Cuộc Diện Kiến Với Thiền Sư Trúc LâmCon Đường Giác Ngộ Của Vua Trần Thái Tông

10/12/20215:15 SA(Xem: 3631)
Cuộc Diện Kiến Với Thiền Sư Trúc Lâm Và Con Đường Giác Ngộ Của Vua Trần Thái Tông

CUỘC DIỆN KIẾN
VỚI THIỀN SƯ TRÚC LÂM

CON ĐƯỜNG GIÁC NGỘ
CỦA VUA TRẦN THÁI TÔNG

Như Hùng

 

vua tran thai tong
Vua Trần Thái Tông

Trần Thái Tông, vị hoàng đế đầu tiên của Hoàng triều Trần nước Đại Việt sinh ngày 09 tháng 07 năm 1218 mất ngày 05 tháng 05 năm 1277. Ngài làm vua 32 năm, làm Thái Thượng Hoàng 20 năm, vào khoảng năm 20 tuổi Ngài rời cung điện tìm đến núi Yên Tử bái kiến Thiền sư Trúc Lâm còn có đạo hiệu Viên Chứng, Đạo Viên, với tâm nguyện xuất gia cầu làm Phật. Nhưng do duyên chưa đủ quần thần trong triều tìm đến rước Ngài trở về lại trong cung. Năm 39 tuổi Ngài nhường ngôi vua lên làm Thái Thượng Hoàng một lòng chuyên tâm tu tập, nghiên cứu nội điển và giảng dạy Thiền tông.

 

Tác phẩm đầu tay của vua Trần Thái Tông là cuốn Thiền Tông Chỉ Nam được vua viết vào những năm trên 30 tuổi và hơn 10 năm tính từ lần đầu Ngài diện kiến Thiền sư Trúc Lâm. Tác phẩm hiện đã thất lạc nay chỉ còn lại bài tựa được in trong sách Khóa Hư Lục, trong bài tựa vua tường thuật lại buổi gặp gỡ với Thiền sư Trúc Lâm, trong dịp này Thiền sư đã trao cho vua hai thông điệp vô cùng giá trịlợi lạc. Thông điệp khai mở nội tâm dẫn đến giác ngộthông điệp về an dân trị quốc, nhà vua đã dốc lòng thực hiệnthành tựu trọn vẹn được cả hai thông điệp này một cách xuất sắc.

1. "Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là chơn Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài".

 

2. "Đã làm vua thì không còn có thể theo ý thích riêng mình được nữa. Phải lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mình, phải lấy lòng dân làm lòng của mình. Nay dân đã muốn vua về thì vua không về làm sao được! Duy có việc nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng chút xao lãng mà thôi."

Chặng đường tìm đến giác ngộ của vua Trần Thái Tông, cuộc gặp gỡ vừa hùng tráng và cũng vừa bi hùng, giữa một con người đang bị khổ đau đè nặng, đang rơi vào cảnh cùng đường bí lối, đang giằng co giữa tỉnh với mê, và với một vị Thiền Sư tuệ giác sáng ngời lòng từ bi cao cả, ung dung tự tại sống giữa núi rừng tịch lặng. Khi tìm đến núi Yên Tử bái kiến Thiền sư Trúc Lâm, dù vua Trần Thái Tông đang ở trong một tâm cảnh vô cùng khó khăn không lối thoát, nhưng ý nguyện cầu đạo thì lại hết sức mãnh liệt. Trong nội tâm sâu xa của Ngài lúc bây giờ thì chỉ một lòng cầu làm Phật. "Trẫm đến núi nầy chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác". Nhờ sự khai mở ban đầu của Thiền Sư khiến cho Ngài giật mình tỉnh mộng, với năm chữ “Phật chỉ ở trong tâm” để rồi lịch sử Thiền Tông Việt Nam có một Trần Thái Tông siêu việt tỏa sáng lồng lộng trong sự nghiệp giác ngộ.

 

Mấy chữ đơn sơ mộc mạc từ nơi tuệ giác của bậc Thiền sư, nhưng lại có sức mạnh kinh khiếp có sự lan tỏa không cùng vô tận, làm thay đổi dưỡng nuôi nguồn tuệ mở ra con đường giác ngộ thênh thang cho vua Trần Thái Tông. Câu thiền ngữ vô cùng giá trị đó vượt thời gian vượt bao phong ba bão táp, vựt dậy biết bao tâm cảnh lầm mê, hiển hiện trong từng tâm thức đưa chúng ta đến với giác ngộ. Trở thành công án đánh động khắp chốn thiền môn, ở đó còn là phương pháp thực tập đầy ý nghĩa khai mở nội tâm châm ngòi cho tuệ giác phát khởi. Chính nhờ thông điệp đó nung nấu tác động chuyển hóa từ một Trần Thái Tông bế tắc đau khổ, thành một Thiền sư vĩ đại một vị Bồ Tát giữa đời, thực hành trọn vẹn hạnh nguyện độ sanh cao cả, làm rạng rỡ đất trời Nam.

 

Cuộc trao đổi giữa Thiền sư Trúc Lâm với vua Trần Thái Tông, nếu chúng ta nhìn ở khía cạnh công án, thì đó là công án tuyệt diệu phù hợp với tâm cảnh của ngài Trần Thái Tông lúc bây giờ.“Trong núi vốn không có Phật”. Nếu Thiền sư Trúc Lâm dừng lại ở câu thứ nhất, thì rõ ràng câu đầu tiên là một công án rõ nét, một sự thách đố đánh động trực tiếp vào chính cái thực trạng và tâm cảnh của vua ngay ở lúc này tại nơi đây. Nhưng ở đây Thiền sư Trúc Lâm lại nói tiếp “Phật chỉ ở trong tâm” tức là Thiền sư khai lối mở đường tỏ rõ một cách thẳng thừng, vua không cần tìm kiếm đâu xa ở ngay trong tâm của mình. Không dừng lại ở đó Thiền sư còn tiếp tụcTâm lặng mà biết gọi là chơn Phật”. Thiền sư Trúc Lâm mở bày hiển lộ tất cả, ngài chỉ dạy minh bạch rõ ràng, đưa ra hết phơi bày nội lực lồ lộ và lồng lộng như thế. Ngài không úp mở chẳng hề tạo sự kiếm tìm khai phá bí hiểm gì cả, có sao thì ngài nói vậy thấy sao thì ngài bày biện ra cả. Điều đặc biệt nếu chúng ta phân tích kỷ và tách ra làm ba phân đoạn, thì rõ ràng câu thứ ba còn có tới 3 đề mục công án nữa“tâm lặng” “mà biết” và “chơn Phật”. Như thế Thiền sư Trúc Lâm đã trao cho nhà vua toàn bộ tinh tuý của giác ngộ rồi vậy.

 

Phật tức tâm, tâm tức Phật, Phật tánh Chân như vốn nằm sẵn trong mỗi chúng ta, không cần phải hướng vọng tìm cầu đâu xa. Tự tánh bản giác luôn có mặt trong ta tự bao giờ, nhưng do vì vô minh vọng khởi, lầm lạc mê mờ nên tánh giác chưa có dịp hiển lộ. Một khi lòng lắng tâm không, lặng trong không vướng, khéo léo nhận biết thì cũng là chơn giác. Khi cõi lòng sạch trơn, phiền não khổ đau tham sân si khó có dịp chi phối tác động, lúc ấy bản thể chân như thường tại trong sáng soi tỏ. Chúng ta vận dụng làm sao, nỗ lực như thế nào để cho chân tánh ấy trở mình thức dậy mới là vấn đề quan trọng.

 

Cho cùng, dù chúng ta có gọi đó là công án hay thiền ngữ hoặc điều gì cái gì là gì đi chăng nữa, suy cho cùng cũng chỉ là biên kiến nhị nguyên, những áp đặt sự đặt để gán ghép tùy theo tầm nhìn quan điểm ý thức của chúng ta mà thôi. Điều cần nhất làm sao trong ta có sự tinh cần chuyển hóa vận dụng năng lượng toàn triệt, quật khai nội tại để bùng lên nhịp thở của giác ngộ. Điều rõ ràng ở đây là một thông điệp giác ngộ, lời khai thị để cho vua Trần Thái Tông nương vào đó tự mình tìm thấy giá trị đích thực, tự mình hoàn thiện bản thân hướng đến chân lý cao tột.

 

Ở đó, còn là sự thể hiện rõ nét tấm lòng từ bi vô biên của Thiền sư Trúc Lâm khi trông thấy được tâm trạng khổ đau cùng cực của nhà vua, ngài mở ra một lối thoát rải lòng từ bi, khế hợp cơ lý đúng lúc đúng dịp đúng thời. Thiền sư Trúc Lâm trao ra phương pháp tối ưu, chỉ cho con đường toàn vẹn nhanh nhất hợp lý nhất và cấp thiết nhất để đạt được tánh giác. Và muốn có giác ngộ tất cả đều phải bắt đầu từ nơi chính cái tâm cõi lòng của mình vậy. Ở vào giây phút đó ngay lúc đó tại nơi đó tâm cảnh đó, ngài Trần Thái Tông đã uống được ngụm nước đầu nguồn, nhận chân ra được bản giác thấy rõ được bản tâm của mình, thấu biết bản thể Chân như Phật tánh. Để rồi trong suốt cuộc hành trình còn lại Trần Thái Tông lấy đó làm con đường hướng thượng, khai mở hợp nhất trong sự không cùng vô tận của giác ngộ.

 

Tư Tưởng thiền của ngài Trần Thái Tông cao sâu siêu thoát, chứa đựng tinh ba cốt tủy của giác ngộ, thâu tóm tinh yếu của ba thiền phái lúc bây giờ, nhập vào biển trí tuệ vô tận của Như Lai tạng qua việc hành trì thâm chứng Kinh Kim Cang Bát Nhã. Tất cả nằm trọn vẹn nơi Ngài, hiển thị trong từng ngôn ngữ từng lời từng chữ từng pháp ngữ thâm sâu vi diệu, mở ra phương trời tâm linh cao rộng thay đổi chuyển hóa từng tâm thức. Nổi bật nhất là hai phương pháp thiền tập do ngài chủ xướng: Sáu thời bái sám, gìn giữ sáu căn cho được thanh tịnh và Bốn mươi ba cử niêm tụng công án, đó còn là phương pháp thù thắng hợp nhất thân, khẩu, ý để mở tung cánh cửa giác ngộ.

 

Chúng ta nhìn lại di sản tâm linh, tìm lại chân dung gia phong cốt cách, nhận biết bóng dáng siêu việt hùng vĩ của Thiền sư Trần Thái Tông để thấy rằng: Di sản tâm linh đó vô cùng giá trịtuyệt vời, đáng được tôn vinh xưng tụng, phong cách đó đáng được tôn thờ quy ngưỡng, tư tưởng đó đáng được tự hào trân trọng. Con người và nhân cách Thiền sư vĩ đại của Ngài, với tuệ giác cao dày hương đạo hạnh thơm ngát từng không, tâm hạnh Bồ Tát cao cả đêm ngày lồng lộng tỏa sáng trên bầu trời Đạo Phật Việt, soi đường dẫn bước cho ngàn sau tiếp nối.

 

Cũng như Thiền sư Tăng Hội, Thiền sư Trần Thái Tông đã để lại những văn bản rất xác thực về sự giảng dạy của ngài. Đây là một vị thiền sư cư sĩ với kiến thức về Phật pháp rất uyên bác, và với sự thực tập rất sâu sắc. Ngày nay ở Việt Nam, nếu chúng ta đem ra 1000 vị xuất gia thì chưa chắc đã có một vị có kiến thức Phật pháp uyên bác bằng, và thực tập chín chắn bằng Trần Thái Tông. Nói như vậy để quý vị biết vị thiền sư cư sĩ đó vĩ đại như thế nào”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Truyền Thống Sinh Động Của Thiền Tập, tập 2

 

Thông điệp thứ hai về an dân trị quốc, chính nhờ sự khai mở trí tuệ nơi Thiền họctinh thần nhập thếThiền sư Trúc Lâm đã trao, để rồi sau đó ngài Trần Thái Tông ứng dụng phát huy kết hợp với Nho học trong việc trị quốc. Ngài đã có những đóng góp tích cực cho sơn hà quốc gia xã tắc, làm hưng thịnh hùng mạnh nước nhà, ngàn đời cháu con bao thế hệ tự hào trân quý kính ngưỡng biết ơn. Về kinh tế Ngài chú trọng đến thủy lợi nông nghiệp, cho đào mương dẫn nước, mỗi khi có hạn hán mất mùa thì miễn thuế cho dân, mở kho cứu giúp. Pháp chế quan lệ, Ngài đặt ra lệ cứ 15 năm thì sẽ xét duyệt quan lệ một lần, 10 năm thì thăng tướng một lần, cơ quan nào thiếu chức phó thì quan chánh kiêm nhiệm. Nếu thiếu cả hai thì cử quan khác trông coi tạm, đến kỳ xét duyệt người đủ tài đức mới cho làm chính thức. Về văn hóa giáo dục, Ngài chủ trương cho dựng các trạm quán nước để người dân đi đường có nơi tránh nắng có chỗ nghỉ chân uống nước. Ngài còn góp phần cho sự lớn mạnh của Nho giáo, mở các khoa thi chọn người hiền tài ra giúp nước, dựng Quốc học viện. Ngài cho xây dựng quân đội thiện chiến để giữ gìn bờ cõi từ phía Bắc đến phía Nam, kháng chiến chống quân Mông Cổ.

Trong sách Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thì Sĩ đề cập như sau: “Vua Thái Tông lập ra nhà học, tôn chuộng nghề văn, dựng lên ngôi nhà, giảng tập việc võ, cả văn và võ có vẻ rực rỡ lắm, cho nên có các ông Hán Siêu, Trung Ngạn, Nhật Duật, Ngũ Lão nối nhau xuất hiện, Văn Trinh và Hưng Đạo là bậc danh nho, danh tướng lừng lẫy thời bấy giờ, là kết quả của sự tôn chuộng văn võ đó”.

 

Tất cả đều có sự cải tổ rộng sâu, tấm lòng yêu dân vì dân lo cho dân, đem lại phú cường thịnh trị cho nước nhà, thể hiện tính công bằng, nhân văn dân chủ và sự tôn trọng pháp chế qui định một cách rõ ràng minh bạch. Cuộc diện kiến huy hoàng mở ra sự nghiệp giác ngộ sâu dày, được nhà vua ghi lại trong phần đề tựa tác phẩm Thiền Tông Chỉ Nam.

 

                      Đề tựa tác phẩm Thiền Tông Chỉ Nam

Trẫm thầm nghĩ: Phật không có Nam Bắc, mọi người đều có thể tu cầu. Tánh có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê, để sáng tỏ đường tắt sanh tử, là kinh điển của đức Phật. Đặt mực thước cho đời, làm mô phạm cho người sau, là trọng trách của các bậc Thánh trước (Tổ). Cho nên Lục Tổ nói: "Những bậc Thánh trước (Tổ) cùng Đại sư (Phật) không khác". Nên biết giáo pháp của Phật nhờ các bậc Thánh trước truyền bá ở đời. Nay trẫm đâu không thể lấy trách nhiệm các bậc Thánh trước làm trách nhiệm của mình, giáo pháp của Phật làm giáo pháp của mình.

Vả lại, thuở trẫm còn niên thiếu, có chút ít hiểu biết vừa nghe lời dạy của Thiền sư thì tâm tư lóng lặng, bỗng dưng thanh tịnh, nên để tâm nơi nội giáo, tham cứu Thiền tông, dốc lòng tìm thầy, chí thành mộ đạo. Tuy ý nói hồi hướng đã nẩy mầm, mà cơ cảm xúc chưa thấu suốt.

Năm mười sáu tuổi, Thái Hậu đã chán cõi đời, trẫm nằm rơm gối đất, khóc ra máu mắt, đau đớn nát lòng; ngoài nỗi đau buồn này, đâu rảnh nghĩ việc khác. Chỉ vài năm sau, Thái Tổ Hoàng Đế cũng băng hà, lòng thương mẹ chưa nguôi, nỗi xót cha càng thống thiết, buồn thảm tràn trề khó bề dẹp được. Trẫm nghĩ: Công cha mẹ đối với con, nuôi nấng vỗ về không thiếu điều gì, dù con phải xương tan, thịt nát vẫn chưa đủ đền đáp trong muôn một. Huống nữa, Thái Tổ Hoàng đế khai cơ lập nghiệp rất đỗi gian nan, trị nước giúp đời càng thêm hệ trọng. Người đem đất nước giao cho ta khi còn thơ ấu, khiến ta ngày đêm canh cánh không chút thảnh thơi. Ta lòng riêng tự bảo: trên đã không cha mẹ để nương tựa, dưới ngại chẳng xứng lòng dân mong đợi. Phải làm sao đây? Ta suy đi nghĩ lại: chi bằng lui về ở chốn núi rừng, tìm học Phật pháp để hiểu rõ việc lớn sanh tử, lấy đó đền đáp công ơn cha mẹ, chẳng hay hơn sao? Thế là chí trẫm đã quyết định.

Đêm mùng ba tháng tư năm Bính Thân, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ năm (1242), trẫm đổi y phục đi ra khỏi cửa cung bảo tả hữu rằng: "Trẫm muốn đi dạo để ngầm nghe lời dân, biết được chí dân, mới hiểu thấu nỗi khó khăn của họ". Bấy giờ tả hữu theo trẫm không quá bảy tám người. Giờ hợi đêm ấy, trẫm cởi một ngựa lặng lẽ ra đi; sang sông thẳng về hướng đông, mới nói thực lòng cho tả hữu biết. Tả hữu ngạc nhiên, tất cả đều khóc. Giờ mẹo hôm sau, đến bến đò Đại Than bên núi Phả Lại, sợ có người biết, trẫm lấy áo che mặt qua sông, đi tắt theo đường núi. Đến tối vào nghỉ chùa Tăng Giác Hạnh, đợi sáng lại đi. Leo trèo lặn lội, núi hiểm suối sâu, ngựa mỏi mệt không thể tiến lên được; trẫm bèn bỏ ngựa vin vách đá lần bước, đến giờ mùi mới tới sườn núi Yên Tử. Sáng hôm sau, trẫm trèo thẳng lên đỉnh núi, tham kiến vị đại Sa môn Quốc sư Trúc Lâm. Quốc sư vừa thấy trẫm mừng rỡ, ung dung bảo:

"Lão tăng ở lâu nơi sơn dã, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng cắn hạt dẻ, uống nước suối dạo cảnh rừng, lòng như mây nổi theo gió đến đây. Nay Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, nghỉ đến nơi quê hèn rừng núi, chẳng hay Bệ hạ mong cầu điều gì mà đến đây".

Trẫm nghe nói, hai hàng nước mắt tự trào, đáp lại Sư rằng: "Trẫm còn thơ ấu vội mất hai thân, bơ vơ đứng trên sĩ dân không chỗ nương tựa. Lại nghĩ sự nghiệp các bậc đế vương đời trước, thịnh suy không thường, cho nên trẫm đến núi nầy chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác".

Sư bảo: "Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là chơn Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài".

Bấy giờ ông chú Trần Công, người em họ mà Tiên quân gởi gấm đứa con côi. Sau khi Tiên quân bỏ thế gian và quần thần, trẫm phong làm Thái sư tham dự quốc chính. Nghe tin trẫm trốn đi, ông liền sai tả hữu đi mọi nơi dò tìm tung tích rồi cùng người trong nước lên đến núi nầy.

Gặp trẫm, ông thống thiết nói:"Thần nhận sự ủy thác của Tiên quân, tôn Bệ hạ làm chúa thần dân. Lòng dân trông đợi Bệ hạ như con nhỏ mong đợi cha mẹ. Huống nữa, ngày nay các cố lão trong triều đều là bề tôi thân thuộc, dân chúng sĩ thứ ai cũng vui vẻ phục tùng. Cho đến đứa bé lên bảy cũng biết Bệ hạ là cha mẹ dân. Vả Thái Tổ bỏ thần mà đi, nắm đất trên mồ chưa khô, lời dặn dò còn vẳng bên tai. Nay Bệ hạ trốn lánh vào núi rừng, ẩn cư để mong thỏa chí mình. Như thần nghĩ, Bệ hạ tính kế tự tu thì có thể được, còn quốc gia xã tắc thì sao? Chỉ để lời dạy suông cho đời, chi bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ. Bệ hạ nếu không nghĩ lại, chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không trở về".

Trẫm thấy Thái sư cùng các cố lão quần thần không có ý bỏ trẫm, liền đem lời bày tỏ với Quốc sư. Quốc sư cầm tay trẫm bảo: "Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong Bệ hạ đừng xao lãng".

Vì thế, trẫm cùng mọi người trở về Kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Khoảng hơn mười năm, những khi được rảnh rỗi, trẫm họp các vị kỳ đức để tham cứu thiền, hỏi đạo và các kinh Đại thừa... đều nghiên cứu qua. Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", trong khoảng để quyển xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là "Thiền Tông Chỉ Nam". Năm này, Quốc sư từ núi Yên Tử về kinh, trẫm mời ở chùa Thắng Nghiêm, trông coi việc ấn bản các kinh. Trẫm đem tập sách này trình Sư, Sư xem qua liền tán thán rằng: "Tâm chư Phật ở trọn nơi đây, sao không nhân khắc in các kinh, khắc in luôn để dạy kẻ hậu học".

Trẫm nghe lời này, sai thợ viết chữ chân phương, ra lệnh khắc bản in. Chẳng những để chỉ đường mê cho hậu thế, mà còn muốn tiếp nối công lớn các bậc Thánh nhơn đời trước. Vì thế tự làm lời tựa này”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch

 

Đoạn mở đầu trong bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam với câu “Phật tánh không có Bắc Nam” cho chúng ta thấy được sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Đại thừa Đốn giáo Thiền tông Lục Tổ Huệ Năng (638 - 731) và Pháp Bảo Đàn rất thịnh hành vào thời Lý, Trần. Ngài Huệ Năng xuất thân từ một chú tiều đốn củi và không biết chữ, Ngài thường gánh củi xuống núi trao đổi để lấy lương thực đem về nuôi mẹ. Trong những dịp đi như thế, Ngài có cơ hội nghe vị khách tụng Kinh Kim Cang, có lần Ngài nghe đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” nghĩa là “Đừng trụ vào đâu cả để mà sinh cái tâm”, thì trong nội tâm bừng sáng có chổ sở ngộ. Sau này khi thu xếp được cho mẹ già, Ngài tìm đến chùa Đông Thiền huyện Hoằng Mai để tham bái Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, cuộc diện kiến trao đổi đó trở thành bước nhảy tâm linh siêu việt, từ chú tiều bỗng chốc thành thiền tổ: “Con người tuy có Nam Bắc, Phật tánh lại chẳng có Bắc Nam. Tuy thân mọi rợ này không giống với thân Hòa Thượng nhưng Phật tánh không có gì sai khác”. Thật ra, Lục Tổ tìm đến bái yết Ngũ Tổ là nhằm phơi bày sự giác ngộ để tổ ngắm xem và ấn chứng cho. Lục Tổ được xem là người sáng lập nên Thiền Đốn Ngộ với chủ trương đạt được giác ngộ một cách trực tiếp tức thì nhanh chóng, mà không cần phải đi qua thứ lớp trình tự.

 

Cũng trong bài tựa, hai chữ Phật Tánh được ngài Trần Thái Tông giải thích rõ ràng ở đoạn mở đầu: “Phật không có Nam Bắc, mọi người đều có thể tu cầu. Tánh có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ”. Phật tánh, tánh Phật, tâm Phật bản thể vi diệu của giác ngộ, khả năng thành Phật, lúc nào và bao giờ cũng sẵn có trong chúng ta và mỗi chúng sinh. Nhưng vì vô minh tham sân si che mờ lấp lối, phiền não khổ đau đêm ngày nhiễu loạn, nên tánh chân thật ấy không có dịp trỗi dậy, mãi lạc lối trầm luân trong ba cõi sáu đường. Ngài Trần Thái Tông thường trì tụng Kinh Kim Cang đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” nghĩa là “Đừng trụ vào đâu cả để mà sinh cái tâm” bỗng nhiên tự ngộ. Vậy năng lực của kinh như thế nào khiến cho Lục Tổ Huệ Năng và ngài Trần Thái Tông đều đạt được giác ngộ, trong khi sự có mặt của Lục Tổ trước ngài đến những 580 năm.

 

Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa thường gọi tắt là Kinh Kim Cang, là một bộ kinh liễu nghĩa, ý nghĩa thâm sâu rốt ráo chỉ dành cho những bậc đại căn đại trí nhiều đời tu tập. Trọng tâm của kinh chủ yếu ở chỗ Đức Phật trả lời hai câu hỏi của Tôn giả Tu Bồ Đề: “Phải trụ tâm như thế nào và hàng phục tâm như thế nào?” Nội dung của kinh Đức Phật đề cập đến nhiều vấn đề, chính là giải thích hai câu hỏi trên, câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, được đề cập nhiều nhất. Kinh nói chớ nên trụ nơi sắc thanh hương vị xúc pháp mà sanh tâm, chỉ khi không trụ vào nơi nào cả, không còn nơi nào để bám víu thì bản thể vi diệu của chân tâm mới hiển lộ. Đó cũng chính là con đường quán chiếu sâu xa, hành thâm Bát Nhã, soi thấy năm uẩn đều không, hoàn thành hạnh nguyện rốt ráo cao tột của hàng Bồ Tát. Đúng như lời Quốc sư Trúc Lâm sau khi xem xong “Tâm chư Phật ở trọn nơi đây” vậy.

 

Đọc và chiêm nghiệm hai bài tựa ghi lại bối cảnh và chặng đường tìm đến giác ngộ của Ngài, xuyên qua đó chúng ta thấy được tuệ giác cao sâu thâm diệu, tư tưởng giác ngộ đong đầy dấu ấn vượt thoát, hình thành một Trần Thái Tông uyên thâm siêu việt. Một Trần Thái Tông với hạnh nguyện Bồ Tát chăm lo cho dân cho nước không hề mỏi mệt, hết dạ thủy chung hy hiến cho đạo cho đời. Một Trần Thái Tông với lòng từ bi trí tuệ vô biên soi sáng bến mê bờ ngộ, đưa đường chỉ lối cho chúng ta noi theo tìm về bến giác.

 

              Đề tựa cuốn Kinh Kim Cang Tam Muội

 

Trẫm nghe bản tánh lắng mầu, chân tâm trong lặng, tròn khuyết đều dứt, chẳng phải tánh trí hay tìm được mối manh; tan hợp trọn quên, tai mắt đâu thể dự vào vang bóng; có không chung lại, đạo tục san bằng; sừng sững riêng còn, siêu nhiên không gì ngoài. Đây là trọng yếu tánh Kim Cang vậy.

 

Bởi chúng sanh đã lâu, huân nhiễm nghiệp tập khắn chặt, tuy có thần thức mà bị sóng gió tri kiến lay động, kẻ buông lung hạnh nhớp, che đậy chẳng phải không; người xoay tuệ quang soi sáng rất ít. Bèn khiến bốn phương đổi chỗ, mơ màng hướng về; lối tẽ đã sai, đường chánh thành nhiều ngõ. Bản giác thủy giác đâu rành, chân tâm vọng tâm khó phân biệt. Vàng ròng lẫn trong chất quặng, trăng sáng cùng bụi mù hiện chung. Cố hương, lầm về chốn nào? Diện mục, quên mất bản lai. Trên đường Niết-bàn rất khó tiến lên, hang ổ sanh tử chui vào có lúc. Cho nên thầy ta bậc Năng Nhân chỉ “vô sanh từ nhẫn”; vì thương các khổ đắm chìm nên ôm ấp “tứ hoằng thệ nguyện”; nhọc nhằn da diết “tam tư”. Pháp thân lắng lặng, Báo thân hiện ra, điềm lành hiện rõ ở triều Chu. Chánh pháp đi, Tượng pháp lại, nơi điện Hán mộng thấy người vàng. Ngài Ca-diếp Ma-đằng, Trúc Pháp Lan chở kinh vào, Tây Trúc (Ấn Độ) Chấn Đán (Trung Hoa) mới thông. Kinh chữ Phạn dịch ra văn Trung Hoa sáng tỏ, đổi lá bối viết vào giấy lụa. Biển giáo phô bày mọi trân bảo, nghĩa trời hiện rực các vì sao. Hoặc muốn tăng thêm nơi chưa ổn, hoặc mong bổ túc chỗ còn sót, nối gót theo lối Y Ngô, tiến chân trên đường Lưu Sa. Vượt biển không xa, quyết chí về Trung Quốc. Từ đời Hán bắt đầu, đến nay mở rộng. Nào là: Thiên, Viên, Bán, Mãn không thiếu ở hòm châu. Nào là: Đốn, Tiệm, Thật, Quyền dẫy đầy trong rương báu.

Kinh “Kim Cang Tam-muội”, há chẳng phải là loại viên mãn đốn thật hay sao? Nếu chẳng vậy, sao dùng pháp yếu “vô sanh”, dùng thần thông làm phương tiện. Đại sĩ (Bồ-tát) hỏi nhân xuất thế. Tôn giả (Phật) gieo quả cứu kính. Muốn dẹp trừ có trụ có diệt, trước nên vô tướng vô sanh. Thấy sanh niệm nơi vọng niệm là mờ, khởi thủy giác nơi bản giác là lợi. Chuyển các tình thức vào thức Am-ma-la. Quên đầu không đoái thân mình, duỗi tay dắt về nơi thật tế. Nếu chấp ngoại trần duyên hợp là có, liền bàn Chân tánh vốn không và tam tướng không quan hệ, Tứ thiền làm gì có? Hòa các vị thành vô thượng vị, đùa các dòng thành dòng sông bất nhị. Xoay chuyển vọng tâm biến kế, tiếp nhập thức Như Lai tàng, bao gồm hiển bày một tâm. Người nhân chấp mà mê, như Man, Thục giữ nhau. Người tùy sai mà ngộ, như Lỗ, Tề một lần đổi.

Trẫm xét đức làm chủ cả nước, chăn dắt muôn dân, mỗi khi nghĩ đến gian nan, quên mất sớm tối. Việc tuy hằng vạn, trộm lúc rảnh rang, chăm việc tiếc giờ, học càng tăng tiến. Chữ nghĩa còn ngại chưa rành, đêm đến canh khuya mà vẫn còn chăm học. Đã đọc sách Khổng Tử, lại xem kinh nhà Phật. Kinh này một phen xem, trăm thứ cảm hứng nảy sanh, tìm tòi chỗ thâm áo, ba nhẩm chín suy. Gặm nhấm nghĩa vị, thu thập văn hoa, muốn rõ lời Phật, để giúp ích phần nào cho kẻ hậu học. Lạm đem cái thấy biết cạn hẹp, hầu mở mang cho đàn vượn ngốc. Do đó, diễn tả lòng mình, tự làm chú giải. Tìm áo nghĩa nơi Long cung, dò lời mầu nơi Thứu lãnh, nhỏ từng giọt nước trong nguồn Chánh giác, bồi từng hạt bụi trên đường Chân như. Phát huy u chỉ, mở sáng chân tông, khiến người vừa mở xem, liền thấy nghĩa rõ ràng. Phá giậu phên cố chấp của bọn tà, làm thầy nhóm nghĩa đồ nghi thức. Vọng kiến mênh mang, dần biết hướng chầu phương Bắc, đường mê chi chít, tạm biết lối chánh về Nam. Để làm chỗ nương cho học giả, mới thấy lòng Trẫm không keo sẻn. Cho nên làm lời tựa”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch

Thiền sư Trần Thái Tông viết nguyên một tác phẩm về Kinh Kim Cang Bát Nhã nhưng vì thất lạc nên chỉ còn lại bài tựa. Cho dù là bài tựa, chúng ta vẫn thấy được sức mạnh nội lực giác ngộ, căn trí cao sâu rộng khắp nơi Ngài. Bao nhiêu cốt tủy tinh hoa tròn đầy hiển thị trên từng lời ngôn ngữ, từ nơi tuệ giác vô biên của Như Lai tạng, hiện khởi bi nguyện độ sanh Bồ Tát hạnh cao cả. Ngài ra tay tế độ chúng sanh đang còn lặng hụp, vận dụng năng lượng nhiệm mầu vi diệu của bản thể chân như trùm khắp, đem lại lạc an cho từng tâm thức. Bản tánh của giác ngộ, chân tâm của giải thoát, lúc nào và bao giờ cũng hiện hữu ở trong ta, chờ dịp chúng ta quay về nương tựa. Một khi chúng ta biết nhận chân ra được nguồn cội, đâu là bờ mê bến giác, đâu là “lắng mầu” đâu là “trong lặng” và biết đến khi nào trong ta “tròn khuyến đều dứt” một lòng giữ tâm thanh tịnh hướng nguyện đến chân lý giải thoát cao tột.

Kinh Kim Cang là một bộ kinh liễu nghĩa thượng thừa, đi thẳng vào biển trí tuệ vô tận của Như Lai, chỉ dành cho những bậc thượng căn thượng trí, những người bình thường như chúng ta khó mà lãnh hội, và nếu như trong chúng ta có được tuệ giác thể nhập được phần nào thì kể như chúng ta vượt lên con người bình thường rồi vậy.

 

Tôn giả Tu Bồ ĐềBạch Đức Thế Tôn, nếu có thiện nam tín nữ nào phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thời phải trụ tâm như thế nào, và phải hàng phục tâm như thế nào?” Trong kinh Đức Phật thuyết giảng nhiều lời dạy, chính là để giải thích và làm sáng tỏ hai câu hỏi trên, kinh có những đoạn như:

- Này các Tỳ Kheo, các ông phải biết Pháp của ta nói ra, cũng như thuyền bè, pháp còn phải xả bỏ, huống nữa là phi pháp”.
-
Chẳng nên trụ trước nơi sắc mà sanh tâm, chẳng nên trụ trước nơi thinh, hương, vị, xúc và pháp mà sanh tâm, nên không chỗ trụ trước mà sanh tâm thanh tịnh”.
-
Nên sanh tâm không trụ vào đâu cả”.
-
Này Tu Bồ Đề, tâm quá khứ không có, tâm hiện tại không có, tâm vị lai không có”.

Đức Phật nói bài kệ:

Nếu dùng sắc thấy Ta
Dùng
âm thinh cầu Ta
Người
ấy tu tà đạo
Chắc là không thấy ta”.

Bài kệ cuối trong kinh:

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ
 diệc như điện
Ưng tác như thị quán”
.

 

“Tất cả các pháp hữu vi tức là pháp có sinh có diệt, đều như mộng huyễn, như bọt nước, như hạt sương mong manh hoặc như điện chớp, tức không có gì thật sự vững chắc, nên xem xét nhận thức như thế”. Chơn tâm, vọng tâm, bỏ vọng tìm chơn, tâm không trụ bám, “tâm vô sở trụ”, chớ có trụ tâm vào bất cứ pháp nào nơi đâu, kể cả chơn vọng, có không, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tâm là tất cả tâm tác tạo, chơn tâm cái tâm rộng lớn tròn đầy “viên dung vô ngại”, cái tâm trong suốt trong veo dung chứa cả sơn hà đại địa mà không hề hấn, cái tâm từ vô thủy đến tận vô chung lại không chôn dấu cất chứa một thứ gì. Tâm trống không rỗng lặng hoàn toàn, tâm không tánh không chơn không tư tưởng vi diệu không cùng vô tận của Bát Nhã soi tỏ. Khi quán chiếu sâu xa trực nhận thẳng vào tánh không, đoạn trừ mọi điên đảo vọng tưởng thô tế, xa lìa đoạn tận ngã, ngã sở, pháp chấp ,ngã chấp. Không trụ bám vào bất cứ một cái gì, viễn ly sắc pháp tâm pháp năng sở, từ bỏ tăm tối nhiễm ô rời xa uế trược tham đắm, đoạn tận nguồn cơn trôi nỗi. Vì là “không trụ” không dính mắc thông suốt lặng trong, nên phiền não tham sân si không có dịp xâm lấn tác động, nên mới trở nên nhẹ nhàng an lạc giải thoát.

Nội dung của kinh tiêu biểu bằng câu: “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” nghĩa là “Nên sanh tâm không trụ vào đâu cả”.Câu nói đó gây tác động mãnh liệt nhiều nhất, không trụ vào đâu để sanh tâm “vô thượng chánh đẳng chánh giác” thâm nhập vào biển trí tuệ vô tận của Như Lai. Đạt đến trạng thái xả bỏ một cách toàn diện, không còn vướng mắc chấp trước vào bất cứ điều gì cái gì, không nương dựa vào các pháp hay bất cứ nơi đâu, kể cả kết quả của sự tu tập và ngay cả an trú trong cảnh giới Niết Bàn. “Vô trụ xứ” không trụ bám, không để tâm dính mắc vào nơi đâu chốn nào một sự đoạn tận rốt ráo, giũ sạch hoàn toàn năng sở ngã pháp, pháp chấp, sắc pháp, tâm pháp, có không.

 

Phiên bản đúc kết súc tích ngắn gọn chứa đựng tính trọng yếu của Kinh Kim Cang còn gọi là Bát Nhã Tâm Kinh hay Kinh Tinh Yếu Bát Nhã chỉ dài hơn một trang, tóm tắt trí tuệ siêu việt của Bát Nhã soi chiếu. Khi quán chiếu thâm sâu diệu pháp, khi nhập vào biển lớn vô tận tạng của Như Lai, phá bỏ đoạn trừ toàn bộ khái niệm phạm trù nhị nguyên chấp trước. Tỏ rõ nguồn cơn thấu suốt nhận biết tường tận “soi thấy năm uẩn đều không có tự tánh” thì “cái tôi cái của tôi, những gì thuộc về tôiđâu đó tất cả chỉ là sự tương duyên tương hợp nối kết và không tự tồn tại. Bởi “thể mọi pháp đều khôngthể tính của muôn pháp vốn không, tuyệt không giai không tất cả đều không hoàn không. “Tâm không chướng ngại” vì là tánh không, tâm không nên không chướng ngại, không vướng mắc, không trụ bám chấp trước, một sự vắng lặng an tịnh toàn triệt, “xa lìa mọi mộng tưởng điên đảo, đạt cứu cánh Niết Bàn”.

Ngay trong bài tựa phần mở đầu Thiền sư Trần Thái Tông đã giải thích rõ ràng tánh của Kinh Kim Cang“bản tánh lắng mầu, chân tâm trong lặng”. Bản tánh đó thể tánh ấy lặng yên tịnh diệu nhiệm mầu, chân tâm trong sạch lặng lẽ không dấy động, không hề rong ruổi lăn tăn, biên kiến nhị nguyên đối đãi mất hút tự bao giờ, không thể dùng sự nhận thức, trí hiểu biết để suy diễn kiếm tìm manh mối nó được. Bản thể vi diệu của chân tâm, sự lắng đọng tinh khôi vô tận không cùng, trùm khắp vượt thoát không gì ngăn ngại được. Đây là “trọng yếu tánh Kim Cang vậy”. Ngài còn chỉ bày nhắc nhở chúng ta hiểu rõ hơn, hạt giống chân tâm thanh tịnh đó vốn sẵn có trong mỗi chúng ta và tất cả chúng sinh. Nhưng do vì bun nhiễm thói quen tật xấu đêm ngày chồng chất, thường xuyên bị “sóng gió tri kiến lay động”, vô minh não phiền tham sân si che mờ bao phủ nên tâm chân thật ấy không cách gì hiển lộ được.

 

Ngài Trần Thái Tông còn đề cập đến bốn hạnh nguyện bao la rộng lớn “Tứ hoằng thệ nguyện”con đường thực hành nguyện lực thâm sâu cao dày của hàng Bồ Tát.

Chúng sanh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp
Phiền
não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch
Pháp
môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học
Phật đạo không gì hơn, thệ nguyện được viên thành”.

 

Hạnh nguyện cao cả đó, tấm lòng từ bi thương tưởng cứu vớt chúng sanh đó, chúng ta khắc cốt ghi tâm đêm ngày nỗ lực tinh cần thực hiện, một lòng hoàn thành đạo nghiệp giác ngộ giải thoát. Tám con đường Trung Đạo (Bát Chánh Đạo) dẫn chúng ta đến với an lạc đích thật, đầu tiên là Chánh kiến, sự nhận biết chân chính, sự thấu hiểu tuệ tri thấu đáo bản thể như thật của các pháp. Đòi hỏi trong ta thường xuyên có sự nhận biết rõ ràng minh bạch trong mọi khởi động của tâm ý. Chỉ có như thế chúng ta mới tiếp cận và có một cái nhìn chân chánh đúng như pháp, để không bị tâm thức điên đảo vọng tưởng mê hoặc, tri kiến biến động trôi nỗi lèo lái dẫn dắt sai khiến, đi vào mê lộ lầm lạc không lối thoát. Chúng ta vận dụng sự tỉnh thức toàn triệt, giữ gìn chánh niệm trong mọi suy tư hành động ngôn ngữ nói năng, và đó cũng là cách để chúng ta tìm thấy giá trị của an lạc tỉnh thức giác ngộ, ngay trong đời sống hiện tại bây giờ.

 

Như Hùng

Trích từ Tư Tưởng Thiền Học Trần Thái Tông

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.