- Người tu sĩ và cuộc sống nơi tu viện

14/03/20192:14 CH(Xem: 9410)
- Người tu sĩ và cuộc sống nơi tu viện
365 LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
của ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay
Đức Đạt-lai Lạt-ma
Matthieu Ricard ghi chép và sắp đặt bản gốc
Hoang Phong chuyển ngữ


IV. 
SUY TƯ VỀ CUỘC SỐNG TÂM LINH 
(CÂU 309 ĐẾN 365)

 

Suy tư về người tu sĩ và cuộc sống nơi tu viện

 

 

328

 

            Phần đông những người tu hành đều từ bỏ cuộc sống gia đình. Nhiều tôn giáo xem trọng cuộc sống độc thân của người tu sĩ vì nhiều lý do. Đối với Phật giáo nếu muốn đạt được sự Giác Ngộ thì trước hết phải loại bỏ được các thứ độc tố tâm thần, trước hết là các thứ thô thiển nhất. Độc tố nguy hiểm hơn cả là sự thèm khát, đó là thứ độc tố chắc chắn sẽ buộc chặt chúng ta trong cõi luân hồi (samsara), tức là vòng xoay vần và níu kéo của sự tái sinh. Nếu hiểu được mười hai mối dây tương liên (kinh sách tiếng Hán gọi là "Thập nhị nhân duyên", tức là mười hai thể dạng hình thành và hủy hoại tiếp nối nhau nhau do nghiệp tạo ra, đưa đến sự hiện hữu luôn biến động của một cá thể trong thế giới hiện tượng), tức là các giai đoạn trói buộc chúng ta trong cõi luân hồi, thì chúng ta sẽ hiểu ngay là nếu các tác động của sự thèm khát chấm dứt thì nghiệp quá khứ cũng theo đó sẽ không tạo ra một hậu quả nào.

 

Sự thèm khát phản ảnh các sự đòi hỏi của sáu cơ quan giác cảm: ngũ giáctâm thần. Phía sau các sự đòi hỏi và thúc dục đó của lục giác là các bản năng của sự sống: gay gắt nhất là bản năng sinh tồn, sôi sục nhất là bản năng truyền giống và tối tăm nhất là bản năng sợ chết. Động cơ thúc đẩy ba thứ bản năng trên đây là ba thứ thứ độc tố tâm thần: sự u mê (vô minh, có thể hiểu như là sự "dại dột"), sự thèm khát (lòng tham, sự chiếm hữu) và ghét bỏ (thù hận, giận dữ). Trong số này sự thèm khát là động cơ trực tiếp, lộ liễu và mạnh nhất, buộc chặt một cá thể trong sự chuyển động của thế giới hiện tượng. Cả ba thứ độc tố trên đây là hậu quả phát sinh từ nghiệp của một cá thể - gccncntV.

 

329

 

            Trong số tất cả các sự thèm khát đó thì sự thèm khát dục tính là mạnh hơn cả, bởi vì nó liên hệ đến sự cảm nhận của tất cả năm cơ quan giác cảm: hình tướng, âm thanh, mùi, vị và sự đụng chạm (kể cả tâm thứccơ quan cảm giác thứ sáu, giữ vai trò diễn đạt các cảm giác phát sinh từ ngũ giác, đưa đến các sự tưởng tượng, liên tưởng và các ý nghĩ dâm ô, còn gọi là các thứ tạo tác tâm thần. Độc giả có thể xem lại lời khuyên 282 về sự thèm khát dục tính). Vì thế nếu muốn chữa trị sự thèm khát, thì trước hết phải tấn công ngay thứ nóng bỏng nhất (đối với người tu hành thì nóng bỏng nhất là sự thèm khát dục tính), sau đó là các  thứ thô thiểndần dần là những thứ tinh tế hơn (tức là các thứ thèm khát thuộc các thứ bản năng khác. Xin nhắc lại bản năng truyền giống đôi khi rất "nóng bỏng" thế nhưng chủ yếu chỉ liên quan nhiều hơn với cuộc sống của một cá thể. Trái lại bản năng sinh tồn tác động trực tiếp đến toàn thể xã hộiquốc gia, có thể đưa đến các sự tranh dành và xung đột lớn lao). Càng giảm bớt sự thèm khát và tạo được sự hài lòng sẽ giúp mình thăng tiến dễ dàng hơn trên con đường phi-bám-víu. Đấy là quan điểm của Phật giáo. Đối với các truyền thống tín ngưỡng khác thì mỗi truyền thống đều có một cách giải thích riêng.

 

330

 

            Trên phương diện thực hành, thì cuộc sống nơi tu viện, tức là cuộc sống độc thân, là cách giải thoát mình khỏi một số các mối dây trói buộc mình. Đối với các nữ và nam tu sĩ, một khi đã từ bỏ cuộc sống thế tục, thì tất nhiên sẽ không còn quan tâm đến sự phẩm bình của thiên hạ. Quần áo xuềnh xoàng, các nhu cầu vật chất khác cũng chỉ là tối thiểu mà thôi.

 

331

 

            Một khi đã lập gia đình thì dù muốn hay không, cũng khó tránh khỏi một số các ràng buộc xã hội. Phải tiêu xài nhiều hơn so với cuộc sống độc thân; càng xài nhiều thì càng phải làm việc nhiều, phải tính toán và hoạch định đủ mọi thứ. Càng làm việc và càng phải phác họa lắm thứ chương trình thì lại càng dễ đụng chạm hơn với các sức mạnh đối nghịch (cạnh tranh, ganh tị, bon chen...) và càng dễ khiến mình phạm vào các hành động gây tai hại cho kẻ khác. Sự chuyển đổi từ cuộc sống gia đình sang cuộc sống xa lìa thế tục sẽ tạo các điều kiện thuận lợi giúp các người nữ và nam tu sĩ Ki-tô giáo cầu nguyện, đọc sách, thiền định từ năm đến sáu lần mỗi ngày, và gần như không còn tham gia vào các sinh hoạt thế tục nữa. Sự chuyển đổi từ cuộc sống trong gia đình sang cuộc sống nơi tu viện sẽ mang lại thật nhiều lợi điểm.

 

332

 

            Lúc nhắm mắt những người đã từ bỏ thế tục (những người tu hành nơi tu viện) sẽ tìm thấy thanh thản. Những người khác sẽ còn lắm thứ bận tâm: "Con cái tôi sẽ phải xoay sở như thế nào? Ai đưa chúng đi học? Ai nuôi nấng chúng? Vợ tôi sẽ phải đối phó ra sao? Nếu không có tôi thì ông chồng già của tôi làm thế nào xoay sở được? Nhất định người vợ trẻ của tôi sẽ sống với một người đàn ông khác". Đấy chẳng phải là những mối khổ tâm không nên có trong lúc lâm chung hay sao?

 

            Trong nhiều nước, người đàn ông là cột trụ của cả gia đình. Nếu người này chết thì người vợ lấy gì để sống? Nếu có thêm đàn con thì sẽ là cả một thảm trạng.

 

333

 

 

            Lúc chưa thành lập gia đình thì bận tâm kiếm người phối ngẫu. Thế nhưng sau khi đã lập gia đình thì nào có trút hết được các thứ lo lắng đâu. Người đàn ông tự hỏi vợ mình sẽ có còn nghe lời mình nữa hay không, người vợ thì tự hỏi mình sẽ còn làm cho chồng vừa lòng hay không? Quả là rắc rối.

 

334

 

            Cưới hỏi rất tốn kém. Lễ cưới phải linh đình. Tại Ấn-độ người ta phải dành ra một phần lớn gia sản, do đó phải tiết kiệm, đến độ phải ăn uống dè xẻn. Sau khi cưới nhau thì hoặc sẽ phải khổ sở vì hiếm muộn, hoặc không muốn có con thì lại mang thai và phải tìm cách phá thai.

 

            Nếu tránh được các mối khổ tâm đó chẳng phải là nhẹ nhõm hơn không? Các nam và cả nữ tu sĩ đôi khi cũng có thể thắc mắc biết đâu cuộc sống lứa đôi sẽ thích hợp hơn với mình chăng, thế nhưng phải hiểu rằng gạt bỏ được ý nghĩ đó cũng là cách giúp mình thanh thản hơn? Cuộc sống độc thân nhất địnhtrong sáng hơn nhiều.

 

335

 

            Một số người có thể cho rằng tôi đưa ra một quan điểm quá ích kỷ (có nghĩa là chọn cuộc sống độc thân là một quyết tâm ích kỷ, bởi vì đấy chỉ là cách bảo vệ bản thân mình). Tôi không chắc là đúng như thế. Những người lập gia đình là những người chỉ nghĩ đến riêng họ (tìm hạnh phúc riêng cho họ), không phải là vì sự tốt lành của kẻ khác, và dù là nhắm vào mục đích đó đi nữa, thì cũng không mấy khi họ thành công (cuộc sống lứa đôi là kết quả mang lại từ quá trình tự nhiên của sự níu kéo và tương tác của nghiệp nơi mỗi cá thể, tạo ra một thứ cộng nghiệp chung của cả hai người. Trong cuộc sống lứa đôi mỗi cá thể vừa phải gánh vác nghiệp riêng của mình và nghiệp chung của cả hai. Do vậy, dù nhằm vào mục đích tìm kiếm hạnh phúc thế nhưng thật ra là phải gánh vác những sự khó khăn gấp đôi trong cuộc sống). Trong khi đó những người ước nguyện sống độc thân, các nữ và nam tu sĩ Ki-tô giáo chẳng hạn, thì đấy là cách mà họ hy sinh trọn vẹn đời mình để giúp đỡ kẻ khác, chẳng hạn như chăm sóc những người ốm đau. Tôi nghĩ đến Mẹ Teresa, không chồng, không con, không gia đình, đã dành trọn đời mình để chăm lo cho người nghèo khó. Nếu có gia đình thì mọi sự sẽ khó khăn hơn nhiều. Dù quyết tâm không thiếu thế nhưng ngoài việc nội trợ còn phải đưa con đi học và trăm việc khác nữa.

 

336

 

            Trong việc điều hành của chính phủ lưu vong của chúng tôi nếu cần phái một nhà sư đi công tác tại một nơi nào đó, thì người này luôn sẵn sàng. Dù phải đến một nước khác thì cũng không có trở ngại nào. Nếu cần gọi vị ấy về thì người ấy sẽ về ngay. Nếu đòi hỏi các chuyện đó với một thương gia chẳng hạn thì sẽ phức tạp hơn nhiều. Người này có thể sẽ trả lời như sau: "Cửa hàng vừa mới khai trương, tôi còn phải ở lại để trông coi. Tôi đành phải cáo lỗi vậy..."

 

337

 

            Đến đây tôi xin nêu lên trường hợp những người tu hành đứng ra giảng dạy cho các kẻ khác. Tsongkhapa/Tông-cách-ba (1357-1419, một nhà sư Tây Tạng rất uyên bác) từng nói rằng dù mình bước theo bất cứ một con đường tâm linh nào cũng vậy, cũng không nên tìm cách biến cải kẻ khác trước khi biến cải chính mình. Chẳng hạn như thuyết giảng về các tác hại của sự nóng giận, thì chính mình cũng không được nóng giận, nếu không thì quả hết sức khó thuyết phục kẻ khác. Khi thuyết giảng về sự tiết giảm các sự thèm khát thì chính mình cũng phải giữ được sự tiết giảm đó trước các sự đòi hỏi của chính mình.

 

338

 

            Một vị lạt-ma mà tôi quen biết từng viết thư thuật lại với tôi rằng tại Nepal, trong vòng ba mươi năm nay người Tây Tạng đã xây dựng được nhiều tu viện với các đền thờ lộng lẫy, trong đó có các pho tượng rất đắt tiền, thế nhưng trong khoảng thời gian này họ không xây cất được một trường học hay một bệnh viện nào cả. Tôi đoan chắc nếu là các tu sĩ Ki-tô giáo thì họ sẽ không làm như thế. Các lạt-ma trẻ tuổi thì ban ngày mặc cà-sa, đến tối thì y phục chỉnh tề tham dự các buổi tiệc tùng thế tục, phong thái chẳng khác gì với các nhân vật quan trọng hay các doanh nhân giàu có. Tôi tự hỏi trước kia Đức Phật có làm như thế hay không?

 

339

 

            Thật hết sức rõ ràng: Đức Phật nêu cao sự khiêm tốn và tận tụy, thế nhưng chúng ta thì lại không hề bận tâm đến các thứ ấy. Theo ý tôi tình trạng đó đáng để báo chí tố giácđạo đức giả. Đấy quả là điều phải làm trước nhất.

 

            Đức Phật dạy rằng chỉ nên giảng dạy cho kẻ khác đúng theo nhu cầu của họ, và những lời mà mình thuyết giảng cho họ cũng phải phù hợp với cả chính mình. Do vậy chính mình cũng phải tuân thủ giới luật truớc khi mang ra giảng dạy cho kẻ khác.

 

 

                                                                                    Bures-Sur-Yvette,05.03.19

                                                                                     Hoang Phong chuyển ngữ

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
31/05/2013(Xem: 26117)
30/08/2014(Xem: 27775)
27/06/2018(Xem: 12358)
25/06/2018(Xem: 11914)
04/12/2012(Xem: 55835)
17/06/2016(Xem: 9063)
14/10/2010(Xem: 78074)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.