Thư Viện Hoa Sen

Tìm hiểu ý nghĩa cầu an, cầu siêu

21/08/20178:54 SA(Xem: 25787)
Tìm hiểu ý nghĩa cầu an, cầu siêu
TÌM HIỂU Ý NGHĨA CẦU AN, CẦU SIÊU  
Thích Nữ Hằng Như

          nghithuc-causieuPhật tử đi chùa tham dự khoá lễ hằng tuần đều biết, khi đến tiết mục phục nguyện chư Tăng, đều đọc tên cầu an cho người sống, và tên cầu siêu cho người chết. Người ta không chỉ gửi danh sách thân nhân đến chùa để xin cầu an hay cầu siêu, mà có người  thỉnh quý Thầy đến tụng kinh "cầu an giải xui" tại tư gia khi họ gặp chuyện bất như ý.

          Còn nhớ lúc ở Việt Nam khi người thân qua đời, người ta làm lễ tẩn liệm tức lễ đặt người quá cố vào linh cửu, lễ phát và thọ tang tại nhà. Tuỳ theo vị Thầy xem ngày giờ mà đem chôn người mất, ba hoặc bốn ngày sau đó. Bây giờ được biết là có dịch vụ hoả thiêu người chết. Mỗi ngày vị Thầy ấy đến tận nơi quàn linh cửu người chết tụng kinh cầu siêu và cúng cơm hương linh ba thời: Sáng, trưa, chiều.

          Ở hải ngoại, chúng ta biết rằng luật lệ nơi đây không cho phép người ta đặt linh cửu ở nhà riêng, các lễ nghi tống táng tuỳ theo tôn giáo của người qua đời đều phải được thực hiện tại nhà quàn. Sau khi hoàn tất nghi lễ an táng, nếu là người theo đạo Phật hay đạo thờ Ông Bà, thì người ta rước hương linh người chết về an vị thờ tại chùa. Mỗi cuối tuần, thân nhân đến tham dự Lễ Cầu Siêu với những gia đìnhthân nhân qua đời khác được tổ chức chung tại chùa. Đối với người quá cố thì Lễ Cầu Siêu thường tổ chức mỗi tuần, tới tuần thứ Bảy, gọi là bảy thất, tức 49 ngày. Rồi cúng 100 ngày. Rồi 1 năm, 2 năm... là Lễ Mãn Tang. Tuỳ theo địa vị người chết trong mỗi gia đình, như Ông, Bà, Cha, Mẹ, Chồng, Vợ... mà thời gian chịu tang của thân nhân người chết dài hay ngắn.

           Sinh hoạt cầu an hay cầu siêu là những sinh hoạt khá quen thuộcphổ thông trong đời sống hằng ngày, nên chúng ta xem là bình thường, nhưng cũng có người thắc mắc là tại sao chúng ta phải cầu an? Đó là tại vì tâm của chúng ta bất an, mà tâm bất an là khổ. Nhưng tại sao ta lại khổ? Đó là tại chúng ta không hiểu và không sống đúng với lời Phật dạy. Phật dạy gì? Phật dạy ở đời cái gì cũng có nguyên nhân gây ra nó. Khổ cũng có nguyên nhân gây ra khổ. Chúng ta không có tri kiến chân chính để nhìn cuộc đời này vốn vô thường, khổ, vô ngã, nên chúng ta khổ. Vì không hiểu nên chúng ta sống không đúng với luật tương quan nhân quả, luôn tạo nhân bất thiện đến khi quả bất thiện trổ thì chúng ta than khổ.

CẦU AN, CẦU SIÊU THEO THEO Ý NGHĨA THẾ GIAN

          Con người sống trên thế gian này dù nghèo hay giàu, dù ở thành thị hay thôn quê, có ai mà không mong cầu sự bình an. Mong cầu bình an cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho bà con thân tộc mình, cầu bình an trong công việc làm ăn của mình. Rộng lớn hơn, là cầu mong cho đất nước quê hương mình được bình an và cả quốc gia đang cưu mang mình ở đây cũng luôn được bình an.  

          Ý nghĩa bình thường của các khoá Lễ Cầu An là thiết lễ, tụng kinh, cầu nguyện cho người sống thoát khỏi bệnh tật hay tai qua nạn khỏi. Còn Lễ Cầu Siêu cũng thế, nhưng mục đích là nguyện cầu cho người chết thoát khỏi cảnh khổ sanh về thế giới an vui.

          Cầu bình an có hai khuynh hướng: Thứ nhứt là cầu an hướng nội tức là quay về bên trong, mong cho tâm chúng ta được bình an. Thứ hai là cầu an hướng ngoại là cầu những việc bên ngoài tâm, đó là mong cho công việc, sự nghiệp, danh vọng, đời sống vật chất của chúng ta được hanh thông tốt đẹp.

          Đa số các Phật tử về chùa chỉ để ý cầu an loại thứ hai là mong sao cho gia đình được hạnh phúc, con cái nên người, sự nghiệp phát triển, lên lương lên chức, danh vọng cao xa, nổi tiếng trong thiên hạ... mà ít ai để ý đến loại cầu an thứ nhứt là cầu an cho tâm hồn của mình được thanh thản bình an. Như vậy vô hình chung, chúng ta đã bỏ gốc theo ngọn. Chúng ta quên rằng sự bình an trong tâm hồn của con ngườiyếu tố cần thiết để mang lại sự bình an trong cuộc sống đời mình.

          Phần đông, người ta mong cầu sự bình an về vật chất, thế mà khi đạt được vật chất rồi, tâm tư của họ vẫn còn lo âu đến sự được mất, như vậy người đó làm gì có hạnh phúc. Cho nên chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa cầu an như thế nào và cầu an làm sao cho đúng. Cầu an đúng pháp gọi là "Tác pháp Cầu An". Cũng vậy cầu siêu đúng pháp gọi là "Tác pháp Cầu siêu" nghĩa là người cầu xin được bình an, người Chủ sám cầu an và những người tham dự lễ cầu an đều phải chí thành để tạo năng lượng mạnh mẽ thiện lành hầu trợ duyên cho người cầu bình an được thành tựu điều cầu xin.

          Còn cầu an, cầu siêu không đúng pháp là cầu an, cầu siêu cho vui lòng thân nhân của người bệnh, hay làm lấy lệ bài bản theo nghi lễ cầu an, cầu siêu... cho xong chuyện. Trong lúc vị chủ lễ dâng lời cầu nguyện thì người tham dự bận lo nghĩ chuyện khác, đủ thứ vọng tưởng chi phối. Đôi khi họ không biết người bệnh hay người quá cố là ai. Cung cách cầu an hay cầu siêu này, người đời thường dè bỉu là "cầu an hay cầu siêu xã giao" nghĩa là làm để trả nợ cho người sống hay làm cho người sống an lòng. Người chủ lễ và người tham dự cầu an hay cầu siêu không ngoài mục đích là giúp nạn nhân an tâm thoát khổ vậy mà chính tâm của họ đang bất an, đang nghĩ tưởng lung tung tạo thành một dòng năng lượng tạp niệm... thì khoá Lễ này hoàn toàn thất bại, không mang sự ích lợi nào cho người bệnh hay người mất.

          Thí dụ: Người thân của xếp mình bị bệnh nặng. Xếp thông báo xin Lễ Cầu An cho thân nhân của xếp tại ngôi chùa nào đó. Mình là nhân viên của xếp hay là người có liên hệ làm ăn với xếp, mình đến tham dự Lễ Cầu An để làm đẹp lòng xếp. Vì nếu đồng nghiệp đi mà mình không đi thì sợ xếp ghét sẽ "đì" mình, cho nên mọi người cùng đến tham dự Lễ Cầu An, nhưng bằng cái tâm hời hợt lo ra như thế thì đâu tạo được năng lượng tốt đẹp gì để giúp cho người bệnh qua cơn hiểm nghèo.

          Như vậy câu hỏi cầu an cầu siêu có kết quả hay không? Chúng ta tạm thời trả lời là Có, vì người đời thường hay nói: "Có tin có lành", nhưng cũng phải tuỳ theo người bệnh hay người chết có đủ điều kiện để tiếp nhận năng lượng gia hộ của chư Phật hay không? Điều kiện đó là chư Tăng, Ni chủ sám có đầy đủ giới đức, đạo hạnh, và đạo tràng nơi ngôi chùa đó có tu hành tinh tấn hài hoà và ngay cả bản thân người muốn nhận năng lượng cầu an cầu siêu có đầy đủ phước đức và công đức do chính bản thân của họ tạo ra hay không?

 

Ý NGHĨA CẦU AN, CẦU SIÊU TRONG PHẬT GIÁO

          Đức Phật dạy, theo luật tương quan nhân quả: "Cái này có cái kia có. Cái này sanh cái kia sanh. Cái này không cái kia không, Cái này diệt cái kia diệt" thì chúng ta muốn bình an thì phải gieo nhân bình an.

          Nhân của bình an là cái gì? Đó là không gây phiền muộn, khổ đau, bất an... cho mình và cho người khác. Là Phật tử chúng ta sống đúng theo lời hứa với Tam Bảo, là không giết hại bất cứ sinh vật nào, bởi loài người hay loài vật, loài nào cũng ham sống sợ chết. Ta không muốn ai giết hại ta, thì ta không gây nghiệp giết, cũng không xúi biểu người khác làm việc ác đức giết hại kẻ khác. Dù nghèo nàn khổ sở đến nỗi phải "cạp đất mà ăn" cũng không cướp giựt, lấy của không cho từ người khác. Sống thành thật không nói năng bậy bạ gây chia rẻ, hận thù giữa người này với người kia. Sống có tình có nghĩa không phản bội, thà người phụ ta, chứ ta không phụ người. Sống có trách nhiệm và bổn phận, không đam mê cờ bạc rượu chè khiến cho tâm trí mình bị lu mờ không sáng suốt làm khổ gia đình, băng hoại xã hội...

          Biết sống theo lời Phật dạy, là chúng ta đang gieo cái nhân bình an cho cuộc đời của chúng ta. Đã gieo trồng nhân bình an như thế, thì cây phước đức của chúng ta ngày một lớn mạnh. Cứ tiếp tục phân bón bằng cách giữ vững giới đức thì cuộc sống của chúng ta sẽ được nhẹ nhàng "đơm hoa nở trái bình yên", không cần phải cầu an trong các khoá lễ, mà chúng ta vẫn được an vui hạnh phúc.

          Còn kỳ siêu hay cầu siêu là gì? Là siêu vượt cảnh giới khổ đau để trở về với cảnh giới an lành. Nhân nào khiến chúng ta bị đọa vào cảnh giới khổ đau? Đó là lúc còn sống trên đời chúng ta không lo tu tập, lúc nào trong đầu chúng ta cũng đầy những vọng tưởng tạp niệm, những đam mê ghiền nghiện, những tham sân si, giận hờn, phiền nãoích kỷ. Những thứ này chi phối ý nghĩ và hành động của chúng ta khiến chúng ta tạo ra những nghiệp ác, nghiệp xấu, làm cho những người xung quanh phải chịu nhiều đau khổ. Khi lìa đời những thứ này gọi chung là lậu hoặc, nó có năng lực cuốn hút chúng ta sinh vào ba đường xấu ác để chịu tội.

          Phật dạy hằng ngày chúng ta phải biết tu tập. Phải biết quán tưởng cuộc đời vốn là huyễn mộng, tấm thân ngũ uẩn này không có cái Ta cái Ngã trong đó, bởi nó có mà không thật có, nó vô thường, vô ngã, nên nó biến mất bất cứ lúc nào, dù chúng ta không muốn cũng không được. Bởi thế đừng dính mắc chiều chuộng nó quá mức mà sanh tâm tham lam ích kỷ tạo nghiệp.

          Do đó khi sống, chúng ta phải biết hàng phục những phiền não, si mê vọng tưởng bằng phương thức thiền định. Đó là chúng ta đang siêu độ cho chính chúng ta... để hiện tiền chúng ta sống trong an lạc hạnh phúc và sau khi qua đời không phải đọa vào cảnh giới khổ đau.

          Lúc còn sống, chúng ta tạo nhân ác thì lúc chết cho dù người thân có cầu nguyện như thế nào đi nữa thì chính cái nghiệp của chúng ta sẽ lôi kéo thần thức của chúng ta đi vào cảnh giới tái sanh tương ứng. Còn khi lúc sống trên đời chúng ta tu hành tinh tấn, tạo nhiều nghiệp lành, thì khi qua đời, trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng sanh về cảnh giới an lành theo nguyện lực của chúng ta. Cho nên Đức Phật mới đặt nặng vấn đề là khi sống chúng ta sống như thế nào? Tu tập ra sao? Chúng ta không thể đợi đến khi khát nước mới đào giếng thì không kịp, cũng như không thể đợi đến lúc ngã bệnh hay gặp tai nạn mới cầu an. Lại càng không thể ỷ lại vào người khác, chờ họ cầu siêu cứu mình ra khỏi đường khổ khi mình lìa đời.

KẾT LUẬN

          Khi còn sống trên đời, mình hãy lo tự cầu an, cầu siêu cho chính mình, bằng cách thực hành đời sống theo Chánh pháp, mở lòng từ bi, bao dung, bố thí, hỷ xả, thương yêu mọi người, tạo nhiều phước báu, lo tu tập phòng hộ thân tâm luôn được trong sáng sạch sẽ để tô bồi công đức. Đó là chúng ta đang cầu an cho mạng sống của mình được bình yên khoẻ mạnh và đang cầu siêu cho những vọng tưởng vô minh được tiêu diệt đi. Có như vậy, thì đời sống của chúng ta mới được thăng hoa, là nguồn nhiên liệu mạnh mẽ tạo nên nhân duyên tốt đẹp cho mai sau. Cho nên chúng ta luôn nhớ rằng nếu như mình tạo nhân bình an thì không cần cầu an, bình an vẫn đến. Chúng ta hàng phục được phiền não giữ thân khẩu ý thanh tịmh, thì chắc chắc chúng ta không sanh vào cảnh giới khổ đau.

          Như vậy, dù là cầu an hay cầu siêu. Năng lực tu tập hằng ngày của chúng tađộng lực chính yếu giúp chúng ta sống bình yên và giúp cho chúng ta khi qua đời được vãng sanh về thế giới an lành. Còn việc thiết lập các khoá Lễ Cầu An hay Cầu Siêu chỉ là những pháp trợ duyên, giúp cho chúng ta có thêm niềm tinhy vọng vượt qua những khó khăn trong tức thời, để rồi sau đó phải tự mình chăm sóc sự bình an của mình bằng con đường tu tập./.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

(August 22-2017)


Bài đọc thêm:
Cầu Nguyện Và Tụng Kinh (Tâm Diệu)
Cầu An Theo Tinh Thần Kinh Phước Đức (Quảng Tánh)
Tụng kinh cầu siêu thì có siêu được không? (Thích Nhật Từ)
Cầu Siêu Có Ảnh Hưởng Vong Linh Không? (Thích Thánh Nghiêm)
Cầu Nguyện Hay Cầu Xin (Thích Đạt Ma Phổ Giác)
Cầu Siêu Có Phải Là Nghi Lễ Của Phật Giáo Không? (Tâm Diệu)

Tạo bài viết
23/09/2013(Xem: 18772)
07/10/2018(Xem: 11562)
30/08/2018(Xem: 21194)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: