I. Giai Đoạn Tiền Chấn Hưng - 04. Hòa Thượng Vĩnh Gia (1840-1918)

27/05/201112:00 SA(Xem: 7788)
I. Giai Đoạn Tiền Chấn Hưng - 04. Hòa Thượng Vĩnh Gia (1840-1918)

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP I
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành 

HÒA THƯỢNG

THÍCH VĨNH GIA
(1840 - 1918)

Ngài họ Đoàn tên Nhược, quán làng Thế Dương, quận Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, sinh vào năm thứ 21, triều vua Minh Mạng (1840).

Xuất thân trong một gia đình nho phong, bẩm chất thông minh hiếu học, lúc Ngài được 18 tuổi thì thân sinh đã mạng chung. Từ đó Ngài vân du đó đây hầu mở rộng kiến thức. Đến tỉnh Thuận Hóa, Ngài gặp cụ Bố Chính Nguyễn Khoa Luân (Về sau tức Viên Giác Thiền sư) tại chùa Ba La Mật. Sau mấy ngày đàm đạo, các Ngài nhận thấy thân mạngvô thường, tam giới như nhà lửa, chỉ có lối tu học chánh pháp của Như Lai mới là con đường giải thoát chân chánh.

Năm 1859, được 19 tuổi Ngài phát tâm tầm sư học đạo. Lúc bấy giờ tại tỉnh Quảng Nam, nơi quê quán của Ngài, có Hòa Thượng Quán Thông, một vị danh Tăng, vào hàng thứ năm dòng Lâm Tế, làm trú trì chùa Phước Lâm. Ngài mới xin thế phát đầu sư với Hòa Thượng. Thọ Sa Di giới được 6 năm, Ngài tỏ ra là một Tăng sĩ xuất chúng. Hòa Thượng Bổn sư Quán Thông đặt cho Ngài pháp danh là Ấn Bổn, tự Tổ Nguyên, hiệu Vĩnh Gia.

Năm 1865, được 25 tuổi Ngài đến cầu đạo với Ngài Huệ Quang tại chùa Tam Thai (Ngũ Hành Sơn) Quảng Nam. Tại đây, Ngài thọ tam đàn Cụ Túc giới.

Năm 1893 (Quý Tỵ - triều Thành Thái) Ngài cùng Hòa thượng Chí Thành mở Đại giới đàn tại Tổ đình Chúc Thánh (Quảng Nam) và Ngài nhận chức Giáo Thọ A Xà Lê tại giới đàn này.

Năm 1894 (Giáp Ngọ), Ngài được thỉnh làm Đệ nhị Tôn chứng cho Đại giới đàn tại Tổ đình Báo Quốc (Thuận Hóa).

Năm 1906 (Bính Ngọ), Ngài nhận làm Yết Ma cho Đại giới đàn tại Tổ đình Thập Tháp Di Đà (Bình Định).

Năm 1908 Mậu Thân, Ngài được thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng Đại giới đàn tại chùa Phước Lâm (Quảng Nam).

Đến năm 1910 (Canh Tuất - triều Duy Tân) Ngài khai Đại giới đàn tại Tổ đình Phước Lâm, Hội An, và làm Đàn đầu Hòa Thượng. Giới đàn này quy tụ gần 200 giới tử, trong đó sau này có Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, đệ nhất Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Hòa thượng Thích Giác Nhiên chùa Thuyền Tôn là đệ nhị Tăng Thống... Về phần tại gia thì có Miên Trinh Tuy Lý Vương, cụ Đô Thống Lê Viết Nghiêm v.v... và nhiều hoàng thân quốc thích khác đều là đệ tử của Ngài.

Ngài có công lớn trong việc đại trùng tu Tổ đình Phước Lâm, chú trọng việc đào tạo Tăng tài, giáo hóa hậu lai. Nhờ thế dân chúng thấm nhuần ảnh hưởng đạo đức của Ngài, không những đối với Phật giáo đồ Quảng Nam mà còn đối với cả Phật giáo miền Trung. Với sự nghiệp cao dày của Ngài, trọn đời hiến thân cho việc phục hưng Phật giáo, cụ Thượng thư Hiệp biện Đại học sĩ Nguyễn Hà Đình (đệ tử của Ngài) một nhà thâm nho và cũng thâm uyên giáo lý đã dâng tặng Ngài hai câu đối bằng gỗ trầm hương, hiện nay còn treo tại chùa Phước Lâm :

Tăng lữ thả bồi hương hỏa xã,
Cao tình du ái thủy vân hương.

Ngài thường căn dặn đệ tử: “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, nếu phá giới thì phải hoàn lại y bát, ra khỏi già lam, để cho trong đục rõ ràng, tà chánh phân chia có vậy, nước Thiền định mới khai thông, đèn tri giác thêm sáng tỏ”. Trên 40 năm tu họchành đạo, Ngài am tường giới luật, hành trì nghiêm tịnh, đạo hạnh ngày càng vang dội.

Đến năm 1918, tuổi già sức yếu, Ngài gọi đồ chúng dạy bảo lần cuối rồi an nhiên thị tịch. Ngài thọ 79 tuổi với 54 hạ lạp, tháp của Ngài được xây cất trang nghiêm cổ kính phía tả Tổ đình Phước Lâm, Hội An, Quảng Nam - Đà Nẵng.

Hàng năm đến ngày 20 tháng 3 âm lịch, Tăng tín đồ tề tựu lại Tổ đình Phước Lâm, thành kính lễ Húy kỵ tưởng niệm công đức Ngài. Đạo phong cao vời của Ngài tỏa sáng mãi trong Tăng tín đồ hậu thế.
 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/01/2015(Xem: 5170)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.