Tiểu Sử Vắn Tắt Nyoshul Khenpo Jamyang Dorje

10/12/20206:21 SA(Xem: 4238)
Tiểu Sử Vắn Tắt Nyoshul Khenpo Jamyang Dorje
TIỂU SỬ VẮN TẮT NYOSHUL KHENPO JAMYANG DORJE
Khenpo Phuntshok Tashi soạn | Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ

 

Nyoshul Khenpo Jamyang Dorje sinh ở Derge, Kham vào năm 1931[1]. Ngài là con trai thứ ba của cha Ngài, người mà Ngài mô tả là ‘tên cướp lang thang’; Ngài cũng có ba chị em gái. Bà nội của Ngài là một học trò của Đức Nyoshul Lungtok Tenpai Nyima (1829-1901/2)[2] và Ngài Jamyang Dorje cho rằng chính bà là người đã truyền cảm hứng để Ngài theo đuổi cuộc đời tâm linh.

Lên năm tuổi, Ngài được đưa đến một Tu viện Sakya trong vùng, nơi Ngài thọ quy ytrải qua lễ cắt tóc truyền thống dưới sự chứng minh của một người họ hàng xa tên là Jamyang Khyenpa Tobgye. Lên tám, Ngài gia nhập Tu viện và học đọc và viết, nhưng ngoài ra thì chỉ chịu trách nhiệm chăm sóc cừu.

Với mong muốn có được sự hướng dẫn tâm linh tốt hơn, mười hai tuổi, Ngài Jamyang Dorje đến nghiên cứu với Đức Rigdzin Jampal Dorje, một đạo sư về Đại Viên MãnĐại Thủ Ấn. Sau đấy, tại Tu viện Nyoshul ở thung lũng Dzinkhok, ngược lên từ Tu viện Kathok[3], Ngài thọ giới tu sĩ từ Đức Thubten Gomchok Lekden. Ở đó, Ngài Jamyang Dorje thọ nhận những giáo lý Dzogchen từ Đức Nyoshul Lungtok Shedrub Tenpai Nyima (sinh năm 1920), vị tái sinh của Tổ Nyoshul Lungtok Tenpai Nyima, đạo sư của bà Ngài và là một đệ tử của Khenpo Ngaga – Ngawang Palzang (1879-1941)[4].

Đức Tenpai Nyima trở thành Bổn Sư của Ngài. Đạo sư trao cho Ngài Jamyang Dorje [trao truyền] Nyengyu Menngak Chenmo và nhiều trao truyền Dzogchen khác. Ở Nyoshul, Ngài nghiên cứu các bản văn truyền thống của giáo lý Phật Đà, bao gồm Nhập Bồ Tát Hạnh, Trung Đạo, Bát Nhãtoàn bộ Kangyur cũng như Tengyur, rèn luyện trong chương trình Khenpo mười hai năm truyền thống cho đến năm hai mươi tư tuổi và nhận được danh hiệu mà Ngài vẫn thường được biết đến [ngày nay] – Nyoshul Khenpo.

Nyoshul Khenpo sau đấy di chuyển đến Kathok, nơi Ngài tiếp tục các nghiên cứu với chư vị Lama của Tu viện đó, bao gồm vị Kathok Getse thứ ba – Gyurme Namgyal (1886-1952) và rất nhiều học giả khác, trong đó có Khenchen Sherab Gyatso, Khenchen Yeshe Gyatso, Khenchen Trinle Gyatso, Khenchen Orgyen Tenzin và Khenchen Kunga Gyaltsen.

Khi hoàn thành những nghiên cứu chính thức, Ngài được bổ nhiệm là một vị trụ trì của Kathok và Ngài đã giảng dạy triết học cho những tu sĩ trẻ của Tu viện trong nhiều năm. Ngài cũng dành nhiều thời gian để thực hành, bao gồm một năm nhập thất cô tịch trong hang động để hành trì Tummo và Chod.

Ngài Jamyang Dorje cũng thọ nhận giáo lý từ Chaktsa Tulku thứ tư – Pema Trinle, Adzom Gyalse Gyurme Dorje (sinh năm 1895)[5] và Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro (1893-1959)[6]. Ngài đã thọ nhận giáo lý Lamdre từ một Lama Sakya tên là Khenchen Kunga Gyaltsen và các quán đỉnh mở rộng từ những vị thầy tên là Lama Yonten Gyatso, Lama Yeshe Gyatso, Lama Palden, Lama Tashi Tsering và Lama Kalzang Nyima.

Vào những năm 50, trước các đe dọa ngày càng tăng thêm từ chính quyền Cộng sản mới ở Trung Quốc, Nyoshul Khenpo quyết định rời Kham và rốt ráo là trốn khỏi Tây Tạng. Ngài rời Tây Tạng cùng một nhóm bảy mươi lăm người; đi bộ qua dãy Himalaya, nhóm người bị lính Trung Quốc bắn. Chỉ năm người sống sót. Ngài sống những năm sau đó như một người lưu vongẤn Độ và Bhutan, đôi lúc là một kẻ lang thang cô tịch trên những con đường ở Calcutta và lúc khác thì ban quán đỉnh cho đám đông hàng nghìn người.

Ngài được yêu cầu giảng dạy bởi những vị lãnh đạo của các cộng đồng tâm linh lưu vong, bao gồm Đức Dudjom Jigdral Yeshe Dorje (1904-1987)[7], Dilgo Khyentse [Rinpoche] Tashi Paljor (1910-1991)[8], Đức Karmapa thứ 16 – Rangjung Rigpe Dorje (1924-1981) và Đức Penor thứ 3 – Lekshe Chokyi Drayang (1932-2009)[9] và người ta nói rằng rất hiếm Lama đương thời không thọ nhận giáo lý Dzogchen từ Nyoshul Khenpo. Trong số nhiều Lama trẻ mà Ngài chỉ bảo và dẫn dắt có Dzongsar Khyentse [Rinpoche] thứ ba – Khyentse Norbu (sinh năm 1961), Shechen Rabjam [Rinpoche] thứ bảy – Jigme Chokyi Senge (sinh năm 1966), Jamgon Kongtrul [Rinpoche] thứ ba – Lodro Chokyi Senge (1954-1992)[10] và nhiều vị khác.

Đầu những năm 70, trong lúc sống ở Kalimpong, Ngài Jamyang Dorje bị ốm và hệ thống thần kinh của Ngài bị tổn thương nghiêm trọng trong nhiều năm. Nhiều vị, bao gồm chính Nyoshul Khenpo, nghi ngờ rằng Ngài đã bị đầu độc bởi một kẻ thù đố kỵ; số khác cho rằng có lẽ Ngài bị đột quỵ. Vào giai đoạn tồi tệ nhất trong quá trình bình phục, Ngài sống ở Orgyen Kunsang Chokorling, Tu viện của Kangyur Rinpoche Longchen Yeshe Dorje (1897/8-1975)[11], được chăm sóc bởi Khenpo Sonam Tobgyal từ Tu viện Riwoche. Mặc dù sống sót, Ngài thường xuyên gặp phải vấn đề với giọng nói và không thể nói trên mức thì thầm. Khi Ngài ban giáo lý, điều đấy thường là thì thầm vào tai học trò hoặc bằng cách viết trên một mẩu giấy.

Ngài Jamyang Dorje cuối cùng định cư ở Bhutan, nơi Ngài nhận được sự bảo trợ từ hoàng gia và thu hút nhiều đệ tử. Theo thỉnh cầu của Lobpon Sonam Zangpo (1888-1984) và theo lời đề nghị của Dudjom Rinpoche, vào cuối những năm 70, Ngài Jamyang Dorje kết hôn với một phụ nữ Bhutan, vị tên là Damcho Zangmo. Những lý do để kết hôn thì có nhiều, bao gồm cả nhu cầu chăm sóc cá nhân sau căn bệnh triền miên của Ngài.

Không lâu sau, Ngài đến Thụy Sĩ để điều trị y tế và sống nhiều năm ở đó và ở Pháp, giảng dạy tại trung tâm nhập thất ở Chanteloube. Vào những năm 90, Nyoshul Khenpo cũng giảng dạy ở Bắc Mỹ nhiều lần tại Trung Tâm Dzogchen của Lama Surya Das. Ngài cũng du hành đến Bắc Mỹ nhiều lần, bao gồm việc dẫn dắt một khóa nhập thất Dzogchen hai tháng tại Dai Bosatsu Zendo ở Livingston Manor, New York; Ngài là đạo sư Dzogchen cho nhiều vị thầy Vipassana phương Tây lỗi lạc.

Vào những năm 90, Nyoshul Khenpo xuất bản cuốn lịch sử hai tập về truyền thừa Dzogchen – Dzogchen Chojung.

Ngài lâm bệnh nặng vào năm 1999 ở Bhutan. Các môn đồ quả quyết rằng Ngài cần được đưa đến một trong những bệnh viện tốt nhất ở Bangkok và sau đó đến Pháp, nơi Ngài đã được chăm sóc bởi gia đình của Tulku Pema Wangyal (sinh năm 1945), con trai của Kangyur Rinpoche. Ngài viên tịch tại đó vào năm 1999, gần bên các trung tâm của Dilgo Khyentse Rinpoche và Dudjom Rinpoche ở Dordogne.

Hai vị tái sinh của Nyoshul Khenpo đã được xác định, một vị ở Bhutan trong gia đình của vị phối ngẫu Damcho Zangmo của Ngài và vị khác ở Kham, người đã được tấn phong tại Kathok.

 

Nguồn Anh ngữ: https://treasuryoflives.org/biographies/view/Nyoshul-Khenpo-Jamyang-Dorje/8177.

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.



[1] Hầu hết các tài liệu đều cho rằng năm sinh của Nyoshul Khenpo là 1932 – chú thích của người dịch Việt ngữ.

[2] Theo Rigpawiki, Nyoshul Lungtok Tenpe Nyima (1829-1901) đã thọ nhận những giáo lý Đại Viên Mãn Dzogchen từ Patrul Rinpoche và là đệ tử vĩ đại nhất của vị này. Ngài được xem là hóa hiện của Tôn giả Tịch Hộ Shantarakshita.

[3] Theo RigpawikiTu viện Kathok – Kathok Dorje Den – cổ nhất trong sáu Tổ đình Nyingma. Tu viện được thành lập bởi Tổ Kathok Dampa Deshek, em trai của Ngài Phagmodrupa Dorje Gyalpo, vào năm 1159, phía trên Horpo, ở miền Đông Tây Tạng. Địa điểm này được xem là một trong hai mươi lăm thánh địa của miền Đông Tây Tạng và đại diện cho địa điểm linh thiêng chính yếu về hoạt động giác ngộ. Sau khi Tu viện ban đầu trở nên ọp ẹp, một Tu viện mới được xây dựng tại đó vào năm 1656 bởi Terton Rigdzin Dudul Dorje (1615-1672) và Rigdzin Longsal Nyingpo (1625-1692). Có khoảng 800 tu sĩ tại Tu viện trước khi Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng.

[4] Theo Rigpawiki, Khenpo Ngawang Palzang tức Khenpo Ngakchung (1879-1941) là một trong những đạo sư Dzogchen quan trọng và có tầm ảnh hưởng nhất trong thời kỳ gần đây. Ngài được xem là hóa hiện của Tôn giả Vô Cấu Hữu, vị đã tiên đoán rằng Ngài sẽ xuất hiện mỗi một trăm năm.

[5] Theo Rigpawiki, [Adzom Gyalse] Gyurme Dorje (1895-1969) tức Agyur Rinpoche – con trai thứ ba và là học trò của Tổ Adzom Drukpa. Ngài được Đức Jamgon Kongtrul công nhận là hóa hiện của Tổ Orgyen Terdak Lingpa.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.