Tự Truyện Của Kyabje Sangye Nyenpa

08/08/20216:49 SA(Xem: 2910)
Tự Truyện Của Kyabje Sangye Nyenpa
TỰ TRUYỆN CỦA KYABJE SANGYE NYENPA
Về Chính Cuộc Đời Ngài Và Về Gen Tenam

 

Năm 2017, trong Pháp hội khẩu truyền (Lung) Kangyur[1] mà Sangye Nyenpa Rinpoche ban ở Tu viện Rumtek[2], Ngài đã ban một buổi nói chuyện ngắn về cuộc đời của Ngài như một Tulku bên Lama Tenam cho chư vị Rinpoche, Tulku, hành giả tu sĩcư sĩ tham dự. Sau đây là bản dịch của buổi nói chuyện đó.

blank

Về tôi, tôi phải đưa ra cho các bạn một ví dụ. Mọi người không biết rõ. Về nơi sinh của tôi, tôi chắc hẳn phải đưa ra cho các bạn một ví dụ. Tại sao? Có lẽ một số người nghĩ rằng tôi, vị mang danh hiệu Sangye Nyenpa, rơi xuống từ trời. Điều đấy không đúng. Tôi đã sinh ra ở đâu? Ở Bhutan. Tôi sinh ra ở Paro Taktsang, Bhutan. Các bạn biết Paro Taktsang chứ? Khi tôi nghĩ về cha mẹ tôi, gia đình tôi, ồ, họ nghèo. Họ không thuộc về tầng lớp giàu có mà thay vào đó thì rất nghèo khổ. Vì vậy, họ sống ở vùng đất cao của những vách đá khô cằn. Họ không có đất đai. Họ chẳng có gì. Đấy là kiểu gia đình mà tôi đã sinh vào.

Tuy nhiên, tôi chẳng thể nào bao bọc tâm tôi trong ý nghĩ về việc là vị tái sinh gần nhất của Đức Sangye Nyenpa. Thậm chí hiện tại, điều đấy cũng thật khó khăn với tôi. Thế nhưng, người ta nói rằng nó được trao vì một lý do. Đó không phải là một sự tâng bốc, xin nhớ kỹ! Đó không phải một lời nói dối. Thay vào đó, tôi băn khoăn liệu có phải nó được ban mà chẳng có lý do nào, chẳng có mục đích nào. Khi tôi nghĩ về nó, dù trong những câu chuyện hay trong chính trải nghiệm của bản thân, khi tôi đọc tiểu sử của chư vị, tôi thậm chí chẳng có một mảnh vụn về những Lama này, về các đời trước này. Dù về sự thiền định ngày đêm của chư vị, các linh kiến thanh tịnh của chư vị, tình yêu thươnglòng bi mẫn của chư vị nhờ thực hành hay sự thật rằng thực hành này thuộc về những Lama chứng ngộ, khi nghiền ngẫm, tôi thậm chí chẳng cảm thấy chút nào về điều đấy. Vì lẽ đó, có lẽ chẳng thích hợp khi tôi nghĩ rằng, “Tôi là Sangye Nyenpa”. Thế nhưng, khi một danh hiệu được trao, người ta cần cố gắng không đem đến sự hổ thẹn cho danh hiệu đó. Họ cần cố gắng hết sức để điều đấy không xảy ra.

lý do đó, khi [tôi] lên ba, Đức Karmapa Rangjung Rigpe Dorje đã trao cho tôi danh hiệu, bảo rằng tôi là vị tái sinh của Ngài Sangye Nyenpa, Kim Cương Trì vĩ đại Kyabje [Dilgo] Khyentse Rinpoche[3] nói rằng, “Con dứt khoát phải đến Rumtek”. Vì thế, tôi đã đến nơi cư ngụ của Đức Karmapa ở Gangtok, Sikkim. Trước năm [tôi] sáu tuổi, Đức Karmapa Rangjung Rigpe Dorje đã dạy tôi bảng chữ cái. Ban đầu, vị dạy tôi bảng chữ cái là chính Đức Karmapa. Tôi chắc hẳn đã có phước báu như vậy. Tôi thật may mắn.

Từ quan điểm thế tục, Đức Karmapa Rigpe Dorje không trao cho tôi chút đặc quyền nào của một vị Sangye Nyenpa. Khi nghĩ về phòng [mình], tôi đã sống ở [phòng] số 7. Vậy đấy: một căn phòng tu sĩ, chẳng phải một phòng của Tulku hay ngôi nhà của một Tulku. Thay vào đó, căn phòng thông thường của một tu sĩ. Khi chúng tôi phải đi vệ sinh, mất năm phút đi bộ. Sau đấy, khi căn phòng cần sửa chữa, tôi đã chuyển xuống phòng số 10 và sống ở đó. Còn bếp? Chính là nó! Phòng ăn thì sao? Cũng là nó! Phòng ngủ? Cũng vậy thôi! Tôi đã ngủ ở đó. Vậy đấy!

Vị chăm sóc tôi, người để mắt đến tôi là người vẫn luôn ở bên tôi, chính là Tenam, tu sĩ già. Khi ấy, chúng tôi còn có một tu sĩ già khác nữa. Thầy ấy viên tịch khi tôi khoảng mười ba tuổi. Thầy ấy dạy tôi bảng chữ cái. Khi thầy dạy tôi đánh vần, tôi đã đi qua Pema Kathang mười ba lần. Về các kỹ năng đánh vần và đọc, tôi đã đi qua Giáo Khoa Nhập Thất Trên Núi của Tổ [Karma] Chakme mười bốn lần – đánh vần các từ. Tôi đã trải qua khá khó khăn. Mọi chuyện chẳng dễ dàng.

Về sinh kế, chúng tôi phải tự xoay xở. Chính vị tu sĩ già đã đi khất thực khắp nơi. Thầy thường mang một túi lớn, nói rằng, “Xin hãy cho tôi chút gạo”. Sinh kế là một vấn đề. Cha mẹ tôi nghèo. Thật khó để tồn tại. Sau đấy, vị tu sĩ già viên tịch khi tôi mười ba và chính thầy Tenam đã nhận lãnh những khó khăn này.

Chẳng cần phải nhắc đến lòng từ của Kim Cương Trì vĩ đại Kyabje Khyentse Rinpoche dành cho tôi. Bất cứ khi nào có một quán đỉnh, một khẩu truyền hay các chỉ dẫn cốt tủy, Ngài lập tức yêu cầu tôi tham dự. Ngài thường phái ai đó đến. Đấy là cách mà tôi có được cơ hội thỉnh cầu nhiều giáo lýchỉ dẫn cốt tủy sâu xa.

Ngoài điều đấy, thầy Tenam thường nói, “Dù đó là đạo sư Nyingma, Sakya hay Gelug, chúng ta phải thỉnh cầu giáo lý từ chư vị”. Và thầy thường nắm tay và dẫn tôi đi, bảo rằng, “Chư vị có những chỉ dẫn cốt tủy”, “Sẽ có một khẩu truyền”, “Sẽ có một quán đỉnh”, “Chúng ta cần thỉnh cầu quán đỉnh”, “Chúng ta phải thỉnh cầu chỉ dẫn cốt tủy”. Đôi lúc, thầy thật hiền hòa, thỉnh thoảng thầy cũng đánh tôi. Này, người ta cần làm vậy mà, đúng không? Vì thế, thầy thường đưa tôi đến nơi này hay nơi khác, sử dụng các phương tiện khác nhau, hiền hòa và cứng rắn. Thầy vô cùng từ ái. Đấy là cách mà mọi chuyện xảy ra nhờ có lòng từ của thầy.

Sinh kế là điều khó khăn trong thời thơ ấu của tôi. Ngoài những vị như chúng tôi, cũng có các Lama và Tulku giàu có ở Rumtek. Họ đều thuộc tầng lớp giàu có. Thức ăn cũng vậy, chúng thường được truyền từ [thượng sư viện] của Đức Karmapa xuống cho họ. Người ta thường nhận nó từ Labdrang. Về đồ ăn thức uống của mình, tôi đã phải tự tìm.

Vì thế, bản thân thầy Tenam đã phải cố gắng [rất nhiều]. Thầy thường mua đồ từ Gangtok, mấy món đồ giả rồi đánh số cho chúng. Sau đấy, khi những người phương Tây đến, thầy thường bán chúng, gạt họ rằng chúng là đồ cổ. Và thầy thường dùng tiền cho những nhu cầu của chúng tôi. Chúng tôi phải mua Pecha [kinh sách] để nghiên cứu, đúng không? Chúng tôi cần chi phí đi lại, đúng không? Khi thỉnh cầu các quán đỉnhchỉ dẫn, chúng tôi phải du hành và thường là đi xa, đúng không? Thầy đã nỗ lực nhiều như vậy đấy!

Sau đấy, ngày nọ, Đức Karmapa Rigpe Dorje cấm mọi người sống trong Tu viện Rumtek kinh doanh. Tuy nhiên, Ngài cho phép tu sĩ già Tenam tiếp tục [làm vậy]. Bây giờ, các bạn đều biết rõ chuyện này. Không phải tất cả những vị từng ở Rumtek đều đã qua đời. Ngài không gọi [thầy ấy] là “Tenam”. Ngài gọi [thầy ấy] là “Akama” [Akama liên quan đến một người hay vật vô ích hay không giá trị]. Đức Gyalwang Karmapa đến từ Derge, phải vậy không? Từ Denma Khok. Vì thế, Ngài nói rằng, “Hãy để Akama này buôn bán. Đó là vì Tulku. Hãy để ông ấy buôn bán, đừng ngăn cản”.

Như thế, thầy vẫn tiếp tục buôn bán. Bất cứ khi nào nghe thấy tiếng xe xcu-tơ chạy lên đồi, thầy thường giấu thứ gì đó dưới Zen và vội vã đi gặp họ. “Nó một trăm.” “Nó hai trăm”. Khi ấy thì chỉ một hay hai trăm. Bây giờ, chúng ta thường nói về cả trăm nghìn. Thật lớn biết bao. Như vậy, đấy là cách mà thầy buôn bán. Và lợi nhuận từ việc buôn bán được dùng để tôi học hỏi cách cử hành nghi lễ và thọ nhận chỉ dẫn cốt tủy từ các Mật điển.

Trước năm mười bảy tuổi, tôi đã thuộc lòng những nghiên cứu Mật thừa cần thiết. Khi Đức Karmapa Rigpe Dorje còn trụ thế, có một tục lệ là khi mà việc học hỏi nghi lễ đã hoàn thành, người ta được bổ nhiệm là vị dẫn dắt nghi lễ. Khi tôi được bổ nhiệm như vậy, Đức Rigpe Dorje đã ban các y áo. Hôm ấy rơi đúng vào ngày may mắn của Đức Karmapa Rigpe Dorje: thứ Tư. Nó cũng trùng với dịp đặt những món bằng vàng trên chùa. Đấy là dịp cát tường và tôi may mắn rằng Ngài đã hài lòng với điều đó.

Về sinh kế, Đức Rigpe Dorje không cho tôi gì cả. Ngài đã không trao cho tôi đồ ăn. Ngài không cho tôi một nơi để ở. Từ quan điểm thế tục, tôi đã trải qua những thăng trầm nhất định. Tôi thường được xem là nghèo, đúng không? Bây giờ khi ngẫm lại, tôi thấy chẳng có cách quản lý nào tốt hơn thế. Khi tôi so sánh bản thân với người khác, những vị đã sống tại nhà riêng, những vị nhận được đồ ăn từ trên, giờ thì có nhiều vị trong số đó mà người ta chẳng biết đã đi đâu. Mặt khác, chúng tôi, những kẻ nghèo khó, đã duy trì ở đáy cùng và lúc ấy, chúng tôi đã có được cơ hội nhận những giáo lý như thế này, cơ hội gặp gỡ nhiều đạo sưthỉnh cầu các chỉ dẫn cốt tủy.

Tôi không nói rằng tôi có thần thông, tôi đã nhận được một sự thọ ký hoặc tôi được ủy thác cho một nhiệm vụ quan trọng hay tôi có những linh kiến thanh tịnh. Thay vào đó, tôi đang nói rằng tôi đã nghiên cứu với những vị thầy của tôi, bắt đầu từ bảng chữ cái và đánh vần, rằng tôi chẳng có gì nhiều để ăn, chẳng có gì để uống. Tôi đã phải nỗ lực trong sự vô minh của mình và rằng sự xung đột đó đem đến một kết quả.

Đấy là điều tôi muốn trình bày. Nếu người ta không nỗ lực, mà cứ hài lòng với tầm quan trọng, của cảisức mạnh của bản thân, họ có thể sẽ chẳng có mấy kiến thức. Tôi có thể nói với các bạn rằng đó là một chướng ngại đối với việc theo đuổi các rèn luyện và với việc thỉnh cầu giáo lý cũng như chỉ dẫn cốt tủy từ tất cả đạo sư. Và đấy là một hoàn cảnh xấu. Mặt khác, có một lợi thế trong việc duy trì như bất kỳ tu sĩ nào khác khi còn đang nghiên cứu, chỉ như một tu sĩ bình phàm. Tôi đã lớn lên trong căn phòng số 7 và 10 bên những tu sĩ khác và cũng đã hoàn thành các nghiên cứu cùng nhau.

Khi học ở Shedra [Phật học viện], tôi phải tự mang nệm của mình. Người ta phải mang theo nệm ngồi, đúng không? Và nếu ai đó bỏ lại nó ở đó, họ sẽ ngồi ở đâu khi học trong phòng? Khi lớp học kết thúc, tôi tự mang nệm của mình. Kệ để kinh, tôi cũng phải mang. Tôi không có một thị giả. Chỉ có thầy Tenam. Đôi lúc thì thầy ấy không thể đi theo. Đôi lúc thì có thể. Nếu thầy không đi, tôi phải tự mình mang mọi thứ, vì thế, tôi thường để một số trên đầu.

Thầy vô cùng từ ái. Bản thân thầy cũng trải qua những khó khăn. Thầy đã thật kiên trì. Làm như vậy, thầy khiến tôi có những kinh nghiệm tương tự. Vậy thì lý do – hay kiểu lợi thế – của việc làm vậy là gì? Tôi đã có được cơ hội gặp gỡ nhiều đạo sưthiện tri thức tâm linh để thỉnh cầu giáo lý, chỉ dẫn cốt tủy và thọ các khẩu truyền cũng như quán đỉnh từ chư vị. Đấy là một kiểu lợi thế, đúng không? Mặc dù tôi trải qua thời thơ ấu khó khăn, mặc dù tôi xem đó là một bất hạnh, bất hạnh cuối cùng lại trở thành một sự hỗ trợ. Tôi đã có được cơ hội thỉnh cầu những chỉ dẫn.

Mặt khác, nếu bạn cứ sống trong một những ngôi nhà được cho là nhỏ này, cứ nhận được đồ ăn từ trên, cứ mang một danh hiệu cao cấp, ai đó như vậy không thể có nhiều cơ hội thỉnh cầu các chỉ dẫn cốt tủy. Bạn [sẽ] thường nói với bản thân, “Chẳng có ai như tôi”, đúng không?

Thay vào đó, chúng ta cần kính trọng những thiện tri thức tâm linh. Bất kể là đạo sư hay thiện tri thức tâm linh. Khi học Anh ngữ, chúng tôi có một vị thầy tên là Goenpo. Thầy là người thường. Chúng tôi đã học tiếng Anh khi thầy ngồi trên một chiếc ghế còn chúng tôi thì ngồi trên sàn nhà. Đấy là cách mà chúng tôi học tiếng Anh.

Sau này, khi chúng tôi gặp nhau, khi tôi thấy thầy, tôi vẫn thường đứng dậy. Thầy chẳng trao cho tôi bất kỳ chỉ dẫn cốt tủy nào, đúng không? Thầy không trao cho tôi bất kỳ chỉ dẫn cốt tủy nào khi dạy tôi tiếng Anh viết. Thế nhưng, một cách tự nhiên, trong tâm tôi, tôi thường có ý nghĩ rằng, “Thầy cũng là thiện tri thức tâm linh của tôi”. Vì thế, khi chúng tôi gặp nhau, dù thầy yêu cầu tôi đừng đứng dậy, tôi vẫn cứ làm vậy.

Bạn có thể gọi đó là một vị thầy hay ai đó chỉ ra con đường, bất kể đó là ai, dù đó là người bình thường hay một vị tu sĩ, ai đó chỉ ra cho chúng ta con đường khi mà chúng ta không biết, ai đó thiết lập chúng ta trên con đường đúng đắn khi chúng ta sa ngã, ai đó khiến chúng ta hiểu điều mà chúng ta không hiểu, ai đó cho chúng ta thấy khi chúng ta mù; khi tôi cố gắng chỉ ra điều gì tạo thành một thiện tri thức tâm linh, tôi phải nghĩ về khó khăn trong những năm này, về việc khiêm cung, về việc trải qua khó khăn liên quan đến các nhu cầu căn bản nhất và phải chịu đựng tất cả mọi chuyện.

Chính Lama Tenam cũng phải trải qua những khó khăn. Thầy đi khất thực khắp nơi; thầy thu thập củi đốt. Thầy đã phải đi nhặt củi đốt. Thông thường khi làm vậy, có những con đỉa cố gắng hút máu. Chân sẽ đầy những vết thương. Một lần, khi chặt củi, thầy trượt khỏi ngọn cây và rìu rơi vào chân. Thầy đã chảy máu rất nhiều khi quay trở về.

Thầy đã phải trải qua vô vàn khó khăn. Điều đấy đều chẳng phải vì mục tiêu của riêng thầy ấy, đúng không? Ban đầu, thầy sống ở Bagsa. Sau đấy, thầy đã sống tám năm ở Sera, Drepung và Ganden. Thầy nói, “Tôi là một kẻ vô tư lự”. Nhưng cả Đức Karmapa Rigpe Dorje và Kim Cương Trì vĩ đại Kyabje Khyentse [Rinpoche] đã khiến thầy sống cùng tôi để săn sóc tôi, với tư cách vừa là thầy vừa là thị giả và thầy đã đối mặt với những khó khăn như vậy.

Bây giờ, tôi năm mươi ba tuổi[4]. Điều mà tôi học được cho đến nay, chút kiến thức ít ỏi mà tôi có, chút hiểu biết mà tôi đã tôi luyện, các quán đỉnh, khẩu truyềnchỉ dẫn cốt tủy mà tôi đã thọ nhận, nhìn chung, tôi mang ơn chư đạo sư mà tôi có kết nối Pháp, bắt đầu từ Kim Cương Trì vĩ đại Kyabje Khyentse, Đức Gyalwang Rigpe Dorje và tương tự, tất cả những đạo sư khác – thật nhiều nên tôi chẳng thể nhắc đến tất cả. Tôi có niềm tin với chư vị, điều đến từ nghiệp và công đức. Đặc biệt, đấy là [nhờ] lòng từ của thiện tri thức tâm linh của tôi, vị tu sĩ già Tenam.

Một vị thầy có vai trò rất quan trọng. Thật tốt nếu mọi Tulku trẻ có được một vị thầy. Ai đó liên tục khiến chúng ta thuần thục tâm từng chút một. Ai đó có sự thông cảm với Tulku đó; ai đó có những ý định tốt nhất, người nghĩ rằng, “Vị này phải làm lợi lạc giáo lý của Đức Phật”, “Vị này phải làm lợi lạc chúng sinh”, “Vị này phải trở thành tấm gương giải thoát như các hóa thân đời trước đã thiết lập”, người có những mong mỏi lớn lao về việc vị [Tulku ấy] làm lợi lạc chúng sinh khác.

Nếu họ có một vị thầy như thế, vị thầy đó sẽ đóng vai trò trong việc dần dần hiện thực hóa tầm nhìn của các hóa thân đời trước. Đúng không? Mặt khác, nếu họ có một thị giả hay vị thầy không tốt, vị lại bảo rằng, “Chúng ta sẽ đi xem một buổi biểu diễn”, “Sẽ có buổi nhảy múa ở đấy”, “Có một nơi để xem phim ở đằng kia”, “Có một vị đồ tể ở đó”, thì đấy là một tri thức tâm linh dẫn dắt theo hướng sai lầm. Điều đấy không tốt.

Vì vậy, thật tốt khi có một vị thầy. Tốt nhất nếu vị ấy đã nghiên cứu. Nếu chúng ta tìm được một vị có sự nghiên cứu, điều đấy thật tốt. Thậm chí nếu điều đó không xảy ra, tốt nhất là một vị có những ý định tốt nhất. Thầy Tenam cũng không nghiên cứu mấy. Thầy đã học hỏi Luật Tạng (Vinaya). Về Vinaya, thầy rất uyên bác. Thầy nói rằng, “Về Vinaya, tôi rất thạo. Nếu phải tranh luận với ai đó, tôi có thể làm vậy”. Đúng vậy, thầy thông thạo Luật Tạng. Thầy đã nghiên cứu miên mật Luật Tạng trong Tu viện. Thầy thuộc lòng hầu hết Luật TạngKinh Biệt Giải Thoát. Thầy có thể tụng không chút do dự. Thậm chí những Geshe lớn cũng gặp khó khăn trong việc thuộc lòng. [Nhưng] thầy ấy có thể. Ngoài ra, thầy không biết gì khác nữa. Thầy có những ý định tốt.

Với những ý định tốt đẹp này, ngay cả khi hiện tại tôi đã năm mươi ba tuổi, thầy vẫn dõi theo và quở mắng tôi. Luôn luôn; bất cứ khi nào! “Một là chuyện này đã xảy ra; hai, điều này không phải vậy; ba, điều kia không như thế”. “Cách mà Ngài nói không đúng”. “Cách Ngài làm không đúng”. Khi tôi nói từ phía dưới chùa và thầy nghe từ phía trên, “Hôm nay, Ngài đã nói điều gì đó không đúng. Ngài đang nói gì vậy chứ? Khi Ngài không thể để mặc chuyện đó và giữ im lặng thì nếu đã nói thì phải có mục đích, nhưng Ngài không làm thế. Nếu Ngài không làm được thì tốt hơn là cứ để thế bởi chẳng cần phải nói. Người ta sẽ nói, ‘Ngài là loại người gì vậy?’”.

Đấy là điều mà thầy nói. Cũng thật tốt khi nói như vậy. Như thế, từ thuở nhỏ, người ta đã trở nên quen thuộc và khi mà quan niệm ‘Đây là một vị thầy’ được hình thành, họ có một kiểu đối tượng không dễ chịu. Và khi họ có một nguồn cảm giác không dễ chịu, nó biến thành sự hỗ trợ tuyệt vời để luôn nhớ rằng phải tận tâm. Không có thầy, ai mà biết tôi sẽ thành ra thế nào? Tôi phải thành thật. Có sự chắc chắn nào cơ chứ? Thay vào đó, thầy vẫn luôn chăm sóc tôi. Thầy nói rất nghiêm khắc. Thầy cũng nói dịu dàng. Vì thế, nghĩ rằng, “Thầy là vị đang nói chuyện”, “Tôi có ai đó để trò chuyện” và có mong ước rằng thầy tiếp tục làm vậy thì khi mà thầy nói, nó thực sự làm lợi lạc.

Đã quen với việc bị phê bình, khi mà đôi lúc thầy không làm vậy, ý nghĩ rằng, “Ồ, thầy có bị ốm không vậy?” sẽ đến. Tôi có suy nghĩ kiểu như, “Hôm nay chuyện gì xảy ra vậy? Thầy không quở trách. Sao lại thế?”, “Có phải thầy đang thất vọng?” và tôi thường an ủi thầy. Tôi cảm thấy không thoải mái cho đến khi thầy lại quở mắng. Hoặc là, tôi nghĩ rằng, “Thầy không ốm đấy chứ?”, “Thầy đang thất vọng hay sao?”, “Thầy có bị tổn thương không?”.

Mỗi ngày khi thầy cứ nói điều gì đó, tôi thường cảm thấy ổn. Đã thành thói quen, tôi thường đi vào phòng và khi nghe thấy rằng “Chuyện gì vậy chứ?”, tôi thường cảm thấy hạnh phúc. Trong khi nếu thầy hiền hòadịu dàng mà chẳng nói gì, tôi nghĩ, “Thầy có bị tổn thương không nhỉ? Ai mà biết?” và tôi thường cảm thấy tệ. Đấy là điều đã xảy ra.

Vì vậy, nói ngắn gọn, điều tôi muốn nói là đó là cách mà tôi nhìn nhận một thiện tri thức tâm linh. Vì lý do đó, thầy thật từ ái. Tôi đang không nói rằng, “Tôi đã sinh ra là Sangye Nyenpa, tôi có danh hiệu ghê gớm và khi tiềm năng của các tiền thân được đánh thức, tôi biết nó”. Xin hãy nhớ kỹ. Tình hình thực sự đủ rõ ràng với tôi khi tôi chỉ để ý tới.

Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã trải qua nhiều khó khăn; khi ấy thật vất vả. Kim Cương Trì vĩ đại Kyabje Khyentse [Rinpoche] có một trái tim từ ái. Đức Gyalwang Rangjung Rigpe Dorje có một trái tim từ ái. Hai đạo sư tôn quý này đã chăm sóc tôi. Kim Cương Trì Jamgon Kenting Tai Situ Rinpoche cũng rất tử tế với tôi từ thuở nhỏ. Bởi Ngài sống ở Rumtek, thậm chí trong những lúc chơi đùa, Ngài là bạn cùng chơi với tôi.

Khi ấy, tôi khá thô lỗ. Trong tháng, những kỳ nghỉ duy nhấtchúng tôi có là vào Trăng Tròn và Trăng Non. Ngoài ra, các vị thầy luôn luôn dạy cách đọc. Nơi để đến trong những ngày [nghỉ] này là nhà của Rinpoche. Tôi thường vào đó, làm vỡ cốc gốm và phích và đổ nước lênh láng. Ngài vẫn thường nói rằng, “Ồ, hãy đến nhé”. Thực sự, Ngài đã nói rằng, “Đồ để làm vỡ à? Chúng đây này!”. Hay Ngài nói, “Cứ tiếp tục đi! Cứ làm vỡ chúng đi!”. Khi còn nhỏ, tôi đã thô lỗ như vậy đấy. Ngài thật từ ái và thầy giáo thọ của Ngài cũng vậy. Chúng tôi thường chơi cùng nhau và làm vỡ cốc nữa, Ngài là bạn của tôi. Tôi từng như vậy đấy!

Ngài vẫn luôn từ ái như vậy. Về Giáo Pháp, bất kể chỉ dẫn cốt tủy về các giáo lý linh thiêng của Đại Thủ Ấn hay quán đỉnh, khẩu truyềnchỉ dẫn, tôi vẫn thường thọ nhận chúng từ Rinpoche. Vậy đấy. Ngài thật từ ái. Do đó, tôi có được sự tin tưởng về việc là một bình chứa thích hợp, một đệ tử được bao bọc trong lòng bi mẫn của vị tôn quý và là kẻ thọ nhận được những chỉ dẫn cốt tủy nhờ lòng từ của chư vị.

Và mọi chuyện như vậy cũng xảy ra nhờ lòng từ của thiện tri thức tâm linh của tôi, Lama Tenam. Thầy cũng phải nỗ lực chăm chỉ. Ví dụ, ngay lúc này, thầy chẳng có tiền trong ví. Thầy chẳng có gì. Tôi vô cùng thành thật [khi nói vậy]. Tất cả tu sĩ chúng tôi mà biết thầy thì đều biết chuyện này. Nếu bạn hỏi thầy, “Cho con xem tiền mà thầy có trong túi”, thầy sẽ chẳng có gì để cho xem. Bất cứ điều gì mà thầy có được, thầy cúng dường lại cho Tu viện.

Tất cả tượng hiện có trong chùa, không ngoại lệ, là những món cúng dường hồi hướng cho người đã khuất hay người đang sống. Tôi không lãng phí dù chỉ một đồng tiền cúng dường vì người đã khuất mà tôi nhận được. Tôi không nói những điều này để tỏ vẻ vĩ đại hay nghiêm cẩn. Tôi chỉ nói rằng thật tốt khi làm vậy.

Khi ai đó đến và nói rằng, “Ông ấy đã chết. Xin hãy làm Phowa cho ông ấy”, “Con trai con đã chết”, tôi không có lòng bi mẫn hay sức mạnh để dẫn dắt thần thức của người đã khuất hay tiến hành Phowa cho vị đó. Vì thế, tôi vẫn luôn nghĩ rằng, “Chẳng phải thứ này nên dùng để tạo ra các đại diện Thân, Khẩu và Ý [giác ngộ] hay sao?”. Do đó, tôi luôn dùng tịnh tài như vậy để làm tất cả những bức tượng này.

Dù sống ở Ấn Độ hay Nepal, tôi thường đặt làm bát bạc cúng dường bảy phần được trang trí bằng vàng hay các bát bạc khác để [cúng] đèn bơ và cúng dường chúng trước sự chứng minh của Đức Gyalwang Karmapa hay Tai Situ Rinpoche. Tương tự vậy với Thangka và v.v. tôi sử dụng chúng cho các hoạt động liên quan đến Giáo Pháp.

Tôi không muốn dù chỉ một đồng trong những món cúng dường hồi hướng này. Tại sao? [Bởi] tôi chẳng có sức mạnh hay lòng bi, tôi không phải là người có thể dẫn dắt thần thức của người đã khuất, vì thế, sẽ là không thích hợp khi giữ nó cho tôi. Nếu không thì tôi đã có thể xây nhà hay mua xe hơi. Thế nhưng, làm vậy là không đúng, phải không?

Vì thế, nghĩ rằng điều đấy không thích hợp, tôi cảm thấy e sợ, chẳng có chút bi mẫn, sức mạnh hay sự xác quyết về việc là vị tái sinh của tất cả những vị Nyenpa trước đó; khi nhận những tịnh tài hồi hướng, tôi đơn giản không thể. Tôi dùng nó cho điều gì đó liên quan đến Giáo Pháp, làm những đại diện về Thân, Khẩu và Ý. Đấy là điều mà người đã khuất cần.

“Đừng chiếm đoạt các món cúng dường hồi hướng. Điều đấy không tốt. Chẳng hữu ích với Ngài khi mang danh hiệu của Lama. Đôi lúc Ngài tụng Mani. Đôi lúc thì không. Về trì tụng, Ngài không làm điều đó một cách đúng đắn”. Đó là điều mà thầy thường bảo tôi. Nghĩ rằng tiền cũng nên được dùng cho các đại diện về Thân, Khẩu và Ý, tôi thường cho làm chúng từ Nepal để gửi đến đây. Đó là cách mà tôi vẫn thường làm.

Thầy chẳng có dù chỉ một đồng. Thứ duy nhất mà thầy chắc chắn có là chiếc túi nhỏ màu xanh dương này. Bên trong thầy để y áo – hạ y và một thượng y đỏ. Ngoài ra, thầy không có thứ gì. Thầy nói rằng, “Nếu mai tôi chết, hãy thiêu thứ này theo cùng”. Vậy đấy! “Xác chết, Ngài phải thu thập nó. Ngài cần thu thập lại. Hãy đốt chúng cùng nhau. Đừng ném chúng đi”. Bản thân thầy Tenam cũng chẳng giữ lại một đồng.

Vì vậy, tôi thường nghĩ đó là điều được gọi là thiện tri thức tâm linh. Đó là điều xuất hiện trong tâm tôi. Thầy chẳng giữ gì ngoài thứ thầy có trước kia: hạ y và mảnh Zen. Thầy không có thói quen làm những y mới. Thầy có ý định thanh tịnh như vậy. Do đó, điều tôi có hiện nay là nhờ lòng từ của thầy.

Bây giờ thầy đã lớn tuổi rồi và về cuộc đời, chẳng có bất kỳ chắc chắn nào, nhưng tôi muốn yêu cầu tất cả các bạn dâng những lời nguyện để dù thế nào, chừng nào mà thầy còn bên chúng ta, thầy sẽ chẳng bị bệnh tật. Đấy là điều tôi muốn yêu cầu. Tôi chẳng có gì khác để nói.

Cho đến nay, kể từ khi tôi là một đứa bé, bắt đầu từ nghiên cứu, quán chiếuthiền định, chẳng có gì đi đúng hướng. Dẫu vậy, tôi đang ngồi trên tòa cao và nói về Giáo Pháp cho các bạn ngồi dưới. Tôi không cảm thấy thoải mái. Tôi ngồi trên tòa cao này còn tất cả những chúng sinh tôn quý các bạn lại ngồi dưới sàn. Từ đáy lòng, tôi thành tâm thừa nhận việc đã phạm phải lỗi lớn như vậy. Tôi thành tâm mong các bạn bỏ qua. Các bạn thật từ ái. Vậy nhé!

 

Điều này được Sangye Nyenpa Rinpoche nói nhân dịp sinh nhật thứ 54 của Ngài vào ngày 19 tháng 11 năm 2017. Con đã chép lại và dâng tặng như những đám mây cúng dường. Cầu mong điều này trở thành nguyên nhân để trong mọi đời tương lai, con đều trở thành học trò của một đạo sư đủ phẩm tính, lỗi lạc.

Hernan Barthe chuyển dịch Tạng-Anh.

 

Nguồn Anh ngữ: https://www.benchen.org.pl/en/lamas/rinpoches-from-benchen-monastery/his-eminence-the-10th-sangye-nyenpa-rinpoche.

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.



[1] Theo Rigpawiki, Kangyur nghĩa đen là ‘những lời được chuyển dịch’ của Đức Phật. Kangyur là tuyển tập các giáo lý của chính Đức Phật trong Tạng ngữ. Những lời của Đức Phật bao gồm cả Kinh điển và Mật điển.

[2] Theo Rigpawiki, Tu viện Rumtek – trụ xứ lưu vong của Đức Karmapa. Tu viện được xây dựng phía trên Tu viện Rumtek – Karma Tupten Choling cổ xưa ở Đông Sikkim. Tu viện được khánh thành vào mùng Một tháng Giêng năm Hỏa Ngọ (1966).

[4] Rinpoche sinh năm 1964.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.