Ikkyu Sojun - Hakuin Ekaku - Ryokan Taigu
Nguyên tác Anh ngữ:Three Zen Masters: Ikkyu, Hakuin, and Ryukan
Tác giả John Stevens - NXB Kodansha International in năm 1993 tại Nhật
Việt dịch: Cư Sĩ Nguyên Giác, 2003
LỜI NÓI ĐẦU
Cuốn Ba Thiền Sư ghi lại cuộc đời của Ikkyu Sojun (1394-1481), Hakuin Ekaku (1686-1768), và Ryokan Taigu (1758-1831). Mỗi vị Sư đều hiển lộ Thiền Tông trong cách riêng. Sư Ikkyu, còn được gọi là “Mây Điên,” rất là phi truyền thống, không thỏa hiệp, và mang tính tác chiến. Sư tấn công không thương tiếc các thói giả hình và bịp bợm, không che giấu gì về mình, ngay cả đời sống tình dục của sư, điều làm cho sư độc đáo giữa các vị Thiền sư mặt lạnh như đá, những người thường không hiển lộ cảm xúc.
Trong khi Ikkyu lên án hệ thống bằng cấp của nhà Thiền, bác bỏ giấy inka, tức là “giấy chứng nhận giác ngộ,” từ Thầy của mình và từ chối cấp các văn bằng như thế cho đệ tử của chính sư, thì Hakuin đã phát ra các văn bằng nhiều hơn bất kỳ vị Thiền sư chân thực nào trong lịch sử Nhật Bản, dùng hệ thống này để vun bồi một đạo binh những người tu Thiền tận lực nhìn vào bản tánh của họ và trở thành các vị Phật. Vĩ đại, táo bạo, và năng động, Hakuin nói rằng mọi người – nam hay nữ, tu sĩ hay cư sĩ, nông dân hay vương hầu – đều có thể thực tập pháp “Thiền trong hành động.”
Ngược lại, Ryokan là một Thiền sư dịu dàng, ẩn dật, tự làm lu mờ. Không bao giờ trụ trì, Ryokan sống lặng lẽ và đơn giản trong các nơi ẩn dật bé nhỏ, thường ngày chơi đùa với trẻ con trong làng, uống rượu saké với nông dân, gần gũi với thiên nhiên, và làm thơ.
Cả ba Thiền sư đều là nghệ sĩ ở bậc cao nhất, sử dụng cọ, mực, và giấy như phương tiện để truyền dạy Thiền Tông. Qua các thế kỷ, các tranh vẽ tráng lệ của Ikkyu, Hakuin, và Ryokan – các nét cọ của giác ngộ – đã gợi hứng, hướng dẫn, và thưởng lãm cho các thế hệ Thiền sinh.
Mặc dù tôi đã dựa chủ yếu vào các nguồn căn bản cho phần tiểu sử Ikkyu, tôi thấy cần phải đưa thêm vào nhiều mẩu chuyện khả tín nhất về nhà sư này, nhằm mô tả hình ảnh sư Ikkyu được trân trọng bởi những người ngưỡng mộ sư. Và ngay cả, nếu không đúng với sự thật lịch sử, mỗi chuyện đều hiển lộ ra một Thiền phong quan trọng của Ikkyu. Về phần cuộc đời của các sư Hakuin và Ryokan, chúng ta có nhiều sử liệu chắc hơn, nhờ các tự truyện và sách đương thời có được về hai nhà sư này. Tất cả các bản dịch (Anh ngữ) xuất hiện nơi đây là của riêng tôi.
Thiền rất là cá biệt và phổ quát. Những cái cá biệt của cuốn Ba Thiền Sư thì liên hệ tới thời gian, nơi chốn và hoàn cảnh; còn phổ quát là bản chất của Thiền được hiển lộ qua cuộc đời và giảng dạy của Ikkyu, Hakuin, và Ryokan. Họ cùng đưa ra một thông điệp bất tử mà bất kỳ ai ở bất kỳ thời nào cũng có thể hân thưởng.
JOHN
STEVENS
Honolulu,
1992