Thư Viện Hoa Sen

I. Giai Đoạn Tiền Chấn Hưng (1900 - 1930)

30/05/201112:00 SA(Xem: 8419)
I. Giai Đoạn Tiền Chấn Hưng (1900 - 1930)

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

Phật Lịch 2546 – 2002
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo - Hà Nội 

I. GIAI ĐOẠN TIỀN CHẤN HƯNG 

(1900 – 1930)

... Thế kỷ 20 là sự mở đầu giai đoạn mới của các phong trào kháng Pháp, thay thế cuộc kháng chiến Cần Vương của Nho sĩ thành cuộc vận động toàn dân, duy tân xứ sở, cách mạng ở Trung Hoa với tư tưởng mới của Khương Hữu ViLương Khải Siêu đã làm sáng tỏ thêm ý thức ấy. Sự kiện Nhật Bản duy tân trở thành cường quốc, đã thức tỉnh những chí sĩ yêu nước bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước như Nguyễn Ái Quốc, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu... với các phong trào Cộng sản; Đông Kinh Nghĩa Thục; Đông du...

Ý thức kháng chiến giành độc lập dân tộc giai đoạn này, không còn là đại diện cho lực lượng, giai cấp nào; mà là tìm sức mạnh trong nhân dân, đặt cơ sở trong quần chúng, nhất là vận động giới Tăng sĩ Phật giáo làm chỗ dựa và chùa chiền làm cơ sở của các phong trào để hội họp hoạt động.

Đó là bối cảnh của giai đoạn tiền chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Các đại biểu của giai đoạn này đều là tinh hoa của thế kỷ trước còn lại, họ đại diện cho một thế hệ đã đi qua, có vai trò đặc biệt là làm cầu nối giữa các tầng lớp nhân dân lao động với các nhân sĩ trí thức thông qua cửa thiền, để tìm tiếng nói chung và tập hợp sức mạnh toàn dân làm nên những trang lịch sử mới của dân tộc và của Phật giáo.

Đại biểu của giai đoạn này đã sưu tầm được là 12 vị danh Tăng trong đó đã giới thiệu ở Tập I là 6 vị; đến Tập II này là 6 vị.
 

01. HT. Thích Liễu Ngọc (1826-1900)
02. HT. Thích Tâm Truyền (1832-1911)
03. HT. Thích Thiện Quảng (1862-1911)
04. HT. Thích Huệ Pháp (1871-1927)
05. HT. Thích Tâm Tịnh (1868-1928)
06. HT. Tra Am-Viên Thành (1879-1928)

blank 

HÒA THƯỢNG

THÍCH LIỄU NGỌC
(1826 – 1900)

Hòa thượng pháp danh Liễu Ngọc, tự Phổ Minh, sau cầu pháp với Tổ Tiên Giác - Hải Tịnh được pháp hiệu là Minh Ngọc, tự Châu Hoàn, nối pháp dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 37. Ngài thế danh là Trần Viên Ngoạn, sinh năm Bính Tuất (1826 - đời vua Minh Mạng thứ 7) tại làng Bình Thủy, tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang (nay là tỉnh Cần Thơ).

Ngài sinh ra trong một gia đình trung lưu. Thuở nhỏ ngài theo học nho, được thầy bạn khen là thông minh và có nết hạnh tốt. Chẳng may phụ thân mất sớm, Ngài được mẹ già sớm hôm nuôi dưỡng và thường dẫn đi chùa lễ Phật nghe kinh. Do đó căn lành được khơi dậy Ngài quyết chí qui hướng về Tam bảo.

Năm 16 tuổi (1842), Ngài được mẫu thân cho phép xuất gia học đạo với Hòa thượng trụ trì chùa Long Quang, ngôi chùa làng ở quê nhà, được Bổn sư ban pháp danh là Liễu Ngọc. Từ đó, nương mình dưới bóng từ bi, trên nhờ minh sư dạy bảo, dưới cùng pháp lữ tham tầm, sớm chiều làm bạn với hoa đàm, đuốc tuệ, nghiên cứu kinh tạng Phật môn, không bao lâu Ngài đã có được bước tiến rất dài trên đường ngộ nhập.

Năm Bính Ngọ (1846) đời Thiệu Trị thứ 6. Một hôm, nhân thời công phu tịnh độ tại điện Phật, bất chợt nhìn thấy cánh hoa héo rụng trên bàn, Ngài thoát nhiên giác ngộ. Từ biệt bổn sư, Ngài đến Tổ đình Giác Lâm ở làng Phú Thọ, tỉnh Gia Định, thỉnh cầu Hòa thượng Tổ sư Tiên Giác - Hải Tịnh là vị cao Tăng danh tiếng thời bấy giờ, ấn chứng sự tỏ ngộ của mình. Hòa thượng Tổ sư rất hài lòng, bèn truyền Đại giới cho Ngài và đặt pháp hiệu là Minh Ngọc, tự Châu Hoàn. Sau đó, Ngài ở lại chùa Giác Lâm, phụ tá Hòa thượng Tổ sư trong công cuộc hoằng hóa lợi sanh, và để học hỏi thêm giáo điển.

Ngày 10 tháng 10 năm Kỷ Dậu, triều Tự Đức năm thứ 2 (1849) lúc đó Ngài mới 24 tuổi, được Tổ sư Tiên Giác - Hải Tịnh cử về trụ trì chùa Hội Phước ở rạch Nha Mân, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Nhận thấy ngôi Tam bảo Hội Phước tuy gọi là chùa nhưng thực ra đây là một ngôi thảo am nhỏ bé, không đủ rộng để tiếp Tăng độ chúng và hoằng dương chánh pháp, nên qua năm sau, năm Tự Đức thứ 3 (1850) Ngài khuyến giáo thập phương đóng góp công đức, rồi lên vùng Tây Ninh mua cây gỗ về kiến tạo thành một ngôi phạm vũ huy hoàng. Đến nay, đó vẫn còn có một danh lam thắng cảnh của tỉnh Đồng Tháp.

Năm Mậu Thìn (1868) chùa Phước Lâm ở Mỹ Tho mở Đại giới đàn, Ngài được chư Sơn cung thỉnh giữ chức Giáo thọ A Xà Lê.

Trải bao năm trên cuộc hành trình của một Như Lai sứ giả, Ngài hết lòngđạo pháp : nào là khai Hương kiết Hạ, tiếp chúng độ Tăng, nào là xây dựng già lam, trùng tu phạm vũ; đâu có Phật sự cần đến, Ngài sẵn sàng ghé vai chung lo, không quản ngại tuổi già sức yếu. Uy tínđức độ của Ngài đã cảm hóa biết bao tín đồ tại giaxuất gia ở vùng Nha Mân - Sa Đéc, rất nhiều vị qui ngưỡng đến xin cầu pháp nương học với Ngài.

