Vượt Qua Nghịch Cảnh

26/09/20223:32 SA(Xem: 1672)
Vượt Qua Nghịch Cảnh
PHƯỚC DUYÊN
TT. Thích Chân Tính

VƯỢT QUA NGHỊCH CẢNH

Mặc dù khóa tu được tổ chức rất chặt chẽ nhưng vẫn không sao tránh khỏi một số bạn quậy phá, quấy rối trong khóa tu, và cũng có trường hợp các bạn bỏ về giữa chừng.

Theo kinh nghiệm của thầy từ các khóa tu trước, đa số các bạn mới đến đều rất nghe lời, ngoan ngoãn, dễ thương, có lẽ vì còn bỡ ngỡ trước mọi thứ ở chùa. Thế nhưng, vài ba ngày sau, khi quen người, quen cảnh, quen thầy, quen bạn rồi, cách hành xử đổi khác: các bạn ít nghe lời hơn, nhiều bạn đùa giỡn, một số bạn còn quậy phá nữa. Thực ra, đa số khóa sinh rất ham tu học, nhưng bên cạnh đó cũng còn có bạn thích quậy, khi các bạn đó phát động thì các bạn khác hưởng ứng theo. Chẳng hạn, khi các con đang ăn hay đang ngủ, tự nhiên một bạn la lên, thế là những bạn khác cũng la theo. Tình trạng này đã xảy ra trong các khóa tu trước và trong khóa tu này cũng có. Vừa rồi, một số bạn nam la lớn rồi mấy bạn khác thấy vậy cũng làm theo, gây bất ổn cho khóa tu. Đây là điều không nên.

Trong  kinh Tăng  Chi Bộ II,  đức Phật dạy: “Ví như, này các Tỳ-kheo, người vợ trẻ, trong đêm hay ngày, được đưa về nhà chồng, nàng cảm thấy hết sức xấu hổ, sợ hãi trước mặt mẹ chồng, cha chồng, trước mặt chồng, cho đến trước mặt các người phục vụ, làm công. Sau một thời gian, do chung sống, do thân mật, nàng có thể nói với mẹ chồng, với cha chồng, với chồng: Hãy đi đi, các người có biết được gì!”[4]. Tức là, lúc mới về nhà chồng, người vợ trẻ hết sức dễ thương, luôn sợ hãi, e dèxấu hổ trước mọi người bên gia đình chồng. Nhưng khi ở quen rồi thì cô không còn dễ thương nữa, ngay cả cha mẹ chồng nói cũng không nghe lời, đôi khi còn cãi lại, mắng lại. Cũng như một số bạn mới vào chùa rất dễ thương, thấy cái gì cũng lạ nên luôn rụt rè và e ngại, nhưng vài ba ngày sau là hết dễ thương, không còn nghe lời quý thầy nữa. Thầy hy vọng rằng, các con ở đây sẽ giữ mãi cái tính dễ thương ban đầu, giống như người vợ trẻ mới về nhà chồng vậy.

Quý thầy không những phải ổn định trật tự cho khóa tu, giải quyết những trường hợp các bạn quậy phá mà còn giải quyết những trường hợp các bạn bỏ về. Có nhiều lý do chủ quan khiến một số bạn chán nản bỏ tu, ra về giữa chừng. Trong đó, lý do chính là không thích ứng được với lối sinh hoạt, nề nếp, khuôn khổ của khóa tu, chẳng hạn như: thức dậy sớm; không được nói chuyện trong giờ ăn, giờ ngủ, giờ tu; sinh hoạt theo giờ giấc quy định; ngủ tập thể, ăn chay; không được dùng điện thoại di động,… Bạn nào bỏ về vì những lý do này là bạn đó chưa có đủ ý chí và tính kiên trì, nhẫn nại.

Có một câu chuyện như sau: Ngày xưa, Tôn Tẫn lên núi học đạo với Quỷ Cốc Tử, đã lâu ngày mà không thể nào hơn được người bạn tên là Bàng Quyên. Tôn Tẫn cảm thấy hổ thẹn, không muốn học nữa, cho nên chàng từ biệt thầy để xuống núi. Trên đường xuống núi, gặp một cụ già đang ngồi đục đá, chàng đến bên hỏi: “Thưa cụ! Cụ đục đá làm gì vậy?”. Ông cụ nói: “Không giấu gì anh, từ nhà tôi ra chợ phải đi vòng quanh hòn núi này, nên tôi muốn đục một con đường xuyên qua núi để đi cho gần”. Chàng trố mắt nhìn: “Đá núi thì cứng. Sức cụ thì yếu. Làm sao mà cụ đục nổi?”. Ông cụ nói: “Đá cứng nhưng chí ta còn cứng hơn”. Tôn Tẫn nghe xong rất khâm phục ý chí của ông cụ. Chàng từ biệt ông rồi tiếp tục xuống núi. Đang đi, lại gặp một bà cụ ngồi cầm thanh sắt, mài trên cục đá, chàng đến hỏi: “Thưa cụ! Cụ mài sắt để làm gì vậy?”. Bà cụ nói: “Mài sắt để làm kim”. Chàng thắc mắc: “Cụ ra chợ mua có phải khỏe hơn không?”. Bà cụ nói: “Nhà thì nghèo, đường thì xa”. Chàng hỏi: “Liệu sức cụ có thể mài nổi thanh sắt này thành kim hay không?”. Bà cụ nói: “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Nghe bà cụ nói vậy, Tôn Tẫn suy nghĩ: “Một ông cụ dám đục đá để làm đường xuyên núi. Một bà cụ dám mài thanh sắt để làm thành kim. Mình là thanh niên trai tráng mà sao ý chí lại hèn kém như thế?”. Cuối cùng, Tôn Tẫn hiểu ra, trở lên núi xin học tiếp, sau này trở thành một người rất tài giỏi và nổi tiếng.

Qua câu chuyện trên, chúng ta rút ra được bài học: Kiên trì, nhẫn nại là mẹ thành công. Chúng ta phải có ý chí, nghị lực và sự kiên nhẫn thì mới có thể thành tựu được lý tưởng của mình. Trong vài ngày đầu, các con có thể nhớ nhà hay khó chịu vì phải sinh hoạt theo khuôn khổ, sống đúng với nội quy,… nhưng nếu kiên trì vượt qua được thì sẽ quen thôi. Khi quen rồi, các con lại cảm thấy thời gian trôi qua rất nhanh. Có nhiều bạn ao ước níu thời gian lại để mình có thể ở chùa được lâu hơn. Thậm chí có những bạn sau bảy ngày mà vẫn chưa muốn về. Có bạn dự tu đợt một đã cố gắng tìm mọi cách để có thể tham dự khóa tu đợt hai. Chắc hẳn những bạn này đã thấy quen và bắt đầu cảm nhận được lợi ích của khóa tu. Vào dự Khóa tu mùa hè, các con có cơ hội để rèn luyện bản thân, biết sống tập thể, biết khép mình vào kỷ luật, không buông lung phóng túng trong việc ăn, ngủ hoặc nói chuyện thị phi. Muốn làm bánh tròn thì phải ép bột vào khuôn tròn, muốn làm bánh vuông thì phải ép  bột  vào khuôn vuông. Muốn trở thành người tốt, các con phải khép mình vào trong khuôn khổ kỷ luật.

Người Nhật Bản làm ngọc trai bằng cách dùng một con dao thật bén, mổ bụng con trai, nhét vào đó một hạt cát, khâu lại, rồi bỏ xuống biển nuôi. Những con trai sau đó sẽ rơi vào một trong hai trường hợp: Một là, những con trai yếu đuối sẽ chết vì bị vết thương làm độc. Hai là, những con trai mạnh khỏe, sau một thời gian đau đớn quằn quại vì vết thương, sẽ tiết ra một loại chất nhờn để bọc hạt cát đang nằm sâu trong bụng mình. Chính hạt cát đó sau này sẽ trở thành ngọc trai. Các con vào đây tu học cũng thuộc một trong hai trường hợp: Một là không chịu nổi bỏ về. Hai là thích ứng với hoàn cảnh, ở lại tu tập bảy ngày để tự mình cảm nhận được những giá trị của khóa tu, giống như hạt cát đã biến thành hạt ngọc trai quý giá.

Các con có biết làm cách nào mà một khúc gỗ có thể trở thành một pho tượng đẹp, có giá trị, được nhiều người cung kính lễ bái hay không? Đó là vì khúc gỗ này chịu được sự đục, đẽo, mài, dũa, sơn, phết của người thợ điêu khắc. Cũng như thế, các con muốn trở thành một người tốt, có giá trị, được mọi người kính trọng thì cũng phải kiên trì, nhẫn nại, chịu được sự đục, đẽo, mài, dũa, sơn, phết của cuộc đời.

Thầy sẽ kể cho các con nghe một câu chuyện: Có một cô gái luôn luôn than phiền rằng mọi việc cô làm đều gặp khó khăn, trắc trở. Cô không biết làm thế nào để đối phó với cuộc sống. Đôi lúc, cô chán nản, buông xuôi, không muốn làm việc gì nữa. Thế là cô đến cầu cứu người cha của mình. Cha cô là một người làm bếp rất giỏi. Ông dẫn cô đến nhà bếp và bảo cô ngồi lên một cái ghế. Sau đó, ông bắc ba nồi nước lên đun trên ba cái bếp. Đợi nước sôi, ông lấy một củ cà rốt bỏ vào trong cái nồi thứ nhất, một quả trứng bỏ vào trong cái nồi thứ hai và một ít cà phê đã xay nhuyễn bỏ vào trong cái nồi thứ ba. Sau khi nấu khoảng hai mươi phút, ông nhấc ba cái nồi xuống, vớt củ cà rốt và quả trứng ra tô, còn cà phê thì đổ vào ly. Làm xong các việc đó ông quay lại hỏi người con gái: “Con có thấy gì không?”. Cô gái trả lời: “Dạ, thấy củ cà rốt, quả trứng và cà phê”. Ông bảo con gái mình chạm vào củ cà rốt và quả trứng, lúc này củ cà rốt đã mềm, quả trứng thì cứng, rồi ông đưa cô thưởng thức  ly cà phê. Cô con gái thắc mắc hỏi: “Như vậy là sao, thưa cha?”. Người cha ôn tồn giải thích: “Ba thứ này ta đều bỏ vào nồi nước sôi, thế nhưng, kết quả có được thì lại khác nhau. Củ cà rốt vốn cứng, nhưng sau khi bỏ vào nồi nước sôi thì nó mềm đi. Quả trứng bên trong là chất lỏng, vỏ mỏng, rất dễ vỡ, nhưng sau khi bỏ vào nước sôi, nó trở nên cứng rắn. Còn cà phê thì lại bị hòa tan. Vậy, sau khi gặp phải nghịch cảnh, kết quả con sẽ như thế nào? Con sẽ là củ cà rốt, trứng hay cà phê?”.

Giả sử câu hỏi này được đặt ra cho các con, khi gặp nghịch cảnh, các con sẽ là củ cà rốt, quả trứng hay cà phê? Chắc các con đều muốn là trứng phải không? Nghĩa là trải qua nghịch cảnh, các con sẽ trở nên cứng cỏi hơn, kiên cường hơn. Trong khóa tu, nếu các con thấy mình gặp rất nhiều khó khăn, thử thách thì tức là các con đã quen với tiện nghi, sung sướng rồi. Nhưng nếu các con ở chùa lâu như quý thầy thì sẽ thấy mọi

chuyện rất bình thường. Ngày xưa, thái tử Tất-đạt-đa sống trong cung vàng điện ngọc, có vợ đẹp con xinh, hưởng thụ mọi thứ sung sướng của cuộc đời. Vậy mà Ngài đã từ bỏ hết để vào rừng tu hành, ôm bát đi xin ăn; ở hang đá, gốc cây; ngủ không có mùng mền; áo quần không cần đẹp. Thế nhưng Ngài không hề thấy khổ, mà ngược lại, Ngài còn cảm thấy có nhiều tự do, hạnh phúc vì không bị thứ gì ràng buộc.

Khi chúng ta được làm điều mình thích, điều mình muốn, điều mình cần, thì đó là hạnh phúc. Nếu cho rằng vào chùa tu là điều cần thiết và là điều mình yêu thích thì tự nhiên các con sẽ cảm thấy hạnh phúc; còn nếu cho rằng vào chùa tu là một sự bắt buộc, gò ép thì các con sẽ thấy khổ. Do vậy, trong khóa tu, các con cần tạo cho mình một ý chí, nghị lựcniềm tin; cố gắng phấn đấu, nỗ lực để thích nghi với nếp sống trong chùa, làm sao để vào chùa tu phải có lợi ích, an lạc, có sự thích thú và có được nhiều điều tốt đẹp. Được vậy thì không còn điều gì gọi là khó khăn với các con nữa. Còn bạn nào vào đây mà luôn nghĩ là mình vào chịu khó, chịu khổ, chịu cực thì chắc chắn bạn đó khó mà tu tập an lạc được, vì lúc nào cũng bận than phiền, khó chịu, bực bội và không hài lòng.

Có những bạn vào trong này thấy thích, hếtkhóarồikhôngmuốnvề, lại còn muốn dự thêm khóa nữa. Nhưng cũng có bạn mới vào buổi sáng, không hiểu sao buổi chiều đã đòi về rồi. Vì vậy mà quý thầy rất cực: buổi sáng vừa mới lo cho các con đăng ký, sắp xếp chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ tu tập, sinh hoạt ổn định xong; buổi chiều đã phải lo lấy hành lý, lo giấy tờ, thủ tục cho các con ra về. Thầy khuyên các con nên tìm hiểusuy nghĩ thật kỹ trước khi đăng ký khóa tu để tránh làm mất thời gian của mình  và dành cơ hội cho người khác. Các con cũng thấy, có nhiều bạn đến đây đăng ký tham dự không được, đành khóc mà ra về. Còn các con là người rất may mắn, có đầy đủ phước đức, nhân duyên mới được tham dự; thế mà các con lại bỏ về giữa chừng. Đôi lúc, thầy cũng rất khó xử. Nếu nhận hết những bạn đăng ký thì đông quá, chùa không có đủ chỗ ăn chỗ nghỉ, mà không nhận thì một số bạn trong khóa tu bỏ về khiến số lượng khóa sinh giảm sút, trong khi nhiều bạn muốn tu lại không được tham dự. Cho nên, các con phải cố gắng khắc phục khó khăn, vượt qua trở ngại để tham dự trọn vẹn khóa tu. Thầy hy vọng, khi gặp nghịch cảnh các con sẽ cứng rắn như quả trứng chứ không phải như củ cà rốt hay cà phê. Thầy tin tưởng rằng các con ở đây sẽ tham dự được trọn vẹn khóa tu và không ai bỏ về hết.

[4] Đại Tạng Kinh Việt Nam (1993), “Bài Kinh Người Vợ Trẻ”, Phẩm Không Hý Luận, Chương Bốn Pháp, Kinh Tăng Chi Bộ II, Thích Minh Châu dịch, NXB TPHCM.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/12/2015(Xem: 18408)
16/01/2016(Xem: 15162)
06/10/2016(Xem: 15210)
17/12/2016(Xem: 24558)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.