Bài 36 - Phật giáo Zen và Phật giáo Shin

14/04/20214:13 SA(Xem: 5889)
Bài 36 - Phật giáo Zen và Phật giáo Shin

LÝ TƯỞNG CỦA NGƯỜI BỒ-TÁT
The Bodhisattva Ideal

***
Urgyen Sangharakshita
Hoang Phong chuyển ngữ

  

Chương V

Nam Tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh

 
Bài 36 
Phật giáo Zen và Phật giáo Shin

        

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

           

            Zen và Shin là hai học phái Phật giáo Nhật-bản bắt nguồn từ hai học phái Phật giáo Trung quốcThiền học (Chan / Tchan, Thiền / 禪) và Tịnh độ tông (淨土宗). Tuy bắt nguồn từ Phật giáo Trung quốc thế nhưng sau khi được đưa vào Nhật bản thì cả hai học phái này đã chịu ảnh hưởng khá sâu đậm bởi văn hóa, tánh khí, phong cách của dân tộc Nhật, và đã phát triển rộng rãi tại nơi này và vẫn tiếp tục còn tồn tại đến nay. Tuy nhiên dường như học phái Zen được nhiều người biết đến hơn, và như vậy thì học phái Shin là gì? 

 

            Phật giáo Shin là một tên gọi tắt, tên đầy đủ của học phái này là Jōdo-Shinshū, tiếng Hán là "Tịnh độ - Chân tông" (浄土真宗). Tên gọi này cho thấy Phật giáo Shin cũng là Phật giáo Tịnh độ, nhưng được ghép thêm một chữ mới là chữ "chân", có nghĩa là đúng thật, chân chính hay nguyên thủy. Tuy tự nhận là chân chính, thế nhưng chỉ được nhà sư Shinran (親鸞 / Thân Loan, 1173-1262) thiết lập vào thế kỷ XIII, trong khi đó Tịnh độ Trung quốc đã được hình thành từ trước, khoảng thế kỷ thứ III hay thứ IV. Vậy có gì khác biệt giữa Tịnh độ Trung quốcTịnh độ chân chính của Nhật bản?

 

            Sự khác biệt chủ yếu nhất là Phật giáo Shin nâng "lý thuyết" của Tịnh độ Trung quốc lên một cấp bậc cao hơn. Tịnh độ Trung quốc cho rằng cầu khẩn và đặt hết lòng tin nơi Phật A-di-đà thì sẽ được Ngài tiếp dẫn vào cõi Cực lạc của Ngài, trái lại Phật giáo Shin thì cho rằng sự tôn kínhlòng tin nơi Phật A-di-đà đã hàm chứa sẵn trong con tim của tất cả chúng sinh, vì vậy sự cứu độ của Phật A-di-đà không hề mang tính cách phân biệt hay lựa chọn gì cả, do đó người tu tập không cần phải mong cầu hay chứng minh sự thiết tha được tiếp dẫn vào cõi Cực lạc, mà chỉ cần phát lộ đức tin sâu kín sẵn có của mình là đủ. Điều này khá bất ngờ, ngoài cõi cực lạc và sự cứu độ, dường như ý niệm này cũng cho thấy khá gần với thần học của các tôn giáo độc thần.

 

            Ngoài ra trên phương diện thuật ngữ cũng có một điểm khác dù chỉ là chi tiết thế nhưng cũng cần lưu ý. Phật giáo Việt Nam gọi học phái Phật giáo này của Trung quốcTịnh độ, thế nhưng tên gọi từ chương bằng tiếng Hán lại là "Tịnh thổ" (浄土), tịnh có nghĩa là tinh khiết, thổ có nghĩa là đất hay lãnh thổ. Các ngôn ngữ Tây phương gọi Phật giáo này là Pure land Buddhism hay Ếcole de la Terre pure. Cách gọi Tịnh độ trong tiếng Việt không được biết rõ đã được nêu lên lần đầu tiên trong kinh sách nào và vào thời đại nào. Lý do về sự thay đổi tên gọi này phải chăng có thể là vì chữ "thổ" kém thanh tao nên đã được thay bằng chữ "độ"? Cách gọi Tịnh độ với ý nghĩa từ chương là "sự cứu độ tinh khiết" dường như không nói lên được một ý niệm rõ rệt nào cả.

