Thư Viện Hoa Sen

Bài 39 - Dhyana thứ hai

16/04/20214:56 SA(Xem: 6054)
Bài 39 - Dhyana thứ hai

LÝ TƯỞNG CỦA NGƯỜI BỒ-TÁT
The Bodhisattva Ideal

***
Urgyen Sangharakshita
Hoang Phong chuyển ngữ

  

Chương VI

Trước Ngưỡng Cửa Giác Ngộ

 

Bài 39

Dhyana thứ hai

 

Dhyana thứ hai

 

            Trong dhyana thứ hai, sự sinh hoạt duy lý của tâm thức (discursive mental activity) tan biến. Đó là một thể dạng [tâm thần] mà người ta không suy nghĩ gì nữa cả. Nhiều người cho rằng tình trạng đó quả đáng kinh sợ, tương tự như không còn một tư duy nào nữa, không còn hiện hữu nữa. Dầu sao cũng nên hiểu rằng người ta có thể hoàn toàn giữ được sự tỉnh giác, chú tâmý thức, thế nhưng hoàn toàn không có một sự sinh hoạt tâm thần duy lý nào cả. Trong dhyana thứ hai, toàn thể tri thức ở vào một cấp bậc thật cao, giúp chúng ta trở nên linh hoạt (bright, brisk / vif / bén nhạy , sinh động) hơn nhiều so với những lúc bình thường, nhất là sáng suốt, tinh khiết và rạng ngời hơn. Các luồng năng lực tâm lývật lý h theo đó cũng trở nên cô đọng và hợp nhất hơn, nhờ đó các cảm giác dễ chịu (pleasant feeling) trên cả hai phương diện vật lý (thân thể)tâm thần sẽ bền vững hơn. .    

 

Dhyana thứ ba

 

            Trong dhyana thứ ba, các cảm giác dễ chịu về mặt vật lý tan biến hết. Tâm thức lắng vào một thể dạng phúc hạnh (felicity), thế nhưng thân thể sẽ không cảm nhận được thể dạng này, lý do thật dễ hiểu, đó là vì sự chú tâm bắt đầu dần dần rút ra khỏi thân xác (các sinh hoạt duy lý của tâm thần chấm dứt, không còn hướng vào các cảm nhận vật lý nữa). Điều đó tương tự như sự ý thức về thân thể mình đang ở vào một nơi nào khác, nằm bên ngoài sự cảm nhận của mình, thay vì thuộc vào vị trí trung tâm như trong tường hợp bình thường (trong những lúc bình thường sự ý thức về thân thể mình xuyên qua các cơ quan giác cảm khiến mình thường xuyên cảm thấy thân thể mình là trung tâm của con người mình). Duy nhất chỉ có niềm phúc hạnh tâm thần là còn tồn tại tương tự như trong các giai đoạn trước đó, thế nhưng sâu đậm (intense) hơn nhiều.

 

 Dhyana thứ tư

 

Một sự thay đổi khác sẽ hiện ra khi dhyana thứ tư bắt đầu xuất hiện. Trong thể dạng này, ngay cả sự cảm nhận tâm thần về niềm phúc hạnh trước đây cũng sẽ tan biến hết. Điều đó không có nghĩa là rơi vào một sự bất hạnh hay bất an nào cả, mà đúng hơn là tâm thức bắt đầu vượt lên trên sự thích thú và cả đớn đau. Điều này có vẻ khó hiểu, chẳng qua là vì chúng ta không sao tránh khỏi ý nghĩ cho rằng không còn cảm thấy dễ chịu và cả đớn đau là một thể dạng trung hòa, xám xịt. Điều đó đó hoàn toàn sai. Trong dhyana thứ tư tâm thức vượt cao và xa hơn niềm phúc hạnh tâm thần trong dhyana trước đó, và sẽ lắng sâu vào một thể dạng thanh thản (equanimity / tiếng Phạn là Upeksa, tiếng Pali là Upekkha, kinh sách Hán ngữ gọi là "xả", là một thể dạng thăng bằng, thanh thản, thoát khỏi mọi sự nhận địnhbám víu. Sự thanh thản là thể dạng thứ tư trong "Bốn thể dạng vô biên của tâm thức", tiếng Phạn gọi là Apramana, tiếng Pali là Apparamanna, kinh sách Hán ngữ gọi là  "Tứ vô lượng tâm"). Quả là một điều thật lạ lùng, người ta có thể khẳng định thể dạng thanh thản (trong thiền định) dễ chịu (pleasant /agreable) hơn cả các thể dạng dễ chịu của tâm thần. Thể dạng thanh thản đó sâu xa hơn các thể dạng tạo ra bởi sự thỏa mãn các thứ thèm khát, bởi vì sự thanh thản đó là cả một sự an bình tích cực, tuyệt vời hơn nhiều so với thể dạng phúc hạnh. Trong dhyana thứ tư, toàn thể năng lực của cơ thể đều được hội nhập, tạo ra một sự hài hòa và thăng bằng về cả hai mặt tâm thần  và tâm linh.

 

            Các dhyana trên đây tạo ra các cảm nhận thật dễ chịu, vì thế nếu không cố gắng làm hiện lên với mình các dhyana đó thì quả là điều đáng tiếc. dù rằng trên phương diện thực hành đôi khi có thể gặp phải ít nhiều khó khăn đi nữa. Vấn đề là do sự lo âu mà ra cả (lo sợ các thể dạng thiền định sẽ hiện ra với mình mà mình chưa hề biết trước là gì). Trong các thể dạng cao siêu đó [của tâm thức], tất cả các tín hiệu tạo ra bởi các giác quanchúng ta đã quen thuộc đều tan biến hết. Chúng tathể không ý thức được hết mức độ thoải mái trong thế giới vật chấtPhật giáo gọi là kamaloka (kama có nghĩa là đói khát hay thèm khát, loka là nơi chốn hay lãnh vực, komaloka là thế giới của sự thèm khát, kinh sách Hán ngữ gọi là cõi tham dục hay cõi đói khát, là một trong ba cõi thấp nhất của sáu cõi luân hồi. Thế nhưng chúng ta lại cảm thấy vô cùng "thoải mái" trong thế giới đó, bởi vì chúng ta đã quen thuộc với các sự cảm nhận giác quan cùng các sự thúc dục và đòi hỏi của các thứ bản năng trong cuộc sống thường tình). Thế nhưng khi chúng ta bắt đầu hòa nhập vào thể dạng mà trong đó chúng ta không còn cảm nhận được bất cứ một thứ gì cụ thể nữa (tangible / có thể nắm bắt hay hình dung được), có nghĩa là không còn nghe thấy, trông thấy, cảm thấy bất cứ gì nữa, tất cả các tín hiệu quen thuộc [của các cơ quan giác cảm] bắt đầu tan biến hết, thì khi đó chúng ta sẽ có thể cảm thấy bất an, điều đó sẽ ngăn chận sự thăng tiến [trong việc luyện tập] của mình. Chúng ta chỉ muốn bám vào những gì quen thuộc hơn với mình, tất cả cũng chỉ vì tính cách hấp dẫn của chúng. [Chúng ta có thể tự hỏi] nếu không còn một giác cảm quen thuộc nào nữa cả thì rồi đây sự sống sẽ ra sao? Phải chăng chúng ta nghĩ rằng mình sẽ hoàn toàn bị tan rã? Đấy chính là nguyên nhân mang lại cho mình sự sợ hãi.       

 

            Thật vậy, hòa nhập vào dhyana thứ ba và thứ tư có nghĩa là hòa nhập vào một thể dạng trong đó không còn các cảm nhận giác cảm nữa, thay vào đó là sự cảm nhận rupaloka (rupa có nghĩa là hình tướng; loca có nghĩa là cõi hay thế giới, xin mạn phép nhắc lại trong bài 38 trước đây và trong bài này, nhà sư Sangharakshita giảng về bốn dhyana hay bốn thể dạng thiền trong thế giới hình tướng), sự cảm nhận về thế giới mang tính cách mẫu mực (archetype / khuôn mẫu, lý tưởng), sự cảm nhận đó hoàn toàn vượt lên trên các cảm nhận trong cõi kamaloka (cõi đói khát hay "dục giới", đã được nói đên trên đây). Thế nhưng khi nào chưa cảm nhận được rupaloka (thể dạng thiền thuộc thế giới hình tướng), thì khi đó người ta vẫn chưa hiểu được thật sự nó là gì. Chỉ khi nào tạo được sự cảm nhận về rupaloka - nhất là khi vừa mới bắt đầu thoát ra khỏi các cảm nhận giác cảm thường tình [trong cõi kamaloka] - thì khi đó các thể dạng cảm nhận ấy (về thế giới rupaloka hay sự cảm nhận của thiền định trong thế giới hình tướng) mới làm phát sinh ra sự lo âu.  .   

 

            Chúng ta thường hay cảm thấy sợ hãi trước một cảnh huống xa lạ với mình, chẳng hạn như lần đầu tiên bước chân vào một xứ sở xa lạ, hoặc  tiếp xúc với một người mà mình chưa bao giờ quen biết, hoặc phải bắt tay vào một dự án mới. Bất cứ gì đưa mình vào một lãnh vực khác thường tạo ra cho mình cảm tính lo lắng, có thể xem như là cả một sự sợ hãi. Tuy nhiên dưới một góc nhìn khác thì điều ấy rất lành mạnh, cho thấy chúng ta đang bước vào một lãnh vực mà mình chưa biết, hoặc chỉ nghe nói đến (khiến mình phải cẩn thận hơn). Trên phương diện thực hành, sự chuyển tiếp từ kamaloka (cõi thèm khát các giác cảm, còn gọi là dục giới) sang rupaloka (cõi hình tướng, các thể dạng cảm nhận dhyana trong phép thiền định) không xảy ra một cách đột ngột. Vào một lúc nào đó  (trong lúc hành thiền) chúng ta đặt một chân trong thế gìới này (kamaloka) và một chân trong thế gìới kia (rupaloka), nếu có thể nói như vậy. Chúng tacảm tưởng dường như các giác cảm chưa hoàn toàn biến mất nhưng đồng thời các cảm nhận dhyana đã bắt đầu thoáng hiện, tương tự như các tia nắng xuyên qua một lớp nước thật sâu.

 

Hình ảnh biểu trưng cho bốn dhyana

 

            Nhằm mô tả bốn dhyana trên đây Dức Phật mượn một số hình ảnh để nêu lên bốn sự tương đồng giữa các hình ảnh ấy với các thể dạng dhyana. Tuy đơn giản thế nhưng các hình ảnh so sánh đó rất rõ ràng:  :  

 

Dhyana thứ nhất

 

            Đối với dhyana thứ nhất, Đức Phật nêu lên hình ảnh một nguời chuyên lo việc tắm rửa, người này vốc một nắm bột xà-bông, một thứ bột lấy từ các quả khô của một loại cây, rất thông dụng vào các thời kỳ xa xưa tại Ấn độ, và cả ngày nay vẫn còn dùng. Người này khuấy bột xà-bông trong một ít nước, nhào nặn và nắm lại thành một nắm, bột xà bông hoàn toàn ngấm trong nước, không còn có thể hút thêm một giọt nước nào nữa, đồng thời cũng không còn lại một hạt xà-bông nào không hòa tan với nước. Đức Phật bảo rằng sự cảm nhận về dhyana thứ nhất cũng tương tự như vậy (sự tập trung và hợp nhất toàn thể năng lực của một cá thể, nói một cách khác là sự chú tâm cao độ và hoàn hảo).   

 

Dhyana thứ hai

 

            Đức Phật cho biết dhyana thứ hai tương tự như một cái hồ thật lớn, không có con sông hay con suối nào đổ vào hồ cả. Thế nhưng tại trung tâm, từ đáy hồ một mạch nước tinh khiết, thật trong và mát tuôn lên, hòa lẫn với nước trong hồ (sự xuất hiện của một thể dạng tri thức sáng suốt, tinh  khiết và rạng ngời).

 

Dhyana thứ ba          

 

            Đức Phật lại tiếp tục mượn hình ảnh chiếc hồ để mô tả dhyana thứ ba. Dưới đáy hồ mọc lên thật nhiều hoa sen đủ màu: đỏ, xanh, trắng, vàng. Các đóa hoa sen cùng với rễ, thân và lá đều ngập trong nước. Mỗi cánh hoa đều ngậm nước và chìm trong nước. Đức Phật cho biết cảm nhận về dhyana thứ ba cũng tương tự như vậy (trong dhyana thứ ba duy nhất chỉ còn lại một niềm phúc hạnh tâm thần tỏa rộng).

 

Dhyana thứ tư

 

            Đối với dhyana thứ tư Đức Phật nêu lên hình ảnh một người đang tắm giữa trời, trong một con suối hay trong một bể nước, vào một ngày nóng bức. Từ các thời kỷ xa xưa và cả ngày nay, người ta vẫn thường thấy những cảnh tắm rửa như vậy khắp nơi trên đất Ấn. Sau khi tắm xong người này bước ra khỏi con suối hay bể nước, cảm thấy sạch và mát mẻ. Anh ta lấy một tấm khăn trắng thật lớn quàng lên khắp người. Hình ảnh của người này sau khi tắm mát, ngồi im và quấn toàn thân trong một chiếc khăn trắng là sự cảm nhận dhyana thứ tư (mọi sự cảm nhận - kể cả niềm phúc hạnh tâm thần - đều tan biến hết, một sự thanh thản (upeksa / equanimity / xả) hiện ra, vượt lên trên các cảm nhận thích thú và cả đớn đau)

 

            Các hình ảnh trên đây tự chúng cũng đã đủ gợi lên thật rõ ràng bản chất của sự cảm nhận về các thể dạng dhyana, tuy nhiên chúng ta cũng có thể mượn các hình ảnh đó để phân tích thêm trên phương diện tâm lý. Trong hình ảnh thứ nhất, nước và bột xà-bông là hai thành phần hoàn toàn khác nhau, một ở thể dạng khô và một ở thể dạng ngấm nước, hai thể dạng đó biểu trưng cho năng lực của tâm thức nhận biết (conscious mind / esprit conscient) ở thể dạng bị phân tán, và sau khi đã được nhào nặn thì sẽ trở thành hợp nhất, nói lên sự hội tụ và hòa nhập của tất cả các luồng năng lực.    

 

            Hình ảnh thứ hai cho thấy năng lực của thành phần tâm thức siêu-ý-thức (supra-conscious mind) dâng lên từ tâm thức nhận biết sau khi đã được hợp nhất, điều đó cũng tương tự như nước mát và trong suốt cuồn cuộn dâng lên từ một nơi thật sâu giữa đáy hồ.  

           

            Khi các luồng năng lực của tri thức siêu-ý-thức dâng trào thì chúng sẽ thấm đượm và chuyển hóa hoàn toàn năng lực của tâm thức nhận biết, tương tự như các cành hoa sen, cả rễ, lá, búp và các cánh hoa, tất cả đều ngập chìm trong nước.  

 

            Sau hết, các năng lực siêu-ý-thức không những thấm sâu vào tâm thức mà còn bao trùm tất cả, tương tự như một người vừa tắm mát xong, quấn toàn thân trong một chiếc khăn trắng. Trong dhyana thứ hai, tâm thức siêu-ý-thức, biểu trưng bởi nguồn nước ngầm trong đáy hồ dâng lên bên trong tâm thức siêu-ý-thức đó. Dù bằng cách này hay cách khác thì chúng ta đều cần phải tạo được cho mình một ý niệm nào đó về các thể dạng tâm thức mà mình mong muốn đạt được trong lúc hành thiền (nghĩ đến các thể dạng đó trong lúc thiền định). Mục đích đạt được bốn dhyana trong thế giới hình tướng giữ một vị trí trung tâm trong việc luyện tập thiền định. Thật ra mục đích đó cũng thật chủ yếu trong cuộc sống tâm linh của mình: sự cảm nhận năng động (dynamic experience) đó không chỉ giới hạn trong những lúc thiền định [mà cả trong sự sinh hoạt hằng ngày]. Chúng ta có thể tạo cho mình các cảm nhận dhyana trong bất cứ cảnh huống nào:  trong khi ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật (một bức tranh hay một pho tượng) hoặc đang đứng trước một khung cảnh thiên nhiên, hoặc trong các dịp đàm đạo (communication / nghe giảng, thảo luận, trao đổi sự hiểu biết) về các chủ đề sâu sắc. Lý tưởng nhất đối với một người lành mạnh và tràn đầy hạnh phúc, là luôn an trú trong dhyana thứ nhất (có nghĩa là tạo được cho mình sự chú tâmtỉnh giác, phản ảnh sự tập trung và hợp nhất của tất cả các luồng năng lực nơi con người của mình).

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 11.05.21

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ

Tạo bài viết
03/03/2015(Xem: 14834)
23/06/2019(Xem: 14540)
Kính thưa quý vị khá thính giả của chương trình Phố Bolsa TV. Hiện nay tôi đang có mặt ở tỉnh Surin Thái Lan cùng đòan bộ hành với sư Minh Tuệ đi Đất Phật Ấn Độ và hôm nay nơi giữa đường thì chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp với sư Minh Tuệ. Những câu hỏi đã được tôi soạn ra trước nhưng không hề có việc gửi tới trước cho Sư hoặc là cho anh Đoàn Văn Báu (Trưởng đoàn)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.