Ngày 27-3 vừa qua, lễ trao giải Oscar lần thứ 94 được Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Khoa học Hoa Kỳ tổ chức nhằm vinh danh những bộ phim và diễn viên hay nhất trong năm 2021. Trên sân khấu, Chris Rock đảm nhận vai trò công bố người đề cử thắng giải Phim tài liệu hay nhất.
Trong lúc đưa đẩy câu chuyện, nam diễn viên đã nói rằng anh không thể chờ đợi Jada Pinkett Smith, vợ tài tử Will Smith (người sau đó nhận giải Nam diễn viên hay nhất) đóng vai chính trong bộ phim Nữ chiến binh quả cảm 2, vì cô đang cạo đầu trọc giống tạo hình G.I. Jane (Jada Pinkett Smith bị chứng rụng tóc nặng (alopecia), một chứng bệnh rối loạn hệ miễn dịch).
Từ sự cố Giải Oscar đến khủng hoảng truyền thông
Trước trò đùa thiếu tinh tế này, Will Smith đã lên sân khấu và tát thẳng mặt Chris Rock kèm theo lời cảnh cáo.
Ngay sau đó, dư luận đã chia rẽ vì sự cố này, có người bênh Will Smith vì hành động nam tính của anh, nhưng số khác lại phê phán vì hành vi bạo lực cho dù vì bất cứ lý do gì.
Will Smith ngay sau đó đã gửi lời xin lỗi công khai đến Viện Hàn lâm và Chris Rock, đồng thời xin rời khỏi vai trò thành viên Viện Hàn lâm. Anh nói rằng “hành động của tôi đã gây sốc, đau đớn và không thể lý giải được”.
Thế đấy, một câu nói đùa vô thưởng vô phạt mà gây nên phản ứng và đưa đến nhiều hệ lụy đáng tiếc ở cả hai phía.
Chúng ta biết rằng theo quan điểm nhà Phật thì có bốn loại thức ăn. Thứ nhất là đoàn thực, tức là những thức ăn đi vào miệng chúng ta. Loại thứ hai là xúc thực, chúng ta tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp qua sáu căn. Loại thức ăn thứ ba mà chúng ta có được là tư niệm thực, những ước mơ ta muốn thực hiện trong đời cũng sẽ bị ảnh hưởng. Cuối cùng là thức thực, chúng ta là biểu hiện của thức, gồm y báo và chánh báo. Nếu trong quá khứ, tâm thức ta tiếp nhận những thức ăn độc hại thì nay tâm thức ta biểu hiện ra y báo và chánh báo không lành. Nói như Thiền sư Nhất Hạnh thì “những gì chúng ta nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc, suy tư, đều như sông về biển tâm thức, kể cả những vô minh, hận thù và buồn khổ”.
Trở lại với xúc thực hôm nay, chúng ta thấy gì, nghe gì? Bao nhiêu người có thể đâm vào tim bạn bằng những lời lẽ của họ, những phỉ báng, nhận xét của họ, nhất là khi “mạng xã hội” trở thành một công cụ trao đổi, giao lưu, thông tin và bình luận. Người ta phát hiện giới trẻ thường xuyên online, nhưng lại chưa được trang bị để đối phó với sự lạm dụng, hay bị sỉ nhục, thậm chí ức hiếp. Có những trường hợp phát hiện quá muộn, gây tổn thương đến mức đem lại thảm kịch ngay trong đời thực, không còn trong thế giới ảo nữa.
Một phân tích tổng hợp cho thấy, tỷ lệ tự tử vì bị sỉ nhục trên mạng nhiều hơn đáng kể so với bị ức hiếp trực tiếp. Xử sự tàn ác với người khác thì không có gì là mới, nhưng với sự giúp đỡ của công nghệ, sự sỉ nhục ấy được cường điệu và phổ biến rất nhanh vì sự xấu hổ ở thế giới thực chỉ trong phạm vi gia đình, làng xóm, trường học hay cộng đồng xung quanh, thì ở thế giới ảo, số người có thể xúc phạm đến bạn nhiều vô kể.
Thời gian qua, có “vị đại gia” đã mượn mạng xã hội để chửi mắng, nói xấu, sỉ nhục, đe dọa người khác, kể cả những nhân vật là người của công chúng như giới nghệ sĩ chẳng hạn, về những việc làm từ thiện mà bà cho là có nhiều khuất tất về tiền bạc. Bà đưa tin không cần kiểm chứng nhằm đạt mục đích có nhiều người xem, gửi các bình luận với lời lẽ thô tục, phán quyết vô căn cứ, vô tội vạ, khơi lại các scandal cũ…
Nhiều nhà xã hội học đã lên tiếng “Chế giễu công khai là một trò chơi đổ máu cần phải dừng lại”. Vì thế, khi văn hóa sỉ nhục bắt đầu lan rộng, cái mà chúng ta cần là những chế tài hay “rào cản” văn hóa. Đã đến lúc cần có “kỷ luật” đặt ra với internet và với nền văn hóa của chúng ta. ChildLine - một tổ chức phi lợi nhuận của Anh chuyên giải quyết những vấn đề của người trẻ - đã đưa ra một thống kê đáng kinh ngạc vào những năm trước: các cuộc gọi và email yêu cầu được giúp đỡ liên quan tới xúc phạm trong thế giới ảo tăng tới 87%. Nền văn hóa sỉ nhục này làm người khác tổn thương và trả giá.
Cái giá này không đo được những gì mà các nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, các thành viên trong cộng đồng người đồng tính phải gánh chịu. Nhưng nó lại đo được ở lợi nhuận của những người săn tìm. Họ kiếm tiền bằng những cú “click”. Càng nhiều người “click” vào để xem thì càng nhiều tiền quảng cáo. Chúng ta đang ở trong một vòng tròn nguy hiểm. Chúng ta “click” vào những loại tin lá cải càng nhiều thì mối nguy hiểm chúng ta có thể gây ra cho cuộc sống của đồng loại mình càng lớn.
Những trang mạng xã hội đang trở thành một thứ công cụ hai mặt: cả tích cực và tiêu cực, phần tiêu cực không phải là ít, mà rất đáng kể. Mặt tích cực là khi người ta có không gian “mạng” để tự do ngôn luận, người ta mau mắn chia sẻ ý tưởng, thúc đẩy thông tin lan nhanh và trên diện rộng, khích lệ đổi mới, sáng tạo trong nhiều lãnh vực. Nhưng ở khía cạnh tiêu cực, người ta dễ dàng bêu rếu kẻ khác, phỉ báng, vu khống kẻ khác vì tư thù. Cư dân mạng tin và truyền đi một câu chuyện thương tâm, ngang trái nào đó được bịa đặt “post” lên facebook để câu “like”. Chưa kể ngôn ngữ hôm nay thường đi kèm hình ảnh nên hiệu ứng xã hội rất dễ lan tỏa, gây tác động lớn.
Làm sao không gây khẩu nghiệp?
Phật giáo phân ra ba nghiệp là ý nghiệp, khẩu nghiệp, thân nghiệp. Khẩu nghiệp là nghiệp do lời nói có chủ ý tạo thành. Không phải tự nhiên mà Phật khuyến khích chúng ta nói lời ái ngữ.
Chánh ngữ thuộc khẩu nghiệp. Trong ba nghiệp chướng của con người, khẩu nghiệp khó kiểm soát hơn thân nghiệp và ý nghiệp, bởi vì lời nói vô cùng phong phú đa dạng, phần lớn xuất phát và thay đổi theo trạng thái tâm lý. Các trạng thái đó lại không phải lúc nào cũng ổn định mà thay đổi thất thường, vui buồn, thương ghét chợt đến chợt đi, hôm nay là bạn bè, nhưng ngày mai lại là đối thủ. Cho nên lời nói cũng theo cái lưỡi không xương mà lắt léo: “Yêu ai yêu cả đường đi/ Ghét ai, ghét cả tông chi họ hàng”. Đức Phật đã đưa vào năm giới cấm và mười điều ác (khẩu nghiệp chiếm đến bốn, ý và thân mỗi thứ chỉ có ba) nhằm giúp chúng ta hạn chế nói năng, giải trừ ác nghiệp, vun bồi thiện nghiệp trong việc tu hành và đối nhân xử thế.
Theo Gautam Sharda, “Chánh ngữ không chỉ là lời nói đúng đắn mà nó còn là lời nói thiện lành, hòa ái. Giao tiếp bằng lời nói là điều mà chúng ta phải tham gia mọi lúc, cho dù muốn hay không thì chúng ta cũng phải giao tiếp. (…) Thực hành Chánh ngữ cũng là thực hành chánh niệm. Với sự thực hành này, chúng ta nhận thức rõ hơn về thân thể, tâm trí và cảm xúc của chúng ta. Chánh niệm giúp chúng ta dễ dàng nhận ra những gì chúng ta sắp nói, và do đó, nó cho chúng ta quyền tự do lựa chọn những gì chúng ta nói. Với chánh niệm, chúng ta học cách kiềm chế bản thân vào những lúc tức giận, thù hận và bối rối”. *
Cũng như ý nghiệp và thân nghiệp, khẩu nghiệp có thiện, ác và không thiện không ác (trung tính). Thiện nghiệp là những lời nhẹ nhàng, êm ái, hòa nhã… Ác nghiệp là những lời hung dữ, cay độc, cộc cằn, khiêu khích, đâm thọc, tráo trở, thêu dệt… Một cách để xét xem bạn có sử dụng chánh ngữ hay không là hãy dừng lại và tự hỏi trước khi nói: “Điều này nói có đúng không? Điều này nói có tử tế không? Điều này nói có ích lợi không? Có làm hại ai không? Có đúng lúc để nói điều đó không?”.
Dùng chánh niệm để củng cố thêm quyết tâm không nói điều gì gây tổn hại và chỉ nói những lời nhẹ nhàng, đã được chọn lọc có thể mang lại sự hòa hợp cho mọi người trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Qua chánh ngữ, ta có thể truyền đạt tình yêu thương, sự chân thành, là sức mạnh nền tảng của bất cứ cộng đồng, hay quốc gia nào. Đó cũng là con đường mà chúng ta hơn bao giờ hết cần đề cao và xây dựng hôm nay trong bối cảnh thời đại internet với tính hai mặt mà mặt tiêu cực hiện nay đang có phần lấn át.
* Trích từ Journal of Religion and Theology, Volume 3, 2-2019