Đời như tấm gương soi

11/01/20203:29 CH(Xem: 11747)
Đời như tấm gương soi

ĐỜI NHƯ TẤM GƯƠNG SOI
Thích Nữ Thuần Tuệ

guong soiNhìn ra vấn đề Mỗi ngày, hình như ai trong chúng ta cũng có soi gương. Khi soi, chúng ta chỉ thấy mặt mình trong đó, chúng ta có học được bài học gì không? Đời sống của chúng ta luôn là sự tiếp xúc với người, với các sự việc, với vô số vấn đề của đời sống. Chúng ta có trốn chạy, có lựa chọn được không? Những con người, chúng ta từng gặp gỡ, có phải ai cũng dễ thương như ý mình không? Mọi chuyện có luôn thuận theo ý mình không?

Thật ra, trong lòng chúng ta khi nào cũng muốn gặp được người dễ thương, muốn cảnh thuận. Nhưng cuộc đờivận hành riêng của nó. Có một điều kỳ lạ mà chúng ta không nhận ra, đó là cuộc đời đáp lại mình theo cách mình đối với nó! Ví dụ, khi nhìn vào gương, nếu mặt mình đen thì mặt trong gương có thể trắng được không? Hoặc khi mình năm mươi tuổi nhưng nhìn vào gương lại ước mong thấy được gương mặt thiếu nữ mười tám tuổi, điều này có được không? Tâm chúng ta đối với cuộc đời có phải khi nào cũng dễ thương? Hay có lúc cũng dữ dằn? Thế mà chúng ta lại cứ muốn mọi người phải luôn dễ thương với mình. Nên nhận ra cách sống của mình như thế nào, hơn là mong muốn mọi ngườicuộc đời phải như ý mình. Thế nên, học đạo là học nhìn ra bản chất của mọi thứ. Cuộc đời chính là tấm gương ảnh hiện chính mình trong đó, chứ không là ai khác. Nếu chúng ta tốt, cuộc đời sẽ tốt với mình. Nếu chúng ta vui tươi, lạc quan, cuộc đời sẽ dễ chịu, thư thả. Nếu lòng chúng ta cứ bực dọc, chua chát, cay đắng thì cuộc sống dường như cũng sẽ rất cay nghiệt với mình. Thường chúng ta luôn than trời trách đất, đổ thừa cho cuộc đời, không biết rằng trong gương là cái bóng của chính mình. Buổi sáng khi soi gương, chúng ta đâu bao giờ mong chờ nhìn thấy gương mặt nào khác ngoài mình. Nhưng đối với cuộc đời thì chúng ta ngược lại. Có nhiều khi chúng ta cáu kỉnh, gắt gỏng nhưng lại muốn mọi người phải luôn dễ thương với mình. Một cô phụ trách chương trình Hỏi - Đáp trên đài phát thanh. Giọng nói của cô rất dễ thương. Buổi sáng cô đến chỗ làm việc, bắt đầu mở máy nghe người ta hỏi, rồi cô đáp. Cô hết sức duyên dáng, giọng dịu ngọt. Nhưng khi nghe trong điện thoại là giọng của chồng mình, tự nhiênđổi giọng: “Sao giờ này chưa đi làm? Kêu có việc gì?” Tâm mình như vậy đó, chúng ta có thể dễ thương với mọi người, nhưng với những người thân gần nhất của mình thì thường chúng ta gắt gỏng, coi thường niềm hạnh phúc an vui mình đang có. Ông Robin S. Sharma có nói một câu: “Life is a mirror, it doesn’t give you what you want, it gives you what you are!” Nghĩa là đời sống là một tấm gương, nó không cho mình cái mình muốn, mà nó cho cái là chính mình.

Có một câu chuyện cũ. John là một ông lão ít nói, nhưng thông thái. Chiều chiều, ông hay ngồi trên một chiếc ghế bành cũ kĩ trước hiên nhà nhìn người qua lại. Ông có một cô cháu gái nhỏ cũng thường ra ngồi bên cạnh, cùng ông nhìn ngắm mọi người. Một chiếc xe chạy ngang đến đó đột nhiên dừng lại, bước xuống xe là một người đàn ông lạ, cao lớn, đứng nhìn quanh như tìm một chỗ để dừng chân. Nhìn thấy hai ông cháu ngồi trước nhà, người đàn ông tiến lại hỏi: - Trong ngôi làng này, người ta sống kiểu gì hả ông? Ông John không trả lời liền mà hỏi lại: - Vậy nơi ông vừa đi khỏi, người ta sống ra sao? Người lạ nhăn mặt: - Ôi chao, nơi đó người ta chỉ có chỉ trích nhau. Hàng xóm thì ngồi lê đôi mách. Đó là một nơi rất chán. Ông John nhìn thẳng vào mắt người lạ và nói: - Nơi này cũng thế, cũng giống hệt như nơi anh vừa rời đi. Người đàn ông nghe thế, chán nản quay đi. Lát sau, lại có một chiếc xe khác ngừng lại, một người đàn ông khác bước xuống cùng với vợ và con. Người vợ đang hỏi nơi để tìm mua thức ăn cho các con. Người đàn ông này cũng bước đến gặp ông John và hỏi:

- Thưa ông, nơi này người ta sống có tốt không? Ông John lặp lại cùng một câu hỏi như với người khách lúc nãy: - Vậy nơi anh vừa rời khỏi như thế nào? Người đàn ông liền tươi cười đáp: - Nơi đó người ta sống rất thân thiết, sẵn lòng giúp đỡ nhau, đời sống rất tốt. Chúng tôi không muốn rời nơi đó nhưng vì điều kiện làm ăn, phải chuyển đến đây. Ông John cười vui vẻ nói: - Anh đừng lo, nơi này cũng giống như nơi anh vừa đi khỏi, cũng tốt lắm. Hai vợ chồng người lạ nghe xong rất mừng, chào từ giã ông John và họ đi thẳng vào trong làng để tìm một nơi có thể ở được. Đứa cháu gái đang ngồi cạnh ông có vẻ suy nghĩ, hỏi: - Ông à, vì sao cháu thấy hai người vừa rồi hỏi những câu hỏi giống nhau, nhưng ông lại trả lời khác nhau? Làng mình, khi thì ông nói không tốt lành, khi thì ông nói là một nơi tuyệt vời. Vậy là sao? Ông John nhìn cháu mình nói: - Cháu à, dù có đi đến đâu thì mỗi người vẫn mang thái độ của chính mình đối với cuộc sống đi theo. Chính thái độ riêng của mình tác động lên người khác, tạo thành phản ứng của họ trở lại mình. Vì vậy, tùy thái độ của mình làm cho nơi mình đang sống hoặc sẽ rất tồi tệ, hoặc rất tốt đẹp. Bài học từ câu chuyện này là: Muốn đời sống tốt đẹp với mình thì mình phải tốt đẹp trước. Mình phải thay đổi chính mình, đừng mong thay đổi thế giới. Khi nghe câu chuyện này, chúng ta có thể gật đầu tỏ vẻ đồng ý, nhưng trên thực tế, chúng ta thường yêu cầu, đòi hỏi người khác thay đổi hay là tự mình thay đổi? Nếu biết tu tập, chúng ta sẽ càng lúc càng dễ thương. Khi thuận ý, chúng ta dễ thương đã đành, người ta mời ăn bánh mình thích, mời nghỉ ngơi, mang cho thêm một ly nước khi đang khát, chúng ta sẽ rất dễ thương. Nhưng khi về mệt, vào bàn ăn cơm gặp phải canh nấu mặn chát, cơm và thức ăn vừa lấy ra từ tủ lạnh còn lạnh ngắt, lúc đó chúng ta còn dễ thương không? Cách tu tập là thay vì xoay ra, chúng ta sẽ xoay vào và sửa chính mình. Như quý cô khi trang điểm, nhìn con mắt trong gương mà tô vẽ được con mắt trên mặt mình, chúng ta rất khôn ngoan.

Một ông say rượu, đến tối mới về. Ông rất sợ bà vợ vì bà rất dữ, chỉ cho ông uống một hai ly thôi, không được say. Hôm đó ông uống say lắm. Về đến nhà, ông biết thân, len lén đi vào và vui mừng nghe tiếng ngáy của bà vợ, biết là bà đã ngủ say. Nhưng vừa bước vào cửa ông vấp té nặng, chảy máu ngay nơi mông. Ông phải tìm cách phi tang, lấy bông băng để băng lại. Vì vết thương ở sau mông, nên ông phải xoay người nhìn vào gương để xức thuốc. Ông làm thuốc rất đàng hoàng, dán bông băng cẩn thận, xong nhẹ nhàng bò lên giường ngủ. Sáng hôm sau, vừa mở mắt dậy đã nghe vợ la: “Đã bảo không được say xỉn mà vẫn cứ thế”. Ông cãi lại: “Tôi có uống nhưng đàng hoàng, không hề có chuyện gì xảy ra”. Bà vợ kêu ông đến và chỉ ngay tấm gương bị thuốc đỏ quẹt lem luốc, ngang dọc với đống bông băng dán đầy. Thì ra, đêm qua ông đã nhìn vào gương và làm thuốc, dán bông trên gương! Chúng ta gọi đó là người say. Chúng ta sẽ không như vậy, chúng ta sẽ nhìn con mắt trong gương mà vẽ đúng con mắt trên mặt mình. Chính vì thế, đời là tấm gương soi, nhưng chữa trị, thay đổi thì phải chính nơi mình. Khi nói chuyện với ai, thấy người đó có vẻ gắt gỏng không vui, sẵn sàng gây sự, thì chúng ta nên trách người đó kỳ cục hay nên nhớ lại coi ngày hôm qua hôm kia, mình đã làm gì cho họ không vui. Nhưng thường chúng ta sẽ nghĩ người kia vô lý quá, mình đâu có làm gì mà tự nhiên lại đi gây với mình! Vậy thì, trong cuộc đời này, nhìn thái độ người khác, sẽ biết chúng ta đã như thế nào. Và có thể nào nhìn xa hơn để biết luôn trong những cuộc đời trước không? Có những người mới gặp, chúng ta đã cảm thấy thương liền. Cũng có những người mới gặp là chúng ta liền không ưa. Có những người làm chung sở với chúng ta, có những người về sống chung nhà với chúng ta, chúng ta cố thương nhưng sao vẫn xảy ra chuyện không vui. Khi chúng ta gặp nhau ở đây là đã có nhân duyên với nhau rồi. Những đời trước có thể đã là cha mẹ, con cái, anh chị, chồng vợ… hôm nay gặp lại. Nhìn ở tầm xa như vậy, chúng ta sẽ thấy mình phải chỉnh lại chính mình. Như người nhìn vào gương, thấy đầu tóc bù xù thì sẽ lấy lược chải, nhìn thấy mặt dơ thì sẽ lau rửa… đó là một người dùng gương đúng đắn. Nhưng trong đời sống, khi gặp điều gì không ổn, việc đầu tiên là chúng ta liền trách móc, sau đó than thở, lâu hơn là kể lể, càm ràm, mà không biết là phải sửa nơi chính mình.

Từ cái gương, chúng ta học cách trang nghiêm chính mình. Trong đời thường, chúng ta dùng chữ trang điểm, còn trong nhà Phật, trong kinh, thường sử dụng từ “trang nghiêm quốc độ” tức là làm đẹp cõi nước này, cuộc sống này bằng cách điều chỉnh chính mình. Đây là một câu chuyện có thật, xảy ra năm 1892 tại đại học Stanford. Một cậu học sinh 18 tuổi đang gặp khó khăn trong việc trả tiền học. Cậu bé mồ côi từ nhỏ, không biết đi đâu kiếm tiền để đóng tiền học, mà cậu rất ham học. Cậu nảy ra một sáng kiến, rủ một người bạn quyết định tổ chức một buổi nhạc hội ngay trong khuôn viên trường để gây quỹ cho việc học của chính mình. Họ tìm đến nghệ sĩ dương cầm đại tài Ignacy J. Paderewski, người Ba Lan, là một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thời đó. Người quản lý của Paderewski yêu cầu phải trả khoản phí bảo đảm là $2.000 thì mới được mời nghệ sĩ dương cầm này biểu diễn. Thỏa thuận xong, hai chàng sinh viên bắt tay vào việc chuẩn bị cho buổi trình diễn được thành công. Nhưng mãi đến ngày biểu diễn, số vé vẫn chưa được bán hết. Tổng kết số tiền bán vé, họ chỉ mới có được $1.600, chưa đủ tiền trả để mời người nghệ sĩ đến diễn. Thất vọng quá, nhưng dù sao công việc cũng đang tiến hành, hai chàng sinh viên tìm đến Paderewski trình bày hoàn cảnh của mình, xin được trả bằng toàn bộ số tiền bán vé và một cái check nợ $400, hứa sẽ trả số nợ ấy sớm nhất. Paderewski trả lời là không. Ông không thể chấp thuận như vậy được. Ông xé tờ check nhưng lại cầm $1.600 này đưa cho hai chàng thanh niên: - Với $1.600 này, sau khi trừ hết chi phí cho buổi biểu diễn, còn lại, hai cậu giữ đủ số tiền cho việc học trong một năm, nếu vẫn còn dư thì hãy đưa cho tôi. Quá bất ngờ, hai anh chàng này không nói được nên lời, chỉ lúng túng cám ơn Paderewski. Việc làm trên nói lên nhân cách của người nghệ sĩ này. Ông giúp đỡ hết lòng hai cậu sinh viên không hề quen biết. Thường trong đời sống, người ta có thể nghĩ rằng, giúp như vậy mình sẽ thiệt thòi. Nhưng những tâm hồn lớn sẽ nghĩ khác, nếu không giúp thì điều gì sẽ xảy ra cho những người đang gặp khó khăn này? Đó là hai cách suy nghĩ. Hoặc khi giúp một người nào đó, thường chúng ta tự hỏi người đó sẽ đền đáp gì cho mình. Nhưng những tâm hồn lớn sẽ nghĩ, nếu chúng ta không giúp thì người này sẽ ra sao? Thời gian trôi qua, người nghệ sĩ dương cầm tốt bụng trở thành Thủ tướng Ba Lan. Thủ tướng Paderewski là một nhà lãnh đạo tài năng, nhưng không may chiến tranh thế giới bùng nổ, đất nước Ba Lan bị tàn phá nặng nề. Hơn một triệu rưỡi người Ba Lan lâm vào cảnh chết đói, nhưng ngân sách chính phủ không còn đủ tiền để nuôi sống một triệu rưỡi người này nữa. Thủ tướng Paderewski không biết phải làm sao. Ông tìm đến Cơ quan Cứu Trợ Lương Thực Hoa Kỳ để nhờ sự giúp đỡ. Người đứng đầu cơ quan đó là Herbert Hoover. Ngay lập tức khi vừa nghe lời yêu cầu giúp đỡ, ông không hề suy nghĩ đắn đo một giây phút nào, nhanh chóng gởi hàng tấn lương thực đến để cứu giúp những người Ba Lan đang bị đói khát. Nhờ vậy, thảm họa đói của người Ba Lan được ngăn chặn. Thủ tướng Paderewski thở ra nhẹ nhõm. Khi mọi việc kết thúc, Thủ tướng tự thân sang Hoa Kỳ để cám ơn Hoover về hành động cao quý của ông, đã giúp đỡ người Ba Lan trong lúc khó khăn. Nhưng khi hai người gặp nhau, Paderewski chưa kịp nói câu cám ơn thì Hoover đã cắt ngang: “Ngài Thủ tướng không cần cám ơn tôi đâu. Có lẽ Ngài không còn nhớ, nhưng nhiều năm về trước Ngài đã giúp đỡ hai sinh viên trẻ ở Mỹ được tiếp tục đi học. Tôi là một trong hai người sinh viên đó”. Đâu ai ngờ, vòng vận hành của nhân duyên lại như vậy. Khi Thủ tướng Paderewski nhận được sự giúp đỡ tức thì, không điều kiện, không đắn đo của ông Hoover thì cũng hơi ngạc nhiên, không biết do đâu, cho đến khi gặp mặt. Trong đời sống, cũng có nhiều khi chúng ta hơi ngạc nhiên tại sao lại có người quá tốt với mình. Và cũng có khi ngạc nhiên vì sao có người lại quá tệ với mình, dù mình tốt bao nhiêu họ vẫn tệ với mình. Thế nên, có những cái nhân gần, có những cái nhân xa. Có những cái nhân xa hơn mà hôm nay chúng ta đang nhận cái quả, cái quả đó chính là gương mặt của mình ngày xưa. 2. Chọn thái độ sống, điều chỉnh cách sống Chúng ta nên chọn thái độ sống của mình hơn là chọn cuộc đời. Thông thường chúng ta lựa chọn cẩn thận, nhưng khi vào rồi lại thấy ở đây có vẻ không được, xa thấy vậy khi đến gần không phải, và… chia tay. Chúng ta sẽ chia tay như vậy cho đến bao giờ? Chỉ khi nào chúng ta biết thay đổi chính mình thì cuộc đời sẽ đẹp. Khi một người trang điểm là muốn mình xuất hiện xinh đẹp trước mặt mọi người, nên cứ tô điểm chính mình, làm cái bóng trong gương trở nên đẹp. Cách hay nhất để điều chỉnh cách sống của mình là thư giãn. Rất bất ngờ! Chúng ta tưởng rằng chúng ta phải làm cái này, làm cái kia. Khi chúng ta muốn làm cái này cái kia, đó là động lực bản ngã. Trước kia chúng ta muốn xinh đẹp hình tướng, nay muốn xinh đẹp tính cách, cũng cùng một điều muốn. Trước mình muốn có nhiều tiền, bây giờ muốn có nhiều phước, giống nhau cả, đều là tham. Do đó, tốt hơn hết là thư giãn, nghĩa là buông xuống một cách tự nhiên. Thư giãn thân mình, thư giãn tâm hồn mình, thư giãn tính cách mình. Việc làm đó có vẻ không đâu vào đâu, nhưng giúp mình dễ chịu ra. Khi nào trong đời sống chúng ta đang căng thẳng, sắp sửa bực bội, hãy thử đi bộ một chút ra nơi khác với sự thư giãn. Ví dụ, khi đứng đây mà sắp cãi nhau thì chúng ta nên đi qua bên bàn kia một chút. Nhưng nhớ đi trong sự thư giãn, đừng vừa đi vừa giậm chân nặng nề, rung chuyển nhà cửa! Chỉ cần đi từ đây đến đó là đã thư giãn. Buông nhẹ đôi vai xuống một chút, chúng ta sẽ thấy tình thế trở nên nhẹ nhàng. Điều này có dễ làm không? Đây là một phương pháp mới nhưng rất khỏe. Nếu đang đứng ở đây mà giận quá, đứng thêm chút nữa, chúng ta chắc chắn sẽ nói một vài câu, nếu là câu khó nghe thì người kia cũng trả lời lại khó nghe. Rồi cứ như vậy, càng lúc càng lớn tiếng, sẽ nghe hơi nhức đầu, đỏ mặt, lỡ bị cao huyết áp sẽ không tốt. Nên thư giãn, lạc quan, nhìn ra điều tốt nơi người và hoàn cảnh mình đang tiếp xúc. Ai cũng có điều tốt và ai cũng có những chứng tật mà thiên hạ chạy luôn. Đó là “Ai”, còn chúng ta có thế không? Giả sử, người ta có sáu phần tốt và bốn phần xấu, thì lạ một điều, chúng ta thường thấy bốn phần xấu của người bạn đời, của bạn bè, con cái trước, còn đối với mình thì thấy sáu phần tốt trước. Nào là, “tôi đã làm cho chị điều này, tôi đã cho chị bao nhiêu tiền, tôi đã giúp chị có công ăn việc làm…” Ngay cả với con cái cũng kể lể: “Ngày nào tôi cũng phải dọn giường cho nó, nó đi về là bày xả lung tung, tôi phải dọn…” Chúng ta luôn luôn thấy điều tốt nơi mình và điều xấu nơi người kia. Như vậy, tuy là mười phần nhưng lại không chính xác. Do đây mà đời sống mình trở nên khó chịu. Cho nên, một người khéo gìn giữ tâm an vui, nên tập thấy điều tốt nơi người và nhận ra điều dở nơi mình. Thực tế chúng ta khó làm được, nên bây giờ chúng ta phải tập. Một bài pháp có giá trị là ở người nghe. Nếu người nghe chịu khó áp dụng thì bài pháp rất có giá trị, còn nếu nghe xong không áp dụng, quên hết, trong kinh gọi là “trí huệ bắp vế”. Cái tên nghe rất lạ. Hình dung chúng ta đang ngồi rồi để gạo, bắp, hay có thể là cặp mắt kính, cây viết nơi bắp vế của mình. Khi đang ngồi nó sẽ ở đó, nhưng khi đứng dậy thì nó sẽ rớt lại. Trí huệ bắp vế cũng vậy, khi nghe thì khen hay nhưng đứng dậy nó sẽ rớt lại đó, không đem theo gì được. Vậy thì, những điều rất dễ, thứ nhất là thư giãn, thứ hai là nhìn ra điểm tốt nơi người, tự nhiên chúng ta sẽ dễ thương với mọi người và như thế mọi người dần dần sẽ dễ thương lại với mình. Cuộc sống dễ chịu hơn. Nếu chỉ thấy điều xấu nơi người, vừa thấy mặt họ là chúng ta nhớ đến ngày hôm qua cái bàn lau không sạch, cái tủ để lung tung, họ nói hai ba câu là mình đã thấy khó chịu. Chúng ta khó chịu, họ khó chịu lại, cuộc đời khó chịu! Nhiều khi cuộc đời thật sự khó chịu với mình. Chúng ta dễ thương với biết bao nhiêu người, nhưng người khác vẫn làm khó chúng ta. Chúng ta cố gắng biết bao nhiêu nhưng công việc làm ăn vẫn thất bại. Những lúc này chúng ta phải tập an nhẫn. Nhẫn là phải chịu khó. Mình không chịu khó thì cũng không ai vào đây chịu khó thay mình. Đàng nào cũng phải chịu thôi. Nhưng là nhẫn trong tâm an, đừng nhẫn trong đau khổ, bực bội. Vì nếu chúng tabực bội, cũng sẽ không thay đổi được gì. Đây là một câu chuyện mới xảy ra. Những năm vừa qua, có rất nhiều người bị mất việc làm. Một hôm, ông chủ đến nói với những người cộng sự là, tháng tới ông sẽ cho nghỉ việc thêm hai người. Ông cho biết tên của hai người đó. Cả hai người đều rất bất ngờ. Một người bực bội, vừa quay lưng là càu nhàu liền: “Tôi có lỗi gì mà cho tôi nghỉ việc. Chị kia, anh nọ tệ hơn tôi, làm việc dở hơn tôi, tại sao không cho họ nghỉ việc đi?” Ngày nào đến sở làm, người này cũng càm ràm, gắt gỏng với mọi người. Cô thứ hai lại khác. Đàng nào cũng phải nghỉ, chỉ còn hơn một tuần nữa là phải nghỉ, nên với những người bạn đồng nghiệp của mình, cô lại dễ thương ra. Do sắp chia tay, nên khi công việc của ông chủ đưa đến, dù đang bận nhiều việc khác, cô vẫn nghĩ thôi ráng làm, cũng gần nghỉ rồi, và cô ráng làm. Có ai nhờ giúp đỡ, cô nghĩ rằng mình sắp chia tay với họ, nên nhiệt tình giúp đỡ. Khi ở nhà có thức ăn hay trong vườn có trái cây, cô nghĩ chỉ còn khoảng tuần nữa sẽ hết gặp những đồng nghiệp này, liền mang vào mời họ cùng ăn cho vui. Đôi khi cô còn làm siêng nướng bánh đem đến nữa, đến cuối giờ hoặc giờ giải lao mang ra mời. Tất cả những điều này, ông chủ đều nhìn thấy hết. Bình thường cô làm việc đến bốn giờ rưỡi là ngưng, nhưng bây giờ công việc đưa đến thì cô nghĩ dù sao đến cuối tháng cũng sẽ nghỉ nên cô ráng làm. Và công việc tốt hơn rõ rệt. Vì thế, ông chủ suy nghĩ, nếu cho cô này nghỉ việc thì uổng quá. Cuối cùng ông thay đổi quyết định. Cô này được lưu trở lại, còn cô kia vẫn nghỉ như đã báo trước. Chúng ta thấy rõ, cuộc đời là cái bóng trong gương, là cái bóng của chính mình. Khi chúng ta vui vẻ với nó thì nó sẽ vui vẻ trở lại với mình. Đây là bài học thứ hai, an nhẫnvui tươi, để điều chỉnh cuộc sống của mình. Đừng tự làm khổ mình hai lần.   Giả như hôm nay nghe đau trên lưng, đi khám bác sĩ. Bác sĩ cho biết trên lưng có một cái bướu. Thôi thì cứ chấp nhận và sống vui với nó đi. Có một điều kỳ diệu là khi chúng ta sống vui được với cơn bệnh của mình thì hệ miễn nhiễm tăng, tinh thần tăng, sức khỏe sẽ theo chiều hướng tốt mà tiến triển. Trên thực tế có rất nhiều người bệnh nhờ thiền định, nhờ tinh thần vui tươi mà cơn bệnh thối lui trước sự kinh ngạc của bác sĩ. Nhưng thông thường khi một người vừa nghe tuyên bố có một cái bướu phải đi xét nghiệm xem là bướu độc hay bướu lành, liền mất ăn, mất ngủ. Vậy thì, hãy tập an nhẫn, vui tươi, chuyện gì xảy ra cũng đã xảy ra rồi. Phải làm sao để khi nghe ai báo một tin buồn, chúng ta kịp bình tâm. Làm sao để khi cái gì xảy đến, chấp nhận tất cả trong sự vui vẻ, bình thường của tâm. Đó gọi là điều chỉnh mình trong gương. Buổi sáng, nếu nhìn thấy mặt mình trong gương trĩu nét không vui, lo âu, thì ngay lúc đó nên thư giãn gương mặt, cười với nó một cái. Trước khi cười với ai khác, chúng ta cười với chính mình, sao lại không? Chúng ta có thể cười với mọi người thì sao không thể cười với mình, điều đó mới lạ! Ít khi nào chúng ta tự cười với chính mình. Vậy bây giờ nên tập vui vẻ với mình. Và một điều lạ sẽ xảy ra. Về mặt y học, khi chúng ta cười, oxygen sẽ lên não nhiều hơn, rất cần thiết. Nếu chúng ta tập trung làm việc hoặc hơi chăm chú, căng thẳng, một lúc lâu sau sẽ cảm thấy nhức đầu. Lý do là khi căng thẳng, các mạch máu bị co thắt lại, máu và oxygen không dễ dàng lên được trên não, tạo thành sự khó chịu. Cười một cái sẽ thư giãn ra. Cười với mình xong buông đôi vai xuống, hai tay thư thả, chúng ta sẽ thấy mình thở nhẹ và khỏe liền. Nếu chúng ta tập quen với sự thư giãn, vừa thư giãn là chúng ta liền cảm nhận các mạch máu như được mở bung ra, tuôn ra đến tận các đầu ngón tay. Như vậy chúng ta sẽ có sức khỏe, trẻ lâu, ít bệnh. Đó là biết làm chủ đời sốngsức khỏe của mình. Thế thì, soi gương rất có lợi. Nhà ai cũng có gương, đi chỗ nào cũng thường thấy gương. Qua gương, nếu nhìn thấy chính mình với nét lo âu trên mặt thì buông nó xuống. Tươi tỉnh với chính mình, tự nhiên cuộc đời sẽ tươi vui. Có một điều hơi tinh tế hơn nhưng nếu ráng làm được, chúng ta sẽ thấy đời sống chung quanh mình dễ chịu, đó là tập nhận ra những lỗi lầm của chính mình. Đừng ân hận mà chỉ tập nhận ra. Rất nhiều khi trong gia đình, trong chỗ làm việc, do chúng ta không ý thức được, nên có thể buông ra một câu nói gắt gỏng hoặc làm một việc không hay. Chúng tathói quen phản ứng rất nhanh mà không ý thức. Những cái nhanh như vậy làm thương tổn người khác, mà chúng ta không biết. Quý huynh đệ đến đây nghe pháp, đi làm việc ở sở, nhưng sống với ai? - Sống với người thân. Chúng ta lịch sự thường là với người thân hay người ngoài? Còn chúng ta càm ràm, gắt gỏng với người ngoài hay với người thân? Người làm cho chúng ta hạnh phúc, vui vẻ hay đau khổ là người bên cạnh mình. Chúng ta thường trút những bực bội qua người gần nhất, mà lại đòi hỏi họ lúc nào cũng phải dễ thương với mình. Cũng giống như mình xấu già, nhưng khi soi gương lại muốn xuất hiện trong gương là một người trẻ đẹp, dễ thương. Thế nên, hãy tập nhận ra những thiếu sót, sai lầm nơi mình. Trước khi đi đâu, nhìn vào gương, thấy chỗ nào còn sơ sót, chúng ta đều chỉnh sửa lại. Vậy tại sao trong đời sống, chúng ta không nhìn ra chỗ mình còn thiếu sót? Có bao nhiêu lần trong đời, chúng ta biết nhìn lại những chứng tật của mình? Chúng ta chỉ trách móc, đổ thừa tại thế này thế kia, tại người này người khác… mà không khi nào thấy “tại mình”. Hãy tập nhận ra lỗi của mình. Biết chỉnh sửa từ chính mình, sẽ làm cho đời sống chung quanh đáp lại tốt với chúng ta. Thường ai cũng muốn dễ thương, xinh đẹp, các việc làm suôn sẻ, nhưng có khi mọi việc xảy ra hoàn toàn trái ngược. Lúc đó chúng ta phải biết mọi chuyện đang xảy ra chỉ là phóng ảnh của một cái nhân nào đó của mình. Nếu không nhận ra chỗ thiếu sót, điều chưa tốt nơi mình thì chúng ta chỉ có giận thôi. Đến khi biết tu, muốn sửa đổi, chúng ta lại cố đè ép cơn giận, giận thêm! Chỉ cần nhận ra đúng sự thật: “Ồ, mình đang nóng giận. Mình đang khó chịu. Mình đang ích kỷ”. Tự nhiên chúng ta sẽ chuyển đổi. 3. Tâm như gương soi Nãy giờ nói cuộc đời là tấm gương, chúng ta thấy bóng mình trong đó. Chúng ta ở đây gồm cái ngã có một cái thân và một mớ suy nghĩ, tình thức. Những thứ này là thật hay giả? Nói theo nhà Phật, thân này chết đi sẽ không còn. Những ý nghĩ, thương ghét của chúng ta, ngày mai ngày mốt cũng sẽ thay đổi. Tất cả không thật, chỉ là cái bóng tạm hiện ra trong gương. Bây giờ qua một đoạn hơi sâu hơn là tâm như gương soi.

Khi gặp ai lần đầu, người đó như thế nào thì thấy thế đó, chẳng thương chẳng ghét. Nhưng nếu đó là một người làm việc cùng sở với mình và là người đã nhiều lần làm phiền mình. Khi chúng ta vừa gặp người đó, dù đứng trước mặt mình họ đang vui vẻ tử tế, thì cái bóng cũ của họ trong chúng ta vẫn làm mình thấy bực bội ngay tức khắc. Người đó bây giờ ra sao không cần biết, mà cái ghi nhận lâu nay trong này làm mình vừa thấy là đã bực. Dù người đó đã sửa đổi, đã tốt thế nào, chúng ta vẫn không thích người đó. Thế thì, cái gương không còn là gương, mà đã bị dán một tấm hình lên nó. Như vậy, có còn công dụng của gương không? - Không. Vậy thì, thật uổng cho một tấm gương tâm! Nó có khả năng soi chiếu nhưng bây giờ thì không còn soi chiếu nữa. Tâm nhận thức mọi việc qua cách nhìn riêng của mỗi người. Cách nhìn phóng khoáng thì cuộc đời rộng mở. Cách nhìn chật hẹp thì thế giới ao tù. Cách nhìn thiện cảm thì cuộc đời là bạn. Cách nhìn ác cảm thì bạn cũng thành thù, người thân thành người nghịch. Tâm trong trẻo thì cảnh đem lại niềm vui. Tâm vẩn đục thì mọi ngườicảnh duyên thành thách đố.

Như vậy, chúng ta nên tập nhìn lại chính mình, nhìn để nhận ra cách mình nhìn cuộc đời, cách mình phản ứng cuộc đời như thế nào. Có ai nhìn thay chúng ta không? - Không. Chúng ta phải nhìn ra nơi mình thì mới có thể điều chỉnh được. Mình thường rất dễ phản ứng. Người khác chỉ mới nói nửa câu là chúng ta đã đoán định ý người muốn nói gì, đã cãi, đã phản ứng, trả lời, như mình biết hết vậy. Nhanh quá nên thường nhận định sai. Thói quen sẵn sàng phản ứng lại mọi điều này, như một con nhím, động đến là phóng ngay chiếc lông nhọn. Đụng đâu cũng phóng, nhím hết lông trơ trụi. Rồi lại trách cuộc đời! Thế thì tiếc thay một tấm gương! Do đó, nên tập nhìn sự việc và chậm phản ứng. Hễ phản ứng nhanh là chúng ta không học được đâu. Chúng ta nhìn và hiểu cuộc đời qua nhận thức của chính mình, nên điều quan trọng là hãy làm thế nào để chất liệu gương của chúng ta tốt. Khi chất liệu gương tốt thì trong đời sống ta mới thấy được mọi việc đúng đắn, không lệch lạc.

câu chuyện thế này. Sau buổi tham quan ở viện Bảo tàng Lịch sử, cô giáo hỏi cả lớp: - Các em có thấy tất cả các cách trưng bày trong đó đều có một ý tưởng chung nhất, chủ đạo, giống nhau. Các em có nhận ra ý tưởng đó không? Một em nhanh nhẹn đưa tay nói: - Thưa cô, tất cả đều có một chủ đề được nhấn mạnh, lặp đi lặp lại, đó là: “Không được chạm tay vào hiện vật”. Có phải cô giáo muốn hỏi câu đó không? Đứa bé không để ý gì đến nghệ thuật, hình ảnh, mà chỉ thấy “Không được chạm tay vào hiện vật”. Vì sao? Vì nó là con nít và thấy gì nó cũng muốn rờ. Khi nhìn những bức hình, những bức tượng, nó bị câu đó cấm nên nó chỉ nhớ điều nó muốn làm mà không được. Nguyên một viện bảo tàng với bao nhiêu bài học, nó không còn nhìn thấy nữa. Chúng ta có thể sống từ tuổi nhỏ cho đến khi già, một cuộc đời trôi qua nhưng đôi khi chúng ta cũng chỉ học được một câu “Không được chạm tay vào hiện vật”. Chúng ta chỉ nhớ những điều chúng ta muốn làm mà không làm được. Hóa ra một cuộc đời cho đến lúc ra đi, chỉ nhớ một điều, đôi khi rất không đáng gì.

Vậy nên làm thế nào để mọi thứ cuộc đời đưa đến, chúng ta đều nhìn thấu suốt? Thứ nhất là tấm gương tâm chúng ta cần có chất lượng tốt, không rọi bóng một cách méo mó lệch lạc. Thứ hai, nó không chọn lựa khi soi bóng. Mọi thứ đều ảnh hiện được trong tâm mình, tự nhiên chúng ta sẽ rất giàu có, phong phú. Chẳng hạn khi đi ra vườn, chúng ta làm rớt một cây viết trong đám cỏ. Khi đi trở lại, chúng ta chỉ muốn kiếm cây viết. Trong đám cỏ có vô số hoa dại rất đẹp đủ loại, lá cỏ rất xanh, nhưng chúng ta không thấy, không thấy gì cả. Đến khi vào nhà, có người hỏi, có thấy gì không? Mình sẽ trả lời là không, không thấy gì hết, có nghĩa là không thấy được cây viết chúng ta muốn kiếm. Cho nên, suốt cuộc đời nếu biết sống với tâm rỗng rang, chúng ta sẽ thấy hết, nhận thức được hết, thưởng thức trọn vẹn những gì cuộc đời đưa đến với mình. Còn nếu chúng ta bị một thứ bám giữ, tâm đang tìm kiếm, thì có khi chúng ta kiếm ra nó, có khi chúng ta không kiếm ra. Nếu không kiếm ra, sẽ là cả đời vô ích; còn nếu kiếm ra thì cũng chỉ kiếm được một thứ rất nhỏ như cây viết trên tay.

Ngay cả Phật, ngay cả giác ngộ, Niết-bàn, nếu chúng ta chỉ nghĩ đến nó như một định kiến thì chúng ta cũng chỉ nhận lại được một hình ảnh chết, một quả vị giác ngộ chết, không phải sự sống. Chỉ cần chúng ta để một cái tâm trong sáng như gương, một cái gương có chất lượng tốt thì trong ngoài đều là Phật. Lúc đó, tâm được gọi là Đại viên cảnh trí, tức là trí dụng như một cái gương tròn lớn. Gương lớn tròn sáng đó ở nơi Phật hay ở nơi chúng sanh đều như nhau. Thế nên gọi là thành Phật tức thì, hay phiền não tức bồ-đề. Chữ “tức” có nghĩa là ngay đây không khác. Đại viên cảnh trí, cái gương lớn tròn sáng mà chư Phật, chư Bồ tát có, hiện nay, phút này chúng ta đang sử dụng không thiếu chút nào, bằng Phật. Vậy thì, sự tu tập rất gần và dễ. Nó dễ nếu tin nhận cái chúng ta đang có trong khoảnh khắc này, đừng bị quá khứ che, như cái gì đó che trên gương. Cái gương hiện đang để trước mặt huynh đệ đã được lau sạch nên nhìn vào thấy rất rõ. Tuy nhiên, cũng có nhiều cái gương bị nước văng, bị vết dơ vằn vện. Tâm chúng ta thường trong sáng hay thường bị chất dơ bám? Nhưng dù có bị bám gì đi nữa thì khả năng soi chiếu vẫn như nhau, chỉ cần lau chùi thì nó sẽ sạch và soi chiếu. Cho nên, nhận ra được khả năng của gương tâm, trả lại đúng hoạt dụng của gương tâm thì ngay lúc này chúng ta không thiếu cái gì để phải đi tìm. Một tâm trí rỗng rang, vắng lặng. Chúng ta thường than, suốt ngày tâm cứ lao xao, ồn ào, không thể rỗng rang, vắng lặng, là do từ một sai lầm chưa tự nhận ra. Gương tâm luôn soi chiếu, còn những ồn ào, lao xao là những cái bóng, những vệt dơ nơi gương, chứ không phải là gương. Những vết dơ nơi gương chỉ là tạm, tính soi chiếu mới là thật. Thế thì, chúng ta đừng lo ngại về những tiếng ồn, tiếng càm ràm, lao xao của tâm. Tự nó sẽ yên. Như trên đây có một bình nước đang dao động, làm sao cho nó lắng yên mau nhất? - Chỉ để yên. Thông thường, chúng ta có chịu để yên mọi thứ không? Hay chúng ta cố giải quyết? Vừa rồi, có câu hỏi “Làm sao giải quyết…?” Một vị thầy trả lời, “Làm gì có chuyện giải quyết!” Giải quyết có nghĩa là làm sao cho nó yên. Khởi ý làm sao, làm sao… thì nó sẽ không chịu yên. Hãy để cho mọi chuyện tự thu xếp theo nhân duyên của nó. Cả một chuỗi nhân quả với vô số nhân duyên chằng chịt, chúng ta làm sao có thể xen vào đó được. Tại sao cây chanh nhà hàng xóm trĩu quả mà cây chanh nhà mình tưới nước, vô phân biết bao nhiêu nhưng cũng chỉ èo uột có mấy trái? Lý do là đất ở đây có nhiều khoáng và đá. Nó có vận hành riêng của nó, cứ để yên nó ở đó thì mọi chuyện sẽ tự tốt đẹp trong cái khiếm khuyết của nó. Cái gì cũng tương đối, có tốt, có xấu. Để yên nó chính là gìn giữ gương tâm mình. Sao cứ phải phóng ra tìm cách giải quyết để làm rộn ràng thêm. Vậy thì, tâm như cái gương soi. Gương này vốn đã đầy đủ diệu dụng soi chiếu. Để yên nó thì tất cả những xao động sẽ tự trong lặng. Những xao động là do duyên, như khi lắc cái bàn thì bàn sẽ dao động, nhưng đó là duyên tạm, hết động chạm thì tự khắc nó yên. Khi đang giận vì một câu nói của ai đó, hãy cứ để yên, lát sau sẽ tự động hết giận. Ba tháng sau gặp lại người đó, chúng ta sẽ lại tay bắt mặt mừng, hỏi sao lâu quá không thấy ghé chơi. Mọi thứ sẽ tự yên. Điều này có vẻ mới nhưng thật ra rất gần. Lâu nay, hóa ra chúng ta xử lý mọi chuyện trong đời hơi ngược. Bây giờ, chỉ với chừng đó việc, nếu nhận ra rằng coi bộ cũng có lý, áp dụng không đến nỗi khó, thì hãy thử áp dụng. Mỗi buổi sáng nhìn vào gương, cười nhẹ với mình một cái. Tiếc gì một nụ cười với chính mình! Khi mình cười, đầu óc tâm trí tự nhiên thư giãn. Kế tiếp là buông vai xuống. Cả ngày chúng ta căng vai mà không biết, tay co cứng mà không biết. Nhớ ra liền buông xuống. Vui tươi, lạc quan, an tĩnh thì gương tâm thường trong sáng. Như vậy, chúng ta học được hai điều, thứ nhất là cuộc đời, thứ hai là chính tâm mình. Khả năng bằng Phật nơi mình lúc nào cũng có mặt ngay phút này. Cứ trả lại cái tự nhiên như vậy, không cần tìm kiếm gì hơn thì mọi việc sẽ tự sáng tỏ, ổn thỏa và chúng ta sẽ có một đời sống tốt đẹp, ý nghĩa.

Thích Nữ Thuần Tuệ

(Trích từ Từ Một Tâm Trong Lặng)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
20/01/2014(Xem: 16672)
18/05/2017(Xem: 20714)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.