BỐN LĨNH VỰC QUÁN NIỆM -
CON ĐƯỜNG DUY NHẤT ĐƯA ĐẾN THANH TỊNH, NIẾT BÀN
Thích Trung Định
Bài kinh Tứ Niệm Xứ hàm chứa nhiều giáo lý căn bản của Đức Phật, được tôn kính trong tất cả các truyền thống Phật giáo Bắc tạng cũng như Nam tạng, về ứng dụng thiền chánh niệm. Việc thuyết giảng về thiền Tứ Niệm Xứ là một phương pháp độc đáo nhất trong lịch sử truyền bá chánh pháp của Đức Phật. Bởi theo ngài đây là con đường duy nhất đưa đến thanh tịnh, an lạc, giải thoát và niết bàn. Ngài dạy: “Này các Tỷ kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết bàn. Đó là bốn niệm xứ.”[1] (The one only path, Bhikkhus leading to the purification of beings, to passing far beyond grief and lamentation, to the dying-out of ill and misery, to the attainment of right method, to the realization of nibbāna.[2]) Chúng ta có thể thừa nhận hay không về phương pháp thiền quán này là duy nhất đưa đến thanh tịnh, giải thoát, nhưng rõ ràng bốn đề mục quán niệm về thân, thọ, tâm và pháp được trình bày ở đây như là một phương pháp thiền hành hiệu quả. Vì không có pháp thiền quán nào khác hơn đề cập một cách cụ thể về cơ chế vận hành của thân và tâm con người trọn vẹn đến như vậy.
Tại sao thiền chánh niệm là yếu tố quan trọng, duy nhất và có hiệu quả nhất? Bởi vì tất cả các hoạt động tâm ý của chúng sinh điều là nguyên nhân dẫn đến đau khổ và trói buộc con người trong sinh tử luân hồi. Đặc biệt, tác ý là bản chất của nghiệp, và tham ái (tanhà), dục vọng, hay chính xác hơn, tham, sân, si, là nguyên nhân của khổ và động lực thúc đẩy tiến trình tái sinh. Những nguyên nhân sâu xa đó không có pháp gì có thể chuyển hóa một cách rốt ráo bằng năng lực của Chánh niệm. Chỉ có việc thiết lập chánh niệm, thực tập chánh niệm trong nhiều cách mới có thể gội được lớp sương mờ dày đặc bao phủ bản tâm, tỏ bày tánh giác mà thôi.
Bốn nền tảng của chánh niệm bao gồm chánh niệm của cơ thể; chánh niệm về cảm xúc (hay những cảm giác); chánh niệm của tâm (hay ý thức); và chánh niệm về các hiện tượng tâm thần (hoặc các đối tượng tâm thần). Đức Phật dạy: “Tỳ kheo, có bốn nền tảng của chánh niệm. Thế nào là bốn? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời.”[3]
Ở đây, chúng tôi sẽ tuần tự trình bày một cách cụ thể về bốn lĩnh vực quán niệm về thân, thọ, tâm và pháp như sau:
1. Quán niệm về thân thể (Kāyānupassanā)
Quán niệm, trước hết chúng ta phải phát khởi ý thức về đối tượng mà ta muốn quán niệm và sau đó là quán chiếu về đối tượng ấy. Quán niệm như vậy, có nghĩa là ý thức và quán chiếu. Niệm (sati, phạn: Smrti) có nghĩa là đi sâu vào bên trong đối tượng ấy mà thẩm sát, quán chiếu. Trong quá trình ý thức và quán chiếu ấy, dần dần ranh giới giữa chủ thể quán sát và đối tượng quán sát bị xóa bỏ, chủ thể và đối tượng trở thành nhất như. Đây là đặc điểm căn bản của thiền quán Phật giáo. Chúng ta có thể hiểu được khi ta đi vào và đồng nhất ta với đối tượng. Ta không bằng lòng đứng ngoài để quán sát. Vì vậy, kinh văn luôn nhắc tới quán niệm thân trong thân, quán niệm thọ trong thọ và quán niệm tâm ý trong tâm ý, quán niệm pháp trong pháp.
Theo truyền thống chúng ta có thể kể đến bốn mươi loại đối tượng thiền quán chánh yếu, kể cả thân và các bộ phận của thân. Ba trong các phương cách hữu hiệu nhất để vun trồng chánh niệm về thân là: chánh niệm về hơi thở, chánh niệm về các tư thế và chánh niệm về các bộ phận cơ thể.
1.1. Quán niệm hơi thở (Mindfulness of breathing)
Quán niệm về hơi thở là phát khởi ý thức hay chú tâm về hơi thở. Khi thở vào ta biết ta đang thở vào, khi thở ra ta biết ta đang thở ra. Thực tập như vậy, hơi thở của ta trở thành hơi thở có ý thức. Kinh dạy: “Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra.”
Đức Phật khuyên chúng ta nên bắt đầu hành thiền minh sát với chánh niệm dựa trên hơi thở. Hơi thở là một đối tượng vừa luôn có mặt, vừa luôn biến đổi theo một cách mà tự nhiên sẽ khiến ta phải chú tâm. Khi tâm hòa hợp theo hơi thở vào ra, ta có thể chú tâm vào giây phút hiện tại một cách tự nhiên. Ta có thể nhận biết cảm giác phát khởi từ sự tiếp xúc của hơi thở ở bờ mũi. Ta có thể nhận biết hơi thở vào dài hay hơi thở ra dài. Ta cũng có thể nhận biết khi độ dài của hơi thở thay đổi, và hơi thở vào ra nhanh chậm hơn trước đó. Ta cũng có thể nhận biết khi một hơi thở ngắn bị gián đoạn bởi một hơi thở dài sâu. Thở vô, thở ra ta nhận biết cảm giác toàn thân và an tịnh toàn thân. Quán sát được các trạng thái này của hơi thở khiến tâm luôn có mặt trong giây phút hiện tại.
“Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: ‘Tôi thở vô dài’; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: ‘Tôi thở ra dài’; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: ‘Tôi thở vô ngắn’; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: ‘Tôi thở ra ngắn’; Cảm giác toàn thân, ‘tôi sẽ thở vô’, vị ấy tập; ‘Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra’, vị ấy tập; ‘An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô’, vị ấy tập; ‘An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra’, vị ấy tập.”[4]
Quán sát hơi thở với chánh niệm có thể giúp ta biết nhiều điều về sự vận hành của tâm như thế nào. Hãy để cho hơi thở vào ra tự nhiên, đừng gượng ép hơi thở. Nếu ta có chủ ý kéo dài hơi thở, hoặc làm chậm lại lúc đó ta cảm thấy khó chịu. Nếu không buông bỏ chủ ý đó sẽ dẫn đến căng thẳng, bất an. Do đó chỉ với việc quán sát hơi thở, ta cũng thấy rằng ngay chính với một ước muốn nhỏ về sự thường hằng trong một thế giới vô thường, cũng có thể đưa đến khổ đau. Hơn thế nữa, vì không có một bản ngã nào để làm chủ tình thế, ước muốn được an tĩnh và giải tỏa căng thẳng sẽ luôn khiến ta cảm thấy bất lực. Tuy nhiên, nếu ta thư giãn tâm để quán sát hơi thở mà không mong cầu sự an tĩnh hay tránh né căng thẳng đã phát sinh, chỉ trải nghiệm sự vô thường, khổ, và vô ngã của hơi thở, tâm sẽ trở nên bình an, thanh tịnh.[5]
1.2. Chánh Niệm Về Các Tư Thế (Mindfulness of postures)
Đức Phật dạy: “Lại nữa, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo đi, tuệ tri: ‘Tôi đi’; hay đứng, tuệ tri: ‘Tôi đứng’; hay ngồi, tuệ tri: ‘Tôi ngồi’; hay nằm, tuệ tri: ‘Tôi nằm’. Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy biết thân như thế ấy.”[6]
Chánh niệm về các tư thế có nghĩa là đi, đứng, nằm, ngồi với sự chú tâm đầy chánh niệm. Khi đi, ta đi. Khi ngồi, ta ngồi. Khi nằm xuống, ta nằm xuống. Ta biết ta đang làm gì. Khi chánh niệm về các oai nghi của thân, ta sẽ nhận thấy rằng các chuyển động vật lý luôn biến đổi ngay nếu như ta đang cố giữ thân yên. Trái tim vẫn đập, nhiệt tỏa đi khắp cơ thể, phổi phình lên, xẹp xuống. Hãy chánh niệm về sự vô thường của chúng. Ta có thể nhận thấy rằng, đối với các chuyển động bên ngoài thân, ta còn có chút ít kiểm soát, nhưng hoàn toàn không thể làm gì đối với các chuyển động vi tế bên trong thân. Sự bất lực này khiến ta bức xúc. Nhưng nhờ chánh niệm như thế, ta vun trồng tuệ giác về bản chất khổ và vô ngã của các chuyển động nơi thân.
Điều quan trọng trong vấn việc ‘chánh niệm về những tư thế của cơ thể’ đó là luôn quán chiếu để có ý thức về những động tác của cơ thể; và tiếp xúc sâu sắc hơn với cơ thể. Nhờ quán niệm như thế ta thiết lập lại sự bình an cho cơ thể, mọi hoạt động không còn hối hả vội vàng mà giờ đây mọi động tác của ta sẽ trở nên khoan thai, đỉnh đạc. Ta làm chủ được bản thân trong mọi tình huống.
Trong khi theo dõi các tư thế của thân, ta có cơ hội tốt để quán sát những gì đang xảy ra trong tâm, để xem các trạng thái như tham, sân, ganh tỵ, hay sợ hãi có phát sinh không. Khi tâm không tán loạn, ta dễ nhận biết sự sinh khởi của chúng. Một khi bạn đã tự rèn luyện để quán sát các trạng thái tiêu cực này trong khi hành thiền chánh niệm về các oai nghi khác nhau – đi, đứng, nằm, ngồi- thì bạn cũng có thể đem tâm tinh tấn đó áp dụng cho tất cả mọi hoạt động khác trong đời sống hằng ngày.
1.3. Quán niệm về các bộ phận của cơ thể (Contemplation for parts of the body)
Quán niệm về các bộ phận của cơ thể là chú tâm theo dõi trên từng bộ phận của cơ thể. Những bộ phận này gắn liền với chúng ta nhưng có khi nó bị lãng quên, hoặc chúng ta không để ý đến. Phương pháp quán niệm này giúp chúng ta có cơ hội để nhận diện chúng một cách rõ ràng, chúng là một phần quan trọng của cơ thể, mỗi khi chúng bị trục trặc gì thì cả cở thể đều bị theo.
Đức Phật khuyên thiền giả hãy chia thân ra làm ba mươi hai phần trong tâm. Trong đó, hai mươi là chất rắn hay là những bộ phận thuộc về đất và mười hai là nước. Hai mươi bộ phận rắn chắc là tóc trên đầu, lông trên thân, móng tay, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, lá lách, lồng ngực, ngực, ruột già, ruột non, thực phẩm chưa tiêu hóa, phân, và óc. Mười hai bộ phận chất lỏng là mật, đờm, dãi, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước miếng, nước nhầy, nước nhờn ở các khớp, và nước tiểu.
Ngoài ra, Đức Phật liệt kê mười quy trình (process) thuộc về thân liên quan đến lửa và gió. Bốn quy trình thân liên quan với lửa là nhiệt do sự tiêu hóa thực phẩm, nhiệt do lão hóa, nhiệt do lòng sân hận, và thân nhiệt. Sáu quy trình liên quan đến gió là ợ, xì hơi, khí trong bộ máy tiêu hóa, gió trong lỗ chân lông, hơi thở vào và hơi thở ra.
Có thể nói phương pháp thiền này rất giống với cách một nhà sinh vật học quán sát thân. Nhìn nhận chúng một cách khách quan, khoa học. Để thực hành phương pháp thiền này, hãy chú tâm vào từng bộ phận của thân, bắt đầu với những phần dễ thấy nhất. Ví dụ như long, tóc, mống và răng chẳng hạn. Ta sẽ nhận ra ngay rằng, tóc đã đổi thay, cũng giống như các bộ phận thân khác cũng thay đổi. Thiền quán này đưa ta đến kết luận rằng không có gì bền vững về thân và các bộ phận của thân. Tất cả mọi thứ đều vô thường. Đó là thực tại. Thiền quán này giúp ta chế ngự được kiết sử tham hay sự chấp thủ về thân; đồng thời có khả năng phát triển lòng vị tha đối với mọi người.
Khi ta tiếp xúc rõ hơn về cơ thể ta có cơ hội nhận diện từng bộ phận trong cơ thể để thấy được tính chất vô thường biến hoại của chúng. Thấy rõ thân này là do tứ đại và năm uẩn tạo thành và chúng sẽ vận hành theo quy luật ‘sanh, già, bệnh và chết’. Thấy rõ thân này là một túi chứa đựng những thứ bất tịnh, nên không có gì mà chấp thủ bám víu. Đồng thời khi quán niệm về thân ta thấy mối liên hệ mật thiết giữa con người và thế giới xung quanh. Mọi yếu tố ở trong thân đều có ở thế giới bên ngoài và ngược lại. Chúng tồn tại trong một chỉnh thể thống nhất không tách rời nhau. Quán chiếu như vậy, tự ngã sẽ tan biến.
2. Quán niệm về cảm thọ (Vedanānupassanā)
Cảm giác đóng vai trò nền tảng của cuộc sống, vì vậy điều quan trọng là phải hiểu cả hai thân và tâm điều thúc đẩy và chi phối bởi cảm thọ. Trong kinh Đại niệm xứ (satipaṭṭhāna Sutta), chánh niệm về cảm thọ là một trong bốn cơ sở của chánh niệm, được trình bày tiếp theo sau khi quán niệm về thân. Đức Phật dạy có ba loại cảm thọ đó là khổ thọ, lạc thọ và bất khổ bất lạc thọ. Ba loại cảm thọ này được xuất phát từ sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần. Cảm thọ là một hiện tượng không có tự tính. Nó diễn ra rất phức tạp, và thường xuyên thay đổi tùy theo điều kiện và hoàn cảnh và tuỳ theo cách nhận thức của ta. Vì vậy, chánh niệm về cảm thọ là một nội dung quan trọng trong thiền quán minh sát (vipassana). Bằng cách chặn những cảm giác ban đầu tại một căn môn, mà không cho cảm xúc vượt sâu xa hơn thâm nhập vào cơ chế của tâm dẫn đến tham ái, chấp thủ. Nếu chế ngự được cảm xúc ngay từ khi căn tiếp xúc với trần (mắt thấy sắc không nắm giử tướng chung hay tướng riêng…tương tự với các căn khác), thì không có tham ái chấp thủ do đó không có khổ đau.
Thông thường, khi có một cảm thọ dễ chịu, tâm tham phát khởi; ta muốn thêm nữa. Khi có một cảm thọ khó chịu, ta phản ứng bằng sự giận dữ, chống đối nó. Khi cảm thọ trung tính, ta có khuynh hướng lờ nó đi. Cứ như thế ta cứ loay hoay trong các dòng cảm thọ đó, không có khi nào dừng lại. Như ta đã biết tham, sân, và si là nguồn gốc của mọi khổ đau. Chánh niệm về cảm thọ là một cơ hội để ta quán sát nguồn gốc này, nơi ta có thể buông bỏ mọi khổ đau.
Quán sát cảm thọ chúng ta biết rằng tất cả mọi chúng sanh đều có cảm thọ, rằng tất cả đều trải qua những đau đớn thể xác và tinh thần, khổ vì đói lạnh, buồn bã khi cô đơn, chúng ta trở nên bớt ích kỷ và bớt có khuynh hướng bảo vệ cho rằng cảm xúc của mình luôn đúng. Chúng ta có thể lắng nghe một cách bình tĩnh sự than thở của người khác mà không thấy khó chịu. Khi chúng ta chánh niệm rằng tất cả mọi chúng sanh đều có cảm xúc như nhau, thì làm sao ta có thể nói hay làm điều gì đó để gây thương tổn cho người khác?
Do vậy, chánh niệm về cảm thọ là phương pháp thực tập kỳ diệu. Thiền quán này giúp ta thiết lập và làm chủ được cảm xúc trong mọi tình huống. Ta không còn là kẻ nô lệ của cảm xúc; không còn buồn vui, giận hờn hay ganh tức diễn biến theo dòng cảm xúc nữa. Giờ đây, ta trở về với chính ta, trở về với ‘bản lai diện mục’, với bản tâm thanh tịnh, trong sáng vô ngần mà bấy lâu nay bị lãng quên, bị vùi lấp trong dòng ái, ố, nộ si từ cảm thọ chi phối.
3. Quán niệm về Tâm (Cittānupassanā)
Chánh niệm về Tâm ý là bước thứ ba trong kinh bốn lĩnh vực quán niệm. Tâm ý là những hiện tượng tâm lý được gọi là tâm hành (cittasamskara), có khi gọi là tâm sở (mental formations). Cảm thọ cũng là một tâm hành, nhưng phạm vi của nó rộng, nên được xếp riêng thành một lĩnh vực quán niệm. Còn lại, tưởng, hành và thức đều là những tâm hành, đối tượng của phép quán niệm này. Câu xá tông liệt kê gồm 46 loại tâm hành, Duy thức tông chia ra có 51 loại. Trong khi đó, kinh Tứ niệm xứ chỉ đề cập đến một số tâm hành như: tham, giận, lầm lạc, tán loạn, khép kính, giới hạn, không có định, không có giải thoát, hôn trầm, kích thích, nghi ngờ. Và những tâm hành có nội dung ngược lại là không tham, không giận, không lầm lạc, tập trung, mở rộng, vô thượng, định, giải thoát, không hôn trầm, không kích thích và không nghi ngờ, tất cả gồm 16 thứ. Tất cả những tâm hành đó điều là đối tượng của sự quán chiếu tâm trong tâm. Cũng giống như phương pháp quán thân trong thân, thọ trong thọ, phương pháp quán tâm trong tâm là nhận diện được sự phát sinh, sự có mặt và tàn hoại của những hiện tượng tâm ý đó.
Chúng ta nên dành cho mỗi trạng thái với sự chú tâm toàn vẹn khi nó phát khởi, hiện diện và tàn hoại mà không cần làm bất cứ điều gì đặc biệt về nó và không để bị vướng mắc hay bám đuổi theo dòng tư tưởng hay cảm xúc đó. Bạn chỉ đơn giản quán sát khi mỗi trạng thái phát sinh và qua đi. Sự sinh khởi, rồi hoại diệt là bản chất của tâm. Kinh Di Giáo nói: “Tâm rất đáng sợ, giống như rắn độc hại, như ác thú, oán tặc vậy…Phải gấp gấp khuất phục chúng, đừng buông thả chúng. Phóng túng tâm mình ắt vong táng mạng người. Kềm chế chúng ở một nơi thì không phải lo làm gì cả.”[7]
Mỗi khi ngọn đèn chánh niệm đốt lên và quán chiếu được đốt lên, tâm hành đang có mặt sẽ chịu ảnh hưởng tốt của chánh niệm và quán chiếu ấy một cách tự nhiên và tính chất cũng như phẩm chất của tâm hành ấy sẽ được thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn dù đó là tâm hành thiện hay bất thiện.
4. Quán niệm về đối tượng của tâm (Dhammānupassanā)
Suy ngẫm về tâm-vật là phương pháp cuối cùng trong ‘Bốn nền tảng của chánh niệm.’ Đối tượng của tâm bao gồm: năm triền cái (Nivaraṇa), Năm uẩn, Sáu nội ngoại xứ, Thất giác chi, và Tứ diệu đế.
Thiền quán niệm về Năm triền cái (nivaraṇa) là tập trung tâm trí để biết rằng: trong tâm trí của tôi có tham dục, sân hận, thùy miên, trạo hối và hoài nghi hiện diện hay vắng mặt, phát sinh hoặc không phát sinh, và trong tương lai năm triền cái phát sinh hay không phát sinh.
Tương tự, hành giả tiếp tục quán chiếu về năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức sinh khởi hay hoại diệt. Vị ấy an trú chánh niệm, không chấp trước bất cứ vật gì trên đời
Tiếp tục, chúng ta quán niệm Sáu nội ngoại xứ. Khi chánh niệm, chúng ta biết rằng: Mắt và các đối tượng có thể nhìn thấy; tai và âm thanh; mũi và mùi; lưỡi và hương vị; cơ thể và liên lạc; tâm trí và đối tượng tinh thần, bất cứ điều gì kiết sử do duyên hai pháp hay nói cách khác hai pháp tiếp xúc với nhau các kiết sử sanh khởi. Vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa.
Quán niệm về Thất giác chi: Niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xã. Thiền giả tập trung tâm trí để biết rằng nó hiện diện hoặc vắng mặt, sinh khởi hay hoại diệt. Vị ấy sống quán tánh sanh diệt trên các pháp, an trú chánh niệm hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.
Chánh niệm về Tứ diệu đế: “Ở đây Tỷ kheo như thật tuệ tri: ‘Đây là khổ’; như thật tuệ tri: ‘Đây là khổ tập’; như thật tuệ tri: ‘Đây là khổ diệt’; như thật tuệ tri: ‘Đây là con đường đưa đến khổ diệt.” như vậy là chánh niệm về hơi thở.
Đối với năm đề mục quán niệm về đối tượng của tâm, hành giả thực hành liên tục nhiều lần để đạt được sự thuần thục, nhu nhuyến trong tâm.
Với thiền hành Tứ niệm xứ, Đức Phật không phải là khuyến khích cho tất cả mọi người phải quán niệm tất cả bốn đề mục. Mà tùy theo căn cơ trình độ để ứng dụng cho thích hợp với từng pháp môn nhằm mang lại lợi ích trong đời sống tâm linh. Theo đó, hai trong bốn quán niệm đầu tiên là niệm về thân và thọ dành cho những người tâm còn nặng tham ái thực thực hành thiền quán để đối trị và muốn thanh tịnh thông qua thiền chỉ (samatha). Đối với người có căn tánh chậm thì chọn pháp niệm thân, và người có tính hiếu động thì chọn phương pháp niệm thọ. Còn với niệm tâm và niệm pháp dành cho những người đang mong muốn sự thanh tịnh thông qua thiền minh sát. Và hai pháp quán này cũng dành cho người mạng nặng tà kiến (diṭṭhicarita). Một người là lười biếng trong sự tinh tấn thì chọn pháp niệm tâm (cittānupassanā) để thực hành thiền quán, trái lại những người siêng năng tinh tấn thì thực hành hai pháp quán niệm về tâm và pháp.[8]
Từ sự phân tích này, chúng ta thấy rằng một trong tứ niệm xứ đã mang ý nghĩa thực hành trọn vẹn. Do vậy, chúng ta phải biết rõ về căn tánh của mình để chọn một trong bốn phương pháp ấy để áp dụng thực hành một cách hiệu quả trong sự thanh tịnh nội tâm và giác ngộ chân lý sự thật.
Các phương pháp thiền quán của Đức Phật giống như một tủ đựng đầy thuốc. Bạn không thể uống tất cả các loại thuốc cùng lúc, cũng như bạn không thể thực hành mọi thứ trong bốn lãnh vực chánh niệm (Tứ niệm xứ) cùng một lúc. Hãy bắt đầu với bất cứ lãnh vực nào bạn cảm thấy thoải mái. Rồi trong quá trình thiền quán, bạn có thể quán về một lãnh vực khác, tùy thuộc vào đối tượng thiền quán phát sinh. Hiện tại tâm của ta có vẻ lăng xăng, lộn xộn, nhưng nó sẽ dần lắng xuống. Khi tâm chánh niệm đã trở nên mạnh mẽ, sắc bén, tự nhiên tâm sẽ bắt đầu quán xét các khía cạnh sâu sắc hơn trong giáo lý của Đức Phật.
Tóm lại, thiền tứ niệm xứ giúp hành giả tái thiết lại sự cân bằng giữa thân và tâm, đưa thân và tâm trở về một mối, nhất như và an trú trong phút giây hiện tại, bây giờ và ở đây. Thiền quán này cũng giúp ta thiết lập sự an lạc tự thân, ‘hiện tại lạc trú, không truy tìm quá khứ, không ước vọng tương lai’. Chánh niệm giúp chúng ta xác định được toàn bộ bản chất của tâm và vật, không bị chi phối bởi chúng dẫn đến bất an và lo lắng. Nó giúp chúng ta phát triển năng lượng của từ bi và trí tuệ, chuyển đổi những tâm lý xấu, ác thành tâm thiện lành. Hoàn thiện nền tảng bốn chánh niệm dẫn đến sự đoạn tận vô minh, tham ái, giải thoát khỏi đau khổ: ‘Đây là con đường trực tiếp để thanh tịnh của chúng sinh, để khắc phục sầu não, thoát ly mọi nổi khổ niềm đau, đạt đến sự an lạc giải thoát, niết bàn đích thực.’
Ghi chú:
[1] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, (kinh Đại Niệm xứ), NXB Tôn Giáo, 2016, p. 445.
[2] Rhys Davids, Dialogues of the Buddha, Vol. 2, Motilal Banarsidass, Delhi, 2007, p. 327.
[3] Thích Minh Châu (dịch), Trường Bộ Kinh, kinh Đại niệm xứ, NXB Tôn Giáo, 2016, p. 445.
[4] Thích Minh Châu (dịch), Trường Bộ Kinh, kinh Đại niệm xứ, NXB Tôn Giáo, 2016, p. 446.
[5] Thích Nhất Hạnh, Con đường chuyển hóa, Kinh bốn Lĩnh vực quán niệm, p. 30.
[6] Op.cit., p. 446.
[7] Bhikkhu Khantipālo, The Buddha’s Last Bequest, A Translation from the Chinese Tipiṭaka, Buddhist Publication Society, Kandy • Sri Lanka, 2008, p. 6.
[8] Harcharn Singh Sobti (ed.), Vipassanā the Buddhist way, Eastern Book Linkers, Delhi, 2003, pp. 77-78.
Thích Trung Định
Bài đọc thêm:
Con đường duy nhất? (Bình Anson)
- Từ khóa :
- Tứ Niệm Xứ