Thư Viện Hoa Sen

Tâm Bình Yên Sâu Lắng | Nguyên Tác Của Sư Ajahn Viradhammo -Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ

03/08/20247:36 SA(Xem: 1829)
Tâm Bình Yên Sâu Lắng | Nguyên Tác Của Sư Ajahn Viradhammo -Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ

TÂM BÌNH YÊN SÂU LẮNG
Nguyên tác của Sư Ajahn Viradhammo 
Chuyển ngữ sang tiếng Việt bởi Diệu Liên Lý Thu Linh



Ajahn ViradhammoAjahn Viradhammo sinh ở Đức vào năm 1947.  Cha mẹ là người tị nạn Latvia. Họ chuyển đến Toronto, Canada, khi ngài được bốn tuổi. Khi sống ở Ấn Độ vào năm 1971, ngài đã được biết đến những lời dạy của Đức Phật, điều này cuối cùng đã đưa đến việc thọ giới Tỳ kheo vào năm 1974 tại Tu viện Wat Pah Pong của thiền sư Thái Lan Ajahn Chah. Sau khi hoàn thành chuyến viếng thăm gia đình tại Canada vào năm 1977, ngài được thiền sư Ajahn Chah yêu cầu chuyển đến thiền viện Hampstead ở Luân Đôn cùng với Ajahn Sumedho.  Sau đó, ngài đã tham gia vào việc thành lập cả hai tu viện Chithurst và Harnham ở Anh, cũng như Tu viện Bodhinyānārāma ở New Zealand, nơi ngài sau đó làm trụ trì. Năm 1995, Ajahn Viradhammo trở về Anh để hỗ trợ Ajahn Sumedho tại tu viện Amarāvati, và năm 1999, ngài trở về New Zealand. Năm 2002, ngài chuyển đến Ottawa để chăm sóc mẹ già cho đến khi bà qua đời vào năm 2011. Khoảng thời gian này, ngài đã giúp thành lập tu viện Tisarana ở Perth, Ontario, nơi ngài đảm nhận vị trí trụ trì.

 

Bài pháp thoại này được nói tại một ngày tu Chánh niệmTu viện Tisarana, vào tháng Ba năm 2008.

 

***


 

   Có lần tôi[1] đưa mẹ đi khám bác sĩ mắt. Trong phòng chờ có một người đàn ông trung niên không ngừng nhấp vào điện thoại di động BlackBerry của mình. Sau khi gặp bác sĩ, chúng tôi đi xuống sảnh chính để chờ xe. Người đàn ông đó cũng đang ở trong sảnh. Tôi quan sát khi anh ấy gọi điện cho ai đó, để lại tin nhắn, rồi chờ người đó gọi lại. Điều tiếp theo bạn biết không, anh ấy lại gọi điện cho một người khác nữa. Tôi cảm nhận về một tâm trí chỉ khao khát sự kích thích, một tâm trí cần luôn bận rộn.  Một trạng thái tâm quá bất an, quá bất hạnh, và những người bị cuốn vào đó thậm chí trông cũng thấy khổ. Tất cả mọi thứ chỉ là làm, làm, và làm. Ngay bây giờ. Không kiên nhẫn.

Cuộc sống ở tu viện rất khác biệt. Ở tu viện, chúng tôi có cơ hội phát triển tâm quán tưởng. Đây là một khả năng mà tất cả con người đều có. Hãy tưởng tượng bạn đi xem giao hưởng. Bạn mặc bộ cánh tốt nhất, đứng trước gương soi để chắc rằng tóc của bạn ổn, cà vạt của bạn có thẳng không, vân vân. Bạn thực sự nhìn vào ngoại hình của mình. Khả năng phản chiếu của con người cho phép chúng ta làm điều tương tự đối với tâm trí của mình. Chúng ta có thể cẩn thận theo dõi động lực, cảm xúc của mình, vân vân. Nhưng đây là điều chúng ta phải trau dồi. Khi sử dụng khả năng phản chiếu này, chúng ta không chỉ hành động.  Chúng ta đang quan sát cách chúng ta hành động.  Chúng ta nhận biết thế giới nội tâm của mình như thế nào và cách chúng ta phản ứng lại với chúng. Nếu không có khả năng phản vệ đó, chúng ta chỉ đơn giản là nạn nhân của hoàn cảnh, bị gió vận may thổi bay khắp nơi. Hơn nữa, chúng ta chỉ là những sinh vật của thói quen, mù quáng tuân theo các phản ứng thông thường đối với các tình huống khác nhau. Chúng ta có thể tự do về chính trị hoặc thành công về kinh tế, nhưng chúng ta không thực sự tự do. Thực hành giáo lý của Đức Phật phụ thuộc vào khả năng quan tâm đến cuộc sống và thấy mọi thứ thực sự như thế nào. Điều này có vẻ không phải là một vấn đề lớn, nhưng những người không thực hành giáo Pháp thường thiếu khả năng quán chiếu này. Họ chỉ đắm chìm trong sự tức giận, hoặc trong một tâm trạng tiêu cực, hoặc trong tà ngữ, mà vẫn không nhận thức được hậu quả của sự đắm chìm đó. Họ không thấy rằng việc không kiềm chế được cơn giậnlời nói cay độc dẫn đến đau khổ. Sau đó, họ tự hỏi: "Tại sao tôi không vui?" Vì vậy, chúng ta phải rèn luyện kỹ năng phản chiếu này. Khi mài giũa sức mạnh phản chiếu này, chúng ta không tìm kiếm bất kỳ trải nghiệm cụ thể nào. Thay vào đó, chúng ta phát triển khả năng quán sát. Quán sát là một kỹ năng. Một chức năng cần được phát triển trong tâm. Khi nhập thất một thời gian dài, chúng ta có một cơ hội tuyệt vời để phát triển khả năng quán sát này.  Tất nhiên, khả năng quán sát của chúng ta không chỉ giới hạn trong thời gian ngồi thiền. Bằng nhiều cách, các nhà sư dễ dàng quán sát hơn vì cuộc sống của họ rất chậm và không phức tạp so với nhịp sống đô thị. Các nhà sư có cơ hội rèn luyện sự quán sát trong hầu hết các công việc. Theo cách nhìn đó, họ thực sự rất may mắn.  Là một hành giả — dù xuất gia hay tại giathật hữu ích và quan trọng khi ta có thể quán sát và suy ngẫm về cuộc sống, về ý tưởng, và về thói quen của ta. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ quán sát những điều này và rồi không làm gì cả. Chúng ta áp dụng giáo lý của Đức Phật để xem liệu trạng thái tâm của chúng tathiện xảo hay bất thiện. Nếu chúng bất thiện, chúng ta có thể thử áp dụng các phương cách khác nhau để làm cho chúng thiện xảo hơn. Nhưng chúng ta nên làm điều đó từ góc độ của một  chứng nhân.  Để tu tập theo cách này, cần phải có một số kiến thức về giáo lý của Đức Phật. Nếu khôngkiến thức đó làm điểm khởi đầu thì ta có thể nhận thấy những phản ứng trong tâm xuất hiện, nhưng không biết phải làm gì với chúng.  Do đó giáo Pháp chỉ cho ta con đường đi đến trí tuệ vì chúng dạy rằng: “Hãy nhìn theo đây.  Hãy thực hành theo cách này”.  Giáo lý của Đức Phật giúp chúng ta nhìn đúng chỗ, đó chính là tâm thức. Một khi chúng ta đã nhìn đúng nơi, chúng giúp ta đặt câu hỏi đúng về những gì chúng ta thấy. Các câu hỏi đúng sẽ là: "Tại sao tôi lại khổ sở với điều này? Tại sao phản ứng của tôi lại mạnh mẽ như vậy? Tại sao tôi không thể bỏ qua?" Các câu hỏi phải xuất phát từ trái tim. Chúng phải đến từ kinh nghiệm của chính ta chứ không phải từ một lý thuyết trí tuệ trừu tượng nào đó. Nếu câu hỏi  xuất phát từ trái tim, từ trải nghiệm, thì câu trả lời cho những câu hỏi này có thể lợi ích. Giáo lý của Đức Phật luôn luôn hướng về cùng một loại chủ đề. Chủ đề cơ bản là không chấp trước hay không bám chấp. Đức Phật nhấn mạnh đến việc không chấp trước khá nhiều. Nhưng chúng ta cần nghe về nó hết lần này đến lần khác vì khuynh hướng hay quên của ta. Đây là lý do tại sao năng lực quán sát của chúng ta cần phải được mài giũa. Nếu ta tiếp tục phát triển khả năng quán sát ý định đằng sau hành động và kết quả của hành động, thì khả năng thực hành không chấp trước sẽ tiến sâu hơn.  Khi một tâm trạng tiêu cực xuất hiện, chúng ta học cách kiên nhẫn quán sát nó. Sau đó, chúng ta có thể thấy hành động nào là tốt nhất. Chúng ta có thể thấy cách áp dụng giáo lý của Đức Phật.

Một cách để tu tập không chấp trước dựa trên xu hướng phát triển bản sắc cá nhân mạnh mẽ quanh nội dung kinh nghiệm của mình, bao gồm cấu tạo tâm lý, kinh nghiệm xã hội, vân vân. Khi thực hành giáo lý của Đức Phật, chúng ta cố gắng phá vỡ ý thức về bản sắc cá nhân. Chúng ta làm điều này bằng cách xem xét nó dưới dạng khandhas - hay năm uẩn hay các thành phần của kinh nghiệm thân-tâm tạo nên một con người. Năm khandhas là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Đức Phật dạy rằng chúng ta nên xem mỗi uẩn này là vô thường, bất như ývô ngã. Nếu như ta có thể tự nhìn mình theo năm uẩn, thì đó là một bước tiến lớn so với việc xem xét mọi thứ một cách cá nhân. Đó là một bước tiến lớn hướng tới việc xem mọi thứ là chức năng tự nhiên, như những chuyển động tự nhiên trong ý thức. Rất nhiều điều khó chịu có thể đi vào ý thức, chẳng hạn như thất vọng, nghi ngờ bản thân, ghen tuông, thù hận, vân vân. Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa việc là nhân chứng cho điều gì đó khó chịu hay là một người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi điều khó chịu đó. Lấy bệnh tật làm ví dụ. Có một sự khác biệt lớn giữa việc chứng kiến bệnh tật hay là một người bệnh. Nếu chúng ta chỉ chứng kiến các triệu chứng của bệnh ung thư, sốt, móng chân mọc ngược, hoặc bất cứ là gì, chúng ta ít đau khổ hơn. Ngược lại, nếu chúng ta mang tính cách của một người bệnh, lo lắng về các triệu chứng và đắm mình trong sự tự thương hại với nỗi đau, chúng ta sẽ khổ hơn rất nhiều. Một người mắc chứng nghi bệnh (hypochondriac) sẽ là một ví dụ cực đoan về một người đã xây dựng một bản ngã quanh bệnh tật. Đôi khi, những cảm giác khó chịu mà chúng ta trải qua trong một căn bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn bởi thái độ của chúng ta đối với chúng. Nếu xu hướng lo lắng rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn đang làm cho các triệu chứng của chúng ta tồi tệ hơn, thì các triệu chứng của ta không chỉ là sản phẩm của bệnh tật, mà còn là sản phẩm của ảo tưởng.  Những triệu chứng này phát sinh một phần vì ta đang nghĩ về bản thân, về bệnh tật "của tôi". Do đó, nếu chấp vào bệnh tật thì ta sẽ khổ nhiều hơn. Nếu buông nó, chúng ta sẽ ít đau khổ hơn. Làm thế nào để buông? Vâng, chúng ta có thể quan sát rằng bệnh tật chỉ là bệnh tật – nó là như vậy. Các triệu chứng là như vậy. Chúng đau, chúng gây khó chịu, vân vân. Nếu cần, chúng ta có thể đi đến bác sĩ. Điều chúng ta không muốn làm là tạo ra một tính cách về chúng, để nghĩ rằng những triệu chứng này (hoặc căn bệnh này) là chúng ta. Giáo lý của Đức Phật về anattā (vô ngã) đi ngược lại toàn bộ ý thức về cái ngã này. Nó đi ngược lại ý thức về cái ngã này. Ý thức về ngã là gì? Đó là ý nghĩ rằng "tôi" là loại người có những đặc điểm này. Ý thức về ngã cũng được sinh ra từ những cảm xúc nảy sinh khi hoàn cảnh bên ngoài thách thức ý tưởng của chúng ta về "cái tôi" là gì. Vì vậy, Đức Phật đã dạy chúng ta suy ngẫm về anattā. Khi chúng ta suy ngẫm về giáo lý vô ngã, nó đưa chúng ta đến cái nhìn sâu sắc về tánh Không. Từ "tánh Không" được sử dụng theo nhiều cách khác nhau trong các truyền thống Phật giáo khác nhau. Theo truyền thống Nguyên thủy, tánh Không đề cập đến một trạng thái tâm không bận rộn, không bám chấp, hay bị hoang tưởng bởi quan điểm cá nhân.  Nó không có những điều đó. Thông qua sự suy ngẫm và hiểu biết về vô ngã, chúng ta có thể thấy quan điểm cá nhân phát sinh như thế nào. Chúng ta có thể thấy khoảnh khắc trong đó tâm trí gắn bó với một cái gì đó và làm cho nó trở nên thuộc về cá nhân. Quan điểm cá nhân có thể dễ dàng phát sinh  quanh những người khó tánh. Nếu bạn ở với một người có hành vi độc hại - có thể là ai đó ở nơi làm việc, trong gia đình hoặc tại tu viện - bạn có thể thực sự bị ảnh hưởng bởi sự tiêu cực của họ. Vì vậy, bạn thực hành làm chứng cách bạn bị ảnh hưởng bởi hành vi độc hại của họ. Bạn quán sát những cảm xúc và xung động xuất hiện, và bạn chống lại sự cám dỗ khiến chúng trở nên thuộc cá nhân. Nếu bạn không thực hành chứng kiến những điều này, và nếu bạn không hiểu rằng cảm xúc của bạn phát sinh quanh người này không là của ai, rồi bạn có thể vô tình coi chúng là của mình. 

Thí dụ, nếu bạn ở gần một người hay sân hận, bạn có thể bị cuốn vào thế giới của họ và trở nên tức giận. Nếu bạn ở gần một người hay sợ hãi, bạn có thể trở nên sợ hãi. Ngược lại, nếu bạn đang thực hành quán sát, thì bạn sẽ nhận thấy ảnh hưởng của người này nơi bạn. Bạn sẽ nhận thức được những cảm xúc mà hành động của họ mang đến cho bạn, nhưng bạn sẽ không trở thành "thứ gì đó". Bạn sẽ không trở thành một người tức giận. Bạn sẽ không trở thành một người sợ hãi. Thay vào đó, bạn sẽ chỉ quán sát. Tuy nhiên, chỉ vì chúng ta thực hành quán sát không có nghĩa là những gì chúng ta chứng kiến sẽ dễ chịuHoàn toàn không có nghĩa là như thế.  Nhưng nếu có trí tuệ về tánh Không, chúng ta sẽ nghĩ rằng, "Khó chịu ư? Có đấy. Nhưng đó chỉ đơn giản là cách nó đang diễn ra ngay bây giờ." Chúng ta liên tục đắm mình vào từng khoảnh khắc, ngay cả khi điều đó có nghĩa là quán sát những cảm giác xấu xí, đau đớn và khó chịu. Nếu chúng ta liên tục làm thế, thì những phiền não, đau đớn và khó chịu chỉ là vậy - chúng chỉ là cảm giác. Chúng ta không xây dựng cho chúng một cá tính. Nếu chúng ta chỉ chứng kiến, thì kinh nghiệm đó chỉ như nó là — trống rỗng ý thức về bản ngã. Nếu bạn có thể chỉ làm chứng cho những bất như ý, bạn sẽ ngạc nhiên là chúng trôi qua nhanh như thế nào. Ngược lại, nếu bạn chấp vào chúng, thì chúng có xu hướng kéo dài lâu hơn nhiều. Chúng ta chấp vào cảm giác khó chịu, là khi ta cố gắng chuyển nó theo cách khác hoặc khi nghĩ rằng: "Tôi không muốn nó xảy ra như thế!"  Khi ấy, chúng ta liên hệ với kinh nghiệm đó theo cách ta nghĩ chúng phải là, thay vì cách chúng thực sự là.  Điều đó tạo ra cảm giác có một bản ngã rất thật và rất thường hằng.  Nó trở thành như thể chúng ta không bao giờ thoát khỏi cảm giác khó chịu đó.  Nhưng khoảng thời gian một trải nghiệm kéo dài tùy thuộc vào sức nặng của sự bám chấp của ta. Chúng ta tạo liên kết với một trải nghiệm bằng cách tạo ra cảm giác về một cái ngã quanh trải nghiệm đó.  Chúng ta xây dựng ý thức về bản ngã quanh một trải nghiệm bằng cách bám chấp vào đó. Khi chúng ta kiềm chế việc chấp vào một trải nghiệm nào đó, tâm ta ngày càng trở nên thông thoáng hơn, do đó cho phép trải nghiệm đó thoát khỏi tâm thay vì bị mắc kẹt trong đó. Khi tâm thông thoáng, các trải nghiệm của chúng ta trống rỗng về bản ngã. Chúng ta vẫn cảm nhận; nhưng khi đó chúng ta nhớ: "Đây không phải là 'tôi'. Đây không phải là 'của tôi'. Đây không phải là 'bản ngã của tôi'". Như vậy, chúng ta thực hành tánh Không bằng cách quán sát, bằng cách làm chứng nhânChúng ta thấy rằng sự trống rỗng của kinh nghiệm là thật. Chúng ta cũng nhận ra rằng ý thức về bản ngãchúng ta xây dựng xung quanh một trải nghiệm chỉ là ảo tưởng, và không có gì vững chắc trong đó. "Dừng" hay “chấm dứt” (cessation) là một từ quan trọng trong Phật giáo, và đó là từ ngữ mà tôi muốn dùng để định nghĩa sự phai nhạt của ý thức về bản ngã. Ý thức này biến mất khi chúng ta không gắn bó với một trải nghiệm nào. Sự chấm dứt xảy ra khi chúng ta học cách nhìn vào kinh nghiệm một cách khách quan. Chẳng hạn, nếu tôi trở nên cáu kỉnh trong khi tiếp chuyện với ai đó, tôi có thể nhận thấy phản ứng của mình như những đối tượng trong tâm và cảm xúc nơi thân.  Như tôi có thể nhận thấy các chuyển đổi của thời tiết trong thiên nhiên, thì tôi cũng có thể nhận thấy "thời tiết" tâm thay đổi - nghĩa là các trạng thái tâm thay đổi theo cảm xúc, suy tưởng và tâm trạng. Nếu tôi không bám theo sự dẫn dắt của chúng, thì tôi thấy rằng các trạng thái tâm này không có thật, mà là một phần của việc thay đổi theo tự nhiên. Nhưng quan trọng hơn, tôi nhận thấy sự vắng mặt của một ý thức mạnh mẽ về "tôi" và "của tôi"; ý thức về bản ngã đã dừng lại. Bây giờ, mọi thứ chỉ đơn giản là theo cách của chúng là, và tâm thì bình an.  Đôi khi, các phản ứng nội tâm rất mạnh mẽ và bền bỉ. Trong trường hợp này, việc trở về chánh niệm nơi thân (thì) rất hữu ích.  Khi bạn cảm xúc mạnh mẽ, chỉ cần chứng nhận hiệu quả của nó nơi thân; đừng đi theo câu chuyện trong đầu của bạn. Ý thức về một bản ngã và tất cả những suy nghĩ về "tôi" và "của tôi" là những gì làm cho phản ứng sôi trào trong tâm. Khi bạn chỉ ở lại với cảm xúc nơi thân, các phản ứng sẽ phai lạt cũng như ý thức về bản ngã.  Khi phản ứng lắng xuống theo cách riêng của nó, chúng ta chứng ngộ về sự chấm dứt. Như thế, chúng ta thấy rằng các khuynh hướng phản ứng này không phải là vấn đề. Khi thực hành theo những cách này, chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình trên con đường dẫn đến giải thoát. Bằng cách thực hành sự dừng lại, tâm trí được giải thoát khỏi độc tính. Nó được giải thoát khỏi những thói quen của nó, khỏi hấp lực phải bám víu. Tâm trí không được giải thoát thông qua sự phủ nhận, thông qua việc loại bỏ bất cứ gì, hoặc thông qua sự dễ dãi. Tâm đó sẽ được giải thoát thông qua việc nhận biết sự trải nghiệm là Pháp.  Nó sẽ được giải phóng thông qua việc hiểu biết rằng kinh nghiệm như anattā, sự trống rỗng của bản ngã. Anattā - một trong ba đặc điểm của sự tồn tại cùng với dukkha (khổ hay bất toại nguyện) và anicca (không chắc chắn hay vô thường) - rất khó hiểu về mặt khái niệm. Nhưng nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể thấy cách nó hoạt động. Chúng ta thấy sự khác biệt giữa "Có bệnh" và "Tôi bệnh". Khi chúng ta chấp vào bệnh tật và xây dựng ý thức bản ngã quanh đó, nó có thể mang lại cả một chuỗi hành vi, ký ức và phản ứng vô ích hơn. Chúng ta có thể chống lại xu hướng bám chấp của mình bằng cách dựa vào giáo lý vô ngã, dẫn đến cánh cửa của tánh Không. Và chúng ta có thể mở cánh cửa của tánh Không nếu chúng ta thực hành bằng cách sử dụng ý thức quán sát, chứng kiến của ta. Chúng ta có thể nhận thấy ý thức về bản ngã thay đổi như thế nào khi điều kiện thay đổi. Khi được khen ngợi, một loại bản ngã nào đó sẽ phát sinh. Khi bị xúc phạm, một loại bản ngã khác phát sinh.  Khi hành thiền tốt, một bản ngã tự tin phát sinh.  Ngược lại, một bản ngã vô vọng phát sinh, nếu hành thiền không tốt. Ý thức về bản ngã này xuất hiện theo rất nhiều cách khác nhau. Khi suy ngẫm về điều này, chúng ta thấy ý thức này giống như bong bóng xà phòng. Nó không có thật và nó luôn dựa trên các điều kiện. Trước đó, tôi đã đề cập đến các ngũ uẩn (khandhas): sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Bản chất của các uẩn này là sự thay đổi. Cảm giác dễ chịu đến từ sự ấm áp là một phẩm chất; cảm giác khó chịu đến từ cái lạnh cũng là một phẩm chất. Nếu bạn nhìn thấy sắc đẹp, đó là một phẩm chất. Nếu bạn nhìn thấy một hình ảnh xấu xí, đó cũng là một phẩm chất. Tuy nhiên, tất cả những phẩm chất này đều không chắc chắn, nhất thời và có thể thay đổi. Bạn sẽ không bao giờ tìm được bình an lâu dài trong một phẩm chất bởi vì tất cả các phẩm chất, tất cả các uẩn, đều không đáng tin cậy. Nhưng trong khi chúng ta không thể tin tưởng vào phẩm chất, chúng ta có thể tin tưởng vào cái tâm biết sự thay đổi của trải nghiệm. Nó không đi đâu cả, cũng không phụ thuộc vào điều kiện. Như với vô thường (anicca) và vô ngã (anattā), chúng ta cũng có thể quán chiếu năm uẩn như Khổ. Nếu tìm kiếm sự hoàn mãn thông qua năm uẩn (khandhas), chúng ta sẽ luôn luôn thất vọng. Ngay cả khi ta có được sự hài lòng, theo một cách nào đó, trong một khoảng thời gian, thì cuối cùng điều đó cũng sẽ thay đổi. Thí dụ, nếu một diễn viên bám chấp vào vẻ đẹp hình thể (sắc), sớm hay muộn chắc chắn họ sẽ đau khổ, vì không có cách nào để ngăn chặn quá trình lão hóa. Vì vậy, khi họ già đi và vẻ đẹp hình thể của họ phai mờ, họ sẽ đau khổ. Tương tự, cảm giác vui sướng hoặc hài lòng với vẻ đẹp của họ sẽ thay đổi. Vì bản chất của các cảm xúc đó là thường thay đổi, chúng không thể cho họ bất kỳ hạnh phúc lâu dài nào. Do đó, việc gắn bó với chúng chắc chắn dẫn đến sự bất toại nguyện. Nếu bạn tiếp tục từ bỏ ảo tưởng về cái "tôi" và sự đồng hóa với các uẩn này, thì điều đó sẽ đưa bạn đến đâu? Nó đưa bạn đi từ cái đầu (lý trí) đến trái tim.  Nếu có ý thức mạnh mẽ về bản ngã thì ta sẽ luôn luôn phải nghĩ hay lo lắng về "cái tôi". Chúng ta luôn đắm chìm trong suy tưởng khi ta tạo ra và duy trì ý thức về bản ngã. Khi buông bỏ được điều đó, sự chú ý của chúng ta sẽ trở về với tâm.  Lúc đó, chúng ta có thể thấy những điều thiện lành mà ta được khuyến khích làm trong cuộc sống này, hỗ trợ tâm buông bỏ như thế nào. Chúng ta có thể thấy sự hào phóng, lòng trắc ẩn, kiên nhẫn, sức chịu đựngquyết tâm hỗ trợ khả năng nhận thức như thế nào. Chính là sự thực hành tỉnh thức, chấp nhận những điều khó chịu hơn là chạy trốn chúng, dẫn đến sự bình an trong tâm hồn. Khi có điều gì khó chịu phát sinh, ta có thể nghĩ rằng, "Tôi sẽ quán sát điều này. Tôi sẽ chỉ ở với điều này ngay bây giờ." Khi thực hành quán sát các trải nghiệm khó chịu theo cách này, tâm ta sẽ lắng động.  Với cảm giác tự do tuyệt vời này, bạn nhận ra rằng tâm đã được giải thoátTrí tuệ này không phải là điều bất thường; nó tự động đến với bạn.  Cứ để nó xảy ra. Và chú ý xem tâm làm thế nào có thể trải nghiệm một sự bình an vô cùng sâu sắc như thế.

 

Diệu Liên Lý Thu Linh -7.2024

Chuyển ngữ theo “Finding the Deep Peace of the Heart”, tạp chí THE CONTEMPLATIVE CRAFT, Tháng 3-2008


[1] Tôi ở đây là tác giả Ajahn Viradhammo







Tạo bài viết
11/02/2021(Xem: 8781)
08/09/2015(Xem: 20100)
05/10/2014(Xem: 23814)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: