Niệm Thân: Nhỡ Không Thấy Bất Tịnh

28/06/20225:27 SA(Xem: 4584)
Niệm Thân: Nhỡ Không Thấy Bất Tịnh

NIỆM THÂN: NHỠ KHÔNG THẤY BẤT TỊNH
Nguyên Giác

quan_than_bat_tinh (2)
Ảnh minh họa

Niệm thân bất tịnh là một thiền pháp do Đức Phật dạy trong nhiều kinh. Niệm thân bất tịnh có oai lực lớn, từ từ sẽ dẫn tới xa lìa ái dục và rồi giải thoát. Tuy nhiên, một câu hỏi có thể nêu ra: nhỡ không thấy bất tịnh thì sao, nhỡ những cái được thấy lại được nhìn như là xinh đẹp hơn thì sao? Bài viết này hy vọng sẽ bổ túc cho một số trường hợp quan tâm, và sẽ thấy Đức Phật dạy rất nhiều pháp để an tâm. Bài viết có thể có sơ sót, người viết xin được trọn lòng sám hối.

Pháp niệm thân bất tịnh có thể sẽ trở ngại đối với một số vị hàng ngày trì tụng Bát Nhã Tâm Kinh, vì trước giờ vẫn nghiền ngẫm câu “bất cấu, bất tịnh…” (không dơ, không sạch…). Khi đã nghiền ngẫm, trì tụng Tâm Kinh thì tự thân dễ trở ngại khi quán bất tịnh dù quán nơi thân mình hay thân người khác.

Trong khi đó, chúng ta đang sống trong một thời, nơi nào cũng có màn ảnh của truyền hình, vi tính, laptop và điện thoại di động. Các công ty tiếp thị khi đưa sản phẩm lên màn hình luôn luôn đi kèm với các nhan sắc tuyệt mỹ, có khi lại hở lưng, hở rún... Chúng ta bị tấn công ngay từ cái nhìn, cái nghe… dễ phân tâm, dễ loạn tâm, và dễ bị vương vấn tư lường. Chúng ta có thể nhớ tới pháp bất tịnh khi thấy cô nào hở rún, và rồi tự nhủ (đôi khi nên nói lớn để nghe cho rõ) rằng sau lớp da đó chỉ là một nồi lẩu, một bồn rửa chén hay một bồn cầu. Nhưng thực tế không dễ tí nào, vì ngay khi tắt màn hình TV, hình ảnh hở hang đó có khi vẫn còn vương vấn trong trí nhớ, có khi vài ngày sau mới quên đi (có khi cứ nhớ hoài, là thê thảm).

Những chuyện như thế không nên ỷ y. Trong Kinh AN 6:60, có kể về trường hợp Tôn giả Citta Hatthisàriputta đã hoàn tất tứ thiền bát định, nhưng rồi vẫn bị tham ái lôi cuốn, theo bản dịch của Thầy Minh Châu: “…sống giao thiệp với các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo-ni, với các nam cư sĩ, nữ cư sĩ, với các vua chúa, các đại thần của vua, với các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo. Do vị ấy sống giao thiệp, phóng túng, thô lỗ, đam mê nói chuyện, nên tham ái tấn công tâm vị ấy. Vị ấy, với tâm bị tham ái tấn công, liền từ bỏ học pháp và hoàn tục.(1)

May mắn, sau khi hoàn tục một thời gian, lại chán đời thế tục, Tôn giả Citta Hatthisàriputta xuất gia trở lại, và rồi một thời gian sau thì trở thành một vị A-la-hán. Nơi đây, chúng ta nhắc lại Kinh này chỉ là để cảnh giác, hoàn toàn không có ý nói rằng hễ ra giao thiệp trong xã hội là sẽ rơi rụng. Chỉ muốn nói rằng, khi giao tiếp, hễ sơ xuất, tất cả những cái được thấy, những cái được nghe sẽ tự mình buộc chính mình, chứ không chờ tới có ai gài bẫy mình đâu.

Trong Kinh SN 35.127 (tương đương bên A Hàm là Kinh SA-1165), Vua Udena hỏi Đại sư Piṇḍola Bhāradvāja rằng vì sao các nhà sư "trẻ tuổi này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, đầy đủ với tuổi trẻ hiền thiện, trong lúc tuổi còn thanh xuân lại không tham nhiễm dục vọng, thực hành Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh cho đến trọn đời, và sống toàn thời gian một cách hoàn mãn." (2)

Trước tiên, giải thíchĐức Phật đã dạy nên nhìn người nữ như mẹ, như chị, như con gái mình, tùy độ tuổi mà nhìn, thì sẽ không khởi bất thiện tâm. Kinh SA – 1165 viết: “Như những gì Phật, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, đã dạy các Tỳ-kheo: ‘Tỳ-kheo các ông, nếu gặp người nữ lớn tuổi thì nên coi như mẹ. Gặp người trung niên thì nên coi như chị em. Gặp người non trẻ thì nên coi như con. Vì nguyên nhân này nên các Tỳ-kheo tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu ở trong Pháp luật này sống an lạc, an ổn..." (2)

Tuy nhiên, sức mạnh của người nữ nhiều khi có sức thu hút mạnh hơn những gì chúng ta suy nghĩ, quán sát. Cho nên, Vua mới hỏi thêm, trường hợp với những người mà chúng ta nhìn như mẹ, như chị, như con gái mà vẫn bất chợt tham pháp khởi lên, thì làm sao. Bấy giờ Đại sư Bharadvāja mới nhắc lời Đức Phật dạy pháp quán bất tịnh, Kinh SN 35.127:

Thưa Đại vương, Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nói như sau: “Hãy đến, này các Tỷ-kheo, hãy quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên, trên từ đảnh tóc trở xuống, bao bọc bởi da và chứa đầy bất tịnh sai biệt. Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, bao tử, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu…”(2)

Nhưng, rủi quán bất tịnh, mà vẫn cứ thấy thanh tịnh tuyệt vời thì sao? Khi vua hỏi như thế, bấy giờ Đại sư Bharadvāja mới nhắc lời Đức Phật dạy về hộ trì các căn, trích Kinh SN 35.127:

Thưa Đại vương, Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nói như sau: “Hãy đến, này các Tỷ-kheo, hãy sống hộ trì các căn. Sau khi mắt thấy sắc, chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì đó nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên; hãy thực hành chế ngự nguyên nhân ấy, hãy hộ trì nhãn căn, thực hành hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng … khi mũi ngửi hương … khi lưỡi nếm vị … khi thân cảm xúc … khi ý nhận thức các pháp, chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng…(2)

Nơi đây, cần nói cho rõ thêm về “tướng chung, tướng riêng”… Thí dụ, như khi gặp một thiếu nữ, tướng chung (features) nơi cái được thấy là tóc dài, eo thon, dáng đi yểu điệu, nụ cười duyên dáng, vân vân; tướng chung nơi cái được nghe là giọng nói du dương, vân vân. Vẫn thí dụ đó, tướng riêng (details) là cái gì làm cô này khác các cô khác, là khi thấy hay nghe, chúng ta nhận ra đây là cô Nguyễn Thị A khác cô Trần Thị B và không nhầm với người khác. Nghĩa là, Đức Phật dạy rằng, sau khi thấy nghe hay biết, là không nắm giữ bất kỳ một tướng nào hết, là quên hết đi, là tự thấy tâm như gương sáng cứ để mặc cho hình ảnh tới rồi đi; tự thấy tâm như bầu trời, cứ mặc cho mây tụ lại rồi tan đi. Nghĩa là, tâm rỗng rang không dính một chút gì với sắc thọ tưởng hành thức; không dính chút gì với quá khứ, hiện tại, vị lai… Chính nơi Vô Tâm như thế, vô lượng thiện pháp mới hình thành, nơi “không thấy pháp nào là tịnh hay bất tịnh” vì không còn “những cái được thấy và được nghe” hiện trở lại trong tâm. Đây là Huệ Năng, là Lâm Tế, là Trần Nhân Tông.

Trong khi đó, cũng nói về pháp quán thân, trong Kinh Pháp Cú, bài Kệ 46, Đức Phật dạy quán thân như sau, bản dịch của Thầy Minh Châu:

46. "Biết thân như bọt nước,
Ngộ thân là như huyễn,
Bẻ tên hoa của ma,
Vượt tầm mắt thần chết."
(3)

Bài Kệ 46 dẫn trên nghe hiển nhiên là có văn phong của Kinh Kim Cương, của Kinh Pháp Bảo Đàn, của Bát Nhã Tâm Kinh. Điều tình cờ nữa, trường hợp vị sư trong bài Kệ 46 là một trường hợp đốn ngộ, ngay khi thấy một quáng nắng làm nhà sư chứng thực ngay được pháp ấn vô thường, vô ngã. Trong tích truyện Pháp Cú, duyên khởi cho bài kệ này là từ một nhà sư. Sau khi nhận một đề tài thiền tập từ Đức Phật, vị này vào rừng. Thầy ra sức thiền định, nhưng không thấy tiến bộ bao nhiêu, nên quyết định quay về tìm Đức Phật để xin hướng dẫn thêm. Lúc đó Đức Phật đang ở Tu viện Jetavana.

Trên đường vị sư rời khu rừng để tìm tới Đức Phật, đột nhiên nhìn thấy một ảo ảnh quang học (mirage), là một hình ảo hiện ra trên một lớp nước. Ngay khi đó, nhà sư nhận ra thân mình cũng vô ngã, cũng như huyễn y hệt như một quáng nắng. Khi giữ tâm vào tánh vô ngã của thân, nhà sư tới bên bờ sông Aciravati. Trong khi ngồi dưới một gốc cây gần sông, nhìn thấy các bọt sóng tan vỡ, nhà sư nhận ra tánh vô thường của thân.

Lúc đó, Đức Phật hiện ra trong linh ảnh và nói với nhà sư, “Con ơi, đúng như con vừa nhận ra, thân này vô thường y hệt bọt sóng và vô ngã y hệt như quáng nắng.” Rồi Đức Phật mới nói bài kệ Pháp Cú trên. Khi nghe bài Kệ xong, nhà sư đắc quả A la hán. (3)

Nơi cuối Kinh Kim Cương, ý đó nằm trong bài thơ chữ Hán, nơi đây chúng ta dịch lại như sau: “Tất cả các pháp hữu vi: đều như mộng, như huyễn, như bọt sóng, như ảnh chiếu, như hạt sương, như tia chớp. Hãy quán chiếu như thế.” Nhờ nghe Kinh Kim Cương, Lục Tổ Huệ Năng ngộ đạo. Đơn giản chỉ vì ngộ ra pháp ấn vô thường, vô ngã.

Tới đây, chúng ta nói thêm về một Kinh trong Tạng Pali, có thể gọi là một trong những kinh do Đức Phật dạy theo ngôn phong của những Lâm Tế, Trần Thái Tông. Người đương cơ là Nanda. Nếu Đức Phật trong Kinh này, lấy gậy nện cho Nanda vài gậy, là chúng ta thấy y hệt như Thiền sử Trung Hoa, Việt Nam. Kinh này là “Nanda-manava-puccha: Nanda's Questions” trong Kinh Tập, Phẩm Qua Bờ Kia. Ngài Thanissaro ghi ký số Kinh này là Snp 5.7, nhưng Sujato ghi ký số là Snp 5.8. Kinh này trong nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, nghĩa là các Kinh mà Đức Phật khi còn sinh tiền đã yêu cầu chư tăng tụng hàng ngày. Để bảo đảm là bản Việt dịch trung thực, theo sát từng chữ, chúng ta dẫn ra 4 bản Anh dịch khác nhau (nhưng phù hợp nhau), đoạn trích lời Đức Phật dạy về niệm thân (những gì thấy, nghe, hay, biết) như sau.

Trích bản dịch Thanissaro Bhikkhu: “Those here who've abandoned what's seen, heard, & sensed, precepts & practices — all — who've abandoned their manifold ways — again, all — who, comprehending craving, are effluent-free: they are the ones, I tell you, who've crossed over the flood.(4)

Bản dịch Sujato: "There are those here who have given up all that is seen, heard, and thought, and precepts and vows, who have given up all the countless different things. Fully understanding craving, free of defilements, those people, I say, have crossed the flood.(4)

Bản dịch Khantipalo Mills: “those who’ve let go of the seen, heard, and known, of rites and of vows and others—all, completely craving Known and from the inflows free— those persons I say have crossed over the flood.” (4)

Bản dịch Bhikkhu Ānandajoti: “whoever here has given up reliance on what is seen, heard, or sensed, and virtue and practices, and has also given up all the countless other ways, who, by fully knowing craving, are pollutant-free— I say those men have crossed over the flood.”(4)

Bản Việt dịch nơi đây sẽ tổng hợp, viết cho thật rõ nghĩa để nhìn thấy rằng văn phong “Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ” đã có sẵn trong lời Đức Phật dạy: “Những ai nơi đây đã buông bỏ những gì được thấy, đã buông bỏ những gì được nghe, đã buông bỏ những gì được tư lường, đã buông bỏ cả các giới luật, đã buông bỏ cả các nghi lễ tu tập, và cũng đã buông bỏ tất cả những vô lượng pháp khác nhau. Những vị đó, bằng cách hiểu rõ tận tường tâm tham, là người đã vô nhiễm --- ta nói, những người như thế đã vượt qua trận lụt.”

Đó là những pháp bổ túc, trong trường hợp quán tâm bất tịnh không khả dụng.

GHI CHÚ:

(1) Kinh AN 6:60: https://suttacentral.net/an6.60/vi/minh_chau

(2) Kinh SN 35.127: https://suttacentral.net/sn35.127/vi/minh_chau

Kinh SA-1165: https://suttacentral.net/sa1165/vi/tue_sy-thang

(3) Kinh Pháp Cú, Kệ 46: https://thuvienhoasen.org/p15a7961/pham-01-10

Tích truyện Pháp Cú: https://www.tipitaka.net/tipitaka/dhp/verseload.php?verse=046

(4) Kinh Snp 5.7, bản dịch Thanissaro: https://accesstoinsight.org/tipitaka/kn/snp/snp.5.07.than.html

Kinh Snp 5.8, bản dịch Sujato: https://suttacentral.net/snp5.8/en/sujato

Kinh Snp 5.8, bản dịch Khantipalo: https://suttacentral.net/snp5.8/en/mills

Kinh Snp 5.8, bản dịch Ānandajoti: https://suttacentral.net/snp5.8/en/anandajoti

 

 __________________________
Bài đọc thêm:
Giới Thiệu Thiền Kinh Tởm (Disgust Meditation)
Quán Bất Tịnh (HT. Thiện Hoa)
Quán Bất Tịnh (Quảng Tánh)
https://thuvienhoasen.org/a37916/quan-than-bat-tinh-de-tru-tam-ai-duc 
 
Quán Thân Bất Tịnh Là Quán 31, 32 Hay 36 Thể Trược Trong Thân? (Chúc Phú)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
09/02/2020(Xem: 18554)
28/06/2017(Xem: 10903)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.