Đến năm Canh Tý(1900) ngày mồng 3 tháng 3, Ngài lâm bệnh nhẹ, cho gọi môn đồ đến khuyên bảo tinh tấn tu học, trau dồi giới hạnh, giữ vững đạo mạch, bảo tồn uy danh môn phái. Đoạn Ngài chắp tay niệm Phật rồi an tường thị tịch, hưởng thọ 75 tuổi đời, 54 tuổi Hạ. Môn đồ pháp quyến xây tháp tôn thờ nhục thân Ngài trong khuôn viên chùa Hội Phước.

Khi đã ngộ ra chân lý khổ, không, vô ngã thì dù hành trạng ít nhiều ở một lần có mặt của một Thiền sư, đều là một dấu son đáng trân trọng. Ở đây, Ngài Liễu Ngọc – Châu Hoàn như cơn gió thoảng qua, làm tươi mát trên đường đời một khoảng thời gian, để lại sự cảm hoài nhè nhẹ mãi vấn vương cho hậu thế. Song đâu phải mục đích là đây và hơn nữa, trước khi giác tha, phải tích lũy thật cao dày sự tự giác. Trường hợp Hòa thượng Liễu Ngọc là một minh chứng ghi lại cho đời.



blank

HÒA THƯỢNG

THÍCH TÂM TRUYỀN
(1832 – 1911)

Hòa thượng Thích Tâm Truyền, pháp danh Thanh Minh, tự Huệ Văn, thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 41, tục danh là Đỗ Lương, sinh ngày 13 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1832) – Minh Mạng thứ 13, tại thôn Tiên Kiên, tổng Bích Khê, tỉnh Quảng Trị.

Chưa có tư liệu nào về song thân phụ mẫu của Ngài, chỉ biết Ngài sinh ra trong một gia đình nho gia thuần túy, được tiếng tốt khắp vùng, được mọi người quý trọng. Lúc đầu, Ngài theo học nho học, sau đó bỏ nho theo Phật. Nhân một hôm đến chùa Diệu Đế ăn một bữa cơm chay, Ngài cảm thấy ngon và phù hợp với suy nghĩ của mình, bèn có ý muốn xuất gia tu tập. Lúc ấy Ngài vừa tròn 15 tuổi.

Năm Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (1852), lúc 20 tuổi, Ngài đến chùa Diệu Đế cầu xuất gia tu học với Hòa thượng Diệu Giác, được Hòa thượng đặt pháp danhThanh Minh, tự Huệ Văn, Ngài chuyên cần học hỏi tu tập. Với khả năng nho học sẵn có, Ngài dễ dàng hội nhập giáo điển Đại thừa, được Tăng chúng thương yêutôn trọng.

Năm Đinh Tỵ, Tự Đức thứ 10 (1857), khi Hòa thượng Tăng Cang Nhứt Nhơn viên tịch, Bổn sư Ngài được sắc chỉ bổ nhiệm sang trụ trì chùa Báo Quốc vào tháng Chạp, Ngài được cử quản chúng trong khoảng thời gian Bổn sư tìm người thay thế ở chùa Diệu Đế.

Từ đây cho đến năm 1894 là giai đoạn bận rộn nhất của Hòa thượng Bổn sư Ngài; liên tiếp lo trùng tu chùa Báo Quốc, khai mở các giới đàn để chọn Tăng tài, vừa là giai đoạn triều đình Huế có nhiều biến động, thực dân Pháp đã can thiệp vào nội tình Đại Việt.

Năm Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6 (1894), với tính khiêm cung, đạo lực khả úy, Ngài đã được Bổn sư tin tưởng giao nhiệm vụ cho Ngài đi cung thỉnh chư Tôn nhiều nơi về chùa Báo Quốc khai Đại giới đàn quan trọng (ngụ ý của Hòa thượng Diệu Giác nhân đó chứng tỏ sức sống của Phật giáo với tình hình bất ổn của thời thế lúc bấy giờ). Cho nên một trong những vị có đầy đủ uy đức lớn lao được Hòa thượng Bổn sư quan tâmnhất quyết phải cung thỉnh cho được là Hòa thượng Từ Mẫn ở chùa Tịnh Lâm ở Phù Cát - Bình Định, bởi sự có mặt của vị Hòa thượng này sẽ mang lại ý nghĩa to lớn cho giới đàn và thâm ý chung, Ngài được lệnh vào tận Bình Định để làm nhiệm vụ đó.

Tháng 4 cùng năm, Đại giới đàn chùa Báo Quốc được khai mở do chính Hòa thượng Bổn sư Ngài làm Đường đầu Hòa thượng; Hòa thượng Từ Mẫn làm Đệ Nhất Tôn chứng, Hòa thượng Hải Thiệu làm Yết ma, Hòa thượng Linh Cơ làm Giáo thọ.

Cũng tại giới đàn quan trọng này, Ngài vừa là Chủ sự Tăng, vừa là Giới tử thọ Cụ túc giới. Giới đàn khi đã hoàn mãn, Hòa thượng Từ Mẫn dành thời gian rất lớn ở lại bên cạnh và ân cần khuyến dạy riêng Ngài. Hòa thượng còn dạy Ngài phải nhanh chóng cầu pháp với Hòa thượng Bổn sư vì đã thọ Cụ túc giới.

Tháng 11, Hòa thượng Diệu Giác chấp thuận lời cầu thỉnh đó, đã ứng tâm phú pháp cho Ngài :

Minh lai quảng lãng hội long quân
Pháp hiệu Huệ Văn phú nhữ kim
Pháp pháp vô pháp giai thị pháp
Thứ diễm truyền đăng cách khả tầm.
Sau đó ban pháp hiệu cho Ngài là Tâm Truyền.

Năm Ất Mùi, Thành Thái thứ 7 (1895), Hòa thượng Bổn sư Diệu Giác viên tịch, Ngài kế thế trụ trì chùa Diệu Đế.

Năm Bính Thân, Thành Thái thứ 8 (1896), Ngài lại được bộ Lễ triều đình cử sang chùa Báo Quốc trụ trì.

Năm Đinh Dậu, Thành Thái thứ 9 (1897), Ngài phát nguyện chỉ ăn một bữa Ngọ theo luật Phật chế với tâm nguyện đạo lực thêm kiên cố.

Năm Mậu Tuất, Thành Thái thứ 10 (1898) vào tháng 6, Ngài trùng tu chùa Diệu Đế. Vua cấp cho 3.000 xâu tiền hỗ trợ, tiếp đến tháng 7, Ngài lại xin trùng tu chùa Báo Quốc và cũng được vua cấp 600 xâu tiền; nhân đó Ngài xây dãy Ngũ Công Đức Đường (tức nhà hậu chính chùa Báo Quốc).

Năm Kỷ Hợi, Thành Thái thứ 11 (1899), Ngài miễn cưỡng nhận chức Tăng Cang chùa Diệu Đế sau nhiều lần chư sơn môn thiết tha khuyến thỉnh (nhân Tăng Cang lúc đó là Nguyễn Hữu Thiêm đã cao tuổi xin được hồi hưu, mà chưa có người thay thế, triều đình giao cho chư Tăng tuyển chọn và đệ trình Bộ Lễ).

Tháng 7 cùng năm, Ngài cho trùng tu chùa Viên Giác (vị trí tọa lạc phía sau chùa Báo Quốc) do Tổ Liễu Quán khai sơn.

Năm Canh Tý, Thành Thái thứ 12 (1900) tháng Chạp, Ngài cho xây dựng lại chùa Viên Thông, trước đó vào tháng 6, Ngài cũng đã tổ chức đại trùng tu chùa Huệ Lâm ở thôn Bình An, tọa lạc phía hữu, gần chùa Vạn Phước (nay không còn).

Năm Tân Sửu, Thành Thái thứ 13 (1901), Ngài tổ chức xây dựng “Bích Khê Từ Đường” để thờ Hòa thượng Bổn sư Diệu Giác.

Đó cũng là công việc cuối cùng mang ý nghĩa hết sức to lớn trong đời Ngài : báo đáp thâm ân. Sau đó tất cả đều dừng lại theo nhịp độ thu dần của tuổi già. Thời gian còn lại, Ngài chuyên thực hành bố thí và mỗi ngày đều đặn trì tụng 3 biến công phu và 6 biến tịnh độ gồm Di Đà, Phổ Môn, Hồng Danh, Thí Thực.

Năm Tân Hợi, Duy Tân thứ 5 (1911), mùa Hạ tháng 6 (nhuận), Ngài thị tịch vào giờ Tý, thọ 79 tuổi đời, 49 tuổi đạo.

Các đệ tử xây tháp Ngài tôn trí bên hữu chùa Diệu Đế


blank 

HÒA THƯỢNG 

THÍCH THIỆN QUẢNG
(1862 – 1911)

Hòa thượng Thích Thiện Quảng, người mang họ Trần, không rõ tên thật, sinh tại Bến Tre năm Nhâm Tuất (1862) trong một gia đình thuộc hàng trung phú. Thuở ấu thơ, Ngài đã sớm được song thân đặc biệt tin yêu, đặt nhiều kỳ vọng nên đã mời các thầy đồ đến tận nhà trực tiếp chăm lo việc giáo dục học hành và luyện võ nghệ như bất cứ một gia đình có đầy đủ điều kiện khác. Đặc biệt hơn, do song thânnếp sống đạo hạnh, luôn giúp đỡ mọi người, hòa ái với xóm giềng nên những đức tính cao đẹp đó cũng đã sớm truyền sang nơi Ngài, khiến song thân càng yêu quý hơn.

Năm Nhâm Ngọ (1882), trải qua bao biến thiên thời cuộc, Ngài đã trưởng thành theo bao nhận thức thực tại và qua bao lần trì hoãn ước vọng của song thân, nhất là khi mẫu thân tạ thế, Ngài đành thuận ý phụ thân lập gia đình. Năm đó Ngài vừa tròn hai mươi tuổi.

Năm Ất Dậu (1885), khi phụ thân qua đời, Ngài chăm lo phụng thờ đúng đạo nghĩa cư tang hết mực. Sau đó Ngài thu xếp việc gia đình, giã từ cất bước ra đi thực hiện chí nguyện xuất gia hằng ấp ủ từ thuở ấu thơ của mình. Năm ấy Ngài hai mươi ba tuổi.

Để tránh sự dòm ngó của các thế lực thực dân gây khó dễ trong quá trình tu hành, Ngài tìm sâu vào chốn yên ả có rừng cây vây quanh, tự nỗ lực thực hiện chí nguyện của mình một cách dõng mãnh. Chỉ một thời gian ngắn, Ngài đã tạo được sự thăng bằng tự tại bản thân, uy đức đã được nhiều người biết và tìm đến xin làm đệ tử hoặc giúp đỡ mọi mặt để tạo thuận duyên cho Ngài vững vàng thêm ý chí.

Năm Ất Mùi (1895), trải qua mười năm tu hành tinh tấn, đạo lực đã ngày thêm kiên cố, từ đó Ngài nuôi ước nguyện mong có ngày đến được nơi đất Phật chiêm bái, trước là để đền ơn Tam bảo, sau nữa là nương thừa chứng tích nguồn cội cho đường tu thêm vững vàng viên mãn. Ngay từ lúc vừa phát khởi tâm nguyện đó, Ngài bắt đầu thực hiện trước mắt hạnh tu khắc khổ như một Đầu đà; từ nay không dùng đến tiền bạc, không ăn cơm mà chỉ ăn toàn rau. Lúc đầu ngày ba bữa dần dà chỉ còn ngày một bữa mỗi bữa chỉ hai tô rau luộc.

Năm Mậu Tuất (1898), đúng ba năm sau, lượng sức mình đã sẵn sàng và nhân duyên tương hợp đầy đủ, Ngài được các đệ tử chu toàn mọi mặt cho chuyến khởi hành sang đất Phật bằng đường thủy với một chiếc thuyền hai cột buồm lớn và lương thực dự trữ mang theo là rau quả, thức uống. Thuyền Ngài ra khơi khi mùa gió nồm Nam đã bắt đầu.

Sau gần ba ngày lênh đênh trên biển cả mênh mông thì gió lớn sóng to ập đến, đẩy con thuyền Ngài trôi dạt vào bờ biển Nam Thái Lan. Đành tạm dừng chân chờ sóng yên gió lặng sẽ tiếp tục cuộc hải trình. Trong những ngày này khi người dân Thái biết được Ngài là bậc chân tu, nhất là khi rõ thêm những đức hạnh không sử dụng tiền bạc và ăn toàn rau trái, Ngài được tiếp đãi trọng thị đầy tôn kính.

Tiếng lành lan nhanh xa rộng và như không hẹn mà gặp, vì ở đất nước này hiện đang diễn ra một sự kiện lớn là Tổng đốc Ấn Độ M.Curson đem tặng cho Thái Lan một hủ đựng Xá lợi Phật vừa được tìm thấy nơi một ngôi tháp cổ; các phái đoàn Chính phủ các nước Nhật Bản, Tích Lan, Miến Điện hiện cũng đang có mặt để xin Chính phủ Thái chia bớt ngọc Xá lợi Phật; đồng thời đang háo hức xây dựng tháp Kim Sơn (Phu-Khản-Thoong) trong chùa Sa-Kệt ở Băng Cốc để tôn thờ theo lệnh của nhà vua... Do đó, sự có mặt của Ngài khiến người dân Thái cho là một ấn tượng linh thiêng trùng hợp, nên thỉnh Ngài đến ra mắt vua Chu-La-Long-Kon, tức triều đại Ra-Ma V (1868-1910) và đã được vua tỏ lòng kính mộ, cho truyền xây cất chùa riêng để mời Ngài ở lại tu hành.

Trước sự ưu ái đó của nhà vua và tấm thạnh tình của người dân Thái, Ngài không nỡ chối từ, nhưng không vì thế mà ước nguyện sang Ấn Độ của Ngài cũng dừng lại. Chính vì vậy nhà vua chỉ thuận lòng cho Ngài tiếp tục cuộc hành hương sang đất Ấn Độ khi Ngài đã hứa rằng sẽ trở lại đất Thái tiếp tục trụ trì tu hành, vì đây là nơi mà “duyên Phật” đã đưa Ngài đến. Ngài đã ở lại đất Thái được ba năm, thời gian đó cũng đủ để tạo thế thuận duyên hỗ trợ việc hoằng đạo cho Phật giáo Thái Lan.

Năm Tân Sửu (1901) Ngài bắt đầu tiếp tục cuộc hành trình. Lần này nhờ sự giúp đỡ của ba Phật tử người Miến Điện làm hướng đạo và các sự giúp đỡ khác của nhà vua cùng nhân dân Thái, Ngài đi bằng đường bộ, rẽ lên Miến Điện và qua ngõ Tây Tạng để vào đất Ấn Độ. Nhờ vậy đoạn đường đi được rút ngắn đáng kể và đỡ tốn sức lực.

Trong vòng năm tháng ở Ấn Độ, Ngài đi chiêm bái các Phật tích khắp nơi với lòng chân thành hướng về đấng Giác ngộ đã một thời hằn dấu. Có những nơi đã trở thành phế tích do chinh chiến Hồi giáo tàn phá; do sự thờ ơ của chính quyền thực dân thống trịcho đến lúc này Ngài mới hiểu hết vì sao hũ Xá Lợi Phật vô giá lại được Tổng đốc Ấn Độ (người Anh) đem sang tặng lại cho vua và nhân dân Thái Lan ba năm trước, may mà họ không tự tay thiêu hủy. Trước những mối cảm hoài đó đã tác động không ít khiến Ngài không thể ở lâu thêm hơn, đành phải ngậm ngùi quay gót. Nhưng để bù đắp lại phần nào tâm nguyện hụt hẫng, Ngài đi sang đất Trung Hoa viếng thăm các danh lam như núi Thiên Thai ở phủ Hàng Châu, nơi giáng tích của Bồ Tát Quan Âm. Sau đó qua Phúc Kiến, đến Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam rồi lại ngược xuống Miến Điện để về lại Thái Lan.

Năm Nhâm Dần (1902) đầu mùa hạ Ngài về đến đất Thái Lan, được vua và Phật tử niềm nở đón tiếp. Để không phụ lòng những người con Phật thiện căn ở xứ này, Ngài chọn ngôi chùa hang Kholẽm làm chốn tu hành. Từ đây tiếng về một “ông Thầy Rau” càng được vang xa và kính trọng hơn. Cũng từ đây cuộc sống tu hành của Ngài đi vào nhịp độ bình lặng, có nhiều thời gian tham cứu thêm kinh điển, Phật học.

Tiếng về một “ông Thầy Rau” vẫn ngày một vang xa khiến nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (1867-1940) và các đồng chí của ông (đã bị Chính phủ Nhật Bản trục xuất sau khi giải tán phong trào Đông du) đang nương náu tại đất Thái chú ý đến và tìm hiểu, sau đó đích thân đến tận nơi tìm gặp và tiếp xúc. Cụ Phan rất kính trọng cung cách tu hành của Ngài, đồng thời cũng vừa tự hào về một người cùng xứ sở đang chung cảnh tha hương. Từ đó dẫn đến mối giao hảo thân tình mà trên hết có tình yêu quê hương đất nước ( ). Trong những lần gặp gỡ đó, cụ Phan đã không ngại ngần bộc bạch hết cho Ngài rõ các hoạt động của cụ và các đồng chí, sự khốn khổ lưu thân để nuôi ý chí cách mạng nơi đất khách quê người. Mỗi lần nghe cụ Phan nói như vậy, là một người dân Việt Ngài cũng có lòng yêu nước thiết tha tự đáy lòng, là một vị xuất gia Ngài đã không cầm được nước mắt. Hơn nữa nhóm cụ Phan gặp được Ngài như là một cứu tinh sáng chói có thể giúp cụ từng bước trên đường hoạt động cách mạng tại đất Thái.

Do vậy, Ngài đã không ngại ngần nhận lãnh trách nhiệm về lại Nam kỳ Việt Nam vận động tài chánh bằng cách Ngài cứ ung dung thuyết hóa, các mặt tổ chức, tuyên truyền cho chuyến đi, kể cả nhận tài vật quyên góp đều do người của cụ Phan đảm nhận (vì Ngài đã phát nguyện không dùng tiền, không nói đến danh lợi – chính trị), người được cụ Phan phân công làm việc đó được Ngài tạm đặt pháp danh Minh Trai. Chỉ hơn một tháng sau, Ngài đã trở lại Băng Cốc với số tiền trong túi Minh Trai là hai ngàn đồng bạc giấy. Ngài bảo số tiền bạc giấy ấy là của các đệ tử nơi quê nhà tự tay quyên góp lại, chứ chưa thực sự kêu gọi sự đóng góp của quần chúng Phật tử, và hứa là lần sau sẽ thực hiện một chuyến trở về nữa ở lâu hơn, vận động sâu hơn để số tiền có được sẽ lớn hơn.

Năm Tân Hợi (1911), đúng một năm sau Ngài thực hiện lời hứa với cụ Phan, trở về Việt Nam. Nhóm cụ Phan định tổ chức đưa Ngài đi bằng đường thủy, nhưng Ngài sợ bại lộ bởi lúc ấy mật thám đã biết rõ việc làm của Ngài ngay lần đi thứ nhất, nên đề nghị đi đường bộ xuống ngõ Cao Miên rồi xuyên rừng vào đất Tây Ninh.

Khi Ngài vừa đặt chân vào biên giới sau bao ngày băng đèo lội suối thì bị phát hiện ngay, Ngài và Minh Trai cố thoát chạy nhưng cả hai đã không nhanh hơn đường đạn đã sẵn chực chờ bao lâu nay, nên đành “giữa đường ngộ nạn nhuộm máu với giang sơn” ( ). Năm đó Ngài vừa đúng 50 tuổi đời, 27 tuổi đạo. Tại chùa hang Kholẽm Thái Lan, vẫn còn bia đá tưởng niệm Ngài với hai chữ gần gũi mà kính trọng “Thầy Rau”.
 

Dựa theo và tham khảo các tài liệu :
- Phan Bội Châu toàn tập (13) Chương Thâu dịch – NXB Thuận Hóa 1990.
- Phan Bội Châu và Thiền sư Thiện Quảng – Đào Nguyên – Báo NG số 11 bộ mới.
- Lịch sử Phật giáo Nam TôngTịnh Hải Pháp sư (tài liệu Giáo dục Cao đẳng Phật học)
- Đất Gia Định xưa – Sơn Nam – NXBTP.HCM 1984 


blank

HÒA THƯỢNG

THÍCH HUỆ PHÁP
(1871 – 1927)

Hòa thượng Thích Huệ Pháp, pháp danh Thanh Tú, pháp tự Phong Nhiêu, Ngài họ Đinh, sinh năm Tân Mùi 1871 (Tự Đức thứ 24), tại làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị. Gia đình Ngài thuộc thành phần nho giatruyền thống kính tin Phật pháp nhiều đời, thân phụ từng là vị thầy giáo làng được nhiều người kính trọng.

Vốn bản tính tự tin lại được un đúc trong môi trường nho học nên Ngài rất được thân phụ khuyến khích sự lựa chọn, không can thiệp về chí hướng tương lai. Nhờ vậy, Ngài đã đến xin cầu xuất gia với Hòa thượng Tăng Cang – Cang Kỷ tại chùa Từ Hiếu, được Hòa thượng tiếp nhận. Năm đó, Ngài vừa tròn 15 tuổi, nhằm năm Bính Tuất 1886, niên hiệu Hàm Nghi thứ 2.

Khi đã bước chân vào chùa, những cảnh đời dâu bể tiếp tục diễn ra như là sự thách đố, đã tác động không ít đến tư tưởng, nhận thức của Ngài, và thiền môn cũng đang tất bật trong các đợt trùng tu, lại cũng là thời gian Hòa thượng Bổn sư vừa lo tang lễ xong cho đệ tửHòa thượng Huệ Đăng được cử trụ trì chưa hơn một năm đã viên tịch. Vì vậy mãi đến năm Nhâm Thìn 1892 (Thành Thái thứ 4), Ngài mới được Bổn sư cho thọ giới Sa di, ban pháp danhThanh Tú, tự Phong Nhiêu, hiệu Huệ Pháp. năm đó Ngài 21 tuổi.

Vừa thọ giới xong, Ngài được chọn làm thị giả hầu cận Hòa thượng Bổn sư, vì thế Ngài từng chứng kiến các nhân vật quan trọng có cả vua Thành Thái đến viếng chùa và đàm đạo với Hòa thượng Hải Thiệu.

Năm Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6 (1894), Ngài thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Báo Quốc. Đây là Giới đàn rất quan trọng được tổ chức vào tháng 4 suốt bảy ngày, do Hòa thượng Tăng Cang Diệu Giác làm Đường đầu truyền giới; Hòa thượng Hải Thiệu làm Yết ma, Hòa thượng Linh cơ làm Giáo thọ, Bà Hoàng thái hậu Từ Dũ cũng đến Giới đàn này cúng dườngban tặng các vị Giới sư mỗi vị một bộ y cà sa bảy màu.

Tháng 8 cùng năm, Hòa thượng Bổn sư mở đợt trùng tu chùa Từ Hiếu lần thứ 2 với quy mô lớn, đúc thêm hai tượng Phật, mở rộng chánh điện thông qua nhà trước và hậu điện, bia tháp, giếng nước...

Năm Ất Mùi, Thành Thái thứ 7 (1895), Ngài được đắc pháp qua bài kệ phú pháp của Hòa thượng Bổn sư:

Phong nhiêu thọ pháp truyền
Nội ngoại bổn như nhiên
Phò trì chư Phật Tổ
Kế thế vĩnh niên niên
Năm Bính Thân, Thành Thái thứ 8 (1896), do Phật tử toàn phổ Linh Sơn tại chùa Thiên Hưng đến đảnh lễ Hòa thượng Bổn sư xin được cung thỉnh Ngài về làm tọa chủ dẫn dắt tín đồ; được Hòa thượng chấp thuận, Ngài về chùa Thiên Hưng để phát triển đạo tràng.

Nhận nhiệm vụ mới này, Ngài mới có dịp bộc lộ hết tinh thần vốn đã ấp ủ bấy lâu. Trước hết, Ngài mở các thời khóa tịnh độ, giảng giải kinh điển từ thấp lên cao cho mọi trình độ. Đặc biệt tập trung vào các bộ “Tứ Phần giới bổn”, “Phạm Võng”, “Pháp Hoa”, “Lăng Nghiêm”. Nhờ vậy chùa trở nên sinh động, phát triển nhanh chóng về mọi mặt, được Phật tử khắp nơi tìm đến rất đông, được cả vua Thành Thái biết đến.

Năm Đinh Dậu, Thành Thái thứ 9 (1897), chỉ có vài ngày vua Thành Thái được Nguyễn Hữu Bài phò giá vào Sài Gòn để khoe với vua về những “kỳ công” của thực dân Pháp, thì ở Huế, nhiều ngôi chùa vùng phụ cận, trong đó có chùa Thiên Hưng Ngài đang trụ trì, bị rất nhiều kẻ “tả đạo” đến quấy phá, gây hoang mang trong Phật tử. Với vóc dáng phương phi, kỳ vĩ mà điềm đạm, Ngài đứng ra giảng giảiyêu cầu họ “trở về” cũng như vua rồi cũng sẽ trở về Huế thôi ! Đó là khẩu ý mà sau này vua Thành Thái đến thăm chùa Từ Hiếu được Hòa thượng Bổn sư kể lại, đã tấm tắc khen tặng Ngài.

Năm Canh Tý, Thành Thái thứ 12 (1900), trong số các đệ tử đến chùa Thiên Hưng học đạo lâu nay dưới sự dìu dắt của Ngài, có không ít người thi đỗ tại các cuộc thi Hội, thi Đình và hiện đang chuẩn bị kỳ thi Hương ở Quốc Tử Giám. Trong đó có Lê An Du, Nguyễn Thiện Bình, Nguyễn Sanh. Nhưng vua ngăn cản, muốn sung 3 vị đệ tử giỏi của Ngài vào đội cận vệ để có thể liên lạc giữa vua và Ngài sau này. Ngài hiểu được ý vua khi nhận được thâm ý trong câu thơ nhắn : “Tịch mịch tiên triều cung ngoại miếu. Đỗ Quyên đề đoạn nguyệt âm âm” ( ) (lúc này vua đã bị theo dõi do lệnh của Khâm sứ Pháp Rheinard).

Năm Đinh Mùi, Thành Thái thứ 18 (1907), thêm bất mãn trước việc khâm sứ không chi duyệt tiền cho vua đi tuần du Thanh Hóa, vua liền bỏ tiền túi ra chiêu mộ một số phụ nữ để lập đội nữ binh và hằng ngày tự thân vua tập cho họ bắn súng, cỡi ngựa dưới sự hỗ trợ của 3 vị đệ tử của Ngài do vua tuyển chọn. Khi tin tới tai Ngài thì sự thể đã muộn màng khiến Ngài tỏ ra lo ngại, không hài lòng. Và rồi đúng như dự liệu của Ngài, Khâm sứ Pháp vịn vào đó làm bằng cớ cho rằng “nhà vua không thật tâm cộng tác với chính quyền bảo hộ”, và ra lệnh “từ nay nhà vua không còn quyền hành gì nữa và không được ra khỏi nơi ở đã dành cho vua trong nội cung”. Sau đó truất quyền và tiến tới giam giữ vua, sai Trương Như Cương cầm đầu Hội đồng Phụ chánh ra tuyên bố ”...Vì vua Thành Thái mắc bệnh điên”.

Năm Canh Tuất, Duy Tân thứ 4 (1910), Ngài được cung thỉnh vào Quảng Nam khai Đại giới đàn ở chùa Phúc Lâm với ngôi vị Đệ tam Tôn chứng. Lúc này, Ngô Đình Khả dâng tờ sớ buộc Thành Thái thoái vị và vua đã nhanh nhẹn ký vào không chút luyến tiếc.

Năm Tân Hợi, Duy Tân thứ 5 (1911), Ngài cho trùng tu chùa Thiên Hưng trong nỗi ai hoài thương tiếc vị vua “bình dân” với ngôi chùa vốn bình dân này đã được vua nhiều lần nhắc nhở. Chính Ngài cũng không hay biết cùng năm này Thành Thái đang bị giam lỏng ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu). Và rồi vua Duy Tân cùng Trần Cao Vân, Thái Phiên tiếp nối sự nghiệp kháng Pháp, từng bước đi vào lòng thương mến của nhân dân, chẳng những của riêng Ngài mà là của cả dân tộc.

Năm Kỷ Mùi, Khải Định thứ 4 (1919), vốn từng biết ngôi chùa Thiên Hưngbản thân Ngài, nên vua Khải Định ban cho Giới đaoĐộ điệp, với mong mỏi sẽ cắt đứt sự vọng nhìn của Ngài đang lặng lẽ dõi theo từng bọt biển trùng khơi đưa Thành Thái vĩnh viễn rời khỏi đất mẹ.

Năm Giáp Tý, Khải Định thứ 9 (1924), sau 5 năm vua Thành Thái đã bị đi đày ở đảo Réunion và Duy Tân cũng chung cùng số phận, thì con thuyền Phật giáo vẫn giữ vững trong tư thế bất diệt của mình, tùy thuyền đi vào bao nguồn lạch của khúc sông. Cho nên giai đoạn này tất cả các bổng lộc, danh xưng đối với Phật giáo chỉ còn là đơn nghĩa. Nhận định những sự thật đó, Chư Sơn quyết định tổ chức Đại giới đàn tại chùa Từ Hiếu, ngôi chùa “quan” bao lâu nay để chứng minh cho sức sống Phật giáo. Tại Đại giới đàn này, Ngài được suy cử ngôi vị Giáo thọ Sư.

Năm Bính Dần, Bảo Đại nguyên niên (1926), Ngài tiếp nhận chức vị Tăng Cang chùa Diệu Đế. Từ đó, Ngài ít tiếp xúc với chung quanh, dành nhiều thời gian còn lại chuyên tỉnh thân tâm.

Năm Đinh Mão, Bảo Đại thứ 2 (1927) ngày 24 tháng Chạp, như có nguyện sâu xa nào đó mà tông môn Tăng chúng không ai có thể đoán biết trước, do Ngài trầm tư, ít nói. Sau khi Ngài đi chiêm bái các Tổ đình và viếng thăm các thiện hữu về, lên lễ Phậtchánh điện rồi về tịnh phòng, Ngài ngồi kiết già trước tượng Phật vẫn với bộ pháp phục và tự châm lửa thiêu thân. Khi đó, Tăng chúng dập tắt ngọn lửa một cách khó nhọc xong, Ngài nhìn khắp thảy và thều thào “Đó là đại nguyện của ta xưa nay, xin Tăng chúng đừng lo lắng”. Rồi sau đó, vị đệ tử Quảng Tu hiệp cùng Tăng chúng xướng tụng kinh Bát Nhã cho Ngài.

Mãi đến ngày mồng 1 tháng Giêng năm Đinh Mão (1927), vào giờ Mão, Ngài thu thần thị tịch, thọ 56 tuổi đời, 33 Hạ lạp.

Tháp Ngài được dựng trong khuôn viên chùa Từ Hiếu. 


HÒA THƯỢNG
THÍCH TÂM TỊNH
(1868 – 1928)

Hòa thượng Thích Tâm Tịnh, pháp hiệu Tâm Tịnh, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 41, thế danh là Nguyễn Hữu Vĩnh, sinh năm Tự Đức thứ 21 (Mậu Thìn – 1868), tại Thừa Thiên – Huế. Ngài lớn lên trong thời kỳ triều đình nhà Nguyễn đang dần dần suy yếu, là đệ tử nối pháp thứ năm của Hòa thượng Diệu Giác – Hải Thuận (trụ trì chùa Báo Quốc).

Đồng một thế hệ với Ngài, gồm có Ngài Tâm Khoan (chùa Quang Bảo, chùa Thiên Tôn), Ngài Tâm Thiền (chùa Thiền Tôn), Ngài Tâm Quảng (chùa Báo Quốc), Ngài Tâm Thể (chùa Từ Ân), Ngài Tâm Truyền (chùa Diệu Đế, chùa Báo Quốc), Ngài Tâm An (chùa Thọ Đức), Ngài Tâm Thành (chùa Từ Quang), Ngài Tâm Minh (chùa Ngọc Sơn). Chín vị Tổ này được truyền tụng với danh hiệu “Cửu Tâm” theo cách gọi kính phục của quần chúng nhân dân xứ Huế, và được Hàm Long Sơn Chí ghi là “Nam chi cửu diệp” nghĩa là Cành Nam chín lá hoặc Thiền tông chín ngọn.

Tháng Tư năm Thành Thái thứ 6 (Giáp Ngọ – 1894), Đại giới đàn được tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc. Trong Đại giới đàn này, Ngài Tâm Tịnh đã được Hòa thượng Diệu Giác thế độ và phú pháp cho, bấy giờ Ngài được 27 tuổi. Bổn sư đã ban cho Ngài bài kệ phú pháp như sau:

“Hà thanh ninh mật tứ phương an
Hữu vinh tâm tâm đạo tức nhàn
Tâm tợ Bồ đề khai huệ nhật 
Bao hàm thế giới như thị quan”
Tạm dịch:

Sống trong yên lặng bốn phương an
Vĩnh viễn tâm tâm đạo ấy nhàn
Tâm tựa Bồ đề soi mặt nhật
Một bầu thế giới ngó muôn vàn”

Sau khi pháp đắc, Ngài kế vị Hòa thượng Huệ Đăng làm trụ trì chùa Từ Hiếu trong nhiều năm. Nơi đây, Ngài một mặt trau giồi Tam học, một mặt hoằng dương đạo pháp, chấn hưng, trùng tu ngôi Tam bảo Từ Hiếu, trở thành một Tổ đình nguy nga, tráng lệ.

Năm Giáp Thìn 1904, sau mười năm kể từ khi trụ trì Tổ đình Từ Hiếu, Ngài truyền giao lại cho Hòa thượng Huệ Minhtiếp tục sự nghiệp tu hành theo đúng sở nguyện : thích chốn u nhàn tịch mặc để tư duy kiến tánhgiáo hóa đệ tử kế thừa, Ngài lên núi Ngự Bình (Huế), cất một thảo am ở phía Tây Nam và gọi đó là am Thiếu Lâm. Đây cũng là tiền thân của chùa Tây Thiên – một Tổ đình nổi tiếng của đất thần kinh và của cả miền Trung đến nay.

Trong thời gian khai sơn chùa Tây Thiên này, Ngài tiếp tục truyền thụ tâm ấn cho các đệ tử, kế tục truyền thống của Bổn sư có chín vị đệ tử “Cửu Tâm”, còn Ngài thì đào luyện 9 vị đệ tử mang chữ Giác thành “Cửu Giác”. Đó là Hòa thượng Giác Tiên (khai sơn chùa Trúc Lâm), Hòa thượng Giác Nguyên (kế thừa Tổ đình Tây Thiên), Hòa thượng Giác Nhiên (Tọa chủ Tổ đình Thiền Tôn – Đệ nhị Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất) Hòa thượng Giác Viên (khai sơn chùa Hồng Khê), Hòa thượng Giác Hải (khai sơn chùa Giác Lâm), Hòa thượng Giác Bổn (trụ trì chùa Từ Quang), Hòa thượng Giác Ngạn (trụ trì chùa Kim Đài), Hòa thượng Giác Hạnh (khai sơn chùa Vạn Phước), Hòa thượng Giác Thanh tức Hòa thượng Đôn Hậu (trụ trì chùa Linh Mụ) để trở thành những vị lương đống cho Giáo hội về sau.

Với tài đức song toàn, giới hạnh túc nghiêm, uy tín Ngài mỗi lúc một vang xa. Lúc bấy giờ nơi triều đình Huế, vua Khải Định biết đến rất lấy làm tôn trọng và mến mộ. Nhà vua đã cử Ngài giữ trọng trách Tăng Cang chùa Diệu Đế để xiển dương đạo pháp. Tuy vậy, Ngài vẫn ở chùa Tây Thiên chuyên cần lo việc mở lớp giáo huấn các đệ tử xuất giatại gia.

Vào đại lễ Phật Đản năm Giáp Tý (1924), Ngài đứng ra tổ chức trọng thể Đại giới đàn tại chùa Từ Hiếu trong bốn ngày : mồng 8, 9, 10 và 11 tháng Tư âm lịch. Phật sự lớn lao đó đã được sự cúng dường, bảo trợ tận tình của chính vua Khải Định. Trong Đại giới đàn này, Ngài làm Đàn đầu Hòa thượng, số giới tử thọ giới lên đến 450 vị, trong đó có 300 Tăng, Ni thọ Đại giới.

Mùa xuân năm Mậu Thìn, ngày 6 tháng 4 triều Bảo Đại năm thứ ba (nhằm ngày 25 tháng 4 năm 1928), Hòa thượng Tâm Tịnh thị tịch, Ngài trụ thế 60 tuổi, hạ lạp 32 năm.

Hòa thượng Tâm Tịnh đã ra đi, nhưng hình ảnh của Ngài vẫn còn in đậm trong lòng đạo pháp dân tộc. Ngài đã chỉ đạo, góp phần chỉnh lý Tăng chếđào tạo nhân tài cùng với quý Hòa thượng tôn túc ở miền Trung. Cả thảy chín vị đệ tử của Ngài (Cửu Giác) đều là các bậc lãnh đạo phong trào Chấn hưng Phật giáo từ những năm 1930 và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện đại.

Thiền sư Viên Thành, chùa Tra Am, một thi sĩ tài hoa lỗi lạc bậc nhất thuở bấy giờ, đã lược nghiệp và bi cảm viết về Ngài như sau :

Tứ thập nhất đại Lâm Tế chân Thiền Phong, đào chú công thâm, thùy thọ đương đầu hát bổng.

Ngũ thập cửu niên Diêm Phù thùy hóa tích, trí bi nguyện mãn, nhi kim toát thủ hoàn gia”.

Tạm dịch :

“Lâm Tế đời bốn mươi mốt chấn chỉnh Thiền Tông nung đúc công sâu, còn ai trao truyền đánh hét.

Diêm Phù thọ năm mươi chín rõ lòng giáo huấn trí bi nguyện đủ, chừ đây buông thõng về nhà”.



HÒA THƯỢNG
TRA AM - THÍCH VIÊN THÀNH
1879 – 1928

Hòa thượng Thích Viên Thành, pháp húy Trừng Thông, thế danh là Công Tôn Hoài Trấp ( ) sinh ngày ngày 17 tháng 11 năm Kỷ Mão (1879) nhằm năm Tự Đức thứ 32 ( ) tại Kinh đô Huế. Thân phụ là Tĩnh Quy, vốn công tử thứ 38 con của Hoàng tử Nguyễn Phúc Bính (1797 – 1863) ( ), thân mẫu là bà Vũ Thị Dần, con gái ông Vũ Văn Lợi. Như vậy quê nội của Ngài ở huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam còn quê ngoại ở xã Xuân Mỵ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Là người con trai thứ ba trong một gia đình danh gia vọng tộc và là cháu con của một vị vua đã khai sáng nên cơ nghiệp triều Nguyễn, nhưng tuổi thơ của Ngài không phải theo định kiến tất nhiên như người đời thường nghĩ. Ngược lại, thực tế của cuộc đời đã làm tan tác bao hoài bão tốt đẹp, cuốn phăng sự bình an sinh sống của một gia đình dẫu là thứ dân cũng có được. Ngay từ lúc Ngài chào đời, những sự kiện cuối trào Tự Đức đủ đun nóng tình thế nội triều và đất nước ở thế lửa bỏng dầu sôi, đến nỗi chưa đầy một năm sau đó (ngày 25 tháng Chạp 1880) triều đình đã chính thức sang cầu viện nhà Thanh. Cái nghèo khó là chuyện riêng mang cam chịu, nhưng tình thế đất nước như vậy dù là hàng dòng dõi vua chúa, song thân Ngài cũng không thể dửng dưng, ít nhất là chọn riêng một thái độ rẽ hướng nào đó cho phải đạo.

Năm Quý Mùi (1883) – năm Tự Đức cuối cùng, thân mẫu Ngài qua đời trong cảnh thiếu hụt, để lại nguyên trạng nỗi lo toan vào cội nguồn duy nhất còn lại là phụ thân. Năm ấy Ngài chỉ mới hơn bốn tuổi đầu, hãy còn nhiều ngơ ngác, vô tư. Có lẽ như thế sẽ tốt hơn để Ngài sớm nhận ra vì sao cuối năm ấy vua Dục Đức (1853 – 1883) chỉ lên ngôi được ba ngày đã phải chết tức tưởi.

Năm Kỷ Sửu (1889), chỉ sáu năm thôi mà bao biến thiên dồn dập với những đời vua nối tiếp nhau : Hiệp Hòa – Kiến Phúc – Hàm Nghi – Đồng Khánh đi vào ngõ tối tăm, tủi nhục, chưa đầy một năm mà ba vua bị giết, trong bốn tháng mà triều đình đổi chủ ba lần. Đâu đâu cũng nghe những lời ví von đầy ẩn ý “Nhất gian lưỡng quốc nan phân thuyết, tứ nguyệt tam vương triệu bất tường” ( ). Đặc biệt quan tâmsự kiện kinh thành Huế thất thủ ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu 1885 và việc vua Hàm Nghi xuất bôn một giờ sáng hôm ấy, đã khiến phụ thân Ngài không khỏi nao lòng, từ đó trí nãosức lực xuôi dần trong tiếng thở dài, và phụ thân Ngài đã ra đi vĩnh viễn – 10 tuổi đầu Ngài đã khóc và tiếc thương cho tất cả.

hoàng tộc lại đa thê, cho nên sau khi cha mất, cảnh mạnh ai nấy lo thân là chuyện không có gì tắc trách. Vì thế Ngài đã thật sự bơ vơ ly tán, tạm về núp bóng người dì ruột và cũng là người dì ghẻ ( ), chấp nhận cảnh sống “cô ai tử” với tâm ý thản nhiên của nghiệp dĩ. Ngay từ lúc ấy, Ngài đã bất đầu ghi khắc vào tâm tư lời trối trăn của thân phụ rằng “thà làm một chúng dân bình thường mà đỡ tủi hổ và quay lưng được với tất cả khổ đau”. Đó là thứ hành trang duy nhất được đặt vào tâm khảm trong trắng tuổi thiếu thời, nuôi sống được Ngài thay cơm gạo.

Năm Canh Dần (1890) lúc 11 tuổi, lần đầu tiên Ngài được đi học, điều đó với Ngài là một bước ngoặt sáng không kém một niềm vui ấu thơ nào. Với người hiểu chuyện thì đó lại là một sự miễn cưỡng còn sót lại nơi người dì ruột dành cho Ngài chứ không là của một gì ghẻ, dù có muộn màng nhưng vẫn là một tình cảm đáng trân trọng.

Đời Ngài lại thêm những nghiệp quả đầy nghịch duyên trái ý, bởi sự phân biệt con em hoàng tộc với đẳng cấp bần hàn luôn được thầy dạy học quan tâm. Bị liệt vào đẳng cấp thứ hai qua lớp áo, cùng tuổi học muộn đã khiến Ngài cảm thấy bị xúc phạm. Để rồi không lâu sau đó, Ngài phải buộc lòng rời bỏ nơi mà những ngỡ rằng cuộc đời sẽ đổi khác, mà tìm đến với những cuộc vui của những đứa trẻ cùng đinh, để vùi lấp bớt nỗi cô đơn, lây lất của mình.

Năm Bính Thân (1896) trong dòng chảy cô đơn lây lất ấy đã dẫn bước chân Ngài đến chùa Ba La Mật, nơi có người anh rể con chú bác là Thanh – Chân – Viên Giác trụ trì ( ). Đây mới chính là nơi an ổn, cắt đứt được nghiệp trần nghiệt ngã và là nơi thực sự thấm đượm tình yêu thương, mở bước sang trang sau này. Ngài được Sư Viên Giác cho thế độ xuất gia.

Năm Canh Tý (1900) trước khi viên tịch, Sư Viên Giác đã phú pháp cho Ngài bài kệ như sau :

Tào khê nhất phái thủy đông lưu
Bình bát chân truyền bất ký thu;
Giáo ngoại bản lai vô biệt sự;
Viên thành tâm pháp ấn tiền tu.
Năm Canh Tý (1900) Thành Thái thứ 12, Ngài chính thức được thọ giới với pháp danh Viên Thành, húy Trừng Thông thuộc đời thứ 42 dòng Lâm Tế. Và là thế hệ thứ 8 thuộc dòng Thiền Liễu Quán, đủ thuận duyên kế thế trụ trì chùa Ba La Mật theo di huấn của Bổn sư.

Năm Tân Sửu (1901) Thành Thái thứ 13, Ngài thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn ở Phú Yên và đậu thủ Sa di. Ngài được thưởng bộ kinh Lăng Già Tâm Ấn, một bình bát được làm tại Trung Quốc và một bộ Sô y.

Từ đó Ngài chuyên tâm tu hành phát tấn, vốn bản tính thích gần gũi thiên nhiên, thiền hành phóng khoáng lại chuộng thơ văn nên Ngài đã tạo riêng cho mình một thế giới bao la đạo hạnh rất thư tháian nhiên.

Năm Quý Hợi (1923), tức 23 năm sau, những tưởng cuộc đời Ngài đã an bày nơi thiền tự giải thoát, nào ngờ các con cháu của Sư Viên Giác (lúc còn là Bố Chánh) giờ đây thấy chùa Ba La Mật rạng rỡ hơn xưa, tranh giành chủ quyền, lấy chính những lối hành thiền, đạo phong của Ngài ra làm nguyên nhân để tìm cách thủ đắc. Với bản chất phóng khoáng, Ngài không khó khăn chi lắm khi ra đi, trả lại chùa cho con cháu dòng họ Nguyễn Khoa.

Ngài tìm đến núi Ngũ Phong, dựng một thảo am nhỏ bên cạnh tháp mộ Bổn sư Viên Giác để tiện việc chăm nom. Đây là vùng đất bằng phẳng với phong thủy hữu tình, phía xa phương Nam có núi Thiên Thai cao ngất, phía Bắc có núi Ngự Bình và phía Đông chính là ngọn núi Ngũ Phong. Năm ấy là năm Khải Định thứ 8, chùa Tra Am đã có mặt từ duyên khởi đầu tiên ấy ( ).

Năm Giáp Tý (1924) năm Khải Định thứ 9, Ngài được cung thỉnh vào hàng Đệ nhị Tôn chứng ở Giới đàn chùa Từ Hiếu.

Chùa Tra Am ngày một tấn phát, được nhiều người tìm đến tu học và thỉnh giảng. Ngoài ra chùa còn là nơi danh lam được các hàng thức giả, nhà văn thơ trong hai triều Khải Định và Bảo Đại tìm đến ứng vịnh thi pháp, trao đổi đạo tình. Đặc biệt từng đón các cao Tăng như Ngài Tâm Tịnh ở chùa Tây Thiên; Giác Tiên ở chùa Trúc Lâm; Huệ Pháp ở chùa Thiên Hưng; Phổ Huệ ở chùa Tịnh Lâm, Từ Nhẫn ở miền Nam... tìm đến thăm nom và thư đạo. Đáng lưu ý hơn hết về giá trị của chùa Tra Am qua bài “Tra Am Ký” do Mai Tu – Nguyễn Cao Tiêu viết, càng làm tăng thêm danh tiếng lẫn phong cảnh đạo vị nơi này.

Năm Mậu Thìn (1928) năm Bảo Đại thứ 3, Ngài đã an nhiên thị tịch tại chùa Tra Am, thọ 49 tuổi đời, 32 năm xuất gia tu tập, với 27 Hạ lạp.

Tháp bảy tầng của nhục thân Ngài được các đệ tử xây dựng bên phải chùa Tra Am, mặt hướng về phía Tây, nhìn ra dòng Tẩy Bát Lưu.
 

Tạo bài viết
14/04/2020(Xem: 8606)
24/02/2020(Xem: 5581)
02/11/2019(Xem: 5785)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: