Đọc Thơ Trần Nhân Tông Qua Bản Dịch Việt Của Nguyễn Lương Vỵ

07/05/20173:37 SA(Xem: 6367)
Đọc Thơ Trần Nhân Tông Qua Bản Dịch Việt Của Nguyễn Lương Vỵ

ĐỌC THƠ TRẦN NHÂN TÔNG
QUA BẢN DỊCH VIỆT CỦA NGUYỄN LƯƠNG VỴ
Huỳnh Kim Quang

 

Bia truoc Tap tho Tran Nhan   Tong
Bìa trước tập thơ Trần Nhân Tông

Dịch thơ vốn là chuyện khó. Dịch thơ chữ Hán của một đại thiền sư khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử tại Việt NamTổ Sư Trần Nhân Tông (1258-1308) lại còn vô vàn khó khăn hơn nữa, bởi vì thơ chữ Hán của Thiền Sư Trần Nhân Tông ngoài phẩm chất văn chương trác việt còn chứa đựng nội dung uyên áo của Thiền, của Phật Pháp.

Nhưng nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã làm được chuyện khó khăn này một cách rất tuyệt diệu trong tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông” vừa được nhà sách Amazon phát hành vào đầu tháng 5 năm 2017.

Không ngờ nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ lại rành chữ Hán đến thế! Trước giờ chỉ biết anh làm thơ hay và dĩ nhiên rành từ Hán Việt, nhưng không biết anh giỏi chữ Hán. Nhân đọc tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông,” mới tò mò dọ hỏi về duyên do vốn liếng chữ Hán mà anh có. Anh kể cho nghe thời thơ ấu sống với ông nội là một nhà Nho nên được ông cụ dạy chữ Hán từ nhỏ. Rồi khi lớn lên vào Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước năm 75 lại có dịp văn ôn võ luyện nên mới thành thạo.

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ cho biết từ lâu anh rất hâm mộ nhân cách siêu việt và cũng rất mê thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông cho nên, không những dịch 36 bài thơ chữ Hán của ngài, anh còn viết một bài giới thiệu dài gần 60 trang sách về những bài thơ, phú của ngài.

Trong tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông,” nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ làm việc rất công phu và khoa học. Mỗi bài thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông anh đều có phần nguyên văn chữ Hán, dịch âm sang Hán Việt, dịch nghĩa bài thơ, phỏng dịch thơ theo thể loại từng bài thơ, và còn có phần ghi chú công phu về điển tích và thuật ngữ để giúp người đọc hiểu rõ hơn.

Khi dịch thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông sang tiếng Việt, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã làm được điều hiếm có là anh đã dịch sang chữ Việt hiện đại hoàn toàn chứ không còn giữ nhiều từ Hán Việt, trừ vài trường hợp là những thuật ngữ Phật Học đã thông dụng, cho nên làm người đọc rất dễ hiểu nội dung của bài thơ. Điều này phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay khi mà ngày càng có ít người Việt có thể đọc và hiểu được chữ Hán để thẩm thấu được tinh hoa của nền văn hóavăn học cổ nước nhà.

Nhờ vốn là nhà thơ đã xuất bản hàng chục thi phẩm, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã dịch thơ và lột tả được ý nghĩa trọn vẹn của nó từ bố cục, âm luật cho đến tứ thơ theo từng thể loại của nguyên tác, gồm những bài thơ “ngũ ngôn tứ tuyệt [năm chữ bốn câu],” “thất ngôn tứ tuyệt [bảy chữ bốn câu],” hay “thất ngôn bát cú [bảy chữ tám câu].”

Xin đọc vài bài thơ trong tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông” để cống hiến cho độc giả thưởng lãm văn chương của Trần Nhân Tông và tài dịch thơ của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ.

Trước hết là bài “Lạng Châu Vãn Cảnh”. Bài này được Vua Trần Nhân Tông cảm tác khi đến thăm một ngôi chùa cổ tại Lạng Châu ở tỉnh Lạng Sơn thuộc miền Bắc Việt Nam. Nguyên tác chữ Hán của bài thơ như thế này:

Cổ tự thê lương thu ái ngoại,
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ.
Thủy minh sơn tĩnh bạch âu quá,
Phong định vân nhàn hồng thụ sơ.

Nguyễn Lương Vỵ dịch nghĩa:

Cảnh Chiều Ở Châu Lạng

Ngôi chùa xưa sầu hiu hắt sau lớp mây khói mùa thu,
Chiếc thuyền câu cá buồn bã hiu quạnh, tiếng chuông chùa buổi chiều bắt đầu vang lên.
Nước trong veo, núi yên tĩnh, chim âu trắng bay qua,
Gió lặng yên, mây nhàn nhã, cây lơ thơ sắc lá đỏ.

Dịch thơ:

Chùa xưa sầu ngất, mây thu nhuốm,
Thuyền cá buồn tênh, chuông chiều rơi.
Núi tạnh nước trong, âu trắng lượn,
Gió lặng mây nhàn, lá đỏ phơi.

Thiền Sư Trần Nhân Tông đến thăm chùa vào một buổi chiều vắng vẻ chỉ có tiếng chuông chùa len lén ngân vang trong gió lặng, mặt nước sông yên tĩnh và đàn chim trắng bay lượn, với những chiếc lá thay màu đỏ rực. Phong cảnh thật là đẹp! Bản dịch Việt của Nguyễn Lương Vỵ dùng chữ rất giản dị nhưng trong đó có màu sắc của họa, có âm giai của nhạc, và có cả cõi lòng sâu thẳm của khách viếng chùa. Tuyệt diệu nhất là hai câu đầu:

Chùa xưa sầu ngất, mây thu nhuốm
Thuyền cá buồn tênh, chuông chiều rơi.

Ở câu đầu, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ dùng vần trắc “ngất,” “nhuốm” để miêu tả nỗi quạnh hiu cao chất ngất của chốn sơn môn tịch mịch. Rồi câu kế, khi nghe tiếng chuông chùa ngân lên thì dịch giả lại dùng chữ vần bằng “tênh,” “rơi” để diễn tả tâm trạng trầm buồn theo tiếng chuông chùa rơi. 

Bài thơ dài nhất trong cuốn “Thơ Trần Nhân Tông” là bài “Hữu Cú Vô Cú” [Câu Có Câu Không], với 9 đoạn và mỗi đoạn 4 câu, mỗi câu 4 chữ, tổng cộng 36 câu. Bài thơ, đúng ra là bài kệ, vì chứa đựng lời dạy khai thị bản chất duyên sinh vô tánh của ngôn ngữ và tất cả các pháp để giúp người siêu việt đối đãi nhị nguyênvọng chấp có không.

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ rất tâm đắc bài kệ “Hữu Cú Vô Cú” này vì ông cho rằng đây là bài kệ quan trọng trong các bài thơ của Trần Nhân Tông. Bởi thế ông đã dành gần chục trang trong bài giới thiệu về thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông để nói về bài kệ này. Đặc biệt là 2 đoạn kệ sau đây:

Hữu cú vô cú,
Tự cổ tự kim.
Chấp chỉ vong nguyệt,
Bình địa lục trầm.

Hữu cú vô cú,
Như thị như thị.
Bát tự đả khai,
Toàn vô ba tị.

Nguyễn Lương Vỵ đã dịch rằng:

Câu Có câu Không.
Xưa nay vậy đó.
Nhớ ngón quên trăng,
Vùi thây đất nọ.

Câu Có câu Không,
Vậy đó vậy đó.
Tám chữ mở tung,
Còn gì để nói?!

Bài kệ đầu đề cập đến tích nhà Phật ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay là phương tiệnPhật Pháp. Mặt trăngchân tâm, là niết bàn. Nếu cứ dán mắt vào ngón tay thì sẽ không thể nào thấy được mặt trăng. Cũng vậy nếu chấp vào có và không thì sẽ không thể nào buông xả mọi pháp để đắc đạo. Bài kệ kế tiếp có nói đến tích tám chữ mở tung [bát tự đả khai – sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạcsinh diệt hết rồi, vắng lặng là vui] để nói đến sự vượt thoát sinh diệt để chứng nhập niết bàn tịch diệt. Dùng chữ “mở tung” để diễn tả trạng thái bùng vỡ và siêu thoát lên mọi thứ sinh diệt, thì thật là hay.

Bài thơ số 36 cũng là bài thơ cuối cùng trong tập sách “Thơ Trần Nhân Tông” mà nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ trích dịch là một bài thi kệ trích từ bài phú nổi tiếng “Cư Trần Lạc Đạo” của Thiền Sư Trần Nhân Tông. Bài thi kệ này cũng là pháp ấn tâm yếu của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ dịch rằng:

Ở đời vui đạo, cứ tùy duyên,
Đói phải ăn thôi, mệt ngủ liền.
Của quý trong nhà, tìm đâu nữa,
Vô tâm đối cảnh, hỏi chi thiền?!

Bản dịch Việt lời lẽ rất bình dân giản dị đọc qua ai cũng hiểu, nhưng vẫn không đánh mất ý chỉ cốt lõi của Thiền Sư Trần Nhân Tông muốn dạy người tu. Cốt tủy ở đây chính là “đối cảnh vô tâm.”

Chữ “vô tâm” rất khó dịch. Nên xưa nay các nhà dịch đều để nguyên như vậy. Hơn nữa chữ này cũng đã Việt hóa rồi. Đọc qua ai cũng hiểu được phần nào ý nghĩa của nó. Chữ này có thể dịch là “tâm không,” tức là tâm rỗng lặng, không vướng mắc thứ gì, dù rất tỉnh giác, chứ không mơ hồ, mông muội. Vô tâm ở đây chính là tâm không dính mắc vào trần cảnh lúc tiếp xúc, giống như gió thổi qua nhà trống, mây bay thong dong trên bầu trời. Mọi trói buộc đều bắt đầu từ chỗ dính mắc, chấp trước. Cho nên, đức Phật dạy trong Kinh Kim Cang Bát Nhã rằng, “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Tức là tâm không trụ trước, không dính mắc đối với tất cả pháp. Có thể đạt được vậy bởi vì nhờ trí tuệ Bát Nhã quán chiếu tất cả pháp đều do duyên sinh, không có tự tánh, không có ngã, không có chủ thể. Tâm cũng thế, cũng rỗng rang không tự tánh, không có ngã. Tu được như vậy thì sống ở đâu cũng an lạc, không khổ. Ở đâu cũng là niết bàn. Đó chính là của quý trong nhà rồi còn gì. Đi tìm đâu cho xa. Nhưng làm được thì không dễ!

Giữa thời đại mọi người đang chạy theo những tiện nghi của nền văn minh vật chất hiện đại, hầu như, ít có người còn nhớ tới di sản văn hóa, văn học vô giá của tiền nhân, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã tận tụy ngồi dịch từng bài thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông là một việc làm nhiều ý nghĩa, lợi lạc và đáng tán dương.

Một dân tộc mà di sản văn hóa, văn họctư tưởng bị lãng quên thì dân tộc đó có thể  đánh mất quá khứ, đánh mất ký ức, đánh mất truyền thống cao đẹp nghìn năm của mình! Nhất là di sản đó của một vị minh quân của dân tộc đã từng 2 lần đánh bại quân Nguyên Mông  xâm lăng Nước Đại Việt thời Nhà Trần như Vua Trần Nhân Tông. Xin cùng nhau giữ gìn di sản vô giá của tiền nhân.

Tri ân Thiền Sư Trần Nhân Tông.

Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ.

Bài này chỉ giới thiệu sơ sài đôi nét độc đáo của bản dịch Việt thơ chữ Hán của Trần Nhân Tông. Độc giả muốn thưởng thức trọn vẹn bản dịch Việt thì nên đặt mua sách “Thơ Trần Nhân Tông” của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ ở địa chỉ nhà sách Amazon: www.amazon.com

 
Bài đọc thêm:
Đọc Kệ Trần Nhân Tông và Thơ Nguyễn Lương Vỵ (Nguyên Giác)
Đọc thơ Trần Nhân Tông (Nguyễn Lương Vỵ)
Mười bài thơ mùa xuân của Trần Nhân Tông (Nguyễn Lương Vỵ)

Kg BBT. TVHS,
Nhân đọc bài viết "Đọc Thơ Trần Nhân Tông Qua Bản Dịch Việt Của Nguyễn Lương Vỵ" tôi có một vài ý kiến sau xin gửi BBT và nếu có thể xin BBT chuyển cho tác giả bài viết (Huỳnh Kim Quang), xin cám ơn.
Trong bài này tác giả dẫn chứng câu kệ "Bát tự đả khai, Toàn vô ba tị." mà tác giả cuốn sách (Nguyễn Lương Vỵ) dịch là "Tám chữ mở tung, Còn gì để nói?!" và khen rằng:
" Bài kệ kế tiếp có nói đến tích tám chữ mở tung [bát tự đả khai – sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạcsinh diệt hết rồi, vắng lặng là vui] để nói đến sự vượt thoát sinh diệt để chứng nhập niết bàn tịch diệt. Dùng chữ “mở tung” để diễn tả trạng thái bùng vỡ và siêu thoát lên mọi thứ sinh diệt, thì thật là hay."
Trong cuốn "Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải" của HT Thích Thanh Từ (tv. Thường Chiếu, 1997, trang 112, 113) có viết:
Chữ bát mở ra nguyên chữ Hán là bát tự đả khai. Bát tự là chữ bát nhưng có chỗ giải nghĩa bát tự là tám chữ, rồi dẫn kinh Niết-bàn câu “sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”. Đây là một lầm lẫn vì không hiểu được ý nhà thiền. Hai chân mày chúng ta nằm hai bên, ở giữa hở giống hình chữ “bát” của chữ Hán. Chữ bát mở ra là hai chân mày đã mở trống, liền đó chụp lấy lỗ mũi, tức là phương tiện đã bày ra rồi thì phải nhận ra chỗ cứu kính. Lỗ mũi là nguồn sống của chúng ta, nó nằm sẵn trên mặt nhưng ít ai thấy rõ lỗ mũi mình, chỉ lo nhìn người, nhìn vật, nhìn tất cả bên ngoài. Mũi là cái chân thật, là sự sống của thân này mà chúng ta không thấy, chỉ thấy những vật bên ngoài rồi tưởng là hay, là đủ, nhưng sự thật mạch sống của mình lại không thấy.
Trong đoạn này Ngài muốn nói câu có câu không, những cái đó như thế như thế, tức là đã chỉ bày ở trên rồi, đã thấy rõ nó là không thật, chấp có không là khờ dại, là không đúng… Biết rõ như thế thì phương tiện đã chỉ bày giống như chữ bát đã mở liền nắm mũi tức là ngay đó nhận ra chân lý, không phải tìm kiếm ở đâu nữa. Đó là Ngài nhắc cho chúng ta thấy rõ Ngài đã chỉ bày cụ thể rồi.
Nhân đây cũng xin có ý kiến với BBT:
Trước đây trên trang nhà của quý vị có mục "góp ý" nhưng không hiểu sao lại bị bỏ đi, không hiểu vì lý do kỹ thuật (quá nhiều công việc cho webmaster?) hay vì có nhiều góp ý linh tinh?
Theo tôi nghĩ một website đứng đắn nên có phần góp ý của độc giả, một là để tôn trọng độc giả, hai là để không bị đồng hóa với những tờ báo lá cải, "tôi đăng gì là quyền của tôi, ai đọc được thì đọc tôi bất cần", đối với những trang web không phải Phật giáo thì tôi thấy chuyện này không đáng nói, nhưng theo tôi TVHS là một trang web khá có uy tín, bài vở rất nhiều mà tôi nghĩ BBT cũng không có thì giờ và khả năng kiểm duyệt hết được thì cái chuyện bỏ phần góp ý là chuyện không nên làm. Trong nhà Phật có câu: "Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết", nếu bài đăng có gì không ổn thì không những tác giả mắc tội mà BBT cũng chịu trách nhiệmphổ biến rộng rãi đấy.
Trung ngôn thì nghịch nhĩ, vài lời góp ý, nếu có chi không vừa ý thì xin cáo lỗi cùng BBT.
nguyen

______________________

Kính thưa chư vị độc giả trang nhà Thư Viện Hoa Sen,

Kính thưa đạo hữu Nguyễn,

Trước hết, xin cảm ơn lời góp ý xây dựng của đạo hữu Nguyễn đối với bài viết của tôi.

Sau đây xin phép đạo hữu Nguyễn cho tôi trích nguyên văn góp ý của đạo hữu để chư độc giả cùng đọc và chia xẻ:

“Nhân đọc bài viết "Đọc Thơ Trần Nhân Tông Qua Bản Dịch Việt Của Nguyễn Lương Vỵ" tôi có một vài ý kiến sau xin gửi BBT và nếu có thể xin BBT chuyển cho tác giả bài viết (Huỳnh Kim Quang), xin cám ơn.

“Trong bài này tác giả dẫn chứng câu kệ "Bát tự đả khai, Toàn vô ba tị." mà tác giả cuốn sách (Nguyễn Lương Vỵ) dịch là "Tám chữ mở tung, Còn gì để nói?!" và khen rằng:

"Bài kệ kế tiếp có nói đến tích tám chữ mở tung [bát tự đả khai – sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạcsinh diệt hết rồi, vắng lặng là vui] để nói đến sự vượt thoát sinh diệt để chứng nhập niết bàn tịch diệt. Dùng chữ “mở tung” để diễn tả trạng thái bùng vỡ và siêu thoát lên mọi thứ sinh diệt, thì thật là hay."

“Trong cuốn "Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải" của HT Thích Thanh Từ (tv. Thường Chiếu, 1997, trang 112, 113) có viết:

“Chữ bát mở ra nguyên chữ Hán là bát tự đả khai. Bát tự là chữ bát nhưng có chỗ giải nghĩa bát tự là tám chữ, rồi dẫn kinh Niết-bàn câu “sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”. Đây là một lầm lẫn vì không hiểu được ý nhà thiền. Hai chân mày chúng ta nằm hai bên, ở giữa hở giống hình chữ “bát” của chữ Hán. Chữ bát mở ra là hai chân mày đã mở trống, liền đó chụp lấy lỗ mũi, tức là phương tiện đã bày ra rồi thì phải nhận ra chỗ cứu kính. Lỗ mũi là nguồn sống của chúng ta, nó nằm sẵn trên mặt nhưng ít ai thấy rõ lỗ mũi mình, chỉ lo nhìn người, nhìn vật, nhìn tất cả bên ngoài. Mũi là cái chân thật, là sự sống của thân này mà chúng ta không thấy, chỉ thấy những vật bên ngoài rồi tưởng là hay, là đủ, nhưng sự thật mạch sống của mình lại không thấy.

“Trong đoạn này Ngài muốn nói câu có câu không, những cái đó như thế như thế, tức là đã chỉ bày ở trên rồi, đã thấy rõ nó là không thật, chấp có không là khờ dại, là không đúng… Biết rõ như thế thì phương tiện đã chỉ bày giống như chữ bát đã mở liền nắm mũi tức là ngay đó nhận ra chân lý, không phải tìm kiếm ở đâu nữa. Đó là Ngài nhắc cho chúng ta thấy rõ Ngài đã chỉ bày cụ thể rồi.

Nguyen”

Thực ra vì bài viết của tôi có mục đích chính là để giới thiệu rất tổng quát về cuốn sách “Thơ Trần Nhân Tông” của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, cho nên không tiện nêu ra hết các chi tiết và các chú thích cặn kẽ của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ. Đó là phần sơ suất của tôi. Xin cáo lỗi cùng chư vị độc giảđạo hữu Nguyễn.

Trong phần nói về “bát tự đả khai” nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã có chú thích rất đầy đủ mà tôi xin trích lại nguyên văn như sau để quý độc giảđạo hữu Nguyễn tường lãm.

“Bát tự đả khai / Toàn vô ba tị: Hai câu thơ nầy, có nhiều ý kiến và cách dịch khác nhau. Trong sách Thơ Văn Lý Trần (NXB KHXH, Hà Nội, 1989, quyển 2, tr. 491) dch “Bát tự đả khai” là: “Tám chữ mở ra rồi”. Trong phần chú, có ghi tiếp: Cũng có thể “tám chữ” ở đây là chỉ hai câu liền ngay phía trên: “Hữu cú vô cú, Như thị như thị”. Hòa Thượng Thích Thanh Từ trong sách Thiền Tông Giảng Giải (tr. 112) dịch: “Chữ bát mở ra / Sao không nắm mũi.” Giáo sư Nguyễn Lang trong sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (tr. 361” dịch: “Tám chữ tháo tung / Không nơi bám víu”. Giáo sư Lê Mạnh Thát trong sách Trần Nhân Tông Toàn Tập (tr. 430-432) dịch: “Tám chữ mở toang / Không còn mũi rẩy.” Hòa Thượng Thích Phước Sơn trong sách Tam Tổ Thực Lục (tr. 29) dịch: “Tám chữ tháo tung / Toàn không manh mối.” Trong 4 cách dịch trên, Giáo sư Nguyễn Lang có chú thích tám chữ trong kinh Niết Bàn là: “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc.” Hòa Thượng Thích Thanh Từ thì viết rằng: “Bát tự” là “chữ bát” nhưng có chỗ giải nghĩa “bát tự” là “tám chữ”, rồi cũng dẫn kinh Niết Bàn câu: “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc.” (Sanh diệt đã diệt, tịch diệt là vui).”

Chân thành cảm ơn chư vị độc giả đã đọc bài giới thiệu này. Kính chúc chư vị luôn an lạc.

Kính,

Huỳnh Kim Quang






 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
31/10/2010(Xem: 54933)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.