Thư Viện Hoa Sen

V.phật Giáo Giai Đoạn Thống Nhất Đất Nước (1975 – 1980)

30/05/201112:00 SA(Xem: 9860)
V.phật Giáo Giai Đoạn Thống Nhất Đất Nước (1975 – 1980)

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

Phật Lịch 2546 – 2002
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo - Hà Nội 

V. PHẬT GIÁO GIAI ĐOẠN THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC 

(1975-1980)

Thống nhất đất nước, một mơ ước lớn nhất của dân tộc và của Phật giáo đồ hai miền Nam Bắc. Vận hội này là cơ sở để thực hiện thống nhất Phật giáo toàn quốc thực sự được mở ra, tiếp nối công việc mà lần thống nhất Phật giáo trước chưa làm được.

Tuy nhiên, còn bao vấn đề khác biệt tồn tại giữa hai miền do hoàn cảnh lịch sử tạo thành từ cuộc chiến để lại, chủ yếu là Phật giáo miền Nam. Giai đoạn này nổi bật là việc thành lập Ban liên lạc Phật giáo Yêu nước ở các tỉnh thành (1976), kế đến là thành lập Ban vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam (1979).

Cả nước có tất cả 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo tham gia vào tiến trình vận động thống nhất :
1. Giáo hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (miền Bắc).
2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (miền Nam).
3. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam 
4. Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố Hồ Chí Minh.
5. Giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam 
6. Hội Đoàn kết Sư Sãi yêu nước Tây Nam bộ.
7. Giáo hội Tăng Già Khất sĩ Việt Nam
8. Thiên Thai Giáo Quán Tông
9. Hội Phật học Nam Việt (cư sĩ)

Ở giai đoạn này, Tập thứ I đã giới thiệu 13 vị danh Tăng. Tập thứ II xin giới thiệu 6 vị mãn duyên khi đã nhìn thấy được ngày đất nước thống nhất.
 

42. HT. Thích Huệ Pháp (1887-1975)
43. HT. Thích Tôn Thắng (1879-1976)
44. HT. Thích Minh Trực (1895-1976)
45. HT. Pháp Vĩnh (1891-1977)
46. HT. Thích Giác Nguyên (1877-1980)
47. HT. Thích Huệ Hòa (1915-1980)
48. HT. Thích Thiên Ân (1925-1980)


HÒA THƯỢNG
THÍCH HUỆ PHÁP
(1887 – 1975)

Hòa thượng Thích Huệ Pháp, thế danh Nguyễn Lộ, sinh ngày 13 tháng 8 năm Đinh Hợi 1887, tại thôn Bồ Đề, xã Đức Quang, nay là xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Thân sinh là cụ Nguyễn Vĩnh, một bậc lão nho tinh thông cả Dịch lý, toán số, suốt đời mở lớp gia giáo phổ biến Nho học, cả vùng Mộ Đức – Đức Phổ có đến hàng trăm môn đệ của Người, người dân Quảng Ngãi đương thời không ai là không nghe đến tên cụ; Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Long, con của một lão nho trong làng. Ngài là con trai thứ trong gia đình bốn anh chị em, trưởng huynh mất sớm, chị cả là thân mẫu Hòa thượng Khánh Anh, bậc cao Tăng lương đống của Phật giáo Việt Nam, em gái út lập gia đình.

Thiếu thời Ngài học chữ nho của thân sinh. Ngài thường được cụ bà dắt đi chùa Cảnh Tiên gần nhà để lễ Phật và nghe Đại lão Hòa thượng Hoằng Thanh giảng đạo; Ngài cũng được cụ Nguyễn Vĩnh dắt về Tổ đình Thiên Ấn – Thạch Sơn học hỏi giáo lý của quý Đại lão Hòa thượng Hoằng Tịnh, Hoằng Thạc, Hoằng Đức. Từ môi trường này, Ngài được gặp và tham gia chống Pháp với nhóm cách mạng do nhà chí sĩ Trần Cao Vân và cụ Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo.

Năm Kỷ Dậu 1909, lúc 22 tuổi Ngài xin phép song thân cho xuất gia với Đại lão Hòa thượng Hoằng Thanh tại chùa Cảnh Tiên, được Bổn sư cho thọ giới Sa di và ban pháp danh là Chơn Phước. Ngài tinh cần chấp tác học tập qui tắc thiền môn, ngõ hầu làm long tượng Phật pháp cho tương lai.

Năm Tân Hợi 1911, Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Tổ đình Thiên Ấn và là Thủ Sa di tại giới đàn này. Năm ấy Ngài 24 tuổi, được truyền Tổ ấn với pháp tựĐạo Thông. Sau khi đắc giới, Ngài tiếp tục tu học tại Tổ đình Thiên Ấn – Thạch Sơn.

Năm Giáp Dần 1914, Ngài đi vào Bình Định để tham học với Quốc sư Phước HuệPháp sư Phổ Huệ. Duyên lành đã đến, Ngài gặp hai Phật tử Trừng Quế, Trừng Qui cúng cho Ngài một thảo am tại đồi cát ở khu 6, thành phố Qui Nhơn để tu học.

Năm Đinh Tỵ 1917, Ngài được chư Sơn thỉnh làm Đệ nhất Tôn chứng Giới đàn chùa Trừng Giác, Tuy Phước, Bình Định. Uy tínđạo hạnh của Ngài lan rộng, nhờ sự phát tâm của tín đồ nên từ một thảo am, Ngài đã xây dựng thành ngôi Tam bảo Minh Tịnh được trang nghiêm vào năm Mậu Ngọ 1918.

Năm Giáp Tý 1924, Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê tại Giới đàn chùa Linh Phong, Phù Cát, Bình Định. Đến năm Bính Dần 1926, Giới đàn chùa Phước Quang, Quảng Ngãi cung thỉnh Ngài làm Yết Ma A Xà Lê.

Năm Đinh Mão 1927, Ngài được thỉnh làm Chánh Ký trường Hương chùa Long Khánh, Qui Nhơn, kiêm Giáo thọ Sư cùng quý Ngài : Trí Hải chùa Bích Liên; Như Phước chùa Liên Tôn; Hoằng Thông chùa Bạch Sa, dưới quyền Chủ giảng của Quốc sư Phước Huệ. Cùng năm này, Lưỡng Xuyên Phật học đường miền Nam thỉnh Ngài vào làm Chủ giảng, Ngài đã cho Pháp sư Khánh Anh là một học trò ưu tú nhất vào đó để thay Ngài.

Năm Nhâm Ngọ 1942, Ngài được chư Sơn thiền đức tỉnh Bình Định cung thỉnh vào ngôi Yết Ma A Xà Lê trong Đại giới đàn chùa Thiên Đức, huyện Tuy Phước.

Năm Giáp Thân 1944, tức năm Bảo Đại thứ 19, Ngài được triều đình Huế sắc chỉ khâm ban đạo điệp Tăng Cangsắc tứ Biển Ngạch chùa Minh Tịnh.

Năm Ất Dậu 1945, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Ngài tham gia mặt trận kháng chiến và được bầu làm Chủ tịch Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bình Định.

Năm Đinh Hợi 1947, Ngài được cung thỉnh làm Chứng minh giới đàn chùa Thiên Bình, An Nhơn, Bình Định.

Năm Đinh Dậu 1957, tại Đại giới đàn chùa Nghĩa Phương – Nha Trang, Ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới. Cùng năm, Hội Phật giáo Tịnh độ Tông thỉnh Ngài ngôi vị Chứng minh Đại Đạo sư Trung phần.

Năm Kỷ Hợi 1959, Hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử thỉnh Ngài làm Chứng minh Đạo sư Trung phần.

Năm Nhâm Dần 1962, chư Sơn thiền đức tỉnh Bình Định tổ chức Đại giới đàn tại Tổ đình Minh Tịnh, cung thỉnh Ngài làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới.

Ngài là vị Pháp sư, Tuyên Luật sư chuyên giảng kinh, luật, luận cho các trường Giới, trường Hạ, trường Hương và được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê, Yết Ma A Xà LêĐường đầu Hòa thượng cho nhiều giới đàn khắp nơi Trung, Nam phần.

Ngài đã khai sơn và chủ trương tái thiết, trùng tu hàng trăm tự viện. Đệ tử xuất gia hàng trăm vị, có nhiều vị xuất chúng là bậc long tượng Phật pháp, lãnh đạo Giáo hội. Đệ tử tại gia của Ngài có đến hàng vạn người.

Một phần ba cuộc đời của Ngài tuy có nhiều ảnh hưởng chính trị trong công cuộc chống thực dân Pháp giành độc lập, nhưng nhờ giáo lý Phật đà thấm sâu, Ngài đã hiến trọn vẹn cuộc đời phục vụ cho đạo pháp.

Công hạnh viên mãn, tâm ý hoan hỷ, thân không bệnh tật, Ngài viên tịch lúc 11 giờ ngày 11 tháng 11 năm Ất Mão 1975, thế thọ 89 năm, đạo thọ 65 Hạ lạp. Tháp tàng nhục cốt của Ngài ở hướng Nam chùa Minh Tịnh, thành phố Qui Nhơn.



HÒA THƯỢNG
THÍCH TÔN THẮNG
(1879 – 1976)

Hòa thượng Thích Tôn Thắng, pháp danh Trừng Kệ, pháp tự Như Nhu, Ngài thế danh là Dương Văn Minh, sinh ngày 29 tháng 2 năm Kỷ Sửu – 1889 (năm Thành Thái nguyên niên) tại làng Hà My, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, thân phụ là ông Dương Văn Hiếu và thân mẫu là bà Nguyễn Thị Tiện.

Ngài sinh trưởng trong một gia đìnhtruyền thống Nho học và Phật học chuẩn mực và được nuôi dạy theo khuôn mẫu, nên buổi thiếu thời Ngài đã sớm được tiếp cận với kinh sách thánh hiền.

Năm Giáp Thìn (1904), lúc lên 16 tuổi, Ngài được phép mẫu thân đến cầu xuất gia với Hòa thượng Tâm Truyền, Tăng Cang chùa Báo Quốc và được Hòa thượng ban pháp danh là Trừng Kệ. Đó là năm đáng nhớ nhất cuộc đời Ngài : năm nhiều tỉnh miền Bắc bị mất mùa, đói kém và hình ảnh cao đẹp nữa về vị vua mà Ngài ngưỡng mộ lại phải thân hành ra tận miền Bắc để thăm hỏi, cứu trợ, ghi thêm một nét đẹp nữa cho Ngài.

Năm Bính Ngọ (1906), Ngài được Bổn sư cho thọ Sa di giới và được ban pháp tự là Như Nhu. Ngay sau đó, vua Thành Thái truyền lệnh cho bộ Lễ sung Ngài vào ngạch Tăng chùa Diệu Đế (Gia Hội – Huế).

Năm Canh Tuất (1910), khi hay tin và qua thời gian chiêm nghiệm về sự kiện vua Thành Thái bị khâm sứ Trung Kỳ Lévêque bắt buộc thoái vị, nhường ngôi cho vua Duy Tân (1907). Ngài được phép Bổn sư cho tạm rời xa kinh thành Huế, dạt vào Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận để cầu tham học. Ngài trụ lại thị xã Đà Nẵng, lập thảo am trú xứ tại làng Thạch Châu tu tập.

Năm Quý Sửu (1913), Ngài trở về Huế thọ tang Hòa thượng Bổn sư Tâm Truyền đã viên tịch. Tăng môn đại chúng cung thỉnh Hòa thượng Tâm Khoan kế vị trụ trì chùa Báo Quốc và Ngài được Hòa thượng cử làm tri sự.

Năm Mậu Ngọ (1918), sau một chuỗi sự kiện làm chạnh lòng người dân đế đô, nổi cộm nhất là sự kiện cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân thất bại (1916), Ngài lại một lần nữa trở vào Đà Nẵng. Nơi đây Ngài khai sơn chùa Phổ Thiên tại làng Bình Thuận (nay là chùa Phổ Đà, cơ sở của trường Cơ bản Phật học Quảng Nam – Đà Nẵng).

Năm Quý Hợi (1923), năm Khải Định thứ 7. Lúc này Ngài 34 tuổi mới thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Phước Quang, tỉnh Quảng Ngãi do Hòa thượng Hoằng Tịnh làm Đàn đầu truyền giới.

Năm Giáp Tý (1924), Ngài đến cầu pháp với Hòa thượng Phước Trí chùa Tam Thai, núi Ngũ Hành, Quảng Nam được Hòa thượng phú pháp với Pháp hiệuTôn Thắng.

Năm Mậu Thìn (1928), Ngài được cung thỉnh làm Trị sự tại Đại giới đàn chùa Từ Vân, Đà Nẵng do Hòa thượng Quảng Hương làm Đàn đầu.

Năm Kỷ Tỵ (1929), Ngài được mời làm Dẫn Lễ Sư tại Đại giới đàn chùa Phước Lâm – Hội An, do Hòa thượng Phước Trí làm Đàn đầu.

Năm Canh Ngọ (1930), Ngài đảm đương trụ trì chùa Phổ Thiên, đồng thời được Giáo hội Tăng Già Đà Nẵng cung thỉnh giữ chức vụ Kiểm Tăng.

Năm Nhâm Thân (1932), hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo nổi lên ở khắp ba miền đất nước, Ngài đứng ra sáng lập Đà Thành Phật học Hội và cung thỉnh Hòa thượng Bích Liên làm Hội trưởng. Trụ sở đặt tại chùa Phổ Thiên và cho xuất bản tạp chí Tam Bảo làm cơ quan ngôn luận chính thức của Hội trong việc hoằng dương chánh pháp.

Năm Ất Hợi (1935), Ngài vào khai sơn chùa Tịnh Độ tại thị xã Tam Kỳ, nay là chi nhánh trường Cơ bản Phật Học của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

Năm Bính Tý (1936), để phát triển việc hoằng hóa Ni giới, cũng tại làng Bình Thuận – Đà Nẵng, Ngài lại khai sơn chùa Diệu Pháp để làm Phật Học Ni Viện.

Năm Mậu Dần (1938), Ngài được cung thỉnh vào ngôi Tôn Chứng tại Đại giới đàn chùa Tịnh Quang, làng Ái Tử – Quảng Trị, do Hòa thượng Phước Huệ làm Đàn đầu.

Năm Kỷ Mẹo (1939), tại Đại giới đàn chùa Liên Trì, Khánh Hòa, Ngài được mời làm Yết Ma A-Xà-Lê, giới đàn cũng do Hòa thượng Phước Huệ làm Đàn đầu.

Năm Tân Tỵ (1941), Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu tại Đại giới đàn chùa Bình Quang Ni Tự tại tỉnh Bình Thuận.

Năm Nhâm Ngọ (1942), việc hóa đạo khắp nơi đã khởi sắc do sự đóng góp tích cực của Ngài trong phong trào chấn hưng Phật giáo, nhưng Ngài cũng không quên nghĩ về quê hương bản sở. Do đó, sau bao nhiêu năm trời xa cách Ngài về lại Quảng Trị, việc đầu tiên là Ngài thành lập ngay Phật học đường tại chùa Hội Quán và làm Giám đốc trong 3 năm.

Năm Ất Dậu (1945) do biến chuyển lớn của thời cuộc, Ngài lại trở vào Đà Nẵng tiến hành trùng tu các chùa Phổ Thiên, Tịnh Độ và chùa Hội Quán.

Năm Bính Tuất (1946) ý thức về tiền đồ Phật giáo mai sau, Ngài quyết định hiến cúng chùa Phổ Thiên (sau là chùa Phổ Đà) cho Giáo hội để mở Phật học viện có tầm vóc quy mô – chi nhánh Phật học viện Trung phần ở Trung Trung bộ.

Năm Giáp Thìn (1964), Ngài được tiến cử làm Chứng minh Đạo sư Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thị xã Đà Nẵng.

Năm Bính Ngọ (1966), Ngài được tiến cử vào Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Năm Canh Tuất (1970), Ngài làm Chánh chủ Đàn tại Đại giới đàn Vĩnh Gia, được tổ chức tại chùa Phổ Đà – Đà Nẵng (chùa Phổ Thiên trước đây). Từ đó đến năm Bính Thìn (1976) Ngài được thỉnh làm thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Ngày 16 tháng 3 năm Bính Thìn (1976), Ngài an nhiên thị tịch, trụ thế 87 năm, giới lạp 53 tuổi Hạ, môn đồ pháp quyến lập Bảo tháp Ngài tại chùa Tịnh Độ – thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
 



HÒA THƯỢNG
THÍCH MINH TRỰC
(1895 – 1976)

Hòa thượng Thích Minh Trực, pháp húy Chơn Như, thế danh là Võ Văn Thạnh, tự Trương Văn Học, sinh năm Ất Mùi (1895), tại xã Phước Vân, tổng Lộc Thành Thượng, tỉnh Chợ Lớn (cũ), nay là xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Thân phụ Ngài là cụ ông Trương Văn Bền, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Mai, pháp danh Bất Phàm tự Diệu Giác. Cả hai đều là cư sĩ Phật tử thuần thành. Ngài là con thứ 4 trong gia đình.

Ngài xuất thân trong một gia đình thuộc thành phần trung nông, thân phụ mất sớm, cụ bà lo nuôi dưỡng ăn học. Thuở nhỏ, Ngài được thân mẫu dẫn đến quy y Tam bảo ở chùa Mỹ Phước, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Sau đó, Ngài tiếp tục lên Sài Gòn học Nho học và Tây học cho đến khi đỗ đạt. Do có túc duyên với Phật pháp nhiều đời, nên ngoài kiến thức thế gian, Ngài còn thường xuyên gần gũi các bậc cao Tăng thạc đức, các giới học giả trí thức, để tham cứu kinh sách Tam giáo, và quyết định chọn cho mình một con đường để đi, đó là Phật giáo.

Năm 29 tuổi (1924), Ngài xuất gia tại chùa Tam Tông (Sài Gòn) rồi cùng các cụ Minh Chánh, Minh Giáo, Minh Truyền, Minh Đàm, Minh Thiện sáng lập Tam Tông Miếu – Minh Lý Thánh Hội tại quận Ba, Sài Gòn. Trong thời gian tu học ở đây, Ngài thiết lập thiền thất chuyên nghiên cứu Phật học và cùng với các vị tôn túc danh Tăng : Tổ Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh, Đạt Thanh; Hòa thượng Từ Quang, Thành Đạo, Thiện Hòa, Thiện Hoa... học hỏi, trao đổi giáo lý Phật đà. Ngoài ra, Ngài quan hệ và tham gia các phong trào chấn hưng Phật giáo : Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật Học, Giáo hội Lục Hòa Tăng, Giáo hội Tăng Già Việt Nam, Hội Phật học Nam Việt để mở rộng sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh sau này.

Năm 1948 (nhằm ngày 5 tháng 1 năm Mậu Tý), sau hơn 20 năm tu học tinh tấn, thân cận các bậc Thiện tri thức, Ngài khai sơn Tổ đình Phật Bửu Thiền Tịnh Đạo Tràng. Ngài hiển dương pháp môn Thiền Tịnh song tu và được lưu truyền rộng rãi cho đến ngày nay.

Theo Ngài, muốn nhiếp hóa đồ chúng dễ dàng, phải kết hợp cả Thiền lẫn Tịnh, cả đốn lẫn tiệm. Về thiền, Ngài căn cứ vào yếu chỉ kinh tạng Đại thừa đốn ngộ : Duy Ma Cật, Viên Giác, Pháp Bảo Đàn... Về Tịnh độ, Ngài y cứ vào kinh Di Đà Đại Bổn, Thiền Môn Nhựt Tụng mà Ngài diễn dịch rất chu đáo để hướng dẫn đồ chúng trên đường tu học.

Vốn có căn bản về Nho học lẫn Tây học, lại thêm sự thấu đạt nghĩa lý sâu xa của Phật pháp, nên từ năm 1948 đến cuối đời, Ngài đã để hết tâm trí miệt mài dịch kinh, viết sách để truyền đạt tư tưởng giáo lý của Phật Tổ, vừa phát huy được truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc, tụng kinh tiếng Việt. Những bộ kinh được Ngài dịch ra Việt ngữ như : Nhựt Tụng, Pháp Bảo Đàn, Duy Ma Cật, Đại Viên Giác, Đốn Ngộ Nhập Đạo, Di Đà, Hồng Danh, Phổ Môn, Bát Nhã Tâm Kinhsáng tác Lễ Bổn, Tham Thiền Bửu Sám, Thiền Tịnh Chơn Ngôn, Xuân Di Lặc và một số các thi kệ, liễn đối ở các tự viện.

Năm 1952, Ngài là một trong quý Hòa thượng lãnh đạo các Giáo phái Phật giáo Nam Bộ cung nghinh ngọc xá lợi Phật Tổ do Phái đoàn Phật giáo Tích Lan thỉnh theo, trên đường đi Hội nghị Phật giáoNhật Bản quá cảnh Sài Gòn, cũng trong năm này, Hội Phật học Định Tường suy tôn Ngài làm Pháp chủ của Hội.

Năm 1953, Ngài đã cùng Hòa thượng Đạt Thanh và phái đoàn sang hóa đạo tại nước Cao Miên.

Năm 1955, Ngài đã tham gia cùng phái đoàn miền Nam Việt Nam dự Hội nghị Bang Đung tại Nam Dương (Indonesia) và tại Nhật Bản. Ngài từng là Pháp sư trong các lễ hội do Giáo hội bạn tổ chức.

Năm 1963, Ngài là Cố vấn Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, lãnh đạo giáo phái Thiền Tịnh Đạo Tràng đứng chung với 11 tổ chức Phật giáo miền Nam, đấu tranh chống chính sách kỳ thị, đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Ngày 22.8.1963, Ngài và toàn bộ Tăng chúng Tổ đình đã bị chính quyền Diệm bắt giam tại Rạch Cát cùng chung với các vị lãnh đạo Ủy ban Liên phái.

Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, Ngài là thành viên của Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống. Sau đó, vì có quan điểm khác nhau, nên một số tổ chức Phật giáo đã đứng ra ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để thành lập Tổng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài được chư tôn Hòa thượng lãnh đạo Tổng Giáo hội suy tôn lên ngôi vị Pháp chủ.

Trên bước đường hành đạo, Ngài trải bao gian khổ qua các bước quan san hẻo lánh khó khăn, Ngài đã cùng môn đệ xây dựng thêm nhiều cảnh chùa thuộc Tổ đình Phật Bửu Thiền Tịnh Đạo Tràng, cùng mang tên Phật Bửu tại Quảng Ngãi, Bình Định, Châu Đốc, Mỹ Tho, Bến Tre, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu và các quận huyện ở thành phố như : Quận 4, Bình Thạnh, Hóc Môn. Và năm 1974, thêm một ngôi chùa Phật Bửu tại Long Hải được ra đời.

Năm 1975, vì tuổi già sức yếu và thọ bệnh, Ngài cho xây tháp tại Phật Bửu Tự Hóc Môn và di huấn cho đệ tử lo việc tu học, điều hành môn phái.

Thế sự vô thường, có sinh có diệt. Ngày mồng 5 tháng 5 năm Bính Thìn (2.6.1976), Ngài đã an nhiên thị tịch vào lúc 20 giờ sau thời kinh Di Đà. Ngài trụ thế 82 tuổi, hưởng 52 tuổi đạo. Sau khi trà tỳ, xá lợi Ngài được tôn trí vào các bảo tháp ở Tổ đình Phật Bửu ở quận 3, Phật Bửu Tự Hóc Môn và Phật Bửu Tự Phước Vân.

Suốt cuộc đời tu hành, Ngài đã có nhiều cống hiến cho công cuộc hoằng hóa lợi sanh. Ngài đã kết hợp “Thiền Tịnh song tu” và xây dựng nhiều chùa cảnh làm nơi truyền bá đạo pháp cũng như phiên dịch kinh tạng giúp cho hậu thế thuận đường tu học. Ngài xứng đáng là một Trưởng lão tôn túc của Phật giáo miền Nam và toàn thể Phật giáo Việt Nam


HÒA THƯỢNG
PHÁP VĨNH
(1891 – 1977)

Hòa thượng Pháp Vĩnh, pháp danh Dhammasàro, thế danh Nguyễn Thức sanh năm Tân Mão 1891 (Thành Thái năm thứ 3) tại thôn Văn Quang, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo nề nếp, thân phụ là cụ ông Nguyễn Đình, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Biểu. Song thân Ngài đều là những cư sĩ mộ đạo thuần thành.

Ngay từ thuở nhỏ, Ngài đã tỏ ra thông minhý chí hướng thượng, được song thân cho quy y Tam bảo làm người Phật tử thuần thành tại chùa Khánh Vân tỉnh Bình Định. Đã nhiều lần, Ngài có ý định xuất gia tu Phật, nhưng vốn dĩ sống trong gia đìnhtruyền thống Nho học chuẩn mực, vả lại Phật cũng đã từng dạy : “Phụng sự cha mẹcúng dường Như Lai”, nên đành giữ trọn chữ hiếu, một lòng chờ đợi duyên lành.

Mãi đến năm 1945, xả bỏ hết mọi trần duyên thế sự để bước vào con đường giải thoát thanh cao. Ngài quyết định xuất gia theo giáo đoàn Khất sĩ Minh Đăng Quang với pháp danh là Thiện Ngộ, làm người sứ giả Như Lai đi khắp nơi truyền bá đạo mầu.

Trên bước đường hóa duyên truyền đạo, một duyên may chợt đến, Ngài được gặp các vị Tăng sĩ của Phật giáo nguyên thủy (Theravàda). Qua trao đổi kinh nghiệm tu tậpgiáo lý, Ngài mới nhận ra rằng : tu học Phật pháp có nhiều phương tiện, nhiều con đường để đi về một điểm cuối, nên người tu hành tùy hợp căn cơ, vừa sức của mình mà thực nghiệm. Do đó, một lần nữa, Ngài tạm biệt các huynh đệ đồng tu ở giáo đoàn khất sĩ, đến cầu pháp thọ giới bên giáo đoàn Phật giáo Nguyên thủy. Vào dịp này, có các giới tử theo Hòa thượng Thiện Luật sang Campuchia tu học đạo pháp, Ngài liền tháp tùng đi theo, tinh cần tu tập.

Mùa xuân năm 1950, Ngài được Hòa thượng Vĩsuddhiransĩ làm Thầy tế độ thọ giới Tỳ khưu, dưới sự tuyên ngôn của vị Thầy Yết ma Candavijira và chư Tăng tham dự rất đông. Hòa thượng tế độ ban cho Ngài pháp danh Dhammasàro tức là Pháp Vĩnh. Sau khi thọ giới Tỳ khưu, Ngài chú tâm hành đạo và làm tròn phận sự của một đệ tử đối với Thầy Tổ.

Năm 1955, sau 5 năm tu học ở nước ngoài, Ngài được phép trở về quê hương hoằng dương đạo pháp và được mời làm thành viên trong Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng Già Nguyên thủy Việt Nam, khi Giáo hội được thành lập vào năm 1957.

Cuối năm 1957, Giáo hội cử Ngài về quê hương Bình Định để hoằng pháp. Nơi đây, từ trước đến giờ chưa có Phật giáo Nguyên thủy, nên có thể nói Ngài là vị Tổ đầu tiên đem sắc thái Nam truyền, giáo lý Phật giáo Nguyên thủy về mảnh đất này, mở rộng công việc giáo hóa độ sanh. Vốn là người sống trong địa phương này từ nhỏ đến lớn, Ngài rất thấu hiểu các phong tục tập quán, nên việc truyền bá giáo pháp không gặp nhiều trở ngại. Đi đến đâu, dân chúng, Phật tử đều nhiệt tâm ủng hộ, quy thuận theo lời giảng dạy của Ngài.

Năm 1958, đức hạnh của Ngài càng được nhiều người biết đến, tín đồ khắp nơi ngưỡng mộ rất đông. Trước nhu cầu đó, Ngài cùng Phật tử kiến tạo chùa Phước Quang tại thôn Văn Quang, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định để tiện việc giáo hóaphụng sự tín ngưỡng.

Những năm sau đó, Ngài tiếp tục duy trì sứ mạng hoằng dương chánh pháp ngay tại địa phương, đồng thời mở mang thêm các chùa cảnh trong tỉnh. Năm 1964, Ngài thành lập Niệm Phật đường ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước – Bình Định. năm 1965, thành lập chùa Huệ Quang, số 16 Nguyễn Huệ, thành phố Quy Nhơn – Bình Định.

Lúc này, tuổi Ngài đã cao, thân tứ đại suy yếu dần, nhưng Ngài vẫn thường xuyên giảng dạy đệ tử, thuyết pháp cho tín đồ. Nhiều giới tử xuất gia được Ngài tế độ, dìu dắt nay trở thành những bậc Tăng tài của Giáo hội trong và ngoài nước.

Đã đến lúc duyên cõi này trọn phước, quả cõi khác đón chờ. Ngài an nhiên thị tịch vào lúc 5 giờ sáng ngày 25 tháng 12 năm Đinh Tỵ 1977, trụ thế 86 tuổi, với 32 năm xuất gia hành đạo.

Cuộc đờisự nghiệp tu hành phổ độ chúng sinh của Ngài thật bình dị trong sáng, một niệm vì quê hương, đất nước, vì đạo pháp, con người. Ngài đã có công lớn trong việc khai phá, phát triển Hệ phái Phật giáo Nguyên thủy ở tỉnh Bình Định, góp phần bồi đắp cho mảnh đất này sắc thái đa dạng của ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam ngày thêm phong phú


HÒA THƯỢNG
THÍCH GIÁC NGUYÊN
(1877 – 1980)

Hòa thượng Thích Giác Nguyên, pháp danh Trừng Văn, pháp tự Chế Ngộ, pháp hiệu Giác Nguyên. Ngài thế danh Đặng Văn Ngộ, sinh năm Đinh Sửu (1877) tại làng Phủ Trung, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, thân phụ là cụ ông Đặng Văn Gần, thân mẫu là cụ bà Cù Thị Tộ thuộc gia đình nhân đức hiền lương.

Ngài sinh ra trong một gia đình đạo đức truyền thống lâu đời. Năm lên 6 tuổi đã mồ côi cha mẹ, Ngài phải nương tựa dưỡng phụ là một vị quan Thái giám thời bấy giờ tên là Nguyễn Đình Huề (Hữu).

Lúc còn nhỏ, Ngài thường theo dưỡng phụ lên chùa Từ Hiếu, một nơi ký tự hương hỏa của các vị Thái giám triều đình, để thắp hương, lễ Phật. Như có duyên lành từ nhiều kiếp, Ngài cảm thấy mến mộ cảnh thiền môn, và xin phép dưỡng phụ được xuất gia học đạo. Dưỡng phụ Ngài vui lòng chấp thuậntích cực hỗ trợ cả tinh thần vật chất cho Ngài trên bước đường tu học.

Mùa xuân năm Tân Mão (1891), Ngài xin thế độ xuất gia với Hòa thượng Tâm Tịnh tại chùa Từ Hiếu. Sau 5 năm học đạo, năm Bính Thân (1896), Ngài chính thức được Hòa thượng Tâm Tịnh hứa khả làm trưởng tử và được thọ giới Sa di với pháp danh Trừng Văn, tự Chí Ngộ. Những pháp đệ của Ngài là quý Hòa thượng Giác Viên; Giác Tiên; Giác Nhiên (đệ nhị Tăng Thống giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất); Giác Hạnh; Giác Hải; Giác Bổn; Giác Thanh (Hòa thượng Đôn Hậu).

Năm Quý Mão (1903), Hòa thượng Tâm Tịnh nhường chùa Từ Hiếu lại cho môn phái, Ngài theo Bổn sư đến lập thảo lư mang tên Thiếu Lâm Am trên ngọn đồi phía Nam - đàn Nam Giao thuộc thôn Thuận Hòa, xã Thủy Xuân để tịnh tu đạo nghiệp.

Năm Canh Tuất (1910), Ngài thọ Cụ túc giới tại Giới đàn chùa Phước Lâm ở Hội An do Tổ Vĩnh Gia làm Đường đầu Hòa thượng, được đắc pháp lúc 33 tuổi hiệu là Giác Nguyên. Tăng chúng đương thời đã suy tôn Ngài làm Thủ tọa chùa Tây Thiên, đến khi Hòa thượng Tâm Tịnh viên tịch, Ngài được kế thừa chức trụ trì để hưng long Phật pháp và hướng dẫn đồ chúng. Với trách nhiệm mới, Ngài luôn luôn cần mẫn, giới đức tinh nghiêm làm gương mẫu trong đại chúng.

Năm Ất Sửu (1925) do đức độuy tín của Ngài mỗi lúc thêm cao, cảm hóa được trên từ vua, quan; đến hàng bao tín đồ Phật tử. Tất cả đã hỗ trợ Ngài xây dựng ngôi thảo am thành một ngôi chùa trang nghiêm “Tây Thiên Tự” để hoằng dương đạo pháp. Năm sau, được sự yểm trợ của nhà vua, Ngài xây dựngan vị tượng đức Phật A Di Đà uy nghi lộng lẫy. Đến đầu niên hiệu Bảo Đại (1926), chùa được ban hiệu là Sắc tứ Tây Thiên Di Đà Tự.

Trên bước đường tu tập, Ngài nổi tiếng là bậc giới đức thanh tịnh, bình dị, khiêm cung và không xao lãng việc giáo hóa độ sanh.

Năm Canh Ngọ (1930), với mục đích đào tạo Tăng tài, truyền thừa Tổ ấn mai sau, Ngài cùng với một số tôn túc, pháp hữu cùng chung chí hướng thiết lập trường Cao đẳng Phật học tại chùa Tây Thiên và cung thỉnh Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp - Bình Định làm Thượng thủ Giáo thọ. Những vị được đào tạo tại đây sau này đều trở thành trụ cột của Giáo hội như Hòa thượng Bích Phong, Đôn Hậu, Trí Thủ, Mật Hiển, Mật Nguyện, Mật Thể, Thiện Trí... đều ở trong hàng lãnh đạo Phật giáo Việt Nam.

Là một trụ trì của Tổ đình, Ngài luôn luôn nêu cao tấm gương đạo hạnh sách tấn hàng Tăng Ni, Phật tử noi theo. Tuy Ngài là vị có vốn học chưa thể so với các bậc đồng tu khác, nhưng lại có trí tuệ minh mẫn, và công phu chuyên trì giới định nghiêm mật. Hàng năm, ngoài ba tháng hạ an cư, Ngài còn kiết Thất tu niệm trong những tháng Thu Đông. Từ năm Kỷ Sửu (1949) đến năm Giáp Ngọ (1954), Ngài phát nguyện liên tục lễ bái “Hồng danh Vạn Phật” và trì tụng Tam Bảo kinh, mặc dù lúc ấy tuổi Ngài quá thất tuần.

Năm Quý Mão (1963) và năm Bính Ngọ (1966), Ngài đã cùng các vị cao Tăng xuống đường tuyệt thực để hướng dẫn cuộc đấu tranh bất bạo động chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo của gia đình nhà Ngô và các chánh quyền kế tiếp. Ngoài ra, Ngài còn làm Giới sư, Chứng minh sư trong các Đại giới đàn cũng như các đại hội Phật giáo toàn quốc tại Sài Gòn lúc bấy giờ.

Phật Đản năm Đinh mùi (1967), Ngài đứng ra lập Tịnh nghiệp đạo tràng Tây Thiên, với sự hỗ trợ và chấp thuận của Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên và miền Vạn Hạnh.

Mặc dù tuổi già sức yếu, hàng ngày Ngài vẫn tinh tấn tu hành, hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tấn tu huệ học. Các đệ tử của Ngài như Hòa thượng Thích Thiện Hỷ, Nhật Liên, Thiện Châu đều là những bậc pháp khí Đại thừa, hiển dương chánh pháp cho đến ngày nay. Đối với tín đồ, Ngài ân cần chỉ bảo thực hành pháp môn trì danh niệm Phật để được vãng sanh tịnh độ.

Đệ tử của Ngài nhiều lần định tổ chức lễ thượng thọ để báo đáp công ơn dạy dỗ trong muôn một, nhưng Ngài đều từ chối và bảo “Hãy dùng số tịnh tài ấy để đúc tượng, sửa chùa, bố thí cho những người nghèo khổ”.

Cuộc đời Ngài cho đến lúc trăm tuổi, không lúc nào không nghĩ đến việc tu hànhlợi lạc quần sanh. Nếp sống giản dị khiêm tốn, tâm hồn trong sáng thanh cao, khiến khắp nơi từ lãnh đạo Giáo hội, các bậc tôn túc Trưởng lão cùng thời, đến hàng tứ chúng môn đồ ai ai cũng đều cảm kích, tôn phục.

Ngày mồng một tháng Giêng năm Canh Thân, tức ngày 16 tháng 2 năm 1980, nhằm ngày đầu năm Tết Nguyên Đán, vào lúc 01 giờ sáng, Ngài đã an nhiên thị tịch, đi về cảnh Phật. Ngài trụ thế 103 tuổi, giới lạp 70 tuổi Hạ.

Hòa thượng Thích Giác Nguyên, sau hơn một thế kỷ làm bậc “xuất trần Thượng sĩ” với sự nghiệp hoằng dương chánh phápphục vụ nhân sinh to lớn. Một bậc chân tu đạo hạnh, một bậc tôn sư từ ái, thường che chở, sách tấn Tăng Ni, Phật tử trên bước đường tu học, vẫn luôn được kính ngưỡng trong lòng mọi người giữa chốn Tùng lâm Phật địa


HÒA THƯỢNG
THÍCH HUỆ HÒA
(1915 – 1980)

Hòa thượng pháp danh Niệm Hòa, pháp tự Hồng Từ, pháp hiệu Huệ Hòa. Ngài thế danh là Huỳnh Văn Nhành, sinh năm Ất Mão (1915) tại xã Bình Chánh, Tam Bình, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang), thân phụ là cụ ông Huỳnh Văn Kiện, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Khuê. Ngài là con thứ mười trong gia đình có nhiều anh em. Gia đình Ngài nhiều đời hấp thụ Nho giáo, hiền lương rất mực, trong gia tộc Ngài có hai vị xuất gia tu Phật.

Thuở nhỏ Ngài thường theo mẹ đến chùa Hưng Long, xã Phú Quý lễ Phật nghe kinh, cũng từ đấy thiện căn sẵn có dần dà kết nụ. Năm 16 tuổi (1929 – Kỷ Tỵ), Ngài phát tâm xuất gia với Hòa thượng Huệ Tiên, chùa Hưng Long, được Hòa thượng hứa khả thế phát và cho pháp danh là Niệm Hòa.

Năm 1932 (Nhâm Thân), lúc này Ngài vừa tròn 17 tuổi, Hòa thượng Bổn sư cho Ngài thọ Sa di giới tại trường Kỳ chùa Minh Đức, xã Phú Túc, Bến Tre.

Năm 1933 (Quý Dậu), Ngài sang Mỹ Tho nhập chúng học kinh luật tại chùa Vĩnh Tràng dưới sự giảng dạy của Hòa thượng Quảng Ân, tọa chủ chùa Linh Phước – Phật Đá.

Năm 1934 (Giáp Tuất), Ngài sang Sa Đéc cầu pháp với Hòa thượng Chánh Thành chùa Vạn An, được Hòa thượng cho pháp hiệu là Huệ Hòa, húy Hồng Từ. Sau đó Ngài ở lại đây tu học, cũng trong năm này Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới.

Năm 1936 (Bính Tý), bổn đạo chùa Hưng Lâm xã Giao Long (Bến Tre) thỉnh Ngài về trụ trì. Ở đây được một năm, Ngài tiến cử Thầy Quảng Tăng thay thế đảm nhiệm ngôi vị trụ trì chùa Hưng Lâm, còn Ngài sang Mỹ Tho, đến chùa Linh Phong Cổ tự nhập chúng tu học, đạo tràng này do Hòa thượng Kiểu Lợi làm Pháp sư.

Năm 1944 (Giáp Thân), trường gia giáo Linh Phong mãn duyên. Ngài trở về Bến Tre nhập chúng tại trường Phật học Phước Duyên. Trường này do Hòa thượng Hiển Pháp mở ra và Hòa thượng Pháp sư Kiểu Lợi đảm trách giảng dạy, ở trường này, Ngài được bầu làm chánh Duy Na.

Năm 1945 (Ất Dậu), ông bà Hồ Văn Vàng ở xã Phú Nhơn, Bến Tre phát tâm cất một ngôi chùa, kiến trúc cây lá đơn sơn, lấy tên Vạn Phước. Mến mộ đạo hạnh của Ngài, hai ông bà đến chùa Phước Duyên thỉnh Ngài về trụ trì và Ngài đã về đây hóa duyên cho đến lúc cuối đời.

Với đạo đức cao dầy, Phật học uyên thâm, tánh tình hòa nhã, hoan hỷ nên Ngài được bổn đạo gần xa cảm mến quy ngưỡng rất đông, ngôi chùa Vạn Phước ngày càng hưng thịnh. Năm 1959 (Kỷ Hợi), Ngài cho tiến hành tái thiết lại ngôi Tam bảo Vạn Phước, mái ngói nền gạch cao rộng, khang trang.

Mặc dù công việc trụ trìđa đoan nhưng Ngài vẫn đáp lại lòng kỳ vọng của Tăng Ni tỉnh nhà, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Giáo hội giao phó.

Từ năm 1947 đến năm 1955, Ngài giữ chức vụ Chánh Thư ký Giáo hội Tăng Già tỉnh Mỹ Tho.

Năm 1966 đến năm 1971, Ngài lại đảm nhiệm chức vụ Chánh Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Mỹ Tho.

Năm Nhâm Tý 1972, Ngài được Tăng Ni suy cử làm Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Mỹ Tho.

Ngoài những công tác thuần túy Phật sự ra, Ngài còn là người có tinh thần yêu nước rất cao. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, rồi đến chống Mỹ, Ngài luôn âm thầm trợ giúp cách mạng, bằng nhiều hình thức, hoặc tiếp tế lương thực, thuốc men, hoặc bảo mật cơ sở, hoặc che dấu cán bộ v.v... Nhiều cán bộ cao cấp như Hòa thượng Thiện Hào, Hòa thượng Minh Nguyệt, Hòa thượng Pháp Tràng, trong thời kỳ hoạt động kháng chiến từng được Ngài che dấu, giúp đỡ.

Ngoài ra, còn biết bao thanh niên trong lứa tuổi quân dịch được Ngài cưu mang dưới lớp áo tu sĩ, trợ giúp để họ khỏi phải cầm súng chống lại đồng bào, Ngài làm mọi việc với tinh thần vô ngã, từ bi của nhà Phật, nên việc nào Ngài cũng tận tâm tận lực.

Năm 1980 (Canh Thân), Ngài về Tổ đình Hưng Long (Nhị Quý, Mỹ Tho) dự lễ Kỵ Tổ. Lúc trở về, gần đến chùa Linh Phước (Mỹ Tho), Ngài gặp tai nạn xe, nên phải nằm viện một thời gian. Từ đây, sức khỏe Ngài suy yếu dần.

Trong giai đoạn đang nằm dưỡng bệnh ở chùa, Ngài thấy ngôi Giảng đường hư mục quá nhiều, không đành lòng, Ngài sai đệ tử kêu thợ tới tu sửa. Môn nhơn đệ tử thương Ngài nên xin hoãn lại, chờ khi bệnh Ngài thuyên giảm hãy thi công, nhưng Ngài không bằng lòng, nói rằng : “Thân này đau mạnh, đi ở, là chuyện thường. Chùa hư thì phải sửa, sửa rồi ai ở cũng được”.

Thế là Ngài cương quyết thực hiện ý nguyện của mình. Ngày 16 tháng 10 khởi công, được gần một tháng, ngôi Giảng đường sắp sửa hoàn thành, thì Ngài thâu thần thị tịch, vào lúc 8 giờ 30 phút sáng ngày 11 tháng 11 năm Canh Thân (tức ngày 17 tháng 12 năm 1980), Ngài thọ thế 65 năm, giới lạp trải qua 32 mùa Hạ


HÒA THƯỢNG
THÍCH THIÊN ÂN
(1925 – 1980)

Hòa thượng Thích Thiên Ân, thế danh Đoàn Văn An, sinh ngày 22 tháng 9 năm Ất Sửu 1925, tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ của Ngài là Đoàn Mễ, sau xuất giaThượng tọa Thích Tiêu Diêu một bậc tử đạo Vị pháp thiêu thân, thân mẫu là một tín nữ chuyên lo công quả ở chùa Báo Quốctu viện Quảng Hương Già Lam, Ngài là con trai thứ trong một gia đình có 4 anh em.

Ngài xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc, có truyền thống kính tin Phật pháp lâu đời. Nhờ duyên gần gũi Tam bảo từ thuở nhỏ, Ngài đã sớm mến cảnh thiền môn với tiếng kệ câu kinh, nên năm lên 10 tuổi (1935), Ngài theo bước phụ thân xin xuất gia đầu Phật tại chùa Báo Quốc, làm đệ tử của Hòa thượng Phước Hậu, được Bổn sư ban pháp danhThiên Ân, Ngài tinh tấn chấp tác, học tập thiền môn qui tắc, hầu cận sư trưởng.

Năm Tân Tỵ 1941, khi được 16 tuổi, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di tại giới đàn chùa Quốc Ân – Huế, do Hòa thượng Đắc Quang làm Đường đầu truyền giới.

Năm Mậu Tý 1948, Ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn Hộ Quốc Đàn, tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc, do Hòa thượng Tịnh Khiết làm Đường đầu truyền giới. Đồng khóa với Ngài, còn có các vị Minh Châu; Đức Tâm; Minh Tánh...

Năm Giáp Ngọ 1954, với khả năng Phật học và thế học xuất chúng, Ngài được chư tôn đức cho xuất dương du học tại Nhật Bản. Đến nước Nhật, Ngài vào học ở Đại học đường Waseda, là một trường đại học nổi tiếng. Trải qua 6 năm miệt mài đèn sách, Ngài đậu Tiến sĩ Văn Chương vào năm 1960, sau đó Ngài về nước, trong khi chờ Giáo hội bố trí công tác, Ngài nhận lời thỉnh giảng ở các trường đại học.

Năm Tân Sửu 1961, với mơ ước thành lập một viện đại học riêng của Phật giáo. Ngài được lời khuyên của các vị tôn túc lãnh đạo Giáo hội, cần phải trau giồi thêm kinh nghiệm, phương pháp quản lý một đại học Phật giáo có tầm cỡ quốc tế. Vì thế Ngài lại xuất dương để tu nghiệp. Đến Nhật Bản lần này, Ngài đã tìm học pháp môn Thiền Rinzai (Lâm Tế) chính thống của các thiền sư Nhật Bảnthành tựu được sở nguyện này.

Năm Quý Mão 1963, thời cuộc chính trị trong nước đã không thuận lợi như ý định, do sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn đến cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ trên toàn miền Nam Việt Nam. Nặng lòng vì đạo pháp, Ngài bèn trở về nước cùng chư tôn đức lãnh đạo Giáo hộiTăng Ni Phật tử tham gia công cuộc đấu tranh. Ngài bị chính quyền Diệm bắt giam chung với chư tôn đức lãnh đạo trong cuộc tổng tấn công các chùa vào ngày 20 tháng 8 năm 1963, đòn cuối cùng báo hiệu trước sự sụp đổ của một chính quyền bạo tàn.

Năm Giáp Thìn 1964, sau pháp nạn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập. Ngài được cử làm Ủy viên Phật học vụ thuộc Tổng vụ Tăng sự. Ngày 13 tháng 3 cùng năm, Viện Cao đẳng Phật học được thành lập do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Viện trưởng, Hòa thượng Thích Minh Châu làm Phó Viện trưởng, Ngài làm Giáo Thọ trưởng. Thời gian đầu tiên, Viện Cao đẳng Phật học đặt tại chùa Pháp Hội ở đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn, có hai lớp học giảng dạy tại chùa Xá Lợi, quận Ba – Sài Gòn.

Năm Bính Ngọ 1966, Ngài được Cơ quan Văn hóa Á Châu của Liên hiệp quốc mời hợp tác giảng dạy trong chương trình trao đổi giáo sư. Mùa hè năm ấy, Ngài lên đường sang Mỹ quốc, giảng dạy tại Đại học đường Nam California ở thành phố Los Angeles, với tư cách là Giáo sư thỉnh giảng về ngôn ngữtriết học. Tại đây, Ngài được sinh viên yêu cầu dạy phương pháp thực hành thiền định và sau đó lập nên nhóm nghiên cứu Phật học đầu tiên.

Năm Đinh Mùi 1967, sau khi kết thúc chương trình giảng dạy Đại học đường, Ngài dự định sẽ về Việt Nam, nhưng thiền sinh, sinh viên Mỹ thỉnh cầu Ngài ở lại để hướng dẫn tu học. Ngài được xem là vị Tăng sĩ Việt Nam đầu tiên hoằng pháp tại nước Mỹ. Khởi đầu, Ngài thuê một căn hộ ở phía nam đại lộ Vermont – Los Angeles để hướng dẫn sinh viên Mỹ học thiền theo truyền thống Nhật Bản. Do ngày càng đông giới thanh niên Mỹ theo học, Ngài thành lập Trung tâm Thiền học Quốc tế (International Buddhist Meditation Center) tọa lạc tại South New Hampshire – Los Angeles. Ngay từ những ngày đầu thành lập, đã có nhiều sinh viên Mỹ xin xuất gia tu học; nổi bật trong số đó có Sư cô Karuna Dharma, là một Tiến sĩ Phật học, người kế tiếp sự nghiệp của Ngài sau này.

Kế tiếp ba năm sau đó, Ngài xây dựng một ngôi chùa lấy tên là chùa Phật Giáo Việt Nam, ngôi chùa Việt đầu tiên trên đất Mỹ cho cộng đồng người Việt ở California có nơi quy tụ chiêm báitu học.

Tháng 10 năm 1973, Ngài kết hợp với các nhà giáo dục Mỹ, Nhật, Triều Tiên, Tây Tạng, Tích Lan để sáng lập trường Đại học Đông Phương (University of Oriental Studies), một nơi thu hút đông đảo sinh viên Mỹ ghi danh học Phật học, ngôn ngữtriết học phương Đông.

Năm Giáp Dần 1974, Ngài tổ chức Đại giới đàn để truyền giới Tỳ kheo, Tỳ kheo niPháp sư (Nhà truyền giáo cư sĩ 25 giới) cho người Mỹ đến tu học với Ngài. Trong quá trình hoằng pháp ở Mỹ, Ngài quan tâm đến việc đào tạo thêm nhiều Pháp sư cư sĩ, người có thể đi vào mọi tầng lớp xã hội phương Tây để truyền dạy chân lý nhà Phật.

Đầu tháng 9 năm 1980, Ngài cảm thấy pháp thể khiếm an, bác sĩ cho biết Ngài mắc phải bệnh nan y do u não và ung thư gan, nhưng Ngài vẫn tiếp tục miệt mài với công tác hoằng pháp. Trong những tháng cuối cùng của cuộc đời, người ta thường nhìn thấy Ngài ngồi một cách thanh thản trên các bậc thang của tháp chuông, họ cảm phục năng lực tinh thần của Ngài kiên định vượt qua sự cam chịu của tật bệnh.

Ngày 23 tháng 11 năm Canh Thân 1980, Ngài đã viên tịch ở tuổi 75, với 52 Hạ lạp. Ngài ra đi trong sự tiếc thương đưa tiễn của hàng trăm ngàn người Việt tại Mỹ và hàng ngàn thiền sinh người Mỹ học trò của Ngài. Một Thiền sinh người Mỹ nói : “Ngài là sức mạnh, là chỗ dựa trong đời sống tu tập của chúng tôi. Ngài đã dạy chúng tôi biết thế nào là sự vô thường, biến loạn của vạn vật, nhưng chúng tôi không nghĩ là mất Ngài sớm như vậy”.

Trong cuộc đời hoằng pháp lợi sanh, Ngài đã để lại dấu ấn cho đời qua các tác phẩm :

- Phật Pháp (viết chung với 3 tác giả)
- Trao đổi văn hóa Việt – Nhật
- Buddhism and Zen in Vietnam.

Sự nghiệp hoằng pháp của Hòa thượng Thích Thiên Ân được các đệ tử của Ngài kế thừa và phát triển mạnh mẽ trên đất Mỹ. Ngài xứng đáng là một Tăng sĩ Việt Nam tiêu biểu trong số các nhà Sư châu Á đầu tiên hoằng pháp trên đất Mỹ.
 

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: