Tiểu Sử Đức Jamgon Kongtrul Yonten Gyatso

18/12/20184:02 SA(Xem: 10293)
Tiểu Sử Đức Jamgon Kongtrul Yonten Gyatso

TIỂU SỬ ĐỨC JAMGON KONGTRUL YONTEN GYATSO
Ringu Rinpoche soạn
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ

 

Jamgon Kongtrul Yonten GyatsoTHỜI THƠ ẤU

Đạo Sư Ri-me vĩ đại, nổi danh là Jamgon Lodro Thaye hay Kongtrul Yonten Gyatso, sinh ra ở Kham, một vùng thuộc sáu rặng núi được phân chia bởi bốn dòng sông lớn. Địa điểm chào đời của Ngài là ở rặng núi Dridza Zalmogang, tọa lạc giữa Sông Drichu và Sông Shardza, dòng sông cũng được biết đến là Sông Bắc Dzachu. Trong thung lũng ẩn giấu được gọi là Rongyap, gần Núi Padma Lhatse, Đức Jamgon Kongtrul sinh ra trong một gia đình trung lưu, vào năm 1813, Năm Hỏa Dậu Cái thuộc chu kỳ sáu mươi năm (Rabjung) thứ Mười bốn, lúc bình minh ngày Mười tháng Mười. Cha của Ngài là ông Yungdrung Tendzin và mẹ của Ngài là bà Tashi Tso. Ngài đã sinh ra một cách dễ dàng và chẳng gây đau đớn cho mẹ.

Mẹ của Ngài là người dịu dàng và tốt tính – bà hoan hỷ cho đi bất cứ thứ gì bà có và bà luôn ngập tràn lòng sùng mộ và nhận thức thanh tịnh. Bà đã trì tụng 150 triệu biến thần chú Mani trong suốt cuộc đời. Bà ấy kết hôn với một Lama đạo Bon tên là Sonam Phel, nhưng họ không có con cái. Người cha thật sự của Đức Jamgon Kongtrul là vị Lama Khyungpo – Yungdrung Tendzin, người xuất thân từ tộc Khyungpo, cùng dòng dõi gia đình với Tổ Jetsun Milarepa.

Từ khi còn nhỏ, Đức Jamgon Kongtrul đã sở hữu bản tính cao quý. Ví dụ, Ngài không thích mặc quần áo của người thường. Những trò chơi của Ngài đều là việc giả vờ rằng Ngài đang đọc những bản kinh, xây dựng điện thờ đạo Bon cho những vị thần bản địa và chùa chiền Phật giáo, làm Torma từ bùn, cúng dường Torma và cử hành cúng dường khói. Điều khiến Ngài hạnh phúc là được thấy bình nghi lễ, chuông và chày kim cương và Ngài dành tất cả thời gian cho các hoạt động thiện lành.

Khi Ngài lên ba tuổi, Khenpo Sonam Lodro, vị đến từ Menri thuộc tỉnh Tsang, đã đến quận của Ngài. Cha mẹ của Đức Jamgon Kongtrul thỉnh cầu Khenpo cử hành lễ cắt tóc và đặt tên cho con trai họ. Đức Jamgon Kongtrul được đặt tên là Tendzin Yungdrung và mọi người đã gọi Ngài như vậy cho đến mãi về sau. Lên năm tuổi, Ngài học bảng chữ cái chỉ nhờ việc nhìn vào nó. Từ năm tám tuổi, khả năng đọc của Ngài vượt trội những người đọc lớn tuổi hơn.

Dân chúng trong vùng của Ngài là hành giả Bonpo và bởi có một Tu viện đạo Bon ở gần, đó chính là nơi Ngài đến tham dự các thực hành nhóm. Ngài trở nên vô cùng uyên bác về các nghi lễ của đạo Bon, học cách chơi nhạc và làm Torma. Tuy nhiên, Ngài có niềm tin với Phật giáo nói chung và đặc biệt là Đức Liên Hoa Sinh. Giống như kẻ khát nước mong mỏi được uống nước, Ngài háo hức được gặp những Lama nổi tiếnghóa hiện của Guru Rinpoche, chẳng hạn Đức Situ Padma Nyinje Wangpo, Dzogchen Padma Rigdzin và Lama đạo Bon – Mongyal Padma Gyalpo. Lúc vị Jamgon Kongtrul nhỏ tuổi đang chơi, Ngài nói Ngài cũng là một Tulku của Đức Liên Hoa Sinh. Khi vẫn còn trẻ, Ngài đã có được nhiều kiến thức từ những giấc mơ; chẳng hạn, Ngài có thể nói ai sẽ viếng thăm vào hôm sau. Ngài đã diện kiến Guru Rinpoche và những đạo sư khác trong các giấc mơ, linh kiến thiền định và trong kinh nghiệm thực sự.

Thời trẻ, Ngài có đôi tay khéo léo và đã học hỏi về thủ công, y học và những ngành khoa học khác. Mười sáu tuổi, Ngài học các kỹ thuật về vẽ, điêu khắcphác họa từ nhà điêu khắc lão luyện ở Chamdo. Từ trẻ, Đức Kongtrul đã khiêm cung và lịch thiệp. Bởi Ngài hành xử tốt đẹp như vậy, mọi người luôn quý mến và tử tế với Ngài. Cuối mùa hạ năm mười sáu tuổi, Ngài trở thành thư ký cho Khangsar Tsephel, thủ lĩnh của quận Cho-de. Đức Jamgon Kongtrul trở thành một trong những người được vị thủ lĩnh yêu thích. Bởi Ngài thông minh và có tài ăn nói, vị thủ lĩnh quả quyết rằng Ngài cần nghiên cứu các ngành khoa học và nghệ thuật truyền thống. Ông ấy đã gửi Kongtrul Rinpoche đến Tu viện Shechen để tu học với Đức Shechen Ontrul Gyurme Thutop Namgyal, một học giả vĩ đại về năm ngành khoa học.

TU HỌC

Từ Đức Shechen Ontrul, Ngài đã học cách làm thơ của Tây Tạng thông qua những bản văn như Gương Thi Ca Ba Chương, bình giảng vĩ đại của Tổ Situpa về các bản văn ngữ pháp Tây Tạng và ngữ pháp Phạn ngữ Chandrapa. Đức Kongtrul đã học thuộc lòng bản văn gốc cùng những bình giảng và làm bài kiểm tra về tất cả. Ngài biết về các bản văn ngữ pháp Phạn ngữ chính yếu – ngữ pháp Kalapa và ngữ pháp Sarasvata – chỉ nhờ việc nghe về chúng. Ngài đã học cách làm thơ theo các nhịp phức tạp và Ngài cũng nghiên cứu toán học Tây Tạng.

Trong những năm cuối thời niên thiếu, Ngài đã nghiên cứu tất cả giáo lý của các trường phái triết học Phật giáongoại đạo. Trong lúc nghỉ giữa các nghiên cứu, Ngài thọ nhận từ Lama Gyurme Tenphel quán đỉnhkhẩu truyền cho pho Tổng Nhiếp Chư Thiện Thệ, một thực hành Quan Thế Âm của truyền thống Mindrolling và Hiện Thân Của Những Trân Bảo hay Konchok Chidu. Konchok Chidu là Terma của Tổ Jatson Nyingpo để thực hành về Guru Rinpoche trong ba khía cạnh: an bình, phẫn nộ và trong hình tướng nữ, tức Sengdongma. Ngài Jamgon Kongtrul cũng thọ nhận khẩu truyềnchỉ dẫn để tiến hành Pháp Tu Trường Thọ theo Kho Tàng Phương Bắc, trong đó, người ta có được tất cả dinh dưỡng từ măng đá. Trong một tuần, Ngài đã thực hành Pháp tu này và chẳng cần ăn uống gì ngoài việc tách rút tinh túy.

Trong thời gian này, Ngài cũng nghiên cứu với nhiều bậc thầy, chẳng hạn học giả Kim Cương thừa Kunzang Sang-ngak; từ vị này, Ngài thọ nhận các chỉ dẫn về ba bộ giới luật của Tổ Minling Terchen Gyurme Dorje. Từ Đức Gyurme Tendzin, Ngài thọ nhận Bảy Kho Tàng của Tổ Longchenpa. Với Pháp Chủ Đạo Sư Shechen Ontrul, Ngài nghiên cứu hai lối thi pháp Phạn ngữlentsavartu và với Lama Padma Kalzang, Ngài luyện viết theo các lối thi pháp này cũng như cách viết tiếng Tạng theo phong cách Mindrolling. Từ vị đạo sư trì tụng Gyurme Chodar, Ngài học các kỹ thuật để thiết lập đàn tràng ba chiều và những lối thi pháp được gọi là zabdritsukchen cổ.

Đức Shechen Ontrul đã nhấn mạnh với Ngài về tầm quan trọng của việc duy trì truyền thống tu sĩ; vì thế, năm hai mươi tuổi, Ngài đã thọ đại giới từ Đức Shechen Ontrul. Vào mùng Một Tết Thủy Thìn [1832], Ngài thọ ba phần giới luật tu sĩ một lần, theo truyền thống Vinaya Hạ. Đức Shechen Ontrul sử dụng những chú thích của chính mình để ban cho Ngài chỉ dẫn chi tiết về cách cử hành ba nghi lễ chính yếu của tu sĩ: an cư kiết hạ, nghi thức sám hốinghi thức tự tứ.

Sau đấy, vào ngày Tám của tháng đó, Đức Shechen Ontrul bắt đầu ban khẩu truyềnchỉ dẫn về các bản văn Phật giáo chính yếu, đứng đầu là tuyển tập Kangyur quý báu – những lời dạy của chính Đức Phật. Ngài cũng ban các quán đỉnhkhẩu truyền Tám Giáo Lý Nghi Quỹ – Tập Hội Chư Thiện Thệ, Chư Bổn Tôn An BìnhPhẫn Nộ từ Terma của Tổ Karma Lingpa, Bình Như Ý Xuất Sắc của truyền thống Mindrolling, thứ bao gồm nhiều thực hành khác nhau. Đức Shechen Ontrul cũng trao cho Ngài Jamgon Kongtrul mọi chỉ dẫn và sự giải thích cần thiết để tiến hành các nghi lễ. Ngài nói với Đức Kongtrul rằng, “Đừng quên những điều này. Ai mà biết người nào có thể làm lợi lạc cho giáo lý trong tương lai?”.

NGHIÊN CỨUHÀNH TRÌ TẠI PALPUNG

Khi Ngài hai mươi mốt tuổi, trong tháng Hai của năm Thủy Tỵ [1833], vị thủ lĩnh Khangsar Tsephel khăng khăng rằng Đức Jamgon Kongtrul cần rời Tu viện Shechen và chuyển đến Tu viện Palpung. Khi Ngài khởi hành đến Palpung, Đức Shechen Ontrul trao cho Ngài bộ y tu sĩ của chính mình, một cặp bình và một đoạn kệ cát tường chứa đựng Pháp hiệu của Đức Kongtrul – Yonten Gyatso. Ngài nói với đệ tử rằng, “Đây là một kết nối cát tường để thiết lập con là một Lama. Như một quy tắc chung, Ta khuyên con có ít mong chờ, duy trì tỉnh thức và đừng bộ phái”.

Đức Kongtrul bắt đầu những nghiên cứu tại Tu viện Palpung với việc học cách tiến hành những tính toán chiêm tinh. Ngài học Bình Xuất Sắc Chứa Đựng Những Điều Cần Thiết với vị Lama vô cùng uyên bác, Tashi Namgyal, và sau đó đã tính toán và viết lại lịch của một năm.

Tháng Mười năm đó, Đức Situ Padma Nyinje Wangpo trở về Tu viện Palpung sau chuyến viếng thăm đến tỉnh U thuộc miền Trung Tây Tạng. Là hóa thân Situ, Ngài là vị Lama đứng đầu Tu viện Palpung. Lúc này, Ngài Jamgon Kongtrul đã biên soạn một lời tán thán phức tạp theo lối Kunzang Khorlo và cúng dường lên Situ Rinpoche. Đây là một bài thơ bằng biểu đồ, thứ có thể được đọc xuôi, ngược, thẳng đứng và chéo. Đêm đó, Situ Rinpoche nằm mơ thấy mặt trời mọc. Sau đấy, Ngài nói rằng, “Đó là một dấu hiệu rằng Kongtrul sẽ làm lợi lạc giáo lý một cách lớn lao”, và Ngài rất hoan hỷ với Đức Jamgon Kongtrul.

Vị thủ lĩnh Khangsar Tsephel nói với Ngài rằng, “Chủ yếu, Ta đã dạy dỗ con để con sẽ làm lợi lạc Tu viện này; vì thế, Ta muốn con ở lại đây mãi mãi”. Đó là cách mà Palpung đã trở thành nhà của Đức Kongtrul. Vào thời gian này, Situ Rinpoche quả quyết rằng Ngài Kongtrul cũng cần thọ nhận đại giới theo truyền thống Vinaya Thượng. Bởi vậy, vào ngày Sáu tháng Mười, trong chính điện Palpung Thubten Chokorling vĩ đại, Kongtrul Rinpoche đã thọ nhận các giới luật từ Situ Rinpoche, vị có danh hiệu đầy đủ là Jamgon Tai Situ Palden Tendzin Nyinje Thrinle Rabgye Chok-le Namdrol Padma Nyinje Wangpo. Situ Rinpoche đóng vai trò là Đàn Đầu Hòa ThượngA Xà Lê cho nghi lễ. Các vị khác trong năm vị Tôn Chứng cần thiết cho lễ truyền giới gồm Ongen Karma Thegchok Tenphen – vị cố vấn cá nhân về Luật Tạng, bác sĩ Karma Tsepal là người xác định thời gian, Umdze Karma Khentsun là vị hướng dẫn và Je On Karma Thogme là vị Tăng để đủ năm vị. Người ta nói rằng ở vùng trung tâm của Giáo Pháp, cần phải có mười tu sĩ để truyền giới, nhưng ở vùng xa xôi, chỉ cần năm vị. Đức Kongtrul đã thọ đại giới, và như trước kia, Ngài thọ ba cấp độ của giới luật cùng lúc. Pháp hiệu của Ngài là Karma Ngawang Yonten Gyatso Thrinle Kunkhyap Palzangpo. Ngài cũng được xác nhận là vị tái sinh của Kongpo Bamtang Tulku, người đã từng là một đệ tửthị giả của Situ Rinpoche đời trước. Vì vậy, từ đó trở đi, Ngài nổi tiếng là Kongtrul, “vị Tulku Kongpo”.

Lúc này, Đức Jamgon Kongtrul hai mươi mốt tuổi. Từ Đức Situ Rinpoche, Ngài bắt đầu thọ nhận vô số quán đỉnh, khẩu truyềnchỉ dẫn, chủ yếu là khẩu truyền Kangyur và Tuyển Tập Mật Điển Nyingma. Những trao truyền này kéo dài nhiều tháng. Trong lúc nghỉ giữa các trao truyền chính, Ngài thọ nhận nhiều quán đỉnh, khẩu truyềnchỉ dẫn từ những vị Lama viếng thăm về dòng truyền thừa đặc biệt của họ. Đặc biệt, từ thầy Lhalung Tenphel vô cùng uyên bác, Ngài thọ nhận Nội Nghĩa Sâu Xa, Phân Biệt Thức – TríLuận Phật Tính, các bản văn của Tổ Rangjung Dorje. Vị Lama này cũng giải thích chi tiết Ý Định Duy Nhất của truyền thống Drikung. Về phần mình, Đức Kongtrul đã dạy cho Lama Tenphel ngữ pháp Phạn ngữ Chandrapa.

Trong mùa đông năm Ngọ [1834] và tiếp tục qua năm Mùi [1835], Đức Jamgon Kongtrul nghiên cứu y học. Vị bác sĩ vô cùng uyên bác Karma Tsepal đã trao truyền cho Đức Kongtrul ba trong bốn Mật điển y học: Mật điển Giải thích, Mật điển Gốc và Mật điển Chỉ dẫn. Đức Kongtrul xem Mật điển Gốc và Mật điển Yuthok là một phần trong thực hành hàng ngày của Ngài. Mật điển Yuthok nằm trong những trước tác của Yuthok Yonten Gonpo, một bác sĩ nổi tiếng vào thế kỷ tám ở Tây Tạng. Trong thời gian này, Đức Jamgon Kongtrul cũng học thuộc lòng Nghi quỹ Mahakala.

Trong tháng Giêng năm Mộc Mùi [1835], Ngài tiến hành nhập thất Bạch Văn Thù và từ đó, chẳng gặp bất kỳ khó khăn nào trong biên soạn bất cứ kiểu trước tác nào. Vào khoảng thời gian này, theo phong tục phổ biến, Ngài thỉnh cầu Đức Situ Padma Nyinje Wangpo làm lễ tiên tri để xác định vị Bổn tôn Yidam thích hợp nhất với Ngài. Situ Rinpoche bảo Ngài xem Bạch Độ Mẫu là Bổn tôn đặc biệtnhập thất về Pháp tu này; vì thế, Ngài đã làm vậy. Trong khóa nhập thất của Đức Kongtrul về thực hành Bạch Độ Mẫu theo truyền thống Jonang, Ngài đã trải qua những dấu hiệu của sự thành tựu tâm linh.

Vào nhiều dịp khác nhau, Ngài thọ nhận từ Situ Rinpoche, Ongen Rinpoche và những đạo sư khác tất cả quán đỉnhkhẩu truyền chính yếu cho các nghi quỹ dài và ngắn được thực hành trong truyền thống Karma Kagyu, bao gồm Kim Cương Hợi Mẫu, Thượng Lạc Kim Cương Năm Bổn Tôn, Quan Âm Thắng Hải Chín Bổn Tôn Toàn Tri, A Súc Bệ Phật, Vô Lượng Thọ Chín Bổn Tôn và Đạo Sư Du Già Karma Pakshi. Tất cả những quán đỉnh này bao gồm những Mandala cô đọng và mở rộng của chúng. Ngài đã thọ nhận những trao truyền thích hợp cho các bài cầu nguyện hàng ngày và chỉ dẫn để tiến hành nghi quỹ và thực hành Đại Thủ Ấn theo ba kiểu – mở rộng, trung bình và cô đọng. Ngài cũng thọ nhận toàn bộ chỉ dẫn khẩu truyền cho Sáu Pháp Du Già, giống như rót từ bình này sang bình khác.

Khi tiến hành các Pháp tu của truyền thừa Kagyu, Ngài bắt đầu với bốn trăm nghìn thực hành sơ khởi cho Đại Thủ Ấn rồi sau đó, thực hiện các thực hành trì tụng cho Mandala của Thắng Lạc Kim Cương và những Bổn tôn khác. Tiếp đấy, Ngài đã thực hành Sáu Pháp Du Giàthiền định Đại Thủ Ấn. Nói chung, Ngài đã hiện thực hóa Mandala của mỗi vị Bổn tôn mà Ngài thực hành và đích thân Ngài nói rằng, về mỗi thực hành mà Ngài thực hiện, Ngài trải qua ít nhất một trong những dấu hiệu được tiên đoán trong các bản văn. Đặc biệt, Ngài đã thọ nhận những giáo lý về Sáu Pháp Du Già Của Niguma ba lần từ đạo sư tâm linh Karma Norbu và Ngài đã hoàn thành mọi thực hành này.

BẮT ĐẦU GIẢNG DẠY

Trong năm Hỏa Thân [1836], Gyalwa Karmapa Thegchok Dorje đưa khu trại và đoàn tùy tùng của Ngài đến Tu viện Karma Gon ở Kham. Ngài khăng khăng rằng Đức Jamgon Kongtrul cần đến đó để dạy Ngài Phạn ngữ. Đức Kongtrul kết thúc nhập thất và đến Karma Gon. Vào ngày đầu tiên của tháng Giêng năm Hỏa Dậu [1837], khi Đức Kongtrul hai mươi tư tuổi, Ngài bắt đầu giảng dạy cho Đức Karmapa ngữ pháp Kalapa, ngữ pháp Sarasvata và Cội Nguồn Quý Báu Để Làm Thơ, lần lượt từng phần. Ngài cũng trao cho Đức Karmapa một phiên bản kèm chú thích của bản văn gốc về ngữ pháp Kalapa và bình giảng từng từ về ngữ pháp Sarasvata. Chính trong khoảng thời gian này, Đức Kongtrul đã hoàn thiện thực hành tinh luyện thủy ngân để làm thuốc.

Trong năm Thổ Hợi [1839], hai bác sĩ, Mendron Tsepal và Karma Tsewang Rabten, đã trao cho Ngài những giải thích chi tiết về Mật điển Cuối cùng, điều sau cùng trong bốn Mật điển y học. Họ cũng trao cho Ngài những chỉ dẫn thực tiễn để điều chế thuốc và sử dụng thảo dược.

Trong ba năm sau đó, Ngài đã giảng dạy nhiều chủ đề khác nhau tại Tu viện Palpung, đặc biệtPhạn ngữ. Ngài đã dạy ngữ pháp Phạn ngữ, thi ca, thi pháp và chiêm tinh. Ngài cũng giảng dạy những bản văn triết học, chẳng hạn hai bộ luận nhỏ và Nội Nghĩa Sâu Xa của Tổ Rangjung Dorje. Trong suốt thời gian này, Ngài đã nghiên cứuquán chiếu về nhiều bản văn của Nhân thừa, chủ yếu liên quan đến Trung Quán Luận, Bát Nhã, Luật Tạng, Kho Tàng A-tỳ-đạt-ma và năm cuốn sách của Đức Di Lặc.

Khi đang phụng sự Gyalwa Karmapa, Ngài Jamgon Kongtrul nhận được vàng và nhiều món quà quý, thứ mà Ngài sau đó đã dâng lên đạo sư Situ Rinpoche để chính thức thỉnh cầu Bồ Tát giới. Lúc này, Đức Situ Padma Nyinje Wangpo đã cử hành nghi lễ tỉ mỉ để trao truyền Bồ Tát giớiban cho Ngài Kongtrul danh hiệu Bồ Tát Lodro Thaye.

Trong năm Kim Tý [1840], khi Ngài hai mươi bảy tuổi, Ngài đã lần đầu tiên hạnh ngộ Đức Jamyang Khyentse Wangpo, vị khi ấy hai mươi tuổi. Lúc đó, Đức Kongtrul đã giảng dạy cho Khyentse Rinpoche bằng cách ban giáo lý về ngữ pháp Chandrapa cùng nhiều bản văn khác.

BẮT ĐẦU NHẬP THẤT

Năm Thủy Dần [1842], Ngài chuyển đến sơn thất phía trên Palpung, nơi vốn thuộc về Đức Situ Padma Nyinje Wangpo. Trong thời kỳ của Situ Rinpoche đời trước – Đức Chokyi Jungne, ở đó từng có một trung tâm nhập thất thượng. Sau này, Palpung Ontrul Wangi Dorje đã thành lập một trung tâm nhập thất hạ và khu nhà thượng không được sử dụng. Đức Jamgon Kongtrul đã sửa sang và sống ở đó trong phần còn lại của cuộc đời. Ngài đặt tên cho nơi này là Kunzang Dechen Osal Ling.

Kongtrul Rinpoche xin phép được thực hành trong một khoảng thời gian tốt lành và Ngài được cho phép thực hành trong ba năm. Trước khi đi nhập thất, Ngài giải quyết tất cả những gì Ngài có, bất kể lớn nhỏ. Như sự hỗ trợ về thân cho khóa nhập thất, Ngài cho làm mười một bức thangka [tranh cuộn] chất lượng tốt và kích thước lớn, vẽ lại chư Bổn tôn của Hiện Thân Chứng Ngộ Của Đạo Sư hay Lama Gongdu, bao gồm cả chư Hộ Pháp. Như sự hỗ trợ về khẩu, Ngài viết thi pháp bằng mực vàng cuốn kinh Bát Nhã Tám Nghìn Đoạn Kệ. Như sự hỗ trợ về ý, Ngài làm một trăm nghìn tháp Tsa-tsa. Ngài cúng dường tất cả chúng lên đạo sư Situ Padma Nyinje Wangpo. Ngài bắt đầu nhập thất chỉ với một bộ y áo cũ, một bánh trà và năm phần lúa mạch.

Khi Ngài hai mươi chín, vào ngày Rằm tháng Chín, tháng kỷ niệm Phật trở về từ cõi trời, Kongtrul Rinpoche bắt đầu nhập thất với thực hành Guru Rinpoche vô cùng sâu xa – Konchok Chidu. Từ đó, Ngài duy trì trong nhập thất nghiêm ngặt – Ngài đã không đi bất kỳ đâu, ngoại trừ việc đem đến lợi lạc đặc biệt cho giáo lýhữu tình chúng sinh bằng cách làm những việc như hòa giải trong chiến tranh và tranh chấp, ban hay thọ giáo lý hoặc tham dự Drupchen – những Pháp hội cộng tu miên mật và tỉ mỉ. Nếu không, Ngài duy trì nhập thấtthiết lập vững chắc cờ chiến thắng của thiền định.

JAMGON KONGTRUL VÀ JAMYANG KHYENTSE WANGPO

Năm ba mươi sáu tuổi, Ngài đã ban cho Khyentse Rinpoche nhiều giáo lý của truyền thừa Karma Kagyu, chính yếu là Bảy Mandala của Ngài Ngok và Mật điển Kim Cương Thời Luân. Sau đấy, hai vị đã trao cho nhau nhiều quán đỉnhkhẩu truyền; và điều này tăng cường kết nối giữa hai vị. Mặc dù trước kia, Kongtrul Rinpoche đã có nhận thức thanh tịnh về truyền thống bất bộ phái Ri-me của Giáo Pháp, sự trao đổi các quán đỉnh này hoàn toàn tiêu trừ chủ nghĩa bộ phái khỏi tâm Ngài. Ngài đã nói rằng:

“Ngày nay, thậm chí những Lama và Geshe nổi tiếng cũng tập trung vào truyền thống của riêng họ. Ngoài việc biết một vài bản văn, nhận thức thanh tịnh của họ về những giáo lý không phân biệt của Đức Phậtvô cùng nhỏ bé. Hầu hết các Lama, dù địa vị cao hay thấp, nghiên cứu rất ít và thiếu kiến thức mở rộng về Giáo Pháp. Đặc biệt ngày nay, các Lama không thẳng thắn và chẳng có con mắt của Giáo Pháp; vì thế, họ áp đặt tri kiến của bản thân thông qua sức mạnhquyền lực cá nhân của họ. Họ nói nhiều về việc một truyền thống đặc biệt nào đó là tốt hay xấu, hoặc một truyền thừathanh tịnh hay không. Rất nhiều người trong số đó chê bai truyền thống của người khác để ủng hộ trường phái của bản thân. Giống như con Yak một mắt bị giật mình, họ trở nên thiếu ổn định và chẳng có lý do gì, họ tràn đầy nghi ngờ và thiếu linh kiến thanh tịnh, thậm chí về truyền thống của chính họ.

Khi tôi còn trẻ, mặc dù có niềm mong mỏi sâu sắc dành cho Giáo Pháp, tôi thiếu sức mạnh trong sự quyết tâm và quá rụt rè nên chẳng thể hoàn thành những mong ước. Nhưng dần dần, bông sen của lòng sùng mộ đã khai mở trong tôi, hướng về mọi giáo lý và những bậc trì giữ giáo lý không phân biệt của Đức Phật và sự hiểu của tôi về Giáo Pháp đã tăng trưởng. Chính nhờ lòng từ của Đạo Sư Tôn Quý, Khyentse Rinpoche mà tôi đã không tích lũy nghiệp quả nghiêm trọng của việc từ bỏ Giáo Pháp.”

Đức Jamyang Khyentse Wangpo nổi tiếngđạo sư nắm giữ Bảy Trao Truyền. Ngài đã ban cho Kongtrul Rinpoche tất cả giáo lý mà Ngài nắm giữ, bắt đầu bằng những trao truyền của trường phái Nyingma và bao gồm tất cả tám truyền thừa thực hành. Khyentse Rinpoche tấn phong Jamgon Kongtrul là vị nắm giữ những giáo lý của Ngài và Ngài nhiều lần thúc giục Đức Jamgon Kongtrul biên soạn Năm Kho Tàng Vĩ Đại. Các trước tác của Kongtrul Rinpoche dựa trên sự khích lệ và những hoàn cảnh thuận lợi mà Ngài Jamyang Khyentse cung cấp.

Một ví dụ về điều này xảy ra khi Kongtrul Rinpoche trao cho Đức Khyentse các quán đỉnhkhẩu truyền về Bảy Mandala Của Ngài Ngok theo các trước tác của Tổ Karma Chagme. Khyentse Rinpoche nói rằng, “Mặc dù các Mật điển của Ngài Ngok chứa đựng sự gia trì liên tục không suy giảm, những bản văn của Đức Karma Chagme không thích hợp cho thực hành nhóm mở rộng. Vì thế, Ngài cần biên soạn những thực hành này thành một cấu trúc có thể sử dụng được”.

Trong một chuyến viếng thăm đến Lhasa, Khyentse Rinpoche có hai tiên đoán từ chư Bổn tôn và đạo sư và Ngài lại viết thư gửi Đức Kongtrul để thúc giục Kongtrul Rinpoche sắp xếp lại những bản văn này một cách mạnh mẽ. Ngài yêu cầu những người khác cũng thúc giục Kongtrul Rinpoche. Kongtrul Rinpoche viết rằng:

“Tôi chẳng có lựa chọn nào khác mà buộc phải làm như vậy, bởi tôi đã được thúc giục nhiều lần, nhưng tôi không biết các đời và nguyện ước của tôi trong quá khứ tốt đẹp thế nào. Nếu chúng tiêu cực, với việc viết điều này, tôi đang khép lại cánh cửa giải thoát với chúng sinh khác và tôi có thể làm tổn hại giáo lý. Cho đến nay tôi vẫn chưa hoàn thành công việc này, bởi tôi chẳng dám bắt đầu nó. Nếu tôi thực sự cần làm, tôi phải chắc chắn về nó.”

Vì thế, Ngài đã yêu cầu Dawazang Tulku và Khyentse Rinpoche kiểm tra các đời quá khứ của Ngài và hai vị đồng thuận rằng Ngài là một hóa thân của đại dịch giả Vairochana.

Bên cạnh đó, Khyentse Rinpoche có một giấc mơ. Trong giấc mơ đó, Ngài đọc tiểu sử của Kongtrul Rinpoche trong một cuốn sách về những tiểu sử chi tiết của chư đạo sư vĩ đại, thứ chứa đựng các câu chuyện về những đời quá khứ của họ. Đoạn kệ đầu tiên về Jamgon Kongtrul nói rằng:

“Ngài từ bỏ đoàn tùy tùng của những môn đồthưởng thức sự cô tịch như là cam lồ.

Ngài từ bỏ sự thừa, thiếu và những sai sót trong trì tụng thần chú như thể chúng là độc.

Ngài nỗ lực trong thiền định, giống như dòng sông tuôn chảy.

Ngài thấy diện mạo của Bổn tôn và đạt thành tựu thù thắng.

Ngài thoát khỏi căn bệnh Naga, thứ khởi lên từ nghiệp quả còn dư sót.”

Dòng cuối cùng liên quan đến việc dịch giả Vairochana mắc căn bệnh do Naga gây ra như nghiệp quả của việc khiến hoàng hậu Margyen mắc bệnh phong và nó tiên đoán rằng Kongtrul Rinpoche cũng sẽ mắc căn bệnh về mắt đó và sau đấy sẽ được giải phóng khỏi nó. Tất cả những điều này đã xuất hiện rõ ràng trong giấc mơ của Khyentse Rinpoche.

KHO TÀNG MẬT CHÚ KAGYU [Kagyu Ngag-dzod]

Một nhân tố khác, điều dẫn đến việc biên soạn Năm Kho Tàng Vĩ Đại là tính cần thiết của việc cử hành nghi quỹ Kim Cương Hỷ [Hevajra] và Mật Tập [Guhyasamaja] trong tang lễ của Đức Situ Padma Nyinje Wangpo. Nhân dịp đó, Kongtrul Rinpoche biên soạn những bản văn thực hành trọn vẹn cho Mandala Kim Cương Hỷ, sử dụng các trước tác của Chenga Chokyi Dragpa và Jonang Taranatha làm nền tảng. Đây là khởi đầu cho việc biên soạn Kho Tàng Mật Chú Kagyu của Ngài. Bằng cách tập hợp vài Mật điển mà Ngài tìm thấy từ truyền thừa Kagyu của Tổ Marpa với những Mật điển vốn đã nổi tiếng, Ngài biên soạn toàn bộ các pho nghi quỹ cho mười ba Mandala khác nhau. Những pho nghi quỹ này bao gồm quán đỉnh, Mandala thực hành giai đoạn phát triển, các chỉ dẫn giai đoạn hoàn thiện, các phần cần thiết bổ trợ và thực hành Hộ Pháp đặc biệt của chúng. Ngài bắt đầu tuyển tập này vào năm Thủy Sửu [1853] và hoàn thành vào năm Mộc Mão [1855]. Như là những giáo lý hỗ trợ cho Kho Tàng Mật Chú Kagyu, Ngài biên soạn những bình giảng trung bình về ba bản văn: Vô Thượng Tục Luận, Nội Nghĩa Sâu XaMật điển Kim Cương Hỷ.

Khi Ngài ba mươi lăm hay ba mươi sáu tuổi, dù rất nghèo, Ngài đã tài trợ cho việc sao chép bằng tay mười ba tập của Lama Gongdu, một Terma của Sangye Lingpa. Đây là một ví dụ khác về cách mà Đức Jamgon Kongtrul đã hiến dâng bất cứ của cải nào mà Ngài có được cho Giáo Pháp.

Khi Ngài ba mươi bảy tuổi, một năm không cát tường về mặt chiêm tinh, Ngài tiến hành Pháp tu trường thọ. Một đêm, Ngài thấy trong giấc mơ một bãi cỏ đẹp đẽ với một Pháp tòa. Đạo Sư Liên Hoa Sinh đang ngự trên tòa, thứ được làm từ tảng đá trắng và có nhiều chữ Phạn và Tạng tự nhiên xuất hiện trên đó. Đức Kongtrul chí thành đỉnh lễ Guru Rinpoche và cầu khẩn đạo sư xua tan những chướng ngại với cuộc đời Ngài. Guru Rinpoche ban phước gia trì và nói rằng, “Bởi bây giờ Ta đang gia trì cho con, từ nay cho đến khi con bốn mươi tư tuổi, chẳng có điều gì làm hại con. Lúc ấy, con sẽ thực sự gặp Ta”. Về sau, khi Ngài bốn mươi tư tuổi, Ngài nhận được Terma sâu xa, Thực Hành Tâm Xua Tan Mọi Chướng Ngại, từ Terton Chokgyur Dechen Lingpa vĩ đại. Kongtrul Rinpoche sau này nói rằng Ngài nhận ra rằng đó là điều mà Guru Rinpoche đã nhắc đến.

Từ thời điểm này trở đi, Kongtrul Rinpoche dần dần trở nên nổi tiếng. Các đệ tử của Ngài ngày càng tăng thêm, bởi nhiều người muốn Ngài dạy họ Phạn ngữ, ngữ pháp và thi ca Tây Tạng, y học và những ngành khoa học bên trong khác. Vua Derge và những vị khác cũng bày tỏ sự kính trọng lớn lao với Ngài.

Khoảng tháng Tư năm Thủy Sửu [1853], Ngài đến đỉnh lễ Đức Situ Padma Nyinje Wangpo. Khi hạnh ngộ đạo sư, lúc lễ lạy, Kongtrul Rinpoche cảm thấy Ngài đang thọ nhận bốn quán đỉnh từ Situ Rinpoche và Ngài có kinh nghiệm vô biên về lạc-không. Trong cuộc gặp gỡ này, Situ Rinpoche trao cho Đức Jamgon Kongtrul cốc ngọc bích của chính Ngài và vài chỉ dẫn cá nhân. Ba tháng sau, vào tối ngày Bảy tháng Năm, Situ Rinpoche viên tịch mà chẳng có bất cứ căn bệnh nào. Khi Ngài qua đời, nhiều dấu hiệu cát tường xuất hiện, chẳng hạn động đất và sau lễ trà tỳ, sọ của Ngài vẫn nguyên vẹn, với những hình tự sinh trên đó. Những hoạt động liên quan đến sự qua đời của Đức Situ Padma Nyinje Wangpo, chẳng hạn các nghi lễ sau khi qua đời và việc xây dựng một bảo tháp bằng vàng, được thực hiện chủ yếu bởi Kongtrul Rinpoche.

Ngay sau khi hoàn thành những hoạt động này, Đức Jamgon Kongtrul mắc phải căn bệnh về mắt do Naga gây ra, đúng như tiên đoán. Cũng trong khoảng thời gian này, Dazang Rinpoche, vị vốn là đạo sư nhập thất tại Tu viện Palpung, chuyển đến Tu viện Karma Gon; vì thế, từ thời điểm này trở đi, Kongtrul Rinpoche là vị hướng dẫn chính yếu tại trung tâm nhập thất Tu viện Palpung. Ngài đảm trách nhiệm vụ này trong tám khóa nhập thất ba năm.

JAMGON KONGTRUL VÀ CHOKGYUR LINGPA

Vào khoảng thời gian này, khi Ngài bốn mươi tuổi, Ngài bắt đầu mối quan hệ Giáo Pháp qua lại với Terton Chokgyur Lingpa vĩ đại, người khi ấy được biết đến là Kyater. Theo lời khuyên của Khyentse Rinpoche, Đức Kongtrul ban cho Chokling Rinpoche quán đỉnh và mọi chỉ dẫn về Mật điển Guhyagarbha. Sau khi khám phá Terma của Ngài – Barche Kunsel hay Thực Hành Tâm Xua Tan Mọi Chướng Ngại, Chokling Rinpoche đến Tu viện Dzongsar, nơi Đức Jamyang Khyentse giúp Ngài viết lại. Đức Chokgyur Lingpa thực tế thì không biết chữ và cần sự hỗ trợ để viết lại những phát lộ kho tàng của Ngài.

Sau đấy, Chokling Rinpoche trở về gặp Kongtrul Rinpoche và kể cho Ngài về những phát lộ Terma. Kongtrul Rinpoche hỏi rằng liệu Ngài có thể thọ nhận ít nhất là sự gia trì cho những giáo lý này. Chokling Rinpoche nói rằng, “Ngài cần thọ nhận những giáo lý này từ trước kia, nhưng Ngài chẳng nói gì với con. Bởi Ngài là đạo sư của con, con chẳng thể nói rằng con cần trao chúng cho Ngài và mọi chuyện đã diễn ra như thế. Vâng, bây giờ con cần phải trao chúng cho Ngài, điều đó vô cùng quan trọng”.

Như một kết nối cát tường, Ngài bắt đầu bằng cách ban cho Jamgon Kongtrul Rinpoche quán đỉnh cho Thực Hành Trường Thọ của Konchok Chidu và sau đó, Ngài ban cho Đức Kongtrul tất cả giáo lý Terma của Ngài.

Chokling Rinpoche giải thích cách mà Ngài nhận được những Terma và cách mà Kongtrul Rinpoche xuất hiện trong những tiên tri Terma của Ngài. Đức Jamgon Kongtrul được xem là hóa thân của Tổ Vairochana và Ngài đã mắc phải căn bệnh về mắt, nghiệp quả của việc Vairochana khiến hoàng hậu Margyen bị bệnh phong. Đức Chokling nói với Kongtrul Rinpoche rằng, nếu Ngài tiến hành trì tụng và thiền định Kim Cương Thủ Dorje Bechon, một thực hành nhánh trong Thực Hành Tâm Xua Tan Mọi Chướng Ngại, căn bệnh về mắt của Ngài sẽ biến mất. Đó là cách mà Đức Kongtrul và Đức Chokling trở thành những người bạn thân thiết. Mặc dù không ai hiểu nền tảng y học của nó, sau khi tiến hành Pháp tu này, căn bệnh về mắt của Kongtrul Rinpoche đã biến mất.

KHO TÀNG TERMA QUÝ BÁU [Rinchen Ter-dzod]

Khoảng năm Mộc Mão [1855], Kongtrul Rinpoche nghĩ rằng sẽ rất hữu ích với sự liên tục của giáo lý nếu kết tập nhiều giáo lý Terma quan trọng nhưng nhỏ của truyền thống Nyingma mà Ngài đã thọ nhận vào nhiều dịp khác nhau. Bởi rất nhiều Terma của những Terton phụ hữu ích nhưng không quá quan trọng, Ngài nghĩ thật tốt lành nếu tập hợp chúng cùng với Terma của những Terton chính, bao gồm mọi giáo lý ngắn và hiếm cùng các dòng truyền thừaquán đỉnh của chúng.

Kongtrul Rinpoche trình bày ý tưởng này với Khyentse Rinpoche và đáp lại, Đức Khyentse trao cho Ngài khoảng bốn tập gồm các Terma từ những Terton phụ mà đích thân Ngài đã tuyển tập và viết lại. Ngài khuyến khích Đức Jamgon Kongtrul bằng cách nói rằng, “Bây giờ, theo mong ước của Ngài, hãy sử dụng chúng như là nền tảng cho việc kết tập những giáo lý trọn vẹn, được tìm thấy bởi những Terton vĩ đại, với các thực hành Đạo Sư Du Già, Đại Viên MãnQuán Thế Âm là phần chính yếu của tuyển tập. Điều này sẽ rất tuyệt vời”. Lúc này, Kongtrul Rinpoche và Khyentse Rinpoche kết tập một danh sách nội dung cho tuyển tập.

Để có thể hoàn thành điều này và nhận được sự cho phép kết tập những bản văn này, Ngài nhập thất tiến hành trì tụng và cầu khẩn theo Kho Terma Của Những Phẩm Tính Như Ý Tự Nhiên. Khi Ngài hoàn thành, những dấu hiệu thành tựu và điềm cát tường rõ ràng xuất hiện. Ngài yêu cầu Chokling Rinpoche kiểm tra cẩn thận xem liệu việc kết tập những bản văn Terma có thích hợp với Ngài. Đức Chokling có một linh kiến về Guru Rinpoche vào khoảng ngày mùng Một Tết Hỏa Thìn [1856]. Trong linh kiến đó, Guru Rinpoche nói với Đức Chokling rằng, bởi kết nối nghiệpước nguyện quá khứ của Đức Kongtrul, bất cứ điều gì mà Đức Kongtrul muốn làm liên quan đến tuyển tập này đều đúng và đó là điều mà Đức Chokling đã nói lại với Ngài Kongtrul.

Kongtrul Rinpoche thuê ba người để giúp viết những bản văn và đến giữa năm Hỏa Thìn [1856], Ngài đã hoàn thành khoảng mười tập trong tuyển tập Terma mới. Ngài gọi mười tập này là Những Giáo Lý Terma Nhánh. Tuy nhiên, tên gọi đó đã được thay đổi, bởi trong năm Kim Dậu [1861], khi Ngài thọ nhận nhiều quán đỉnhkhẩu truyền từ Khyentse Rinpoche, Đức Khyentse có một linh kiến thanh tịnh liên quan đến những bản văn này. Trong linh kiến, Đức Khyentse thấy một bảo tháp lớn với bốn cửa, cộng thêm một cửa phụ ở phần bình của bảo tháp. Khyentse Rinpoche đi vào trong, nơi Ngài thấy nhiều hình ảnh và cuốn sách. Ngài hỏi người đang chỉ cho Ngài về bảo tháp rằng những cuốn sách này là gì và vị hướng dẫn bảo rằng chúng là Năm Kho Tàng Vĩ Đại, sau đấy nói rất lâu về chúng. Sau linh kiến đó, Khyentse Rinpoche nói, “Kongtrul Rinpoche, dường như số mệnh của Ngài là biên soạn Năm Kho Tàng Vĩ Đại”. Vì thế, từ đó trở đi, tuyển tập mà trước kia họ gọi là Những Giáo Lý Terma Nhánh được đổi tên thành Kho Tàng Terma Quý Báu.

Kongtrul Rinpoche dần dần kết tập những cuốn cẩm nang nghi quỹ, cẩm nang quán đỉnh, chỉ dẫn thực hành và các phần cần thiết khác của những giáo lý này. Mười hai năm sau, trong năm Thổ Thìn [1868], khi Ngài năm mươi lăm tuổi, Kongtrul Rinpoche ban những giáo lý đầu tiên của Kho Tàng Terma Quý Báu. Điều này bao gồm mọi quán đỉnhkhẩu truyền và chúng được ban cho nhiều vị Lama, Tulku và những đệ tử khác, đứng đầuđạo sư vĩ đại – Dzogchen Rinpoche Thubten Chokyi Dorje. Pháp hội bắt đầu bằng thực hành Drupchen một tuần về Kim Cương Tát Đỏa và sau đấy, Đức Jamgon Kongtrul ban quán đỉnh Terma của Tổ Nyangral Nyima Ozer – Tám Giáo Lý Nghi Quỹ, Tập Hội Chư Thiện Thệ. Bởi Kongtrul Rinpoche xem Bình Như Ý Xuất Sắc, một tuyển tập Terma của Tổ Minling Terchen Gyurme Dorje là tài liệu gốc cho Kho Tàng Terma Quý Báu, Ngài xếp bản văn đó vào cùng với Kho Tàng Terma Quý Báu và ban các quán đỉnh, sự gia trì, sự giao phó kiến thức, sự giao phó sinh lực, những giải thích và bốn tập các giáo lý bí mật của chúng. Cần năm tháng để trao truyền tất cả.

Trong đời, Đức Kongtrul đã ban toàn bộ giáo lý Kho Tàng Terma Quý Báu năm lần. Theo năm tháng, Ngài dần dần bổ sung để pho giáo lý này trở nên hoàn thiện. Cuối cùng, khi Ngài bảy mươi sáu tuổi, trong năm Thổ Sửu [1889], Ngài hoàn thành bảng nội dung và lịch sử truyền thừa của Kho Tàng Terma Quý Báu.

THỜI TRUNG NIÊN

Năm Hỏa Thìn [1856], năm bốn mươi ba tuổi, Ngài ban toàn bộ giáo lý Kho Tàng Mật Chú Kagyu, điều mà Ngài vừa hoàn thành việc kết tập. Ngài đã ban tất cả quán đỉnh, trao truyền và chỉ dẫn cho khoảng hai mươi vị Lama và Tulku, bao gồm Khyentse Rinpoche toàn tri, Gonchen Shar Lama, Dzogchen Padma Rigdzin và những vị khác. Bên cạnh đó, Ngài đã ban cho họ mười ba tập của Lama Gongdu, khẩu truyền cho những bản văn về chư Bổn tôn an bìnhphẫn nộ, giới luật vĩ đại của Kim Cương Thời Luân, Thắng Lạc Kim Cương, Đại Uy Đức Kim Cương và những chỉ dẫn thực hành về Sở Hữu Sáu Trao Truyền, sử dụng bản dịch mới của Shiwa Bepa. Về phần mình, Đức Kongtrul cũng thọ nhận nhiều giáo lý sâu xabao la từ những vị Lama có mặt.

Trong suốt thời gian này, Kongtrul Rinpoche tiếp tục chăm sóc Tu viện Palpung. Cùng năm ấy, khi Ngài đang có chuyến đi mùa đông như thường lệ để thu gom đồ cúng dường, Ngài nhận ra địa điểm linh thiêng Dzongsho. Khi Ngài du hành qua các hang động ở đó, Ngài tìm thấy những chất liệu thuốc từ Ấn Độ, chẳng hạn bột sin-đu-ra và các viên thuốc tự xuất hiện từ đất. Hôm sau, khi Ngài đến Terlhung, cầu vồng trắng, ngời sáng xuất hiện lúc bình minh. Phía cuối của cầu vồng ngay gần Kongtrul Rinpoche và có một cơn mưa tuyết hình bông hoa. Ở cả hai bên của Ngài là cầu vồng ngũ sắc, thứ đã duy trì trong thời gian dài. Như thế, nhiều dấu hiệu diệu kỳ xuất hiện vào dịp đó.

Vào lúc này, Chokling Rinpoche đã phát lộ Terma Đại Viên Mãn Ba Phần từ Động Pha Lê của Đức Liên Hoa Sinh ở Dzam và Kongtrul Rinpoche là người ghi chép lại. Đức Chokling cũng tìm thấy Terma Bạch Vô Lượng Thọ, điều dành cho Jamgon Kongtrul, nhưng Chokling Rinpoche là người đã phát lộ và đem về cho Ngài Kongtrul. Đức Kongtrul giúp viết lại bản văn và trong khoảng thời gian khi Ngài đang viết bản văn quán đỉnh Vô Lượng Thọ, Ngài nằm mơ thấy Ngài sống đến tám mươi tuổi – một điềm tốt lành. Đức Chokling cũng cúng dường Kongtrul Rinpoche Terma mà Ngài tìm thấy trong Động Yel, thứ bao gồm một bức tượng Mahakala vây quanh bởi lửa mà Tổ Long Thọ đã khắc lên đá đen trong Nghĩa Địa Rừng Lành ở Ấn Độ.

Lúc ấy, một danh sách hai mươi lăm thánh địaTây Tạng, điều mà sau này Ngài sẽ khai mở, đã đến với Chokling Rinpoche. Sau đó, Kongtrul Rinpoche thọ nhận tất cả giáo lý Terma của Đức Chokling từ chính Ngài. Khi Chokling Rinpoche sắp phát lộ Terma ở Sengphu, cả Khyentse Rinpoche và Kongtrul Rinpoche đều đến hỗ trợ. Sau khi phát lộ Terma đó, Đức Chokgyur Lingpa đã được tấn phong và vinh danh tỉ mỉ bởi cả hai vị đạo sư – Khyentse và Kongtrul.

Vào thời điểm này, vị tái sinh của Situ Rinpoche đã chào đời ở vùng Namtso và được công nhận. Cậu bé đang sống ở Tu viện Tsurphu khi Tu viện Palpung quả quyết rằng Kongtrul Rinpoche cần đến để đưa cậu bé về Palpung. Vào ngày Hai mươi hai tháng Sáu năm Hỏa Tỵ [1857], Đức Kongtrul khởi hành đến Tsurphu ở miền Trung Tây Tạng. Trên đường, Ngài gặp Chokling Rinpoche và họ trao đổi nhiều giáo lý. Đức Kongtrul du hành đến miền Trung Tây Tạng theo tuyến phía Bắc ở giữa và Ngài đến Tsurphu vào ngày Hai mươi hai tháng Mười hai năm đó.

Sau khi đến Tsurphu, Jamgon Kongtrul Rinpoche cúng dường quán đỉnhkhẩu truyền cho toàn bộ Chokling Tersar, kho tàng mới của Đức Chokgyur Lingpa, lên Đức Karmapa, Drukchen Rinpoche, vị tái sinh trẻ trung của Situ Rinpoche cùng những vị khác. Ngài viếng thăm Lhasa, Samye và tất cả địa điểm linh thiêng ở miền Trung Tây Tạng, nơi Ngài tiến hành bất cứ thực hành thiền định nào có thể, chẳng hạn Drupchen hay các khóa lễ ba ngày, để thiết lập kết nối tâm linh với những thánh địa này. Sau đấy, Ngài đến Tu viện Mindrolling, nơi Ngài thọ nhận nhiều quán đỉnh và trao truyền và trong lúc ở đó, Ngài cũng ban nhiều quán đỉnh, trao truyền và chỉ dẫn. Ngài cũng trao đổi các quán đỉnh và trao truyền với Nenang Pawo Rinpoche. Trong lúc ở miền Trung Tây Tạng, Ngài diện kiến vị nhiếp chính của Đức Dalai Lama – Radreng Rinpoche và trở thành bạn với vị này. Radreng Rinpoche gửi cho Chokling Rinpoche một chiếc khăn trắng, thỉnh cầu tiên tri về điều sẽ làm lợi lạc toàn bộ Tây Tạng.

Dần dần, Kongtrul Rinpoche di chuyển khu trại của Ngài, hướng về Kham, đưa vị tái sinh Situ đến Palpung. Dọc đường, Ngài luôn bận rộn, sắp xếp nhiều sự đón tiếp và các nghi lễ Vương miện Đỏ của vị Situ Rinpoche trẻ, cũng như ban mọi quán đỉnhkhẩu truyềnmọi người thỉnh cầu. Cuối cùng, vào sáng mùng Mười tháng Mười năm Ngọ [1858], họ đã đến Tu viện Palpung. Trong năm đó, Kongtrul Rinpoche cũng ban toàn bộ khẩu truyềnquán đỉnh Nyingma Kama cho Jamyang Khyentse Rinpoche, Chokling Rinpoche, hoàng hậu và hoàng tử Derge.

Vào dịp Năm Mới Thổ Mùi [1859], có một tiên đoán rằng một Tu viện mới cần được xây dựng ở Tro Mendral Thang để làm lợi lạc giáo lý và xứ Derge. Khi Đức Kongtrul đến xem địa điểm đó, có một trận mưa tuyết với những bông tuyết trắng, đỏ và đen. Cơn mưa tuyết này được xem là điềm xấu khi mà không lâu sau, quân nổi dậy ở Nyarong đã phá hủy hạnh phúc tâm linhthế tục của Derge.

Trước khi bắt đầu năm sau, Đức Karmapa thứ Mười bốn – Thekchok Dorje đến thăm Palpung. Ngài tấn phong Situ Rinpoche trẻ trung vào mùng Một tháng Giêng năm Kim Thân [1860]. Trong nghi lễ này, Đức Kongtrul đã dâng lên sự giải thích về cúng dường Mandala dài và giảng giải Mật điển Guhyagarbha. Ngài cũng ban Kho Tàng Mật Chú Kagyu và nhiều giáo lý khác cho Đức Karmapa và đại chúng có mặt.

Theo một tiên đoán từ Chokling Rinpoche, Đức Kongtrul xây dựng một ngôi chùa Palchen Heruka ở trung tâm nhập thất thượng của Palpung. Ngài cũng thiết lập một trung tâm nhập thất mới với sáu hành giả nhập thất và một hành giả Mahakala cho các khóa thất ba năm. Theo những chỉ dẫn từ Khyentse Rinpoche, ở phía Bắc của trung tâm nhập thất, Kongtrul Rinpoche xây dựng một bảo tháp Hai Mật Chú Vô Cấu. Giữa các hoạt động này, như thường lệ, Ngài đáp ứng những thỉnh cầu giáo lý của mọi người – dù đó là Lama hay Tulku, địa vị cao hay thấp. Danh tiếng của Đức Kongtrul lan khắp mọi nơi như gió thổi và ngày càng nhiều đệ tử từ khắp đất nước vân tập bên Ngài. Ngài tiếp tục ban chỉ dẫn, quán đỉnhkhẩu truyền tại trung tâm nhập thất Palpung và Ngài cũng ban quán đỉnhchỉ dẫn về Shije hay truyền thừa Xoa Dịuchấn hưng lại truyền thừa thực hành đó.

Vào ngày Mười bốn tháng Giêng năm Thủy Tuất [1862], những hành giả nhập thất ba năm cử hành nghi lễ làm khô y áo đầu tiên. Nghi lễ này kiểm tra mức độ làm chủ Pháp Du già Nội hỏa của những hành giả này. Trong thời tiết mùa đông lạnh giá, hành giả sẽ duy trì suốt đêm, chỉ mặc một lớp vải cốt-tông. Vào buổi sáng, họ diễu hành và nhiều người đến xem. Vào dịp này, có rất nhiều hơi ấm; vì vậy, mọi người cảm thấy vô cùng ân phước và hoan hỷ.

Trong dịp này, có chiến tranh và xung đột liên miên ở Kham bởi Nyagke, tư lệnh của Nyarong. Đức Jamgon Kongtrul được triệu tập đến Derge để cử hành các nghi lễ và lời cầu nguyện; một không khí sợ hãi và nhiễu nhương tràn ngập vùng đất. Trong suốt thời gian này, Kongtrul Rinpoche chẳng hề cảm thấy một chút sợ hãi hay phiền nhiễu. Ngài liên tục bận rộn với các dự án xây dựng và giảng dạy Giáo Pháp. Ngài đã xây dựng một bảo tháp Hai Mật Chú Vô Cấu khác ở địa điểm gọi là Dongpo-me. Để thiết lập an cư kiết hạ cho chư Tăng ở Palpung, Ngài viết các thủ tục Luật Tạng cho hai trong những thực hành tu sĩ chính yếuan cư kiết hạnghi lễ kết thúc an cư kiết hạ. Ngài đã giảng dạy chúng cho những vị dẫn dắt thực hành của Palpung và sau đấy, họ bắt đầu an cư kiết hạ ở Lhasar, ngôi chùa mới của Palpung. Để xua tan các chướng ngại cho giáo lý Phật Đà nói chung, Đức Kongtrul khởi xướng Pháp hội Drupchen Phổ Ba Kim Cương hàng năm ở Palpung. Về Pháp hội này, Ngài đã ban cho chư Tăng những chỉ dẫn thực hành về Phổ Ba Kim Cương và Ngài đóng vai trò Kim Cương Đạo Sư.

Khi không quá bận rộn với những hoạt động này, Ngài tiếp tục kết tập Kho Tàng Terma Quý Báu. Ngài dành thời gian để sắp xếp các quán đỉnh, chỉ dẫn và những phần cần thiết của Terma. Mặc dù chiến tranh đang xảy ra ở vùng của Ngài, Ngài chẳng lãng phí dù chỉ một phút, điều rất rõ ràng nếu đọc tự truyện của Ngài.

KHO TÀNG KIẾN THỨC [Sheja Kunkhyab Dzod]

Sau đấy, năm Tuất và Hợi [1862-1863], khi Ngài năm mươi tuổi, Kongtrul Rinpoche viết Kho Tàng Kiến Thức, cả bản văn gốc và bình giảng. Ngài biên soạn bản văn gốc vào tháng Hai năm Thủy Tuất [1862], khi Ngài tiến hành nhập thất bảy ngày về giáo lý nhĩ truyền. Trước đó, Lama Ngedon nói rằng Đức Kongtrul cần biên soạn một bộ luận về ba giới luật và khi điều đó được thực hiện, Lama Ngedon sẽ viết luận giảng cho nó. Tuy nhiên, Đức Kongtrul nghĩ rằng vốn đã có nhiều bản văn về ba giới luật và nếu Ngài phải viết thứ gì đó, nó cần phải bao quát về phạm vi và hữu ích với những người chưa nghiên cứu nhiều.

Với điều này trong tâm, trong những lúc nghỉ giữa các thời khóa của một tuần nhập thất, Ngài viết bản văn gốc cho Kho Tàng Kiến Thức, một bộ luận về ba sự rèn luyện cao hơn của giới, định và tuệ. Sau đó, Ngài cho Đức Jamyang Khyentse xem và vị này nói rằng, “Khi viết điều này, Ngài chắc hẳn đã được truyền cảm hứng bởi ân phước gia trì của chư đạo sư và kinh mạch của Ngài được khai mở nhờ sức mạnh của chư Không Hành Nữ. Ngài cần đặt Kho Tàng Kiến Thức ở đầu của Năm Kho Tàng Vĩ Đạibiên soạn bình giảng về nó”.

Để khích lệ, Khyentse Rinpoche trao cho Ngài nhiều món quà cùng với những lời này. Vì thế, chỉ trong ba tháng, từ tháng Tư đến tháng Bảy năm Kim Hợi [1863], Kongtrul Rinpoche biên soạn bình giảng cho Kho Tàng Kiến Thức, với Khenchen Tashi Ozer là người ghi chép. Phần chưa hoàn tất đã được hoàn thành lúc thời tiết ấm áp của năm sau.

NỘI CHIẾN Ở KHAM

Năm Kim Hợi [1863], quân đội của tư lệnh Nyarong chiếm thủ phủ Derge và Nyarong kiểm soát tất cả các quận của vương quốc Derge. Chính phủ Tây Tạng đã cử Tướng Shappe Phulungwa đi dẹp loạn. Nhiều binh lính tham dự và có những trận chiến lớn.

Chính trong thời gian này, Kongtrul Rinpoche chí thành thỉnh cầu Chokling Rinpoche viết lại Terma Tâm Yếu Kim Cương Tát Đỏa. Đức Chokling đã làm thế và cũng ban quán đỉnh cũng như khẩu truyền cho Pháp tu này. Cùng lúc đó, Đức Kongtrul thỉnh cầu Khyentse Rinpoche biên soạn một bình giảng về Tinh Túy Đạo Sư của Tổ Longchenpa. Khyentse Rinpoche đáp, “Ta chẳng có thứ như vậy trong tâm. Không nghi ngờ gì, Ngài là người thích hợp để làm điều đó. Ta khuyên Ngài sử dụng luận giảng của Mindrolling làm nền tảng nhưng luận giảng ấy là một giáo lý phổ thông hơn và không có những giáo lý Tinh Túy đặc biệt của Tổ Longchenpa. Điều đó khiến Ngài cần phải biên soạn”. Đức Khyentse rất nhấn mạnh về điều này, vì thế, Kongtrul Rinpoche viết bình giảng về Tâm Yếu, Mẹ Và Con.

Lúc ấy, vị lãnh đạo của quân đội Dragyap, tên là Dongkam Tripa, lâm bệnh; vì vậy, quân đội Tây Tạng thỉnh mời Đức Kongtrul đến trị bệnh. Chuyến viếng thăm của Đức Kongtrul đã rất hữu ích và mọi tiên tri mà họ thỉnh cầu đã trở nên chính xác. Bởi thế, quân đội trung ương Tây Tạng xem Đức Jamgon Kongtrul là thầy. Ngài nhận được lời hứa từ quân đội rằng sẽ không phá hoại Tu viện Palpung và bất cứ Tu viện nào trong vùng đó, bất kể lớn – nhỏ.

Khi quân đội từ Dragyap, Gojo và Richap của miền Trung Tây Tạng bao vây Gonchen, thủ phủ của Derge, họ tuyên chiến với tất cả những vùng chưa đầu hàng ở Derge. Những lời buộc tội chống lại Tu viện Palpung xuất hiệnTu viện có nguy cơ bị phá hủy; nhưng Đức Kongtrul đã khéo léo bảo vệ Tu viện cùng những Tu viện Kagyu khác. Sau khi quân đội Tây Tạng chiến thắng trận chiến với Nyarong, cả chính quyền Tây Tạng và Derge đều cảm ơn Đức Kongtrul và gửi nhiều món quà, bao gồm cả những vùng đất. Tu viện Palpung cũng tán thán sự hỗ trợ của Ngài.

Xung quanh thời gian này, theo thỉnh cầu của vị thủ hiến Tây Tạng, Kongtrul Rinpoche tiến hành nhiều nghi lễ vì lợi ích của Tây Tạng. Ngài cũng giảng dạy ngữ pháp Kalapa cho đệ tử vô cùng uyên bác của Ngài – Lhaksam Tenpe Gyaltsen. Ngài thọ nhận nhiều quán đỉnh và trao truyền từ Shechen Lama Donpal, điều mà trước kia Ngài chưa thể thọ nhận từ Đức Shechen Ontrul.

Năm Hỏa Dần [1866], Đức Jamgon Kongtrul ban khẩu truyền Kangyur cho Situ Rinpoche và nhiều Lama, Tulku. Ngài cũng cử hành nghi lễ làm thuốc với Terton Chokling và Ngài nhập thất thực hành Bạch Tán Cái và Chúa Tể Trường Thọ từ Bảy Thực Hành Sâu Xa. Jamgon Kongtrul Rinpoche tiếp tục ban quán đỉnh, trao truyền và chỉ dẫn và trong năm này, Ngài đã giảng dạy bình giảng của Ngài về Kho Tàng Kiến Thức hai lần.

SỰ HỢP TÁC GIỮA BA VỊ ĐẠO SƯ KHYENTSE, KONGTRUL VÀ CHOKLING

Đây là thời điểm quan trọng trong sự hợp tác giữa ba vị đạo sư – Jamgon Kongtrul, Chokgyur Lingpa và Jamyang Khyentse. Khi Chokling Rinpoche gửi thư yêu cầu Ngài Kongtrul đến, Kongtrul Rinpoche đã kết thúc nhập thất trong tháng Mười một và đến gặp Đức Chokling. Ngài giúp ghi lại Terma của Đức Chokgyur Lingpa, chẳng hạn Bốn Giáo Lý Về Hộ Pháp, Năm Pho Tâm Yếu, Sáu Nghi Quỹ Gốc Giáo Lý Shvana. Họ cũng cử hành lễ ném Torma ở bốn phía cho Bốn Hộ Pháp. Sau đấy, Đức Kongtrul thỉnh cầu và thọ nhận những giáo lý Terma mới từ Ngài Chokling, điều mà Kongtrul Rinpoche chưa thọ nhận. Đức Jamyang Khyentse Wangpo cũng đến vào thời điểm đó và Ngài ban quán đỉnh gốc cho Terma Tâm Yếu Chư Thành Tựu Giả Vĩ Đại. Họ cũng cử hành lễ Drupchen cho thực hành tâm này ở Tu viện Khangmar Gon.

Sau đó, Khyentse Rinpoche ban một sự giải thích chi tiết về Con Đường Tuần Tự Của Tinh Túy Trí Tuệ, một sự giải thích về Các Giai Đoạn Của Con Đường Kim Cương Thừaquán đỉnh Thực Hành Tâm ĐạoPhẫn Nộ từ các cuộn kinh Terma vàng. Các cuộn kinh vàng này là những tờ giấy được tìm thấy trong hộp chứa Terma với văn tự Dakini được viết trên đó. Vị Terton có thể giải mã chúng và ghi lại bản văn đầy đủ để người khác đọc. Terton Chokling ban quán đỉnh cho nghi quỹ gốc của Thực Hành Tâm ĐạoPhẫn Nộ cùng một sự giảng giải sâu sắc và mở rộng về nó. Cũng trong năm đó, Kongtrul Rinpoche viết lại Terma Những Giáo Lý Về Duyên Khởicử hành nghi lễ để tấn phong vua của Derge.

Trong tháng Hai của năm Hỏa Mão [1867] của chu kỳ sáu mươi năm thứ Mười lăm, ba vị Khyentse, Kongtrul và Chokling cùng đến địa điểm gọi là Dzongsho và ghi lại những giáo lý từ các cuộn kinh vàng của Terma, chẳng hạn phần còn lại của Những Giáo Lý ShvanaTiên Đoán Bí Mật. Chư vị cũng cử hành Drupchen về Terma mới phát lộ của Khyentse Rinpoche – Tám Giáo Lý Nghi QuỹHiện Thân Chư Thiện Thệ. Sau đấy, ở Dzongsho, Đức Kongtrul chỉ ra năm địa điểm linh thiêng kết nối với thân, khẩu, ý, phẩm tính và hoạt động giác ngộ. Khyentse Rinpoche và Chokling Rinpoche yêu cầu Đức Kongtrul an tọa trên một Pháp tòa bằng đá và hai vị tấn phong Ngài là một Terton, chính thức ban cho Ngài danh hiệu Terton. Cả hai đã viết những lời cầu nguyện trường thọ cho Kongtrul Rinpoche. Cả ba vị đã phát lộ Terma ở Dzongsho vào thời điểm đó.

Trong tháng Mười một năm đó, Khyentse Rinpoche đến viếng thăm Palpung. Ngài là Đạo Sư Kim Cương cho Pháp hội Drupchen Phổ Ba Kim Cương và sau đấy giảng dạy về Phần Phổ Ba Kim Cương Của Mật Điển Gốc. Kế đó, Ngài ban quán đỉnh, trao truyền và các giáo lý chi tiết của dòng nhĩ truyền Phổ Ba Kim Cương cho Đức Kongtrul và những người khác. Khyentse Rinpoche cũng đến địa điểm nhập thất của Đức Kongtrul và giảng dạy về Mật điển Thắng Lạc Kim Cương gốc và Nyingma Kama. Ngài cũng ban trao truyền Tuyển Tập Trước Tác Của Đại Terton, những tác phẩm của Minling Terchen Gyurme Dorje, cũng như nhiều giáo lý được thỉnh cầu khác. Để tri ân, Kongtrul Rinpoche cúng dường nhiều thực hành trường thọ, tiệc Tsok và Mandala lên Đức Jamyang Khyentse và sau đó, Khyentse Rinpoche rời đi.

Năm Thổ Tỵ [1869], khi Kongtrul Rinpoche năm mươi sáu tuổi, Ngài biên soạn các bình giảng về Nội Nghĩa Sâu Xa, Mật điển Hevajra và Vô Thượng Tục Luận và Ngài cũng giảng dạy về chúng. Từ Lama Karma Salje, Ngài thọ nhận nhiều quán đỉnh và trao truyền hiếm, bao gồm những trao truyền về Tuyển Tập Trước Tác Của Dolpopa, và từ Dzogchen Rabten, Ngài thọ nhận trao truyền chín tập của Shechen Rabjam thứ Hai. Chính trong năm này, Kongtrul Rinpoche hoàn tất sự trao truyền đầu tiên về Kho Tàng Terma Quý Báu và Terton Chokgyur Lingpa viên tịch.

Vào Năm Mới Kim Mùi [1871], Khyentse Rinpoche cho Kongtrul Rinpoche xem bản văn Terma tâm của Ngài, Hiện Thân Chứng Ngộ Tam Gốc và Ngài cho phép Jamgon Kongtrul là vị trì giữ truyền thừa này. Đức Jamyang Khyentse cũng trao cho Ngài nhiều giáo lý khác lúc đó.

KHO TÀNG CHỈ DẪN [DAMNGAG DZOD]

Khi hai vị ở cùng với nhau, Kongtrul Rinpoche hỏi Khyentse Rinpoche nghĩ thế nào về việc kết tập những chỉ dẫn quan trọng nhất mà hai vị đã thọ nhận từ tám truyền thừa thực hành, để giúp các giáo lý này không biến mất. Khyentse Rinpoche đáp rằng Ngài vốn đã viết khoảng hai mươi tập về những giải thích và bình giảng, nhưng các trước tác của Ngài không được sắp xếp và còn nhiều phần thiếu sót, chẳng hạn các quán đỉnh. Ngài nói rằng thật tốt lành nếu Kongtrul Rinpoche làm điều đó và rằng họ cần gọi nó là Kho Tàng Chỉ Dẫn. Khyentse Rinpoche liệt kê danh sách nội dung của mười tập Kho Tàng Chỉ Dẫn và sau đấy, Ngài ban cho Đức Kongtrul trao truyền Tập Đỏ và Đen của Lamdre, những giáo lý Đạo – Quả của truyền thừa Sakya.

Khyentse Rinpoche đặc biệt yêu cầu Ngài biên soạn một bình giảng về giáo lý của truyền thừa Sakya gọi là Tám Pho Giáo Lý Lamdre và Đức Kongtrul chấp thuận. Vào tối ngày Chín tháng đó, Khyentse Rinpoche có một giấc mơ cát tường, trong đó, Ngài ở một khu rừng đẹp đẽẤn Độ, ngập tràn đàn hương và cây tếch. Ngài gặp vị Lama nhánh Ngorpa Sakya – Khenchen Dorje Chang Jampa Kunga Tendzin, ngự trên tòa làm từ gỗ tếch. Vị này đang đắp y tu sĩ, trông sáng ngời, ấm áp và mỉm cười. Đức Khyentse đỉnh lễ vị Khenpo, người nói rằng, “Rất tốt lành khi con và Kongtrul Rinpoche đang viết một cuốn sách về giáo lý Lamdre”.

Khyentse Rinpoche nói rằng, “Ồ, chúng con không biên soạn một cuốn sách về Lamdre. Kể từ năm ngoái, chúng con chỉ kết tập những quán đỉnh, trao truyền và chỉ dẫn sẵn có về giáo lý Lamdre”.

Vị Khenpo giả vờ Ngài không nghe thấy và nói lại, “Thật xuất sắc khi các con viết một cuốn sách về giáo lý Lamdre. Trước kia, Lama Sonam Gyaltsen vĩ đại muốn viết một bình giảng về cả chín giáo lý Lamdre, nhưng Ngài chỉ hoàn tất bình giảng về bốn bản văn gốc vĩ đại. Ngài không thể viết các bình giảng về tám giáo lý Lamdre sau. Vì thế, điều các con đang làm sẽ hoàn thành ý định của Ngài. Đây là bản văn Dòng Nhĩ Truyền Của Đạo Và Quả. Chúng ta cũng cần trao nó cho Kongtrul”.

Nói vậy, Khenchen Kunga Tendzin lấy từ trong tay áo một quyển sách đỏ cỡ trung bình và trao cho Khyentse Rinpoche. Đức Khyentse kinh ngạc bởi Ngài chưa từng nghe nói về một bản văn với tên gọi như thế. Ngài tự nhủ, “Tại sao cần trao nó cho Kongtrul?”.

Khenpo mỉm cười và nói, “Dĩ nhiên, con cần nhận ra rằng Kongtrul thuộc về chúng ta”.

Khyentse Rinpoche lớn tiếng hỏi, “Chúng ta nghĩa là sao?”.

Khenpo đáp, “Dĩ nhiên, Kongtrul là Muchen Sangye Rinchen”.

Muchen Sangye Rinchen là một trong những đạo sư Sakya vĩ đại nhất và Khyentse Rinpoche nghĩ rằng, “Muchen Sangye Rinchen là thầy của Jamgon Kunga Drolchok, một đạo sư Jonangpa vĩ đại. Thực sự, Muchen Sangye Rinchen đã trao cho Kunga Drolchok những giáo lý Thắng Lạc Kim Cương khi mười một hay mười hai tuổi. Jamgon Kunga Drolchok sau này tái sinh thành Taranatha và Taranatha tái sinh thành Kongtrul. Nếu Muchen Sangye Rinchen và Jamgon Kunga Drolchok không phải cùng một dòng tâm thức, vị này không thể là hóa thân của vị kia”.

Khenpo lại biết được những ý nghĩ của Ngài và nói, “Đúng vậy. Muchen Sangye Rinchen và Jamgon Kunga Drolchok là bất khả phân”. Đó là giấc mơ của Khyentse Rinpoche, điều mà sau này Ngài kể lại cho Kongtrul Rinpoche.

Để khích lệ sự biên soạn đặc biệt này, Khyentse Rinpoche trao cho Jamgon Kongtrul năm đại diện rất đặc biệt của thân giác ngộ, đặc biệt là một bức tượng Tara biết nói. Bức tượng này vốn thuộc về Tổ Long Thọ và được tìm thấy bởi Khyentse Rinpoche tại địa điểm gọi là Shang Zabulung. Về các đại diện của khẩu giác ngộ, Ngài trao cho Kongtrul Rinpoche mười hai tập các chỉ dẫn cốt tủy và cũng có hai món quà đại diện cho ý giác ngộ. Trong khi dâng những món cúng dường này, Khyentse Rinpoche có bài Pháp thoại tỉ mỉ và cát tường. Kongtrul Rinpoche đem tất cả về ẩn thất và ở đó, Ngài bắt đầu biên soạn bình giảng về giáo lý Lamdre.

Trong thời gian này, Ngài cũng tiếp tục biên soạn Kho Tàng Chỉ Dẫn. Ngài đã bắt đầu sự kết tập này vào năm 1871 và hoàn tất vào mười một năm sau đó, năm 1881. Trong năm Thủy Ngọ 1882, Ngài lần đầu tiên trao truyền tác phẩm này.

TINH LUYỆN THỦY NGÂN ĐỂ LÀM THUỐC

Khoảng đầu năm 1872, vị thủ hiến Nyakhok, tên là Phuntsok Rabten, thỉnh mời Khyentse Rinpoche đến chỗ của ông ấy để bắt đầu nghi lễ tinh luyện thủy ngân để làm thuốc. Khyentse Rinpoche nói, “Từ nay trở đi, Ta sẽ không ra ngoài; Ta sẽ không bước chân ra khỏi cửa. Và ngoài Ta, chẳng có ai ngoại trừ Kongtrul Rinpoche biết thực hành tinh luyện thủy ngân để làm thuốc”. Như thế, Kongtrul Rinpoche nhận được lời thỉnh mời không thể từ chối.

Đức Jamgon Kongtrul rời khóa thất vào ngày Mười hai tháng Hai năm Thủy Thân [1872] để đến Nyakhok. Lúc này, Ngài bốn mươi chín tuổi. Trên đường, Ngài dừng chân ở Dzongsar, nơi Khyentse Rinpoche trao cho Ngài những lời cầu nguyện trường thọ và năm món cúng dường. Khyentse Rinpoche bảo rằng, “Bây giờ là lúc Ngài cần viết lại những chỉ dẫn rõ ràng về cách tinh luyện thủy ngân để làm thuốc. Bên cạnh đó, như một giáo lý nhánh của Kho Tàng Kiến Thức, Ngài cần viết vài cuốn sách về ngôn ngữvăn học Tây Tạng phổ thông, bao gồm một bình giảng về Cội Nguồn Quý Báu Để Làm Thơ”.

Sau khi Ngài đến Nyakhok, vào ngày Một tháng Ba, Đức Jamgon Kongtrul cử hành lễ cúng khói và trà cũng như lễ cúng dường tiệc Tâm Yếu Yuthok [Yuthok Nyingtik]. Những giáo lý Nyingtik đặc biệt này được phát lộ bởi bác sĩ Tây Tạng thế kỷ tám – Yuthok Yonten Gonpo vĩ đại. Sau khi dâng những lời cầu nguyện lên chư Hộ Pháp, Đức Kongtrul bắt đầu làm thuốc và nhiều dấu hiệu cát tường xuất hiện, chẳng hạn cầu vồng và mưa. Mọi sự chuẩn bị diễn ra tốt đẹp cho các kiểu thuốc thủy ngân, chẳng hạn Tsotrung và Mental. Khi làm xong Tsotrung, Ngài cử hành lễ thánh hóa công phu, sử dụng hình tướng Báo thân của Phật Dược Sư. Ngài ghi lại những chỉ dẫn để làm thuốc và cách mà nó cần được phân phát, bao gồm chú thích từ kinh nghiệm của bản thân Ngài. Lúc này, Ngài cũng viết những chỉ dẫn về làm và phân phát thuốc Dashel.

Lúc ở Nyarong, Ngài cũng ban giáo lý cho hơn một nghìn Lama và tu sĩ. Ngài truyền Bồ Tát giới từ hai truyền thống của Tổ Long ThọVô Trước, cũng như Tám Giáo Lý Nghi Quỹ – Tập Hội Chư Thiện Thệ, quán đỉnh Kim Cương Thời Luân Bước Vào Như Đứa Trẻ, Nữ Hoàng Đại Lạc và v.v.

Năm đó, Ngài giảng dạy Kho Tàng Terma Quý Báu lần thứ hai cho đại chúng đứng đầu bởi Palpung Ontrul, Kathok Getse Tulku và những vị khác. Đức Palpung Ontrul hứa sẽ khắc gỗ tất cả các tập trong Kho Tàng Terma Quý Báu. Mặc dù qua đời không lâu sau đó, Ngài đã tích lũy đủ tịnh tài cho dự án này; vì thế, những bản khắc gỗ được làm và lưu giữ ở Tu viện Palpung.

Xung quanh thời điểm này, vua của Ling thỉnh mời Đức Jamgon Kongtrul viếng thăm. Khi Ngài đến Ling, họ dành cho Ngài sự kính trọng lớn lao và Ngài ban nhiều giáo lý khác nhau.  Từ thời điểm này trở đi, Wangchen Tendzin Chogyal, vua của Ling, trở thành một trong những thí chủ chính yếu của Kongtrul Rinpoche. Về sau, chính vị vua này là người xây dựng các bảo tháp vàng tưởng nhớ Đức Khyentse và Kongtrul. Hai bảo tháp này được gọi là Sức Trang Hoàng của Dokham.

GIẢNG DẠY VÀ THỰC HÀNH TRONG NHỮNG NĂM VỀ SAU

Năm Dậu [1873], khi Ngài sáu mươi tuổi, vài tu sĩ của Tu viện Palpung đưa ra những luận điệu vô căn cứ chống lại Đức Jamgon Kongtrul và Palpung Ontrul và thực sự còn kiện hai vị. Kongtrul Rinpoche vô cùng buồn bã bởi điều này và Ngài đã không trở về Tu viện Palpung trong mười bốn năm sau đó. Trong khoảng thời gian ấy, khi Situ Rinpoche và những đệ tử khác từ Palpung muốn thọ nhận những giáo lý từ Ngài, họ phải đến ẩn thất của Ngài.

Năm Mộc Tuất [1874], Ngài hoàn thành cuốn bình giảng về Con Đường Tuần Tự Của Tinh Túy Trí Tuệ và Ngài đến Tu viện Kathok. Tại đó, Ngài có chuyến hành hương và ban nhiều giáo lý.  Năm Mộc Hợi [1875], dự án bắt đầu làm những bản khắc gỗ cho Kho Tàng Kiến ThứcKho Tàng Terma Quý Báu. Ngài lại ban nhiều giáo lý, bao gồm Kho Tàng Terma Quý Báu. Ngài đã thuyết giảng về Kho Tàng Kiến Thức cho khoảng hai mươi vị Lama, Tulku và Geshe, đặc biệt là Khyentse Rinpoche và vị Khenpo của Ngorpa – Khangsar Khen Rinpoche. Những Lama và Tulku này hứa sẽ hoằng dương bản văn này của Jamgon Kongtrul Rinpoche bằng cách giảng dạy tại các Tu viện hay nơi cư ngụ của bản thân. Vào khoảng thời gian này, Đức Jamgon Kongtrul trao đổi nhiều giáo lý với Sakya Jetsunma – Tamdrin Wangmo. Sakya Jetsunma là nữ đạo sư cao cấp nhất trong truyền thừa Sakya. Cũng trong năm đó, Ngài dạy ngữ pháp Chandrapa và cách tiếp cận của nó cho đạo sư uyên bác – Mipham Jamyang Gyatso, vị khi ấy hai mươi chín tuổi. Trong suốt thời gian này, như thường lệ, Kongtrul Rinpoche tiếp tục các thực hành thiền định, bao gồm việc cử hành nhiều lễ Drupchen.

Trong năm Hỏa Tý [1876], Ngài bắt đầu ban các quán đỉnh và trao truyền về Kho Tàng Terma Quý Báu tại Tu viện Dzongsar. Nhiều Lama và Tulku quan trọng thọ nhận giáo lý này, trong đó có Đức Khyentse Wangpo, Palyul Gyatrul, Kathok Moktsa, Shechen Rabjam, Shechen Gyaltsap Padma Namgyal, Ling Jedrung, Dzogchen Khenpo Akon, Rabjampa Kunzang Sonam và hai vị tái sinh Lhatrul. Đặc biệt, Nenang Pawo Rinpoche, vị Lama Kagyu cao cấp, Kushap Khampa Rinpoche, Khamtrul của truyền thừa Drukpa Kagyu và Chagla Khentrul đến thọ nhận giáo lý từ Ngài và Ngài trao cho họ mọi điều họ thỉnh cầu. Ngài ban đại quán đỉnh Kim Cương Thời Luân cho Thartse Ponlop Loter Wangpo – vị Lama Sakya cao cấp, Dzogchen Rinpoche và những vị khác. Năm đó, Ngài cũng xây dựng thêm nhiều công trình, bao gồm bảo tháp ở Tse Sildor gọi là Bảo Tháp Rất Mạnh Mẽ.

Trước kia, Khyentse Rinpoche nói với Đức Kongtrul rằng sẽ rất tốt lành nếu trì tụng Lời Nguyện Bảy Dòng một trăm nghìn biến; vì vậy, vào thời điểm này, Đức Kongtrul du hành đến nhiều địa điểm linh thiêng của Guru Rinpoche và tiến hành nhập thất ở đó. Ngài đã viếng thăm các địa điểm nổi tiếng, chẳng hạn Padma Shelphuk, Dagam Wangphuk và Padma Shelri, và Ngài trì tụng Lời Nguyện Bảy Dòng hơn một trăm nghìn biến. Các dấu hiệu cát tường tốt lành xuất hiện. Đặc biệt, khi Ngài ở Dagam Wangphuk, một đêm, trong giấc mơ, Đạo Sư Liên Hoa Sinh xuất hiện trước Ngài trong hình tướng Khyentse Rinpoche. Đức Khyentse mở một cuốn sách chứa nhiều cuộn kinh vàng với chữ Dakini trên đó và trao cho Kongtrul Rinpoche những chỉ dẫn trọn vẹn về trì tụng Lời Nguyện Bảy Dòng. Vào ban ngày, mỗi ngày đều có những đám mây của cầu vồng trắng xuất hiện trên trời. Sau đấy, khi Ngài viếng thăm Tu viện Dzongsar, Khyentse Rinpoche nói rằng Đức Kongtrul dứt khoát phải viết lại những chỉ dẫn về Lời Nguyện Bảy Dòng này; vì thế, Đức Kongtrul đã ghi lại như một Terma tâm. Sau đấy trong năm đó, một lượng lớn đệ tử từ khắp đất nước đến tu học với Ngài và Đức Kongtrul hoàn thành mọi mong ước của họ.

Trong năm Thổ Dần [1878], Ngài trở về viếng thăm Đức Jamyang Khyentse ở Dzongsar. Trong chuyến viếng thăm này, Pháp Chủ Đạo Sư Khyentse Rinpoche nói với Ngài rằng, “Ở cả Kham và Tây Tạng, tôi có khoảng hai trăm đạo sư mà tôi đã thọ nhận những giáo lý và trong số đó, tôi có bốn vị thầy gốc. Nếu có thể gặp được chư vị, tôi sẽ cúng dường sự hiểu của tôi, nhưng ba vị đã qua đời. Bây giờ, Ngài là vị duy nhất còn lại; vì lẽ đó, tôi phải cúng dường Ngài sự hiểu của tôi”. Sau đấy, Khyentse Rinpoche trình bày ngắn gọn kinh nghiệm của Ngài về thực hành giai đoạn hoàn thiện, cả với đặc tính và không đặc tính. Đức Kongtrul thấy rằng Khyentse Rinpoche đã phát triển sự kiểm soát trọn vẹn về kinh mạch, khí và tinh túy và khí của Ngài đã hoàn toàn được tịnh hóa trong kinh mạch trung ương. Theo Đại Thủ Ấn, Ngài sở hữu chứng ngộ gọi là Một Vị và theo Đại Viên Mãn, Ngài đã hoàn toàn vượt qua bất cứ nhận thức nhị nguyên nào về những hình tướng. Đó là đánh giá của Đức Kongtrul về điều mà Khyentse Rinpoche đã nói với Ngài. Về phần mình, Kongtrul Rinpoche cúng dường những kinh nghiệm của bản thân lên Đức Khyentse, người nói rằng, “Ngài đã đạt đến giai đoạn trong thực hành Trekchod được gọi là Giác Tính Đạt Đến Mức Độ Trọn Vẹn”.

Trong chuyến viếng thăm này, vào tháng Chín, chư vị cử hành lễ Drupchen về Quan Âm Jinasagara, thứ đến từ Terma Tái Phát Lộ Của Tri-me của Khyentse Rinpoche. Khi Pháp Chủ Đạo Sư Khyentse Rinpoche ban quán đỉnh, khẩu truyềnchỉ dẫn về thực hành này, Kongtrul Rinpoche trải qua đại lạc bất biến cùng những dấu hiệu khác của sự gia trì lớn lao. Lúc đó, Đức Jamyang Khyentse nói với Jamgon Kongtrul Rinpoche, “Lần này, tôi đã có thể giúp Ngài lớn lao. Tôi đảm bảo rằng từ nay cho đến khi Ngài bảy mươi ba tuổi, không chướng ngại hay nguy hại nào xảy đến với Ngài. Sau đấy, thọ mạng của Ngài sẽ tùy thuộc vào công đức của chúng sinh”.

Cũng trong năm 1878, Đức Jamgon Kongtrul được thỉnh mời trở về quê hương của Ngài ở Rongyap bởi Terton Tsewang Drakpa, một Terton của đạo Bon. Ở đó, Ngài tiến hành những nhập thất cá nhân và nhóm, ban nhiều quán đỉnh, khẩu truyềnchỉ dẫn, tiến hành cúng dường tiệc, lễ hoàn thành và lễ cúng Hộ Pháp. Khi ở đó, Ngài đến núi Padma Lhatse, thỉnh thoảng được gọi là Karyak. Nó kết nối với một tiên tri Terma về một trong hai mươi lăm địa điểm hành hương vĩ đại, điều nói rằng:

Ngọn núi đá tên Karlung, mang hình tướng chiếc mũ Liên Hoa,

Có hang động Ugyen trên đỉnh của mũ.

Trên Padma Lhatse có một tảng đá trắng ba mặt và bởi mặt chính giữa rất khó đi đến, không ai biết về việc có một hang động ở đó. Tuy nhiên, Đức Kongtrul yêu cầu mọi người leo lên đó bằng dây và thang để tìm kiếm. Ở giữa có bãi đá phẳng, trên đó, họ tìm thấy một động rộng rãi. Bên trong hang động là một hình Liên Hoa Sinh tự sinh, kích cỡ bằng người thật. Ở bên phải là một động gọi là Động Thiện Tri Thức và bên trái là Động Thọ Mạng Bất Tử. Hang động chứa những dấu chân của Guru Rinpoche cùng nhiều vị đạoPhật giáo và đạo Bon. Họ tìm thấy những con dấu và các vật khác, thứ lập tức được chỉ ra cho mọi người có mặt. Đức Kongtrul cũng lấy ra nhiều bức tượng Terma và chất liệu linh thiêng.

Situ Rinpoche và Chokling Rinpoche đều yêu cầu Kongtrul Rinpoche xây dựng một ngôi chùa ở Dzongsho và kể từ năm Sửu [1877], Ngài vận động tịnh tài và sự giúp đỡ từ những thí chủ để hoàn thành điều này. Đức Jamgon Kongtrul xây dựng ngôi chùa có thể lưu lại được và trong năm Kim Thìn [1880], Ngài tiến hành một khóa nhập thất rất nghiêm ngặt ở Dzongsho theo một tiên đoán của Khyentse Rinpoche. Trong thời gian này, Ngài không gặp ai; dẫu vậy, Ngài có nhiều linh kiến thanh tịnh. Dần dần theo thời gian, Ngài thiết lập một trung tâm nhập thất ở Dzongsho.

Ngài hoàn thành nhập thất vào năm Kim Tỵ [1881] khi Ngài sáu mươi tám tuổi. Trong năm đó, Ngài cúng dường giáo lý Terma của Ngài về Lời Nguyện Bảy Dòng lên Dzogchen Rinpoche và ghi chép lại Terma mà Ngài thọ nhận về thực hành Yeshe Tsogyal. Ngài đã ban nhiều giáo lý cho Khyentse Rinpoche, Situ Rinpoche, Dzigar Choktrul và những vị khác.

Năm Thủy Ngọ [1882], Ngài giảng dạy Kho Tàng Mật Chú Kagyu và nhiều giáo lý khác cho Thartse Ponlop Jamyang Loter Wangpo và những vị khác. Lần thứ tư, Ngài đã ban quán đỉnhkhẩu truyền Kho Tàng Terma Quý Báu cho chư vị Lama và Tulku từ Palpung, Dzogchen, Palyul, Gyarong, Adzom và những Tu viện khác. Ngài cũng ban quán đỉnh, khẩu truyềnchỉ dẫn về Kho Tàng Chỉ Dẫn cho Ngorpa Ponlop, Dzogchen Tulku và những vị khác, nhưng chỉ những vị đã hứa nguyện sẽ giảng dạy các chỉ dẫn này hoặc thực hành nhất định về chúng. Ngài cũng ban các giáo lý cho Deshung Tulku và nhiều vị khác, giải thích Mật điển Kim Cương Hỷ và cuốn bình giảng mà Ngài đã viết về ý nghĩa phổ thông của Mật điển Kim Cương Hỷ.

TERMA TÁI PHÁT LỘ CỦA ĐỨC KHYENTSE

Sau đó, Ngài đến Dzongsar và thọ nhận trao truyền cho nhiều Terma trước kia bị mất nhưng rồi được tìm lại bởi Khyentse Rinpoche. Lúc này, Kongtrul Rinpoche nói với Đức Khyentse rằng, “Terma mới chắc hẳn phải sâu xa bởi chúng thích hợp với thời kỳ. Nhưng ngày nay, chỉ còn lại tên gọi của những Terma hoàn hảo trong quá khứ. Cho đến nay, không ai có thể phục hồi những giáo lý này. Nhưng Ngài là một đạo sư vĩ đại, được công nhận là vị thầy của Bảy Trao Truyền nhờ những tiên tri cũng như nhận thức trực tiếp của chính chúng con. Sẽ rất tuyệt vời nếu Ngài phục hồi thậm chí chỉ một trong những Terma vĩ đại của quá khứ”. Như thế, Kongtrul Rinpoche nhiều lần thỉnh cầu rằng Khyentse Rinpoche sẽ phục hồi Terma bị mất.

Sau đấy, Khyentse Rinpoche có một giấc mơ; trong đó, Ngài gặp Terton Sangye Lingpa, vị bảo rằng, “Cho đến nay, Ngài và Baso Chozang, người vừa là thầy và trò của chúng ta, đã tái thiết lập nhiều giáo lý Terma cổ xưa và điều đó thật tốt. Từ nay trở đi, nếu Ngài có thể hoàn thành thêm 25 Terma cổ xưa, Ngài sẽ hoàn thành những mong ước của Guru Rinpoche. Và nhờ đó, hai Ngài sẽ viên thành cuộc đời và công việc. Để ngăn cản bất cứ chướng ngại nào với điều đó, các Ngài cần cử hành nhiều lễ Drupchen chân chính”. Baso Chozang ở đây liên quan đến một vị Lama dòng Sakya vào thời kỳ của Sangye Lingpa, vị sau này tái sinh thành Jamgon Kongtrul.

Theo tiên đoán này và bởi Đức Kongtrul vốn đã nhận được những tiên đoán tương tự, trong năm Thủy Mùi và Mộc Thân [1883-84], Đức Jamgon Kongtrul hoàn thành mười ba lễ Drupchen vĩ đại tại những thánh địa sau đây:

  1. Trong động Dagam Wangphuk, thực hành Tâm Yếu Thánh Mẫu Bất Tử;
  2. Ở Padma Shelri, nghi quỹ Trì Minh Truyền Thừa từ Kho Tàng Phương Bắc của Tổ Rigdzin Godem;
  3. Ở Dzum Tsangkar, thực hành Đạo Sư Thắng Lạc Kim Cương, một Terma của Gyaton;
  4. Ở Dzing Trawo Ne, nghi quỹ đạo sư Tinh Túy Ánh Sáng, một Terma của Tri-me;
  5. Ở Dzongsho Deshek Dupa, Trích Yếu Giáo Lý Vĩ Đại được phát lộ bởi Orgyen Lingpa;
  6. Trong động đá phía trước Godavari, nghi quỹ Vajra Amrita, bao gồm lễ làm thuốc, lễ hỏa tịnhlễ kỷ niệm cho chư vị Yogi và Yogini;
  7. Trong sảnh thực hành phía trước núi Atri Ne Rame-shari, thực hành Jinasagara, Quan Âm đỏ;
  8. Ở Tashi Ne, nghi quỹcúng dường tiệc Phật Mẫu Phẫn Nộ Đen;
  9. Phía trước Pawo Wangchen Drak, một trong Bảy Thực Hành Sâu Xa của Đức Chokling được gọi là Vua Của Sự Chứng Ngộ Hoàn Hảo Của Chư Mamo;
  10. Phía trước Lhamdo Bummo Padmako, nghi quỹ Hiện Thân Chư Không Hành Nữ Bí Mật, cùng với lượng lớn cúng dường hoàn thành;
  11. Ở Munang Dorje Drakmar, thực hành Mã Đầu Minh Vương Giải Thoát Mọi Điều Xấu;
  12. Ở Rongme Karmo Taktsang, thực hành Kim Cương Tát Đỏa của truyền thống Mindrolling;
  13. Ở Padma Shelphuk, nghi quỹ Năm Gia Đình Vô Lượng Thọ, một phần về thực hành trường thọ của Tam Gốc từ Bảy Thực Hành Sâu Xa của Tổ Chokling.

Cùng với những lễ Drupchen này và ở giữa, Ngài cử hành một lễ Drupchen về Lama Gongdu và tiếp tục ban nhiều giáo lý cho những đệ tử sùng kính.

Về các hoạt động của Khyentse Rinpoche trong việc tìm lại những Terma đã mất, Đức Jamgon Kongtrul viết trong tự truyện của Ngài như sau:

Những lời cầu khẩn của tôi dành cho Phật sự này đã được hoàn thành một phần. Dường như rất may mắn khi Khyentse Rinpoche có thể tìm thấy bất cứ giáo lý nào mà tôi mong muốn một cách không nỗ lực. Mặc dù một số bản văn Terma nhất định vẫn còn tồn tại, những giáo lý, quán đỉnhkhẩu truyền đã mất. Để phục hồi lại những giáo lý này, Khyentse Rinpoche cầu nguyện đến Guru Rinpoche và lập tức Guru Rinpoche xuất hiện trước Ngài trong hình tướng vị Terton tương ứng và trao cho Đức Jamyang Khyentse dòng truyền thừa ngắn. Terma mới mà Ngài thọ nhận đến trực tiếp từ chư Không Hành NữHộ Pháp của Terma dưới dạng các cuộn kinh vàng. Chúng đều đầy đủ, có bản văn trọn vẹn về các giai đoạn phát triểnhoàn thiện và những bản văn cho các hoạt động bổ trợ, chẳng hạn cúng dường tiệc. Tất cả đều súc tíchsâu xa, giống như vàng nấu chảy. Thậm chí một phần nhỏ của những Terma này cũng vĩ đại hơn số lượng lớn các Terma khác.

Xung quanh khoảng thời gian này, Đức Kongtrul thọ nhận nhiều giáo lý khác nhau từ Ngài Jamyang Khyentse, chẳng hạn quán đỉnh và trao truyền về thực hành Đại Bi Quan Âm Điều Phục Chúng Sinh của Tổ Nyang, những phát lộ Terma của Dorje Lingpa v.v. Đáp lại, Đức Kongtrul trao cho Khyentse Rinpoche và đại chúng trao truyền về Tuyển Tập Mật Điển Nyingma, chín tập Tám Giáo Lý Nghi Quỹ – Tập Hội Chư Thiện Thệ, Bảy Kho TàngBa Bộ An Trú Tự Nhiên của Tổ Longchenpa và khẩu truyền mười tám tập từ Tuyển Tập Trước Tác của Tổ Taranatha. Ngài cũng ban nhiều quán đỉnh, khẩu truyềnchỉ dẫn cho Thartse Shabdrung, Thrangu Tulku, Terton Sogyal, Shugjung Tsulo, Drubwang Tsoknyi, Kyodrak Drungtrul và những vị khác.

Cho đến thời điểm này, Đức Kongtrul đã nổi tiếng và Ngài rất bận rộn, giảng dạy cho đệ tửđiều hành các dự án xây dựng. Ngài không có những người điều hành, chẳng hạn thủ quỹ hay thư ký; các vấn đề của Ngài được giám sát bởi mẹ Ngài. Sau khi mẹ Ngài qua đời, cháu gái của Ngài, Rigdzin Drolma, chịu trách nhiệm những việc này cho Ngài. Sau đấy, vào năm Mộc Dậu [1885], cháu gái Ngài qua đời. Từ đó, em trai của cô ấy, Tsering Dondrup, nhận những trách nhiệm này. Năm 1885, Situ Rinpoche Padma Kunzang cũng qua đời.

Năm Hỏa Tuất [1886], khi Ngài bảy mươi ba tuổi, Kongtrul Rinpoche hoàn thành biên soạn Tiểu Sử Trăm Terton. Ngài xem những câu chuyện này là thù thắng hơn các tiểu sử trước kia. Cũng trong năm này, Ngài thọ nhận những giáo lý của Mipham Jamyang Gyatso từ chính Mipham Rinpoche, vị khi ấy bốn mươi tuổi. Để đáp ứng những thỉnh cầu của nhiều cá nhân, Đức Jamgon Kongtrul ban giáo lý cho Ongen Rinpoche, Surmang Tenga Rinpoche, Nenang Pawo cha và con, Chokling Tulku, Khamtrul và Dodrupchen Tenpe Nyima. Ngài cũng thọ nhận nhiều giáo lý Terma nhỏ từ Khyentse Rinpoche mà trước kia chưa thọ. Năm ấy, Đức Kongtrul đến Tu viện Palpung lần đầu tiên sau mười bốn năm. Khi Đức Karmapa Khakyap Dorje đến Palpung, Ngài Kongtrul ở đó để cung nghênh và mọi người thấy những điềm diệu kỳ. Đó là mùa đông, trong tháng Mười hai, nhưng bầu trời hoàn toàn xanh dương, tuyết tan và thời tiết ấm áp như mùa hè.

GIẢNG DẠY CHO ĐỨC KARMAPA THỨ MƯỜI LĂM

Năm Hỏa Hợi [1887], Ngài Jamgon Kongtrul ban giáo lý cho vị Karmapa trẻ, Khakhyap Dorje, người khi ấy mười sáu tuổi. Điều này bắt đầu vào ngày đầu tiên của năm đó, khi Gyalwang Karmapa cùng những Lama và Tulku khác cúng dường Ngài Jamgon Kongtrul các đại diện biểu tượng về thân, khẩu và ý giác ngộ, cùng với nhiều lời cầu nguyện trường thọ và các món cúng dường tỉ mỉ, bao gồm thực hành trường thọ Bạch Độ Mẫu một ngày. Vào ngày Mười, Đức Karmapa và một đoàn tùy tùng nhỏ đến ẩn thất của Ngài Kongtrul và các giáo lý bắt đầu bằng lễ cúng dường tiệc ngày Mười, sử dụng Terma của Ngài Kongtrul – Tâm Yếu Bí Mật và sau đó, Kongtrul Rinpoche ban cho họ quán đỉnh cho Mandala Tâm Yếu Bí Mật. Vào ngày Mười một, Ngài cử hành quán đỉnh chuẩn bị cho thực hành Quán Thế Âm – Chín Bổn Tôn Jinasagara.

Sau đấy, Ngài bắt đầu giảng dạy cho Đức Karmapa cả Sức Trang Hoàng Ngọc Báu Của Sự Giải Thoát và những chỉ dẫn Ngondro của truyền thống Đại Thủ Ấn trong mỗi thời khóa. Luân phiên các thời giảng dạy với quán đỉnh, Kongtrul Rinpoche dần dần ban mọi Mandala của truyền thừa Kagyu, cũng như quán đỉnh, khẩu truyềnchỉ dẫn cho Kho Tàng Mật Chú Kagyu. Bên cạnh đó, Ngài cũng ban riêng cho Đức Karmapa quán đỉnh vĩ đại của Mahakala phụ-mẫu. Đây là một quán đỉnh vô cùng hiếm và nó được ban riêng cho Đức Karmapa trong phòng thờ của chư Hộ Pháp.

Kế đó, Ngài tiếp tục ban chỉ dẫn về thực hành chính yếu của Đại Thủ Ấn và Sáu Pháp Du Già của Naropa. Ngài đã ban các quán đỉnhkhẩu truyền cùng với mọi khía cạnh của Mandala và thực hành liên quan. Lúc ấy, có nhiều vị Lama va Tulku vân tập về thọ nhận những giáo lý này đến mức nơi cư ngụ của Ngài không còn đủ chỗ; vì vậy, họ phải chuyển đến Tu viện.

Trong thời gian này, Ngài đã trao truyền Bồ Tát giới từ hai truyền thống của Tổ Long ThọVô Trước cho Gyalwa Karmapa và những Lama khác. Vào ngày Chín tháng Hai, Ngài bắt đầu giảng dạy Kho Tàng Chỉ Dẫn. Bắt đầu bằng Xa Lìa Bốn Bám Chấp, Ngài dạy Trăm Chỉ Dẫn Về Giải Thoát Thù Thắng cùng với Kho Tàng Chỉ Dẫn. Tiếp đấy, Ngài cử hành lễ Drupchen về Tám Giáo Lý Nghi QuỹThực Hành Trường Thọ. Lúc này, Ngài cũng trao đổi nhiều giáo lý với những Lama khác nhau đã vân tập ở đó.

Năm Thổ Tý [1888], Đức Jamgon Kongtrul ban toàn bộ giáo lý Kho Tàng Terma Quý Báu cho Ngài Karmapa và đoàn tùy tùng. Ngài bắt đầu bằng lễ Drupchen Tám Giáo Lý Nghi Quỹ Bí Mật Trọn Vẹnkết thúc bằng quán đỉnh Trường Thọ Mật Tập. Từ Bakha Tulku, Ngài thọ nhận những phát lộ kho tàng của Padma Lingpa và từ Gyatrul Rinpoche, Ngài thọ nhận tất cả Terma trong Hư Không Pháp của Migyur Dorje và Terma của Dudul Dorje. Sau đó, Kongtrul Rinpoche thậm chí ban thêm nhiều giáo lý cho hai vị Lama này cùng với nhiều vị khác.

Năm Thổ Sửu [1889], Ngài yêu cầu Đức Karmapa tìm kiếm vị tái sinh của Situ Rinpoche. Khi Đức Karmapa làm điều đó, Kongtrul Rinpoche và thư ký cùng các đại diện của Tu viện Palpung đến Litang để tìm đứa trẻ và đưa cậu bé trở về. Kongtrul Rinpoche cũng ban chỉ dẫn về Nội Nghĩa Sâu XaVô Thượng Tục Luận cho Đức Karmapa. Ngài trao cho Đức Karmapa nhiều giáo lý khác, bao gồm tất cả giáo lý của truyền thừa Shangpa Kagyu. Kongtrul Rinpoche cũng thọ nhận những giáo lý từ Đức Karmapa, bao gồm trước tác của Đức Karmapa về nghi quỹ Đạo Sư Du Già cùng những câu chuyện về các tiền thân của Đức Karmapa trước khi trở thành Karmapa. Kongtrul Rinpoche cũng thọ nhận từ Đức Karmapa Khakhyap Dorje khẩu truyền cho Thực Hành Tăng Ích Của Chư Hộ Pháp.

Trong năm đó, vị tái sinh Situ thứ Mười một nhỏ – Padma Wangchuk Gyalpo được đưa về từ Litang và Gyalwa Karmapa chính thức cắt tóc, ban danh hiệucử hành lễ tấn phong. Sau lễ tấn phong, Đức Karmapa rời trại đến Lokhok. Sau đó, Kongtrul Rinpoche tiến hành nhập thất Kim Cương Phổ Ba và dần dần thêm thực hành Chín Bổn Tôn của Mitra về Gốc Rễ Bất Biến Của Tâm.

CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG THẬP NIÊN CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC KONGTRUL

Năm Kim Dần [1890], Lhakhampa Tulku và nhiều vị Yogi chứng ngộ từ Gechak đến thỉnh cầu và thọ nhận nhiều giáo lý từ Kongtrul Rinpoche, đặc biệtquán đỉnh, khẩu truyềnchỉ dẫn về Chetsun Nyingtik của Tổ Chetsun Senge Wangchuk. Đức Jamgon Kongtrul cũng ban nhiều giáo lý cho Situ Rinpoche trẻ, chẳng hạn quán đỉnh Kim Cương Thời Luân vĩ đại. Trong năm này, Kongtrul Rinpoche thọ nhận từ Dzarka Tulku Kunzang Namgyal Tuyển Tập Trước Tác của Tổ Tsele Natsok Rangdrol và tất cả Terma Longsal và Dudul mà Dzarka Tulku đã kết tập. Từ Khyentse Rinpoche, Ngài cũng thọ nhận nhiều giáo lý về mười hai tập, bao gồm bản văn gốc và bình giảng của Các Giai Đoạn Của Con Đường Kim Cương Thừa.

Năm Kim Mão [1891], khi Ngài bảy mươi tám tuổi, Kongtrul Rinpoche đúc một bức tượng Bạch Độ Mẫu lớn, cao một tầng. Ngài cử hành lễ Drupchen Bạch Độ Mẫu vì sự trường thọ của Khyentse Rinpoche và dâng lên đạo sư sự cúng dường lớn lao gồm ba phần bạc, vải tốt và những thứ giá trị khác. Một năm sau thì Đức Jamyang Khyentse qua đời. Một lần nữa, Kongtrul Rinpoche ban giáo lý về Kho Tàng Mật Chú Kagyu, lần này cho Taklung Machen Tulku và những vị khác. Ngài ban giáo lý về Lama Gongdu cho Dzarka Choktrul. Kongtrul Rinpoche cử hành lễ Drupchen về Tám Giáo Lý Nghi Quỹ và một nhập thất nhóm làm thuốc, cũng như thực hành mở rộng vì vương quốc Derge. Ngài thỉnh cầu Khyentse Rinpoche những giáo lý của các truyền thừa Đầu và Giữa của giáo lý Xoa Dịu bởi những truyền thừa này đã đứt và Khyentse Rinpoche ban chúng cho Ngài. Trong năm đó, Kongtrul Rinpoche cũng thọ nhận giáo lý về bình giảng của Đức Rongton về Sáu Trao Truyền Bát Nhã Ba La Mật.

Năm Thủy Thìn [1892], Khyentse Rinpoche lâm bệnhTu viện Dzongsar; vì thế, Kongtrul Rinpoche đến đó và dâng nhiều lời cầu nguyệnthực hành trường thọ. Khi ấy, Khyentse Rinpoche nói, “Lần này chẳng có vấn đề gì. Khoảng ngày Hai mươi tháng Hai, tôi sẽ hoàn toàn được chữa lành”. Vào sáng ngày Hai mươi mốt, Đức Khyentse đang ngồi đó và bất ngờ viên tịch. Ngài Jamgon Kongtrul cử hành nghi lễ bốn mươi chín ngày và lễ trà tỳ cho Đức Jamyang Khyentse. Ngài cũng cho làm bảo tháp tưởng niệm từ đồng mạ vàng.

Trong năm đó, Kongtrul Rinpoche ban quán đỉnh, khẩu truyềnchỉ dẫn cho nhiều nhóm khác nhau, dẫn đầu bởi Palyul Kuchen và Karma Khenpo Rinchen Dargye. Họ đã cử hành nhiều thực hành nhóm và Kongtrul Rinpoche cũng nhiều lần trao truyền Bồ Tát giới. Ở Dzongsho, Ngài ban khẩu truyền các Mật điển Nyingma và ở Dzongsar, Ngài giải thích Mật điển Thời Luân cho Mipham Rinpoche và Ngorpa Ponlop.

Năm Thủy Tỵ [1893], Ngài đến Trayap và tham dự lễ Drupchen Lama Gongdu, ban quán đỉnhkhẩu truyền cho tất cả Mandala của truyền thừa Kagyu. Ngài cũng ban khẩu truyền bảy tập trước tác của chính Ngài. Những trước tác của Ngài được kết tập thành mười lăm tập và gọi là Kho Tàng Giáo Lý Bao La. Đó là tuyển tập thứ năm trong Năm Kho Tàng Vĩ Đại của Kongtrul Rinpoche. Nó đáng lẽ phải chứa đựng tất cả giáo lý Terma đặc biệt mà Kongtrul Rinpoche đã tìm thấy, nhưng Ngài không nỗ lực nhiều trong việc thiết lập những Terma của bản thân; vì thế, có rất ít Terma của Ngài trong đó.

Cũng năm đó, khi Ngài tám mươi tuổi, Ngài hoàn thành ba trăm nghìn cúng dường hỏa tịnh về Không Hành Nữ, mười nghìn biến Mật Điển Sám Hối Vô Cấu và một trăm nghìn cúng dường tiệc. Ngài cũng biên soạn Tiểu Sử Đức Jamyang Khyentse Wangpođáp ứng các thỉnh cầu về giáo lý của nhiều đệ tử từ khắp đất nước, chẳng hạn Surmang Trungpa Tulku và những vị khác.

Năm Mộc Ngọ [1894], Ngài bắt đầu viết tự truyện. Trong năm năm sau, đôi lúc Ngài bị bệnh; vì thế, Ngài không đi đâu xa. Ngài tiếp tục ban bất cứ giáo lý nào được các đệ tử và những vị đến tu học thỉnh cầu. Ngài tiếp tục việc biên soạn, thêm những phần cuối cùng cho Năm Kho Tàng Vĩ Đại. Thậm chí lúc cuối đời, Ngài vẫn nỗ lực lớn lao để thọ nhận bất cứ quán đỉnh, khẩu truyềnchỉ dẫn mà Ngài chưa thọ nhận và đôi khi Ngài chủ trì với tư cách Kim Cương Đạo Sư trong các lễ Drupchen và nhập thất làm thuốc.

Buổi sáng mùng Một Tết Thổ Hợi [1899], chư Tăng tiến hành Pháp tu Bạch Độ Mẫu vì Ngài và Ngài cảm thấy rất khỏe. Ngài hoàn toàn bình phục và trong tâm trạng hoan hỷ, nói rằng, “Bạch Độ Mẫu là một Bổn tôn phi phàm và nhờ sự gia trì của Độ Mẫu, Ta thấy những dấu hiệu chắc chắn rằng năm nay Ta sẽ không chết”. Trong tháng Hai, Ngài viết một bình giảng về bản dịch Phần Gốc của Sakya Pandita, Mật điển Phổ Ba Kim Cương gốc. Bình giảng của Ngài có độ dài hoàn hảo – không quá dài cũng không quá ngắn. Trong thời gian này, Đức Kongtrul hướng dẫn Lama Traphel hoàn thành danh sách giáo lý mà Ngài đã thọ nhận trong suốt cuộc đời.

Thartse Ponlop Jamyang Loter Wangpo của Tu viện Ngor đến gặp Ngài và trao cho Đức Kongtrul nhiều quán đỉnhkhẩu truyền, bao gồm Mật điển Du Già giải thích gọi là Kim Cương Đỉnh, Mật điển nhánh Chiến Thắng Tam Giới, Mật điển hỗ trợ Hiện Thân Của Gia Đình Thù Thắng Vinh Quang, Tràng Kim Cương Abhaya, Truyền Thừa Nhĩ Truyền Thắng Lạc Kim Cương của Ngam Dzong và giáo lý về Thực Hành Bí Mật của Tổ Thangtong Gyalpo. Kongtrul Rinpoche ban cho Thartse Ponlop Loter Wangpo và những vị khác các giáo lý từ Bình Giảng Về Phần Gốc mới được biên soạn.

Trong tháng Sáu, Situ Rinpoche đến cùng với trại mùa hè, vì thế Kongtrul Rinpoche đến gặp và trao cho Situ Rinpoche nhiều chỉ dẫn phổ quát và đặc biệt. Ngài yêu cầu Situ Rinpoche quay lại vào khoảng tháng Mười năm đó, bảo rằng Ngài vẫn sẽ sống thêm và họ có thể gặp lại khi ấy. Cũng trong năm đó, Kongtrul Rinpoche dâng cúng dường lớn lên Thartse Ponlop Loter Wangpo, tán dương những phẩm tính của vị này và khẩn cầu Ngài trường thọ. Theo lệ thường, Kongtrul Rinpoche thường không thích khi người ta viết thơ ca hoa mỹ, nhưng lần này, Ngài viết một bài thơ tỉ mỉ và dâng lên Thartse Ponlop.

SỰ VIÊN TỊCH

Từ ngày đầu tiên của tháng Chín, Ngài mắc phải nhiều căn bệnh. Vào ngày Hai mươi mốt, Ngài bảo thị giả Tsering Dondrup rằng thật tốt khi thu thập thuốc gia trì. Tsering Dondrup hỏi rằng, “Đó có phải một dấu hiệu cho thấy Ngài sẽ không trụ thế thêm nữa?”.

Kongtrul Rinpoche đáp, “Không phải vậy. Khi cái chết thực sự đến, chẳng có điều gì quá khó khăn”. Khi Khenchen Tashi Ozer và những đệ tử khác cầu khẩn Ngài trụ thế dài lâu, Ngài nói, “Được thôi, các con, những bậc trì giữ Giáo Pháp vĩ đại, nói điều này với ý định tốt lành. Tương tự, Ta sẽ phát nguyện trụ thế dài lâu”. Sau đó, Ngài không nói gì thêm, mà ngồi yên lặng, lần chuỗi hạt của Ngài.

Vào tối ngày Hai mươi bảy tháng Mười một năm Thổ Hợi [1899], Khenchen Tashi Ozer đến phòng của Đức Jamgon Kongtrul và nói, “Ngài cảm thấy thế nào?”. Kongtrul Rinpoche đáp, “Hiện giờ Ta chẳng đau đớn; Ta thấy rất thoải mái”. Ngài ngồi thẳng và duy trì như thế, tiếp tục lần chuỗi hạt. Tối đó, Ngài yêu cầu thị giả đặt chuỗi lên kệ. Sau đấy, khoảng nửa đêm, Ngài nhập định của Pháp thân Tịnh Quang.

Lập tức, Khenchen Tashi Ozer dâng lên Ngài sự nhắc nhở về giáo lý. Bởi Kongtrul Rinpoche đang ngồi thẳng, Tashi Ozer choàng y vàng và mũ thiền định cho Ngài. Sau ba ngày, vào giữa đêm, trái đất rung động ba lần với nhiều âm thanh và dấu hiệu khác được nhắc đến trong Mật điển rằng Kongtrul Rinpoche đang kết thúc định của Ngài. Vào một ngày lành, nhục thân của Ngài được hỏa thiêu giữa những dấu hiệu cát tường. Đặc biệt, tim của Ngài không cháy mà vẫn còn nguyên vẹn vì lợi ích của đệ tử. Như thế, hoạt động của thân đó đã kết thúc.

Từ danh sách giáo lý Ngài đã thọ, chúng ta có thể thấy rõ ràng cách thức mà bậc vĩ đại này thọ nhận giáo lý. Mặc dù Ngài thọ nhận một lượng lớn giáo lý, hiếm có giáo lý nào mà Ngài không truyền lại cho người khác. Ngài thực hành mỗi quán đỉnh, sự gia trìchỉ dẫn mà Ngài thọ nhận trong đời đến một mức độ nhất định. Với mỗi thực hành mà Ngài hoàn thành, Ngài trải qua ít nhất một trong những dấu hiệu thành tựu được nhắc đến trong các Mật điển.

Nói chung, Ngài rất tốt bụng và chẳng bao giờ chán giảng dạy. Ngài là một nhà kho chứa đầy những chỉ dẫn khẩu truyền. Nó như thể chẳng có gì trong tâm Ngài ngoại trừ các hoạt động của Giáo Pháp. Những đệ tử đến bên Ngài như ong tìm hoa. Tất cả những đệ tử yêu thích từ các truyền thống khác nhau, dù Sakya, Geluk, Kagyu, Nyingma hay Bon, đến bên Ngài theo năm tháng và thọ nhận bất cứ giáo lý nào mà họ mong muốn. Ngài đặc biệt yêu mến những đệ tử khiêm nhường, người sở hữu hành vi không bị ảnh hưởngtự nhiên. Ngài nói chuyện thẳng thắn và trực tiếp và trao cho mọi người xung quanh bất cứ thứ gì Ngài có từ cốc và đĩa của Ngài. Tất cả những món cúng dường mà Ngài nhận được đều chỉ được dùng cho các hoạt động Giáo Pháp, chẳng hạn làm những đại diện của thân, khẩu và ý giác ngộ hay tài trợ những nhập thất nhóm lớn. Như đã đề cập trước kia, các trước tác của Ngài trong Năm Kho Tàng Vĩ Đại tạo thành hơn một trăm tập lớn. Không nghi ngờ gì, những trước tác này đem lại lợi lạc lớn lao và đóng góp cho sự hoằng dương Giáo Pháp. Nếu không có những kết tập này, chúng ta có thể tưởng tượng bao nhiêu bản văn trong số đó sẽ hoàn toàn bị mất, đặc biệt trong những bất ổn gần đâyTây Tạng.

Bản tiểu sử này chỉ nói đôi nét về những hoạt động của Ngài, điều được miêu tả chi tiết hơn trong tự truyện của Ngài. Bất cứ ai muốn biết rõ hơn về Đức Jamgon Kongtrul cần đọc tự truyện của Ngài.

Nguyên tác: Ringu Tulku, 2. The Biography of Kongtrul Yonten Gyatso, The Ri-me Philosophy of Jamgon Kongtrul the Great, Shambhala Publications, 15-54.

Bản dịch Việt ngữ của Pema Jyana (Liên Hoa Trí)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.