BÀI THƠ HỮU CÚ VÔ CÚ CỦA TRẦN NHÂN TÔNG Nguyễn Lương Vỵ
Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm. Ông là con trai trưởng của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu Trần Thị Thiều, sinh ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ, niên hiệu Thiệu Long năm thứ 1 (tức 7 tháng 12 năm 1258.) Ngày 22 tháng Mười âm lịch năm Mậu Dần (tức 8 tháng 11 năm 1278), ông được vua cha là Trần Thánh Tông nhường ngôi, lấy hiệu là Trần Nhân Tông. Ông ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, qua đời ở am Ngoạ Vân núi Yên Tử, đưa về táng ở Đức lăng (nay thuộc tỉnh Thái Bình.) Trần Nhân Tông đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy pháp hiệu là Đầu Đà Hoàng Giác Điều Ngự. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam, có vai trò lãnh đạo quan trọng trong cuộc chiến tranh chống Nguyên-Mông lần thứ 2 và thứ 3. (Nguồn tham khảo: Vikipedia.org)
Bài thơ chữ Hán của Trần Nhân Tông,“Hữu Cú Vô Cú,” gồm 9 tiểu khúc (mỗi tiểu khúc 4 câu,) ngôn ngữ rất giản dị nhưng rất hàm súc, trí tuệ và đầy tính ẩn dụ về tánh Không của Phật pháp. Tánh Không (Sunyàta) không phải là một khái niệm đối lập với Có, mà Không ở đây là thực tánh của vạn pháp. Tánh Không hoàn toàn không phải là chủ nghĩa hư vô theo khái niệm của triết học Tây Phương; nó vốn vượt lên mọi chấp trước, phân biệt giữa hữu-vô, sanh-diệt, thường-đoạn, khứ-lai,… vượt lên tất cả mọi phạm trù nhị nguyên luận. Do đó, mọi khái niệm về tánh Không ở đây đòi hỏi một sự thể nhập trực tiếp vào bên trong thế giới thực tại sau khi mọi ý niệm tự ngã được buông bỏ. Như thế, khi con người còn đầy ắp những tập khí, cảm thụ, suy nghiệm, những khát vọng, mong cầu được thiết lập trên cơ sở của ý niệm về tự ngã, thì sự bàn bạc, luận giải về tánh Không đều sai lầm, chưa liễu ngộ được bản chất của tánh Không, vốn là Thực-Tại-Hiện-Tiền rất vi diệu của vạn pháp. Tự biết mình sở học, sở kiến, sở tri còn thô lậu, nhưng với tấm lòng thành tri ân bậc tiền bối, với nỗ lực cầu học, xin mạnh dạn giới thiệu bản chuyển dịch thơ Việt ngữ dưới đây. Kính mong các bậc cao minh góp ý, chỉ giáo thêm.
Trân trọng, Nguyễn Lương Vỵ
|