 

            Sở dĩ dài dòng như vậy là để cùng với độc giả phiêu lưu với một đường hướng biến dạng của Phật giáo trong thung lũng sông Hằng xuyên qua không gianthời gian. Đến đây chúng ta hãy trở lại với chủ đích của nhà sư Sangharakshita khi ông nêu lên hai học phái Zen và Shin của Phật giáo Nhật bản. Hai học phái này biểu trưng hai khía cạnh nổi bậttiêu biểu nhất trong việc tu tập Phật giáo nói chung: học phái Zen chủ trương sự "tự lực", có nghĩa là nhờ vào sức cố gắng của chính mình, trái lại học phái Shin dựa vào "tha lực", có nghĩa là mong cầu và chờ đợi một sức mạnh cứu độ từ bên ngoài chính mình.  

 

***

 

            Đối với Phật giáo nói chung, hai học phái Zen và và Shin của Nhật bản biểu trưng cho hai phương pháp tiếp cận (tu tập) khác nhau. Zen phản ảnh một quyền lực cá nhân (personal power) gọi là jiriki (là một thuật ngữ Phật giáo Nhật bản, nói lên sự "tự lực" / one's own strength, tự mình đạt được sự giải thoátgiác ngộ bằng sức cố gắng của chính mình), có nghĩa là tùy thuộc vào con người của mình. Trong khi đó Phật giáo Shin (Tịnh độ nói chung), nhất là Phật giáo Jodo Shinshu (Tịnh độ Chân tông) lại dựa vào một quyền lực bên ngoài là tarika ("tha lực"), trong trường hợp này là quyền lực tâm linh của Phật A-di-đà (Amitaba), còn gọi là vị Phật của ánh sáng vô lượng. Hai phương cách tiếp cận trên đây thường được xem là đối nghịch nhau và cùng loại trừ lẫn nhau. Điều đó có nghĩa là một khi đã bước theo đường hướng [tu tập] này (Shin) thì các bạn sẽ không thể nào cùng lúc bước theo đường hướng kia (Zen) được. Nói một cách khác là các bạn hoặc phải dựa vào sức cố gắng của riêng mình hoặc dựa vào một sức mạnh khác hơn (nhưng không thể nào có thể ôm đồm được). Thế nhưng Phật giáo lại thường được xem như là một tín ngưỡng dựa vào sự cố gắng mang tính cách cá nhân (tự biến cải chính mình), hơn là sự gạt bỏ chính mình (để hướng vào một sức mạnh tâm linh bên ngoài. Nếu chủ trương việc tu tập là một sự cố gắng cá nhân thì trong trường hợp này có thể hiểu Phật giáo như là một tín ngưỡng "nổi loạn", nổi loạn trước sự u mê, thiển cận, tham lamthèm khát của chính mình, trái lại nếu chủ trương việc tu tập là sự cầu xin và được phù hộ, thì có thể hiểu Phật giáo như là một tín ngưỡng ngoan ngoãn và thuần phục). Thế nhưng điều đó cũng không hoàn toàn đúng như vậy. Kinh sách Phật giáo nêu lên ảnh hưởng lợi ích tỏa ra từ các vị Phật và các vị Bồ-tát (chẳng hạn như Phật A-di-đà và Bồ-tát Quán Thế Âm là các nhân vật huyền thoại, thế nhưng đã tạo được những xúc cảm thật mạnh đối với nhiều người). Đôi khi người ta gọi các ảnh hưởng lợi ích ấy là các "âm ba phù hộ" (wave of grace) và cho rằng các âm ba rung động đó tỏa ra từ các vị Phật và các vị Bồ-tát từ khắp phương trời thiêng liêng, và chỉ những người có một khả năng thụ cảm bén nhạy mới cảm nhận được mà thôi.      

 

            Trên căn bản, các âm ba phù hộ đó dâng lên từ bên trong con người của mình, thế  nhưng cũng không phải là qua con người [bình dị] giúp mình nhận biết các cảm nhận thường tình  [trong cuộc sống]. Các âm ba phù hộ đó chỉ có thể dâng lên tử những nơi thật sâu thẳm, hoặc hiện xuống từ những cõi thật cao, tất cả đều tùy thuộc vào khả năng cảm nghĩ của các bạn. Khả năng tri thức thông thường của chúng ta không thể nhận biết được các âm ba phù hộ đó, thế nhưng qua một góc nhìn khác hơn thì các âm ba ấy lại chính là thành phần của con người mở rộng của chính mình (xin bái phục nhà sư Sangharakshita về sự giải thíchmô tả thật rõ ràngchính xác về một thể dạng tâm lýtâm linh vô cùng tinh tế là sự "phù hộ". Tuy nhiên dưới một góc nhìn hoàn toàn  "vô thần" thì các "âm ba phù hộ" cũng có thể hiểu như là sự "dẫn dắt" của nghiệp quá khứ, hoặc là các sự "xui khiến" và "đưa đẩy" một cá thể tiếp xúc với các cơ duyên thuận lợi do chính cá thể ấy tự tạo ra cho mình qua các hành động, ngôn từtư duy tích cực của chính mình trong hiện tại. Qua một góc nhìn khác thì các "âm ba phù hộ" cũng có thể là các xúc cảm sâu kín hiện lên từ bên trong tâm thức và con tim của một con người biết "mở rộng" chính mình với chư Phật, chư Bồ-tát, với thiên nhiên, sự sống và tất cả chúng sinh, và cũng có nghĩa là một con người đã đạt được một cấp bậc nào đó của sự giải thoát).  

 

            Người bồ-tát phối hợp cả hai phương cách tiếp cận trên đây, có nghĩa là vừa tu tập bằng sự chịu đựng (kshanti / nữ tính) và cả nghị lực (virya / nam tính).  Trong cuộc sống tâm linh kể cả cuộc sống thế tục cũng vậy, đôi khi cũng phải bám víu và cố sức, hoặc dấn thân và tranh đấu. Ngược lại trong một số các trường hợp khác thì tốt hơn nên buông xả, có nghĩa là cứ mặc cho mọi sự diễn tiến một cách tự nhiên, cứ để chúng xảy ra như thế nào cũng được. dù là một sự sa lầy (càng tìm cách chống lại sự vận hành của mọi hiện tượng do cơ duyênđiều kiện tạo ra chúng sẽ là cách càng khiến cho tác động của nghiệp trở nên phức tạp hơn, gây ra nhiều khó khăn hơn, chỉ khi nào nhìn thấy được đường hướng vận hành của nghiệp thì khi đó phải cố gắng và ra sức hóa giải nó, hoặc chuyển hướng nó theo một chiều hướng tích cực hơn). Tuy nhiên cũng phải ý thức được là khi nào phải chọn cách này hay cách kia (cố gắng hay buông xả). Thế nhưng thông thường thì tốt hơn là nên thận trọng, trong các bước đầu tu tập phải dự trù thật nhiều cố gắng, tức là phải phát huy phẩm tính virya, thật vậy sự cố gắng lúc ban đầu thật hết sức cần thiết. Sau khi phát động được sự cố gắng trong các bước đầu thì sau đó chúng ta mới có đủ khả năng tạo được cho mình một sự tin tưởng vững chắc hơn về một sức mạnh thiêng liêng hiện ra với mình từ bên ngoài chính mình, hoặc ít ra cũng là từ bên ngoài con người mang khả năng ý thức [hạn hẹp] này của mình trong hiện tại. Nếu khởi đầu việc tu tập bằng cách dựa vào kẻ khác (tức là tha lực) quá sớm thì sẽ có thể tạo ra tình trạng hoàn toàn tách rời mình ra khỏi cuộc sống tâm linh của mình (sự nhận xét này của nhà sư Sangharakshita quả thật sâu sắc: lệ thuộc quá đáng vào sự phù hộ hay đức tin là cách "hướng" ra bên ngoài, cách tu tập đó không phải là cách biến cải con người của mình giúp mình thăng tiến trên đường tu tập, mà có thể chỉ là một sự tàn phá chính mình, một hình thức bế tắc hơn là một sự mở rộng. Sau khi cố gắng đạt được một cấp bậc nhận thức nào đó về hiện thực thì một sự mở rộng sẽ hiện ra với mình, giúp mình cảm thụ được những gì thiêng liêng hơn hiện lên từ bên trong chính mình và cả bối cảnh không gian bên ngoài).

 

            Tại Ấn độ, người ta thường ví việc tu tập trên đây với việc chèo thuyền. Lúc mới bắt đầu chèo thì phải ra sức thật nhiều, nhất là nếu phải chèo ngược dòng. Thế nhưng khi đã ra được giữa dòng thì khi đó chúng ta sẽ căng buồm và gió sẽ đưa thuyền lướt sóng dễ dàng hơn. Cũng vậy, lúc mới bắt đầu tu tập thì phải luôn cần đến thật nhiều cố gắng, thế nhưng đến một lúc nào đó thì chúng ta sẽ tiếp xúc được với các sức mạnh được xem là cao hơn chính mình, Thế nhưng dưới một góc nhìn khác thì các sức mạnh đó cũng là thành phần nơi con người của chính mình nhưng to lớn hơn, và các sức mạnh đó cũng đang trên đà chuyển hóa chính mình để biến mình trở thành con người to lớn đó. 

 

Hai khía cạnh năng động và thụ cảm trong cuộc sống tâm linh

 

            Trước khi kết luận, tôi xin mạn phép trở lại một điểm đã được nói đến trên đây, đó là cách mà tôi gọi sự năng động trong cuộc sống tâm linh là "nam tính" và sự thụ cảm là "nữ tính". Đó cũng chỉ là cách mượn phương tiện thuật ngữ để gợi lên một phần nào ý nghĩa mang tính cách ẩn dụ, nhưng không diễn tả hết được sự sâu sắc. Thật ra trên thực tế có một sự tương liên (trùng hợp, tương kết) rõ rệt giữa nam tính và nữ tính trong các lãnh vực sinh học và tâm lý học, kể cả trong lãnh vực tâm linh. Dầu sao cũng nên hiểu rằng người bồ-tát có khả năng kết hợp được cả hai thứ ấy (ngưởi bồ-tát hàm chứa thật nhiều nghị lực tức là nam tính, nhưng cũng vừa kiên nhẫn và có sức chịu đựng thật cao, tức là nữ tính). Điều đó có vẻ khá lạ lùng, dầu sao người ta vẫn có thể hình dung người bồ-tát mang tính cách lưỡng tính trên cả hai phương diện tâm linhtâm lý, điều đó cũng có nghĩa là người bồ-tát kết hợp được nam tính và cả nữ tính ở các cấp bậc cảm nhận khác nhau trong cả hai lãnh vực tâm lýtâm linh (trên phương diện tâm lý người bồ-tát là một người nhiều kiên nhẫn, dịu dànghòa nhã, trên phương diện tâm linh là một một người can trường, có một sức cố gắng phi thường). Điều này nổi bật trong nghệ thuật ảnh tượng (iconography / nghệ thuật biểu trưng bằng điêu khắc, tranh vẽ , v,v.). Quả hết sức khó phân biệt nam tính hay nữ tính trong một số ảnh tượng biểu trưng nhân dạng các vị Phật và các vị Bồ-tát, (chẳng hạn như Bồ-tát Quán Thế Âm là nam giớí nhưng lại thường được biểu trưng bởi một người phụ nữ. Tùy theo các nền nghệ thuật khác nhau một số các pho tượng biểu trưng Đức Phật cho thấy mặc áo rất mỏng ôm sát vào người, nhưng thật khó hình dung được cơ quan nam tính. Xin xem hình bên dưới).

 

 

H 11 H 22  H 33 và 4

 

H.1: Tượng Phật đứng, sa thạch, nghệ thuật Mathura, thế kỷ thứ V triều đại Gupta, chiều cao 142cm,  Bảo tàng viện Guimet, Paris.

H.2:  Pho tương Phật trên đây được sao chép và tái tạo, và đã được đặt bên trong dinh Rashtrapati Bhavan của các vị tổng thống Ấn độ tại thủ đô New Delhi

Nghệ thuật Mathura (tên một thị trấn thuộc phía Tây thung lũng sông Hằng) là một trong số các ngành nghệ  thuật tạc tượng sớm nhất biểu trưng hình dạng Đức Phật, ảnh hưởng từ nghệ thuật tạo hình của Hy Lạp,

H.3 4: Tượng Phật đứng bằng đồng, nghệ thuật Đồng Dương, Quảng Nam, thế kỷ VIII-IX, chiều cao 119cm, được khám phá năm 1911. Bảo  tàng viện Lịch sử, TP Hồ Chí Minh. (Hình internet và tư liệu riêng do người chuyển ngữ ghép thêm)

 

            Ý niệm, nhưng cũng có thể xem là lý tưởng, về sự lưỡng tính trong lãnh vực tâm linhtâm lý trên đây có vẻ khá xa lạ đối với thế giới Tây phương hiện đại ngày nay. Thế nhưng ý niệm này cũng đã từng được nêu lên trong các giáo phái xưa gọi chung là Ngộ giáo (Gnosticism, là một trào lưu tín ngưỡng gồm nhiều giáo phái khác nhau, xuất hiện vào khoảng các thế kỷ thứ II và III trong đế quốc La-mã, và được xem là dị giáo hay tà giáo, có nghĩa là khác với Ki-tô giáo). Một trong số các dị giáo (heretical sects) này xuất hiện vào thời kỳ Ki-tô giáo mới bắt đầu được hình thành, và trong quyển Phúc âm theo thánh Tôma (Thomas), một trước tác mang tính cách khả tri (gnostic / sự hiểu biết thần bí) tìm được tại Ai-cập năm 1945, trong đó gồm tất cả 112 (hay 114?) câu thần bí được xem là do chính chúa Giê-su thuyết giảng sau khi sống lại (phục sinh). Trong số này có một câu đáng lưu ý hơn cả, đó là câu 23 (hay 22?):

 

"Chúa Giê-su nói như sau:

Khi nào làm cho hai trở thành Một, thì bạn cũng sẽ làm cho bên trong giống như bên ngoài,

bên ngoài giống như bên trong,

phía trên giống như phía dưới.

Khi nào làm cho nam tính và nữ tính trở thành Duy nhất,

thì sẽ khiến nam tính không phải là người nam và nữ tính sẽ không phải là người nữ,

Khi nào bạn có mắt trong mắt của bạn,

có tay trong bàn tay của bạn, có chân trong bàn chân của bạn,

có tượng thánh trong tượng thánh của bạn, thì khi đó bạn sẽ bước vào Vương quốc [của Ta].

 

            Chúng ta có thể nhận thấy ngay ý nghĩa sâu xa và tầm quan trọng của câu giảng trên đây. Đối với Phật giáo, lý tưởng hay khái niệm, kể cả việc tu tập, về sự lưỡng tính tâm linh được đặc biệt nêu lên trong các kinh Tantra (kinh điển của Kim cương thừa). Trong các kinh này Phật tính và cả sự Giác ngộ được biểu trưng bởi sự kết hợp hài hòa giữa Trí tuệlòng Từ bi. Trong sự kết hợp đó phẩm tính kshanti, tức là thể dạng "nữ tính" trong cuộc sống tâm linh sẽ trở thành Trí tuệ siêu nhiên, trong khi đó nghị lực, tức là phẩm tính virya hay thể dạng "nam tính", sẽ trở thành lòng Từ bi. Cả hai cùng đạt được các cấp bậc cao nhất và tinh tế nhất của sự hoàn hảo (paramita). Do vậy, trong Phật giáo Tantra (Kim cương thừa hay Phật giáo Tây Tạng) người ta thường thấy nêu lên hình ảnh một vị Phật huyền thoại phối hợp tính dục với một hình ảnh biểu trưng, và hình ảnh này đôi khi được hình dung bằng một thể dạng đối nghịch mang tính cách nữ tính. Tuy là hai cách biểu trưng khác nhau (nam và nữ tính),  thế nhưng không phải là hai người khác nhau. Chỉ có một con người duy nhất, một con người đã đạt được giác ngộ. Nơi con người đó lý trí và xúc cảm, cũng như Trí tuệlòng Từ bi cùng hợp nhất với nhau. Các cách biểu trưng trên đây được gọi là yab-yum (tiếng Tây Tạng), yab có nghĩa là cha, yum có nghĩa là mẹ. Trong thế giới Tây phương các hình ảnh này đôi khi được xem là khiếm nhã hay phỉ báng, thế nhưng tại Tây Tạng hình ảnh này mang tính cách vô cùng thiêng liêng, không dính dáng gì với các chuyện tính dục theo ý nghĩa thông thường, mà trái lại là cách biểu trưng một sự kết hợp ở cấp bậc tối thượng, một sự cân bằng giữa "nữ tính" và "nam tính", giữa Trí tuệlòng Từ bi, và đó cũng chính là lý tưởng của sự Giác ngộ.     

yab-yumSự kết hợp yab-yum giữa Trí tuệlòng Từ bi

(hình Encyclopeda Britanica, do người chuyển ngữ ghép thêm)

 

 

                                                                                                                        Bures-Sur-Yvette, 13.04.21

                                                                                                                         Hoang Phong chuyOang Phong chuyển ngữ

 

(hết chương V)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
20/01/2014(Xem: 16681)
18/05/2017(Xem: 20720)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.