, mỗi chúng ta đều có những nhân duyên riêng, bây giờ vô Thiền viện được nghe Hòa thượng tuyên bố phải gỡ bỏ hết những nhân duyên, tư kiến để thực hành tốt quy chế thiền môn.

Ngày đầu tiên lên núi, lúc đó sáng sớm Hòa thượng chống gậy đi từ trên xuống, vừa gặp Ngài tôi mừng lắm. Lễ Hòa thượng xong, Ngài bảo đi lên trên. Tôi được lãnh hai bộ đồ vàng, y áo có sẵn nên chỉ lãnh thêm một chiếc áo tràng để mặc khi tọa thiền, thọ trai. Trong khoảng chừng nửa tiếng, tôi thay đồ và gom hết tất cả vật dụng mang theo gởi cho mấy huynh đệ đem về. Hòa thượng nói đã lên tới đây rồi thì phủi tay đi, tất cả những gì dưới núi đều giao gởi lại hết. Cuộc sống ở đây đơn giản, không có nhiêu khê như phố thị.

Trước khi lên núi tôi không có sự nghiệp gì, chỉ chạy tới chạy lui lăng xăng trong những việc Phật sự nhỏ hoặc liên hệ bổn đạo Phật tử này khác. Khi đó tôi còn quá trẻ, kinh nghiệm không có, đạo đức chưa tròn, trí tuệ cũng không ra chi. Hòa thượng hỏi lý do lên núi tôi đã đáp “bừng con mắt dậy thấy mình tay không”. Thật tình nhìn lại tôi thấy cũng không có gì để phủi, chỉ một vài món đồ cá nhân như đồng hồ hoặc vài vật linh tinh không đáng kể. Khi bắt đầu đời sống buông xả, anh em chúng tôi cảm thấy quen thuộc. Vì được Hòa thượng trực tiếp hướng dẫn nên chúng tôi không gặp trở ngại hay khó khăn gì.

Sống chung huynh đệ với nhau, dần dần những gút mắc cá nhân lại trở thành kinh nghiệm chung. Có một người huynh đệcon cưng trong gia đình. Tuy đã xuất giatài sản trong nhà anh không đặt nặng, nhưng khi có chuyện cần anh ký giấy hoặc chuyển sổ chuyển tên thì gia đình kêu về. Trong những trường hợp như thế anhcố gắng cỡ nào, cuối cùng cũng phải ôm lấy nỗi niềm khắc khoải, bất ổn. Ở nhà có chuyện không tốt thường tin cho hay nên anh luôn bị vọng tưởng quay cuồng không yên. Mới đầu thấy như không có gì nhưng trong sâu lắng anh lại bất an. Nhất là những lúc ngồi một mình, nội lực tu hành không hóa giải nổi, đạo pháp không chen vô được nên nỗi bất an càng ngày càng lớn.

Đặt mình trong hoàn cảnh đó, chúng ta phải hóa giải làm sao? Những thời thiền, thời pháp và sự nhắc nhở, động viên của thầy bạn chính là phương tiện làm vơi dần trở ngại. Có những vọng tưởng chỉ phớt nhẹ bên ngoài nhưng cũng có những vọng tưởng như mũi tên cắm phập vô tim mình. Nếu huynh đệ nào bị những thứ vọng tưởng đó cắm sâu vô tim thì không được đầu hàng mà phải cố gắng giựt nó ra cho mạnh. Hồi đó chúng tôi đều là những Tăng sinh của Phật học đường do vậy phần nhiều trẻ tuổi. Người lớn nhất khoảng hai mươi sáu, hai mươi bảy, còn nhỏ nhất khoảng mười bốn, mười lăm tuổi. Vì chưa được học pháp nơi Hòa thượng ngay từ nhỏ nên chúng tôi cũng huân tập nhiều vọng tưởng. Khi được Ngài dạy vọng tưởng không thiệt, chừng đó chúng tôi mới an tâmtin tưởng nơi mình luôn có tánh giác hằng tồn tại. Bất cứ thời điểm nào trên giảng đường, dưới nhà bếp, ngoài vườn cây trong chùa… đi đến đâu gặp chúng tôi, Hòa thượng đều nói pháp cho nghe.

Chúng ta là con cháu, là đích tử đích tôn của Ngài, những điều Ngài chỉ dạy ta đã áp dụng và sống như thế nào? Hầu hết đa số mới chỉ thực hành được chút ít phần trăm, phải không? Có người làm được những việc lớn lao, còn điều hết sức bình thường lại làm chưa xong, chưa buông nổi. Chúng ta phải thường xuyên kiểm tra công phu tu hành hàng ngày. Đạo lực, trí tuệ và sự phát huy tinh thần tu học bên trong của mỗi vị được thể hiện qua các sinh hoạt hàng ngày. Cho nên nhất định chúng ta phải huân tu nội lực để tự làm chủ mình, tự thể hiện cuộc sống an vui hạnh phúc trong lòng đại chúng
Buông bỏ là một trong những bài học đầu tiên chúng tôi được Hòa thượng Ân sư dạy. Tiêu đề Ngài dạy chung cho tất cả anh em là: “Các chú phải buông bỏ”. Trong viện có mấy đại huynh như cụ Phước Hảo, cụ Đắc Pháp là những vị lớn tuổi. Cụ Phước Hảo lớn hơn tôi 12 tuổi, cụ Đắc Pháp hơn tôi nửa con giáp. Trước khi vào Thiền viện, các vị này đều nằm trong bộ phận lãnh đạo của Học viện Huệ Nghiêm. Trong trường hồi đó có các chức vụ như Giám đốc, Giám học, Giám thị, Giám tân là Tri khách. Cụ Phước Hảo là tân Giám đốc, kế thế các Hòa thượng đi trước, còn cụ Đắc Pháp là Giám học của học viện. Mặc dù tôi không phải là giám gì hết nhưng lại có nhân duyên cùng tu học với các Ngài. Tuy không có chức vụ gì, nhưng tôi được vinh dựsư huynh dạy lại các chúng nhỏ trong học viện. Trường cấp cho chúng tôi một chiếc xe, hàng ngày đi học ở Đại học Vạn Hạnh, về có chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng. Tới giờ thì xuống dạy kèm chúng nhỏ, cuối tháng cũng được nhận lương nữa.

Tuy chức danh nhỏ vậy thôi nhưng cũng khó thảy nó ra. Nghe ai nói gì về học viện mà có mặt mình trong đó thì mắt sáng lên. Nó là những cái khôn ngoan, lanh lợi, thông minh của vọng tưởng cho nên dần dần chúng ta có thể thấy rõ mặt thật của nó để buông. Một nụ cười bình thản sau khi tọa thiền vào buổi khuya, một cảm giác nhẹ nhàng khi nhìn trời đất thênh thang vào buổi sáng, thật vô cùng quý giá đối với tôi sau những năm tháng dong ruổi miệt mài. Chân Không bốn bề gió lộng, đứng trên núi cao nhìn xuống thấy thống khoái vô cùng. Bất chợt trong những lúc như vậy, chúng tôi áp dụng được lời dạy của Phật qua sự chỉ dạy của Hòa thượng Ân sư. Cơn gió thổi đùng đùng ngang qua rồi thôi, có ai nắm lại được đâu. Vậy mà đối diện với vọng tưởng, biết nó không thiệt nhưng bỏ chưa được. Chúng tôi tìm mọi cách để nhận ra, hiểu thấu và áp dụng sống theo lời Phật Tổ dạy ráng buông. Nếu không như thế, chẳng những không buông lại còn nuôi lớn vọng tưởng nữa mới khổ.

Buổi sáng trước khi ngồi thiền, chúng tôi làm công tác một chút. Mỗi người có dao cuốc riêng, ra vườn chuối hay phát cỏ, dọn dẹp xung quanh không vất vả lắm. Công việc tuy đơn giản nhưng đôi khi anh em không đồng quan điểm nên có sự trở ngại. Những lúc như thế Hòa thượng xuất hiện: “Đó là chỗ mấy chú chưa bỏ được nên bây giờ nó lòi ra, thấy không?” Phật dạy nó là những con rắn độc ở trong tâm chúng ta. Chỉ cần sơ sót thiếu trí tuệ, nó sẵn sàng mổ lại mình chứ không phải mổ ai hết. Đó là trải nghiệm trong công phu tu hành hàng ngày.

Người xuất gia có hai nhiệm vụ chính là thượng cầu Phật đạohạ hóa chúng sanh. Điều này ai đặt định cho mình? Nhiều huynh đệ nghĩ không ai đặt định hết, do vậy muốn làm hay không làm cũng được. Tự kiếm chỗ tu miễn sao có cơm ăn, có phương tiện sinh hoạt là đủ rồi, việc gì phải hạ hóa chúng sanh chi cho mệt. Nói như vậy nghe có thông không? Nhiệm vụ của một người đệ tử Đức Phật là phải đầu đội vai mang, giác ngộ cho mình rồi tiếp tục giúp người khác giác ngộ. Nếu chẳng như thế coi chừng mang lông đội sừng không có ngày ra. Bởi vì ta đã vai mượn của đàn na tín thí quá nhiều, nhân duyên quả báu không phải là việc có thể xem thường. Đã vay thì phải trả, trong luật nhân quả không có chuyện quỵt nợ được đâu. Nên nhớ dè dặt chớ có buông lung.

Thượng cầu Phật đạo là sao? Cầu Phật đạo là cầu cái gì? Không phải học thuộc năm bộ kinh bảy bộ luận, chứng chỉ Hán học, Sử học… mà thượng cầu Phật đạo là chỗ thâm nhận. Trong nhà thiền nói đó là kiến tánh, nhận ra ông chủ và sống được với ông chủ của chính mình. Tỉnh giác nhận ra ông chủ đừng để bị xoay chuyển bởi vọng tưởng. Cầu Phật đạo là như vậy. Cho nên tụng kinh tọa thiền nhiều thì tốt, không tụng kinh tọa thiền sẽ bị rầy. Tại sao? Vì ta chưa nhận diện và làm chủ được mình, chưa làm tròn nhiệm vụ thượng cầu Phật đạo, do vậy phải hành trì theo quy chế chung. Hàng ngày tụng kinh, ngồi thiền mấy thời, dù bệnh tật cũng phải ráng vượt qua. Có người đặt vấn đề, tu thiền tại sao phải áp đặt vô khuôn khổ cho cực. Ngồi làm gì bốn năm thời một ngày, đau chân muốn chết luôn. Hòa thượng nói vui: “Dễ mà, nếu tôi gõ đầu mấy chú thấy rắn độc lòi ra thì phải tiếp tục ngồi, ngồi nhiều hơn nữa. Khi nào nó không lòi ra thì cho mấy chú xuống núi”.

Hòa thượng dạy phải làm chủ các vọng tưởng, các dấy niệm. Khi dấy niệm khởi lên mình biết, cái biết đó là trí tuệ, nhà thiền gọi là “liễu liễu thường tri”. Chúng ta ai cũng sẵn tánh biết, nó luôn có mặt không khi nào vắng. Nửa đêm đang ngủ, có tiếng động mình biết rõ ràng đó là tiếng người đi lại hay tiếng xe chạy hoặc tiếng chó sủa. Rõ ràng cái biết luôn thường trực. Tuy nhiên nếu không dừng ở đó, nghe tiếng động giật mình, thao thức không ngủ tiếp được hoặc tức giận đùng đùng thì cái biết chân thật đã bị tâm hư dối phân biệt, vọng động che khuất rồi.

Hòa thượng thường hay nhắc chúng tôi, cái biết chân thật không bao giờ phụ bạc mình nhưng chúng ta cứ quay lưng với nó, chạy theo những bóng dáng bên ngoài. Tiếng con chó sủa biết con chó sủa nhưng không chịu dừng, ngang đó suy nghĩ thêm. Con chó sủa ai, giờ này ai đi ngang hay là có ma? Ma gì đây? Ma có đầu, ma không đầu, ma có chân, ma không chân… Tưởng tượng ra một loạt như thế. Do không dừng được nên ảo giác dẫn đi xa mịt mù. Sáng ra kể lại cho huynh đệ nghe, hôm qua tôi chiêm bao thấy con ma lớn quá, chân dài cả thước, áo của nó đen thui, đầu tóc bù xù hôi hám, nó rượt tôi chạy muốn chết. Sự thực nếu là con ma thiệt thì vị ấy đã đứng tim chết tại chỗ, đừng nói chạy nổi. Đó chỉ là những tưởng tượng mà thôi.

Tại sao người xưa thâm nhập và sống được với cái chân thật dễ dàng còn chúng ta thì không? Vì chúng ta đa tưởng tượng, quen sống với vọng động. Chư vị Tổ sư ngày xưa đa số sống trên núi non, không nghe nói các Ngài có môn đệ, nhưng khi ngộ đạo rồi thì học chúng các nơi tự tìm đến. Hành trạng của chư vị Tổ sư kể lại, các Ngài sống trên núi chỉ uống nước suối, ăn rau rừng, hái lá cây làm phương tiện che thân. Vậy mà các Ngài vẫn sống tự tại, an nhàn với trời trăng mây nước, với núi rừng bao la. Có những chi tiết trong sử khiến chúng ta hãi hùng kính phục, tại sao các Ngài có thể sống được như vậy? Bởi vì khi đã quyết chí tu hành, người xưa buông quách hết chứ không còn nhớ ba má, nhớ đất đai, địa vị và nhiều nhân duyên khác như chúng ta. Chỉ có như thế người xưa mới thanh thản vui vẻ sống đời Tăng sĩ. Tất cả đều trải qua sự tôi luyện trong điều kiện cực kỳ khó khăn nguy hiểm, mới có được sự vững vàng kiên định như thế. Ngược lại chúng ta thiếu sự tôi luyện nên sanh ra nhát nhúa không dám dấn thân. Nói buông mà thực sự chưa buông được bao nhiêu.

Chúng ta phải làm sao để được an ổn thực sự. Danh tuy nhỏ không đáng gì hết mà buông không được. Biết đời sống vô thường giả tạm cũng không tìm được niềm an vui chân thật. Không làm chủ được mình thì dở quá, phải không? Nếu biết phản quan chính mình, sống bình thường, ngủ nghỉ, làm việc bình thường nhưng luôn có trí tuệ chiếu soi thì an ổn thôi. Đối diện với bất cứ sự duyên gì, chúng ta phải biết phản quan và kiểm tra kịp thời, nhịp nhàng để giữ vững sự sáng suốt tỉnh táo, chủ động đối với tất cả pháp trần. Xuất gia tu hành rồi cần có công phu đảm bảo, sao cứ đặt vấn đề phải làm này làm kia, như thế không đúng đâu. Luôn nhìn lại mình để kiểm điểm xem công phu và chỗ đang sống như thế nào, đừng để thời gian qua suông uổng lắm.

Nhân duyên chúng ta hiện sinh trong đời này với bao nhiêu chủng nghiệp tập khí và một dãy quan hệ gia đình dòng tộc, bây giờ nói buông đâu phải dễ. Nó là những dây mơ dễ má ăn sâu trong máu thịt chúng ta từ nhiều đời kiếp, phải có thời giancông phu đắc lực mới dần dần hóa giải được. Bữa nay ngồi thiền chợt nhớ người bà con dưới miền Tây, sáng ra nhớ người bà con trên Đà Lạt, đủ thứ tâm tình phiền lụy. Những vị lớn tuổi khi nhìn lại cuộc đời đi qua thấy y như một pho lịch sử, photo tất cả những sự việc từ ngày sanh ra khóc oa oa đến lớn lên đi học, đi làm cho tới già suy. Nói thế để thấy vọng tưởng nhiều vô kể. Có lần tôi thưa với Hòa thượng Ân sư:

- Bạch Thầy, sao con nhiều vọng tưởng quá.

- Ờ, năm nay chú bao nhiêu tuổi?

- Dạ, con 70 tuổi.

- Quá không! Một đống 70 năm.

Một ngày không biết bao nhiêu sự kiện mà 70 năm gom lại thì vọng tưởng nhiều hay ít? Do vậy buông rất khó. Nếu dễ thì chỉ cần đạo lực, trí tuệ biết nó là vọng tưởng không thật, ngay đây hết. Nói buông rồi nhưng có khi chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng. Bên ngoài sống vui hòa nhưng thực sự bên trong không ổn. Ngồi lại với nhau, nghe huynh đệ nói sơ hở một chút là vẻ mặt không ưa hiện ra liền: “Anh nói vậy sao phải, tôi không đồng ý” chẳng hạn. Vì bản ngã của mình quá lớn, từ nhỏ đến giờ đã huân tập, photo quá nhiều điều nên bây giờ tiếp duyên xúc cảnh bị dính liền.

Tâm phan duyên, phân biệt tốt xấu luôn đi đầu. Suy nghĩ manh nha, nhen nhúm khiến mình dính mắc, ghi nhậnbảo thủ đủ thứ vọng tưởng. Buông mặt này, nó hiện mặt khác. Tuy nhiên không phải là không có cách trị. Trong sinh hoạt bình thường, giờ ăn, giờ nghỉ, giờ làm việc, giờ tu học, giờ tụng kinh, giờ tọa thiền, giờ nghe giảng dạy, tất cả thời đều bình ổn. Học chỉ học, thọ trai chỉ thọ trai, đây là cách Hòa thượng dạy cho thiền sinh thực tập sống chỗ chân thật. Làm việc gì biết việc đó, tụng kinh biết tụng kinh, ngồi thiền biết ngồi thiền, ý niệm nào dấy khởi lên buông liền. Đó là cách tu giản dị nhất và cũng trọng yếu nhất để điều phục vọng tưởng.

Trước đây, tôi có nghe một số Phật tử nói chuyện về những người say mê nghiên cứu khoa học. Họ mê công việc đến mức khi hút thuốc, đưa điếu thuốc vô miệng rồi để hoài, tới cháy môi mới giật mình lấy ra. Đam mê quên ngày tháng chỉ cốt làm sao vỡ lẽ được đề tài của mình. Có vị trong ngày cưới, sắp đặt đâu đó ổn rồi, tới giờ rước dâu không thấy chú rể đâu, thiên hạ kiếm tá lả. Té ra anh ta ở trong phòng nghiên cứu đang ngồi say sưa với phát minh của mình. Đối với họ mọi việc chung quanh coi như không, quan trọng là làm sao vỡ lẽ việc của mình. Nghe thế tôi thích quá. Nếu các hành giả, các thiền sinh cũng được như vậy thì tốt biết bao. Chỉ mong đại chúng quên hết quên sạch những cù cặn, vọng động tập trung đắc lực vào công phu thì lo gì không phát minh đại sự.

Trong thiền đường của chúng ta, giờ tọa thiền có đến sáu bảy chục vị. Mới vô ngồi rất trang nghiêm, nửa chừng thấy vị này lắc qua, vị kia cúi xuống. Vọng tưởng bắt đầu bốc ra chạy loanh quanh trong nhà thiền. Ông giám thiền đóng cửa lại, cầm thiền bảng đuổi lung tung nhưng cũng chẳng đứa vọng tưởng nào rơi rụng. Đánh đằng này thì ông đằng kia gục đầu, sửa bên đây thì ông nọ ngả bên kia. Sáu bảy chục ông như vậy cho nên vô thiền đường muốn ngộp thở luôn. Vọng tưởng nhiều mà đạo lực, trí tuệ ít thì làm sao trị được. Công đức, công phu chưa có, lấy gì đối kháng vọng tưởng nghiệp tập. Ở La Hán Đường có một thiền sinh ngồi thiền rất giỏi. Tuy đã lớn tuổi nhưng ông có thể ngồi vững vàng một thời năm sáu tiếng đồng hồ. Vọng tưởng trong tâm ông giống như con trâu nằm nghỉ, không hề lăng xăng ngược xuôi. Vì con trâu ngoan ngoãn nằm nghỉ nên người chăn cũng tươi trẻ thư thả. Đó là phúc duyên riêng của ông.

Trong đạo tràng nếu có được nhiều huynh đệ tu hành như vậy là tin tức tốt. Quy chế Thầy Tổ đặt ra để nhắc nhở chúng ta tu hành, đâu phải chỉ có nấu cơm, quét sân, lái xe… Nhiệm vụ chính của người xuất giatu tập sáng tỏ chân tâm của mình, sau đó giúp đỡ mọi người cùng được lợi ích. Nguyện đem công đức đó dâng lên cúng dường Tam Bảo, các bậc Sư trưởng, các vị thiện hữu tri thức và luôn ghi nhớ công ơn lớn lao của đàn na thí chủ. Chúng ta được sống, được tu tập, ăn uống học hành đầy đủ trong môi trường tốt đẹp như thế thì ân nghĩa này nặng lắm, không phải vừa. Ngoài ra còn có những vị hộ pháp, các vị thiện thần luôn bên cạnh ủng hộ. Tuy trong thân mỗi vị có lúc phải chịu sự bất an do bốn đại trái nghịch nhưng đó chỉ là những duyên riêng. Thực sự nhìn chung đạo tràng tương đối tốt, cho nên đại chúng cố gắng phát huy tinh thần tu học, làm tròn nhiệm vụ lợi mình lợi người.

Chúng ta tuyệt đối đừng để rơi vào tình trạng trì trệ, chểnh mảng. Nếu chưa khắc phục, chưa làm chủ, chưa buông được vọng tưởng thì đâu thể yên lòng. Người xưa có câu: “Dù là việc nhỏ mà làm chưa xong, sao đành lòng nằm ngủ”. Đừng cho những dây mơ rễ má nắm bắt mình và cũng đừng nắm bắt vọng tưởng làm chi. Vọng tưởng thường làm chúng ta xốn xang bức xúc tu không tiến, cho nên phải cương quyết trị nó và thực hiện tốt nhiệm vụ của một người xuất gia.

Thời gian gần đây, trong đạo tràng có một số thầy lớn bắt đầu tham gia công tác diễn giảng, hướng dẫn Phật pháp cho Phật tử tu thiềnmọi nơi. Nhất là những vùng như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu… nhân duyên đạo pháp đang phát triển rất tốt. Ở Bạc Liêu có đạo tràng Dũng Mãnh, Cà Mau có đạo tràng Tinh Tấn, đây là những đạo tràng thành lập từ rất sớm do Hòa thượng Ân sư đặt tên. Sau này tôi phát triển thêm một số đạo tràng khác như đạo tràng Trúc Lâm Phật Trí, Trúc Lâm Phật Huệ, Trúc Lâm Phật Châu, Trúc Lâm Vạn Phúc, Trúc Lâm Vạn Thiện, Trúc Lâm Vạn Thành, Trúc Lâm Vạn ĐứcTrúc Lâm Vạn Thông. Các huynh đệ lớn đã thay nhọc tôi gánh vác Phật sự ở những nơi này, dần dần sẽ tới lượt các huynh đệ kế tiếp.

Ngày xưa trong giáo đoàn của Đức Phật, hàng đệ tử lớn cũng theo dấu chân Ngài tiếp tục con đường hoằng pháp, như Tôn giả Đại Ca Diếp, Tôn giả Ca Chiên Diên, Tôn giả Phú Lâu Na..., bên Ni thì có Tỳ-kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Kherma… Các Ngài đã lãnh hội trọn vẹn giáo pháp Phật, sau đó tiếp tục sứ mệnh giáo hóa chúng sanh. Chúng ta ngày nay tiếp bước quý Ngài cũng phải thực hiện cho được hai nhiệm vụ đó. Đối với trọng trách cao cả này thì không thể đành lòng cơm cháo qua ngày được. Nhờ sự trợ lực của Tam Bảo, tôi hy vọng chư huynh đệ có thể buông bỏ những vọng tưởng, dấy niệm của mình một cách mau chóng, liên tục, để thành tựu giác ngộ giải thoát viên mãn.

Thích Nhật Quang
(Thiền viện Thường Chiếu)


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/02/2021(Xem: 7014)
08/09/2015(Xem: 17847)
05/10/2014(Xem: 21060)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.