Thư Viện Hoa Sen

Giếng Xưa | Vĩnh Hảo

7/3/20253:56 AM(View: 116)
Giếng Xưa | Vĩnh Hảo

GIẾNG XƯA

Vĩnh Hảo 

 

gieng xuaThi hào Nguyễn Du có bài thơ không dùng một thuật ngữ nào của Phật hay thiền môn, nhưng ý đạo thì mênh mông, sâu thẳm:

 

Đạo ý

Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh,

Tỉnh thủy vô ba đào.

Bất bị nhân khiên xả,

Thử tâm chung bất dao.

Túng bị nhân khiên xả,

Nhất dao hoàn phục chỉ.

Trạm trạm nhất phiến tâm,

Minh nguyệt cổ tỉnh thủy. (1)

 

Tạm dịch:

Trăng sáng chiếu giếng xưa,

Nước giếng không gợn sóng.

Không bị người khuấy lên,

Lòng này trọn không động.

Giả như bị khuấy đảo,

Lao xao rồi lặng ngay.

Mênh mông một mảnh lòng

Trăng sáng nước giếng xưa.

 

Giếng cạn thì nước mau vơi, có khi múc lên cả nước lẫn sình.

Giếng sâu, nước đầy, mới múc hoài không cạn.

Nếu khơi được mạch nước dưới lòng giếng thì nước mới vô hạn.

 

Nhớ giếng nước chùa Long Tuyền (2), sâu bốn thước, thành giếng cao hơn một thước. Các chú tiểu thanh thiếu niên, mỗi ngày thả gàu lấy nước tắm giặt, tưới cây, đổ đầy bồn nước cho nhà bếp và nhà vệ sinh. Gàu năm lít nước, thả dây xuống múc, giật một cái là gàu lên khỏi miệng giếng. Sức trai của những chú tiểu thuở ấy nay không còn. Nhưng nước giếng liên tục múc lên từ giếng xưa, đến nay đã hơn nửa thế kỷ, hẳn vẫn còn đầy. Giếng thuở ấy bị khuấy động từ khi mặt trời chưa mọc. Đến trưa đứng bóng, giờ chỉ tịnh, nhìn xuống có thể soi được mặt mũi hồn nhiên tuổi thiên thần.

 

Thành giếng là Giới. Nước lắng là Định. Trăng soi là Tuệ.

Khi nước bị khuấy đảo, múc lên, chỉ là những xao động bề mặt. Giếng và nước không nẩy sinh sự đối kháng hay xung đột với sự khuấy động. Nước từ một giếng xưa, từ một cõi lòng nguyên sơ, luôn tĩnh lặng.

Chỉ từ một mặt nước tĩnh lặng, trăng mới có thể soi chiếu và tỏa sáng.

Chỉ từ một tâm bình thường, định tĩnh, những phiền não dục vọng mới có thể tan biến, hiển lộ trí tuệ siêu việt của bậc hiền nhân.

 

__________________

 

(1) Thơ Nguyễn Du: Đạo Ý

 

道意 

明月照古井,

井水無波濤。

不被人牽扯,

此心終不搖。

縱被人牽扯,

一搖還復止。

湛湛一片心,

明月古井水。

(2) Chùa Long Tuyền, Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trước năm 1975 là Phật Học Viện Trung Đẳng Quảng Nam. 40 tăng sinh tham dự Phật Học Viện này (niên khóa 1973 – 1977) là các chú Sa-di ngũ giớithập giới, tuổi từ 13 đến 20. Tháng 4 năm 1975, toàn bộ các trường Phật học toàn quốc (từ miền Trung đến miền Nam Việt Nam) đều bị đóng cửa. Phật Học Viện Quảng Nam giải tán từ đó.

 

Add a posting
7/24/2018(View: 9219)
free website cloud based tv menu online azimenu
Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng sống lưu vong, tuyên bố ông sẽ có người kế nhiệm sau khi ông qua đời, dập tắt mọi đồn đoán về việc liệu thể chế 600 năm tuổi này có kết thúc khi ông viên tịch hay không.
Tòa án Tối cao phán quyết rằng một nữ tu Phật giáo đã thọ giới đầy đủ phải được chính thức công nhận là một tỳ kheo ni—lần đầu tiên tòa án tối cao của Sri Lanka phán quyết rằng nhà nước có nghĩa vụ theo hiến pháp phải đối xử với một tỳ kheo ni ngang bằng như với một tỳ kheo.
Thầy Chân Pháp Từ, người xuất thân từ Làng Mai của thiền sư Nhất Hạnh, đang trụ trì đạo tràng Tâm Kim Cương, Hawaii, trao đổi với Nguyễn Hòa, tại chùa Phổ Giác, Novato, California. Ngày 25/5/2025.