Thư Viện Hoa Sen

07. Binh Nghiệp

21/03/20239:13 SA(Xem: 2959)
07. Binh Nghiệp
TỰ TRUYỆN THÁNH NGHIÊM
Nguyên tác TUYẾT TRUNG TÚC TÍCH
Thích Nữ Hạnh Đoan lược dịch
Nhà xuất bản Phương Đông

Chương 7:
BINH NGHIỆP


Đài Loanhải đảo nhiều núi, có bình nguyên hẹp, trải dài từ Bắc đến Nam, rất đông dân cư trú; là vùng tập trung các khu công nghiệp.

Tháng 5 – 1949, tôi bắt đầu thụ khóa huấn luyện tân binh. Lúc đó Đài Loan không phải là một quốc gia có nền công nghiệp phát đến đỉnh điểm (như chúng ta đang nhìn thấy hiện thời). Suốt (nửa thế kỷ) khoảng thời gian từ 1895-1945, Đài Loan từng bị Nhật Bản chiếm, khi Nhật Bản thua, đầu hàng liên quân rồi; thì Đài Loan được trả về Trung Quốc. Năm 1949, Tưởng giới Thạch đem chính phủ cùng quân đội ông đến Đài Loan. Tính chung, lúc này có hơn trăm vạn dân Trung Quốc rời Đại Lục kéo sang Đài Loan. Đa số là những người giàu có, các quan viên chính phủ hoặc những quân nhân như tôi.

Cuộc đời tôi một lần nữa trải qua chuyển biến cực kỳ trọng đại: lìa xa hẳn mái nhà tranh ở cố hương, từ bỏ vùng núi Lang Sơn đầy mây bao phủ, có ngôi cổ tự thanh thoát, u nhã, được lưu truyền từ ngàn xưa, mái ngói cong vút lúc nào cũng lãng đãng sương mù, điện Phật luôn nghi ngút khói hương… Tất cả giờ bỗng hóa thành dĩ vãng…

Mặc dù cuộc sống nơi Đại Thánh Tự nhiều bon chen, lắm mệt mỏi, nhưng tháng ngày ở đó tôi còn được làm tu sĩ – Còn bây giờ, tôi chỉ là một quân nhân cận thị, bịnh hoạn, gầy yếu còm nhom như que tăm, và tôi không biết sau này mình còn gặp phải những gì?…

Chúng tôi được huấn luyện tại miền sơn cước, một vùng có nhiều núi non chập chùng cao ngất thuộc miền Bắc Đài Loan. Viên sĩ quan trưởng đoàn tuyên bố rằng: Trong tự điển của Nã-phá-luân không có từ “khó”, cho nên chúng tôi phải tập khắc phục gian nan, chịu đựng khốn khổ mà không được rên than. Chúng tôi phải tự tay chặt cây dựng nhà, cùng đánh tranh lợp mái… Tự xây dựng chỗ ăn, ngủ, cho mình; tự đóng giường, dựng phên… trồng thêm cây chung quanh… Lúc viễn hành, thì chúng tôi ngủ dưới gầm cầu, bên lề đường hay ở các nghĩa trang.

– Lục quân là bần cùng nhất! – Chúng tôi tuyệt không có được một bộ quân phục, mùa hạ thường chỉ mặc một cái quần xà-lỏn, chúng tôi gọi đây là chính sách “tam trần”: – Đầu trần, mình trần, chân trần. Vì chúng tôi luôn phải phơi mình dưới ánh nắng đổ lửa, xông pha trong mưa dầm, nên làn da đen mun giống hệt người Phi châu, chỉ có hàm răng là trắng, nổi bật. Ngày mưa là ngày tắm rửa của chúng tôi, bởi vì da chúng tôi bị ánh nắng mặt trời hun đốt, trở nên đen bóng, trơn nhẵn; vì vậy mà nước mưa có rơi xuống thân mình chúng tôi thì cũng rớt tuốt luốt hết, hệt như là gặp phải áo mưa hay đê phòng thủy vậy.

Chúng tôi không có giày để mang, nên khi lặn lội qua các chốn hoang dã, đôi chân chúng tôi nếm đủ mùi khốn khổ. Tôi lựa thứ cỏ mọc ven sông kết với loại dây thích hợp để bện làm hài; mỗi đôi hài tự tạo này có thể mang trong hai tuần. Các bạn khác không biết kết hài, tôi bảo: – Nếu các anh kiếm được vật liệu tốt, tôi sẽ bện hài giúp cho.

Có được hài, họ rất biết ân; ngỏ ý muốn tặng quà cho tôi. Tôi nói: – Tôi không uống rượu, chẳng ăn thịt. Đâu có cần mua gì! Thế là họ mua đậu phọng, bắp nướng cho tôi. Món này thông thường chỉ có Thượng úy và Trung úy mới được hưởng.

Trừ Trung úy ra, không ai có đồng hồ đeo tay, trên vách cũng không có. Chúng tôi hễ nghe tiếng quân hiệu thì thức dậy, tập luyện, ăn cơm và ngủ nghỉ.

Sáng sớm mỗi ngày, trước khi trời chưa sáng chúng tôi phải chạy bộ năm dặm (2500m). Khi quay về thì nghỉ một chút, tiếp đến là tập các môn thể thao rèn luyện thân.

Đến 9 giờ thì bắt đầu bữa ăn sáng. Lúc này chúng tôi đã mệt lã, cùng ngồi vòng tròn trên đất, trước mặt mỗi người được đặt một chén nước, trong đó có chút muối và mấy cọng rau. Đây là khẩu phần “canh” phát cho mỗi người, dùng để ăn với cơm. Gạo thì chúng tôi lãnh mỗi người một ngày 27 lạng, chỉ đủ ăn hai bữa. Chúng tôi ăn uống không có chất bổ dưỡng gì. Bữa dùng kế tiếp là 4 giờ chiều, hễ chúng tôi có cần gì, thì lấy phần gạo của mình đi đổi lấy tiền mà mua…

Hai năm đầu chúng tôi ăn uống cực kỳ thiếu thốn, cơ cực. Sau đó, quân đội bắt đầu nhận được viện trợ từ Mỹ, nên bữa ăn có thêm mì, đậu hũ và thuốc men. Chính phủ cũng phát cho chúng tôi mỗi người một hộp Vi-ta-min 80 viên, dặn mỗi ngày uống ba viên. Một anh bạn nói:

– Một ngày uống ba viên, thật là phiền quá. Nốc hết một lần cho khỏe!

Vài người bắt chước làm theo. Kết quả, bụng họ đau như lửa đốt, sau đó phải đưa họ đi cấp cứu, chở đến bịnh viện cho súc ruột.

Từ đó, trưởng đội hằng ngày phát cho mỗi người ba viên, luôn cảnh báo, nhắc nhở là chúng tôi chỉ được uống mỗi lần một viên.

Hằng ngày đều có giờ học chính trị, sau đó thì luyện tập quân hành. Chúng tôi dàn thành các đội hình, đứng thẳng, rồi ngang; xếp ba người hoặc một người thành hàng. Tôi cảm thấy huấn luyện như vậy thực là tức cười, bởi vì lúc đánh nhau thực thụ thì đâu có dàn hàng chỉnh tề như vậy? Nhưng cách huấn luyện này giúp chúng tôi biến thành một đơn vị đoàn kết. Toàn đội chúng tôi có hơn trăm người, nhưng chỉ có hai bộ súng trường, chúng tôi thay nhau vác hai súng trường này, và cảm thấy việc canh gác thật mơ hồ…

Trong khóa dạy chính trị, chúng tôi học chiến lược quân sự và nhồi nhét tư tưởng thù nghịch quân địch. Hồi xưa khi bị các đảng phái khác nhồi tư tưởng thù nghịch vào đầu, thì tôi gọi là “tẩy não”. Bây giờ cũng áp dụng kỹ xảo đó, nhưng từ dùng có vẽ thanh bai hơn, gọi là: “tư tưởng quân sự”.

Chúng tôi phải thấy đối phương là tà, ác. Mỗi tuần cùng thảo luận một, hai lần. Chúng tôi cũng học tư tưởng Tôn trung sơn, Tôn Trung Sơn nói chủ nghĩa quốc gia dân tộc cần phải cung cấp những nhu cầu cần thiết như giao thông, y phục, thức ăn, giải trí và giáo dục… cho người dân.

Trừ khóa huấn luyện ra, chúng tôi chẳng có được tin tức gì từ bên ngoài; không hề tiếp xúc với người dân ở đây. Chúng tôi cũng không rành ngôn ngữ vùng này, mà dân ở đây thì cho rằng quân đội Quốc Dân là những kẻ ngoại lai đến, dùng vũ lực chiếm đất họ.

Quốc Dân chỉ phát hành một loại báo chí quân đội, lúc đó hầu như chúng tôi không biết tới báo chí bên ngoài. Chỉ nghe loáng thoáng các tin tức mơ hồ về vấn đề Trung Đông và nghe kể Ba Lan đang phản kháng Nga thống trị…

Mỗi tuần, chúng tôi có một ngày lên lớp, không tập luyện. Tôi thực sự rất mệt mỏi và khó hành trì thời khóa giống như hồi xuất gia. Tôi chỉ có thể hành trì đơn giản: như lúc đi bộ hay hành quân hoặc khi đứng canh gác, tôi âm thầm niệm thánh hiệu bồ tát Quan Âm, tôi chẳng có được thời gian để ngồi thiền hay lễ Phật.

Tôi thầm nghĩ nếu vào được trường sĩ quan, chắc sẽ có được nhiều thời gian để tu và tụng kinh. Nhưng do tôi không học qua Cao trung, nên chẳng có được nền giáo dục hoàn chỉnh. Hơn nữa, dù tôi cao 1m7, nhưng thể trọng chỉ có 45 kg, nội tính về cân nặng thôi, thì tôi cũng thiếu tiêu chuẩn rồi.
Sau này nhờ học tập, từ binh bộ phổ thông tôi được thăng lên một cấp. Chướng ngại lớn nhất của tôi là cận thị. Từ lúc nhập ngũ, tôi không có được cặp kính thuốc để đeo. Mà tập bắn là buổi học chủ chốt, tôi thường chỉ thấy vòng trắng phía ngoài, không nhìn rõ tâm điểm, nên luôn bắn trật. Luyện tập cực khổ cả ngày, viên trưởng quan không biết mắt tôi bị bịnh; cho rằng tôi cố tình bắn sai, nên muốn xử tội, loại bỏ tôi.

Lúc này, bỗng nhận được thông báo cần tuyển người vào Đội truyền tin, tôi liền đăng ký tham gia. Vì thị lực của tôi đối với công tác trực điện thoại và vô tuyến thông tấn không hề bị chướng ngại. Nhiệm vụ của Đội truyền tin là phòng vệ tuyến ven biển. Chúng tôi trú tại đồi cát nhiều gió, xa xa tận phía sau mới có núi non chập chùng xanh màu cây lá. Thêm phần nước biển mặn, gây ẩm thấp ướt át; làm cho nhà ở mau bị hư hoại. Hằng ngày chúng tôi phải lấy thông tin dự báo từ vô tuyến điện bên Đại Lục.

Thật may, tôi không phải trở về bên đội quân tập bắn nữa, mà còn có được thời gian thuận lợi để tu. Những khi rảnh, không trực ban, tôi có thể tìm chỗ trống trên bờ biển hoặc dưới các cội cây rừng, kín đáo ngồi tĩnh tọa; tha hồ tận dụng hết mọi cơ hội để nghiên cứu kinh sách. Lúc đó rất khó tìm được kinh sách Phật giáo, vì trong chùa thường chỉ có kinh Nhật Tụng, hoặc bản tụng riêng của tông phái họ. Cũng có một số ít chùa khác có tàng trữ kinh sách hay, nhưng họ quý trọng quá, khăng khăng không chịu cho tôi mượn. Tôi đành tìm đến các sách khác như văn học, triết học và khoa học tự nhiên… tôi lấy chén sành và một rẻo vải tự chế ra cây đèn dầu nhỏ, ngày ngày đọc đến khuya. Khi vị sĩ quan phát hiện tôi thức khuya đọc sách, ông lập tức bắt tôi nằm dài trên đất, trị tội tôi

Hòa thượng lính

Mặc dù đã nhập ngũ tòng quân, nhưng trong mộng tôi luôn thấy mình là tu sĩ. Khát vọng được quay về sống đời tu sĩ luôn cháy bỏng trong tôi. Thậm chí tôi có thể nói với người khác: “Tôi là hòa thượng”. Các anh lính trong đoàn hễ rảnh thì đi nhậu nhẹt, vào kỹ viện hoặc xem xi nê… Nhưng tôi hoàn toàn không sống giống họ. khi họ đi tìm lạc thú, giải trí… thường chỉ định tôi ở lại doanh trại canh gác.

