CÁI ĐẸP THEO TINH THẦN PHẬT HỌC
Thích Thiện Quang
Đẹp - tiếng gọi muôn thuở của con người, Đẹp là gì? Làm thế nào để kiến tạo một cuộc sống Đẹp? Có thể nói, không hướng đến cái Đẹp nhân loại không có sự phát triển, không có nền văn minh. Nhưng trong lúc đi tìm cách giải đáp cho câu hỏi ấy đã có những cuộc nhấn chìm sinh mạng cái Đẹp. Ở phương Đông, nền triết học được xem là hướng nội, nhưng Bà-la-môn giáo đưa con người vào cơn ngủ say và triệt tiêu ý thức-ý thức cái để làm người lại bị chối bỏ; làm sao còn là người! Và đạo Lão thì mơ màng cùng hồ điệp trong lẽ sống tự nhiên. Thế nhưng:
Con người không thể vô tâm theo kiểu mây nước. Cuối cùng đạo Lão đành lánh đời để tìm cuộc sống bất tử trong chốn bồng lai tiên cảnh. Tất cả đều bất thành. Khi chưa có cái nhìn đúng về con người trên cơ sở Người thì không thể kiến tạo một cuộc sống Đẹp mang tính Người. Trở lại Phật giáo, đạo Phật xây dựng một cuộc sống đẹp ngay trong chính con người và trên cõi đời này. Con người là đối tượng trung tâm của hệ thống giáo lý này. Đức Phật đã khuyến khích chúng ta "Hãy tự mình thắp đuốc mà đi, hãy nương tựa vào chính mình, vì Như lai chỉ là người dẫn đường." (kinh Niết-bàn). Đức Phật cũng dạy rất rõ là không thể tìm cảnh giới Niết-bàn (cuộc sống đẹp) bên ngoài con người và cõi người.
Thế giới đoạn diệt ở đây, hiểu như là sự đoạn tận toàn bộ khổ đau, Niết-bàn. Như vậy, Niết-bàn không ở đâu xa mà ngay trong con người và thế giới người. Câu chuyện con chồn hoang trong công án của ngài Bách Trượng là một cảnh tỉnh cho ai tìm Niết-bàn bên ngoài cuộc đời này. Đồng thời giáo lý duyên khởi cho ta cái nhìn đúng về con người và xã hội của nó. Tất cả quan hệ trong mối tương quan duyên khởi, không đẳng lập và cũng không đồng nhất mà là biện chứng trong thống nhất. Với nguyên lý:
Đó là cái nhìn về con người. Và khi hệ thống này cho ta hiểu chữ Buddha: Giác với ba nghĩa: tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, thì con người càng tăng thêm giá trị của mình. Tinh yếu của Phật giáo ở trong chữ Giác này. Giáo lý duyên khởi được trình bày không nhằm lý giải vũ trụ quan cũng như nhận thức luận, mà nó cung cấp một cái nhìn vô ngã - không tự tánh - không tánh trong mọi hiện hữu, mọi hiện tượng giới. Từ đây kiến tạo con đường giải thoát, an lạc - xây dựng cuộc sống Đẹp, Niết-bàn. Niết-bàn là cứu cánh tối hậu của thế giới quan Phật giáo. Đó là cái Đẹp nhìn từ góc độ thẩm mỹ. Nhưng phải khẳng định từ đầu Niết-bàn không phải là nơi chốn, do vậy, những từ nhập Niết-bàn hay cõi Niết-bàn nếu không hiểu thì dễ gây ngộ nhận. Vì Niết-bàn chẳng từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu (vô sở tùng lai diệc vô sở khứ - kinh Kim Cang). Cái Đẹp thể hiện trong tư tưởng Phật học như thế nào? Chúng ta thử tìm hiểu hai phạm trù: Diệt đế và Đạo đế. Diệt đế và cái Đẹp Diệt đế: dịch nghĩa từ nguyên chữ: Nibbana; dịch âm: Niết-bàn. Vậy Niết-bàn là gì? Hay hỏi cách khác Đẹp theo Phật học là gì? Một câu hỏi ra vẻ đơn giản và khá tự nhiên, nhưng càng trả lời nhiều thì càng nhiều rắc rối. Vì rằng, Niết-bàn đơn giản, chúng ta chưa có kinh nghiệm này. Câu chuyện ngụ ngôn Rùa và Cá vẫn là một minh họa sống động cho kết luận này. Làm sao cá hiểu nổi khái niệm đất liền là gì! Dù rùa có dùng hữu ngôn hay vô ngôn thì cá cũng đành chịu thôi! Chúng ta, cũng vậy, không thể nào hiểu Niết-bàn là gì khi chưa thật chứng Niết-bàn. Ngôn ngữ không phải bất lực trong diễn đạt mà do chúng ta chưa có kinh nghiệm Niết-bàn, thì dù diễn đạt bằng phương tiện nào cũng chỉ là một ảo giác về nó. Câu chuyện Rùa và Cá cốt để cảnh tỉnh cho những ai đi tìm chân lý trên bình diện ngôn ngữ chứ không nói đến cái bất lực trong cung cách diễn đạt của ngôn từ - tác dụng của ngôn từ là diễn đạt. Đó là cái dụng chứ không phải bản thể, cái thể của ngôn ngữ cũng thường tự tịch diệt tướng; thường vắng lặng. Trên đại thể, nếu không muốn nói "Pháp nhĩ như thị" thì chúng ta vẫn có quyền giả lập Niết-bàn trên bình diện ngôn ngữ qua tương quan với khổ. Như vậy Niết-bàn là sự chấm dứt khổ; điều này quá rõ ràng trong các kinh. Nói theo Mỹ học là sự giải phóng triệt để cái bi. Niềm vui của sự chấm dứt khổ này mà kinh điển đã không ngớt thốt lên rằng: đó là hạnh phúc tối thượng và rằng bước đi hướng về mục đích ấy điều có niềm vui không bao giờ giảm:
Cái Đẹp theo Mỹ học được xác lập trên cơ chế thăng bằng nội tại, hài hòa, một thể thống nhất giữa hình thức với nội dung thì Niết-bàn là sự thể hiện hài hòa giữa nhận thức của chúng ta với quy luật, giữa hành vi sống với nguyên tắc sống, giữa cảm thọ với những đối tượng cảm thọ. Nếu cái bi theo Phật học là sự tha hóa bởi tham dục, vô minh thì cái Đẹp là sự đổ vỡ toàn bộ thiết kiến của vô minh và tham dục. Như thế, Đẹp trong Phật học là sự giải thoát mọi ràng buộc, chấp thủ về ngã và ngã sở:
Không còn tham dục khát ái:
Là sự giác ngộ, thấy như thật, sự đổ vỡ của vô minh:
Nói tóm lại, Đẹp là sự vắng mặt của tham, sân, si, sự đổ vỡ của thế giới hữu ngã. Tất cả những gì gây nên đau khổ, khi chúng bị đoạn trừ là Niết-bàn, là Đẹp. Con người thoát khỏi tham lam, thù hận và si mê nhiều chừng nào thì hạnh phúc càng gia tăng chừng đó. Niết-bàn sẽ hiện hữu ngay từ bước khởi đầu và rồi thăng tiến theo lộ trình ấy cho đến lúc viên mãn. Niết-bàn, như vậy là giác ngộ, giải thoát khỏi những cùm xích của ngã và ngã sở. Đó là cái Đẹp. Một cái Đẹp như vậy thường được tán thán với những ngôn từ diễm lệ:
Như thế cái Đẹp rực sáng trong nhân cách, trong nhận thức bằng sự phủ định tất cả những gì gây nên khổ đau. Tuy nhiên, những nghĩa trên về cái Đẹp chỉ cho ta khái niệm cái Đẹp trong tư cách tiêu cực. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm giá trị tích cực của nó được thể hiện trong tư tưởng Đại Thừa. Vô minh là nguồn khổ. Chính vô minh tạo nên ảo giác về ngã rồi chấp thủ vào nó; dù chấp thủ vào Niết-bàn, Phật, thì vẫn là chấp thủ. Còn ý niệm trước tướng vào một cái gì thì vẫn bị trói buộc bởi ý niệm đó; còn bị vô minh chi phối. Do vậy, Niết-bàn ở đây được thể hiện trong tinh thần vô đắc, vô sở đắc.
Bỏ cho đến không có cái để bỏ, để đạt đến cái giữ tất cả mà không giữ một cái gì. Do đó trú ở tất cả mọi chốn mà không trú ở chỗ nào là Niết-bàn (Vô trú xứ Niết-bàn). Với vô chấp, vô trú, vô trước tướng thì ở đâu cũng an nhiên tự tại, ở đâu cũng là đạo tràng thanh tịnh; cao lâu tửu điếm giai vi thanh tịnh đạo tràng. Từ đó cho thấy một tư tưởng vô cùng siêu phóng của Phật giáo. Đó là: sanh tử tức Niết-bàn, phiền não tức Bồ-đề. Niết-bàn như thế là sự siêu việt lên mọi vọng tưởng lưỡng biên để thành tựu tuệ giác Bát nhã. Bằng cái nhìn này thì thấy mọi hiện hữu đúng như nó đang là; chư pháp thật tướng. Bây giờ tất cả mọi hiện tượng đúng nguyên hình của nó. Nó như thế; như thị:
Đẹp; Niết-bàn được định nghĩa qua sự vắng mặt những khái niệm: ly dục, ly tham, vô trước tướng, vô chấp ... như trên không có nghĩa là trạng thái hư vô của những người chủ trương hư vô chủ nghĩa. Nhưng, nếu những gì do vọng tưởng, tham dục tạo nên sự trói buộc trong đau khổ thì vắng mặt chúng là thoát khỏi sự trói buộc bức xúc và sự quấy nhiễu của nó. Nói cách khác là tham-sân-si không còn là đối tượng; "ba đào vô nộ tái không châu." (Nguyễn Công Trứ). Để đạt đến trình độ này, rõ ràng phải có một bản lĩnh tự nội vững chãi. Bản lĩnh ấy là một quá trình tự vượt thắng, một kỳ công của chiến tích loại trừ khổ đau; cái bi. Đây là cuộc chiến đấu không để lại dấu vết thành-bại, được-mất; chiến thắng chính bản thân mình. Một cuộc chiến đấu gay go gấp vạn lần ngoài bãi chiến trường. Lẽ thường chúng ta dễ dung túng mình, dễ tha hóa mình hơn là vượt thắng chính mình. Do vậy, tự chiến thắng mình là một chiến công được ca ngợi, được xứng tụng:
Nếu mỗi người trong chúng ta biết tự chiến thắng mình thì xã hội sẽ trở nên hạnh phúc. Chiến thắng mình là chiến thắng của vô ngã. Chiến thắng kẻ khác là chiến thắng của hữu ngã. Chiến thắng của vô ngã sẽ đem lại sự tự tại, giải thoát, an lạc. Thực tại này thường được thể hiện qua các từ ngữ chân thường; là siêu việt khái niệm thường và vô thường, chân lạc; là siêu việt cả khổ lẫn vui, chân ngã; là siêu việt cả ngã lẫn vô ngã, chân tịnh; là siêu việt cả nhiễm lẫn tịnh và nó còn mang nhiều tên gọi khác nhau tùy theo phương diện hoạt động: Boddhi: Giác; chỉ vào sự xả trừ vô minh, Niết-bàn; chỉ cho sự vắng bặt những nhiễu động của phiền não, tịch tịnh; chỉ cho sự đoạn trừ tham dục, không; nghiêng về phần nhận thức hơn và trong nghĩa khác là con đường giải thoát. Con đường giải thoát là con đường đi đến Niết-bàn. Nói theo Mỹ học là con đường đi đến cái Đẹp. Đây là phạm trù thứ tư trong Tứ Thánh Đế. Đạo Đế: Con đường thể hiện cái Đẹp Đạo là con đường thể hiện, là cách thể hiện. Cần phải xác lập rằng: là cách chứ không phải nhân trong khái niệm nhân quả. Do vậy, Đạo đế không phải là nhân để có quả Diệt đế. Ở tầng nghĩa thứ nhất Đạo là phương thức chuyển hóa, chuyển hóa từ khổ đau đến an lạc; chuyển hóa từ cái Bi sang cái Đẹp. Và tầng cao hơn, là lối sống như vậy không thể nào khác được. Sống đúng như thế là Đẹp, là giải thoát, là Niết-bàn. Trong nghĩa này khái niệm nhân quả trở nên lạc lõng và vô ngã không phải là Niết-bàn mà là con đường thi thiết. Vẫn biết rằng không vô ngã thì không thể có Niết-bàn và đã niết-bàn thì vô ngã. Thuật ngữ Đạo, chúng ta thường nghe tám vạn bốn ngàn pháp môn, là con số biểu trưng cho những ngõ đường bị diệt căn cơ của từng đối tượng trên lộ trình Niết-bàn. Tất cả những thi thiết cho sự giải phóng khổ đau, cho cái bi nội tại. Tuy ngõ đường có đa thù nhưng đều lập cứ trên vô ngã. Bước đầu giải phóng ngã bằng tuệ quán vô thường. Nhìn mọi hiện hữu bềnh bồng trên sinh-diệt, có-không, thay đổi từng giây phút:
Hay như ngài Vạn Hạnh thiền sư đã "Thị đệ tử" bằng thi kệ:
Với cái nhìn như vậy đưa chúng ta vào nhận thức sâu lắng hơn; rõ ràng hơn về hiện hữu: Tuệ quán vô ngã:
Bằng tuệ quán vô ngã, nhìn thấy thực tại rỗng tếch trong dòng hiện hữu và biết rằng những mộng ảo của vinh hoa phú quý chỉ là vô nghĩa trước ngày mai. Do vậy, ý niệm ngã và ngã sở không còn chân đứng thì chấp thủ cái ta và cái của ta cũng không còn:
Và sự đoạn trừ khát ái, tham dục là con đường đưa đến an lạc:
Như giọt nước lá sen, một hiện hữu rực sáng bỡi sự trơn tuột tất cả những vọng tưởng điên đảo, dục vọng si mê. Những con đường Đạo nhắm mục đích đánh đổi si mê lầm lạc, tham dục vô lý ấy được gói trọn trong Giới-Định-Tuệ. Đó là thế chân vạc; tương tác biện chứng trên lộ trình ấy. Giới là nguyên tắc sống. Định là sự kiểm soát cảm thọ. Tuệ là cái nhìn đúng như thật vào thực tại đang là: vô thường; vô ngã. Giới-Định-Tuệ như thế là sự hòa điệu; hòa điệu giữa nhận thức chủ quan với thế giới khách quan (tuệ); giữa hành vi với cuộc sống (giới); giữa nhận thức với cảm thọ và cả ý chí (định). Con đường Giới-Định-Tuệ là con đường Trung đạo, vượt lên trên mọi khái niệm bằng phủ định Nhất thiết pháp không; vô ngã, thiết kiến trên giả danh thành tựu ở Không tánh và phê bình Không tánh là hủy diệt bằng vô tự tánh xây dựng trên giả danh thành tựu ở Trung đạo đệ nhất nghĩa. Trung đạo là vận hành trên cơ chế thăng bằng, không thiên lệch. Thiên lệch là rơi vào biên kiến, bên này là thường, bên kia là đoạn. Còn thường đoạn là còn hạn hữu trong sanh tử, có không. Nói theo Mỹ học là còn bị tha hóa. Con đường Trung đạo là con đường hủy diệt biên kiến đó; nó hủy luôn cả khái niệm Trung đạo:
Giá trị của chữ Không này nó như ngọn lửa hủy diệt tất cả những gì trên đường đi của nó; và khi không còn gì để hủy diệt thì nó cũng không còn cơ sở để tồn tại. Trở về bản thể uyên nguyên của nó. Nó là gì? Nói như ngài Đức Sơn thì trả lời sai bị ba mươi hèo, mà đúng cũng bị ba chục hèo. Ai đủ sức lấy được cây gậy trong tay của ngài Đức Sơn thì hãy trả lời; nhưng lấy được cũng bị ba chục hèo, mà lấy không được cũng bị ba chục hèo. Làm sao đây? Còn nói như Lăng Già kinh thì:
Trúc Thiên dịch:
Như vậy, thiết kiến vô thường, vô ngã là thiết kiến nhằm trả lại đúng vị trí cho con người, đưa con người vượt qua đau khổ để hưởng hạnh phúc tối thượng - Niết-bàn. Nói theo Mỹ học là giải phóng triệt để cái bi để trở về cái Đẹp. Một điều chúng ta cần lưu ý trong hệ thống này đòi ý thức tự nguyện, tự giác cao độ từ ngay bước khởi đầu. Ý nghĩa cứu độ trong Phật giáo chỉ có giá trị như là bản thiết kế của thầy mà học trò phải tự mình thi thiết. Con đường vô ngã là con đường hủy diệt cái bi để kiến tạo cái Đẹp. Thế nhưng đã lắm người cả Đông lẫn Tây, Cổ cũng như Kim khi gặp phải giáo lý vô ngã này; và nhất là khi nó từ chối trả lời những câu hỏi mang tính siêu hình: hữu, vô, phi hữu phi vô, diệc hữu diệc vô; cũng như những lời dạy về khổ và con đường thoát khổ thì lâm vào ngộ nhận; cho rằng Phật giáo bi quan yếm thế, hư vô chủ nghĩa. Đặc biệt những ai tìm chân lý trên ngôn từ thì họ gặp phải những tuyên bố sấm sét làm nổ tung toàn bộ kiến thiết của ngôn từ: "từ lúc thành đạo đến nay ta chưa từng nói một lời." (kinh Niết-bàn) hay "bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền."; "dĩ tâm truyền tâm." ... thì ngộ nhận càng lún sâu vào vùng chỉ trích. Quả thật, những ai tư duy bằng hữu ngã, duy lý tìm một định nghĩa trên hệ thống này đều bất lực, bất thành. Vì rằng " tôn giáo khước từ mọi định nghĩa, vì định nghĩa là đặt hạn giới cho sự thăng hoa nguồn sống đạo." (Tuệ Sỹ dịch - Thiền luận II). Cho đến những câu hỏi đặt trọng tâm vào cốt tủy của hệ thống này thì được đón nhận với thái độ im lặng. Dù có hỏi thế nào là vô ngã. Sau này chư Tổ sư có trả lời nhưng các ngài trả lời một cách phi lý chẳng ăn nhằm vào đâu; nhưng có điều, cách trả lời ấy lại là một hấp lực tuyệt vời cho những ai thiết tha làm Người. Nếu hỏi thế nào là Phật, câu trả lời là:
Hay một vị Tổ Việt Nam, ngài Tử Dung trả lời:
Khi ngài Liễu Quán hỏi:
Những lý thuyết hoa mỹ có giá trị gì nếu không thực hành:
Đặc biệt trong kinh Kim Cang, đức Phật chỉ thẳng hạng người đó là tà đạo. Vì họ chỉ tìm lý thuyết, khái niệm:
Chúng ta hãy nghe nhà triết học hiện sinh Karl-Jaspers tâm sự: "Muốn tham dự vào chân lý của đức Phật, chúng ta phải từ bỏ mọi hiện thể của mình. Sự khác biệt này không nằm trong những lập trường thời lý mà nằm trong toàn bộ quan niệm về đời sống và cách thức suy tưởng."(trích lại tư tưởng Vạn Hạnh) Thiết kiến của ngôn từ lắm lúc cũng đành bất lực trong luận lý. Ngôn ngữ làm sao trả lời nổi những nghịch kiến: từ "tất cả dân đảo Crète đều nói láo." của Epimenide sống ở Crète, thế kỷ VII B.C, đến "mũi tên tung bay mà không di chuyển." của Zenon d’ lee và chàng thanh niên nào đó "bị treo cổ mà vẫn sống." của Brouwer, hay "nhất thiết pháp không." của Bồ tát Long Thọ. Bạn làm sao chia hết một cho ba bằng số học; một dãy dài bất tận 0,333... Thế nhưng, đứa bé chưa từng học toán nó có thể chia một cái bánh thành ba phần bằng nhau. Cũng thế, giáo lý Phật giáo là đến để mà thực hành, thực nghiệm mới thấy giá trị thiết thực của nó:
Quả thật:
Tất cả những gì được đề cập trong hệ thống này, mục đích là nhằm kiến tạo con đường đưa đến cuộc sống hạnh phúc, là nhắm vào thực trạng chúng ta đang hứng chịu để đoạn trừ nó. Tất cả những gì Phật dạy là kinh mà kinh là phương tiện, không phải là cứu cánh; "Nhất thiết tu-đa-la giáo như tu nguyệt chỉ." (Tất cả những lời Phật dạy như ngón tay chỉ mặt trăng - kinh Lăng Nghiêm.) Đừng mãi mê theo ngón tay rồi không thấy mặt trăng. Và khi đã thấy mặt trăng thì hãy quên ngón tay đi; vì "vì chánh pháp còn bỏ huống chi là phi pháp." (kinh Xà Dụ). Do đó, Niết-bàn khi được đề cập trong hệ thống này cũng chỉ là phương tiện thi thiết mà ở kinh Lăng Già đức Phật đã dạy cho ngài Đại Huệ:
Đó cũng là lý do tại sao chư Tổ thường nhắc nhở
Niết-bàn, như thế là một quá trình luôn luôn vượt qua; vượt qua những gì có thủ đắc. Cho đến cái vượt qua ấy cũng phải được vượt qua; cũng có nghĩa rằng chẳng vượt qua đâu cả. Vì chưa từng bám trụ ở chỗ nào thì làm gì có chuyện vượt qua. Tất cả đều duyên sinh vô ngã:
Cho nên:
Có thể nói rằng; sự chấm dứt khổ, như đã trình bày ở trên đó là cái Đẹp theo thẩm mỹ Phật học mà các kinh điển đều hiển thị; dù Nguyên thủy hay Đại thừa. Nhưng phải nói kinh Pháp hoa đã hiẻn thị cái đẹp này sinh động nhất, qua hình tượng hoa sen. Hoa sen được dùng làm biểu tượng để diễn đạt nội dung cái Đẹp. Đó là cái Đẹp của một cuộc sống biết vận dụng tất cả những gì cho là ô trọc biến thành hương thơm ngát diệu tỏa khắp muôn phương, là một nhân cách sống trong chốn bùn dơ nhưng không bị cấu nghiễm bỡi bùn dơ. Không những thế còn đủ khả năng biến cấu uế thành thanh tịnh. Một điều lý thú, nếu không có cái gọi bùn dơ ấy thì chắc chắn không có giá trị của cái hương thơm. Sen làm nên bùn; bùn làm nên sen; sen với bùn không hai không khác, để rồi sen và bùn thong dong đi vào cõi bất cấu bất tịnh; bất tăng bất giảm. Đây là cái lí của sinh tử tức Niết-bàn, Cái Đẹp Phật giáo như thế đó. Trong cuộc sống bình thường này và trong mỗi con người bình thường này. Đừng tìm đâu xa; vì tất cả chỉ là không tưởng. Hãy thành thật với chính mình thì sẽ biết mình là ai và phải làm như thế trong cuộc sống Người và kiếp Người./. |