Thư Viện Hoa Sen

Phần 13

04/06/201112:00 SA(Xem: 8682)
Phần 13

THIỀN SƯ VIỆT NAM

Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh 1992


Thiền Sư NHƯ NHƯ
(TỔ QUẠ)-(Đời thứ 45, tông Tào Động)

Ngài pháp húy Quang Lư, Thích Đường Đường, hiệu Như Như, không rõ năm sanh và năm tịch. Chỉ biết Ngài thuộc hệ phái chùa Hồng Phúc (Hòe Nhai) đời thứ 9 và thứ 45 tông Tào Động. Ngài lập chùa Thiên Trúc (Mễ Trì, Hà Nội) và trụ trì tại đây. Công hạnh của Ngài, chúng ta không thấy ghi trong sử, chỉ thấy trong bài ca của dân gian kể lại công đức của Ngài. Bài ca:
Thuở xưa có Nguyễn Thế Tôn (Trong bài ca câu đầu để “Lê Thế Tôn”, song xét kỹ là “Nguyễn Thế Tôn” đúng hơn. Có lẽ thời Ngài trụ trì vào đời Nguyễn Thánh Tổ (Minh Mạng 1820-1840) nên nói “Nguyễn Thế Tôn”.)
 Trị vì Thiên tử dân an thái bình.
 Làng ta có Tổ chứng minh,
 Ở chùa Thiên Trúc dân tình vẻ vang.
 Nam nữ tráng thọ vinh quang,
 Giàu sang đức độ hiếu trung đôi đường.
 Những khi con bé bận vương,
 Đi ra ngoài đường cày cấy quanh năm.
 Đem con gởi Tổ trông thăm,
 Tổ vẽ một vòng mỗi cháu một ô.
 Chẳng khóc, chẳng bậy, chẳng xô,
 Tới giờ Tổ gọi môn đồ cho ăn.
 Cơm ăn chẳng phải hồ đồ,
 Tổ cho các cháu, quạ xô lại nhiều.
 Tổ thường bố thí cho đều,
 Hằng ngày quạ đến càng nhiều càng đông.
 Tổ đặt tiêu quạ rất công,
 Cơm nào con ấy, một lòng tuân theo.
 Khi ăn Tổ gọi một lèo,
 Xếp hàng răm rắp tuân theo lời Ngài.
 Tổ đem ghi chép một loài,
 Chia ra từng tổ không sai tí nào.
 Mật thám dạo cảnh đi vào,
 Hiên ngang cậy chức quyền cao đó là.
 Hoạnh Tổ tại cớ làm sao,
 Các tên danh sách ghi vào ở đây ?
 Tổ rằng thực tế nói hay,
 Bọn lũ quạ này có nghĩa có trung,
 Vì vậy tôi chẳng phụ lòng,
 Ghi tên để dạy theo lòng từ bi.
 Mật thám tức giận bỏ đi,
 Đem về báo cáo vua thì nghe theo.
 Nghe lời xảo trá nói điêu,
 Bảo Tổ lập điều phản trái nhà vua.
 Sau về bắt Tổ ra tòa,
 Quạ lớn quạ bé biết là bao nhiêu.
 Kêu la ầm ĩ rất nhiều,
 Nhà vua thấy thế khác điều lạ thay !
 Hỏi Tổ, Tổ lại trình bày,
 Nhà vua thấy thế tha ngay cho về.
 Tổ rằng mọi việc đề huề,
 Ai bắt tôi, về nói lại tôi hay.
 Khi người nói lại trình bày,
 Tổ về quạ hết chẳng bay con nào.
 Thực là công đức biết bao,
 Ơn sâu đức trọng kể sao cho bằng.
 Vì vậy tên Tổ tiếng tăm,
 Tên là Tổ Quạ nghìn năm vẫn còn.
 Bút tích ghi rõ màu son,
 Ngày nay kỷ niệm chúng con trình bày.
 Nguyện xin Tổ chứng tâm này,
 Có lầm, có lỗi, Tổ nay xá cùng.
 Chúng con xin dốc một lòng,
 Tu hành tới đạo báo ân cho người.
Đọc bài ca này, chúng ta thấy người dân vùng này kính mộ đức hạnh của Ngài đến độ nào. Ngài tịch ngày 20 tháng 7, tháp hiệu là Quỳnh Trân.
 
 

Thiền Sư AN THIỀN

Ông là tác giả Tam Giáo Thông Khảo. Sách cũng có tên Đạo Giáo Nguyên Lưu, được biên tập vào khoảng giữa thế kỷ thứ mười chín, trong thời gian vua Thiệu Trị còn tại vị. Thiền sư An Thiền trú trì tại chùa Đại Giác ở làng Bồ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sách Tam Giáo Thông Khảo gồm ba quyển. Có lẽ sách được in năm 1845, bởi vì đầu sách có một bài tựa ký tên Nguyễn Đại Phương, viết vào năm 1845.
Quyển thứ nhất nói về đạo Phật, gồm có những mục sau đây:
 1/ Phụng chiếu cầu pháp: Việc du học của Thiền sư Tính Tuyền Trạm Công.
 2/ Bản Quốc Thiền Môn kinh bản: Các bản kinh khắc ở Việt Nam.
 3/ Đại Nam Thiền Học Sơ Khởi: Khởi thủy Thiền học Việt Nam.
 4/ Đại Nam Phật Tháp: Các tháp Phật ở Việt Nam.
 5/ Vô Ngôn Thông truyền pháp: Thiền phái Vô Ngôn Thông.
 6/ Danh chấn triều đình: Các cao tăng nổi tiếng ở triều đình.
 7/ Lê Triều Danh Đức: Các cao tăng đời Tiền Lê.
 8/ Lý Triều Danh Đức: Các cao tăng đời Lý.
 9/ Trần Triều Danh Đức: Các cao tăng đời Trần.
 10/ Tỳ-ni-đa-lưu-chi truyền pháp: Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi.
 11/ Tuyết Đậu truyền pháp: Thiền phái Thảo Đường.
 12/ Những việc thần bí liên quan đến các Thiền sư Việt Nam qua các triều đại.
 13/ Danh từ Phật học và các thần thoại Phật giáo ở Trung Hoa và Việt Nam.
 Quyển thứ hai và quyển thứ ba nói về Khổng và Lão giáo.
 
 

TÔNG LÂM TẾ TRUYỀN SANG MIỀN BẮC VIỆT NAM
(ĐÀNG NGOÀI)
Hòa Thượng CHUYẾT CÔNG
(1590 - 1644)-(Đời pháp thứ 34, tông Lâm Tế)

Sư quê ở Tiệm Sơn tỉnh Phước Kiến, Trung Hoa. Mẹ Sư nằm mộng thấy từ rốn mọc lên một hoa sen, rồi có thai Sư. Sư ở trong thai mẹ đến ba năm mới sanh. Thuở bé, Sư thông minh dĩnh ngộ, học thông cả ngũ kinh tứ thơ. Kế đi xuất gia lão thông tam tạng giáo điển.
Ban đầu Sư đến tham vấn với Trưởng Lão ở Tiệm Sơn. Trưởng Lão hỏi:
- Ngươi tạo sự nghiệp gì ?
Sư thưa:- Giúp vua cứu dân.
Trưởng Lão khen:
- Lành thay ! Đây là chí xung thiên, song chẳng qua còn tham danh lợi. Lão sẽ cố gắng xem.
Sư do luận về công danh được tỉnh ngộ.
Sau Sư đến yết kiến Hòa thượng Tăng Đà Đà ở Nam Sơn. Hòa thượng thấy Sư thông minh mẫn tiệp bèn hứa nhận. Ngài bảo chúng rằng: “Ngày khác ta sẽ nhường chỗ cho kẻ này, y sẽ bước khỏûi đầu sào trăm trượng.” Ngài bèn đem yếu chỉ tâm tông dạy cho Sư.
Sau khi Sư đắc pháp vân du khắp nước, giáo hóa mười phương. Học giả đương thời đều quí kính Sư. Danh tiếng của Sư vang khắp tùng lâm.
Sư sang Việt Nam đến kinh thành Thăng Long năm 1633, thầy trò ở lại chùa Khán Sơn và bắt đầu giảng dạy Phật pháp. Người đến học gồm cả Hoa và Việt. Sau thời gian, Sư dời về chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, cách kinh thành khoảng ba mươi cây số. Trong thời gian giáo hóa ở đây, Sư được chúa Trịnh Tráng rất quí mến, xem như bậc thầy. Vua Lê Huyền Tông và các bậc công hầu cũng đều rất kính trọng. Thời gian sau, vì chúa Trịnh Tráng muốn có thêm kinh điển Phật giáo để lưu hành trong nước, cho nên Sư sai đệ tửMinh Hành trở về Trung Hoa để thỉnh kinh. Những kinh điển thỉnh về được an trí tại chùa Phật Tích.
Sau khi Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc Diệu Viên hiệu Pháp Tánhcông chúa Trịnh Thị Ngọc Duyên Diệu Tuệ xuất gia tại chùa Phật Tích, chúa Trịnh Tráng bắt đầu cho trùng tu lại chùa Ninh Phúc cũng gọi là chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc tỉnh Hà Bắc). Khi việc trùng tu hoàn tất, Sư được mời về trụ trì chùa Ninh Phúc cho đến khi viên tịch.
Việt Nam, Sư giáo hóa được những đệ tử cốt cán như Thiền sư Minh Lương (người Việt), Minh Hành (người Hoa) v.v... xứng đáng hàng tiếp nối ngọn đèn chánh pháp.
Khi sắp tịch, Sư gọi chúng lại nói kệ dạy:
 Tre gầy thông vót nước rơi thơm
 Gió thoảng trăng non mát rờn rờn
 Nguyên Tây ai ở người nào biết?
 Mỗi chiều chuông nổi đuổi hoàng hôn.
 Sấu trúc trường tùng trích thúy hương
 Lưu phong sơ nguyệt độ vi lương
 Bất tri thùy trụ Nguyên Tây tự
 Mỗi nhật chung thanh tống tịch dương). [Bài kệ này có thấy trong Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quí Đôn do Hương Hải Thiền Sư đọc dạy chúng. Hai bên chỉ khác nhau có ba chữ. Ở đây câu một chữ Thúy bên kia chữ Thủy, câu ba Nguyên Tây tự, Hư Thanh tự]
Nói kệ xong, Sư bảo đại chúng
- Nếu ai động tâm khóc lóc không phải đệ tử của ta.
ngồi yên thị tịch, mùi hương lạ đầy chùa cả tháng mới tan.
Sư tịch ngày rằm tháng 7 năm Giáp Thân (1644), thọ 55 tuổi. Vua Lê Chân Tông phong hiệu là Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư. Đệ tửThiền sư Minh Hành lập tháp Báo Nghiêm để an trí nhục thân Sư. Trên đỉnh tháp có hình cây bút do Minh Hành dựng.

Theo Dòng Sự Kiện:
Ảnh Nhục Thân Bất Hoại Tổ Sư Chuyết Thuyết ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh
 

Thiền Sư MINH HÀNH
(1596 - 1659)-(Đời pháp thứ 35, tông Lâm Tế)

Thiền sư Minh Hành pháp hiệu là Tại Tại, người phủ Kiến Xương, tỉnh Giang Tây. Sư theo thầy là Thiền sư Chuyết Chuyết sang Việt Nam, đến kinh thành Thăng Long năm 1633, là một cánh tay trợ giúp thầy giáo hóa.

Năm 1644, khi Thiền sư Chuyết Chuyết tịch, Sư thay thế trụ trì chùa Ninh Phúc. Đến năm 1659, Sư tịch, thọ 64 tuổi. Môn đồ xây tháp thờ tại chùa Ninh Phúc, tháp hiệu Tôn Đức.

Sư có hai vị đệ tử là Chân Trú và Diệu Tuệ. Chân Trú trụ trì chùa Hoa Yên, núi Yên Tử, còn Diệu Tuệ trụ trì chùa Phật Tích. Sư có đề bài kệ truyền pháp như sau:
 Minh chân như tánh hải
 Kim tường phổ chiếu thông
 Chí đạo thành chánh quả
 Giác ngộ chứng chân không.
 
 

Thiền Sư MINH LƯƠNG
(Đời pháp thứ 35, tông Lâm Tế)

Sư ở núi Phù Lãng, nghe Hòa thượng Chuyết Công từ Trung Hoa sang, bác thông kinh sử, thấu triệt tâm tông, nên Sư tìm đến tham vấn. Sư hỏi:
- Khi sanh tử đến phải làm sao trốn tránh ?
Chuyết Công đáp:- Chọn lấy nơi không sanh tử trốn tránh.
Sư hỏi:- Thế nào là nơi không sanh tử ?
Chuyết Công đáp:- Ở trong sanh tử nhận lấy mới được.
Nghe nói thế Sư vẫn chưa ngộ.
Chuyết Công bảo:- Hãy lui đi, đợi chiều sẽ đến.
Sư giữ đúng hẹn, chiều lại vào phương trượng.
Chuyết Công bảo:- Đợi sáng mai chúng sẽ vì ngươi minh chứng.
Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ, sụp xuống lạy. Chuyết Công hứa khảtruyền tâm ấn cho.
Sau khi đắc pháp, Sư trở về trụ trì chùa Vĩnh Phúc núi Côn Cương ở Phù Lãng để truyền bá chánh pháp.
Đến khi sắp tịch, Sư truyền pháp cho Thiền sư Chân Nguyên, nói kệ rằng:
 Ngọc quí ẩn trong đá
 Hoa sen mọc từ bùn
 Nên biết chỗ sanh tử
 Ngộ vốn thật Bồ-đề.
 (Mỹ ngọc tàng ngoan thạch
 Liên hoa xuất ứ nê
 Tu tri sanh tử xứ
 Ngộ thị tức Bồ-đề.)
Trao kệ xong, Sư bảo đệ tử: “Nay ta trở về.” Nói dứt lời, Sư thị tịch. Đệ tử xây tháp ở núi Phù Lãng thờ Sư.
 
 

Thiền Sư CHÂN NGUYÊN pháp danh TUỆ ĐĂNG
(1647 - 1726)-(Đời pháp thứ 36, tông Lâm Tế)

Sư họ Nguyễn tên Nghiêm, tên chữ là Đình Lân, mẹ họ Phạm quê ở làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Một hôm, mẹ Sư nằm mộng thấy cụ già cho một hoa sen, sực tỉnh dậy, từ đây biết có mang. Năm Đinh Hợi (1647), tháng 9 ngày 11 giờ ngọ, mẹ sinh ra Sư. Lớn lên theo học với cậu là ông Giám Sinh. Sư rất thông minh, hạ bút là thành văn. Năm 16 tuổi, Sư đọc quyển Tam Tổ Thực Lục, đến Tổ thứ ba là Huyền Quang liền tỉnh ngộ nói: “Cổ nhân ngày xưa dọc ngang lừng lẫy mà còn chán sự công danh, huống ta là một chú học trò.” Sư liền phát nguyện đi tu.
Năm 19 tuổi, Sư lên chùa Hoa Yên vào yết kiến Thiền sư Tuệ Nguyệt (Chân Trú). 

Thiền sư Tuệ Nguyệt hỏi:- Ngươi ở đâu đến đây ? 
Sư thưa:- Vốn không đi lại. 
Tuệ Nguyệt biết Sư là pháp khí sau này, bèn thế phát xuất gia cho pháp danhTuệ Đăng. Sau không bao lâu Tuệ Nguyệt tịch. Sư cùng bạn đồng liêu là Như Niệm phát nguyện tu hạnh đầu-đà đi du phương để tham vấn Phật pháp . Thời gian sau, Như Niệm đổi ý trở về trụ trì chùa Cô Tiên. Sư đi lên chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Cương tham vấn Thiền sư Minh Lươngđệ tử của Chuyết Chuyết. 
Sư hỏi: 
- “Bao năm dồn chứa ngọc trong đãy, hôm nay tận mặt thấy thế nào” là sao ? 
Thiền sư Minh Lương đưa mắt nhìn thẳng vào Sư, Sư nhìn lại, liền cảm ngộ, sụp xuống lạy. Minh Lương bảo:
- Dòng thiền Lâm Tế trao cho ông, ông nên kế thừa làm thạnh ở đời.
Minh Lương đặt cho Sư pháp hiệuChân Nguyênbài kệ phó pháp:
 Ngọc quý ẩn trong đá
 Hoa sen mọc từ bùn
 Nên biết chỗ sinh tử
 Ngộ vốn thậät Bồ-đề.
 (Mỹ ngọc tàng ngoan thạch
 Liên hoa xuất ứ nê
 Tu tri sinh tử xứ
 Ngộ thị tức Bồ-đề.)
Chính vì chỗ ngộ này, sau Sư soạn quyển “Trần Triều Thiền Tôn Chỉ Nam Truyền Tâm Quốc Ngữ Hành” có cả thảy bảy lần nói về “Tứ mục tương cố” (bốn mắt nhìn nhau). Những đoạn như sau:
Đoạn I:
 Tứ mục tương cố nhãn đồng
 Thầy tớ trao lòng, đăng chúc giao huy,
 Bổng đầu cử nhãn ấn tri
 Cơ quan thấu được thực thì tri âm.
Đoạn II:
 Tam thế chư Phật Tổ sư
 Tứ mục tương cố thị cừ thiền cơ.
Đoạn III:
 Hiện ra nhãn nhĩ thanh âm
 Tứ mục tương cố chẳng tâm thời gì ?
 Tâm nguyên không tịch vô vi
 Ngộ được tức thì quả chứng Như Lai.
Đoạn IV:
 Bát tự đả khai bằng nay
 Tứ mục tương cố lộ bày viên dung
 Ấy là mật ấn tâm tông
 Tổ đã truyền lòng chớ có hồ nghi.
Đoạn V:
 Tam thế chư Phật Như Lai
 Tứ mục tương cố muôn đời chứng thân.

Đoạn VI:
 Bảo thực cứu cánh cho hay
 Tứ mục tương cố thực rày ấn tâm.
Đoạn VII:
 Hóa Phật thọ ký vô biên
 Tứ mục tương cố mật truyền tâm tông.
Trong bài “Ngộ Đạo Nhân Duyên” có đoạn Sư viết:
 Một ngọn đèn tâm mắt Phật sinh,
 Truyền nhau “bốn mắt ngó” phân minh.
 Ngọn đèn mãi nối sáng vô tận,
 Trao gởi thiền lâm dạy hữu tình.
 (Nhất điểm tâm đăng Phật nhãn sinh,
 Tương truyền tứ mục cố phân minh.
 Liên phương tục diệm quang vô tận,
 Phổ phó thiền lâm thọ hữu tình.)
Sau khi được tâm ấn rồi, Sư thọ giới Tỳ-kheo. Một năm sau, Sư lập đàn thỉnh ba đức Phật (Phật Thích-ca, Di-đà, Di-lặc) chứng đàn, thọ giới Bồ-tát và đốt hai ngón tay nguyện hành hạnh Bồ-tát. Về sau, Sư được truyền thừa y bát Trúc Lâm, làm Trụ trì chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm, là hai ngôi chùa lớn của phái Trúc Lâm.
Năm 1684, Sư dựng đài Cửu Phẩm Liên Hoa tại chùa Quỳnh Lâm theo kiểu mẫu đài Cửu Phẩm Liên HoaThiền sư Huyền Quang đã dựng trước kia ở chùa Ninh Phúc. 
Năm 1692, lúc 46 tuổi, Sư được vua Lê Hy Tông triệu vào cung để tham vấn Phật pháp. Vua khâm phục tài đức Sư, ban cho Sư hiệu Vô Thượng Công và cúng dàng áo ca-sa cùng những pháp khí để thừa tự. 
Năm 1722, lúc 76 tuổi, Sư được vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng Thống và ban hiệu Chánh Giác Hòa Thượng.
Đến năm 1726, Sư triệu tập đệ tử dặn dò và nói kệ truyền pháp, kệ rằng:
 Bày hiện rõ ràng được suốt ngày,
 Đây là tự tánh mặc phô bày.
 Chân thường ứng dụng sáu căn thấy,
 Muôn pháp dọc ngang giác ngộ ngay.
 (Hiển hách phân minh thập nhị thì,
 Thử chi tự tánh nhậm thi vi.
 Lục căn vận dụng chân thường kiến,
 Vạn pháp tung hoành chánh biến tri.)


Nói kệ xong, Sư bảo chúng: “Ta đã 80 tuổi, sắp về cõi Phật.” Đến tháng mười, Sư nhuốm bệnh, đến sáng ngày 28 viên tịch, thọ 80 tuổi. Môn đồ làm lễ hỏa táng thu xá-lợi chia thờ hai tháp ở chùa Quỳnh Lâm và chùa Long Động, tháp hiệu Tịch Quang. Sư là người khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm.
Tác phẩm của Sư có:
 1/ Tôn Sư Pháp Sách Đăng Đàn Thọ Giới
 2/ Nghênh Sư Duyệt Định Khoa
 3/ Long Thư Tịnh Độ Văn
 4/ Long Thư Tịnh Độ Luận Bạt Hậu Tự
 5/ Tịnh Độ Yếu Nghĩa
 6/ Ngộ Đạo Nhân Duyên
 7/ Thiền Tông Bản Hạnh
 8/ Nam Hải Quan Âm Bản Hạnh
 9/ Thiền Tịch Phú
 10/ Đạt Na Thái Tử Hạnh
 11/ Hồng Mông Hạnh
 12/ Kiến tánh thành Phật.
 

Phụ bản: THIỀN TỊCH PHÚ

Vui thay tu đạo Thích !
Vui thay tu đạo Thích !
Lọ phải thành đô, 
Nào nề tuyền thạch.
Dù ngồi nơi cảnh trí danh lam,
Hoặc ở chốn chùa chiền cổ tích,
Đâu cũng dòng phước đức trang nghiêm.
Đây cũng vốn tu công thiền tịch.
Trước án tiền, đẳng kinh ba bức, tố khảm mã não, xa cừ;
Trên thượng điện, thánh tượng mấy tòa, vẽ vàng san-hô, hổ phách.
Thần Bát bộ Kim Cương đứng chấp, trấn phò vua ai thấy chẳng kinh;
Tượng tam thân bảo tướng ngồi bày, ủng hộ chúa cõi nào dám địch.
Tả A-nan đại sĩ vận sa hoa sặc sỡ vân vi;
Hữu Thổ địa Long thần, mặc áo gấm lổ lang xốc xếch.
Am thờ Tổ, ngói rập gỗ dăm,
Nhà trú tăng, vách vôi tường gạch.
Mấy bức kẻ chữ triện mặc rời,
Bốn bên nhiễu câu lan sóc sách.
Gác rộng thênh chuông đưa vài chập, niệm Nam-mô,nhẹ tiếng boong boong.
Lầu cao tót trống dậy mấy hồi, đọc thần chú khu tang cách cách.
Phướn tràng phan nhuộm vàng khè, lúc gió đưa phất phới nhởn nhơ;
Dù bóng boong dạng đen sì, khi trập mở nhập nhu thì thích.
quân tử cấy trúc ngô đồng,
Đệ trượng phu trồng thông tùng bách.
Trăm thức hoa đua nở kề hiên,
Bảy giống báu chất đầy kẻ ngạch.
Ngào ngạt mùi xạ lan,
Thơm tho hương trầm bạch.
 *
Sãi chưng nay
Mộ đạo tu hành
Xả đường kinh lịch.
Chí dốc nên Phật Tổ siêu thăng,
Lòng nguyện độ chúng sanh trầm nịch.
Đêm đông trường, khi mật niệm, gióng tiếng chuông thánh thót lênh kênh;
Ngày hạ tiết, lúc tụng kinh, nện dùi mõ khoan mau lịch kịch.
Chỉn chuộng một bề đạo đức,
Miệng chẳng hiềm ăn đắng ăn cay;
Vốn yêu hai chữ từ bi, thân nào quản mặc lành mặc rách.
Khi dưa giấm chua lòm,
Bữa canh suông lạt thếch.
Mũ viền sô nhuộm mực đen sì.
Quần áo vải nâu sòng cũ rích.
Tham tài ái sắc, chẳng bao màng thói tục kiêu ngoa;
Cầu đạo xả thân, vốn giữ nếp nhà thiền cục kịch.
Túi để đựng kinh chứa sách, túi nào dùng vóc cải móng rồng;
Dép đi đỡ bụi cách trần, dép chẳng chuộng da tàu hàm ếch.
Gậy nương chống đi dong dặm tuyết, gậy chẳng cầu khúc khuỷu cong queo;
Bầu để đựng chứa nước cam lồ, bầu lọ phải ngòng ngoèo ngốc nghếch.
Quảy bồ tre cầm quạt trúc, nào có hiềm nan cật to đề;
Ngồi chiếu lát tựa giường song, cũng chẳng quản dá ken thưa thếch.
Chơi rừng Nho len lỏi suối khe,
Dạo bể Thích luồn tuôn ngòi lạch.
Trà bát đức sẵn đà lưu loát, chẳng phải lo củi nấu kỳ cầm;
Bánh tam thừa vốn đã chứa chan, nào có nhọc bột đâm thì thịch.
Quả bồ-đề ăn ngọt sớt, muôn kiếp hằng no;
Hoa Ưu-bát ngửi thơm tho, ngàn đời chẳng dịch.
Sang Tây phương bệ ngọc đứng chơi,
Về Đông độ tòa vàng ngồi trịch.
từ bi thênh thênh rộng rãi, mặc sức chở người;
Thuyền Bát-nhã thăm thẳm bao la, dầu lòng độ khách.
Sãi chưng nay
Khuyên đấng đại thừa,
Bảo loài tiểu chích.
May gặp được minh sư đạo đức, một phen liền biết, nào hề chi chữ nghĩa tìm đòi;
Phúc lại thấy tri thức bạn lành, mấy chốc mà nên, lọ là phải văn chương ngóc ngách.
Thích-ca Phật Tổ năng kiến tánh, ngồi Tuyết Sơn, khô khẳng gầy gò;
Di-lặc Tiên Quang bởi vô tâm, đi vân thủy đẫy đà phục phịch.
Đức Huệ Năng bát nguyệt thung phường,
Tổ Đạt-ma cửu niên diện bích,
Thần Quang đoạn tý, lúc còn mê, mặt ngó đăm đăm;
Ca-diếp nhãn đồng, thoắt chốc ngộ, miệng cười hệch hệch.
Dầu người quyết lòng học đạo, hỏi cho hay sừng thỏ lông rùa;
Hoặc kẻ dốc chí chân tu, xem cho biết đầu sò tai ếch.
Khuyên người ở đời đừng bắt chước sự đời, trước không, sau lại về không, nữa luống công nghĩ tiếc khuâng khuâng;
Bảo kẻ có chí phải theo đòi thánh chí, nhân đà tỏ, quả càng thêm tỏ, rồi đắc ý cười riêng khích khích.
 
 

Thiền Sư NHƯ HIỆN hiệu NGUYỆT QUANG
(? - 1765)-(Đời pháp thứ 37, tông Lâm Tế)

Sư sinh ở làng Đường Hào, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, Sư xuất gia năm 16 tuổi tại chùa Long Động ở Yên Tử. Trước khi Thiền sư Chân Nguyên tịch, Sư được truyền y bát Trúc Lâm, kế thế chăm sóc các chùa Long Động, Quỳnh Lâm và Nguyệt Quang

Năm 1730, các chùa Quỳnh Lâm và Sùng Nghiêm dưới sự chăm sóc của Sư được chúa Trịnh Giang trùng tu. Chùa cùng dân ba huyện Đông Triều, Thủy Đường và Chí Linh góp sức vào việc xây dựng lại các chùa này. Gần mười ngàn người làm việc trong suốt một năm mới xây dựng xong hai ngôi chùa lớn này của phái Trúc Lâm. Dân chúng ở ba huyện trên được miễn sưu dịch một năm. Bảy năm sau, chúa Trịnh Giang lại cho đúc một pho tượng Phật rất lớn để thờ tại chùa Quỳnh Lâm.

Năm 1748, Sư được vua Lê Hiến Tông ban chức Tăng Cương, và năm 1757 được sắc phong là Tăng Thống Thuần Giác Hòa Thượng. Đời sống của Sư rất là đạm bạc mà hàng đại thần đến hỏi pháp, Sư ăn mặc rất sơ sài mà các bậc cao tăng thường đến tham vấn. Đồ đệ của Sư hơn sáu mươi vị anh tài, Trụ trì các nơi làm rường cột cho Phật pháp. Thiền sư Tính Tĩnh là vị đệ tử được Sư truyền y bát Trúc Lâm và kế thế chăm sóc các chùa Quỳnh Lâm, Long Động và Nguyệt Quang.

Đến ngày mùng 6 tháng 9 năm Ất Dậu (1765), Sư nhóm chúng từ biệt thị tịch. Môn đồ xây tháp nơi chùa Nguyệt Quang phụng thờ. Hiện nay chùa Nguyệt Quang ở phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
 
 

Thiền Sư NHƯ TRỪNG LÂN GIÁC
(1696 - 1733)-(Đời pháp thứ 37, tông Lâm Tế)

Sư tên Trịnh Thập con của Phổ Quang Vương, sinh ngày mùng 5 tháng 5 năm Bính Tý nhằm niên hiệïu Chính Hòa thứ mười bảy (1696). Trên trán Sư có góc hình như chữ nhật. 

Lớn lên, vua Lê Hy Tông gả công chúa thứ tư cho Sư. Tuy thân sống trong lầu son gác tía, mà tâm hằng gởi gắm trong cửa thiền. Sư có tư dinh tại huyện Thọ Xương ở phường Bạch Mai - Hà Nội, khu đất vườn ao sáu mẫu. Ở sau vườn có gò đất cao chừng bảy tám thước.

Một hôm, Sư sai quân gia đào gò đất ấy xuống tận dưới sâu để làm ao thả cá vàng. Quân gia chợt thấy một cọng sen lớn, đến trình với Sư. Sư cho đó là điềm đi xuất gia. Nhân điềm cọng sen này, Sư liền cải gia vi tự (đổi nhà làm chùa), đặt tên là Liên Tông, viện tên Ly Cấu. Từ đây, Sư quyết chí tham thiền.

Một hôm, Sư dâng sớ xin xả tục xuất gia, được nhà vua chấp thuận. Ngày ấy, Sư đi thẳng đến huyện Đông Triều lên chùa Long Động trên núi Yên Tử đảnh lễ Thiền sư Chân Nguyên Chánh Giác xuất gia. Thiền sư Chánh Giác hiện giờ đã 80 tuổi.

Chánh Giác bảo:- Duyên xưa gặp gỡ, vì sao đến chậm vậy ?
Sư thưa:- Thầy trò hội hiệp thời tiết đến thì gặp.
Chánh Giác bảo:- Trùng hưng Phật Tổ sau này là trông cậy ở ngươi.
Từ đây, Sư ngày đêm nghiên cứu Tam tạng đều được thấu suốt.
Một hôm, Sư đầy đủ oai nghi lên xin ngài Chánh Giác thọ giới cụ túc. Được chấp thuận, thọ giới xong và được truyền tâm pháp rồi, Sư trở về trụ trì tại chùa Liên Tông.
Nơi đây, Sư hoằng hóa rất thạnh, đồ chúng đến tham học rất đông. Do đó lập thành một phái lấy hiệu là Liên Tông.
Năm 37 tuổi, bỗng một hôm Sư bảo đại chúng rằng:
- Giờ qui tịch ta sắp đến. Ta được pháp nơi Hòa thượng Chân Nguyên, sẽ trao lại cho các ngươi, hãy nghe kệ đây:
 Vốn từ không gốc
 Từ không mà đến
 Lại từ không mà đi
 Ta vốn không đến đi
 Tử sanh làm gì lụy.
 (Bản tùng vô bản
 Tùng vô vi lai
 Hoàn tùng vô vi khứ
 Ngã bản vô lai khứ
 Tử sanh hà tằng lụy.)
Sư lại bảo:- Thân khổ tứ đại này đâu thể giữ lâu. 
Nói xong, Sư ngồi an nhiên thị tịch, thọ 37 tuổi. Năm ấy nhằm niên hiệu Long Đức thứ hai (1733). Đồ chúng xây tháp thờ Sư ở ba nơi.
Bình nhật Sư lập chùa Hộ Quốc ở phường An Xá tại bản huyện. Sau lại chọn được Giác Sơn ở Quế Dương tỉnh Bắc Ninh tạo ngôi đại già-lam chùa hiệu Hàm Long. Sau này cho đệ tử Tính Dược trụ trì chùa Liên Tông, Tính Ngạn trụ trì chùa Hàm Long.
 
 

Thiền Sư TÍNH TĨNH
(1692 - 1773)-(Đời pháp thứ 38, tông Lâm Tế)

Sư họ Trần, sinh năm 1692, quê ở Đông Khê, thọ giáo với Hòa thượng Như Hiện nơi chùa Nguyệt Quang. Sư thâm đạt yếu chỉ, ngộ được tâm tông.

Sau, Sư kế thừa trụ trì ở chùa Nguyệt Quang, giáo hóa thịnh hành làm rạng rỡ cho tông môn Lâm Tế. Sư chỉ chuyên tịnh nhất tâm, mà đã xây dựng lại được các ngôi cổ tự, nào Long Động, Phước Quang, Quỳnh Lâm. Sư đã từng làm Hòa thượng cho tám, chín đàn truyền giới. Đệ tử lớn của Sư có đến hai mươi vị Đại đức Trụ trì. Sư hằng giữ luật để bỏ trần về giác, chuyên trì kinh Lăng Nghiêm để thấy tánh sáng tâm.

Đến cuối mùa xuân năm Quí Tỵ (1773), Sư từ giã chúng thị tịch, thọ 82 tuổi.
 
 

Thiền Sư TÍNH TUYỀN
(1674 - 1744)-(Đời pháp thứ 39, tông Lâm Tế)

Sư họ Huỳnh, quê ở Đa Nhất, Võ Tiên, tỉnh Nam Định. Năm 12 tuổi, Sư đến chùa Liên Tông đảnh lễ Thượng Sĩ xin thế phát xuất gia, thọ thập giới. Ở đây sáu năm, Sư chuyên cần học tập, siêng năng hầu hạ không lúc bê trễ.
Một hôm, Thượng Sĩ than với Sư rằng: “Hiện nay nhằm thời mạt pháp, nhân tâm suy đồi, Phật pháp quạnh quẽ, giới luật đã không có người được học. Ngươi nên đi xa cầu chánh pháp để dẹp trừ những tệ đoan, thì còn gì quí hơn !”
 Sư lễ tạ vâng lệnh. Thượng Sĩ tiễn Sư kệ rằng:
 Thiền lâm gương cổ đã chôn vùi
 Vì pháp quên mình có mấy người
 Thiện Tài tham vấn nay còn đó
 Bát tuần hành khước gắng chuyên cần.
 (Thiền lâm cổ kính cửu mai trần
 Vị pháp vong thân kỷ hứa nhân
 Ngũ thập tam tham kim cổ tại
 Bát tuần hành khước dã tân cần.)
Sư tư duy thâm nhập phát thệ nguyện lớn, nghiên tầm kinh luật. Một hôm Sư đến trước Phật Tổ thắp hương lễ bái xong, bạch hết chí nguyện mình lên Phật Tổ cầu chứng giám.
Khoảng niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740), Sư trèo non vượt biển chừng sáu tháng đến núi Đảnh Hồ ở Quảng Châu, Trung Hoa, vào chùa Khánh Vân Đại Thiền, ngụ trọ ngoài tam quan ba tháng. Một hôm, thầy Duy-na đi ra cửa ngoài thấy Sư dung mạo buồn thảm, hỏi rằng: 
- Ngươi từ phương nào đến? Chí cầu việc gì ?
 Sư thưa: 
- Bần tăng ở nước An Nam, đi xa ngàn dặm muốn cầu đại pháp. Không có cơ duyên được mãn nguyện, dám nhờ nhân giả thưa hộ lên Hòa thượng, thật là vạn hạnh cho bần tăng
Thầy Duy-na bẩm hết nguyên do lên Hòa thượng. Hòa thượng bảo: “tốt lắm!” 
Sư được mời vào phương trượng đảnh lễ Hòa thượng Kim Quang Đoan, trình bày hết chí nguyện của mình. Hòa thượng bảo: “Vào tăng đường đi.”
Từ đây, Sư gắng chịu mọi khổ nhọc, chẳng tiếc thân mạng. Phục dịch như thế đến ba năm, trong ba năm này, Sư vừa công tác vừa tu niệm và gắng sức học tập không lúc bê trễ. Khi ấy Sư đã được 25 tuổi, cầu xin thọ giới Tỳ-kheo, Bồ-tát, được Hòa thượng chấp thuận. Lễ truyền giới được tổ chức ngay chùa này, Hòa thượng Kim Quang Đoan làm Hòa thượng trong đàn lễ truyền giới.
Ở Trung Hoa mãn sáu năm, Sư xin phép trở về cố quốc. Khi về, Sư thỉnh được ba trăm bộ kinh luật luận, cả thảy hơn một ngàn quyển. Lúc ra về, Sư đến từ Hòa thượng, Ngài phó chúc kệ rằng:
 Về mà chẳng ngộ
 Ngộ mà chẳng mê
 Tâm không mê ngộ
 Thật ngồi tòa sen.
 (Hoàn nhi bất ngộ
 Ngộ nhi bất mê
 Tâm vô mê ngộ
 Chân tọa liên hoa.)
Sư từ giã đại chúng trở về nước. Về đến thôn Nhân Mục, ở cửa Tam Huyền, Sư hay tin Thượng Sĩ đã tịch ba năm rồi. Sư chở ba tạng kinh để ở chùa Càn An. Tăng Ni trong nước đua nhau đến thỉnh Sư truyền giới lại. Sư là người mở đầu hoằng dương Luật tứ phần. Từ đây Phật giáo nước nhà được trùng hưng rạng rỡ.
Năm 70 tuổi, một hôm Sư bảo đánh chuông nhóm chúng và gọi đệ tử lớn là Hải Quýnh bảo: 
- Đạo của ta được thịnh hành là nhờ ngươi vậy. Hãy nghe kệ đây:
 Đạo cả không lời
 Vào cửa chẳng hai
 Pháp môn vô lượng
 Ai là kẻ sau.
 (Chí đạo vô ngôn 
 Nhập bất nhị môn 
 Pháp môn vô lượng 
 Thùy thị hậu côn.) 
Nói xong, Sư ngồi kiết già thị tịch. Đệ tử làm lễ hỏa táng nhục thân Sư và xây tháp ở hai chùa Hàm Long và Sùng Phước để thờ.
 
 

Thiền Sư HẢI QUÝNH hiệu TỪ PHONG
(1728 - 1811)-(Đời pháp thứ 40, tông Lâm Tế)

Sư họ Nguyễn quê ở thôn Nghiêm Xá huyện Quế Dương tỉnh Bắc Ninh.
Năm 16 tuổi, Sư xuất gia đến chùa Liên Tông đảnh lễ ngài Bảo Sơn Tính Dược xin thế độ. Tính Dược bảo:
- Ngươi thân như mọi rợ đâu kham lãnh đại pháp ?
Sư thưa:- Thân tuy mọi rợ mà tâm đồng Phật Tổ.
Tính Dược bảo:
- Ta hỏi một câu ngươi đáp được thì thế độ cho, bằng đáp không được, cho một tiền đi tìm thiện tri thức khác.
Sư thưa:- Thỉnh Hòa thượng hỏi.
Tính Dược hỏi:- Ngươi là người hay là Phật ? Là thật hay là giả ?
Sư thưa:- Người, Phật vốn không huống là có thật giả.
Tính Dược khen:- Hay lắm ! Ngươi liễu đạo vậy.
Từ đó Sư học vấn càng ngày càng tiến, đạo đức càng ngày càng cao. Sư xin thọ giới cụ túc, về sau đi đứng nằm ngồi đều không rời tâm đạo. Trọn đời Sư không đến chỗ quyền quí. Bốn chúng đệ tử hơn ba trăm người.
Năm 84 tuổi, một hôm Sư bảo chúng đánh chuông gọi đệ tửĐại sư Tịch Truyền đến dạy: 
- Giờ qui tịch của ta đã đến, trao kệ cho ngươi đây.
 Các pháp không tướng
 Chẳng sanh chẳng diệt
 Bởi không chỗ được
 Là thật Phật nói.
 (Chư pháp không tướng 
 Bất sanh bất diệt 
 Dĩ vô sở đắc 
 Thị chân Phật thuyết.) 
Nói xong, Sư ngồi yên lặng thị tịch. Đại chúng hỏa táng lượm linh cốt xây tháp thờ ba chỗ là Hàm Long, Liên Tông và Nghiêm Xá. Khi ấy nhằm niên hiệu Gia Long thứ mười (1811).

Tạo bài viết
14/04/2020(Xem: 8606)
24/02/2020(Xem: 5579)
02/11/2019(Xem: 5785)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: