Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới

13/12/20184:00 SA(Xem: 15737)
Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới

THẦY CÔ GIÁO HẠNH PHÚC SẼ LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI
Pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 27.10.2014
trong khóa tu chánh niệm dành cho thầy cô giáo và các nhà giáo dục
được tổ chức tại Làng Mai từ ngày 25/10 – 1/11/2014
(được chuyển ngữ từ tiếng Pháp)

Các bạn thân mến, các đồng nghiệp thân mến,

thich nhat hanh
Thầy Thích Nhất Hạnh (Ảnh: Làng Mai)

Chào mừng quí vị đến tham dự khóa tu tiếng Pháp dành cho giới giáo chức và các nhà giáo dục. Tôi cũng là một giáo viên và tôi rất yêu nghề. Quí vị cũng yêu nghề của mình, đó là một điều rất quí! Quí vị muốn xây dựng những con người trẻ, lành mạnh, có khả năng tạo dựng hạnh phúc cho mình và cho những người chung quanh.  Nhiệm vụ của chúng ta không chỉ là trao truyền kiến thức mà còn là xây dựng con người, xây dựng một xã hội nhân bản để có thể chăm sóc hành tinh yêu quí của chúng ta.

Tôi có rất nhiều may mắn vì những người trẻ đến với tôi đều có cùng một lý tưởng. Họ muốn học cách chuyển hóa tự thân, sống hạnh phúc và giúp cho những người khác cũng sống hạnh phúc như mình. Mỗi khi vào lớp, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì giữa thầy và trò có sự cảm thông, có tình huynh đệ, điều này giúp cho công việc trao truyền và tiếp nhận trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi hỏi thăm các đệ tử về đời sống của họ và tôi cũng kể cho họ nghe những khó khăn cũng như những ước mong của tôi, vì vậy luôn luôn có sự truyền thông giữa thầy và trò.

Những khó khăn trong công việc giáo dục

Chúng ta biết những đứa con và những học sinh trong thời đại của chúng ta có rất nhiều nỗi khổ niềm đau trong lòng tại vì cha mẹ chúng đau khổ. Cha mẹ không truyền thông được với nhau hay giữa cha mẹ và con cái không dễ dàng nói chuyện được với nhau. Trong đứa con có sự cô đơn, trống vắng và chúng tìm cách khỏa lấp chỗ trống bằng những trò chơi điện tử hay những thú tiêu khiển khác mà quí vị cũng đã biết. Trong những người trẻ có rất nhiều nỗi khổ niềm đau và điều này làm cho công việc giáo dục trở nên khó khăn hơn.

Chính chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã cố gắng hết sức của mình nhưng thật là khó khi mà môi trường, gia đình và những đồng nghiệp hợp tác với chúng tôi cũng có rất nhiều khó khăn trong bản thân họ. Nếu những giáo chức, những đồng nghiệp không có hạnh phúc thì làm sao họ tạo được hạnh phúc cho những người trẻ? Đó là một vấn đề lớn!

Chúng ta không có đủ sự kiên nhẫn, sự hiểu biết, sự tươi mát và tình thương để đối đầu với vấn đề đó. Chúng ta cần một chiều hướng tâm linh giúp cho ta chuyển hóa tự thân, rồi sau đó có thể giúp chuyển hóa những người chung quanh, mà đầu tiên là những thành viên trong gia đình ta hay người bạn hôn phối của ta. Nếu thành công thì chúng ta sẽ trở nên dễ chịu hơn, tươi mát hơn, có tình thương nhiều hơn. Ta sẽ có khả năng giúp cho những đồng nghiệp cũng làm được như mình và ta sẽ đem sự thực tập vào lớp học.

Như vậy bước đầu tiên là làm một cuộc trở về, trở về với tự thân. Mình tìm một lối ra, nhưng “lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm” (The way out is in).

Bước đầu tiên là trở về chăm sóc tự thân

Trở về với tự thân để chăm sóc cho mình, để có khả năng xử lý những khó khăn trong mình. Có những phương phápchúng ta có thể cùng nhau thực tập với nhiều niềm vui. Bằng hơi thở chánh niệm, ta đem tâm trở về với thân. Trước hết ta trở về chăm sóc hình hài của mình. Trong thân ta có nhiều căng thẳng và đau nhức. Sự thực tập trở về với thân giúp cho ta nhận diện được rằng trong thân của ta đang có sự căng thẳng, đau nhức và ta thở như thế nào để làm lắng dịu sự đau nhức đó. Chỉ cần thực tập trong một giờ đồng hồ cũng đã giúp được cho ta rất nhiều.

Bụt dạy cho ta phương pháp“Thở vào, tôi ý thức rõ rệt về thân thể tôi. Thở ra, tôi buông thư những căng thẳng trong thân thể tôi”. Tôi trở về với hình hài của tôi, hình hài tôi là một mầu nhiệm nhưng nó không có đủ sự bình an trong giờ phút này.

Nếu không có sự bình an trong thân thì cũng không có sự bình an trong tâm. Thân và tâm là một. Chúng ta phải bắt đầu bằng sự thực tập trở về với thân. Ta có thể thực tập buông thư trong những tư thế đi, đứng, nằm, ngồi. Đây là điều chủ yếu. Ta có thể thực tập khi ngồi trong xe bus hay trong xe hơi. Ta cũng có thể thực tập khi chuẩn bị bữa ăn sáng hay khi rửa bát. Vì vậy ta có rất nhiều thì giờ để thực tập buông thư. Điều này rất là quan trọng!

Có những bài thực tập giúp cho ta nhận diện được những mầu nhiệm của sự sống và vẻ đẹp của thiên nhiên đang có mặt trong giây phút hiện tại. Nếu ta thở vào một hơi và đặt hết sự chú tâm vào hơi thở vào thì ta đã có thể ngưng lại tất cả sự suy tư. Chúng ta suy tư rất nhiều nhưng những suy tư của ta đều không có lợi ích. Càng suy tư thì ta càng trở nên lộn xộn hơn. “Tôi suy tư nên tôi không thật sự có mặt, tôi suy tư nên tôi đánh mất mình trong sự suy tư đó” (Je pense donc je ne suis pas vraiment là,  je pense donc je suis perdu dans ma pensée).

Nếu chỉ chú tâm vào hơi thở vào thì dù hơi thở vào đó chỉ kéo dài trong hai hay ba giây đồng hồ đi nữa thì ta cũng ngưng được sự suy tư. Ta có tự do đối với quá khứ, đối với tương lai, đối với những dự án trong hiện tạihơi thở vào đó có thể rất dễ chịu.

Một hơi thở vào có thể rất dễ chịu đối với người thực tập. Mình đang còn sống, mình đang thở vào. Đó là một mầu nhiệm! Những người đã chết không còn thở vào được nữa. Tôi đang thở vào, tôi đang còn sống. Và còn sống là một mầu nhiệm, mầu nhiệm lớn nhất trong tất cả những mầu nhiệm trên thế giới. Ta có niềm vui khi thở vào. Trong khi thở vào ta đem tâm trở về với thân. Trong đời sống hàng ngày, thường thì thân ta ở đây mà tâm ta thì ở chỗ khác, tâm ta rong ruỗi đi về quá khứ, hoặc tương lai, hay đắm chìm trong những dự án, trong sự giận hờn. Tâm không ở cùng với thân và như vậy thì ta không thật sự sống.

Tâm phải ở cùng với thân để ta có thể thật sự có mặt và sống sâu sắc mỗi giây phút của đời sống. Khi thân và tâm là một thì ta hoàn toàn có mặt và ta nhận diện được những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt đó cho ta, như mặt trời, cây cối, chim muông…Vương quốc của Thượng đế đang có mặt bây giờ và ở đây. Đây là sự nhận diện đơn thuần những mầu nhiệm của sự sống. Và ta nhận ra rằng mình có nhiều may mắn hơn nhiều người khác, mình may mắn được sống hạnh phúc bây giờ và ở đây. Nếu có thì giờ quí vị có thể lấy một tờ giấy rồi viết xuống những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có, mà mình không cần phải chạy đi tìm trong tương lai. Tôi tin chắc là một tờ không đủ đâu, hai tờ không đủ mà ba hay bốn tờ cũng không đủ. Quí vị có rất nhiều may mắn và có rất nhiều điều kiện hạnh phúc. “Hạnh phúc có thể có được ngay bây giờ và ở đây”, đó là lời Bụt dạy. Người Pháp cũng có câu: Qu’est-ce qu’on attend pour être heureux? (Chúng ta còn chờ gì nữa để có hạnh phúc?)

Sự thực tập giúp chúng ta nhận diện được những mầu nhiệm của sự sống, vương quốc của Thượng đế và những điều kiện hạnh phúc đang có mặt. Ta có thể chế tác được niềm vui và hạnh phúc bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Một người thực tập chánh niệm giỏi có khá năng chế tác niềm vui và hạnh phúc bất cứ lúc nào. Đó là nghệ thuật hạnh phúc, rất dễ dàng và giản dị mà ai cũng có thể làm được.

Nghệ thuật khổ đau

Ngoài ra có một bài thực tập dành cho trường hợp khi có một cảm xúc đau khổ phát sinh. Khi một cảm xúc khổ đau bắt đầu đi lên thì ta thở như thế nào để chế tác được năng lượng của chánh niệm. Năng lượng này giúp cho ta nhận diện, ôm ấp cảm xúc đó một cách dịu dàng. Vài phút thực tập đã có thể đem đến cho ta sự lắng dịu. Điều này rất là quan trọng!

Ta phải lắng nghe nỗi khổ niềm đau trong thân, trong cảm thọ và trong tâm của mình. Người kia cũng vậy, người kia cũng có nỗi khổ niềm đau trong họ. Vì vậy cho nên lời nói và hành động của người đó đã làm cho ta đau khổ. Chỉ vì người kia không biết cách xử lý nỗi khổ niềm đau của chính mình chứ họ không cố ý làm cho ta đau khổ. Nhưng là người có tu tập chúng ta biết cách xử lý nỗi khổ niềm đau của mình.

Xử lý khổ đau là một nghệ thuật. Chúng ta nói tới nghệ thuật hạnh phúc nhưng cũng có thể nói tới nghệ thuật khổ đau. Chúng ta phải học cách khổ đau. Người biết cách thức khổ đau thì khổ ít hơn ngững người khác. Quí vị hãy tin tôi đi: Ai biết cách khổ đau thì khổ ít hơn những người khác.Đó là một sự thật! Nếu mình có khả năng thấy được nỗi khổ niềm đau trong người kia thì mình sẽ không còn khổ nữa: “Tội cho người đó, tội cho bạn tôi, tội cho đồng nghiệp của tôi, họ có bao nhiêu là khổ đau trong lòng mà không biết cách để xử lý. Họ khổ và làm khổ luôn những người khác.” Nhìn được như vậy thì tự nhiên trong mắt của mình có từ bi. Khi có từ bi thì mình sẽ không đau khổ nữa. Từ bi là liều thuốc chữa trị được sự giận hờn.

Chúng tathể chế tác được năng lượng từ bi một cách dễ dàng. Chỉ cần thấy được nỗi khổ niềm đau trong người kia thì trong trái tim ta ứa ra tình thương đối với họ và ta có thể mỉm cười một cách dễ thương với người kia. Người kia sẽ rất ngạc nhiên và tự hỏi:”Tại sao anh ta có thể làm được như vậy? Trong trường hợp này những người khác sẽ phản ứng lại một cách giận dữ, nhưng sao mà anh ta lại có thể dịu dàng, tươi cười và đầy lòng thương như vậy?” Khi đó, chúng ta có cơ hội giúp được cho những người khác. Làm một cuộc trở về là bước thứ nhất. Sau đó ta có thể giúp cho người bạn hôn phối của mình hay những thành viên khác trong gia đình. Họ đã thấy được sự chuyển hóa của ta nên họ biết rằng nếu thực tập như vậy thì họ cũng sẽ thành công.

Thực tập ái ngữ và lắng nghe để tái lập truyền thông và đem lại sự hòa giải

Tái lập truyền thông và đem lại sự hòa giải là chuyện có thể làm được. Sự thực tập ái ngữ và lắng nghe giúp cho chúng ta thiết lập lại truyền thôngđưa tới sự hòa giải. “Anh ơi, em biết là anh có rất nhiều khổ đau trong những năm vừa qua. Em đã không giúp gì được cho anh mà còn làm cho tình trạng trở nên tệ hại hơn. Em xin lỗi anh! Em không cố ý làm cho anh khổ. Nhưng em đã không thấy và không hiểu được nỗi khổ niềm đau trong anh, vì vậy anh phải giúp cho em. Anh phải nói cho em biết những gì trong lòng anh, những khó khăn và những khổ đau của anh. Em tin chắc rằng nếu hiểu được khổ đau trong anh thì em sẽ không hành xử như em đã từng làm những năm qua. Anh phải giúp cho em. Anh phải nói cho em biết những gì chất chứa trong lòng.” Đó là ái ngữ, là chìa khóa để mở cửa trái tim của người kia. Sự thực tập này rất là hiệu nghiệm, cho dù là giữa hai người đã có khó khăn trong 5 năm rồi. Người kia sẽ nói cho ta biết những gì trong trái tim họ và bây giờ ta có thể thực tập như Bồ tát Avalokiteshvara (Bồ tát Quán Thế Âm): Chỉ lắng nghe thôi và lắng nghe với tâm từ bi. Lắng nghe với tâm từ bi có mục đích: Giúp cho người kia trải hết lòng ra để cho họ bớt khổ.

Nếu người kia có những cái thấy sai lầm thì ta cũng không nên cắt ngang. Ta phải để cho người kia nói. Sau này, nếu có thì giờ thì ta sẽ cung cấp vài dữ kiện để người kia thấy được tri giác sai lầm đó, nhưng bây giờ thì chưa. Bây giờ là lúc mình thiết lập lại truyền thônghòa giải với nhau.

Sau này, khi các giáo chức hợp tác với nhau và khi các giáo chức hợp tác với gia đình của họ thì chúng ta sẽ tiến thêm một bước nữa. Chúng ta có thể đến gần với môi trường của sở làm, trong đó có những đồng nghiệp và những học sinh của mình. Chúng ta biết rằng phần đông những bạn đồng nghiệp của mình cũng mang nỗi khổ niềm đau trong lòng. Vì vậy nếu có sự hiểu biếtlòng từ bi thì mình sẽ đỡ khổ hơn khi những người đó “bùng nổ” với mình.

Mỗi giáo chức phải là một người xây dựng Tăng thân

Chúng ta phải nghĩ tới việc xây dựng tăng thân, tức là một đoàn thể trong đó có những đồng nghiệp hay những người làm việc trong trường học, có thể là 3 hay 4 người mà ta truyền thông được dễ dàng nhất. Chúng ta phải xây dựng một tăng thân. Chúng ta phải cùng đến với nhau để có thể tiếp tục sự thực tập, thực tập không phải với tính cách một cá nhân hay một gia đình mà là với tính cách một đoàn thể. Xây dựng tăng thân là công việc tối cần thiết. Chúng ta có thể đi thiền hành với nhau, uống trà với nhau hay làm một buổi thiền buông thư với nhau.

Chúng ta xây dựng một đoàn thể nhỏ gồm những thầy cô giáo có hạnh phúc,”thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới”. Và với cái tăng thân nhỏ bé đó ta có thể làm làm thay đổi cả tập thể của trường học. Chúng ta có thể viết một lá thư: “Chúng tôi là một nhóm người, chúng tôi đã thực tập như vầy, như vầy và đã đạt được nhiều sự chuyển hóa trong đời sống, trong việc làm cũng như trong lớp học. Chúng tôi nghĩ thật là tuyệt vời nếu quí vị cùng thực tập với chúng tôi”. Như vậy những đồng nghiệp khác cũng sẽ bắt đầu nếm được cái gọi là sư bình an, tình huynh đệ và sự buông thư đó.

Chúng ta không thể tiếp tục như hiện nay, tại vì nếu các giáo chức không có hạnh phúc, không có sự bình an và sự hòa hợp với nhau thì làm sao mà mình giúp được cho những người trẻ bớt khổ và thành công trong sự học hành. Xây dựng một tăng thân là công việc tối cần và mỗi giáo chức phải là một người dựng tăng. Sau khi giác ngộ, công việc đầu tiên Bụt làm là xây dựng một tăng thân. Ngài biết rất rõ là nếu không có tăng thân thì mình sẽ không hoàn thành được sự nghiệp của một vị Bụt.

Giáo chức là một nghề rất cao quí, rất đẹp, rất đáng được kính trọng. Nhưng nếu không có một tăng thân thì mình cũng không làm được gì nhiều. Vì vậy xây dựng tăng thân là một việc tối cần!

Các bạn thân mến, chúng ta có một khóa tu, điều này rất là tuyệt vời. Chúng ta có cơ hội cùng thực tập với nhau những điều này. Tôi chúc các bạn có một khóa tu tốt đẹptuyệt vời. Xin cảm ơn các bạn.

Xem bản phiên tả bằng tiếng Pháp: http://maisondelinspir.over-blog.com/2014/11/les-enseignants-heureux-vont-changer-le-monde.html


(Làng Mai)
Thư Viện Hoa Sen



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/03/2014(Xem: 24150)
30/05/2014(Xem: 21937)
02/12/2018(Xem: 14588)
26/08/2016(Xem: 12001)
26/08/2013(Xem: 41688)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.