Những Khám Phá Kỳ Diệu Về Di Liệu Văn Học Phật Giáo Kharosthì (Afghanistan) - Phật Điển Hành Tư

21/06/201112:00 SA(Xem: 21588)
Những Khám Phá Kỳ Diệu Về Di Liệu Văn Học Phật Giáo Kharosthì (Afghanistan) - Phật Điển Hành Tư

NHỮNG KHÁM PHÁ KỲ DIỆU VỀ 

DI LIỆU VĂN HỌC PHẬT GIÁO KHAROSTHÌ (AFGHANISTAN)
Phật Điển Hành Tư


Cách đây không lâu, cả thế giới đã lên tiếng phản đối hành động điên cuồng phá hủy hai tôn tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới tại Bamiyan (Afghanistan) của chính quyền Taliban cực đoan. Sau hành động phá hoại đó, không ít người ngỡ rằng những di tích nền văn minh cổ xưa của Phật giáo tại nơi đây đã bị hủy diệt hoàn toàn; tuy nhiên, điều đó thực tế đã không phải như vậy. Cách đây gần một thập niên, giới khảo cổ học đã khai quật và phát hiện ở Bamiyan những di liệu văn học Phật giáo hết sức kỳ diệu, những minh chứng hùng hồn cho một giai đoạn phát triền rực rỡ của Phật giáo tại nơi này một trung tâm Phật giáo quan trọng ngoài Ấn Độ. Sự phát triển đó đá tạo nên một nền văn minh riêng biệt, gọi là nền văn minh Phật giáo Gandhàra. 

Gandhàra (phiên âm Hán-Việt là Càn-đà-la), cái tên có thể xa lạ ngay chính với những người học Phật, thực sự là địa danh bao gồm Taxila, Peshawar, Gilgit, Hadda, Jalalabad, Kabul và Bamiyan, vùng đất mới vừa gây nên một làn sóng phẫn nộ quốc tế vừa kể, nay là Peshawar thuộc miền Bắc Punjab, gần biên giới giáp ranh phía Bắc Pakistan và phía Đông Afghanistan. 

Gandhàra một thời là trung tâm văn hóa thiêng liêng của Phật giáo, là cái nôi của nghệ thuật, điêu khắc, văn hóa, triết lý và học thuật lừng danh thế giới. Những di liệu khảo cổ tìm thấy tại Taxila, Peshawar, Gilgit, Charsadda, Takht Bhai, Hadda, Jalalabad, Swat và những thạch khắc (rock carvings) dọc theo “Con Đường Lụa” cổ xưa (Ancient Silk Road) đều là những chứng tích cho lịch sử một thời cực thịnh của Gandhàra. 

Do đó, mà ta không ngạc nhiên khi chính ngay tại vùng Gandhàra này, một khám phá kỳ diệu đã xảy ra. Khoảng đầu năm 1994, một nhà hảo tâm ẩn danh đã mang đến tặng Thư viện Quốc gia Anh (British Library) ba chậu đất nung có khắc chữ (inscribed clay pots), chữ Kharosthì, một dạng cổ tự được dùng nhiều nhất tại vùng Gandhàra khoảng hai ngàn năm trước, rồi thầm lặng ra đi, không để lại tung tích. Các nhà bảo trì di liệu khảo cổ (curators & conservators) tại Thư viện Quốc gia Anh đã giả thiết rằng các chậu đất nung này có thể mang một ý nghĩa đáng kể nào đó, nên liên lạc ngay với một học giả cổ ngữ Ấn Độ tại Đại học Washington, thuộc thủ phủ Seatle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ, để định giá chúng. Quả nhiên, giáo sư Richard Salomon, giáo sư Phạn ngữ (Sanskrit), Phân khoa Ngôn ngữVăn học Á châu của đại học này, sau một thời gian khảo sát và giải mã chúng, đã chứng nhận đây là những cuộn kinh văn Phật điển cổ xưa nhất được tìm thấy

Thế là vào tháng 9 năm 1994, Văn phòng Sưu tập Tư liệu Đông phươngẤn Độ học của Thư viện Quốc gia Anh (The British Library's Oriental and Indian Office Collections) chính thức công bố cùng thế giới là “đã thu tập được một bộ di liệu gồm 29 cuộn (scrolls) ghi khắc nhiều đoạn phiến (fragments) các bản kinh văn Phật giáo bằng chữ Kharosthì. Các bản kinh văn này được ghi khắc trên vỏ cây bu lô (tiếng Phạn gọi là cây bhoja-patra, birch bark) và cất giấu bên trong ba chậu bằng đất nung có khắc chữ (inscribed clay pots), cũng bằng chữ Kharosthì, một dạng cổ tự chính được sử dụng tại trung tâm Gandhàra(1). Các chuyên gia Phật họcCổ ngữ học đã thẩm định thời gian ghi khắc các di liệu này là vào khoảng từ đầu thế kỷ I đến giữa thế kỷ II sau dương lịch; như vậy đây có lẽ là những di liệu về Phật kinh cổ xưa nhất được tìm thấy từ trước đến nay”. 

Phải chăng có một thiêng liêng đã ứng hiện để bảo tồn các bản kinh này, bởi vì ít nhất ra, kinh văn có thể di chuyển dễ dàng và nhẹ nhàng hơn, trong khi hai hai tôn tượng tại Bamiyan kia, cùng những tượng lớn nhỏ khác, đành chịu số phận vô thường, không phải của thời gian, mà là tâm địa ác độc của những thế lực cuồng tín Taliban. Như thế, không đáng gọi là kỳ diệu hay sao? 

Graham Shaw, Phó Giám đốc Văn phòng Sưu tập Thư viện Quốc gia Anh, tuyên bố: “Sự khám phá những di liệu này tạo cơ hội cho học giả tiến gần thêm hơn một bước nữa trong việc tìm hiểu những giáo pháp do chính Đức Phật dạy, cùng là ngôn ngữ (languages) hay thổ ngữ (dialects) nào do chính Đức Phật dùng để giảng dạy những giáo pháp đó. Ngoài ra, chúng còn có thể chứng thực thêm cho tính xác thực của các kinh điển được tập thành về sau”. 
 

Cuộn kinh Gandhàra (Gandhàra Scrolls) 

Richard Salomon, một trong rất ít học giả có thể đọc được cổ tự Kharosthi – dựa theo tự dạng Prakrit, được dùng rộng rãi tại Gandhàra cho nên gọi chung là cổ ngữ Gandhàri – trên thế giới, sau một thời gian làm việc hăng say cùng một nhóm chuyên gia cộng sự, đã kết khâu lại được khoảng 80 đoạn phiến và xếp thành 20 bản kinh, dĩ nhiên là không đầy đủ, có bản chỉ còn một vài câu, bản dài nhất được ít trăm hàng. Bắt đầu từ đây, những di liệu đã được nhận diện, thành hình và được mệnh danh là Cuộn kinh Gandhàra (Gandhàra Scrolls), đôi khi cũng gọi là British Library Kharosthì Scrolls, tuy chẳng có bản kinh nào được hoàn toàn và mới chỉ có hơn một phần ba là được nghiên cứu tới cách sơ bộ. 

Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn năm 483 trước dương lịch, giáo pháp của Ngài được khẩu truyền từ thế hệ Tăng già này đến thế hệ khác trải qua hàng mấy trăm năm, mãi đến thế kỷ đầu kỷ nguyên dương lịch mới được tập thành vào văn tự. Tuy nhiên, những bản kinh văn lần đầu tiên được tập thành bằng chữ viết hiện nay không còn tồn tại, và ta cũng không biết là chúng được ghi chép bằng ngữ tự gì. Salomon nói rằng ông rẩt tin tưởng rằng Cuộn kinh Gandhàra này có từ thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên dương lịch, bởi vì chúng có đề cập đến một tiểu vương (satrap) tên Jihonika, được biết qua các bia văn (inscriptions) và trên mặt các đồng tiền (coins), người cai trị Gandhàra vào thời đó. Nếu đúng thế, thì Cuộn kinh Gandhàra này sẽ rất cổ, đến 400 năm trước tất cả những kinh văn bằng Hán tự, Tây Tạng, Phạn hay Pàli ngữ mà hiện nay ta đang có. Và cũng có thể là những bản kinh được ghi khắc lần đầu tiên khi văn tự được sử dụng tới, tuy nhiên, ta chưa có cơ sở nào để có thể kết luận như vậy. 

Thế rồi Thư viện Quốc gia Anh, sở hữu chủ của các thủ bản vừa được thu tập, và Đại học Washington, nơi giáo sư Richard Salomon giảng dạy, thiết lập một chương trình hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Anh và Đại học Washington về “Dự án Nguyên cảo [Kinh văn] Phật giáo Sơ thời” (The British Library/University of Washington Early Buddhist Manuscripts Project, viết tắt EBMP), và đề cử Salomon làm trưởng chương trình. Dự án trù định cho 3 năm đầu, để soạn thảo hai tác phẩm, trong tương lai, có thể là phải cần đến 12 hay 15 tác phẩm mới có thể hoàn tất Dự án này.

Nhưng cũng phải đợi đến 5 năm trời dày công nghiên cứu, Dự án đó mới có thể xuất bản tác phẩm đầu tiên, mang tựa đề: “Ancient Buddhist scrolls from Gandhàra; The Brittish Library Kharosthì Fragments, edited by Richard Salomon, with contributions by Frank Raymond Allchin and Mark Barnard. Seatle: University of Washington Press, 1999”(2). 

Sách gồm 273 trang, trình bày 96 phóng ảnh, trắng đen có, màu có, mô tả đầy đủ hình thức của các thủ bản, cùng những nghiên cứu nội dung của các kinh này, đồng thời định giá sơ bộ ý nghĩagiá trị của chúng trong toàn bộ kinh văn sử Phật giáo. Sách cũng gồm nhiều hình ảnh tiêu biểu cho các bản kinh, trình bày những đoạn đã giải mã được và phần phiên dịch chúng ra Anh văn. Điều quan trọng khiến ta phải kinh ngạc và đáng chú ý là trong số các thủ bản này, có một số bản kinh không quen thuộc, chưa hề được biết đến xưa nay. Trong số gần 30 thủ bản được khám phá đó, phần lớn vẫn chưa được nhận diện hay so sánh với các bản kinh Phật đã được biết đến hay lưu truyền bằng các ngôn ngữ hay truyền thổng hoặc hệ phái khác nhau. Chúng được xem như là các tài liệu về Phật giáo cổ xưa nhất được tìm thấy, và cũng có thể là di liệu cổ xưa nhẩt của nền văn minh Ấn Độ nữa. 

Tác phẩm Ancient Buddhist scrolls from Gandhàra gồm cả một cataloge mô tả tường tận các văn bản vừa được khám phá, đồng thời cung ứng một số văn bản tượng trưng trong khi chờ đợi một công trình dài hạn để nghiên cứu kỹ lưỡng, phân tích, phiên dịch và thuyên giải từng bản văn một. Một công trình như thế sẽ được giới thiệu qua nhiều đợt (series), gồm nhiều tác phẩm với sự đóng góp của nhiều học giả Ấn Độ học, Phật học, văn minh và khảo cổ học. Đức Đạt lai Lạt ma đã viết trong lời giới thiệu cho tác phẩm Ancient Buddhist Scrolls from Gandhàra : “... Những cuộn kinh khắc trên vỏ cây bulô này sẽ cống hiển cho chúng ta một bằng chứng bằng văn tự sớm nhất về chính những lời dạy nguyên thủy của Đức Phật. Chúng cũng cho chúng ta biết những lời dạy này được học tập, bảo tồn và thấu hiểu như thế nào vào thời hai ngàn năm trước". 

Thực vậy, những thủ bản này sẽ soi sáng đặc thái địa phương tính của những truyền thống sơ thời Phật giáo Ấn Độ, tiến trình đưa tới sự hình thành của kinh tạng bằng văn tự tiêu chuẩn, và sự truyền bá của Phật giáo tại Trung và Đông Á, cũng như tìm lại cội nguồn khởi nguyên Phật giáo. Cho nên không phải chỉ riêng các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo hay Ấn Độ học mới đánh giá được tầm quan trọng của các di liệu này đối với lịch sử và văn hoá Phật giáo cũng như đối với lịcch sử và văn hoá Ấn Độ, mà cả đến các nhà nghiên cứu văn minh thế giới cùng văn học toàn cầu cũng phải nhận chân rằng sự khám phá kỳ diệu này mang một ý nghĩa quan trọng cho sự nghiên cứu về lịch sửvăn chương Ấn Độ trong bối cảnh văn minhvăn chương thế giới

Các thủ bản hầu như đã bị tiêu hoại phần nào theo thời gian, lại được khắc theo cổ ngữ Kharosthì xưa hai ngàn năm, ấy vậy mà nhờ một kỹ thuật đặc biệt tân tiến, kỹ thuật [hệ] số (digital technique), cho nên những hình ảnh trình bày trong tác phẩm Ancient Buddhist Scrolls from Gandhàra thật rõ ràng về màu sắc, tuy rằng việc giải mã gặp rất nhiều khó khăn. Công trình của Richard Salomon và các đồng sự là một cố gắng vượt bậc đáng khâm phục khi trình bày được một tập sách để giới thiệu sơ bộ hình thức và đại thể nội dung của các thủ bản vô giá này. 

Tác phẩm Ancient Buddhist Scrolls from Grandhàra chắc chắn sẽ lôi cuốn rộng rãi những ai quan tâm đến Phật giáo, tôn giáo tỷ giảo và ngôn ngữ học. Chúng sẽ cung ứng một khung cửa sổ mới mở hoát ra thời kỳ chủ yếu trong lịch sử Phật giáo tại Ấn Độ. Do đó mà Đại học Washington đã thiết lập cả một dự án công phu để thực hành một đợt (series), gọi là Gandharan Buddhist Texts (GBT), do Ban Tu thư University of Washington Press [uwpord@u.washington.edu] xuất bản. 
 

Gandharan Buddhist Texts Series (GBT) và công trình bảo trì di liệu văn học Phật giáo

Ngày nay với những thành quả của kỹ thuật hệ số đã giúp Salomon và các đồng sự của ông khảo nghiệm các di liệu vô giá vừa được thu tập, cùng việc giải mã và phiên dịch cũng như bảo trì chúng một cách an toàn

“Điểm đặc biệt ở đây là chúng tôi không cần phải đụng chạm đến các di liệu, mà chỉ dùng Adobe Photoshop để thu tập toàn bộ nội dung của chúng mà thực tế, ngay cả nơi nguyên bản cũng không đọc được rõ”. Đó là lời tuyên bố chính thức của nhóm chuyên gia bảo trì các thủ bản, khi Salomon và các đồng sự của ông bắt tay vào việc. 

Tuy nhiên, bảo tồn các bản văn này là một công phu đòi hỏi kiên nhẫn, tỉ mỉ và khéo léo, vì một số cuộn kinh đã bị gãy nát. Sau một thời giản dài với nhiều kỹ thuật chuyên môn, British Library đã đóng khung các đoạn phiến (fragments), tất cả 57 đoạn phiến được bảo trì trong 57 khung kính, nhiều khung chỉ có một vài chữ, một số lên đến vài trăm hàng; trong giai đoạn sơ thời, các đoạn phiến này cũng được chụp lại bằng những hình trắng đen, một phương pháp cổ điển để các học giả dễ dàng sử dụng khi cần nghiên cứu đến. 

Các đoạn phiến nguyên bản được đánh số thứ tự, và trưng bày tại British Library, Luân Đôn, thủ đô Anh quốc, gọi là British Library Kharosthì Fragment. Trong khi đó, các ảnh chụp được Salomon và các đồng sự của ông cũng như các học giả tham gia khác, sử dụng tại nơi làm việc của họ; trong trường họp Salomon, tại Đại học Washington, Hoa Kỳ. 

Công trình đầu tiên của Gandharan Buddhist Texts (GBT 1), là quyển của Richard Salomon: A Gandhari Version of the Rhinoceros Sùtra; được Bribtish Library liệt kê là đoạn phiến số 5B (British Library Kharosthì Fragment 5B); xuất bản vào tháng 10, năm 2000. 

Tác phẩm thứ 2 (GBT 2) là của Mark Allon: Three Gandhari Ekottaragama-type Sùtras (British Library Kharosthì Fragments 12 and 14), xuất bản vào năm 2001. 

Tác phẩm thứ 3 (GBT 3) của Timothy Lenz: A New Version of the Gandhari Dharmapada, and a Collection of Previous Birth Stories (British Library Kharosthì Fragments 16 and 25); đang soạn, hy vọng sẽ phát hành năm 2002. 

Cũng vào năm này, là quyển thứ tư (GBT 4) do Collett Cox trách nhiệm, về A Gandhàri Abhidharma Text (British Library Kharosthì Fragment 28). Như thế, đủ thì giờ để Richard Salomon thực hiện quyển thứ 5 (GBT 5): A Gandhari Versions of the Songs of Lake Anavatapta (Anavatapta-gàtha), (British Library Kharosthì Fragment 1), xuất bản năm 2003. 

Các tác phẩm kể trên, cùng với những công trình về sau nữa, luôn chú trọng đến góc độ lịch sử của Phật giáo, cùng quan điểm về triết học, ngôn ngữ học, ngữ văn họccổ tự học tại Gandhàra đương thời. 

Những đoạn phiến được bảo trì, thuộc trong hơn hai mươi cuộn kinh khác nhau, có đoạn chỉ một vài chữ, có đoạn dài được vài trăm hàng, gồm nhiều thể loại khác nhau. Chúng gồm nhiều thể loại từ những bài thuyết pháp của Đức Phật cho đến các bài thi và cả những bản luận giải về nhận thức tâm lý. “Giá trị của các bản kinh này thật không thể đo lường được”, Graham Shaw nói. “Chúng sẽ cho chúng ta hiểu biết thêm phần nào phương cách Phật giáo được truyền thừa bằng văn tự mà trước đó, chỉ được khẩu truyền mà thôi”. Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, giáo pháp của Ngài được khẩu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, đến gần hơn bốn trăm năm sau mới được kết tập lại thành văn bản. Nhưng các bản văn được kết tập lần đầu tiên đó, hiện ta chưa tìm được. Các thủ bản được khám phá mới nhất này, không biết có phải là những bản được kết tập lần đầu tiên đó hay không, vẫn chưa có thể xác nhận được. Đại để, Salomon chia chúng thành các loại

a. Các bài chỉnh cú (kệ; gàtha) như dị bản bằng chữ Gandhàri của kinh Sừng Tê Giác (Rhinoceros Sùtra), mà trong Kinh tạng Pàli (Sutta-nipata) gọi là Khaggavisana-sutta và Vô nhiệt trì kinh (Songs of Lake Anavatapta; Anavatapta-gàtha)(3) có những dị bản tiếng phạn, Hán và Tây Tạng

b. Các bản kinh tản văn và luận giải; hiện đang biết là có đoạn phiến dài của kinh Sangìti-sùtra và phần luận giải mà trước nay không tìm thấy trong những dị bản khác; 

c. Một số bản văn thuộc Luận tạng (A-tỳ-đàm, Abhidharma) nhưng chưa được giải mã; 

d. một số lớn các bản văn thuộc thể loại thí dụ (avadanas) không có bản tương đương nơi các văn bản thuộc những hệ phái khác trong truyền thống Phật giáo Ấn Độ, cho nên có thể là những sáng tác địa phương hay riêng của hệ phái đó. 

Tóm lại, chỉ có một số ít những đoạn phiến được nhận diện là có bản tương đương nơi các văn hệ khác như Phạn ngữ, Pàli, Tây Tạng hay Hán văn, còn phần lớn là chưa hề được biết đến trong toàn bộ văn chương Phật giáo. Tuy nhiên, cho đến nay, các thủ bản này vẫn không thay đổi sự hiểu biết căn bản của chúng ta về triết thuyết Phật giáo. Trái lại, chúng cho thấy một sự liên tục vững chắc của tư tưởng đạo Phật từ hai ngàn năm trước cho đến ngày nay. 

“Thông điệp của những thủ bản này cũng vẫn là những lời dạy căn bản của Đức Phật: cẩn mật gìn giữ các căn (giữ giới), từ bỏ những thú vui trần gian (hạnh đầu đà) và tu tập thiền định để đạt giải thoát (định)”, giáo sư Salomon giải thích: “Đấy là những dòng tư tưởng chính của sơ thời Phật giáo, nằm trong lĩnh vực chung của toàn bộ văn chương Phật giáo qua các ngôn ngữ khác nhau”. 

Thí dụ điển hình là kinh Sừng Tê Giác (Khiết nga bà sa kinh– Khagga-visana-sutta) trong Cuộn kinh Gandhàra, mang một thông điệp thật rõ ràng về hạnh tu khổ hành (đầu đà - dhùta), một pháp tu chuyên trì giới luật dùng làm căn bản chung cho tất cả các bộ phái. Trước khi khám phá ra cuộn kinh Gandhàra này thì các văn bản cổ xưa nhất là bằng Hán tự. Có một số học giả cũng đã có ý kiến rằng những bản kinh Hán tự này là được phiên dịch từ cổ tự Gandhàri vào khoảng thế kỷ II sau dương lịch, nhưng chưa hề có bằng chứng xác thực. Cho đến bây giờ, một so sánh sơ bộ giữa các bản văn Hán cũng như Pàli với các bản Gandhàri này cho thấy có những trùng hợp giống nhau đáng khích lệ. 
 

Early Buddhist Manuscripts Project (EBMP) 

Nghiên cứu về các tư liệu tương tợ thuộc các công trình thu tập (collections) khác cũng được tiến hành đồng thời, dưới sự bảo trợ của “Dự án Nguyên cảo [Kinh văn] Phật giáo Sơ thời” (Early Buddhist Manuscripts Project – EBMP). Hai công trình đã hoàn tất theo Dự án này là: 

1. Richard Salomon. “Kharosthì Manuscript Fragments in the Pelliot Collection, Bibliothèque Nationale de France” đăng trong Bulletin d'Études Indiennes 16, 1998, các trang 123-60. 

2. Mark Allon và Richard Salomon. “Fragments of a Gandhàri Version of the Mahàparinirvana-sùtra in the Schoyen Collection”, đăng trong Jens Braarvig, ed. Buddhist Manuscripts in the Schoyen Collection, volume 1. Oslo: Hemles Publishing các trang 243-73. 
 