Tôi và họ thành bằng hữu: ăn, ngủ, công tác… đồng nhau; mọi người cư xử rất tốt. Nhưng sống trong trại lính nhiều lúc cũng gặp khó khăn, chống trái đầy. Một đồng bào tôi là người Quảng Đông, có lần đã giết một con chó và đem về trại.

Tôi hỏi: – Tại sao anh lại giết con chó này?

Anh nói: – Thì… để ăn chứ sao! Rau cỏ đâu đủ cho chúng ta dùng!

Con chó ấy có thể ăn được mấy ngày. Họ xăng xái lấy tiền mua dầu, muối, gia vị… về chế biến thịt chó. Tất nhiên tôi không ăn, họ thấy tội nghiệp, cho tôi ăn cơm trắng với nước tương.

Lại có một lần, chúng tôi trú đóng tại khu vực gần ao cá, những con cá này rất đẹp; hằng ngày tôi đều đi tới cạnh bờ ao nhìn ngắm chúng. Cá lội tung tăng, quẫy đuôi bơi nhẹ nhàng trong nước, vẽ nên một bức tranh ưu mỹ, thanh nhãan lành. Nhưng rồi các anh lính xuất hiện (những người mà tôi xem là bằng hữu đó), đã nhảy ùm xuống ao bắt cá… nhìn họ thịt chúng, khoái chí ăn ngấu nghiến; lòng tôi thống khổ cực kỳ.

Việc ăn chay đối với tôi mà nói, rất là quan trọng! Cho dù đang ở trong quân đội, tôi vẫn tận lực hành trìnhất tâm tuân thủ giới luật. Người xuất gia theo Phật giáo là phải nghiêm thủ ăn chay, bởi vì ăn thịt rất là mất lòng từ bi. Ăn chay, dùng rau quả cũng đủ giúp người tu dưỡng thân, giữ đạo rồi – Cần chi phải ăn tới thịt? – Ăn thịt thì phải sát sinh, nhất là Phật giáo đồ, bất luận là tại gia hay xuất gia, đều phải tuân thủ ngũ giới, trong đó có giới cấm sát sinh!

Mỗi lần tôi đến thuyết phục đầu bếp trước khi nấu thịt, hãy luộc phần rau của tôi trước giùm, thì cũng không dễ dàng và luôn xảy ra rất nhiều phiền toái. Vì có người rất tốt bụng, sẵn sàng giúp tôi; nhưng cũng có người không ưa, không ủng hộ. Cho dù tôi chẳng ăn những món đồ mặn họ nấu, nhưng có lúc rau cũng bị dính thịt; tôi đành lựa rau ăn và tránh không động đến thịt. Những khi đầu bếp chia khẩu phần thịt cho từng người, thì lúc này ai cũng muốn đến làm bạn cùng tôi. Họ bảo: – Hòa thượng ơi! Anh đưa thịt cho tôi, tôi tặng rau cho anh.

Cũng có lúc tôi bị chèn ép, ăn hiếp. Bộ binh tính rất ưa hùa nhau bắt nạt đối phương. Viên sĩ quan tài vụ (phụ trách phát lương mỗi tháng cho đội) cũng là dạng người này. Khi ông phát lương, tôi nhờ ông cất tiền giùm, bởi hiện tại tôi chưa cần dùng. Ông rất khoái chí, ra điều sốt sắng giữ giùm, còn nói là sẽ cho tôi tiền lời nữa. Nhưng mấy tháng sau, khi tôi có việc cần, tìm đến ông xin nhận tiền, thì ông lạnh lùng nói: – Chưa tới lúc phát lương!

Tôi nhắc: – Hiện tôi còn gởi ông ba tháng lương chưa lấy…

Ông bảo: – Ta chỉ phụ trách việc phát lương, đếch có nhiệm vụ giữ tiền cho ai! Giờ chẳng có tiền để đưa!

Rõ ràng là ông lừa tôi, và tôi đã học được một bài hay. Từ đó trở đi, tôi tự cất giữ tiền.

Sau sự kiện đó, vị sĩ quan tài vụ này cũng vì tiền mà xảy ra tranh chấp và bị một đồng bào của tôi đâm cho ba nhát dao; ông phải vào quân y viện nằm, còn người hành hung thì bị bỏ tù.

 

Tôi có một nguyên tắc riêng, tuyệt đối chẳng phát cáu hay nóng giận. Tính này có được không phải vì tôi đã từng là tu sĩ, ưa viễn ly bạo lực – Mà ngay từ thuở còn ngồi lớp tiểu học, tôi đã có thói quen này – vì có lần tôi từng đánh nhau với bạn cả ngày, tôi bị thua và tôi quyết định không bao giờ nổi nóng hay tức giận nữa.

Khi nhập ngũ, tôi thường bị các quân nhân đeo theo kiếm chuyện, gây khó dễ; tôi đều nhẫn hết mình, tôi hiểu là mình không nên tức giận.

Dù rất thèm tu, nhưng tôi không dám đào ngũ, quay về làm hòa thượng; đành chấp nhận sống qua ngày với khát vọng âm thầm này. Mặc dù cũng có lần tôi rất muốn chạy trốn theo một đồng bạn từng tu ở Thượng Hải, nhưng trước sau tôi vẫn không dám. Tôi hiểu rằng nếu bị bắt lại, sẽ lãnh cực hình thê thảm. Người bạn biết tôi còn đem theo đồ tu và hiện đang cất giữ bên mình, nên xin tôi hãy tặng cho anh ta. Tôi đồng ý. Thế là ngay trong đêm, anh trốn đi. Ít ra, bộ đồ tu của tôi còn phát huy tác dụng, giúp ích được cho bạn mình trở về với đời sống xuất gia.

Anh bạn đó của tôi nhờ khôn ngoan, biết cất dấu thẻ Thân phận chứng mang theo từ Thượng Hải; nên khi bỏ trốn, có cơ may thành công.

Hồi mới xuống thuyền sang Đài Loan, một vị sĩ quan khuyên chúng tôi hãy xuất trình thẻ Thân phận chứng, ông bảo: -Đợi thuyền cập bến Đài Loan rồi, tôi sẽ hoàn trả Thân phận chứng lại cho các anh. Tôi thật thà nộp thẻ của mình, nhưng sau đó ông không chịu trả, còn nói là nó không cần đến nữa, rằng sau này chúng tôi sẽ được phát cái mới…

Chẳng qua, người bạn của tôi biết phòng xa, sớm lường được tình hình nên đã tinh ranh bảo vị sĩ quan: -Tôi chuẩn bị tòng quân, nghĩ Thân phận chứng đâu cần xài nữa, nên không có mang theo. Sự thật thì lúc đó thẻ đang nằm trong áo anh ta.

Thẻ Thân phận chứng này là chúng tôi được cấp hồi còn ở Đại Lục. Dạo đó, Nhật Bản đang xâm chiếm Trung Quốc nên chính phủ Quốc dân đã phát thẻ Thân phận chứng này, còn gọi là

“Lương dân chứng” – xác nhận người có thẻ này là dân lành, không có vấn đề gì. Khi các đảng phái bắt đầu tạo phản, quân đội Quốc dân cũng thường kiểm tra Thân phận chứng. Ở Đài Loan, người ta cũng dựa vào tấm thẻ này để tra xét nguồn gốc xuất thân. Do tôi quá thật thà, nên đã đem Thân phận chứng nộp cho viên sĩ quan, vì cứ nghĩ mình tùng quân rồi, không cần xài nữa.

Nhưng mà các bạn tôi rất nhiều người còn biết cất giữ Thân phận chứng, nên họ đều đào ngũ thành công vì có thể ung dung sống ở Đài Loan như bao dân thường. Nếu lúc đó tôi biết nghĩ, biết phản ứng lanh lẹ; ráng giữ cho mình cái thẻ Thân phận chứng, thì giờ này đâu có phải kéo dài kiếp lính? Không chừng tôi đã có thể trốn khỏi quân đội, ra ngoài sống như bao người bình thường. Nếu bây giờ tôi trốn đi mà không có thẻ Thân phận chứng để xuất trình; thì sẽ bị chính quyền cho là phần tử phản loạn từ bên ngoài tới, rất dễ gặp rủi ro. Vì xã hội Đài Loan thời ấy không khí hoài nghi bao trùm khắp chốn.

Khi tôi mới đến Đài Loan, trong đơn vị tôi có một số quân nhân, xuất thân có nhiều điểm đáng nghi. Giọng họ nghe giống như người Trấn Giang Thượng Hải (vùng đất hoạt động của địch). Họ đối với mọi việc luôn “thủ khẩu như bình”. Người ta bắt đầu hoài nghi, cho họ là người của địch cài vào. Bởi tôi cũng là một trong những người đến từ Thượng Hải, cho nên tôi cũng bị nghi lây.

Nhân viên thẩm tra hỏi tôi có phải là người Thượng Hải không? Tôi đáp: – Không, tôi người Giang Tô. Họ nhắc nhở tôi nên cẩn thận.

Nhưng nhóm người bị nghi kia thì lãnh phải cực hình tàn khốc. Nhân viên điều tra giày vò, hành hạ họ đủ kiểu; dùng dây điện châm vào người họ, cho đến khi họ chịu khai ra gốc gác của mình.

Thực sự trong nhóm họ cũng có một người là mật thám địch, ông ta bị tuyên án tử. Bởi vì tôi cũng là người từ Thượng Hải đến, nên bị ép phải đi xem cuộc hành quyết.

Sau đó, thêm một lần nữa tôi bị nghi ngờ rất căng. Nguyên do là khi chiến tranh Hàn quốc kết thúc, những bại binh Trung Quốc tại Hàn, bị Mỹ bắt và trả về Đài Loan; còn xâm lên mình họ hàng chữ hàm ý chống địch, tận trung với chính phủ Đài Loan. Vì hàng chữ xâm này mà đám tàn binh kia chỉ có một con đường duy nhấtgia nhập Quốc quân ở Đài. Việc này làm dấy khởi phong trào xâm mình trong đội Lục quân, để thể hiện lòng trung thành với chính phủ. Một vị sĩ quan hỏi tôi có xâm không? Tôi từ chối và đáp: – Tất cả phát xuất từ trong tâm, chứ không thuộc vào mấy chữ xâm bên ngoài…

Thế là ông ta hách dịch vặn hỏi:

– Tại sao không xâm? Hay anh là người của địch?…

Bọn họ bắt đầu giám sát tôi, tôi ở vào tình thế cực kỳ nguy hiểm. Vì tôi luôn mong có được cơ hội phục hồi đời tu, nên chẳng muốn trên thân mình có hàng chữ xâm như vậy. Nhưng do tôi từ chối xâm, nên nhiều người cũng bắt chước theo.

Lần thứ ba, tôi bị nghi ác liệt hơn, suýt bị xử tử. Nguyên nhân bắt nguồn từ cái tật yêu thơ của tôi. Tôi vào thư viện mượn được cuốn sách, thấy có mấy bài thơ cổ Trung Quốc hay hay, tôi thích quá bèn chép vào sổ tay. Trong đó có mấy câu như thế này:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm, tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Tạm dịch:

Rượu bồ đào nồng chén dạ quang
Nhắp môi chưa kịp nhạc thúc vang
Sa trường nằm say đừng cười nhé
Chiến chinh mấy kẻ trở về làng?

Do trong sổ mình có bài thơ này, nên tôi bị vu là phần tử phản chiến. thậm chí họ còn hoài nghi tôi có mưu đồ rủ người gia nhập hàng ngũ phản chiến. Tôi giải thích với viên chỉ huy: -“Thực sự chẳng có gì, do tôi cảm thấy bài thơ này rất hay nên ghi chép vậy thôi”… Nhưng có nói chi cũng vô dụng, họ cứ nhìn tôi bằng cặp mắt đầy ác cảm, nghi ngờ và buông những lời mỉa mai bóng gió kết tội tôi.

Lần này đúng là phiền phức to, tôi bị theo dõi cả ngày; lúc nào cũng bị giám sát kè kè, không được phép làm gì đơn độc một mình. Sau đó án của tôi được trình lên thượng cấp, rất có thể tôi sẽ bị xử tử.

Thật may, tôi gặp một người bạn là Thượng úy có ảnh hưởng rất mạnh. Hồi ở Đại Lục anh học Đại học, từng cùng tôi thảo luận về lịch sử, văn học, Phật giáo… Anh đã cứu tôi kịp thời, giải thích cho cấp trên hiểu rằng: – “Anh ấy xuất thânhòa thượng, tính ưa văn thơ nên không có gì đáng lo. Vì từng là tu sĩ, nên anh ta khó tránh được thái độ tiêu cực với chiến tranh, nhưng tuyệt chẳng phải là người của địch”…

Thế là tôi thoát nạn.

Tạo bài viết
31/08/2010(Xem: 133408)
15/11/2016(Xem: 13130)
11/01/2017(Xem: 15613)
07/08/2012(Xem: 35965)
29/08/2017(Xem: 15798)
20/01/2018(Xem: 10411)
18/02/2016(Xem: 12419)
03/11/2017(Xem: 14843)
15/08/2022(Xem: 4154)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: