Sơ Lược Tiểu Sử Đức Pháp Chủ Hòa Thượng Thích Giác Nhiên

19/09/20164:24 CH(Xem: 23735)
Sơ Lược Tiểu Sử Đức Pháp Chủ Hòa Thượng Thích Giác Nhiên

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
ĐỨC PHÁP CHỦ HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC NHIÊN
Đệ tử Thiện Phúc viết để tưởng niệm Thầy Bổn Sư nhân dịp lễ giỗ đầu của Ngài

thich giac nhienĐại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, thế danh Nguyễn Thành Được, tên trên giấy tờ là Nguyễn Văn Ất, sinh ngày 12 tháng 11 năm 1923 tại huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, Nam Việt. Cụ thân sinh ngài là Nguyễn Hữu Huờn, bà thân mẫu là Ngô Thị Sang (đều đã qua đời). Gia đình có năm người con, Ngài là con trai út trong gia đình. Lúc còn nhỏ tuổi, Ngài đã tỏ ra rất thông minh, hiền lànhhiếu thảo, nên được mọi người thương mến.

Năm 1931, khi vừa 8 tuổi, sau khi ông thân sinh qua đời, Ngài đã ý thức giác ngộ cuộc đời là giả tạm, kiếp con người là sống gởi thác về, nên Ngài đã phát nguyện quy y đầu Phật, giữ gìn trai giới, thúc liễm thân tâm và trau dồi đạo hạnh. Ban đầu Ngài được đức Tôn Sư Minh Trí ban cho Pháp danh là Thích Minh Châu.

Năm 1939, khi vừa tròn 16 tuổi, Ngài thọ giới với Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Phụng và được Ngài ban Pháp danh là Thích Minh Tâm, Pháp hiệu Tánh Chơn. Sau khi Hòa Thượng Minh Phụng viên tịch, Ngài vẫn tiếp tục tinh chuyên tu hành theo giáo pháp của Thầy.

Đến cuối năm 1951, Ngài đi đến Vĩnh Long học đạo với đức Tổ Sư Minh Đăng Quang, thực hành theo hạnh Du Tăng Khất Sĩ, nối truyền Thích Ca Chánh Pháp. Kể từ đó, Ngài tinh tấn tu hành theo Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ, nghĩa là hành theo Chánh Pháp Chơn Truyền mà đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni đã để lại.

Năm 1952, Ngài được Tổ Sư thọ ký và ban Pháp danh là Thích Giác Nhiên, được cạnh kề với đức Tổ Sư và được Đức Ngài điểm đạo, giáo hóa và chỉ dạy cho những pháp tu hằng ngày. Nhờ vậy mà chẳng bao lâu sau đó, Ngài đã trở thành một vị Giảng Sư lỗi lạc. Ngài đã theo chân Tổ Sư đi hành đạo khắp cùng mọi nơi, cho đến ngày mồng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ, 1954, là ngày Đức Tôn Sư vắng bóng. Kể từ đó, Ngài vẫn tiếp tục bước đường sứ mạng mà Đức Tôn Sư đã ân cần dạy bảo và trao phó.

Rằm tháng bảy năm Ất Mùi, 1955, dười sự dẫn dắt của Nhị Tổ Giác Chánh, Pháp Sư thọ giới Cụ Túc Giới Tỳ Kheo tại Tịnh Xá Ngọc Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ.

Từ năm 1956 đến năm 1957, Ngài tiếp tục dẫn đoàn Du Tăng Khất Sĩ đi hành đạo khắp mọi nơi và khai mở đạo tràng trên khắp các nẻo đường đất nước từ Cà Mau ra tận đến Huế, Quảng Trị và Đông Hà.

Đến năm 1958, Ngài thành lập Giáo Đoàn Bốn. Những ngôi Tịnh Xá mà Ngài đã một thời khai sơn hiện vẫn còn và được hàng đệ tử của Ngài phát triển rất mạnh như Tịnh Xá Trung Tâm, tọa lạc trong quận Bình Thạnh, nguyên là trụ sở của Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam; Pháp Viện Minh Đăng Quang sát bên xa lộ Biên Hòa, nay thuộc quận 2. Ngài còn lãnh trách nhiệmTri Sự Trưởng kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp, đồng thời Ngài tiếp tục dẫn đoàn Du Tăng đi hành đạotiếp tục xây dựng trên 30 ngôi tịnh xá mới.

Sau khi Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang vắng bóng, Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam đã phát triển nhanh hơn trên một bình diện rộng hơn từ khắp các miền Nam Việt ra tận Bắc Trung Việt với hàng triệu triệu tín đồ. Vì nhu cầu phát triển hành đạo cấp thiết này, mà Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam đã phải phân chia nhiệm vụ hoằng hóa cho chín giáo đoàn, trong đó gồm sáu giáo đoàn Tăng và ba giáo đoàn Ni. Lúc đó Pháp Sư Thích Giác Nhiên đảm nhận chức vụ Trưởng Giáo Đoàn Bốn, lấy Pháp Viện Minh Đăng Quang trong tỉnh Biên Hòa làm trụ sở chánh.

Đến năm 1960, Ngài được Giáo Hội đề cử lên nhiều chức vụ: Tổng Trị Sự Trưởng Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam, kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp, và Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Xã Hội. Tuy phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo Hội, nhưng Ngài đã hoàn tất mọi Phật sự được giao phó một cách hoàn mãn.

Đến năm 1964, Ngài được Giáo Hội đề cử chức vụ Viện Trưởng Viện Hành Đạo Trung Ương kiêm luôn ba tổng vụ như trước. Năm 1965, Ngài mở Viện Truyền Giáo để đào tạo Tăng tài cũng như các giảng sư ưu tú cho việc hoằng pháp lợi sanh. Trong chức vụ Viện Trưởng Viện Hành Đạo, Ngài đã cố gắng phát triển về mọi mặt từ việc in ấn kinh sách giáo lý phổ biến trên khắp các nẻo đường đất nước, cho đến việc đào tạo Tăng tài. Sau nhiều năm cật lực làm việc, năm 1966, Ngài đã vận động thành công trong việc thành lập Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam. Kể từ đó Giáo Hội đã chính thức có được tư cách pháp nhân như một Hệ Phái Phật Giáo tại miền Nam Việt Nam, ngang hàng với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Trong lần đại hội đầu tiên của Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam, chư Tăng Ni đã đề cử Ngài tiếp tục làm Tổng Tri Sự Trưởng kiêm Tổng Vụ Trưởng các Tổng Vụ: Tăng Sư, Hoằng PhápTừ Thiện Xã Hội. Ngài đã hoàn tất những nhiệm vụ quan trọng này trong hai nhiệm kỳ. Cũng chính trong khoảng thời gian này, Ngài đã cho kết tập lại 69 quyển Chơn Lý của Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang, và đồng thời chính Ngài đã viết rất nhiều bộ sách giáo lýgiá trịvô cùng bổ ích cho quần sanh như quyển Pháp Môn Tọa Thiền, Tứ Kệ Tỉnh Tâm, Ánh Nhiên Đăng, Thương Nhớ Mẹ Hiền, Tiếng Lòng Người Hiếu Tử, vân vân.

Trong thời gian còn ở tại quốc nội, Ngài đã không ngừng chu du khắp nơi thuyết pháp độ sanh. Ngoài những công tác Phật sự ra, Ngài còn tận tâm làm rất nhiều công tác xã hội từ thiện như cứu trợ nạn nhân bảo lụt, thiên tai hỏa hoạn; đồng thời Ngài và nhiều đệ tử của Ngài thường đi đến các bệnh viện và khám đường để ủy lạoan ủi những người đau khổ. Chính vì thế mà Ngài luôn được sự nhiệt tình ủng hộ của đại đa số đồng bào Phật tử, và cũng chính vì thế mà nhiều vị đã tán tụng Ngài với danh hiệu là "Vua Cứu Trợ."

Từ ngày Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang vắng bóng đến đầu năm 1975, liên tục trên 20 năm, Ngài đã tích cực nối tiếp Tổ Thầy, hoằng dương chánh pháp song song với việc đào tạo rất nhiều Tăng tài cho hệ phái Khất Sĩ.

Năm 1972, Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam tổ chức Đại Hội kỳ 3, chư Tôn Đức trong Giáo Hội quyết định thành lập thêm hai viện: Viện Chỉ Đạo và Viện Hành Đạo. Ngài được chư Tôn Giáo phẩm trong Giáo Hội đề cử kiêm nhiệm thêm chức vụ Viện Trưởng Viện Hành Đạo.

Sau năm 1975, tại quốc nội, Trưởng Lão Giác Chánh tiếp tục lãnh đạo Giáo Hội. Trong khi đó, do nhu cầu hoằng pháp nơi hải ngoại, Pháp Sư Giác Nhiên, trưởng Giáo đoàn 4, đã quyết định xuất ngoại, dầu lúc đó tại quốc nội đang rất cần sự lãnh đạo của Ngài. Sau khi hoàn tất việc dẫn dắt và bàn giao trọng trách lại cho đàn hậu bối trong quốc nội, tháng 7 năm 1978, Ngài bắt đầu cuộc hành trình xuất dương hoằng hóa. Đầu tháng 8 năm 1978, Ngài đến Mã Lai, và đến Mỹ Quốc vào ngày 24 tháng 2 năm 1979.



Đầu năm 1980, Ngài thành lập Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới. Từ đó đến nay, Ngài đã không ngừng chu du khắp thế giới, vừa thuyết pháp độ sanh, vừa kiến tạo đạo tràng tịnh xá cho chư Phật tử có nơi chốn tịnh tu. Trong những hoạt động hoằng pháp hằng ngày của Giáo Hội tại hải ngoại, tuy phải sinh hoạt trong những hoàn cảnh nghiệt ngã, Ngài đã luôn dẫn dắt và khuyến tấn hàng Phật tử xuất giatại gia trong Giáo Hội tiếp tục kiên trì phấn đấu, để chẳng những giúp đem lại niềm tinlẽ sống cho đồng bào Phật tử trong xã hội văn minh vật chất, mà còn giúp đỡ rất nhiều cho chư Tăng Ni và Phật tử giữ vững niềm tin nơi Đạo Pháp. Dù trong bất cứ tình huống nào, Ngài vẫn khuyến tấn chư Tăng Ni và Phật tử phải luôn lấy tâm Phật, hạnh Phật, nguyện Phậtđức Phật, làm tâm, hạnh, nguyện và đức của chính Giáo Hội và chính mình trên bước đường hoằng pháp lợi sanh. Dù cho hoàn cảnh có cơ cực thế mấy đi nữa, Ngài vẫn cương quyết phục vụ Đạo Pháp không mệt mỏikhông thối chuyển. Ngài luôn lấy tinh thần từ, bi, hỷ, xả, nhu hòa, nhẫn nhụcbi trí dũng của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni làm kim chỉ nam, hầu ứng phó với mọi tình huống. Tôn chỉ của Ngài là luôn phụng sự, phát triển và truyền bá chánh pháp của Đức Phật, Ngài luôn quyết dung hòa giáo lý của các tông phái Phật giáo để nối truyền Thích Ca Chánh Pháp, mà vẫn phù hợp với truyền thống văn hóa cổ truyền cũng như lối sống hiện đại tại một đất nước mà văn minh vật chất cao tột như Mỹ Quốc. Ngài đã theo gót Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang cũng như các bậc tiền nhân Đinh, Lê, Lý, Trần... đem tinh thần từ bi nhân bản rưới thấm vào lòng mọi người, kể cả những người dân bản địa trên đất Mỹ.

Từ ngày đặt được nền móng Giáo Hội nơi hải ngoại đến nay trong ngót 35 năm, Ngài đã liên tục kiến tạo tịnh xá ở khắp nơi trên thế giới như Canada, các xứ Bắc Âu, và Úc Đại Lợi, vân vân. Ngoài ra, lúc nào Ngài cũng tích cực yểm trợ cả tinh thần lẫn vật chất cho các Phật tử trong và ngoài nước. Ngài đã không ngừng thực hiện các hoạt động từ thiện, giúp đở nạn nhân bão lụt tại Việt Nam cũng như khắp nơi trên thế giới, như sau trận bão Linda tại miền Nam Việt Nam vào năm 1993, Ngài đã tổ chức 8 lần cứu trợ đến tận nơi những nạn nhân đau khổ. Ngoài ra, Ngài luôn luôn bảo trợ chư Tăng Ni mà không phân biệt hệ phái. Và Ngài luôn khuyến tấn đệ tử xuất gia cũng như tại gia: "Chánh Pháp phải được hoằng trì, vì một khi chánh pháp được hoằng trì, chúng sanh được lợi lạc thì tự nhiên tâm hồn con người sẽ thanh thản, tư tưởng sẽ cao thượng và xã hội sẽ thăng hoa đạo đức. Một khi Chánh Pháp được hoằng trì thì cho dầu con người có đang sống trong ganh đua, mâu thuẫn hận thù và những khó khăn thử thách của nền văn minh vật chất hiện tại, chúng ta vẫn là những con người hạnh phúcan lạc."

Bên cạnh đó, Ngài không ngừng biên soạn Pháp Bảo, vì truyền bá Pháp Bảohạnh nguyện hàng đầu của Ngài. Ngài đã tận dụng tất cả thời giờ có được để viết. Từ khi ra hải ngoại, Ngài đã cho xuất bản những tác phẩm đạo nổi tiếng như Tư Tưởng Siêu Nhân, Diệu Lý Đông Phương, Diệu Lý Nhiên Đăng, Diệu Lý Pháp Đăng, Diệu Lý Bảo Đăng, Diệu Lý Bát Nhã, Diệu Lý Chân Như, Diệu Lý Minh Quang, Diệu Lý Tâm Kinh, Diệu Lý Thậm Thâm, Diệu Lý Tĩnh Tâm, Diệu Lý Tu Thiền Định, Diệu Lý Tuệ Đăng.

Ngài viên tịch vào ngày 3 tháng 8 năm 2015 tại Hoa Kỳ, trụ thế 93 năm, hạ lạp 60 năm. Sự viên tịch của Ngài trong lúc này chẳng những là sự mất mát lớn lao đối với chư Tăng Ni, mà còn là một mất mát không gì có thể bù đắp được đối hàng Phật tử tại gia. Một đời hành đạo với gương hạnh thanh cao, Pháp Sư đã hoạt động không ngừng nghỉ, không mệt mỏikhông thối chuyển dầu lúc đến gần tuổi cửu tuần, cho đến vài năm gần đây dầu đã lâm trọng bệnh, Ngài vẫn luôn thao thức cho sự tu hành của đàn hậu bối. Quả Ngài là một tấm gương rạng ngời cho đàn hậu bối chúng ta noi theo vậy!!!   


Ghi Chú: Bài viết này được viết bởi đệ tử Thiện Phúc với hai nguồn chính: thứ nhất từ lời kể của Pháp Sư và thứ hai từ Nhị Tổ Giác Chánh mà Thiện Phúc nghe kể khi đến thăm Nhị Tổ tại Tổ Đình Tịnh Xá Ngọc Viên (Vĩnh Long) vào đầu năm 2002. Dầu đệ tử là hàng hậu bối nhưng cũng có duyên may gặp được Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang (hồi đó bà ngoại thường kêu ngài bằng Đại Đức Minh Đăng Quang) vài lần trước khi Đức Ngài vắng bóng vào năm Giáp Ngọ 1954.

Cơ duyên lớn nhất đối với đệ tử là rất nhiều lần được thấy Đức Tôn Sư dẫn đoàn chư Tăng đi khất thực ngang qua nhà (ngay góc đường Trương Vĩnh Ký và Lý Thường Kiệt, tỉnh lỵ Vĩnh Long) cũng như rất nhiều lần được nghe chính Đức Tôn Sư thuyết giảng tại khu chòm mã Xóm Chày và Xóm Búng, tỉnh lỵ Vĩnh Long, sau này trở thành Tịnh Xá Ngọc Viên. Dầu ngày đó đệ tử không hiểu được chút nào về tôn ý của Tôn Sư, nhưng dư âm của tiếng nói nhẹ nhàng mà cương quyết ấy của Tôn Sư sẽ còn vang dội mãi trong tâm tư của đệ tử.

Còn một kỷ niệm nữa cũng thật đẹp mà đệ tử luôn trân quý suốt đời, đó là những trái chuối và những cái bánh dừa do chính tay Đức Tôn Sư đã trao cho. Đó chính là những duyên lành mà Đức Tôn Sư đã đưa vào hành trang vào đời của đệ tử về sau này.

Một lần nữa, bài này được viết lên để tưởng niệm Pháp Sư Giác Nhiên của một người đệ tử tại gia đã chịu quá nhiều ân đức của Thầy, vì nếu năm 1960 đệ tử không được nghe Thầy về Sân Vận Động Vĩnh Long thuyết giảng (sau này người ta xây Tòa Hành Chánh trên sân vận động này) và năm 1985 không được gặp lại Thầy nơi đất khách quê người, để rồi được Thầy dẫn dắt và dạy dỗ cho đến ngày hôm nay, có lẽ sẽ không có một đệ tử Thiện Phúc biết thương mình và thương người với một cuộc sống an lạc, tỉnh thứchạnh phúc.

Có một điều, từ ngày gặp lại Thầy và sống với cái câu mà Thầy thường nói: "Hổng Sao Đâu Con!" con luôn sống một đời sống biết "chia xẻ" và "buông xả". Đây là tất cả những gì con biết được và muốn viết lên để tưởng niệm Thầy Bổn Sư. Ngưỡng mong chư Tôn Đức trong Giáo Hội cũng như những bậc trưởng lão cao minh niệm tình bỏ qua cho những sai sót nếu có.      
Thành thật biết ơn quý ngài            
Đệ tử Thiện Phúc          
Anaheim, California, United States of America

 
Xem thêm:
Tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên
Nhớ Thầy (Thiện Phúc)








Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.