Bài Kệ Của Trưởng Lão Mãn Giác

23/12/201312:00 SA(Xem: 16944)
Bài Kệ Của Trưởng Lão Mãn Giác

BÀI KỆ CỦA TRƯỞNG LÃO MÃN GIÁC
Tác giả: PGS. TS Nguyễn Đăng Na
Khoa Ngữ Văn Đại Học Sư Phạm Hà Nội

Bài viết này trình bày 2 vấn đề chính trong bài kệ của Trưởng lão Mãn Giác. Đó là: Vài nét về loại hình kệ và nội dung chính về bài kệ của Trưởng lão Mãn Giác

Bài viết này chúng tôi muốn trình bày 2 vấn đề chính trong bài kệ (偈) của Trưởng lão Mãn Giác (長老滿覺). Đó là:

- Vài nét về loại hình kệ

- Nội dung chính về bài kệ của Trưởng lão Mãn Giác

I.VÀI NÉT VỀ THỂ LOẠI KỆ

1.Khái niệm về kệ

Kệ là loại hình văn học chức năng lễ nghi, ra đời từ Ấn Độ, gắn liền với nghi thức truyền thừa đạo Phật và có 2 nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp.

- Nghĩa rộng, gồm kệ Già đà (伽陀) và kệ Kì dạ (祇夜) trong 12 giáo bộ. Cả 2 loại này đều là kệ Tụng (頌). Tuy nhiên, giữa chúng có sự khác biệt: nếu trước bài kệ không có phần văn xuôi mà người viết trực tiếp văn vần để ghi lại giáo lí nhà Phật, gọi là kệ Cô khởi (孤起), nghĩa là Già đà; nếu trước bài kệ có phần văn xuôi rồi, nhưng người viết lại dùng văn vần để nhắc lại nghĩa của phần văn xuôi ở trên thì gọi là kệ Trùng tụng (重頌) - tụng lại, là kệ Kì dạ. Tuy nhiên, trong kinhluận của Phật, người ta vẫn dùng hỗn hợp cả 2 Kệ đó.

- Nghĩa hẹp, chỉ dùng riêng về kệ Già đà mà thôi.

2.Cấu trúc hình thức kệ

Kệ có nhiều loại, nhưng người ta thường dùng kệ 2 dòng (gồm 16 âm tiết, mỗi câu 8 âm tiết), cũng gọi là kệ Thông (通). Ngoài ra, có kệ 2 dòng dài từ 22 đến 24 âm tiết (mỗi câu từ 11 đến 12 âm tiết), hoặc không hạn chế số âm tiết. Khi thể loại kệ của Ấn Độ chuyển qua Hán ngữ văn ngôn thì người ta hay dùng hình thức tứ ngôn (4 chữ), ngũ ngôn (5 chữ), đều có 2 câu, giống kiểu thơ tứ cú Trung Hoa nhưng không cần vần luật. Trong kinh Phật, khi dịch ra văn ngôn, phần nhiều người ta dùng kệ Tụng từ 2 đến 6 câu(1), cốt sao ngắn gọn, có nhịp điệu và dùng hình ảnh so sánh, tượng trưng mang tính ẩn dụ để dễ hiểu, dễ nhớ, dễ truyền... Chẳng hạn, bài kệ của Trưởng lão Mãn Giác.

3.Kệ của Việt Nam

·Các Thiền sư Việt Nam thường viết kệ dưới nhiều hình thức đa dạng.
Có Ngài viết kệ 2 câu, mỗi câu 5 hoặc 7 âm tiết, như các vị Đại sư: Khuông Việt (匡越), Thiền Lão (禪老), Viên Chiếu (圓照),...; có vị lại viết kệ không vần như Thiền sư Cứu Chỉ (究旨); có vị viết kệ 6 câu, mỗi câu 4 âm tiết như Thiền sư Bản Tịnh (本淨); có vị dùng hình thức thơ ngũ ngôn tứ tuyệt hoặc thất ngôn tứ tuyệt để viết kệ, như Đại sư Khuông Việt và các vị Thiền sư: Định Hương (定香), Không Lộ (空路), Ngộ Ấn (悟印), Bảo Giám (寶鑑);... có điều cần chú ý là, các bài kệ Việt Nam đa phần được trình bày trong sách Phật học Việt Nam, như trong Thiền uyển tập anh Ngữ lục(2), Khóa hư lục,... Hơn nữa, chúng thường được dùng kệ Vấn và kệ Đáp - Cô khởi kệ để diễn đạt những vấn đề cốt tủy về triết học Thiền tông, như sinh tử (生子) - niết bàn (涅槃), sắc (色) - không (空), tâm (心) - thân (身), phàm (凡) - thánh (聖), hữu (有) - (無),... Loại này đều do nhà sư Việt Nam vừa viết ra, vừa tạo dựng nội dung cũng như hình thức biểu đạt của chúng.

·Trong Ngữ lụcbài kệ của Trưởng lão Mãn Giác (1052-1096) thuộc Cô khởi kệ được diễn đạt hình thức độc đáo, gồm 6 câu: 4 câu đầu dưới hình thức thơ ngũ ngôn (tứ tuyệt, cách vần, thanh bằng) và 2 câu cuối là hình thức thơ thất ngôn. Dưới đây là nguyên văn bài kệ đó:

春去百花落

春到百花開

事逐眼前過

老從頭上來

莫謂春殘花落盡

庭前昨夜一枝梅

Xuân khứ: bách hoa lạc,

Xuân đáo: bách hoa khai.

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tòng đầu thượng lai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

II.NỘI DUNG CHÍNH VỀ BÀI KỆ CỦA TRƯỞNG LÃO MÃN GIÁC

Khi khảo sát bài kệ của Trưởng lão Mãn Giác, xin chú ý 4 vấn đề:

-Một là, kệ thường diễn đạt dưới hình thức thơ, nhưng về bản chất, chúng không phải là thơ - loại hình văn học nghệ thuật, mà là văn học chức năng lễ nghi. Nếu lẫn loại hình thể loại, ta sẽ bị lạc hướng.

-Hai là, về văn học chức năng lễ nghi có một nguyên tắc tuyệt đối là, phải đặt các bài kệ vào môi trường chúng đang thực hành nghi lễ thì mới hiểu đúng nội dung của chúng. Nếu tách khỏi môi trường đang thực hành lễ nghi cụ thể của chúng, bài kệ sẽ bị chệch nghĩa.

-Ba là, kệ bao giờ cũng gắn với triết học Phật. Do vậy, ta phải trình bày nội dung của chúng bằng những khái niệm, thuật ngữ, điển cố... của Phật học. Nếu không, ta sẽ giải thích không đúng nội dung của chúng.

-Bốn là, về cơ bản, kệ không nhan đề. Điều này rất quan trọng. Tất cả các nhan đề của những bài kệ trong Ngữ lục nói chung, bài kệ của Trưởng lão Mãn Giác nói riêng, đều do người sau đặt tên. Nhưng khi đặt nhan đề cho các bài kệ này - văn học chức năng lễ nghi, người ta lại đặt chúng thành loại hình nghệ thuật - thơ ca. Chẳng hạn họ đặt tên Ngôn hoài của Không Lộ, Cáo tật thị chúng của Mãn Giác(3),...

Với tinh thần 4 điểm trên, chúng tôi sẽ khảo sát nội dung chính về bài kệ của Trưởng lão Mãn Giác.

1. Ngữ lục

Muốn hiểu giá trị đích thực của bài kệ của Trưởng lão Mãn Giác, trước hết, ta đọc về hoàn cảnh ra đời và mục đích thực hành lễ nghi của bài kệ này(4).

2. Nhan đề

Ta không thể đặt bài kệ của Trưởng lão Mãn GiácCáo tật thị chúng (告疾示眾). Tại sao?

a. Cáo tật

Cáo tật còn gọi là cáo bệnh (告病), chỉ các vị quan lại thời xưa khi bị ốm, xin vua ban cho nghỉ hưu và được trí sĩ.

Sách Ngữ lục kể rằng, thời Lý Thánh Tông (1054-1072), thân phụ của Ngài đang giữ chức Trung thư Viên ngoại lang(5). Lúc đó, Ngài được dự kỳ tuyển để phụng hầu cung vua(6). Đến năm Anh Vũ Chiêu Thắng 1077 triều Lý Nhân Tông, Ngài xin xuất gia. Vua chấp nhận. Sau khi Ngài đắc đạo, vua Nhân Tông mời Ngài đến Nhập nội Đạo tràng(7) đứng đầu Thiền viện Giáo Nguyên với danh nghĩa Tứ tử Đại sa môn được thực ấp 50 hộ và giao cho Ngài nắm Tam ti công sự - chức Tam ti Phó sứ(8).

Xin nói thêm: ban đầu, vua Nhân Tông ban tên cho Ngài là Hoài Tín. Sau, vì kính trọng Ngài, từ đó, vua gọi Ngài là Trưởng lão (長老). Khái niệm Trưởng lão lại có 2 nghĩa: một là, chỉ người có trí tuệ, có uy quyền trong chính phủ; hai là, trong Thiền lâm, những vị Thượng tọa Tì khưu đứng đầu về sự hiểu biết sâu sắc và có năng lực giảng giải kinh Phật mới được gọi là Trưởng lão. Rồi khi Trưởng lão mất, đức vua sắc cho Ngài thụy là Mãn Giác.

Như vậy, Trưởng lão vừa trong chính phủ, vừa đứng đầu Thiền gia. Vì thế, khi bị ốm, “ngày 30 tháng 11 niên hiệu Hội Phong thứ 5, (Trưởng lão) cáo tật”.

Vậy Trưởng lão cáo tật với ai? Trước hết, Ngài cáo tật với đức vua Lý Nhân Tông và cuối cùng, Ngài cáo tật với Tam ti, vì Ngài chỉ dưới vua và dưới Tam ti mà thôi. Tuy nhiên, với tư cách người đứng đầu Thiền viện Giáo Nguyên - trung tâm Phật học Thăng Long nên khi thị tịch, Ngài muốn trao truyền Tông yếu Thiền tông cho đệ tử và cần Thị chúng kệ.

b. Thị chúng

Hầu như người ta đều giải thích: thị chúng (示眾) là “bảo mọi người”(9). Không phải. Thị chúng là một thuật ngữ triết học Thiền tông, dùng để chỉ khai thị tông yếu (開示宗要) mà mở ra then chốt giáo tông cho môn đệ(10). Cho nên, khi thị chúng, các tì khưu thường dùng kệ. Chẳng hạn, các vị Thiền sư Trung Hoa từ Tùy - Đường đến Tống,... vẫn để lại Thị chúng kệ, như Tuệ Viễn Đại sư(11) (慧遠大師), Vân Môn Văn Yển(12) (雲門文偃), Thiền sư Từ Minh(13) (禪師慈明), ... đã làm. Ở Việt Nam, Trưởng lão đã để lại Thị chúng kệ. Bởi thế, cái gọi là Cáo tật thị chúng kia sẽ ngắt thành 2 phần:

-Câu 1: “Ngày 30 tháng 11 niên hiệu Hội Phong thứ 5, (Trưởng lão) cáo tật”.

- Câu 2, đều có thể đọc:

+ (Sau khi cáo tật, Trưởng lão) thị chúng. (Ngài đọc) Kệ như sau:...

+ (Sau khi cáo tật, Trưởng lão đọc bài) Thị chúng kệ như sau:...

Riêng Thiền Tông từ Vô Ngôn Thông (? - 826) đến năm 1096 trước khi Mãn Giác mất, chưa có Thiền sư nào có Thị chúng kệ ngoài Trưởng lão.

Đấy là lí do không thể đặt kệ của Trưởng lãoCáo tật thị chúng.

3. Nội dung chính

Một trong những then chốt của tông phái Vô NgônTrưởng lão muốn khai mở cho môn đệ hiểu sinh - tử. Trong mê giới của Lục đạo(14), sinh - tử nối nhau vô cùng vô tận. Đối lập với Niết bànthế giới khổ não. Tuy nhiên, sinh - tử với Niết bàn chỉ là 1, không phải là 2. Nếu sinh - tử là phi xả (非捨) - không thể bỏ được, phi phi xả (非非捨) - không phải không thể bỏ được,... thì, Niết bàn cũng vô đắc (無得) - không thể được, vô bất đắc (無不得) - không phải không thể được. Đấy là tư tưởng chi phối bài kệ của Trưởng lão.

Để hiểu bài kệ của Trưởng lão, chúng tôi sẽ trình bày 2 phần:

a.Bốn câu đầu

·Câu 1 - 2:

Thoạt nghe, 2 câu đầu tưởng như Trưởng lão đưa ra quy luật tất yếu của tự nhiên:

Xuân đi trăm hoa rụng (Xuân khứ bách hoa lạc),

Xuân đến trăm hoa nở(Xuân đáo bách hoa khai).

Mỗi năm, Xuân đều một lần về. Xuân đi (khứ), rồi Xuân đến (đáo). Sự luân hồi này, con người cảm nhận được qua hình ảnh trăm hoa tàn (bách hoa lạc), trăm hoa nở (bách hoa khai). Bởi vậy, khi nhắc tới “trăm hoa tàn”, “trăm hoa nở”, Trưởng lão muốn thị chúng cho môn đệ hiểu rằng, quy luật này phổ quát chẳng trừ ai. Nghĩa là, ai cũng có thể đến khởi điểm nhập vào vũ trụ: lạc (rụng - chết). Đấy là quy luật khách quan. Vì thế, Ngài ung dung nhập Niết bàn và cũng ung dung biết trăm hoa - chỉ môn đệ, nhất định nở (khai), nhất định bừng lên, đẹp hơn. Và rồi, các thế hệ sau, thế hệ 1, thế hệ 2, thế hệ 3,... sẽ bước theo: Xuân khứ bách hoa lạc! Lạc (rụng) và khai (nở), khứ (đi) và đáo (đến) đều vô thường!

Vũ trụ là thế, giới tự nhiên là thế! Còn xã hội con người?

·Câu 3 - 4:

Việc đời chạy nhanh trước mắt(Sự trục nhãn tiền quá),

Tuổi già theo đến trên đầu (Lão tòng đầu thượng lại).

Hai khái niệm sự (事) và lão (老) mà Trưởng lão muốn thị chúng cho môn đệ nắm được then chốt Thiền tông.

Sự thuật ngữ triết học Thiền tông, chỉ tất cả hữu vi pháp (有為法) do nhân duyên sinh ra, là những hiện tượng vô cùng khác biệt trong vũ trụ, đối lập với (理) của pháp môn bình đẳng; nghĩa là, sắc tướng vô thường có muôn hình vạn trạng biến đổi diễn ra trong cuộc sống mà nhục nhãn thấy được. Đúng như Tăng Triệu (僧肇) kết luận: “Sự tuy vô cùng, nhưng lí chung quy chỉ một đường”(15). Tiếp theo, ta gặp chữ lão với nghĩa đen: già. Nhưng ở đây ta lại gặp khái niệm triết học Thiền tông: Lão. “Lão” là một trong 24 hành pháp không tương ứng của Duy thức tông. Các sắc tâm nối nhau biến đổi, gọi là lão. Sinh, lão, trú, vô thường, gọi là tứ tướng. “Lão” tương đương với dị tướng của hữu bộ. Sinh khổ (生苦), lão khổ (老苦), bệnh khổ (病苦), tử khổ (死苦) gọi là tứ khổ (四苦). Có 4 loại khổ của nhân gian: Sinh khổ (từ hoài thai đến xuất sinh). Lão khổ (suy tàn biến thành lão). Bệnh khổ (tứ đại tăng tổn thành bệnh, khi bệnh thì khổ). Tử khổ (khi ngũ uẩn hỏng lìa, hoặc thọ mệnh hết). Sinh tử luân hồi trong mê giới nối nhau vô cùng, vô tậnđối lập với Niết bàn (Bồ đề). Duy thức luận (quyển 8) đưa ra 4 loại tướng trong một chu kì của chúng sinh, cũng gọi là tứ tướng (4 khổ). Gồm: sinh, lão, bệnh, tử. Tướng mà chúng sinh xuất sinh gọi là sinh tướng (生相); tướng của tuổi giàlão tướng (老相); tướng của bệnh tật là bệnh tướng (病相); tướng của chết là tử tướng (死相),... Sự sinh tử trói buộc con người. Tham, sân, si cùng với sinh tử phiền não trói buộc con người không được tự tại, giống như lưới võng trói buộc chúng sinh, không giải thoát được. Lời Thị chúng ở đây như lời trăng trối về tông yếu Thiền tông của Ngài.

·Bốn câu đầu, Trưởng lão dùng văn vần loại ngũ ngôn, thể tứ tuyệt, vần bằng (khai 開, lai 來nhưng cách dòng (câu 2 - 4) để thị chúng theo thời gian: đương thời (xuân đang khứ, hoa đang lạc) --> tương lai (xuân sẽ đáo, hoa sẽ lai); rồi quá khứ (sự đã quá) --> hiện tại (lão đang tòng).

Hai câu đầu, Trưởng lão hoàn toàn ứng khẩu. Đến câu 3 - 4, Ngài dùng thi liệu của tiền nhân. Đó là từ bài Thủy biên ngẫu đề (水邊偶題) của La Ẩn(16) thời Đường mà Ngài mượn để diễn đạt giáo lí Thiền tông:

只知事逐眼前去

不覺老從頭上來

Chỉ triSỰ TRỤC NHÃN TIỀN KHỨ,

Bất giác LÃO TÒNG ĐẦU THƯỢNG LAI.

“Dòng sông vô tình đi không về; bên sông, hoa đẹp nở vì ai? Nhưng chỉ biết sự (vô vàn sắc tướng) đang ruổi trước mắt con ngườibất giác nhận thấy tuổi già đã trèo lên đầu mình. (Thi nhân) thở than cuộc đời cực cùng như Khổng (Tử), Mạnh (Tử) và ai (hiển) đạt như Chu(17) (周) - Triệu (召) cũng bị trần ai. Nghĩ xem, cái lí kia thì ai gặp may, chỉ thầy Trang Tử là người giỏi nhất”(18). Đó là tâm trạng cô đơn, bị cuộc đời ném ra bên bờ sông và mỉa mai ai may, ai tài mà thi nhân La Ẩn thở than qua thơ thất ngôn bát cú.

Nhưng, Trưởng lão không cảm nhận cuộc đời như vậy. Ngài hiểu con người luôn luôn vận hành theo vũ trụ, biến đổi vô thường. Cho nên, dù dùng thi liệu tiền nhân, mỗi người không chỉ diễn đạt khác nhau, viết thể loại khác nhau mà mỗi người lại đi con đường khác nhau: La Ẩn là thi sĩ nhà Nho viết thơ Đường 7 chữ 8 câu, còn Trưởng lãoThiền sư Vô Ngôn, đọc khẩu ngữ Cô tụng kệ theo cách riêng để giảng giải cho môn đệ về quy luật muôn đời!

Nếu so sánh câu 3-4 thất ngôn của La Ẩn với câu 3-4 ngũ ngôn của Trưởng lão ta thấy, 2 vị tư tưởng hoàn toàn khác nhau. Một bên là thi nhân hốt hoảng, bất ngờ cuộc đời: “Chỉ tri sự trục nhãn tiền quá, Bất giác lão tòng đầu thượng lai”; còn một bên là Thiền sư ung dung, tự tại trước việc tịch diệt: “Sự trục nhãn tiền quá, Lão tòng đầu thượng lai”.

b.Hai câu cuối:

·Để kết thúc bài kệ, Trưởng lão đưa ra phân biệt các phái Thiền tông:

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết(Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận),

Đêm qua trước sân có một cành mai (Đình tiền tạc dạ nhất chi mai).

Xuân khứ xuân lai đều vô thường. Hoa lạchoa khai cũng vậy, đều vô thường. Nhưng có tuệ nhãn, Phật nhãn mới nhận được cái hằng thường. Đến (đáo) và đi (khứ), tànnở đều là hiện tượng muôn hình vạn trạng đang diễn ra trước mắt con người và đều vô thường, nhất thời. Sự hằng thường thuộc bản thể vũ trụ. Hôm qua mai nở, hôm nay mai tàn; hôm qua thấy Thầy (chỉ Trưởng lão) đang giảng truyền cho môn đệ; đêm nay ngày 30 tháng 11 năm Bính Tý 1096 Thầy nhập Niết bàn. Môn đệ tuy không thấy hình hài sắc tướng của Thầy nhưng Thầy để lại hằng thường vô sắc tướng thành biểu tượng vĩnh hằng: Nhất chi mai. Đó là lời trăng trối mà Trưởng lão khẳng định:

"Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua trước sân có một cành mai!"

·Lần theo thời gian từ năm 1096 khi Trưởng lão nhập Niết bàn về trước, thi nhân thường sáng tác thơ và từ để thở than cuộc đời ngắn ngủi, đặc biệt khóc than số phận người đàn bà sớm nở tối tàn, hoa héo xuân phai,... Ấy thế, chưa thấy một câu nào dù là thơ hoặc từ tương tự kiểu 5 chữ Xuân tàn hoa lạc tận (春殘花落盡) của Trưởng lão. Có lẽ phải tới thế kỷ XVIII ta mới thấy xuất hiện cụm từ na ná Xuân tàn hoa lạc tận:

試看春殘花盡落

但是紅顏老死時

"Thí khán xuân tàn hoa tận lạc,

Đãn thị hồng nhan lão tử thì"(19)

Nghĩa là, “thử xem xuân tàn hoa hết rụng, nhưng hồng nhan đâu được sống đến lúc già”. Nếu để ý, cụm từ trên được đảo chữ tận (hết) lên trên chữ lạc để nhấn mạnh tất cả hoa đã rụng: xuân tàn hoa tận lạc. Sau, người Trung Hoa khi làm thơ vẫn quen viết Xuân tàn hoa tận lạc:

一朝夢醒吾何往

只似春殘花盡落

"Nhất triêu mộng tỉnh ngô hà vãng,

Chỉ tự xuân tàn hoa tận lạc".

Nghĩa là, “một sớm mộng tỉnh, ta đi về đâu? Chỉ như xuân tàn hoa hết rụng”.

Riêng câu cuối Cô tụng kệ, Trưởng lão đã sử dụng thi liệu từ câu 3 - 4 trong bài Tảo mai (早梅) của Tề Kỉ (齊己):

Tiềnthôn thâm tuyết lí (前村深雪裡),

Tạc dạnhất chi khai (昨夜一枝開)(20).

Nghĩa là, trước thôn trong tuyết thẳm, đêm qua một nhành (mai) nở”. Nếu lại so sánh Tảo mai của Tề Kỉ (860 - 937) với Cô tụng kệ của Trưởng lão, ta lại thấy 2 bài khác nhau về tư tưởng. “Vạn cây (mai) bị cóng đến muốn chết, nhưng hơi ấm riêng rễ trở về. Trước thôn trong tuyết thẳm, đêm qua một nhánh (mai) nở. Hương thầm gió đưa qua, con chim nhìn thấy hoa trắng đang đến. Năm tới như phù hợp với thời tiết, nên hoa mai đầu tiên báo Xuân Đài”(21). Rõ ràng, thi sĩ Tề Kỉ ngạo cao vì chỉ mình chàng báo trước cho muôn loài biết xuân đang về và cũng mình chàng chịu được cóng rét: "đêm qua trong tuyết thẳm, có một nhánh mai nở hoa". Cụm từ nhất chi khai khoa trương, còn cụm từ nhất chi mai thì thầm kín và tế nhị. Tuy vậy, ta cũng nên khen hình tượng của nhà thơ Tề Kỉ thời Đường khá độc đáo.

·Gần trăm năm sau, Diêu Thuật Nghiêu (姚述堯) - người Trung Hoa lại dùng thi liệu của Trưởng lão Việt Nam để sáng tác từ (詞) nổi tiếng theo điệu Nguyễn Lang quy (阮 郎歸). Và dĩ nhiên xin nói thêm: Diêu Thuật Nghiêu(22) là người Tiền Đường (錢塘) thuộc Bách Việt, đỗ Tiến sĩ năm 1154, làm quan 21 năm (1168-1188). Câu đầu, Tiến sĩ Diêu viết: Giang thôn tạc dạ nhất chi mai (江村昨夜一枝梅). Riêng hình tượng nhất chi mai trong kệ được nhiều Thiền sư Trung Hoa dùng. Như Tục đăng lục năm 1097 có nhất chi mai. Rồi năm Gia Định 1208 có câu Tuyết trung sơ trán nhất chi mai (雪中初綻一枝梅) của Định Tuệ Hải Ấn Tín Thiền sư, thời Thanh có câu Đình tiền tiên trán nhất chi mai (庭前先綻一枝梅) của An Tịnh Chu Thiền sư(23) thị tịch năm Thuận Trị 1648, ...

Trên đây là 2 vấn đề chính mà chúng tôi đã trình bày.

Phụ lục

1.Ngữ lục(Câu chuyện về Đại sư Mãn Giác)

Đại sư Mãn Giác chùa Giáo Nguyên, Cứu Liên; người Lũng Triền, An Cách, họ Nguyễn, húy Trường (長); cha là Hoài Tố (懷素), làm quan tới chức Trung thư Viên ngoại lang(24).

Khi Lý Nhân Tông còn ở tiềm để(25), bấy giờ có chiếu chỉ cho con em các nhà danh gia vào hầu trong cung. Ngài - chỉ Mãn Giác, vì học rộng, nhớ nhiều, đọc thông Nho - Thích(26), nên được dự kì tuyển này. Những lúc rảnh việc công, Ngài thường đem thiền na(27) ra niệm. Khi Nhân Tông lên ngôi, bởi quý trọngban cho Ngài là Hoài Tín.

Năm Anh Vũ Chiêu Thắng(28), Ngài dâng biểu xin xuất gia. Khi được ấn chứng của sư Quảng Trí chùa Quán Đính, Ngài bèn mang bình tích đi vân du tìm khắp đạo hữu. Khi Ngài tới đâu, người theo học rất đông. Ngài đọc Đại tạng kinh đạt tới vô sư trí(29) và là lãnh tụ pháp môn một thời.

Đế cùng Cảm Linh Nhân Hoàng Thái hậu lưu tâm đến Thiền học, bèn dựng chùa này cạnh cung Cảnh Hưng, mời Ngài tới đó trụ trì để tiện việc tham vấn. Khi tham vấn, Đế không dùng tên Ngài để gọi, mà thường gọi Ngài là Trưởng lão.

Một hôm, Đế nói:

Bậc chí nhân(30) thị hiện, ắt phải tế độ chúng sinh, không hạnh nào là không đủ, không sự nào là không tu, chẳng phải chỉ do sức định tuệ(31), mà cũng có công giúp đỡ, nên phải kính nhậm(32) lấy.

Bèn trao Thiền viện Giáo Nguyên cho Hoài Tín Đại sư để truyền tâm ấn vô tu vô chứng(33) của Tổ và phụng mệnh Nhập nội Đạo tràng(34), ban cho Tứ tử Đại sa môn, cùng với quan Tam ti bàn việc công và cho 50 hộ miễn thuế để cung đốn việc chùa.

Ngày 30 tháng 11, niên hiệu Hội Phong thứ 5, (Trưởng lão) cáo tật. (Trưởng lão) Thị chúng. Kệ rằng:

春去百花落

春到百花開

事逐前眼過

老從頭上來

莫謂春殘花落盡

庭前昨夜一枝梅

"Xuân khứ: bách hoa lạc,

Xuân đáo: bách hoa khai.

Sự trục tiền nhãn quá,

Lão tòng đầu thượng lai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai".

Đêm đó, Ngài ngồi kiết già ra đi, thọ 45 tuổi đời, 19 tuổi hạ. Đế dùng hậu lễ để ban tặng. Các bậc công khanh ai cũng dâng hương, trà tỉ, thu xá lị, xây tháp ở chùa Sùng Nham, An Cách. (Vua Lý Nhân Tông) sắc (phong Ngài) thụy hiệu Mãn Giác.

2.Bài thơ của La Ẩn (羅隱):

La Ẩn (833-909), thi nhân nổi tiếng cuối thời Đường, người Tân Thành (新城), tỉnh Chiết Giang (浙江), tự là Chiêu Gián (昭諫). Hiện người ta giữ được gần 500 bài thơ của ông và vẫn có nhà bia về ông. Toàn bài Thủy biên ngẫu đề (水邊偶題) của La Ẩn như sau:

野水無情去不回

水邊花好為誰開

只知事逐眼前去

不覺老從頭上來

窮似丘軻休嘆息

達如周召亦塵埃

思量此理何人會

蒙邑先生最有才

"Dã thủy vô tình khứ bất hồi,

Thủy biên hoa hảo vị thùy khai.

Chỉ tri sự trục nhãn tiền khứ,

Bất giác lão tòng đầu thượng lai.

Cùng tự Khâu, Kha hưu thán tức,

Đạt như Chu, Triệu diệc trần ai.

Tư lường thử lí hà nhân hội,

Mông ấp Tiên sinh tối hữu tài".

3.Bài thơ của Tề Kỉ (齊己):

Tề Kỉ (860 - 937) họ Hồ (胡), tên là Đắc Sinh (得生), người Ích Dương (益陽), xuất gia. Ngài nghiên cứu đạo Phật, nổi tiếng sáng tác thơ, hiện còn hơn 800 bài. Dưới đây là bài thơ Tảo mai (早梅) của Ngài:

萬木凍欲折

孤根暖獨回

前村深雪裡

昨夜一枝開

風遞幽香去

禽窺素艷來

明年如應律

先發映春台

"Vạn mộc đống dục chiết,

Cô căn noãn độc hồi.

Tiền thôn thâm tuyết lí,

Tạc dạ nhất chi khai .

Phong đệ u hương khứ,

Cầm khuy tố diễm lai.

Minh niên như Ứng Luật,

Tiên phát ánh Xuân Đài"(35).

4.Bài từ (詞) của Diên Thuật Nghiêu (姚述堯) theo điệu Nguyễn Lang quy (阮郎歸) như sau:

Diêu Thuật Nghiêu(36) không rõ năm sinh và mất, chỉ biết tác giả đỗ Tiến sĩ năm Thiệu Hưng thứ 24 (1154), làm quan đến 1188.

江村昨夜一枝梅

先傳春信回

非煙非霧下瑤台

香風拂面來

云幕卷日華開

祥光映上台

安與從此步天街

君王賜壽杯

"Giang thôn tạc dạ nhất chi mai,

Tiên truyền xuân tín hồi.

Phi yên phi vụ há Dao Đài,

Hương phong phất diện lai.

Vân mạc quyển, nhật hoa khai,

Tường quang ánh thượng Đài.

An dữ tòng thử bộ thiên nhai.

Quân vương tứ thọ bôi".

 

Chú thích:

(1) Phật Quang đại từ điển, Phật Quang xuất bản 1988 - 1999, tr.4383.

(2) Thiền uyển tập anh ngữ lục, khắc in Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715). Từ đây viết tắt là Ngữ lục.

(3) Hoàng Việt thi tuyển, Sđd, tr.10.

(4) Xem phần Phụ lục 1.

(5),(24) Trung thư Viên ngoại lang: Trung thư thuộc Bộ Lại, từ trên xuống gồm Thượng thư, Thị lang, Lang trung. Thời Lý Nhân Tông (1072-1128) chức Trung thư Viên ngoại lang tương đương Tam phẩm.

(6) Khi đó, nhà Lý chưa mở thi Hội.

(7),(34) Chỉ Đạo tràng trong Đại nội (cung vua); nơi thờ Phậttu hành đặt ở trong cung.

(8) Tam ti: gồm Thái úy, Tư đồ, Tư không. Tam ti Phó sứ tương đương tể tướng, chỉ dưới Tam ti.

(9) Xin xem các sách Thơ văn Lí - Trần, Ngữ văn 10, Ngữ văn sách giáo viên 10, Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại,...

(10) Phật Quang đại từ điển: Sđd, tr.2145. Thị chúng còn có tên thùy thuyết (垂說), thùy ngữ (垂說), thùy thị (垂示),...

(11) Tuệ Viễn Đại sư (334-416): người Lâu Phiền (樓煩), Nhạn Môn (雁門), họ Giả (賈).

(12) Vân Môn Văn Yển (864-949): họ Trương (張), người Gia Hưng (嘉興), Chiết Giang (浙江).

(13) Thiền sư Từ Minh (986 - 1039).

(14) Lục đạo: gồm Thiên, Nhân, A tu la, Nga quỷ, Súc sinh, Địa ngục.

(15) Bảo tạng luận (寶藏論) của Tăng Triệu (384 - 414), họ Trương, người Kinh Triệu (京兆), thời Đông Tấn.

(16) La Ẩn (833 - 909): tự là Chiêu Gián (昭諫), người Tân Thành (新城), Chiết Giang (浙江). Hiện người Trung Hoa đã lưu trữ gần 500 bài thơ của La Ẩn.

(17) Chu (khoảng từ 369-286 TCN): tên là Chu, gọi là Trang Tử; chưa rõ nhân vật tên là Triệu.

(18) Dịch nghĩa toàn bài Thủy biên ngẫu đề của La Ẩn.

(19) Theo Hồng lâu mộng, thơ do nhân vật Đại Ngọc viết, gồm 6 câu.

(20) Theo Tống Cao tăng truyện (宋高僧傳), Q.30. Xem thêm Đường thi kỉ sự (唐詩紀事) và Ngũ đại sử bổ (五代史補).

(21) Xem toàn bài Tảo mai trong Phụ lục.

(22) Diêu Thuật Nghiêu: tự là Đạo Tiến (道進), người Hàng Châu. Xem Nguyễn Quy lang trong Phụ lục.

(23) An Tịnh Chu Thiền sư (1597-1648): thụy là Thụy bạch tuyết tự (瑞白雪嗣).

(25) Tiềm để: khi chưa lên ngôi.

(26) Nho, Thích: đạo Nhođạo Phật.

(27) Thiền na: là thiền định, tĩnh lự.

(28) Anh Vũ Chiêu Thắng: niên hiệu vua Lý Nhân Tông những năm 1076-1084.

(29) Vô sư trí: chỉ trí tuệ không do lực ngoài sách vở, không nhờ người khác dạy mà tự nhiên thành tựu. Nghĩa thứ hai là, trí tuệ không phải do thầy dạy, mà tự đạt được.

(30) Chí nhân (至人): người mà tư tưởng, đạo đức... đạt tới độ tối cao.

(31) Định tuệ: trí tuệ tập trung vào một vấn đề gì đó, không bị phân tán.

(32) Kính nhậm: kính cẩn gánh vác công việc.

(33) Vô tu vô chứng: chỉ việc đạt tới cảnh giới tận cùng. Việc tu hành siêu việt, đối lập với thể ngộ; nghĩa là, bậc chân nhân vô vi chứng, vô sở chứng, tu vô sở tu.

(35) Theo Tống Cao tăng truyện (宋高僧傳), quyển 30.

(36) Diêu Thuật Nghiêu: tự là Tiến Đạo (進道), người Tiền Đường (前塘), Hàng Châu (杭州), Chiết Giang (浙江)./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (107) 2011, Tr.28 - 36)


(Khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm Hà Nội)






Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
15/11/2016(Xem: 23529)
04/10/2017(Xem: 9838)
05/12/2010(Xem: 33276)
Ăn thịt chó lâu lâu lại nổi lên như một vấn đề trọng đại của đất nước, kéo theo những cuộc biểu tình, phản đối làm đau đầu chính phủ. Và người ta đã xót xa, lên án những người hành hạ chó hay ăn thịt chó. Đặc biệt trong thế giới Tây Phương và Hoa Kỳ. Mới đây trong cuộc tranh luận với Bà Harris trên đài truyền hình ABC, Ô. Trump nói rằng di dân Haiti ở Tiểu Bang Ohio đã ăn thịt thú cưng (chó mèo) khiến gây phản ứng phẫn nộ, thậm chí dọa giết khiến cộng đồng ở đây vô cùng lo sợ. Thế nhưng theo sở cảnh sát Springfield, nguồn tin trên không có gì đáng tin cậy và không có chuyện thú cưng bị hại hay làm bị thương hay hành hạ bới người dân ở đây. Đấy người ta yêu thú vật như thế đó và sẵn sàng giết người, bạo động để bảo vệ thú vật.
Mới đây, 250 nhà hàng và quán ăn ở phố cổ Hà Nội đã ủng hộ việc không tiêu thụ thịt chó, mèo bằng cách dán các poster tại nhà hàng với thông điệp “Chó mèo là bạn, không phải là thức ăn. Chúng tôi không phục vụ thịt chó mèo tại đây”.
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.