Giá trị của Gandhàra scrolls 


Cơ sở để thẩm định thời gian tập thành các bản kinh văn Gandhàra này là dựa vào hai bản kinh, trong đó có nhắc đến tên một tiểu vương Jihonika (Great Satrap Jihonika) và tướng lĩnh Aspavarman (Commander Aspavarman), hai người này được nhắc đến trong các bi minh và tiền điếu; họ đã cai trị Gandhàra vào tiền bán thế kỷ I sau dương lịch. Ngoài ra, các thủ bản này được bảo trì trong các chậu đất nung, trên mặt chậu có khắc văn tự Kharosthì, khắc tên hai nhân vật lịch sử là một đại quan tên Suhasoma cùng phu nhân tên Vasavadatta, hai người này các bi văn khác cũng có nhắc tới và được xem như sống đồng thời với hai nhân vật kể trước. Như thế, tuy rằng ta chưa biết gì về nguồn gốc hay lai lịch của các bản văn này, nhưng thẩm quyền của chúng đã được chính thức chứng thực, ấy là chúng được tập thành vào khoảng cuối thế kỷ I vào đầu thể kỷ II, và như thế là những bản kinh văn Phật giáo cổ xưa nhất được biết đến. 
 

Pháp Mật bộ (Dharmaguptavàda) 

Những lời khắc trên các chậu đất nung này là để cúng dường đến các bậc đại sư của phái Dharmaguptaka (Pháp Mật bộ, một trong 7 chi phái của Nhất thiết hữu bộ, Sarvàstivàda), cho thấy các thủ bản cất giấu bên trong cũng thuộc một tự viện nào đó của Pháp Mật bộ. Ngoài ragiả thiết này còn được cường điệu thêm khi so sánh chúng với những bản kinh tương đương thuộc Pháp Mật bộ đã được dịch sang Hán văn và còn bảo tồn trong Hán tạng. Điển hình là kinh Tăng già lê (Sangìti-sùtra), được nhắc đến ở trên, rất giống với bản Hán văn hơn là với những dị bản còn tồn tại bằng Pàli hay Phạn ngữ. Cũng nên nhắc thêm là chính Pháp Mật bộ đã tập thành Tứ Phần luật (Dharmagupta-vinàya) gồm 4 bộ (20, 15, 14 và 11 quyển), do phật-đà-đa-xá (Buddhayasa) và Trúc Phật Niệm dịch sang Hán văn năm 405, mà hiện nay các tự viện vẫn chuyên trì. 

Như vậy, các học giả có cơ sở để thẩm định rằng các di liệu vừa được giải mã tiêu biểu cho một tập văn (textual corpus) của một tu viện thuộc Pháp Mật bộ (Dharmagupta-vàda) vào hậu thời triều đại Nguyệt Chi (late Indo-Scythian period). Pháp Mật bộ là một chi phái của Nhất thiết hữu bộ (Sarvastivàda), trường phái này ảnh hưởng ưu việt nhất tại Gandhàra đương thời. Một vài đoạn trong các di liệu gợi ý cho biết các kinh văn này có thể là những sao chép lại (copies) từ những nguyên bản, rồi được chư Tăng bộ phái này làm phép sái tịnh trước khi đem chôn cất trong các chậu đất nung như là để lưu tích cho ngàn sau–như thế cũng có nghĩa là chúng ta còn có hy vọng sẽ tìm được những nguyên bản kinh văn khác, một điều hy vọng mà nay thật mong manh hầu như vô vọng vì chính sách tàn diệt văn hóa ngông cuồng của chính quyền Taliban trong thời gian cầm quyền.

Tuy nhiên, bấy nhiêu đây cũng đủ để những người tham gia vào Dự án không phải chán nản trước một công trình có thể nói là đồ sộ và đòi hỏi nhiều thời gian. “Đây có phải chăng là một vài bản tượng trưng được chọn lọc, hay là có một khuôn mẫu nào đó mà chúng ta chưa khâu xếp lại được?”, giáo sư Salomon đặt câu hỏi. Để trả lời nghi vẩn này, chỉ còn cách khâu xếp và giải mã toàn bộ 29 cuộn kinh văn này mà thôi. 

Và nếu đúng là các bản kinh văn thuộc Pháp Mật bộ thì Pháp Mật bộ chắc chắn phải đóng một vai trò quan trọng và ảnh hưởng lớn trong thời kỳ sơ thời Phật giáo Gandhàra, lớn hơn là từ trước đến nay nhận định. Điều này cũng phù họp với địa vị trọng yếu của bộ phái này lúc sơ thời tại vùng Đông Á và Phật giáo Trung Hoa. Bởi vì Gandhàra , do vì vị trí đặc biệt, nằm giữa những ngả đường từ Ấn Độ phân tản về hướng Tây, Trung và Đông Á, đã giữ một vai trò quyết định trong tiến trình phát triển và truyền bá đạo Phật vượt ngoài biên giới quê hương của Đức Phật

Chứng cớ mới này cũng ủng hộ giả thiết do các học giả cựu học(4) như Ernst Waldschmidt, John Brough, v.v..., cho rằng một số kinh điển dịch ra Hán văn không phải là từ nguyên bản Phạn ngữ mà là từ cổ tự Gandhàri- Kharostthì. Bắt đầu từ đây, khi sự hiện diện của văn học Gandhàri đã trở thành là một sự kiện chứ không còn là giả thiết nữa, thì ta có lý do chính đáng để tin tưởng rằng những thủ bản mới khám phá được rất là trùng họp với nguyên mẫu (archetypes) của những bản văn sớm nhất bằng Hán tự. Và như vậy là chúng đóng vai trò mấu chốt mà từ lâu đã bị thất lạc giữa Phật giáo tại nguyên quán Ấn Độ và những triển khai về sau tại Trung Hoa cùng những nơi khác của Châu Á. 

Khảo sát sơ thời cho thấy chưa có dấu hiệu nào về sự có mặt của tư tưởng hay khuynh hướng Đại thừa trong những bản kinh văn này. Đây cũng có thể là vì ngay tại địa thế và hoàn cảnh của Gandhàra nơi các thủ bản này xuất hiện, thời đó chưa hiện hữu trào lưu tư tưởng mà sau này được gọi là Đại thừa, tuy rằng, với một khảo nghiệm hay phân tích thâm sâurộng rãi hơn, từ nhiều góc độ và kiến giải về mỗi một bản văn, thì may ra sẽ thâu hoạch được một chút gì gọi là dấu vết hay ảnh hưởng tư tưởng Đại thừa trong những thủ bản này để chúng ta có thể thay đổi lại ý kiến trước. Hoặc giả có những khám phá khảo cổ mới, những di liệu nào khác được tìm thấy trong tương lai, một hy vọng thật mỏng manh, để giúp củng cố giả thiết về một nguyên ủy tương đối sớm nhất về sự hiện diện của Phật giáo Đại thừa tại trung tâm văn hóa Gandhàra này. 

Địa điểm chính thức tìm ra các di liệu này, không ai biết được. Tuy nhiên, đã có nhiều di liệu cùng loại với chúng được khai quật được chung quanh vùng Hadda gần Jalalabad, mặc dầu là chưa có tác phẩm nào xuất bản về những di liệu đó, và hình như là phần lớn đã bị mất; chúng cũng được khắc bằng ngôn ngữ Gandhàri và cổ tự Kharosthì (Gandhari languages Kharosthi script), thịnh hành nhất vào thời kỳ những thế kỷ III trước dương lịch đến thế kỷ IV sau dương lịch. 

Cho nên khai quật mới này có thể cũng là tại nơi vùng này, nơi từng là trung tâm nghệ thuật và văn hóachứng tíchvô số những dữ liệu khảo cổ, nghệ thuật, triết học và bi văn đã được tìm thấy

Cần nhắc thêm lần nữa rằng, mãi cho đến bây giờ, chỉ có một thủ bản Phật giáo bằng tiếng Gandhàri được biết đến, đó là bản kinh Pháp Cú được gọi là “The Gandhari Dharmapada”, do giáo sư John Brough tập thành, và Đại học Oxford xuất bản năm 1962(5). Ngoài ra, vào khoảng những năm 1930, Viện Bảo tàng Guimet tại Paris (the Musée Guimet in Paris) thu tập được một số cuộn kinh viết trên vỏ cây bulô cũng được tìm thấy tại Bamiyan, nhưng đấy là lần đầu tiên cho nên nội dung các cuộn kinh này không bao giờ được công bố: khi các chuyên gia dùng nhiều kỹ thuật để tìm cách gỡ từng lớp vỏ ra thì chúng đã vỡ tan thành mảnh vụn, vì quá giòn. Cùng vào thời gian đó, một số thủ bản Phật giáo được tìm thấy tại Gilgit, cũng nằm trong vùng Gandhàra, được thẩm địnhvào khoảng thế kỷ thứ IV-V, một số ghi khắc trên vỏ cây bulô (birch bark), nhưng phần lớn là trên lá bối (palm leaf) và được gọi là Gilgit Buddhist Manuscripts(6). 

Do đó mà những thủ bản mới vừa được khám phá này là cổ xưa nhất và sẽ cung ứng cho chúng ta một nhận thức mới về nội dung và sự hình thành của văn học Phật giáo Gandhàra mà từ lâu đã được giả thiết nhưng mãi đến hôm nay xa hơn nữa, các di liệu này sẽ cung ứng cho chúng ta những dữ kiện sớm nhất để làm cơ sở so sánh khi nghiên cứu nội dung các kinh khác trong Kinh tạng. Mới 47 tuổi, vào năm 1998, xem chừng như giáo sư Salomon(*) đã phải an phận vùi đầu vào các Cuộn kinh Gandhàra này cho đến trọn đời để hoàn thành công trình thần kỳ là lưu truyền lại cho hậu thế, ít nhất là hai ngàn năm sau, những gửi gắm trong 3 chậu đất nung mà hai ngàn năm trước chư Tăng tại Gandhàra đã cẩn mật truyền trao. 
 

Văn minh Gandhàra 

Ngay từ thế kỷ thứ III trước dương lịch cho đến 800 năm sau, Gandhàra đã là trung tâm hoằng bá quan trọng nhất của đạo Phật, là thánh địa thứ hai của Phật giáo bên ngoài Ấn Độ, và là cửa ngõ để Phật giáo từ Ấn Độ truyền bá sang Trung Hoa cùng những địa phương khác tại Châu Á. Gandhàra cũng là địa điểm giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ với các nước phương Tây. 

Ở vào thời hưng thịnh nhất, Gandhàra là kinh đô của nhiều triều đại hùng mạnh và giàu có. Nằm tại bình nguyên sông Haro gần Islamabad, Taxila – trung tâm chính của Gandhàra – cổ kính 3.000 năm và đã là mục tiêu xâm lược của lãnh chúa Alexander the Great vào năm 327 trước dương lịch, khi Taxila là thủ phủ của triều đại Achaemenia uy dũng. Sau đó, Taxila phát triển đến tuyệt đỉnh huy hoàng dưới thời đại đế A Dục, thuộc vương triều Maurya, mà những thạch bi (rock edicts) còn sừng sững khắp nơi trên đất Ấn làm chứng tích. Kế tiếptriều đại Cổ Tạng (Kusha) bắt đầu trị vì vào khoảng những năm 50 sau dương lịch. Từ thời kỳ này cho đến hơn 200 năm tiếp sau đó, Taxila, Peshawar và Swat trở nên trung tâm lừng lẫy về học thuật, triết học, văn chương, nghệ thuật và thương mại

Chính tại Gandhàra mà một nghệ thuật điêu khắc mới, nghệ thuật chạm trổ hình tượng Phật, Bồ tát cùng những pho tượng khác bắt đầu được sáng tạo và hình thành, và được gọi là nghệ thuật Phật giáo Gandhàra; theo đó, các nhà nghiên cứu nghệ thuật cho là bị ảnh hưởng phần nào nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp và La-tinh (Greek & Roman). Phê bình này dựa trên đường nét của khuôn mặt hay những lằn xếp rẩt nhiều lớp của các y choàng trên những tôn tượng Phật khi so sánh với các pho tượng Hy-La, những đường nét phong nhã và nhu nhuyễn hơn, thực tếđẹp đẽ hơn trước; đặc biệt là tóc trên đỉnh đầu Phật được làm cho cong quăn theo như người phương Tây. Đại biểu là tượng Bồ tát thế kỷ III hiện đang được trưng bày tại Norton Simon Museum, hay là các hoa điêu trong những tự viện cổ xưa hiện còn. 

Nền nghệ thuật Gandhàra phát triển đến cao điểm dưới triều đại vua Ca-nị-sắc-ca (Kanishka) thuộc họ tộc Cổ Tạng (Kushans, trị vì Gandhàra gần ba trăm năm, 50-300 sau DL). Vua Ca-nị-sắc-ca (Kaniska, lên ngôi 120 SDL) trước là người của đạo Thờ lửa (Bái hỏa giáo, Zoroastrianism), sau mới quy y theo đạo Phật; từ đó, ông thành tâm xiển dương Phật giáo. Và cũng từ thời này, theo ý kiến một số học giả cổ học, mầm mống tư tuởng Đại thừa Phật giáo được manh nha. Các tự viện cổ kính được trùng tu, nhiều chùa chiền mới được kiến lập. Ngoài bảo trợ Phật giáo, Ca-nị-sắc-ca còn là nhà mạnh thường quân của các lĩnh vực nghệ thuật, triết học, khoa học và văn hóa nữa. 

Triều đình Ca-nị-sắc-ca từng mời thỉnh và bảo trợ các nhà luận sư vĩ đại như Mã Minh (Ashvaghosha), một thi hào và một nhạc sư, tác giả bộ luận Đại thùa khởi tín(7) và Phật sở hành tán kinh(8); Thế Hữu (Vasumitra), Tổ thứ 7, viết A-tì-đạt-ma Giới thân túc luận (Abhidharma-prakarana-pàda sàstra);l Long Thọ (Nagàrjuna) nổi danh qua Trung quán luận (Màdhyamaka sàstra) và Đại trí độ luận(9); Charaka, một danh y đã để lại hậu thế quyển Charak Samhita, dựa trên thuyết y học của Ayur-veda, v.v... Gandhàra cũng chính là nơi sinh quán của nhà luận sưđại Thế Thân (Vasubandhu) sống vào khoảng thế kỷ IV-V, nổi danh qua các bộ luận Câu-xá (Abhidharma-kosa-sàstra) và Duy thức (Vijnàptimatràtasiddhi-sàstra). 

Nhiều truyền thuyết huyền thoại về Đức Phật Thích Ca ghi rằng, khi còn tại thế, Ngài cũng đã từng đi đến Peshawar, Jelalabad, thuộc Gandhàra, và có lời tiên tri rằng, “bốn trăm năm sau khi Như Lai nhập Niết bàn, vua Ca-nị-sắc-ca của họ tộc Cổ Tạng sẽ dựng tại một ngôi tháp nơi đây, gọi là Tháp vua Ca-nị-sắc-ca”. Lời này không đúng với lịch sử, vì vua Ca-nị-sắc-ca sống sau khi Phật nhập diệt hơn sáu trăm năm; tuy nhiên, quả có một ngôi tháp được tìm thấy tại vùng Khàh-jì-kì Dherì, nơi mộ vua Kaniska được khai quật vào năm 1908(10). 

Theo đúng luật vô thường thành-trụ-hoại-diệt của đạo Phật, những gì hưng thịnh đến tuyệt đỉnh thì rồi cũng phải suy vong, cho nên sau thời hoành tráng trải dài từ thế kỷ III trước dương lịch thì đến thế kỷ V, thì rợ Hung-nô nổi lên, càn quét hầu hết những chứng tích cuối cùng của một nền văn minh tiếp nối nhau hằng tám trăm năm tại Gandhàra. Thế là Gandhàra bị tiêu hủy hoàn toàn. Có lẽ chính trong thời kỳ Pháp nạn này, những vị chức sắc trong Tăng đoàn Phật giáo tại đây đã có tầm nhìn xa là phải bảo tồn những lời dạy của Đức Thế Tôn bằng cách chôn giấu những bản kinh văn đã được ghi khắc thành văn tự, để lưu truyền lại cho hậu thế; cũng giống như những công trình bảo tồn tại Đôn Hoàng, Vân Cương (Sơn Tây) hay Long Môn (Lạc Dương), v.v..., ở Trung Hoa. 

Đây phải nói là những công phu hi hữu, vì làm sao mà hai ngàn năm trước đây, chư Tăng lại biết là vỏ cây bulô có thể tồn tại với thời gian để mà sử dụng đến, cũng như loại mực nào, hay phương pháp ghi khắc thế nào, để bảo đảm những giáo pháp của Đức Phật không phai nhòa qua thời gian? Ấy vậy mà họ đã thể hiện được nguyện vọng đó, bằng cách là cẩn kính xếp 29 cuộn kinh văn, khắc bằng cổ tự Kharosthì, và đặt chúng vào trong 3 chậu đất nung, khắc chữ lên trên rồi chôn giấu chúng gần tôn tượng Phật lớn nhất tại Bamiyan, nơi mà hai ngàn năm sau, chúng lại được khai quật để rồi một nhà hảo tâm ẩn danh–hay một thánh hiền hiện thân?–mang đến hiến tặng Thư viện Anh quốc để lưu truyền mãi mãi cho ngàn sau. 

Động Bamiyan là một trong những thạch động hùng vĩ nhất tại vùng Gandhàra. Đục sâu vào những vách đá cheo leo, ta có thể thấy những tự viện chen chúc nhau như tổ ong, hai bên là những pho tượng Phật đồ sộ, sừng sững nhô ra từ trong sườn núi. Ngôi tượng to lớn nhất, cao 174 feet, tức khoảng 53,3 mét, cho là được tạc theo trường phái điêu khắc Gandhàra (Gandhàran style), và có ảnh hưởng nghệ thuật Hy-La, chính là tôn tượng mà bạo quyền Taliban vừa bắn nát. Toàn vùng nhan nhản chùa chiền, tự tháp và thạch động với nhiều tranh ảnh, bích họa (frescoes) và thủ bản (manuscripts). Tất cả đều đã trở thành cát bụi khi những người cuồng tín cực đoan Taliban chỉ huy các đoàn thiết giáp thẳng tay tiêu hủy, không phải là tiêu hủy nền văn minh Phật giáo từng hưng thạnh trên đất nước họ hai ngàn năm về trước, mà thực ratiêu hủy ngay chính cơ bản văn minh của dân tộc họ đối trước một tương lai của ít nhất là hai ngàn năm về sau. 

Ghi thêm: Cũng cần nói thêm rằng khi tin tức này được công bố, ngoài một vài bài báo nghiêm chỉnh đăng tải thông tin này như Asia Week và The Times, lại có một số “hoạt đầu văn hoá” vội vã tranh công và tự kể công một cách thiếu tự trọng. Điển hình là bài viết của Susan Sayre Batton đăng trong tạp chi Asian Arts. Bà huênh hoang tuyên bố là vào mùa thu năm 1998. có người mang một cuộn kinh viết trên vỏ cây, đến nhờ bà giải quyết giùm Nên chính bà đã có công khi dùng kỹ thuật tô dầu lên cuộn kinh, để gỡ các trang ra, sau đó mới chụp ảnh và gửi sang cho Richard Salomon.

Bài đọc qua xem rất công phu nhưng đã để lộ một sơ hở đáng xấu hổ: “After being photographed, transparencies were sent to Richard Salomon, the author of Ancient Buddhist Scrolls from Gandhara, a publication of the British Library. This book came out in June 1999, six months after my research and treatment.” Ai người có viết sách một cách cẩn mật cũng biết rằng không thể chỉ trong 6 tháng mà có thể vừa giải mã những bản kinh văn cổ tự, vừa viết bài giới thiệu, vừa in ấn một tích phẩm quan trọng, có giá trị nghiên cứu và trình bày cách mỹ thuật như Ancient Buddhist Scrolls from Gandhàra được. 

Trong khi đó, thì sư khám phá ra những Cuộn kinh Gandhàra lại củng cốsoi sáng thêm tất cả những gì mà học giả Phật gia giả thiết về giáo lý nguyên thủy của Đức Phật, cũng như lịch sử phát triển sơ thời Phật giáo, về những đóng góp vĩ đại của nền văn minh Phật giáo đối với văn minh nhân loại

Chú thích:
(*) Có thể liên lạc cùng giáo sư theo địa chỉ sau: 
Early Buddhist Manuscripts Project 
c/o Prof. Richard Salomon 
Department of Asian Languages and Literature 
University of Washington 
225 Gowen Hall. Box 353521 
Seatle. WA 98195-3521. USA. 
Web – http://depts.washington.edu/ebmp/ 
hoặc website: Early Buddhist Manuscripts Proiect 

1. Đọc thêm phụ lục 1. 
2. Một copy của tác phẩm này đă hiến tặng Thư viện Viện Phật học Vạn Hạnh, thành phố Hồ Chi Minh, để làm tài liệu tham khảo cho độc giả quan tâm đến và nghiên cứu sâu rộng thêm về vấn đề này. Hồi hướng công đức này đến đ/h Tâm Đức. PĐHT. 
3. Phiên âm là A-na-bà đáp-đa, nay gọi là Mànasarovara, tên một hồ lớn phía bắc dãy Hi-mã-lạp-sơn, phía Nam của Hương sơn (Gandha-màdana), chu vi rộng khoảng 800 lý, là nguồn nước của 4 sông lớn: sông Hằng (Ganges), Indus, Oxus tại Ấn ĐộHoàng hà (còn gọi là Sìtà theo Ấn Độ) tại Trung Hoa. 
4. Từ thập niên 1970 trở về trước, các Phật học gia phương Tây như Louis de la Vallée-Poussion, Eitenne Lamotte, Edward Conze v.v.. được xem như thuộc cựu học; bắt đầu từ Richard Robinson trở về sau, được gọi là tân học, do dùng phân tích và logic nhiều hơn để thẩm định các văn bản mà nhóm cựu học đã dầy công tập thành. 
5. Brough, John, editor. The Gandhari Dharmapada. London: Oxford University Press. 1962. 
6. Gilgit Buddhist Manuscripts. ed. by Raghu Vira and Lokesh Chandra. Revised and enlarged compact facsimile edition. First published in 1959-74. Delhi. Satguru, 1995. 3 volumes, 3368 lacsimilies. 
7. Mahàyàna-sraddhotpàda-sàstrà, Chân Đế (Paramàrtha) dịch Hán văn năm 554 và Siksànanda trùng dịch năm 695-700. D.T. Suzuki dịch sang Anh văn năm 1900. 
8. Buddhacarita-kàvya-sùtra, Pháp Hộ (Dharmaraksa) dịch Hán văn năm 414-421; S.B.E. Beal dịch Anh văn. 
9. Mahàprajnịàparàmità-sàstrà, 100 quyển. 
10. Lamott, Étienne. History of Indian Buddhism from the Origins to the Saka Era. Tr. by Sara Webb-Boin. Louvain: Université Catholique de Louvain, 1988. tr. 680. 

Lưu Trữ Dạng Word DOC -VNI Font (Để Quý Độc Giả Dễ Dàng Download)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
10/07/2014(Xem: 8146)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.