Lama Bruce Newman
Việt dịch: Pema Jyana
Cánh cửa bước vào Kim Cương thừa thường được biết đến là “quán đảnh.” Một quán đảnh thường là buổi lễ tỉ mỉ trong đó một Lạt ma vô cùng đáng kính sẽ trao truyền lực gia trì của một Bổn tôn Phật giáo đặc biệt, chẳng hạn như Chenrezig, vị Phật của lòng từ bi. Trong buổi lễ quán đảnh, vị Lạt ma sẽ gieo “hạt giống” trong tâm thức đệ tử, thứ sau đó sẽ chín muồi trong đệ tử, thông qua thực hành và lòng sùng mộ, hiển bày những phẩm tính giác ngộ của Bổn tôn đó. Một lễ quán đảnh đánh dấu việc đệ tử chính thức bước vào con đường Mật thừa.
Chúng ta có thể nghe rằng nghi lễ như vậy sắp diễn ra trong cộng đồng chúng ta và muốn đến để hiểu thêm về Phật giáo Tây Tạng. Hay chúng ta có thể muốn gặp được vị Lạt ma nổi tiếng, người sắp ban quán đảnh. Chúng ta thậm chí có thể phải đi rất xa. Một người bạn của tôi gần đây đi từ Oregon đến Australia để thọ nhận quán đảnh Kalachakra từ Đức Dalai Lama.
Khi chúng ta tiếp cận Phật giáo Tây Tạng, chúng ta sẽ biết về những buổi lễ này. Chúng có thể cho ta cơ hội đầu tiên kết nối với Phật giáo Tây Tạng nói chung hay với một Lạt ma đặc biệt, người mà chúng ta từng nghe nói đến. Khi đó, chúng ta có thể tham dự để làm sâu sắc hơn kết nối, để thọ nhận gia trì của đạo sư vĩ đại hay nổi tiếng, hoặc bởi vì chúng ta thích thú vào việc cộng tu.
Khi Phật giáo Tây Tạng lần đầu tiên đến phương Tây, các quán đảnh [empowerment] được gọi là “lễ kết nạp” [initiation], một từ mà chúng tôi mượn từ những người tiền nhiệm của thuyết thần trí. Từ này hiện nay vẫn được sử dụng và hoàn toàn có thể thay thế từ “quán đảnh”; nó đơn giản là một cách dịch khác của cùng một từ trong tiếng Tạng. Tôi sẽ sử dụng cả hai thuật ngữ, mặc dù từ “quán đảnh” [empowerment] là cách dịch sát nghĩa và tốt hơn.
Quán đảnh là gì? Trong phần này, tôi sẽ nói về buổi lễ quán đảnh. Tôi sẽ không xem xét đến sự trao truyền tự nhiên của thấu suốt từ bậc thầy đến đệ tử - điều sẽ xuất hiện trong chương sau. Trong bối cảnh của một buổi lễ, quán đảnh thường liên quan đến một Bổn tôn đặc biệt, hay yidam. Có hàng nghìn yidam trong Phật giáo Tây Tạng, và mỗi vị lại có một lễ quán đảnh riêng.
Mỗi quán đảnh cũng tương ứng với một truyền thừa đặc biệt. Bởi vậy quán đảnh Văn Thù trong dòng truyền thừa Gelug sẽ khác với dòng truyền thừa Sakya. Mỗi dòng truyền thừa trong Phật giáo Tây Tạng đều có bộ quán đảnh riêng, và mỗi dòng truyền thừa lại chuyên biệt vào những Bổn tôn mà nó thực hành nhiều nhất. Ví dụ, các vị dòng Kagyu thực hành Chakrasamvara rất nhiều. Phần lớn mọi người cảm thấy sẽ đặc biệt tốt lành nếu thọ nhận quán đảnh Chakrasamvara từ một Lạt ma Kagyu cao cấp. Các vị Gelug cũng thực hành Chakrasamvara, nhưng họ nổi tiếng đặc biệt vì thực hành Yamantaka, hình tướng phẫn nộ của Đức Văn Thù. Hiện nay, các vị Nyingma chuyên về Vajrakilaya.
Một Lạt ma, được gọi là “Kim Cương Đạo sư” trong buổi lễ, luôn ban một quán đảnh. Chính ngài đã thọ nhận nó từ một Lạt ma khác và không ngừng, ngược lại thời gian. Lạt ma cần có đầy đủ phẩm tính theo những nguyên tắc đã được trình bày trước kia, nhưng khi một vị thầy có thể sắp đi ngang qua cộng đồng chúng ta, chúng ta có thể quyết định xem liệu rằng có tham dự hay không dựa vào danh tiếng. Vị thầy của chúng tôi ở Ashland, ngài Gyatrul Rinpoche đã đưa rất nhiều Lạt ma vĩ đại đến đây để ban quán đảnh. Một vài vị tôi chưa từng nghe tôi, nhưng tôi không do dự gì trong việc tham dự bởi vì tôi tin tưởng sự chân thật và đánh giá của Gyatrul Rinpoche.
Quán đảnh là một buổi lễ. Tôi sẽ nói về những quán đảnh theo cách thức chung từ quan điểm của mục đích và cấu trúc. Tôi sẽ dựa trên cuốn Quán đảnh của ngài Tsele Natsok Rangdrol, có lẽ là tài liệu đáng tin cậy nhất bằng tiếng Anh.
Một quán đảnh là sự cho phép thực hiện các giai đoạn khác nhau của thiền định đi kèm với một Bổn tôn đặc biệt. Thọ nhận quán đảnh Vô Lượng Quang cho phép bạn thực hành thiền định và trì tụng thần chú Phật Vô Lượng Quang. Nó cũng cho phép bạn thực hiện các thực hành khác đi kèm với Bổn tôn đó. Bởi vậy cùng với thực hành chính về Phật Vô Lượng Quang, bạn có thể tiến hành thực hành trường thọ của ngài và thực hành chuyển di thần thức [phowa] đến cõi Cực Lạc [Sukhavati]. Tsele Rinpoche nói rằng:
Nếu đầu tiên các con không nhận quán đảnh chín muồi, con không thể lắng nghe dù chỉ một đoạn Mật điển, câu nói và chỉ dẫn. Những người chưa được phép, mà tham gia vào việc giải thích và lắng nghe Mật điển sẽ không thể nhận được gia trì; họ sẽ tạo ra lỗi lầm lớn lao từ việc tiết lộ bí mật của những giáo lý này.
Chúng ta cần nhận quán đảnh để thực hành Kim Cương thừa sau đó thành công. Nếu chúng ta muốn thực hành Pháp tu nào đó, chúng ta cần dành sức lực để nhận quán đảnh đó. Đôi khi chúng ta muốn thực hành nhiều Pháp tu, điều dường như không có gì để làm với các Bổn tôn, ví dụ, du già nội hỏa (tummo) hay dzogchen. Tuy nhiên, những giáo lý này sẽ nằm trong thực hành của một Bổn tôn đặc biệt, vì thế thọ nhận quán đảnh là rất cần thiết.
Các quán đảnh có tác dụng làm chín muồi hay tịnh hóa với hành giả; sự thực là, chúng thường được gọi là “các quán đảnh chín muồi.” Nếu Phật tính của chúng ta giống như hạt giống, quán đảnh làm hạt giống phát triển và tịnh hóa những che chướng ngăn cản sự phát triển của nó. Từng phần của quán đảnh tịnh hóa những che chướng khác nhau của chúng ta. Ví dụ, quán đảnh bình tịnh hóa che chướng của thân và làm trưởng thành những yếu tố vật lý tạo thành thân của Bổn tôn.
Ở cấp độ thâm sâu nhất, quán đảnh là sự trao truyền trực tiếp chân lý tuyệt đối của Đạo Phật. Như chúng ta đã thảo luận trước kia, chúng ta đều có Phật tính, nhưng nó bị che lấp. Hơn thế nữa, chúng ta không biết cách nhận ra nó. Nếu chúng ta sẵn sàng và có kết nối thanh tịnh với một Kim Cương Đạo sư, việc nhận ra sẽ được trao truyền thông qua buổi lễ. Như Tsele Rinpoche giải thích:
Thoát khỏi các nhận thức tầm thường và những lời nói suông, chính xác hòa hợp với lời dạy của đạo sư, đệ tử cần hiểu cách thức mà thế giới và chúng sinh, mọi thứ sinh động và tẻ nhạt và bao gồm những uẩn, các yếu tố và nhân tố nhận thức, từ vô thủy, không là gì khác ngoài mạn đà la của Bổn tôn. Sau đó, nhờ lòng tốt bụng và chỉ dẫn của đạo sư, che chướng về vô minh tạm thời của đệ tử được xua tan. Đệ tử có thể hiểu cách thức mà thế giới bên ngoài thực sự là cung điện linh thánh và cư dân trong đó thực sự là mạn đà la của chư Bổn tôn.
Giống như vậy, từng phần trong quán đảnh giới thiệu chúng ta với từng khía cạnh khác nhau của bản tính tự nhiên của chúng ta, lập tức tịnh hóa các tập khí khác nhau, thứ ngăn cản việc chứng ngộ. Có lẽ việc nhận ra này sẽ bám chặt và chúng ta sẽ chứng ngộ từ thời điểm này trở đi. Hay điều đó có thể chỉ là tạm thời, nhưng khi đã thấy, chúng ta sẽ có thể tiếp cận giác tính này trong thực hành sau đó. Dù là cách nào, chúng ta cũng thực sự may mắn!
Mặc dù các quán đảnh rất khác nhau, chúng đều theo một cấu trúc chung. Những quán đảnh chi tiết hơn sẽ bắt đầu trước một ngày với buổi lễ chuẩn bị, gọi là tagon, nhằm chuẩn bị cho những đệ tử. Nếu không thì, đệ tử sẽ tự chuẩn bị bằng cách tắm và mặc quần áo sạch và đẹp. Đây không phải một sự kiện hippi; tinh thần hippi quá mức không có chỗ ở đây. Đó là kiểu thái độ chúng ta đang cố gắng buông bỏ. Chuẩn bị bản thân như vậy giúp tịnh hóa thân chúng ta. Trong khi đó, vị Lạt ma sắp ban quán đảnh cũng sẽ bắt đầu sự chuẩn bị, và khi chúng ta bước vào điện thờ hay giảng đường, ngài đã ở đó khoảng hai giờ, tiến hành những nghi lễ chuẩn bị và tự quán tưởng mình là Bổn tôn.
Khi chúng ta bước vào điện thờ, chúng ta được cho một ít nước nghệ để tịnh hóa khẩu và một thần chú trì tụng để tịnh hóa tâm. Việc lễ lạy vị Lạt ma trước khi ngồi xuống là rất thích hợp; nếu bạn không thấy thoải mái với điều đó, bạn có thể chưa sẵn sàng cho Kim Cương thừa. Trong một vài quán đảnh, đạo sư sẽ nói tiếng Anh hoặc phần lớn tiến trình sẽ được chuyển dịch để đệ tử có thể theo từng bước và thực hiện (hay ít nhất là cố gắng thực hiện) quán tưởng ứng với từng giai đoạn. Trong những lễ khác, vô cùng ít giải thích được ban ra và chỉ có vài nét tổng quan hay giới thiệu ngắn gọn cho từng phần được giải thích. Hãy nhớ rằng, người ta không hề có kiểu thuyết Pháp cộng đồng nào ở Tây Tạng; trong những buổi lễ cộng đồng, người ta nhận quán đảnh thông qua sức mạnh của niềm tin và lòng sùng mộ. Tuy nhiên, là một người phương Tây phức tạp, bạn có lẽ sẽ thấy rằng bạn càng biết nhiều về buổi lễ, trải nghiệm của bạn sẽ càng phong phú. Bằng cách cố gắng hết sức làm theo những quán tưởng, bạn sẽ tiếp cận nhiều hơn với sự gia trì và trao truyền của buổi lễ. Nếu bạn không thể làm theo, tôi nghe nói rằng tốt nhất là thư giãn tâm vào trạng thái rộng mở đáng tin cậy.
Buổi lễ sẽ bắt đầu với việc cúng dường gektor. Tor là từ viết tắt của torma và liên quan đến bánh nghi lễ, có thể thấy trong tất cả các điện thờ Tây Tạng. Trong trường hợp này, torma sẽ nhỏ và có màu đỏ. Nó được dâng lên gek, đó là các thế lực xấu hay ngăn cản. Chúng có thể được xem là chúng sinh bên ngoài hoặc là những ác nghiệp và ý nghĩ nhị nguyên bên trong chính chúng ta. Đây là cơ hội tốt để buông bỏ những cuộc nói chuyện bên ngoài mà chúng ta thường làm và chúng ta trở về với buổi lễ. Về bản chất, chúng ta sẽ nói rằng, “Gek thân mến, hãy nhận vật phẩm cúng dường tuyệt vời này và rời đi. Đừng làm phiền hay ngăn cản buổi lễ.” Với những kẻ từ chối torma và vẫn ở lại, các kỹ thuật phẫn nộ được sử dụng: gugal, nhựa thông tương tự với hương trầm, được đốt trong lư hương và hạt mù tạc được rắc trong khi đạo sư trì tụng thần chú phẫn nộ. Gugal và hạt mù tạc như là vũ khí với những gek. Bởi môi trường đã được tịnh hóa, một chiếc màn bảo vệ, gọi là lều Kim Cương, được quán tưởng đang bảo vệ buổi lễ.
Vị Lạt ma có thể sẽ nói ngắn gọn về lịch sử của quán đảnh và thực hành tương ứng. Ví dụ, ngài có thể đề cập đến nguồn gốc của nó ở Ấn Độ, nó được truyền đến Tây Tạng ra sao, số lượng hành giả đã chứng ngộ nhờ thực hành này, sự dễ dàng và đơn giản của thực hành, và sức mạnh và sự thâm sâu của lựa gia trì của nó. Tất cả những điều này là để tạo ra niềm tin trong đệ tử. Đệ tử cần thấy rằng sự kiện này là điều gì đó rất đặc biệt, rằng họ thật may mắn khi đang tham dự; họ nên cảm thấy mong đợi những điều ở phía trước.
Trong từng quán đảnh, bạn sẽ được nghe điểm độc đáo và đặc biệt của nó. Đừng nghĩ rằng, “Nhưng chúng nói cùng một thứ lúc cuối cùng!” Lời tán thán này nhằm tạo ra niềm tin và sự cởi mở thích hợp; nó không thực sự là nền tảng của so sánh.
Sau đó, lời nguyện quy y và Bồ đề tâm được tụng đọc theo vị Lạt ma. Nếu bạn không biết điều này nghĩa là gì, tôi sẽ giải thích từng điều trong chương tiếp theo. Chúng tương ứng với các cấp độ Tiểu thừa và Đại thừa của thực hành và hứa nguyện. Mật giới [samaya] (được giải thích ở cuối chương này) được ban cùng với ít nước nghệ hay rượu để khóa lại hứa nguyện, cùng với lời cảnh báo nghiêm khắc về điều có thể xảy ra với những ai phá giới. Lúc này, chúng ta đạt đến điểm không thể quay lại và hứa nguyện bản thân là một hành giả Mật thừa. Phần sau đó, “sự trao truyền gia trì” khẩn cầu lựa gia trì của chư Phật, Bồ Tát và Bổn tôn khi âm nhạc cất lên và các đệ tử thiền định về một quán tưởng mà đạo sư vừa miêu tả, thường quán tưởng vô số chư Phật trong hình tướng Bổn tôn tan hòa vào họ.
Mục đích ẩn đằng sau tất cả điều này là gì? Tsele Rinpoche giải thích khá rõ ràng như sau:
Thực sự, tịnh hóa nhận thức nghiệp về mọi thứ bên ngoài và bên trong, thế giới và chúng sinh, như là những thứ thông thường và rắn chắc, là rất quan trọng. Hãy xem xét các phương pháp và sự kiện tốt lành cần thiết để điều này xảy ra. Trong bất kỳ lễ quán đảnh nào, vào thời điểm bậc trí tuệ giáng hạ, một dải băng nhỏ được buộc trên người thọ nhận để làm gián đoạn những ý nghĩ cho rằng các hình tướng có thể thấy được như là thông thường. Khói chuẩn bị từ những chất liệu như là hương hay trầm khiến trí tuệ giáng hạ, được phát tán đển ngăn cản ý nghĩ cho rằng mùi hương là thông thường. Cam lồ được gia trì [nước nghệ hay chất lỏng] được ban để ngăn cản ý nghĩ cho rằng mùi vị là thông thường. Vị trí vật lý trong tư thế bảy điểm Tỳ Lô Giá Na hay tư thế Kim Cương là để ngăn cản ý nghĩ cho rằng việc xúc chạm là thông thường. Cuối cùng, các bước quán tưởng, phóng chiếu và tan biến là để ngăn cản bám chấp vô minh cho rằng tâm chúng ta là thông thường.
Bởi vậy, thông qua những nghi lễ dự bị này, đệ tử nên cảm thấy cởi mở và nhạy hơn, sẵn sàng cho phần chính của quán đảnh sau đó.
Mặc dù quán đảnh có nhiều hình tướng khác nhau, chúng thường có ba hay bốn phần, sẽ được miêu tả ngắn gọn sau đây. Việc ban quán đảnh bao gồm một vị đạo sư trì tụng bản văn, có thể được dịch để đệ tử có thể tham gia bằng việc quán tưởng các giai đoạn khác nhau đang diễn ra, chạm vào đệ tử bằng những vật biểu tượng được gia trì, và ban những chất được gia trì cho để tử để ăn hay uống. Bởi phần lớn quán đảnh đều có nhiều người tham dự và đòi hỏi nhiều thời gian cho bậc đạo sư làm điều này cho từng người, thông thường ngài ban cho một vài người gần ngài, những người sau đó sẽ đem những phần này cho toàn thể những người tham dự. Hoặc đôi khi những phần này được để trước sảnh đường và đệ tử xếp hàng đi qua và chạm vào lúc cuối.
Nếu có ba quán đảnh chính, đầu tiên là quán đảnh thân. Điều này tịnh hóa những lỗi lầm về thân, như là bệnh tật và cho phép đệ tử quán tưởng mình là bổn tôn. Quán đảnh khẩu tịnh hóa những lỗi lầm về khẩu và hơi thở, cho phép đệ tử trì tụng thần chú của Bổn tôn. Quán đảnh ý tịnh hóa tâm và cho phép đệ tử tan biến quán tưởng và an trú tâm trong Phật tính.
Quán đảnh cho các cấp độ cao hơn của Mật điển có bốn phần chính. Chúng cho phép đệ tử thực hành các hệ thống thiền định, mà người phương Tây thường rất mong mỏi, và trình tự và cấu trúc của chúng nên được nghiên cứu và hiểu thông qua việc tham gia vào Kim Cương thừa. Kiểu bốn quán đảnh này sẽ xuất hiện theo những cách khác nhau. Khi bạn hiểu nó, nó sẽ giúp bạn tiến gần hơn với các khía cạnh dường như không kết nối của Kim Cương thừa.
Quán đảnh đầu tiên trong hệ thống này là quán đảnh bình, điều đôi khi được chia nhỏ thành năm, tượng trưng cho năm Phật bộ. Quán đảnh này tịnh hóa thân chúng ta và cho phép chúng ta thực hành giai đoạn phát triển, quán tưởng Bổn tôn và trì tụng thần chú của Bổn tôn. Kết quả là, các đệ tử đạt được Hóa thân, thân thị hiện của một vị Phật.
Thứ hai là quán đảnh bí mật, tịnh hóa khẩu. Chúng ta sẽ được phép thực hành giai đoạn hoàn thiện, các thực hành sử dụng năng lượng bên trong của tsa, lung và tigle. Tsa, lung và tigle liên quan đến kinh mạch bên trong, khí và tinh túy. Tôi sẽ nói rõ hơn về chúng trong chương về thân (xem chương 17). Chúng ta đạt được Báo thân Phật, hay thân niềm vui, như là kết quả.
Sau đó là quán đảnh trí tuệ, tịnh hóa tâm chúng ta. Chúng ta được phép thực hành thiền định của sự hợp nhất, điều đưa đến Pháp thân, hay thân chân lý.
Cuối cùng là quán đảnh thứ tư, quán đảnh ngôn từ. Điều này tịnh hóa cả thân, khẩu và ý với xu hướng xem chúng là tách biệt. Nó cho phép chúng ta thực hành các Pháp tu thâm sâu của Đại thủ ấn và Đại toàn thiện với kết quả là Tự tính thân. Quán đảnh này có thể trực tiếp giới thiệu chúng ta đến rigpa, giác tính tự thấu suốt của Phật tính. Thông thường, sự giới thiệu này xảy ra dưới dạng vị Lạt ma cầm trái pha lê trong khi nói vài lời về bản tính tuyệt đối của tâm. Đây là chỉ dẫn chỉ-ra thâm sâu, và chúng ta nên đặc biệt chú ý trong phần này. Với niềm tin và sự yêu thích, chúng ta có thể trải qua điều gì đó rất quan trọng.
Cuối lễ quán đảnh, các đệ tử đến gần đạo sư và cúng dường kata, chiếc khăn truyền thống của Tây Tạng, và một vật phẩm cúng dường, thông thường là cúng dường bằng tiền.
Những dấu hiệu của việc thực sự nhận được quán đảnh là gì? Tsele Rinpoche giải thích rằng:
Đệ tử xuất chúng nhất trải qua sự lóa rạng của giác tính tự-sinh khởi, đồng xuất hiện. Đệ tử tốt tiếp theo trải qua nhận thức thanh tịnh cùng với lòng sùng mộ tràn ngập trong khi sự hiển bày của trải nghiệm bùng cháy, và đệ tử có căn cơ thấp hơn ít nhất cũng cảm thấy hoan hỉ.
Tôi thấy sẽ an toàn nếu nói rằng chúng ta có lẽ ở kiểu sau, bởi vậy ít nhất chúng ta có thể hy vọng kiểu trải nghiệm mạnh mẽ nào đó, có lẽ một cảm xúc vô cùng hoan hỉ hay trải nghiệm mà các vị Hindu gọi là “Shaktipat.” Bởi nghi lễ thường đầy sức mạnh và gây kinh sợ, chúng ta có thể cảm thấy sùng mộ và kính trọng lớn lao. Và nếu chúng ta theo các chỉ dẫn một cách cẩn thận và với niềm tin tưởng trong quán đảnh thứ tư, chúng ta sẽ thấy được Phật tính, giác tính đồng xuất hiện.
Cuối quán đảnh, đạo sư có thể ban thực hành hứa nguyện. Đó là, ngài sẽ nói chúng ta phải tiến hành thiền định ra sao mỗi ngày. Nó có thể không là gì hoặc thứ gì đó chung chung, như là tiếp tục thực hành thiện hạnh hay Pháp; nó có thể là một sự trì tụng ngắn, như là một chuỗi OM MANI PADME HUM; hoặc nó có thể dài hơn, như là thực hành một hay hai giờ mỗi ngày. Một người bạn thân của tôi có năm giờ thực hành như vậy để làm mỗi ngày. Vào những ngày bận rộn, cô ấy không thể ngủ.
Khi người ta đã uống nước giới nguyện [samaya] lúc bắt đầu buổi lễ, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo mệnh lệnh của Lạt ma. Thờ ơ hứa nguyện sẽ có những kết quả tức khắc. Quán đảnh được ban cho những nhóm lớn trong cộng đồng, đặc biệt là ở phương Tây, thường có ít hứa nguyện; tuy nhiên, việc quyết tâm nếu anh ta đã sẵn sàng cho một hứa nguyện là trách nhiệm của đệ tử. Nếu bạn không cảm thấy bạn có thể giữ gìn hứa nguyện, đừng nhận quán đảnh. Cũng vậy, nếu bạn không cảm thấy có thể duy trì niềm tin tưởng và kính trọng Kim Cương Đạo sư và nhận thức thanh tịnh cũng như lòng từ ái với những người tham dự khác, tốt hơn là không nhận quán đảnh.
Bên cạnh đó, có những Mật nguyện khác, chi tiết hơn trong các quán đảnh mặc dù chúng sẽ không được đề cập trong buổi lễ. Tuy nhiên, trách nhiệm của bạn là tìm ra chúng và cố gắng giữ chúng như bạn có thể. Có hàng nghìn Mật nguyện như vậy, một số rõ ràng quan trọng hơn và rất nhiều gần như là không thể giữ. Tôi sẽ đề cập một vài trong số những giới quan trọng nhất, nhưng hãy cố gắng nghiên cứu chúng từ vị thầy của bạn. Hãy tìm ra điều ngài cảm thấy là quan trọng nhất, cách thức giữ gìn chúng và phải làm gì nếu chúng bị phá.
Trong Kim Cương thừa, Phật tính của chúng ta bị che chướng bởi những ý nghĩ thông thường. Để duy trì nhận thức liên tục về sự hiểu bản tính chân thực, chúng ta thề duy trì nhận thức thanh tịnh hay quan kiến linh thiêng. Chúng ta thề luôn nhìn nhận mọi thứ xung quanh là mạn đà la với tất thảy chúng sinh là chư Bổn tôn, mọi âm thanh là thần chú, và mọi ý nghĩ đều là hiển bày của giác tính giác ngộ. Không dễ như vậy! Với tôi, ít nhất tôi cố gắng cắt bỏ những tham luyến mạnh mẽ với các đánh giá tiêu cực và thấy những khía cạnh thanh tịnh và tích cực của mọi thứ. Thầy tôi nói rằng mặc dù moi người thường làm hỏng, lao một cách bất cần khi họ trải qua cuộc đời, họ đều có một trái tim tốt. Tôi cố gắng nhìn nhận trái tim tốt lành này và không rơi vào việc phản ứng lại với những lỗi nhỏ trong tính cách của họ. Tôi cố gắng áp dụng điều này vào những điểm khác nữa. Không quá bực bội bởi môi trường, mà cố gắng thấy vẻ đẹp và sự rộng lớn trong mọi địa điểm. Không quá căng thẳng bởi những tiếng ồn, mà sử dụng chúng để mở tâm tôi. Tôi không nói rằng tôi thành công, nhưng tôi đang cố gắng, và ít nhất tôi có thể sử dụng những điều này như là điểm xuất phát. Bởi vậy bạn thấy rằng, nhận thức thanh tịnh vừa là điểm xuất phát vừa là ý tưởng trung tâm trong cả thực hành Kim Cương thừa lẫn việc giữ gìn giới nguyện và hứa nguyện.
Cũng có một bộ mười bốn giới nguyện đi kèm bất kỳ quán đảnh nào. Bản miêu tả có thể được tìm thấy trong nhiều cuốn sách nhưng đặc biệt là Hành động hoàn hảo của ngài Dudjom Rinpoche. Ba trong số những điều này tôi cảm thấy là quan trọng nhất. Đầu tiên là kính trọng vị đạo sư ban quán đảnh. Người ta nên coi ngài như là Bổn tôn thực sự và chắc chắn không để những hoài nghi và ác hạnh ngăn cản quan kiến về ngài. Đặc biệt, đừng mất kiểm soát và đánh nhau với ngài! Thứ hai, duy trì tri kiến thanh tịnh với tất thảy giáo lý Phật Đà. Đừng nghĩ rằng vài giáo lý hay vị thầy thì tốt hơn số khác. Lợi lạc nào thể đến từ việc nghĩ như vậy? Hãy thấy rằng các vị thầy, giáo lý và kỹ thuật khác nhau là để phù hợp với căn cơ khác nhau của chúng sinh; vì thế không có cấp bậc nào được ám chỉ. Đó là những phương thuốc khác nhau cho các căn bệnh khác nhau. Đặc biệt hãy duy trì nhận thức thanh tịnh và sự kính trọng với Kim Cương thừa. Vài người nghĩ rằng nó là sự sai lầm của giáo lý Đức Phật, hay một sự hợp nhất của Phật giáo với Bà La Môn và đạo Bôn. Bạn nên từ bỏ thái độ này. Thứ ba, duy trì nhận thức thanh tịnh với các đệ tử khác, các huynh đệ Kim Cương của bạn. Dù họ có phiền hà hay thần kinh thế nào, họ đều sở hữu Phật tính và đang cố gắng làm điều tốt nhất. Bên cạnh đó, họ có thể cũng nghĩ như bạn! Đừng đánh nhau, đừng cãi nhau, và đừng tán chuyện về họ đằng sau lưng. Nếu có ai đó bạn không thể chịu được, đơn giản hãy tránh họ. Bên cạnh ba điều này, việc duy trì vài kiểu thực hành đều đặn là rất quan trọng.
Như bạn có thể thấy, nhận quán đảnh đưa bạn đến một thế giới mới và, khi bạn đã tập hợp tất cả những điều trên, nó khẳng định sự sẵn sàng buông bỏ điều cũ. Không nghi ngờ gì, điều gì đó đầy sức mạnh đáng sợ và rộng lớn đang diễn ra. Dù bạn có chú ý cẩn thận thế nào, buổi lễ cũng vô cùng vĩ đại. Vượt lên trên điều đó là khả năng nhìn thấy hay nhận thấy một kiểu tốt lành vượt khỏi thế giới nhỏ bé của chúng ta. Chúng ta đạt đến điểm không thể “quay lại” trên hành trình, và ở một khía cạnh nào đó, quá trình tìm kiếm đã kết thúc. Bây giờ không thể quay lại.
Trích: A beginner’s Guide to Tibetan Buddhism, Lama Bruce Newman.
Việt dịch: Pema Jyana.