Nắm Chéo Y Như Lai

12/03/20225:08 CH(Xem: 2888)
Nắm Chéo Y Như Lai
NẮM CHÉO Y NHƯ LAI
(Nam Phương Nghiêm Thủy)
   

buddha
Đó là lời dạy bảo nhắc nhở sâu sắc của Đức Phật dành cho những người con, những người đệ tử một khi đã đi theo con đường giáo huấn của Ngài phải luôn nhớ điều này để khỏi phí phạm đời người vô íchcả đời chỉ nắm chéo y mà vẫn xa Ngài ngàn dặm.

    Những lời Đức Phật dạy đều xuất phát từ tình thương yêu và lòng bi mẫn của Ngài. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi thời gian của giáo pháp đã quá hơn một nửa, điều mà kinh điển thường nói đến là thời kỳ mạt pháp như Đức Phật đã tiên đoán. Không phải mạt phápgiáo pháp bị hư hoại mà chính bởi con người không còn đủ tri thức để lãnh hội nữa. Vì vậy trước khi thị tịch Niết bàn Đức Phật còn dạy:

Khắp các chúng hữu tình nam nữ
Cả thiện nam tín nữ Tăng Ni
Nếu tu vào đạo trở đi
Mà vâng giữ đúng pháp di giáo truyền
Mới được gọi cần chuyên nghiêm chỉnh
Đem hết lòng thờ kính Thế Tôn
Làm cho Phật pháp trường tồn
Chẳng hư chẳng hoại một môn pháp nào
Đó là cách tối cao dâng cúng
Còn quý hơn thờ phụng viễn vông

   Nhân lời dạy vàng ngọc này của Đức Phật, nhìn lại Phật giáo Việt Nam mới thấy có lẽ từ sau năm 1975 PGVN đã có sự khác biệt rất lớn so với cộng đồng Phật giáo thế giới. Không giống như Phật giáo Nam tông đã có truyền thống lâu đời từ trước tại các quốc gia quốc giáo Thái lan, Myama…mà kể cả với Phật giáo Trung quốc (PGTQ) được xem là gốc cội của PG Bắc truyền VN, nhưng sự phát triển của 2 nền PG cũng hoàn toàn khác biệt.

     PGTQ một thời hưng thịnh qua các triều đại nhà Đường nhà Tùy… với rất nhiều vị Thiền sư nổi tiếng như Huyền Trang, Nghĩa Tịnh…thì nay âm thầm lặng lẽ thả trôi đạo pháp theo con đường thế tục. Thiếu lâm tự một thời với Tổ Bồ Đề Đạt Ma “cửu niên diện bích” với đường lối vừa tu đạo tinh thần vừa luyện tập võ thuật thể chất khiến bao người ngưỡng mộ thì nay cũng mang nhiều thị phi tai tiếng. Vì vậy cho dù Thiền sư trẻ Học Thành trụ trì Chùa Long tuyền Bắc kinh có đầy tâm huyết nhiệt thành, cải tiến chấn chỉnh cũng không thể nào ngăn chận được dòng chảy của xu hướng xã hội mới tràn vào Tự viện.

     Riêng PGVN có được sự tích cực nổi trội về mặt hình thức qua các công trình thi đua xây dựng những ngôi chùa thật sự hoành tráng ở trong nước hay trùng tu xây dựng mới cả một quần thể chùa rộng lớn nguy nga hoặc đúc tạc những pho tượng Phật vĩ đại khủng khiếp cũng chỉ để người xem nhìn ngắm trầm trồ còn mặt trái của nó thì không ai biết.

     Thêm vào đó người VN vốn có tinh thần tín ngưỡng cao nên sau năm 75 do hoàn cảnh đất nước với nhiều đổi thay biến chuyển, khiến nhiều người đã tìm về với Đạo Phật. Nhiều thành phần xã hội lúc bấy giờ có cả những người trí thức ở thành phố đã đến vùng đất Long thành, Bà rịa cách Sài gòn không xa để tu tập rất đông. Biến vùng đất mùa khô 6 tháng cằn cổi thành vùng đất gọi là đất Phật với không biết bao nhiêu là am liêu cốc thất, mà nổi tiếng nhất là khu vực Đại tùng lâm với những khóa An cư kiết hạ hằng năm rất đông Tăng chúng về tham dự. Sau này khi đời sống con người bớt khó khăn hơn thì nhiều ngôi chùa to mới cũng được xây dựng tại đây.

      Điều đặc biệt hơn nữa ngay giữa những vùng Kinh tế mới, với bao khó khăn thiếu thốn ban đầu nhưng chỉ sau một thời gian ngắn người VN ở đây cũng cố gắng xây dựng những ngôi chùa nhỏ bằng tôn bằng lá, để làm nơi quy tụ gần gũi, sẻ chia tình thương ấm cúng bên hình ảnh hiền hòa thân thương của Đức Phật. Một số khác vượt biên vượt biển đến được bến bờ tự do, sống tạm bợ ngắn hạn trong các lán trại tỵ nan cũng không quên lập chùa để làm nơi nương tựa tinh thần sau khi phải trải qua những đau thương mất mát. Thế mới biết Đạo Phật đã đồng hành cùng dân tộc, đã đi vào sâu thẳm trong tâm hồn của người VN như thế nào.

      Đến hôm nay thì vấn đề tu học Phật Pháp hay từ bỏ hẳn đời sống thế gian để xuất gia theo Phật đã trở thành như phong trào. Nhiều gia đình cha mẹ con cái cùng đi xuất gia, nhiều người trong cùng dòng họ xuất gia hay cũng có rất nhiều người khi gần đến cuối cuộc đời cũng rời bỏ gia đình để đi xuất gia. Phải nói rằng số lượng tăng ni Phật giáo hiện nay vô cùng đông đảo cả bên trong lẫn ngoài nước VN. Các khóa tu học, các buổi giảng Pháp tại các chùa luôn rất đông Phật tử tham gia, các lớp học Phật pháp online cũng nhiều không kể hết.

     Chính vì Đạo Phật là đạo tự do nên ai có khả năng nhớ giỏi nói giỏi đều có thể trở thành Pháp sư giảng sư mà không cần phải qua trường lớp đào tạo. Riêng những người cư sĩ Phật tử có chút hiểu biết về Phật pháp cũng tham gia làm thơ, viết nhạc, chuyển dịch kinh thơ Phật hay nói đạo để phổ biến Phật pháp. Tuy nhiên sự tích cực phát triển của PGVN cũng không sao tránh khỏi những con sâu len lỏi vào Giáo hội để lợi dụng đạo pháp buôn thần bán thánh trên niềm tin non nớt của người Phật tử, làm mất thanh danh uy tín của Đạo Phật. Nhưng dẫu sao khi quán chiếu hiểu biết thì thấy rõ ràng những thị phi không lành mạnh đó thuộc về trách nhiệm của mỗi cá nhân để rồi phải trả giá cho những lời nói hành động việc làm không chính đáng của mình. Đó là luật nhân quả là sự công bằng nhất nếu biết tin nhận những lời giảng nói của Đức Phật.

      Nói chung tinh thần học Phật của tứ chúng trong giai đọạn hiện tại của người VN là rất cao, chùa chiền lớn nhỏ xây dựng khắp nơi trên thế giới, nơi nào có người Việt thì nơi đó có chùa. Đặc biệt tại miền Nam California góc đường nào cũng có chùa, một block đường cũng có đến mấy chùa đều là những căn nhà nhỏ gọi là “Cải gia vi tự”. Hẳn là không có một cộng đồng PG nào lại có những cá nhân đi làm chùa nhiều như vậy. Gia đình làm chùa, bà con anh em làm chùa hay bè bạn người thân cùng nhau xây dựng những ngôi chùa riêng cho mình.

      Một lần trong bài nói chuyện Thầy Nhất Hạnh có nói đến việc các Tăng Ni sinh trẻ thời nay ít thích ở chúng, thọ Tỳ kheo xong một thời gian là muốn ra làm chùa ở riêng. Không muốn theo quy cũ thiền môn, không thích sự giám sát của các vị quản chúng trong chùa hay những người bạn đồng tu. Đó là điều không hay vì sẽ dễ dàng dẫn đến buông lung, dể duôi nên mới có câu nói: Hổ ly sơn hổ bại, tăng ly chúng tăng tàn” là vậy. Trong tăng đoàn dưới sự hướng dẫn của Thầy Nhất hạnh không thấy có vị tăng thân nào ra ngoài làm chùa riêng. Họ sống chung với nhau trong một mái nhà với Sư ngoại sư bácchú sư anh…là cách xưng hô để biết mà tôn kính nhau qua hạ lạp, không có cấp bậc Hoà thượng Thượng tọa…là phương pháp tu mới mẻ thể hiện tình thân ái trong thiền môn.

    Quả thật đời người ngắn ngủi vô thường, sống chết như trở bàn tay vì vậy cho dù là Đại sư Hòa thượng, là người dịch kinh viết sách, là giảng sư nói năng lưu loát hay chỉ là người con Phật bình thường thì cũng đến đi một mình trong cuộc đời này trên con đường do chính mình tự chọn với sự dẫn dắt của nghiệp lực mà thôi. Trong Phẩm Ngàn ở Kinh pháp cú Đức Phật dạy

Ai sống được trăm năm
Không thấy pháp sanh diệt
Tốt hơn sống một ngày
Thấy được pháp sanh diệt

     Thấy được pháp sanh diệt vô thường mới dốc lòng tu tập nghiêm túc là lời dạy cho thấy Đức Phật là người rất thực tế rõ ràng, Ngài không dạy những điều viễn vông vô ích, Ngài cũng không khen ngợi sự viết hay nói giỏi vì chẳng khác gì đảy sách hay cái muỗng trong chén thuốc không có lợi ích gì. Cho nên quán chiếu, tỉnh thức chánh niệm để thực hành những đìều Ngài dạy mới là sự quan trọng cần thiết cho đời người. Sự thật là như vậy nên Đức Phật mới nói ở sát bên cạnh hay nắm chéo y của Ngài mà không thực hành tu tập nghiêm minh thì vẫn coi như xa Ngài ngàn dặm.

 

                                      Fresno, Califonia 3-3-2022

                                                     Nam Phương (Nghiêm Thuỷ)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.