Nhìn đời như bọt nước

12/10/20191:02 SA(Xem: 13069)
Nhìn đời như bọt nước
NHÌN ĐỜI NHƯ BỌT NƯỚC
Thích Đạt Ma Khế Định

Thich Dat Ma Khe DinhPhần đông chúng ta đều có nghi vấn: “Tại sao chúng ta học Phật pháp nhiều mà tâm vẫn còn nhiều dính mắc, không buông xả hết được? Như vậy, ở nhà sướng hơn đi học Phật pháp!” Có người còn nói: “Đi tu thì mình cũng chết, mà ở nhà cũng chết, vậy thì ở nhà luôn!”

Lúc ở Việt Nam, tôi tình cờ thấy một vụ tai nạn. Hai người cùng đi trên một chiếc xe máy hai bánh, khi bị tai nạn té xuống, cả hai đều va vào trụ điện, nhưng chỉ một người chết và người còn lại sống. Có người nói là do số mệnh, nhưng khi khám hiện trường, người ta phát hiện người chết không đội mũ bảo hiểm, còn người kia tuy cũng bị va vào trụ điện nhưng sống nhờ trang bị mũ bảo hiểm.

Trong kinh A-hàm, Đức Phật đưa ra ví dụ:

“Này các Tỷ-kheo! Ví như có hai người cùng rớt xuống một cái hầm xí, người thứ nhất may mắn được người thân vớt lên tắm rửa xức dầu thơm; người thứ hai không được ai vớt, khi leo được lên bờ thì cũng không ai tắm rửa xức dầu thơm cho. Này các Tỷ-kheo! Như Lai nói rằng hai người đều sanh ra trong cuộc đời này, cũng gặp khổ nạn, cũng gặp khổ đau nhưng người thứ nhất không khổ, không buồn, không bị xúc não vì họ được giúp đỡ. Còn người thứ hai thì không được may mắn như thế.”

Thiền thoại kể câu chuyện:

Có một ông cư sĩ, khi ra khỏi nhà một đoạn đường thì bất chợt trời đổ mưa lớn. Không có dù, cũng không có áo mưa nên ông chạy vào trú mưa dưới mái hiên. Đứng trong mái hiên, ông nhìn thấy một vị thiền sư cầm cây dù đi trong mưa, ông gọi lớn:

- Thiền sư! Xin Ngài rộng độ, cho con theo Ngài một quãng đường.

Thiền sư nói:

- Ông đang đứng trong mái hiên đâu có bị mưa ướt mà bảo tôi độ cho ông.

Nghe nói như thế ông cư sĩ chạy ra mưa nói với thiền sư:

- Bây giờ con chạy ra mưa rồi, mưa ướt áo con hết rồi, thiền sư độ cho con đi.

Lúc này Thiền Sư nói:

- Ông đứng trong mưa, tôi cũng đứng trong mưa. Sở dĩ ông bị mưa ướt áo vì ông không có cây dù. Còn tôi đứng trong mưa mà mưa không làm ướt áo tôi vì tôi có cây dù. Không phải tôi độ ông, mà chính cây dù độ tôi. Ông không muốn ướt áo thì đi tìm cây dù để dù độ cho ông.

Qua ba câu chuyện trên, ta học được gì? Ông cư sĩ đứng trong mưa bị ướt áo lạnh lẽo, còn vị Thiền sư cũng đứng trong mưa mà không ướt áo vì Thiền sư có cây dù.

Cũng vậy, trong cuộc sống giữa đời thường này, ai cũng khổ như nhau. Khi một trận động đất đổ xuống, đá đè lên đầu thì người ăn mày ăn xin bị khổ bị chết, mà ông tỉ phú có khỏi khổ khỏi chết không? Ai cũng chết ai cũng khổ. Bởi vì đã sanh ra trong cõi ta-bà này, hay nói khác hơn là mang cái hình hài ngũ uẩn này thì tất cả mọi con người chúng ta đều có khổ có buồn, có vui sướnghạnh phúc, ai cũng giống như ai. Người có bằng cấp tiến sĩ, bác sĩ bị dao đâm vào bụng cũng đau, mà người không biết chữ, dốt hoặc nghèo nàn bị dao đâm vào bụng cũng đau. Nhưng người có trí tuệ, họ rút dao ra rồi băng bó vết thương. Còn người không có trí tuệ khi bị dao đâm, về nhà họ lại tiếp tục đâm thêm nhiều nhát dao vào bụng nữa.

Con dao này, Đức Phật ví dụ như những lời người ta mắng chửi hoặc nói nặng mình. Mình biết tu thì ngay trong giờ phút đó mình buông xả liền chứ không đem về nhà. Còn mình ăn không được, ngủ không được đó là mình tiếp tục đâm con dao thứ hai. Tối lại mình lôi chồng ra kể, tức là con dao thứ ba. Mình kể cho chồng chưa hả, lôi con cái kể, đó là con dao thứ bốn. Kể với chồng con cũng chưa hết giận, lôi cháu ra kể, rồi con rể con dâu, dòng họ bà con cô bác, tức là đâm rất nhiều con dao vào bụng. Người có trí tuệ, tiêu biểu cho người có cây dù, họ không bị mưa ướt lạnh lẽo vì họ có cây dù chánh pháp. Còn mình đi trong cuộc đời này mà không tu học, không chịu buông xả là mình bị mưa ướt.

Như vậy quý Phật tử thấy rằng, đau khổ hay hạnh phúc là do bản thân mình quyết định. Mình buông xả được thì cuộc đời mình không khổ, tự tại, ung dung, giải thoát. Ngay nơi đời sống này mà mình giải thoát, thì chắc chắn khi chết mình được giải thoát. Còn không buông xả được thì chắc chắn khi chết, chính nghiệp lực này đưa mình đến những chỗ mà mình dính mắc nhiều.

Đức Phật không dạy cho mình thần thông phép lạ hay những gì huyền bí, cũng không dạy những điều đến khi chết mình mới thấy. Mà đạo Phật dạy để mình quán chiếu, thực tập, buông xả lúc còn sống. Đó là tinh thần của nhà Phật.

Đức Phật và chư Tổ ra đời, các Ngài trang bị cho mình chỉ một cái thấy duy nhất thôi. Cho nên trong kinh A-hàm Đức Phật nói là ở thế gian này có hai hạng người, hạng người bị mù mắt và hạng người không bị mù mắt:

“Này các Tỳ-kheo! thế nào là hạng người bị mù mắt? Này các Tỳ-kheo! Người đó không học hỏi Phật pháp, không tu tập con đường giới, con đường định, con đường tuệ. Thế nào là người sáng mắt? Là người đó tu học về Phật pháp, và đi trên lộ trình Giới - Định - Tuệ.”

Nói khác hơn là một người ngủ và một người thức. Khi mình không buông xả được, đụng đâu chấp đó, có nghĩa là mình đang ngủ. Còn gặp chuyện gì đến buông xả được, tâm nhẹ nhàng, tức là mình đang thức.

Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật nói một bài kệ dạy cho các Tỳ-kheo khi đi khất thực không bị cuộc đời làm cho khổ và phiền não. Đức Phật nói các ông chỉ cần nhớ bài kệ này thôi, các ông đi đâu cũng hạnh phúc hết:

Nhìn đời như bọt nước,

Nhìn đời như ảo ảnh.

Ai nhìn đời như thế,

Chẳng bị thần chết lôi.

Nếu quý Phật tử trang bị được cái thấy nhìn đời như ảo ảnh, nhìn đời như bọt nước, thì sẽ không khổ và khi cái chết đến cũng không sợ hãi. Bây giờ tôi hỏi thật quý Phật tử: Tinh thần của đạo Phậtlạc quan hay bi quan? Lạc quan là vui mà bi quan là buồn khổ, đúng vậy không?

Để làm minh chứng, tôi kể một câu chuyện trong Tương Ưng Bộ Kinh:

Một thời Thế Tôn ở tại Xá Vệ, rừng Kỳ Đà (Jetavana) vườn ông Cấp Cô Độc.

Rồi một vị Thiên Tử tên là Kakudha, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jatavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên, bạch rằng:

-Thưa Sa Môn, Ngài có hoan hỷ không?

-Ta được cái gì, này hiền giả (mà ta hoan hỷ)?

-Nếu vậy, thưa Sa Môn, có phải Ngài sầu muộn?

-Ta mòn mỏi cái gì, này hiền giả (mà ta sầu muộn)?

-Vậy thời, thưa Sa Môn, Ngài không hoan hỷ và không sầu muộn?

-Thật đúng vậy, này hiền giả!

Thế Tôn liền nói bài kệ:

Hoan hỷ chỉ có đến

Với người tâm sầu muộn

Sầu muộn chỉ có đến

Với người tâm hoan hỷ

Do vậy, vị Tỳ Kheo

Không hoan hỷ sầu muộn

Vậy nên, này hiền giả

Ngươi phải biết như vậy.

Như vậy, tinh thần của nhà Phật là vượt lên sự bi quanlạc quan.

Đứng trên mặt nước, chúng ta thấy dòng sông đang cuồn cuộn chảy, thấy rác, thấy bọt bèo đang trôi, với điều kiệnchúng ta chỉ nhìn ngắm nó, nhìn ngắm dòng sông. Chúng ta nhìn ngắm cuộc đời, nhìn ngắm tất cả mọi người mà chỉ với một cái biết, cái tánh biết này không buồn, không khổ, không vui. Đó là tinh thần của nhà Phật. Bởi vì khi lạc quan thì một lúc nào đó sẽ bi quan. Còn tinh thần nhà Phật là cái nhìn xuyên suốt giữa bi quanlạc quan, giữa thiện và ác, giữa vui và khổ, giữa phiền não và Bồ-đề, giữa sanh tử và Niết-bàn.

Đức Phật nói, sở dĩ chúng ta khổ, không được vui, không được tự tạichúng ta luôn luôn nhìn cái bóng cho là mình, rồi từ đó chúng ta bắt bóng. Bắt cái bóng đó cho là mình, rồi chúng ta chìm trong đó khóc than, rồi trách người này trách người nọ. Phật nói là do mình bắt cái bóng mà không thấy được rằng cái gì thấy được cái bóng. Chỉ cần biết đó là cái bóng, là ảo ảnh thì quý Phật tử buông là xong. Mình buông không được vì không thấy nó chỉ là bóng, không phải là thật của mình. Chỉ cần quán chiếu như thế thì cuộc đời này quý Phật tử hết khổ an vui.

Trong kinh Bách Dụ Phật kể:

Ngày xưa có một anh chàng ở quê lần đầu tiên lên phố, anh vào tiệm tạp hóa, thấy một vật hình tròn, nhìn vào trong đó thì thấy bóng người. Thấy lạ anh mua về nhưng sợ vợ biết nên đem giấu trong bồ lúa. Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng bốn năm giờ chiều anh lén vào bồ lúa lấy gương ra săm soi khuôn mặt của mình. Người vợ thấy từ ngày đi phố về chồng có điều gì lén lút, cô để ý chiều nào anh cũng vào bồ lúa rồi ở trong đó thật lâu. Cô vào lục tìm được cái gương, nhìn vào gương thấy bóng mình trong đó cô khóc sướt mướt, nghĩ rằng đó là người tình của chồng. Vô cùng buồn khổ, cô chạy lên nhà trên tìm mẹ ruột:

- Mẹ ơi , từ ngày chồng con lên phố, anh mua cô hầu này về giấu trong bồ lúa, hèn chi ngày nào anh cũng vô trong đó thật lâu!

Cô đưa gương cho mẹ, bà soi gương rồi nói:

- Con nhỏ này tám chín chục tuổi rồi, ghen gì nữa mà ghen.

Cuối cùng hai vợ chồng đưa nhau lên quan huyện. Quan huyện cầm gương soi thấy cái bụng của mình, mà bụng quan thì lớn, ông nói:

- Nó sắp sanh rồi còn kiện tụng chi nữa!

Sự việc chưa ngã ngũ, tình cờ có một vị sa-môn đi ngang qua, nghe xong câu chuyện vị sa-môn cầm cái gương liệng xuống đất. Gương bể, lúc đó bà mẹ vợ, người con gái, ông con rể và ông quan huyện, bốn người đều tỏ ngộ, mới biết người trong gương là cái bóng của mình.

Đức Phật nói tất cả chúng sanh cũng thế, chấp cái bóng cho là mình, cho nên mới khóc than, buồn vui, sướng khổ. Khi nào cái bóng vỡ ra thì tức khắc quý Phật tử tỏ ngộ. Cũng giống như khi Tổ Huệ Khả nhìn lại tâm mình không thấy bóng dáng của nó nữa, thì tức khắc Ngài ngộ đạo, đơn giản vậy thôi. Quý Phật tử suốt ngày có nhìn cái bóng của mình không? Cái bóng mình cười mình cười theo, cái bóng mình khóc mình khóc theo; mình toàn khóc cười, toàn chạy theo cái bóng. Hiểu được như thế thì cuộc đời mình an ổn, không còn khổ nữa. Cho nên các Ngài nói mình đừng bắt bóng.

Như trong kinh Lăng Nghiêm Phật thí dụ, ông Diễn-nhã-đạt-đa soi gương thấy đầu mình trong gương, khi úp gương xuống ông hoảng sợ la lên: “Tôi mất đầu rồi!” Ngay trong giờ phút đó mà có ai gõ đầu ông: “Đầu ông còn đó sao mất!”

Cũng như thế, các Thiền sư gõ đầu mình các Ngài khai thị, mình vẫn còn hiện hữu sờ sờ đó không có mất. Khi cái bóng nó lặn rồi vẫn có chủ chứ không phải không còn gì nữa. Quý vị nhớ kỹ, khi cái gương úp xuống rồi không còn cái bóng nữa, vẫn còn mình sờ sờ tức là cái biết mình sáng suốt rõ ràng, chứ không phải khi cái bóng mất rồi không còn mình. Cái bóng đến đi, chạy nhảy, khóc cười nhưng ông chủ vẫn ngồi yên nhìn cái bóng chạy nhảy. Khi quý Phật tử phát hiện được đó là cái bóng của mình thì không khổ nữa, đơn giản vậy thôi.

Để giúp mình bớt chấp, bớt dính mắc và buông xả được, Đức Phật dạy mình phương pháp thứ hai, trang bị cho mình một cái thấy nữa: Tất cả vạn pháp đều phải tan rã. Một vị thiền sư nói:

Ta cứ ngỡ trăng sao là vĩnh cửu,

Nào ngờ đâu non nước cũng vô thường.

Gần đây có những trận động đất, những trận sóng thần. Thế giới mình đang ở càng ngày càng nóng lên. Người ta còn nhìn thấy trái đất bây giờ mỏng manh giống như một quả trứng gà, chỉ cần vật gì va chạm là nổ tung. Thấy như thế không phải mình bi quan mà để có một sức sống, từ đó mình nương theo chỗ Đức Phật chỉ dạy mà tu. Mình biết rằng rồi mình  cũng sẽ từ giã cuộc đời này ra đi. Khi ra đi mình mang theo được cái gì, thì mình ráng tu tập, ráng ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, ráng tạo các việc phúc thiện, đó là quý Phật tử trang bị cái thấy cho mình. Đức Phật khẳng định tất cả mọi con người chúng ta có mặt trong cuộc đời này rồi cũng bị tan rã, chứ không phải đứng yên một chỗ mãi mãi.

Quý Phật tử nghiệm lại xem, khi qua nước Đức này quý Phật tử bao nhiêu tuổi? Bây giờ nhìn lại là ba chục năm, có người bốn chục năm. Khi mới qua đây, tóc mình còn đen nhánh. Bây giờ trên đỉnh đầu tóc bạc hết, có phải là vạn pháp đang đốt cháy mình, đang vô thường, đang biến dịch không? Quán chiếu như thế để làm gì? Để thấy thân xác toàn là vay mượn. Sáng quý Phật tử vay mượn một ổ bánh mì, trưa ăn cơm là vay mượn đất, ăn thêm chén canh là vay mượn nước. Mình vay mượn tứ đại bên ngoài vào trong thân, mà tối nó không chịu ra thì tính sao? Chắc chắn mình phải uống thuốc xổ, mà uống thuốc xổ nó cũng không chịu ra luôn, phải làm gì? Đi bệnh viện! Hãy quán chiếu thật kỹ để bớt chấp ngã.

Quý Phật tửbảo đảm rằng thân thể là cái ngã của mình không? Nếu mình bảo đảm cái thân thể này là cái ngã bất di bất dịch của mình thì nó phải đủ ba yếu tố kèm theo: một là chủ tể, hai là bất biến, ba là đồng nhất.

Chủ tể là gì? Chủ tể là phải làm chủ được cái thân này. Mà có ai làm chủ được thân chưa? Chẳng hạn như sáng nay mình có một buổi đi tham quan nước Bỉ. Xe đang chạy ngon trớn giữa đường, hồi sáng ăn cái gì mà bây giờ bị chột bụng, chịu không nổi phải kêu bác tài ngừng lại. Bác tài nói ở đây không có nhà vệ sinh, lúc đó mình nói: “Mày ngừng lại không được ra!” thì có ngừng lại được không? Nếu mà nó ngừng lại, tức là mình làm chủ cái thân này. Còn mình kêu nó ngừng lại mà nó không chịu ngừng, tức là không làm chủ được. Như vậy nó không phải là chủ tể.

Rồi quý Phật tử thấy nó có đồng nhất không? Đồng nhất là gì? Đồng nhất có nghĩa nếu là đất thì phải toàn là đất, nước phải toàn là nước, gió phải toàn là gió, lửa cũng phải toàn là lửa. Nhưng thân này do bốn thứ đất, nước, gió, lửa hợp thành, tức là nó không đồng nhất. Chất cứng tóc, răng, móng tay móng chân là đất. Nước là đàm, giãi, nước tiểu. Hơi thở là gió, hơi nóng trong mình là lửa. Hôm nào nước trong mình nhiều quá phải tìm cách cạo gió cho nước nó ra bớt. Hôm nào đất nhiều quá, nó lấn ba đại còn lại thì phải xông hơi. Như vậy trong suốt cả cuộc đời, mình phải điều phục bốn con rắn độc, điều phục sao cho đất, nước, gió, lửa điều hòa thì cơ thể không bệnh. Chỉ cần bốn đại này trục trặc là sanh bệnh.

Bất biến là gì? Bất biến có nghĩa là tứ đại của quý Phật tử mười tám tuổi là mười tám tuổi nó đứng yên một chỗ. Còn đằng này sao? Quý Phật tử nghe bài kệ của Thiền Sư Quang Giác đời Tống:

Năm trước gặp thanh xuân,

Má hồng khoe đào lý.

Năm nay gặp thanh xuân,

Tóc bạc đầy cả mái.

Người đời tuổi bảy mươi,

Nhanh như dòng nước chảy.

Chẳng ngộ tâm xưa nay,

Sanh tử làm sao khỏi.

Ngài nói năm trước gặp thanh xuân thì hoa đào hoa lý cũng thua cô bé mười bảy mười tám tuổi sắc mặt hồng hào. Nhưng với cặp mắt giác ngộ của các Thiền sư thì “năm nay gặp thanh xuân, tóc bạc đầy cả mái.” Mà cuộc đời bảy mươi tám mươi năm, nhìn lại nhanh như dòng nước chảy chứ không đứng yên một chỗ. Như vậy thì cái ngã này không phải là chủ tể, không phải là bất biến, không phải là đồng nhất. Khi biết rằng cái ngã này do duyên tụ hợp lại, hoàn toàn không phải của mình thì mình không còn chấp nữa.

Bây giờ tôi xin hỏi một câu, quý Phật tử phải mạnh dạn trả lời. Buổi sáng thức dậy điều đầu tiên quý Phật tử nghĩ đến là gì? Mình nghĩ sáng nay ăn bánh mì loại nào, phô mai loại nào, cơm sườn, cơm tấm hay bún bò kho. Hoặc nghĩ hôm nay chủ nhật, nấu món gì thật ngon cho chồng con ăn. Có thể nhịn ăn bảy ngày, nhịn khát hai ngày nhưng không bao giờ nhịn thở được một ngày, nhịn thở một ngày là chết liền. Hơi thở là quan trọng nhất, vậy mà không ai nhớ. Đức Phật nói chúng sanh không bao giờ nhớ hơi thở, mà nhớ ăn uống, nhớ mặc, nhớ tiền tài, nhớ danh vọng… Cho nên phương pháp thực tập trong nhà Phật để giảm bớt độ căng thẳng trong cuộc sống, Phật dạy khi mở mắt ra là nhớ lại hơi thở của mình, và điều đầu tiên là mình cảm ơn cuộc đời cho mình sống thêm một ngày nữa để làm lợi ích cho mình cho người, cả hai cùng được lợi.

Lúc đó quý Phật tử như có thuốc kháng sinh trong người, không có chuyện gì làm cho mình buồn khổ được. Mình biết chắc chắn rằng còn tiếp tục sống trên đời, và có đầy đủ tất cả. Có những người muốn vỗ tay mà không vỗ được, bởi vì họ không còn đủ điều kiện vỗ được hai bàn tay. Có người muốn lạy Phật mà không lạy được, vì không có hai cánh tay. Có người muốn ngồi thiền, muốn thực tập đi thiền hành buổi sáng giống mình, mà không có đủ điều kiện vì không có đôi chân. Và có những người họ thích ngắm hình tượng Đức Phật mà họ ngắm không được vì thiếu cặp mắt. Quý Phật tử nhìn lại coi mình đầy đủ không? Đầy đủ hết tất cả, những thứ Đức Phật nói là khó nhất mà mình có. Điều kiện học hỏi mình cũng có luôn. Quán chiếu được như thế thì mình rất trân trọng cuộc sống.

Có lần tôi qua bên Pháp, sau khi giảng xong có hai người đến khóc và nói là họ định quyên sinh. Một người khoảng gần bốn chục tuổi, bị nhiều áp lực trong cuộc sống. Một bác khoảng sáu mươi lăm tuổi, bị đau nhức khớp, bà đã chuẩn bị sẵn một bụm thuốc tây để uống cho chết. Khi hay tin tôi qua đây, họ nghĩ để nghe pháp lần cuối rồi tự tử cũng không muộn. Sau khi nghe tôi giảng xong họ đến khóc và nói rằng ý nghĩ tự tử là điều lầm lẫn lớn, bởi vì họ vẫn còn thấy nghe đầy đủ mà còn biết con đường Phật pháp nữa, tại sao lại giết đi mạng sống của mình. Tôi nói quý Phật tử phải mượn con thuyền này để qua biển lớn sanh tử, chứ không phải hủy hoại chiếc thuyền khi mình chưa đến bờ.

Như vậy bài pháp này Đức Phật trang bị cho một cái thấy: Tất cả đều tan rã, tất cả đều bể, đều vụn. Từ cái thấy đó chúng ta tu học, buông xả lần lần. Đó là mục đích của người tu.

Một câu chuyện nữa trong kinh Bách Dụ:

Ngày xưa, trong kinh thành nọ có bà hoàng hậu sanh một cô công chúa. Khi công chúa ba tuổi thì bà chết. Vua rất thương hoàng hậu nên quyết định không lấy ai khác, ông dành hết tình thương cho công chúa. Cô được cha thương yêu chiều chuộng nên muốn gì được đó. Khi cô mười tám tuổi, một hôm cô đứng ở lan can trên lầu cao thì bỗng nhiên trời đổ mưa thật lớn. Sau cơn mưa, nhìn xuống hồ nước, cô thấy có những chiếc bong bóng nổi lên rất đẹp. Cô chạy xuống lầu tìm vua cha:

- Phụ vương! Làm cách nào xuống hồ lượm những chiếc bong bóng nước xâu cho con thành chuỗi kim cương nước được không?

Vua cười nói:

- Kim cương thiệt cha có nhiều lắm, con cần bao nhiêu cha cũng cho. Còn bong bóng nước này thì không bao giờ xâu được.

công chúa nằm xuống ăn vạ, nói cha mà không xâu được thì con chết. Vua vì quá thương con nên họp hết tất cả quần thần, ông nói:

- Trẫm có một điều khó xử, Trẫm có một đứa con gái duy nhất, mà bây giờ nó đòi xâu chuỗi bong bóng nước, nếu các khanh làm không được thì nó chết. Nó chết chắc trẫm cũng chết theo. Như vậy trong đây có ai làm được không?

Các vị quan nhìn ngó nhau không ai làm được. Có một ông quan lớn tuổi bước ra nói:

- Hạ thần sẽ xâu những chiếc bong bóng nước lại với điều kiện công chúa phải hợp tác với hạ thần.

Công chúa đồng ý. Ông quan yêu cầu:

- Công chúa hãy xuống bờ hồ lựa những bong bóng nước nào đẹp nhất, hạ thần sẽ xâu chúng lại thành chuỗi cho công chúa.

Công chúa xuống bờ hồ vớt từng bong bóng nước lên, vớt đến đâu bong bóng nước bể đến đó, từ sáng đến trưa không lượm được chiếc nào. Bất thình lìnhcông chúa tỏ ngộ.

Quý Phật tử ngộ gì chưa? Cái thân phận của mình giống chiếc bong bóng nước không? Có một lúc nào đó nó sẽ bị bể, bị nát, bị vụn. Quý Phật tử chiêm nghiệm lại xem, mình bằng Đức Thế Tôn chưa? Ngài là một vị Đông cung Thái tử sống trong nhung lụa không thiếu thứ gì. Nhưng Ngài chiêm nghiệm thân phận của kiếp người, kể cả Phụ hoàng, kể cả công chúa Gia-du-đà-la và Hoàng nhi La-hầu-la, kể cả Thái tử Tất-đạt-đa và dòng tộc Thích-ca rồi một lúc nào đó sẽ bị bể, bị nát, bị vụn. Cho nên Đức Phật từ giã hết tất cả để tìm ra con đường sống, con đường chân lý. Hiểu được như vậy, quý Phật tử mới phát tâm mạnh để tu học.

Hỏi thật một điều, khi quý Phật tử ở nhà niệm Phậtnhất tâm bất loạn không? Ở đâu thì mình niệm được nhất tâm bất loạn? Khi quý Phật tử đi trên một chiếc thuyền mà sắp bị chìm, hoặc khi ngồi trên chiếc máy bay mà bị trục trặc là lúc đó nhất tâm bất loạn, chỉ một lòng nhớ đến Phật. Chớ đinh ninh rằng cái thân mình không bao giờ bể, thì khi ngồi niệm Phật mình cũng nhớ chuyện đông chuyện tây, chuyện nam chuyện bắc. Bởi vì mình nghĩ rằng bữa nay không niệm thì mai niệm, bữa nay không ngồi thiền thì mai ngồi. Chẳng hạn như hôm nào đó chuẩn bị tụng kinh sám hối, chuẩn bị tọa thiền, chuẩn bị niệm Phật, bỗng nhiên điện thoại reo, bạn mình gọi nói, hôm nay có live-show ở hải ngoại qua hát, đặc biệt là không tốn tiền, ca sĩ toàn những người nổi tiếng. Khó quá! Bây giờ ngồi niệm Phật hay là đi xem? Rồi mình nghĩ, ngày nào cũng niệm, bỏ một bữa đâu có sao! Khi mà chúng ta thấy cuộc sống còn mãi mãi thì nhiều lúc chúng ta bỏ bê.

Trong Nghệ Thuật Sống kể câu chuyện:

Có một ông già bán bánh, quán của ông rất đông khách vì ông treo cái bảng: “Ngày mai ăn khỏi trả tiền”. Mấy đứa con nít tưởng thiệt, hôm sau lại đến, hy vọng ăn bánh khỏi trả tiền. Nhưng vẫn là “ngày mai ăn khỏi trả tiền”, hôm nay phải trả! Như vậy là không có ngày mai. Cho nên Đức Phật trang bị cho mình một cái thấy là thân tâm, vạn pháp vô thường thì mình mới phát Bồ-đề tâm được, mới mạnh dạn tu được, không thì cũng giải đãi.

Từ khi có mặt trong cuộc đời này rồi lớn lên quý Phật tửđiều kiện qua Đức, có ai bắt được chiếc bong bóng nước nào chưa? Có chứ, bong bóng nước của mình là gì? Là tài sản sự nghiệp, là danh vọng… đủ hết, quý Phật tử bắt được chưa? Bắt được rồi nhưng mà sao? Hòa thượng Trúc Lâm nói: “Nhìn lại cũng tay không.” Hòa thượng nói nào lợi nào danh đủ hết, nhìn xa thì chúng óng ánh long lanh, nhưng khi bắt được thì nó bể vụn hết. Như con ve sầu chỉ sống ba tháng mùa hè, đến mùa đông là chết; chư Thiên thấy đời sống của loài người còn ngắn ngủi hơn đời sống con ve sầu, chỉ cần nhắm mắt mở mắt là xong một cuộc đời.

Kinh Pháp Cú kể:

Có một vị Thiên nữ buổi sáng đến khu vườn Ái Lạc hái hoa để dâng tặng vua Trời Đế Thích. Trong lúc hái hoa bà chết giấc, do phước lực còn, bà tái sanh xuống thành Xá Vệ, trong nhà người Bà-la-môn. Lớn lên bà có chồng sinh được hai người con. Do túc nghiệp, bà nhớ lại bà là vợ của vua Trời Đế Thích, nên bà muốn trở lại cõi Trời Đế Thích đó. Hằng ngày bà đến cúng dường Đức Phật và năm trăm vị A-la-hán. Đức Phật hỏi bà mong muốn điều gì. Bà nói chỉ muốn được trở về với chồng. Năm bà bảy mươi tuổi, khi cúng dường Đức Phậttăng chúng xong, bà về nằm lên giường bà chết, vừa chết thần thức bà gá vào vị Thiên nữ hái hoa bị chết giấc đó. Trưa bà về, Trời Đế Thích hỏi bà hồi sáng đến giờ bà đi đâu. Nghe bà kể xong, Trời Đế Thích nói:

- Cuộc sống loài người ngắn ngủi như vậy, chắc là họ lo tu họclàm việc phước thiện nhiều lắm phải không?

Thiên nữ trả lời:

- Không phải như thế.

Trời Đế Thích không tin. Tôn giả Mục Kiền Liên có mặt trên đó cũng xác nhận rằng chúng sanhcõi người tuy cuộc sống rất ngắn ngủi, tạm bợ, vô thường nhưng họ tu học và tạo các việc thiện pháp không nhiều.

Bữa nọ tôi giảng ở Sài Gòn, có một anh Phật tử đứng lên hỏi:

- Thưa Thầy, nếu ai cũng đi xuất gia hết thì dòng giống nó tiệt chủng.

Tôi hỏi:

- Anh có vợ chưa?

- Dạ con có rồi.

- Anh có mấy con?

- Dạ con có hai đứa con.

Tôi nói:

- Vậy thì chưa tiệt chủng, bởi vì anh có vợ. Nếu anh xuất gia mà nói câu này thì tôi chưa chắc, còn đằng này khi anh nói chuyện với tôi anh có vợ có con có đủ hết.

Tôi đi máy bay nhiều lần mà chưa bao giờ gặp hai người xuất gia đi cùng một chiếc máy bay. Quý Phật tử rất may mắn, tuy hình thứccư sĩ nhưng biết tu học, biết chuyển hóa, biết buông xả, đó là phước duyên.

Qua bài pháp này, tôi muốn nêu lên cho quý Phật tử thấy tất cả các pháp đang tan rã, đang bể vụn và chính thân thể này cũng bể vụn, nát luôn. Một lúc nào đó chúng ta cũng phải từ giã tất cả để ra đi. Đức Phật nói mình đến cuộc đời này như đến khách sạn, nhà trọ. Những người giàu có thì đến khách sạn năm sao, bốn sao. Nghèo hơn ở khách sạn một sao. Những người nằm ngoài đường ở “khách sạn ngàn sao”, cũng sống thôi! Dầu cho ngàn sao, một sao, hai sao, năm sao rồi cũng phải bỏ hết.

Hiểu được như thế không phải là bi quan, mà là có một cái nhìn xuyên suốt để mình tu học, gạn bỏ để không dính mắc, không cố chấp, không phiền hận vì mình có cây dù chánh pháp.

 

Trong cuộc sống giữa đời thường, tất cả chúng ta đã mang kiếp người, ai cũng có nỗi khổ giống nhau. Nhưng chúng ta tu học thì không khổ giống như những người không tu. Bởi vì, Đức Phật trang bị cho mình một cái thấy, cái thấy này là nhìn cuộc đời giống như bọt nước, nhìn cuộc đời giống như ảo ảnh. Sở dĩ chúng ta bị dòng đời lôi cuốn, vì không thấy được bóng dáng của mình. Một khi thấy được bóng dáng thì chúng ta không còn khổ đau nữa.

Đức Phật dạy cho chúng ta thấy, dầu cho nắm bắt được gì, tất cả vạn pháp cuối cùng rồi cũng tan rã, kể cả con người. Tan rã tức là con người sanh ra rồi già bệnh, rồi đến con đường chết. Vũ trụ đi qua bốn chu trình thành, trụ, hoại, không. Còn vạn pháp là sanh, trụ, dị, diệt. Đức Phật nói vì bản chất các pháp là duyên hợp, là duyên khởi nên phải đi đến con đường đó. Con người do duyên hợp bốn yếu tố, đất, nước, gió, lửa thành hình. Vạn pháp cũng do những yếu tố kết hợp mà hình thành, cho nên Bồ-tát Long Thọ nói một bài kệ:

Nhân duyên sanh các pháp

Ta nói tức là không

Cũng gọi là giả danh

Cũng gọi nghĩa Trung Đạo.

Bồ-tát Long Thọ nói các pháp đều do nhân duyên sanh. Chẳng hạn cái nhà này được tạo thành từ đất nước gió lửa, xi măng cốt thép, người thợ xây. Tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh, rồi cũng tan rã, sẽ chết, và đi đến số không. Vậy chúng ta cần tu tập, tạo phước thiện để làm gì?

Tinh thần nhà Phật rất đặc biệt. Nếu có người tự xưng là thợ xây chứ không thật là thợ xây, mà xây nhà thì cái nhà sẽ ra sao, hoặc xây bằng vật liệu xấu thì cái nhà sẽ như thế nào? Tuy rằng các pháp là do nhân duyên sanh, nhưng nhờ chúng ta tạo dựng thiện pháp nên bây giờ chúng ta ở trong môi trường tốt. Tinh thần nhà Phật là trả hết tự do nghiệp lực cho mỗi chúng sanh tự quyết định. Được ở môi trường tốt là do phước lực của mỗi người, không có gì phải kiêu ngạo. Khi gặp chuyện khổ đến, cũng chẳng có gì mà buồn giận. Đó là người biết học Phật.

Tổ Bồ-đề Đạt Ma dạy chúng ta tinh thần Báo oán hạnh và Tùy duyên hạnh.

Báo oán hạnh có nghĩa là tự dưng có người chửi mắng đánh đập, làm cho mình khốn khổ. Người biết sống không trách trời trách đất, không trách xã hội, không trách gì hết, mà trách lại chính mình không khéo tu, đời trước mình bỏ gốc theo ngọn, chạy theo tham sân, tật đố, ích kỷ, cho nên ngày hôm nay mình gặp chuyện này.

Tùy duyên hạnh có nghĩa là khi gặp được môi trường tốt, gặp một xứ sở như ý, nếu mình biết tu thì không có gì mà ngạo mạn, coi thường những xứ sở nghèo nàn. Chớ không phải bây giờ mình được túc duyên tốt, sanh ra đời được tướng hảo quang minh, rồi coi thường những người khốn khổ, như vậy là không biết tu. Thân ngũ uẩn của chúng ta là do trong đời quá khứ khéo léo dựng nên, bây giờ con người hình thành như thế, cho nên chẳng có gì mà coi thường những người khác. Hiểu được như thế rồi chúng ta sống rất an ổn, chuyện khổ đến chẳng buồn, chuyện vui đến mình cũng không sanh tự cao, ngã mạn. Đó là người biết sống, người có trí tuệ Bát-nhã.

Trong Nghệ thuật sống kể câu chuyện:

Trong thôn xóm nọ có một gia đình mở xưởng mộc, người thợ mộc làm việc trong xưởng rất giỏi và khéo léo. Với bàn tay nghệ thuật, vật dụng nhà cửa ông làm ra rất đẹp, ai thấy cũng ưng ý muốn mua. Một hôm ông xin chủ xưởng mộc nghỉ hưu vì thấy mình đã lớn tuổi. Người chủ nhờ ông làm giúp một căn nhà cuối cùng trước khi ông nghỉ việc. Khi nhà làm xong, người chủ cầm chìa khóa giao cho ông thợ mộc: “Nhờ bác mà gia đình tôi ngày càng khấm khá, chúng tôi tặng bác căn nhà này làm kỷ niệm.” Nghe xong ông thợ mộc bàng hoàng, buồn bã, vì đã làm căn nhà này một cách cẩu thả, làm lấy lệ mà thôi!

Ông thợ mộc này giống như chúng ta, làm cái gì cũng làm cho có, nhưng không ngờ căn nhà chúng ta xây lên là căn nhà của chính mình. Khi quý Phật tử đến đây dọn dẹp, nấu nướng, bố thí cúng dường hoặc làm việc gì đó, mình tưởng làm cho ai, thật ra là làm cho chính mình.

Ngày xưa khi vào chùa, chúng tôi làm tất cả các việc nấu cơm, dọn dẹp cầu tiêu, làm đủ thứ hết mà tưởng làm cho Thầy Tổ. Khi ra làm Phật sự rồi mới thấy đó là làm cho chính mình. Ngày xưa khi Sư Ông Trúc Lâm giảng pháp tôi phát tâm nấu cơm, nấu nước, bây giờ y báo tốt thì chánh báo trổ ra tốt. Tôi giảng ở đâu người ta đều cúng gạo, đường, muối… những vật dụng ngày xưa đã từng nấu nướng ở thiền viện Thường Chiếu. Mới phát hiện ra rằng ngày xưa mình làm là làm cho mình.

Tuy rằng tất cả các pháp là do duyên sanh, nhưng duyên mình tốt thì các pháp tốt theo. Duyên không tốt, tức là y báo không tốt thì chánh báo không tốt. Quý Phật tử cứ suốt ngày tham sân bực tức phiền hận, thì chắc chắn khi chết nghiệp lực này sẽ đưa quý Phật tử đến những cảnh giới xấu khổ. Tinh thần của Tịnh Độ tông dạy chánh nhân Tịnh Độ để trở về quả Tịnh Độ. Nhân Tịnh Độchúng ta phải tụng đọc kinh điển Đại Thừa, phát Bồ-đề tâm, thành tâm sám hối rồi khuyến khích người ta tu học. Tuy rằng Đức Phật dạy nhìn đời như bọt nước, nhưng không phải là cái nhìn bi quan yếm thế, mà để chúng ta có cái thấy toàn diện và thực hiện con đường tu tập.

Cho nên dưới cặp mắt giác ngộ của Bồ-tát Long Thọ Ngài nói: “Ta nói tức là không”. Nó không có thực thể, cũng gọi là giả danh, là trung đạo đế, là đệ nhất nghĩa đế mà chư Phật, chư Tổ dạy để nắm bắt pháp tu. Thấy được như thế thì vượt thoát được phiền não, buồn hận.

Chúng ta thường nói giải thoát giác ngộ, như vậy không đúng? Giác ngộ xong rồi mới đến giải thoát. Cho dù tu pháp môn nào, theo tinh thần nhà Phật, chúng ta học là phải giác ngộ, để mình có cái thấy không bị cuộc đời làm đau khổ. Phật dạy giác ngộ điều gì? Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, điều giác ngộ thứ nhất Phật dạy là:

Thế gian vô thường,

Quốc độ nguy thúy,

Tứ đại khổ không,

Ngũ ấm vô ngã.

Sanh diệt biến dị,

Hư ngụy vô chủ,

Tâm thị ác nguyên,

Hình vi tội tẩu,

Như thị quán sát,

Tiệm ly sanh tử.

Đức Phật dạy thế gian này vô thường, mỏng manh, tạm bợ. Ngày xưa khí hậu không nóng bao nhiêu nhưng bây giờ càng ngày càng nóng. Rồi động đất, sóng thần, chiến tranh, bạo động, khủng bố… tất cả mọi nơi đều có. Phật dạy thế gian vốn là như thế, cõi nước mình ở vốn là giòn bở. Bây giờ khoa học chứng minh trái đất mỏng giống như vỏ trứng gà, chỉ cần đụng nhẹ là bể vụn.

Sư Ông Trúc Lâm kể câu chuyện Chuyến Tàu Định Mệnh:

Chuyến tàu này chạy không có chỗ dừng, và điểm đến là vực thẳm. Những người có trách nhiệm trên chuyến tàu đều công bố điểm cuối cùng của chuyến tàu sẽ là vực thẳm. Tuy nhiên những người trên toa thứ nhất họ vẫn cười giỡn, vui chơi không lo nghĩ gì. Những người ở toa thứ hai thì trách móc, chửi bới, buồn giận lẫn nhau. Người ngồi trên toa thứ ba chỉ lo ăn uống, chơi bời. Nhưng trên toa thứ tư, người ta biết khi chuyến tàu rơi xuống vực sẽ gặp biển lớn nên họ tìm cách gom góp vật liệu để làm những chiếc phao. Mọi người nhìn vào cho rằng họ ngu dốt không lo hưởng thụ, họ chỉ cười thôi.

Chuyến tàu này không phải đi ngang chỗ tươi đẹp thì chạy chậm cho hành khách vui chơi, cũng không chạy nhanh hơn khi qua vùng khô hạn nắng cháy, mà nó chạy với tốc độ như nhau dù đi qua chỗ vui vẻ hạnh phúc hay đau khổ buồn chán. Khi những nhân viên trên tàu tuyên bố tàu sắp rơi xuống vực thẳm thì người trên tàu nháo nhào khóc lóc, chỉ có những người đã chuẩn bị sẵn phao thì bình tĩnh không khóc. Khi tàu rơi xuống biển, những người có phao bơi được vào bờ, còn lại đều chết chìm cả.

Tất cả chúng ta đều đi trên chuyến tàu này. Khi khổ đến mình mong muốn cho nó qua mau. Khi vui chúng ta mong muốn thời gian ngừng lại cho mình hưởng thụ. Mà thời gian thì không dừng, cứ chầm chậm trôi. Một tuổi, hai tuổi... mười tuổi, hai chục tuổi, ba chục tuổi... cứ tăng lên, chiếc tàu đi chậm chậm. Khi chiếc tàu rớt xuống vực thẳm là sanh, già, bệnh, và chết. Khi cái chết đến mà chúng ta không có phao để vào bờ, tức là chúng ta không có sự tu học, không có mức độ chuyển hóa lớn. Chúng ta sống mà không biết mình sống, cho nên chết đến không biết mình chết, đơn giản vậy thôi.

Đức Phật dạy cõi nước này vô thường, mỏng manh, tạm bợ mà chúng ta vẫn thích thú, vẫn chìm ở trong biển khổ. Hỏi thật quý Phật tử thích thú không? Thích mình mới có mặt trong cuộc đời này chứ.

Trong Nghệ thuật sống có kể câu chuyện:

Một hôm Thượng Đế thấy những con vật, con người ở trần gian sống không có tuổi tác nên quyết định cho con lừa, con chó, con khỉ và con người một số tuổi nào đó. Có nghĩa là xuống trần gian bao nhiêu năm rồi phải đi, không được ở luôn.

Đầu tiên con lừa bước ra. Thượng Đế cho lừa xuống trần gian ba chục năm. Lừa khóc, nói ở trần gian đâu có sung sướng gì, phải làm việc cực khổ lắm. Thượng Đế thấy tội quá, thôi được, bớt cho nhà ngươi mười lăm năm. Lừa mừng quá đi vào. Con chó bước ra, Thượng Đế cho ba chục năm. Chó nói phải thức đêm canh nhà cho chủ, lỡ nhà bị mất trộm là bị chủ chửi mắng đánh đập. Ăn thì chỉ ăn cơm thừa canh cặn chớ sung sướng gì đâu. Chó xin mười lăm năm ở trần gian thôi. Thượng Đế đồng ý. Tới con khỉ bước ra, Thượng Đế thấy khỉ nhảy nhót vui vẻ nên cho xuống trần gian ba chục năm, khỉ cũng không chịu, Thượng đế rút lại còn mười lăm năm.

Cuối cùng con người bước ra một cách mạnh bạo, Thượng Đế phán liền ba chục năm. Con người khóc lóc than rằng ba mươi tuổi là lúc cuộc đời xanh tươi hạnh phúc nhất nên không chịu rời cõi trần. Thượng Đế cho thêm mười lăm năm tuổi của con lừa. Con người không chịu, nói bốn mươi lăm tuổi sức sống đang tràn đầy. Thượng Đế cho thêm mười lăm năm tuổi của chó, con người cũng chưa chịu nên Ngài phải cho luôn mười lăm năm tuổi của con khỉ, rồi Thượng Đế phủi tay áo đi vào. Và tuần tự, con lừa, con chó, con khỉ, và con người có mặt trong nhân gian.

Khi còn nhỏ được cha mẹ nuôi nấng, chúng ta không biết khổ là gì. Một tuổi đến ba mươi tuổi là tuổi trẻ trung hạnh phúc nhất. Lớn lên lập gia đình, chúng ta phải đi cày để lo cho vợ, cho chồng, cho con, đó là mười lăm năm của con lừa! Già hơn một chút, tới tuổi về hưu, chúng ta giữ nhà cho con là mười lăm năm của con chó! Rồi tới mười lăm năm của con khỉ, chúng ta coi cháu, nó khóc mình phải làm trò nhảy nhót cho nó vui! Như vậy hình ảnh con lừa, con chó rồi con khỉ cũng là hình ảnh con người. Chúng tôi nhấn mạnh cho quý Phật tử thấy thân phận của kiếp người để mình phải tu rút.

Phật dạy:

Thế gian vô thường,

Cõi nước giòn bở,

Bốn đại khổ không,

Năm ấm vô ngã.

Sanh diệt biến đổi,

Giả dối không chủ,

Tâm là nguồn ác,

Thân là rừng tội,

Quán sát như thế,

Thoát ly sanh tử.

Tức là sanh diệt biến đổi liên tục, giả dối không có chủ. Tâm là nguồn gốc của thị phi phải quấy hơn thua. Tâm vọng động, từ vọng động đó, bắt đầu nó đi vào con đường tội lỗi của thân khẩu ý. Chẳng hạn mình nghĩ ác thì làm ác, nói ác. Nếu chúng ta quán sát như thế liên tục thì dần dần ra khỏi con đường sanh tử.

Quán chiếu sự tan rã của muôn pháp, tức là chúng ta quán chiếu tự thân, nội tâm, hoàn cảnh, và tất cả người thân, để có một cái nhìn xuyên suốt, khi sự việc đến, hoặc người thân đột ngột ra đi, chúng ta không buồn khổ. Đó là tinh thần Phật dạy.

Vào thời Đức Phật, Kisa-Gotami có một đứa con trai rất đẹp, lên ba tuổi bị bệnh chết. Cô buồn khổ khóc lóc suốt ngày đêm, không chịu đem chôn. Có người mách với cô, Đức Phật Thích-ca-mâu-ni hiện ở thành Xá Vệ, Tinh Xá Kỳ Viênnăng lực phi phàm, cô hãy đến đó nhờ Ngài. Đức Phật nói sẽ làm cho con trai cô sống lại với điều kiện cô phải xin được một nắm tro của nhà nào chưa từng có người chết. Cô đi hết tất cả các nhà, nhà nào cũng từng có người thân qua đời. Cuối cùngtỉnh ngộ.

Cũng vào thời Đức Phật, bà Tỳ-xá-khư có một đứa cháu nội ba tuổi chết. Bà khóc vì buồn khổ. Đức Phật hỏi bà có thích tất cả những người trong thành Xá Vệ này là người thân yêu của bà không. Bà bảo, nếu được như thế thì bà rất vui. Đức Phật nói, nếu vậy thì ngày nào bà cũng buồn khổ, khóc lóc vì ngày nào cũng có người chết. Rồi Phật nói kệ cho bà Tỳ-xá-khư:

Tất cả hành vô thường,

Tất cả hành là khổ,

Tất cả pháp vô ngã,

Thấy thế với trí tuệ,

Liền thoát ly khổ đau,

Đó là đường thanh tịnh.

Tất cả hành là vô thường, tất cả hành là khổ. Cái gì có mặt trong cuộc đời này mà do duyên hợp thì là khổ, là vô thường, là vô ngã. Thấy bằng trí tuệ thì tức khắc thoát khỏi những cảnh khổ đau trong cuộc đời. Muốn hết khổ, muốn được an vui tự tại, chúng ta không phải nói suông, nghe suông, mà phải có một sức dụng công để cho những gì còn cù cặn trong tâm thức, những bóng dáng của tập khí buồn giận, yêu ghét, tật đố, ích kỷ xan tham, những hạt giống xấu mà ngày xưa chúng ta cho là của mình chết đi.

Có một thương nhân giàu có buôn bán đồ cổ, ông đi tất cả các nước, những gì quý nhất ông đều mua đem về. Một hôm khi đến khu rừng ở châu Phi, ông mua được một con chim hiểu và nói được tiếng người. Đem về nước ông cho chim ở trong chiếc lồng bằng vàng, ly nước chim uống được làm bằng ngọc, và cho chim ăn những gì ngon nhất. Dù ở trong lồng vàng, uống nước bằng ly ngọc, thức ăn đầy đủ chim vẫn buồn.

Một hôm chuẩn bị đi xa, ông đến nói với chim:

- Này bạn, tôi chuẩn bị đi một chuyến buôn hàng rất xa, chuyến đi này đến đất nước của bạn, bạn cần gì không?

Chim nói:

- Ông làm ơn đến khu rừng ngày xưa ông mua tôi. Ở đó tôi có một số bạn, ông hỏi bạn tôi xem có cách nào cứu tôi ra khỏi chiếc lồng này.

Ông thương nhân cười nghĩ thầm: “Lâu nay tưởng con chim này thông minh lắm không ngờ nó ngu quá. Dầu cho bạn mày chỉ cho cách ra khỏi cái lồng này nhưng tao nắm chìa khóa trong tay thì làm sao mày ra được.”

Mỗi người chúng ta đều ở trong một cái lồng. Quý Phật tử ở trong đất nước giàu có sung túc, mở tủ lạnh ra là thức ăn đầy đủ phô mai, bơ sữa… Đó là quý Phật tử được phúc duyên ở trong cái lồng vàng. Tôi ở trong đất nước hơi khổ một chút, tủ lạnh của thiền viện toàn là rau, thì ví như tôi đang ở trong một cái lồng bằng sắt hay bằng chì. Dầu lồng sắt hay lồng vàng, cũng là ở trong lồng. Chúng ta không được tự do tự tại vì cũng đang bị nhốt. Mà người nắm chìa khóa là ai? Chúng ta, là nghiệp nắm giữ vận mệnh của mình. Nhưng tinh thần của nhà Phật là chuyển nghiệp được.

Khi ông thương nhân gặp bạn của con chim ở nhà, ông nói:

- Này bạn, bạn có một người bạn hiện đang ở nhà tôi, trong một cái lồng bằng vàng. Bạn ấy lúc nào cũng buồn và nhờ tôi hỏi bạn có cách gì cứu bạn ấy ra khỏi chiếc lồng không?

Con chim nghe nói như thế liền nhắm mắt lại gục xuống chết. Ông không ngờ tình bạn của nó quá đặc biệt. Về đến nhà, việc đầu tiên là ông đến chiếc lồng kể cho chim nghe câu chuyện ông gặp bạn của nó. Nghe xong nó cũng gục xuống chết luôn. Ông thương nhân không ngờ loài súc sanhthương mến nhau quá. Ông mở cửa lồng lấy con chim đặt trên lòng bàn tay, bất thình lình con chim bay vù lên cây và nói:

- Bạn tôi đã chỉ cho tôi bí quyết, muốn thoát khỏi cái lồng này thì phải chết.

Bí quyếtĐức Phật muốn chỉ dạy là muốn thoát cái lồng nghiệp này thì chúng ta phải mạnh dạn, một lần chết đi để ngàn năm sống lại vĩnh viễn, tinh thần nhà Thiền gọi là tuyệt hậu tái tô. Phật dạy rất rõ nhưng chúng ta không bao giờ chịu chết mà cứ nhớ mãi, nhớ đủ thứ chuyện. Chúng ta luôn sống trong quá khứ, những tâm niệm đau thương tủi hận không chết đi thì làm sao chúng ta sống được.

Có một bà già tu ba chục năm mà không ngộ đạo, không có niềm vui. Một hôm bà đến Thiền viện Pa-Auk, gặp một vị Thiền sư, bà nói:

- Thưa Thầy, con theo Thầy suốt ba chục năm rồi, con tu hoài mà không được giác ngộ.

Thiền sư nói:

- Sở dĩ bà không được sự giác ngộ là vì bà không dám chết. Bà mạnh dạn chết đi thì bà được sống liền.

suy nghĩ mình lớn tuổi rồi nên chấp nhận chết.

Thiền sư nói:

- Phương pháp chết này không phải tôi giết bà, cũng không phải bắt bà tự tử. Tôi cho bà ba chữ thôi: Mặc kệ.

Khi bà ôm công án Mặc kệ, bước chân vào nhà, ông chồng nói:

- Bà ơi, hai mẫu đất ngày xưa người ta trả có ba tỷ, bây giờ bán được mười tỷ, bà mừng không?

Bà nói:

- Mặc kệ nó.

đi vào nhà. Nghe tin đứa con trai đậu vào đại học y khoa mà ngày xưa bà rất ao ước, bà cũng nói: Mặc kệ nó.

Rồi một hôm đang chiên cá, do bà ôm ấp công án đó, bà chỉ nghĩ công án đó thôi, bất thình lình con cá phựt lửa cháy. Ông chồng từ xa thấy la lớn cá cháy rồi, bà cũng nói: Mặc kệ nó. Bỗng nhiên bà ngộ đạo. Bà úp cái chảo xuống, đến trình Thiền sư Pa-Auk.

Bà nói:

- Con đã hoàn thành sứ mệnh. Con đã cho những tâm niệm đó chết, bây giờ con sống lại trong hình hài mới mẻ của con.

 

THAM VẤN

 

Hỏi: Thưa Thầy, hiện tại chúng con tu theo pháp môn Tịnh Độ, được hướng dẫn là tụng một bộ kinhđi theo một thầy. Chúng con ở nước ngoài, nhận được tin có quý thầy qua đây thuyết pháp, chúng con tham gia gieo duyên, chúng con rất là quý, cung kính và ngưỡng mộ. Như vậy là chúng con theo nhiều thầy, tu theo nhiều pháp môn, thì sai hay đúng?

Đáp: 1- Phật tử hỏi, có một số quý Thầy giảng là mình có nhân duyên tụng bộ kinh nào, như Kinh Pháp Hoa, Kinh Niết Bàn hoặc Kinh Địa Tạng, thì mình tụng chuyên nhất một bộ. Hoặc đi theo một vị Thầy nào đó chỉ cho mình một con đường thấy hợp với nhân duyên nào thì nắm bắt theo đó mình đi. Còn ở đây có một số người nói là tất cả quý Thầy từ Việt Nam các nơi qua đây giảng họ đều đến nghe để học hỏi. Việc này không phải là sai, vì bất cứ vị Thầy nào mình cũng coi là Tăng bảo. Tăng đến thuyết pháp dầu cho mình hiểu rồi, mình cũng nên đến nghe để học hỏi thêm, để ủng hộ đạo tràng, ủng hộ vị Thầy từ xa đến.

Mình nghe, học hỏi nhiều vị Thầy, nhưng về phương tiện thực hành, khi chúng ta tu một pháp môn nào đó, pháp Thiền, pháp Tịnh hay pháp Mật thì chúng ta cố gắng thực hành cho đúng con đường chính mà chúng tatúc duyên. Chẳng hạn mình ngồi thiền chỉ là theo dõi hơi thở thôi chứ không có quý thầy nào bắt vừa ngồi thiền vừa niệm Phật vừa trì chú rồi tụng kinh Pháp Hoa. Các vị nói nếu như vậy là mình loạn luôn, giống như tẩu hỏa nhập ma vậy.

Thiền sư Ubaca nói với những Phật tử đến pháp hội của Ngài: “Ai tu pháp môn nào cũng đều có thể đến đây thực hành pháp của tôi, nhưng khi đã đến đây thì chỉ thực hiện một pháp là Minh sát tuệ, thiền Tứ niệm xứ Vipassana. Các pháp khác không được sử dụng ở đây.”

Ngài kể câu chuyện:

Trong ngôi làng nọ, có một anh chàng nuôi một con ngựa màu trắng, ngựa đi rất nhanh không biết mệt mỏi, anh rất quý con ngựa này. Một hôm có một người bạn dẫn đến cho anh một con ngựa màu đen, con ngựa màu đen này cũng chạy rất nhanh mà không biết mệt mỏi. Hai con ngựa anh đều quý như nhau. Một hôm có nhân duyên xuống phố, anh không biết chọn con ngựa nào, bỏ con ngựa nào ở nhà anh cũng tiếc. Cuối cùng anh cưỡi hai con ngựa xuống phố luôn! Quý Phật tử cưỡi được không?

Thiền sư đưa ra câu chuyện để nhắc nhở những điều kiện tiên quyết khi đến chỗ các Ngài mình tu, chứ không phải các Ngài bắt mình bỏ pháp tu của mình. Mình vẫn nghe vẫn học vẫn hiểu, pháp nào cũng là pháp của Phật, nhưng đường hướng thực hành của mình, mình có duyên với pháp nào thì ráng đi theo một đường để gặt hái được kết quả tốt.

2- Về phương pháp Thiền Tịnh song tu:

Quý Phật tử niệm Phật tức là mình có tín, hạnh, nguyện. Tín là mình tin chắc lời của Đức Phật Thích-ca nói, tin rồi mình phải thực hànhphát nguyện. Mình tin chắc lời của Đức Phật Thích-ca nói có một thế giới ở phương tây cách đây khoảng mười vạn tám trăm dặm. Thế giới này chúng ta không bao giờ đến được bằng máy bay hay phi thuyền hay bất cứ phương tiện gì mà phải đến bằng tâm, tâm phải tương ưng với cõi đó.

Tôi đưa một ví dụ đơn giản, không thể nào quý Phật tử đem con mọt bỏ trong xi măng mà nó sống. Nó phải ở trong giấy, trong gốc cây mới sống được. Từ lục đạo luân hồi đến thế giới của bậc chư Hiền chư Thánh, chư Phật, thì tâm cũng phải tương ưng với cõi đó mới đến được. Kinh Duy Ma Cật nói muốn được tịnh độ phải tịnh tâm mình, tâm tịnh tức Phật độ tịnh. Như vậy thiền tịnh nghĩa là mình ngồi thiền để tâm lóng sạch, tâm trong sạch thì tương ưng với chỗ tín, hạnh, nguyện.

Có người nói tu thiền chết không biết sanh về đâu. Bây giờ tôi nói về sự, có những vị tu thiền chẳng hạn như Ngài Hư Vân, Ngài Huyền Trang, Ngài Thế Thân, Ngài Vô Trước, các Ngài tu thiền mà các Ngài phát nguyện khi bỏ thân này được sanh lên cung Trời Đâu Suất ở trong nội viện nghe Đức Phật Di Lặc nói pháp. Đó là nguyện lực của các Ngài. Ngược lại có những người tu pháp môn Tịnh độ, họ nói không cầu vãng sanhphát nguyện trở lại cuộc đời này, tức là thệ nguyện nhập vào cõi ta-bà để tiếp tục độ sanh nữa. Lại có những người tu thiền, dù bất cứ hoàn cảnh nào, quốc độ nào, lâu hay mau họ đều phát nguyện thành Phật để phổ độ chúng sanh.

Cho nên có những người chuyên tu về Thiền, có những người chuyên tu về Tịnh, có những người tu Thiền Tịnh song hành, điều đó cũng không có lỗi. Tùy bệnh mà uống thuốc, thuốc nào trong sự giáo hóa phương tiện của Đức Phật mà họ cảm thấy bớt bệnh thì uống.

Trong sự giáo hóa phương tiện của Đức Phật, có bốn phương pháp gọi là Tứ Tất Đàncác các vị nhân tất đàn, thế giới tất đànđối trị tất đàn, đệ nhất nghĩa tất đàn.

Các các vị nhân tất đàn: Các các là mỗi mỗi, chúng sanh ở mỗi nơi khác nhau, chẳng hạn người ở nước Đức thường ăn sáng bánh mì phô mai, nhưng qua Việt Nam thì sáng ăn phở, ăn cơm hay ăn hủ tiếu. Nước đựng trong ly thì gọi là ly nước, nếu đem nước đổ vô chuông thì không gọi là ly nước nữa. Nước đổ vào bình thì gọi là bình nước, nước ở trong chai gọi là chai nước. Tên tuy khác nhưng thể vốn đồng. Tên là bình nước, ly nước, tách nước, nhưng bản chất nó là tánh ướt. Thì tùy theo mỗi phương hướng mỗi xứ sở Đức Phật đưa ra những phương pháp khác nhau cho phù hợp.

Có những nước tu Tịnh độ được, nhưng có những nước không tu Tịnh độ. Chẳng hạn bên Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia họ không biết Mật tông hay Tịnh độ tông. Họ chỉ biết con đường Thiền nguyên thủy, Thiền tứ niệm xứthời xưa Đức Phật chỉ dạy: quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp. Bên Tây Tạng thì trì chú, gọi là phương pháp Kim cương thừa. Tôi đã đi nhiều nước: Campuchia, Thái lan, Lào, Miến Điện, Srilanka…, có những thiền viện tôi ở ba bốn tuần lễ để nghiên cứu, tôi thấy họ chỉ tu rặt một pháp. Những vị Thầy của mình qua truyền giáo không được, kể cả Tây Tạng qua Miến Điện truyền giáo họ cũng không học. Họ chỉ tu pháp của họ thôi.

Còn Việt Nam thì trăm hoa đua nở: Tây Tạng, Sri Lanka, Miến Điện, Trung Quốc, Đài Loan…, pháp nào truyền cũng được! Xuống miền tây còn đặc biệt hơn: đạo nằm, đạo ngủ, đạo ngồi, đạo ăn, đạo uống, đạo… Vừa rồi những vị thầy thuộc đạo dừa Tây Tạng qua Việt Nam, có những người đang tu pháp môn Tịnh độ chạy theo tu, khi thầy về nước thì họ trở lại chùa tu học lại. Được một thời gian thì có thiền sư Ba Ốc ở Miến Điện qua, họ lại chạy theo, một tháng tu xong quay lại. Rồi thiền sư Thái Lan qua, họ cũng chạy theo tu một thời gian. Mình chạy tới chạy lui mệt mỏi thì cũng là nghe pháp. Ý các Ngài là như vậy, tôi nói rộng ra thêm. Đó gọi là các các vị nhân tất đàn.

Đối trị tất đàn: nghĩa là khi tâm mình tham, khát ái thì Phật dạy quán bất tịnh. Tâm sân hận thì Phật dạy quán từ bi.

Thế giới tất đànĐức Phật thấy chúng sanh thích kim cương, thích vàng, thích không làm mà có ăn, tưởng y phụcy phục, tưởng cái gì ra cái đó, cho nên Đức Phật tạm đưa ra cõi mười phương chư Phật cho họ thấy, nhà Phật gọi là trước dùng dục câu dắt, sau dùng trí mà nhổ. Ngài diễn tả ở cõi Tây phương cực lạc vàng đem lót đường; thành quách toàn bằng kim cương, xà cừ, san hô hổ phách; chim thì biết niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm thiên, niệm giới. Sống trên đó là sống cùng những vị Bồ-tát bất thối chuyển. Trên đó không có địa ngục ngạ quỷ súc sanh. Để làm cho mình phấn khích tu tập, mình hướng tâm lên đó. Niệm Phật cho đến giai đoạn câu niệm Phật buông luôn,quán chiếu đến mức độ cảnh không nằm trong thực thể của tâm vọng tưởng. Trở về tánh không thì tâm này thanh tịnh, tức khắc tây phương tịnh độ hiện tiền. Đó là tinh thần Thiền Tịnh kiêm tu.

Bàng Long Uẩn khi nghe về cảnh giới phương Đông của cõi Phật A Súc ông cũng muốn sanh về đó. Nhưng khi tỏ ngộ lý thiền ông làm bài kệ:

Thường nghe cõi A Súc,

Nghĩ đến phương Đông cầu,

Hôm nay xét nét kỹ,

Bất động tự nhiên đến.

Khi tâm thanh tịnh thì mười phương thế giới của Chư Phật hiện tiền. Dầu tu pháp môn Thiền hay pháp môn Tịnh, tâm mình bất độngtương ưng với các cõi, tùy theo sức bổn nguyện mình phát nguyện sanh về cõi nào thì được đến cõi đó.

Cũng giống như khi ở Việt Nam, quý Phật tử làm ăn dồn tiền để có một lúc nào đó mình đi du lịch qua Pháp. Khi qua Pháp trong đầu tôi không có ý nghĩ qua Đức, qua Bỉ, qua Tiệp Khắc, qua Áo. Nhưng khi đã qua Pháp, Phật tử hỏi Thầy qua Đức giảng không? Giảng! Thầy qua Bỉ Thầy giảng không? Giảng! Thầy qua Tiệp Khắc qua Áo Thầy giảng phải không? Đi Đức xong rồi tôi qua Tiệp Khắc, qua Áo, mà khi ở Việt Nam trong đầu tôi không hề nghĩ đến mấy nước đó, nhưng qua bên nước này rồi thì tôi đi. Mà tại sao tôi đi được? Vì tôi có visa bên Pháp.

Cũng như thế, khi tâm thanh tịnh thì mười phương thế giới của Chư Phật hiện tiền ra hết. Tùy theo mình thích cõi nào mình đến, vậy thôi. Mình thích Pháp, Mỹ, thích đủ các nước hết, mà hỏi mình có tiền không? Không! Hỏi có visa không? Không! Cái gì cũng không có, phương tiện không có thì mình lên không được!

Hiểu được như thế rồi thì Thiền, Tịnh hay Mật gì thì mục đích của mình là làm cho tâm mình trong sạch thanh tịnh, làm cho tâm mình vô ngã. Đó là mục đích của người tu.

Hỏi: Thưa thầy, con thắc mắc vì sao Đức Phật dạy tu Tịnh độ mà không dạy tu thiền, cho nên đa số Phật tử hướng về Tịnh độ?

Đáp: Quý Phật tử phải coi sử sách cho kỹ, không có bộ kinh nào mà Đức Phật khuyến thỉnh các thầy Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, sa-di, sa-di ni và thất chúng tu pháp môn Tịnh Độ.

Khi vua A-xà-thế giam vua cha là vua Tần-bà sa-la để cướp ngôi, Hoàng hậu Vi-đề-hi quá đau khổchán ngán cõi trần thế, Đức Phật dùng thần lực cho bà quán chiếu hết tất cả các cõi an lành thanh tịnh. Bà phát tâm về cõi Tây phương cưc lạc, Phật mới chỉ dạy cho bà phương pháp niệm Phật, dạy cho bà mười sáu pháp quán tưởng để sau khi chết bà sanh về cõi Phật đó.

Phật dạy kinh Pháp Hoa là vua của các kinh, Phật cũng dạy kinh Địa Tạng là vua của các kinh. Thật ra Đức Phật muốn tán thán ngay đối tượng đó. Trong kinh Định Ý Phật dạy các Tỳ-kheo đời mạt pháp, nếu các ông tạo nghiệp mà không thiền định để trở về thật tướng thì nghiệp không có dứt. Trong kinh Quán Hạnh Sa-môn Đức Phật dạy đời sau nếu ai không tu thiền định thì không thể nào thành Phật được. Như tôi dạy thiền thì tôi xiển dương pháp môn thiền. Thầy dạy tu Tịnh Độ thì cũng khuyến khích các Phật tử tu Tịnh Độ. Không người thầy thuốc nào nói nếu ai uống thuốc của tôi thì sẽ bị tiêu chảy.

Như thế, với mỗi đối tượng, mỗi pháp môn đức Phật đều ca ngợi để tất cả tu rốt ráo theo pháp môn Phật dạy mà mình đã chọn lựa. Mỗi thời, mỗi đất nước đều có pháp môn phù hợp. Mà khi pháp môn nào thích hợp, phát triển rực rỡ thì những vị hướng dẫn xiển dương đều nói Phật khuyến khích những bộ kinh đó. Như bên Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan, Lào, Campuchia họ không biết trì chú, không biết tu Tịnh Độ, mà họ chỉ tu theo phương pháp Vipassana tức là quán thân thọ tâm pháp.

Trong bốn bộ kinh A-hàm, Tăng Nhất Chi Bộ, Trung A-hàm, Trường A-hàm, Tạp A-hàm thì mình không thấy, nhưng đến kinh Pháp Hoa thì Phật khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. Rồi kinh Niết Bàn Phật cũng chỉ cho ta con đường Phật tánh. Kinh Tâm Địa Quán Đức Phật cũng chỉ cho mình nhận tâm địa. Thì như vậy những bộ kinh từ kinh A-hàm đến kinh Phát triển, rồi hai mươi hai năm Phật nói Bát-nhã cũng chỉ cho chúng sanhngộ nhập tánh không. Nhưng mà chỗ đương cơ chúng sanh đang mắc kẹt thì Đức Phật đưa phương tiện. Quý Phật tử phải hiểu chỗ đó, chớ đừng có hiểu là Phật khuyến khích mình chỉ có tu một pháp. Những bộ kinh lớn chẳng hạn như kinh Địa Tạng, kinh Pháp Hoa, kinh Niết Bàn, Kinh Tâm Địa Quán, Kinh Bảo Tích đều chỉ cho mình nhận lại tri kiến Phật, đó là mục đích Đức Phật ra đời. Quý Phật tử nhớ lại trong kinh Pháp Hoa, Phật nói vì một đại sự nhân duyên lớn, Như Lai ra đời cốt là khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. Mà ngộ nhập tri kiến Phật phải tu con đường gì thì bắt đầu Phật nói, Phật chỉ để mình gạn lọc tâm, để bùn nhơ bớt đục, cho tâm mình sáng lên.

Hiểu được điểm đó rồi thì mình không thắc mắc. Mình có duyên tu pháp nào thì phải bơi lội trong giáo pháp đó để có một cái thấy, như vậy mình không chê, cũng không phỉ báng những pháp môn khác.

Hỏi: Bạch Thầy, trong kinh thường nói chúng sanh ngộ thì thành Phật, mà Phật mê thì thành chúng sanh, xin thầy giảng cho chúng con được hiểu rõ ý nghĩa.

Đáp: Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ nói mê và giác, một niệm mê thì Phật là chúng sanh, một niệm giác thì chúng sanh là Phật. Đức Phật chỉ trên cái bản thể mỗi con người chúng ta, khi mê bị vô minh làm cho cấu nhiễm, sanh ra tâm tật đố, ích kỷ, xan tham, sân hận bực tức, thì ông Phật mình biến thành chúng sanh. Mà khi tỉnh, ngộ ra được cái đó chỉ là bóng dáng, vọng tưởng thôi, thì chúng sanh đó là Phật. Thiền sư Bàng Am nói bài kệ:

Một niệm tâm thanh tịnh,

Phật ở điện ma vương.

Một niệm tâm ác sanh,

Ma vương trong điện Phật.

Ở đây các Ngài nói Phật này là Phật nhân, nhận ra Phật nhân rồi, từ đó mình tu tập trải dài để trở về Phật quả. Cũng giống như Đức Phật Thích-ca-mâu-ni trải dài vô lượng kiếp, Ngài nhận được Phật nhân rồi từ đó Ngài đi, đi mãi. Đến bốn mươi chín ngày đêm ngồi dưới cội Bồ-đề, nhân quả đồng thời có mặt, giống như hoa sen vậy, đồng thời có mặt cùng một lúc thì đó là thành tựu Phật quảba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, diệu dụng hằng sa để phổ độ chúng sanh. Tinh thần của nhà Thiền là nói về ngay khoảng một niệm thôi, niệm mê là chúng sanh mà niệm ngộ là Phật, chỉ có bao nhiêu đó thôi. Khi mình tỉnh tức là Phật kế bên, mà khi mê mình là chúng sanh.

Hỏi: Bạch Thầy, con có một câu hỏi ngoài lề. Con làm kinh doanh, thỉnh thoảng trong tháng, vào ngày mười lăm và mùng một, con hay cúng thí thực cô hồn tại gian hàng kinh doanh của con thì có được không, vì con cúng theo quyển kinh nhật tụng trong đó có nghi thức cúng thí thực cô hồn.

Đáp: Thường vào khoảng bốn giờ chiều các chùa, các tự viện đều cúng thí thực cho những loài ngạ quỷ sống bơ vơ, không nơi nương tựa, theo những bài chú mà Đức Phật chỉ dạy. Bởi vì trong các loài ngạ quỷ, có những loài họ ăn thịt con nít, có những loài họ sống ở những nơi khốn khổ, Tôn giả A-nan bạch với Phật, Phật mới đưa ra những phương tiện cúng.

Khi chúng ta cúng ở nhà, hoặc cúng ở chỗ gian hàng, nếu chúng ta nghĩ rằng mình thương tưởng các loài chúng sanh này, mình tác ý đến, mình thương họ mình cúng thì không có lỗi. Còn khi mình tác ý đến, mình rủ họ về cộng tác với mình làm ăn thì là chuyện khác. Cộng tác là sao? Mình cúng để mình buôn bán may mắn, mình cúng để được tài lộc nào đó thì nó khác. Mình cúng để cầu xin họ cho mình may mắn là mình hợp tác với họ rồi, mà hợp tác là có ngày họ giật nợ mình. Khi mình có tâm như thế, thì có một lúc họ quậy lại mình. Còn mình thương tưởng, mình tác ý đến mình thương loài chúng sanh này không có chỗ nương tựa, bơ vơ đói khổ, lòng từ mình phổ ra thì họ không quậy mình.

Hỏi: Thưa thầy, cho con hỏi câu hồi nãy, thí dụ như mình cúng là cái tâm mình thương về họ nhưng có một lúc nào đó mình không cúng được nữa, mình quên. Cứ sợ họ về đòi, hay là…

Đáp: Cũng giống như mình, chẳng hạn như ngày nào mình cũng đến chỗ đó mình ăn, bữa nào mình đến mà không có thức ăn thì mình bực tức. Nếu do lòng thương mình cúng mà lỡ mình quên thì thôi, bởi vì họ cảm được năng lực từ trường, lòng từ bi của mình họ có thể bỏ qua. Còn khi mình cúng với tâm hợp tác làm ăn mà mình quên cúng thì họ bực tức họ quậy. Nếu quý Phật tử cúng thì phải nhớ đều đặn một tháng bốn ngày, như mười bốn, mười lăm, hai mươi chín, ba mươi. Những ngày rằm lớn chẳng hạn như tháng giêng, tháng tư, tháng bảy, tháng mười chúng ta phải thực hiện. Còn không làm thì thôi, thường thường việc đó là ở chùa làm.

Hỏi: Thưa thầy, kính thưa đại chúng, con xin phép hỏi cho một người bạn. Trước đây không lâu cha mẹ của người bạn mất, đã cúng 49 ngày xong hết rồi. Trong gia đình có nhiều anh chị em, nhưng có một người tình cảm vấn vương nhiều, cuối tuần nào cũng ra thăm mộ, cho nên các anh chị em trong gia đình không biết cha mẹ có được siêu thoát hay không. Theo cái nhìn của nhà thiền, xin thầy giải thích sao cho họ yên?

Đáp: Theo tinh thần của Đại Thừa, nếu quý Phật tử làm cực thiện, khi mất tức khắc sanh về cõi Trời. Còn nếu làm cực ác thì xuống dưới cõi Địa ngục. Nếu có thiện, có ác thì gá vào thân trung ấm, cứ bảy ngày thì chết một lần rồi sống lại, khi đủ bảy lần tức là bốn mươi chín ngày thì bắt buộc thần thức này phải đi tái sanh. Mình biết chắc chắn như vậy, cho nên trong bảy lần bảy bốn mươi chín ngày đó mình phải phóng sanh, in kinh, bố thí cúng dường, tạo các việc thiện pháp. Nhờ những vị có giới đức, đại chúng đông chú nguyện cho thần thức của người thân để họ cảm thấy họ được an ổn, được thanh tịnh thì họ được sanh về cõi lành. Những vị có giới đức đến khai thị, hương linh họ bắt được lời khai thị đó họ cũng được giải thoát.

Thì như vậy tin chắc rằng người mất bốn mươi chín ngày bắt buộc phải đi tái sanh theo tinh thần kinh điển trong nhà Phật. Hoặc rớt trong loài ngạ quỷ, hoặc rớt trong loài súc sanh, địa ngục, hoặc sanh về cõi giới chư Thiên, hoặc vào loài người. Những buổi giỗ buổi cúng để mình nhớ lại kỷ niệm ngày cha mẹ mất, để cho con cháu sum họp lại thôi, chứ thật ra các vị đó đã đi tái sanh hết rồi, nói theo nhân gian là đi đầu thai.

Hỏi: Phóng sanh đúng hay là sai thưa Thầy?

Đáp: Pháp đó ngay trong giờ phút đó, mình nhìn đúng thì đúng, nhìn sai thì sai. Chẳng hạn thấy đúng chỗ là bây giờ mình nhìn xuống thấy loài chúng sanh này khổ quá, bị tái sanh trong loài cầm thú. Mình thương tưởng truyền tam quy, tụng cho nó một bài kinh. Mình thú hướng khai thị, để tàng thứcghi nhận năng lực của mình, nó nhớ lại ngày đó tháng đó được thọ hưởng pháp âm của một vị Sa-môn. Nó ý thức được thì khi có nhân duyên trở lại làm người, nó vào chùa hoặc là đến nghe pháp, tu học. Đó là mình thấy theo chiều hướng đúng. Còn thấy theo chiều hướng sai, chẳng hạn như bên Ấn Độ đâu có ăn cá mà bắt cho mình phóng sanh. Phải hiểu tinh thần phóng sanhkết duyên Phật pháp cho các loài chúng sanh đó, chứ không phải vấn đế này đúng hay sai.

Trong kinh Bản Hạnh, khi Đức Phật làm nhân địa Bồ-tát, Ngài làm Thái tử, nhìn xuống thấy ba con cọp con, một con cọp mẹ. Con cọp mẹ bảy tám bữa nay không kiếm được mồi, đói quá nên quyết định ăn thịt ba con cọp con. Bồ-tát thấy cảnh đó quyết định nhảy xuống để con cọp mẹ ăn. Ngày nhảy xuống nhưng chưa chết nên tự lấy cây tự đâm vào cổ họng cho máu chảy ra để cọp mẹ uống, rồi nó mới đủ sức kéo ba con cọp con xuống cùng ăn.

Với cặp mắt của mình sẽ nói, vị này không biết con cọp về sau sẽ giết nhiều người nữa hay sao mà lại làm như thế. Do đó mình đời đờiphàm phu, mãi không bao giờ là Thánh được. Ngay trong giờ phút đó, Bồ-tát chỉ biết con cọp đang đói, với lòng thương, lòng bi vô hạn nên xả thân cứu con cọp đói, chứ không nghĩ về sau nó sẽ làm chuyện này chuyện kia. Với cặp mắt của những bậc giác ngộ, bậc Bồ-tát, khi con cọp ăn thịt, uống máu của Ngài thì chắc chắn đời đời nó không bị rơi vào những cõi tăm tối.

Những vị phóng sanh thì cũng như thế. Họ tác ý đến là làm cho tâm thức của những loài đó rung cảm. Chính chúng tôi đã kinh nghiệm. Khi tôi đi miền Tây giảng, thấy có người bán cá trê dọc bờ sông từ Thốt Nốt về Cần Thơ, những con cá to và dài. Đến chiều nếu bán không hết, họ mổ bụng cá xát muối ớt vào rồi phơi khô. Tôi thấy tội quá, bị mổ ruột trét muối ớt giãy giụa đau khổ quá cho nên tháng nào xuống giảng tôi cũng gom lại mua hết. Khi được thả xuống sông rồi, chúng không chịu bơi đi mà cứ bơi vòng vòng gần bờ. Tôi thấy đằng xa có mấy chiếc ghe đi đến, sợ người ta bắt chúng, tôi nói: Quý Thầy đã truyền tam quy, tụng một bài kinh rồi, thôi tụi con lặn đi, coi chừng người ta đến bắt. Vừa nói xong tất cả lặn mất hết.

Mình phóng sanh nhiều lần, do tâm tác ý đến chúng sanh, chúng cảm được. Như hôm nào đó quý Phật tử ăn cơm, mới ăn một muỗng thì mắc nghẹn. Hỏi thật quý Phật tử, lúc đó mình uống nước cho cơm trôi xuống hay là không uống để nhịn đói luôn? Cũng vậy, khi mình phóng sanh hoặc làm các việc thiện pháp giống như ăn cơm bị mắc nghẹn, bởi vì khi làm chuyện đó thì nhiều người nói mình lắm. Nói ông bỏ tiền ra phóng sanh làm chi rồi người ta cũng bắt lại, và nói đủ thứ hết. Nhưng phải xem xét việc làm ấy có đúng hay không, nếu đúng thì cứ làm. Hoặc nếu việc làm đó đem lại kết quả thù thắng thì chúng ta cứ làm chứ đừng ngại, và suy nghĩ gì.

Việc thiện mà mình suy nghĩ, không làm ngay thì không bao giờ nó lặp lại lần thứ hai. Bởi vì trong tàng thức của mình việc thiện rất ít, mà việc ác thì rất nhiều. Khi chúng ta khởi ý làm việc thiện thì đa phần việc ác sẽ lấn lên. Mình về tư duy, suy nghĩ rồi, có khi không làm. Đó là những điều mà tôi kinh nghiệm. Cho nên việc mình thấy đúng, tốt thì quý Phật tử cứ ráng cố gắng làm.

Ở bên xứ này không có dịp để mình phóng sanh, thì quý Phật tử biết phóng gì không? Ngài Vương Trùng Dương nói: “Sát sanh lên thiên đường, phóng sanh xuống địa ngục.” Tại sao phóng sanh xuống địa ngục? Sát sanh là sát cái gì? Sát những tâm niệm xấu ác là được lên thiên đường. Còn phóng sanh, phóng toàn những tâm xấu ác ra thì xuống địa ngục. Thì thôi bây giờ ở đây hoặc ở một xứ sở nào đó, có duyên tu cái gì thì ráng cố gắng tu cho được thành tựu, mục đíchgạn lọc cái tâm cho thanh tịnh nhu nhuyến, đó là điều Đức Phật dạy. Còn việc phóng sanhtrợ duyên, có thì làm không có thì thôi.

Quý Phật tử nhớ, nếu làm được thì làm, còn làm không được thì đừng nói. Phật dạy người chết vì cái miệng, gọi là búa bén nằm trong cái miệng. Chẳng hạn có người cho đứa bé một cục xôi, với tâm thương vì thấy đứa bé đói. Người khác nhìn vào nói chắc ông này lợi dụng đứa bé việc gì đó. Người cho cục xôi có tác ý giúp đứa bé thì được phước, mà người tác ý nghĩ bậy sẽ lãnh quả.

Tôi kể câu chuyện để quý Phật tử rút tỉa thêm kinh nghiệm trong cuộc đời tu học, kể cả những người không tu học cũng phải ý thức, tỉnh giác điều này.

Thiền thoại kể:

Có ông cư sĩ đến gặp Thiền sư Vô Đức:

- Bạch Hòa Thượng, sáng nay con ra bờ biển thấy một chiếc thuyền, trên đó có mười người, ông chủ thuyền đẩy thuyền từ bờ xuống biển, chiếc thuyền nghiền chết ốc, sò, cá rất nhiều. Như vậy ông chủ thuyền hay người ngồi trên thuyền mang tội sát sanh?

- Không ai có tội.

- Thầy nói không đúng. Cá, sò, ốc chết rất nhiều mà sao nói không mang tội.

Thiền sư Vô Đức chỉ thẳng vào mặt ông nói:

- Ông mang tội. Bởi vì khi đó người ta vô tâm, còn ông suy nghĩ đủ thứ chuyện là vọng thức của ông dính rồi.

Hiểu được điều đó mình nhìn vạn pháp cười thôi. Nhìn vạn pháp với cặp mắt giác ngộ thì không vương vấn khổ não gì hết. Đó là những điều tôi nhắc nhở chung cho những người không dự pháp hội này. Khi nghe bài giảng này qua internet, họ sẽ hiểu được ý nghĩa trong nhà Phật dạy.

Hỏi: Vì sao tu thiện pháp mà rơi vào ma đạo. Kính xin thầy giải thích cho con.

Đáp: Trong kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy, tạo các việc thiện pháp mà không phát tâm Bồ-đề là quyến thuộc của ma. Chẳng hạn cất chùa, độ tăng, làm đủ thứ chuyện thiện pháp mà chấp vào sự tướng, cụ thể là chấp vào sự cúng dường. Khi chấp vào sự cúng dường thì có phước, được tái sanh vào những hoàn cảnh tốt đẹp hơn.

Có một ông làm giám đốc dầu mỏ ở Dubai. Một đêm ăn chơi ở bờ biển đốt hai bao tải đô la. Nếu mua đèn cầy thắp sáng thì không tốn bao nhiêu, nhưng ông lấy tiền đô la đốt lên để sưởi, thắp sáng ngồi nướng thịt ăn. Ông còn có tật bỏ một số tiền rất lớn cho người nào đó mang thai với điều kiện phải mổ bào thai ra cho ông xem. Xem cái đầu hướng bên nào, cái chân hướng bên nào. Như vậy đời trước ông này bố thí cúng dường rất nhiều, ông đi về con đường phước thiện nên bây giờ mới được phước thù thắng như thế. Nhưng ông quên phát tâm Bồ-đề, không tu con đường Phật pháp, không phát nguyện để thành Phật thì đó là quyến thuộc của ma. Do đó, ông làm những việc không đúng với Phật pháp, không đúng con đường tri kiến, chắc chắn khi hết phước sẽ rơi vào địa ngục.

Còn làm các việc phước thiện, chẳng hạn mình đến đây nghe pháp, rồi phát tâm cúng dường năm mười đồng, hay một bao gạo, bao xi măng gì đó. Mình phát nguyện trong tâm, con nhân nghe pháp ngày hôm nay, không mong mỏi sanh về cõi Trời hay cõi người, đến Bồ-tát quyền thừa con cũng không phát nguyện, chỉ phát nguyện do nhân duyên này mai kia con tu hành thành Phật. Đó là phát tâm Bồ-đề. Muốn tâm Bồ-đề gắn chặt, mình phải phát nguyện mỗi ngày, làm gì cũng hướng đến con đường Phật đạo.

Thiền thoại kể câu chuyện, có một ông làm nghề bán bánh bao. Một buổi sáng trên đường mang rổ bánh bao đi bán, ông gặp một vị Tỳ-kheo đã chứng A-la-hán, hào quang sáng chói. Tâm tịch tĩnh hiện lên gương mặt nên nhìn Ngài rất từ bi, rất có giới đức, ông thành kính quỳ xuống xin cúng dường cái bánh bao. Vị A-la-hán hỏi:

- Con cúng một cái bánh bao cho Thầy. Con mong muốn gì?

Ông bán bánh bao nói:

- Con mong với phước đức này con được làm một vị vua trong một đất nước nhỏ.

Vị A-la-hán nói:

- Sao ít quá vậy?

Ông nghĩ vị Tỳ-kheo này chê ít nên ông cúng tiếp cái thứ hai.

Vị A-la-hán hỏi:

- Bây giờ con cúng hai cái rồi. Con mong cầu gì?

Ông nói sau này sẽ làm một vị vua, lớn hơn một chút.

Vị A-la-hán cũng nói sao ít quá vậy. Ông tiếp tục cúng ba cái, bốn cái, năm cái, mười cái. Lần nào vị Tỳ-kheo cũng nói ít. Cúng đến cái thứ ba mươi, ông nói sau này muốn làm một vị vua coi toàn thế giới. Vị Tỳ-kheo vẫn lặp lại câu hỏi sao ít quá vậy. Chịu hết nổi, ông nói:

- Thầy ơi, rổ bánh bao con cúng hết cho Thầy rồi mà Thầy nói ít là sao?

Vị A-la-hán nói:

- Ta không nói ít nhiều về pháp hữu lậu, ta muốn nói nhân cúng dường một cái bánh bao mà sao con ước nguyện quá ít.

Ông bán bánh bao hỏi cái gì là nhiều, vị A-la-hán nói:

- Nương sức cúng dường Thầy một cái bánh bao này, con phải phát nguyện tu để thành Phật.

Đó là phát tâm Bồ-đề.

Vua Trần Thái Tông, khi đến gặp quốc sư Phù Vân, Quốc sư nói:

- Lão tăng nương gió đến đây, ăn hạt dẻ, uống nước suối, xương cứng mặt gầy. Còn bệ hạ làm vua một nước sao lại vào trong rừng núi, chẳng hay bệ hạ mong cầu điều gì?

Vua Trần Thái Tông nói:

- Trẫm vào trong núi không cầu gì khác, chỉ cầu làm Phật.

Đó là phát tâm Bồ-đề.

Một tiếng nói cầu để làm Phật, do nhân duyên đó vua Trần Thái Tông sau này coi kinh Kim Cang ngộ đạo.

Lục Tổ Huệ Năng nghe người trong khách điếm tụng kinh Kim Cang, Ngài khai ngộ rồi tìm đến Ngũ Tổ để cầu làm Phật, Ngũ Tổ nói:

- Ông từ Lãnh Nam đến đây cầu cái gì?

Lục Tổ nói:

- Con đến đây chỉ cầu làm Phật.

- Ông người Lãnh Nam là dân quê mùa sao kham làm Phật được.

Lục Tổ nói:

- Con ở phương Nam, Hòa thượng ở phương Bắc, nhưng Phật tánh vốn không có Nam Bắc. Thân con quê mùa khác thân tướng của Hòa Thượng, nhưng Phật tánh không sai khác.

Đó là phát tâm Bồ-đề.

Tôi đưa ví dụ cho quý Phật tử dễ hiểu. Đây là cái ly gọi theo từ tiếng Việt. Mỗi xứ sở như Pháp, Đức, Lào, Campuchia… gọi cái ly bằng những từ khác nhau. Nhưng cái thấy nhìn vào, cái nhìn ra vạn pháp thì nó không có tiếng. Như vậy người Miên, người Lào, người Pháp… tất cả đều có tâm Phật hết, nhưng cái dụng mỗi miền mỗi đất nước khác nhau. Khi phát tâm Bồ-đề, mình đừng nghĩ là phàm phu sao làm Phật được. Phật nói đó là người hạ liệt. Mình tạo các việc thiện pháp, dầu cho cúng một bịch gạo cũng phát tâm Bồ-đề để mai kia thành Phật phổ độ chúng sanh. Như vậy mình không rớt vào trong quyến thuộc của ma.

Hỏi: Tâm diệt tham sân si có phải là tâm Bồ-đề không?

Đáp: Phật nói phát tâm Bồ-đề là phát tâm để thành tựu quả vị. Còn tâm diệt trừ tham sân si là tâm bản thể. Bỏ tâm tham sân si thì bản thể Phật tánh hiện tiền. Người sơ cơ đi vào đường đạo nếu không phát Bồ-đề tâm thì có khi đi theo hướng khác. Cho nên trong kinh Hoa Nghiêm, Phật khuyến khích phát tâm Bồ-đề để tâm được rộng lớn hơn.

Thích Đạt Ma Khế Định | Thiền Viện Sùng Phúc







Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/12/2015(Xem: 19715)
16/01/2016(Xem: 16370)
06/10/2016(Xem: 16317)
17/12/2016(Xem: 26803)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :