8- Cuộc Đảo Chánh 1-11-1963 Và Cái Chết Của Ông Diệm Lê Mạnh Hùng

19/12/201212:00 SA(Xem: 15253)
8- Cuộc Đảo Chánh 1-11-1963 Và Cái Chết Của Ông Diệm Lê Mạnh Hùng

1963 – 2013
NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI
TẬP HAI (2/3)
Tuyển tập của 99 tác giả
và những lời Phê phán của 100 Chứng nhân
về chế độ Ngô Đình Diệm
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức Publications 2013
TẬP MỘT TẬP HAI TẬP BA

Chương Bốn
BÁNH XE LỊCH SỬ
Thiên thời Địa lợi Nhân hòa

CUỘC ĐẢO CHÁNH 1 THÁNG 11 NĂM 1963
và CÁI CHẾT CỦA ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM
Lê Mạnh Hùng

 

Trong suốt tuần cuối của tháng 10, 1963, thành phố Sài Gòn hết sức căng thẳng vì những lời đồn đoán về đảo chánh và phản đảo chánh. Quyết tâm tránh những lỗi lầm xảy ra vào năm 1960 và tháng 8, 1963, các tướng lãnh âm mưu cuộc đảo chánh ra sức chuẩn bị và tìm cách vận động các đơn vị quân đội khác ủng hộ mình chống lại ông Diệm.

Trong khi đó, biết rằng các tướng lãnh đang chuẩn bị một cuộc đảo chánh để lật đổ anh mình, ông Nhu cũng đưa ra một kế hoạch phản đảo chánh mà ông gọi là Operation Bravo. Kế hoạch này bao gồm việc giả vờ bỏ ngỏ Sài Gòn để dẫn dụ các tướng lãnh âm mưu nổi lên trước khi cho quân quay trở về để đè bẹp các lực lượng nổi dậy này.

Trên nguyên tắc, kế hoạch này của ông Nhu hoàn toàn có thể thực hiện được. Một báo cáo của William Colby hôm 29 tháng 10 tại phiên họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ do chính Kennedy chủ tọa cho thấy trong số các đơn vị quân đội Việt Nam đóng chung quanh Sài Gòn, khoảng một phần tư trung thành với ông Diệm; một phần tư khác chống và số còn lại được coi như là trung lập. Theo Colby, yếu tố then chốt tùy thuộc vào thái độ của các đơn vị ưu tú nhất của quân đội Việt Nam bao gồm Lữ Đoàn Bảo Vệ Tổng Thống Phủ, các tiểu đoàn Lực lượng Đặc Biệt, Lữ đoàn Nhẩy Dù, Lữ Đoàn Thủy Quân Lục chiến, không quân và một đơn vị thiết giáp. Một nửa những đơn vị này trung thành với ông Diệm trong khi nửa kia chống.

Nhân vật then chốt quyết định cuộc đảo chánh thành công hay thất bại là tướng Tôn Thất Đính. Tướng Đính năm đó mới có 38 tuổi và được coi như là một người thân tín của ông Ngô Đình Cẩn, vốn nắm toàn quyền sinh sát tại miền Trung. Sự bảo trợ của ông Cẩn đã dẫn đến việc tướng Đính được thăng cấp mau lẹ trong quân đội và đã lên đến hàng thiếu tướng vào năm 1961 khi ông mới 35, vị tướng trẻ nhất trong quân đội Việt Nam. Được một phúc trình của CIA nhận định là một con người phù phiếm, tự đắc và đầy tham vọng, ông Đính đã đổi đạo sang Công Giáo để được thăng tiến.

Với tư cách là một tướng lãnh thân tín, tướng Đính được trao trách nhiệm chỉ huy Quân đoàn III bao gồm thủ đô Sài gòn với trách nhiệm bảo vệ chống lại các cuộc đảo chánh. Tướng Đính, tướng Huỳnh văn Cao, tư lệnh Quân Khu IV ở phía nam Sài Gòn và đại tá Lê Quang Tung, tư lệnh Lực Lượng Đặc Biệt được ông Nhu coi như là ba tấm lá chắn chống lại các cuộc đảo chánh.

Nhóm đảo chánh bao gồm tướng Dương văn Minh, một tưóng lãnh đã lập được nhiều chiến công, nhưng lúc về sau này đã bị gạt sang một bên vì bị nghi ngờ là không trung thành với ông Diệm; tướng Lê văn Kim, được coi như là vị tướng lãnh khôn ngoan nhất trong quân đội nhưng vào lúc đó cũng bị cho ngồi chơi xơi nước và tướng Trần Văn Đôn lúc đó đang làm tổng tham mưu trưởng. Hai tướng Nguyễn Khánh, tư lệnh Quân đoàn II và Đỗ Cao Trí, tư lệnh Quân đoàn I, cũng ủng hộ cuộc đảo chánh nhưng không đóng một vai trò nào vì ở quá xa.

Theo Stanley Karnow trong cuốn Vietnam: A History thì biết rằng cuộc đảo chánh không thể thành công nếu không có sự tham dự của tướng Đính, các tướng đảo chánh tìm cách lợi dụng lòng tham hư danh của tướng Đính bằng cách thổi phồng tướng Đính và xúi dục ông lên đòi ông Diệm chia sẻ với ông quyền lực chính trị. Hậu quả là tướng Đính đã lên gặp ông Diệm và đòi ông Diệm cho ông chức bộ trưởng nội vụ. Nhưng ông Diệm đã không những không chấp nhận cho tướng Đính chức vụ đó mà còn thẳng tay chỉnh ông Đính trước mặt một số đồng nghiệp và ra lệnh cho ông Đinh lên Đà Lạt nghỉ ngơi.

Dù chuyện này có thật hay không, nhưng sự kiện là ông Đính sau đó đã đồng ý gia nhập vào nhóm đảo chánh tuy rằng ông vẫn được ông Nhu tin cẩn và trao trách nhiệm lo tổ chức cuộc phản đảo chánh. Hậu quả là tướng Đính được trao thêm quyền chỉ huy sư đoàn 7, tại Mỹ Tho, đơn vị trước thuộc quyền tướng Huỳnh Văn Cao nhưng nay được trao lại cho tướng Đính để hoàn thành hàng rào bao vây chung quanh Sài Gòn. Tưóng Đính đã gởi đại tá Nguyễn Hữu Có xuống chỉ huy sư đoàn này. Ông Có ra lệnh cho chuyển tất cả các phà tại bến phà Mỹ Thuận sang bờ bắc sông Tiền, cắt đứt liên lạc đường bộ với miền Tây. Thêm vào đó, tướng Đính thuyết phục được ông Nhu dời Lực Lượng Đặc Biệt của đại tá Lê Quang Tung ra khỏi Sài Gòn với dự tính sẽ vinh quang quay về dẹp cuộc đảo chánh

Với tất cả những chuẩn bị đó, khi cuộc đảo chánh nổ ra vào ngày 1 tháng 11 các lực lượng của tướng Cao bị cô lập ở bên kia sông Tiền không có phà để qua sông trong khi lực lượng của đại tá Lê Quang Tung cũng bị mắc kẹt ở ngoài Sài Gòn. Các tướng lãnh đảo chánh cũng chuẩn bị để vô hiệu hóa các sỹ quan nào còn trung thành với ông Diệm để ngăn chặn họ không thể tham gia chống đảo chánh. Sáng ngày 1, với tư cáchtổng tham mưu trưởng, tướng Đôn mời nhiều tướng lãnh và đơn vị trưởng các đơn vị mà nhiều người không biết gì về cuộc đảo chánh này, đến họp tại Bộ Tổng tham mưu ở Tân Sơn Nhứt. Khi họ đến nơi thì những người bị nghi ngờ là còn trung thành với ông Diệm lập tức bị bắt giữ với tướng Đôn tuyên bố quân đội làm đảo chánh chống ông Diệm. Trong số những người bị bắt có các vị chỉ huy trưởng Lữ Đoàn Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Lực Lượng Đặc Biệt, tư lệnh Không quân, và tổng giám đốc Cảnh sát. Việc bắt giữ này đã có tác dụng rất lớn giúp cho cuộc đảo chánh thành công vì những người này chỉ huy những đơn vị then chốt bên trong và chung quanh Sài Gòn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp ông Diệm dập tắt cuộc đảo chánh. Hầu hết những người bị bắt sau đó đều đồng ý đi theo cuộc đảo chánh chỉ có đại tá Lê Quang Trung không chịu. Ông Tung sau đó đã bị nhóm đảo chánh xử tử.

Lúc 1giờ 30 chiều ngày hôm đó các đơn vị nổi loạn bắt đầu tiến chiếm các cơ sở công quyền như đài phát thanh, bưu điện và lập các nút chặn chung quanh Sài Gòn phòng ngừa các đơn vị trung thành về giải cứu. Đến chiều thì chỉ còn có dinh Gia Long do Lữ Đoàn Phòng Vệ Tổng thống phủ bảo vệ là còn nằm trong tay ông Diệm. Trong những giờ phút sau đó, phe đảo chánh tìm cách thuyết phục ông Diệm từ chức và đi lưu vong ở nước ngoài, nhưng ông Diệm từ chối và tiếp tục kêu gọi các đơn vị trung thành với mình về giải cứu.

Đến lúc mặt trời lặn, Sư đoàn 5 của Đại tá Nguyễn văn Thiệu bắt đầu mở cuộc tấn công vào dinh Gia Long. Trong cuộc đảo chánh hụt vào tháng tám, theo CIA, thì ông Thiệu được coi là trung thành với ông Diệm và ông Nhu. Đặc biệt, theo báo cáo của CIA, ông Thiệu là một người “ủng hộ ông Nhu rất mạnh”. Chính ông Thiệu đã cứu cho ông Diệm trong cuộc đảo chánh thất bại năm 1960 khi ông đưa quân Sư đoàn 7 lúc đó do ông chỉ huy về Sài Gòn. Theo Lucien Conein, một nhân viên của CIA đã từng hoạt độngViệt Nam từ Thế chiến thứ hai, thì trong cuộc đảo chánh năm 1963 này ông Thiệu đầu tiên cũng không hoàn toàn ủng hộ phe đảo chánh và chỉ nhẩy vào sau khi thấy rằng Hoa Kỳ không còn ủng hộ ông Diệm như trước nữa.

Đến sáng sớm ngày 2 tháng 11, các lực lượng bảo vệ dinh Gia Long đầu hàng. Nhưng khi vào được dinh Gia Long rồi, các lãnh tụ đảo chánh bỗng bối rối khi thấy ông Diệm và ông Nhu không có mặt ở đó. Và những người Mỹ đi theo họ cũng bối rối không kém. Theo tướng Đôn, Conein, vốn có mặt tại bộ Tổng tham mưu trong suốt thời gian đảo chánh này, cứ nhắc đi nhắc lại “Hai người này đi đâu? Phải bắt giữ họ bằng bất cứ giá nào. Không đập trứng thì làm sao làm được trứng tráng”

Tất cả họ đều biết rằng nếu ông Diệm ra thoát được, ông có thể chạy tới những đơn vị trung thành ở các nơi khác hoặc là sang một nước láng giềng từ đó tìm cách quay trở lại chống chính quyền mới.

 

Những ngày cuối cùng của Đệ Nhất Cộng Hòa

Những khuyến cáo của phái đoàn Taylor-McNamara được Kennedy chấp nhận vào ngày 5 tháng 10, 1963 và được Mỹ áp dụng coi như là căn bản của chính sách đối với chính phủ của ông Diệm. Trong những tuần sau đó, chính quyền Kennedy bắt đầu thực hiện chính sách làm “những áp lực chọn lựa” đối với chính phủ ông Diệm.

Thoạt đầu những áp lực này có vẻ mang lại một sự nhượng bộ nào đó từ phía hai ông Diệm - Nhu. Ông Nhu bắn tiếng với Lodge rằng ông sẽ rút lui hoàn toàn khỏi chính trường nếu Mỹ cũng đưa ra khỏi Việt Nam một số những điệp viên mà hiện đang tiếp xúc với “những kẻ phản bội tiềm tàng”. Ông Nhu nói “Ai cũng biết mấy tên này là ai”. Đồng thời ông Diệm cũng gởi cả bà Nhu lẫn Đức tổng giám mục Ngô Đình Thục đi ngoại quốc.

Nhưng khi đại sứ Lodge đến gặp ông Diệm tại dinh Gia Long mọi chuyện trở nên khó khăn hơn. Trong cuộc gặp gỡ ông Lodge cho ông Diệm biết về sự chống đối gia tăng đối với chính phủ Việt Nam tại Mỹ. Đại sứ Lodge nói thêm rằng “Theo quan điểm cá nhân của tôi, nếu không có một sự thay đổi nào về chính sách thì việc cắt viện trợ là một chuyện rất có khả năng xảy ra. Theo hồi ký của Lodge, đây là lần đầu tiên ông nói thẳng với ông Diệm rằng ông Nhu cần phải ra đi “Ông Nhu cần phải làm một chuyến đi dài, ít nhất tới tháng chạp mới nên trở về, sau khi Quốc Hội Mỹ bỏ phiếu thông qua xong Ngân sách chuẩn chi.”

Những đe dọa của đại sứ Lodge cùng với những chỉ trích ông Nhu từ phía những nhà báo và quan chức Mỹ đã khiến cho việc ông Nhu ra đi trở thành một vấn đề thể diện quốc gia đối với ông Diệm. Ông Nhu đã nói ông sẵn sàng rời bỏ chức vụ và nếu để từ từ có thể ông sẽ ra đi. Nhưng nay trước đòi hỏi công khai của Mỹ, ông Diệm quyết định nhất quyết giữ ông Nhu lại. Theo Scigliano, một quan chức Việt Nam thân cận với ông Diệm cho biết, ông Diệm từ chối không để cho ông Nhu đi là vì “dân Việt Nam sẽ cho rằng Mỹ đã bắt được ông phải làm chuyện đó. Ông không muốn bị người ta coi như là bù nhìn hay là tay sai của Mỹ”. Trong hồi ký ông Lodge viết, ông Diệm trả lời rằng “Vấn đề không phải là ông Nhu mà là Mỹ. Nếu dư luận dân chúng Mỹ đúng như ngài nói, thì đó là công việc của ngài, thưa ngài đại sứ phải giải tỏa dư luận dân chúng Mỹ”. Trong suốt cuộc nói chuyện, Lodge nhận xét rằng, ông Diệm đã tỏ ra rất né tránh khi bị đặt cụ thể trước những đòi hỏi thay đổi của Mỹ, tuy rằng cuối cùng ông cũng hứa hẹn với Lodge rằng ông sẽ xét đến một cách nghiêm chỉnh đến tất cả những gì mà Lodge đưa ra.

Trước phản ứng đó của ông Diệm, chính quyền Kennedy bắt đầu áp dụng một số biện pháp dùng áp lực. Kennedy ra lệnh cắt ngân khoản viện trợ cho Lực Lượng Đặc Biệt của Việt Namtrì hoãn việc vận chuyển gạo, sữa, thuốc là những món hàng được nhập cảng từ Mỹ theo chương trình Viện trợ thương mại hóa (Commodity Import Program - CIP) và cho triệu hồi John Richardson, người cầm đầu cơ quan CIA tại Sài Gòn, một người mà cả người Mỹ lẫn người Việt tại Sài gòn đều biết là rất thân cận với ông Nhu. Kennedy cũng ra chỉ thị cho Lodge là tuy rằng “tránh không tích cực khuyến khích một cuộc đảo chánh” nhưng hãy “cấp bách bí mật tìm cách nhận dạngtiếp xúc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đại sứ với những thành phần có thể trở thành lãnh đạo thay thế chính quyền Ngô Đình Diệm.”

Mặc dầu những chỉ thị trên cho Lodge là không được khuyến khích một cuộc đảo chánh, nhưng những hành động của chính quyền Mỹ đã làm rất nhiều để hạ thấp uy tín của chính quyền ông Diệm đối với những đối thủ chính trị của ông cũng như là khuyến khích các tướng lãnh trong quân đội trong việc tổ chức một cuộc đảo chánh mới. Một số những cố vấn cao cấp trong chính quyền Kennedy sau này đã cố gắng phủ nhận rằng những biện pháp áp lực đặt ra là nhằm để kích thích một cuộc đảo chánh. Tuy rằng hiểu theo một nghĩa chật hẹp, họ có thể đúng. Báo cáo Taylor-McNamara đã công khai bác bỏ việc khuyến khích một cuộc đảo chánh và những biện pháp áp lực như cắt giảm viện trợ là chỉ nhằm để buộc ông Diệm thay đổi chính sách. Nhưng chính quyền Kennedy không phải là hoàn toàn không có trách nhiệm trong cuộc đảo chánh như những người biện hộ cho Kennedy vẫn khẳng định. Chính Hilsman sau này cũng phải công nhận “một số những chuyện chúng ta làm quả là đã khuyến khích một cuộc đảo chánh; một số những biện pháp chúng ta đề ramục tiêu là để áp lực ông Diệm dù rằng chúng ta biết là chúng có thể khuyến khích đảo chánh.”

Kennedy và các cố vấn của ông chắc chắn là không ngây thơ đến nỗi không biết rằng việc triệu hồi John Richardson, người mà các tướng lãnh âm mưu làm đảo chánh hồi tháng 8 e sợ là đã thông báo cho ông Nhu biết âm mưu này, cũng như là việc cắt giảm viện trợ, tín hiệu chính mà các tướng lãnh yêu cầu Mỹ làm để chứng tỏ Mỹ ủng hộ cuộc đảo chánh lại không khuyến khích những đối thủ của ông Diệm trong âm mưu của họ.

Ngày 5 tháng 10, với việc cắt giảm viện trợ được công bố, tướng Dương Văn Minh bắt liên lạc với Lou Conein, một nhân viên CIA vốn đã từng hoạt động tại Việt Nam từ những năm 1940 và đã từng cùng với Lansdale có công đưa ông Diệm lên. Tướng “big” Minh nhờ Conein chuyển đến đại sứ Lodge và chính phủ Mỹ yêu cầu Mỹ bảo đảmchính phủ Hoa Kỳ sẽ không ngăn chặn một cuộc đảo chánh mà các tướng lãnh Việt Nam dự trù thực hiện chống lại ông Diệm và sẽ tiếp tục viện trợ cho Việt Nam theo mức hiện nay một khí đảo chánh thành công”.

Khi được Conein thông báo về âm mưu của tướng Minh, Lodge đã gởi ngay một điện tín về cho Kennedy yêu cầu được phép trấn an Tướng Minh rằng Hoa Kỳ sẽ không tìm cách ngăn chặn một cuộc đảo chánh và Mỹ sẽ tiếp tục giữ nguyên mức độ viện trợ cho một chính phủ quốc gia nào khả dĩ có được sự ủng hộ của dân chúng và tiếp tục chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản.

Trong bức điện tín trả lời vào ngày 9 tháng 10, Kennedy ra chỉ thị cho Lodge hãy tiếp tục tuân thủ những chỉ thị trước, tức là “tránh không tích cực khuyến khích một cuộc đảo chánh” nhưng hãy “cấp bách bí mật tìm cách nhận dạngtiếp xúc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đại sứ với những thành phần có thể trở thành lãnh đạo thay thế chính quyền Ngô Đình Diệm.” Nhưng chỉ thị có thêm hai điểm then chốt khác. Điểm thứ nhất “Tuy rằng chúng ta không muốn khuyến khích một cuộc đảo chánh, chúng ta cũng không muốn gây ra một ấn tượng là Hoa Kỳ chống lại một sự thay đổi chính phủ hoặc là Hoa Kỳ sẽ từ chối không viện trợ kinh tế và quân sự cho một chế độ mới nếu chế độ này chứng tỏ có một khả năng hữu hiệu hơn về quân sự, có được sự ủng hộ của quần chúngcải thiện được quan hệ với Hoa Kỳ.” Còn điểm thứ hai là “về vấn đề cụ thể mà tướng Minh hỏi, ông nên xét đoán cẩn thận có nên có lập trường rằng trong hoàn cảnh hiện này, ông chưa có thể trình bày đề nghị của tướng Minh lên cấp trên cho đến khi có những thông tin chi tiết cho thấy một khả năng thành công lớn. Trong hoàn cảnh hiện nay, những thông tin này vẫn còn chưa có.”

Nhận được điện tín của Kennedy với những dè dặt trong việc ủng hộ cuộc đảo chánh của nhóm Dương văn Minh, Lodge đã quyết định không để ý đến những dè đặt trên. Ngày hôm sau, ngày 10 tháng 10, Lodge cho Conein thông báo với nhóm tướng lãnh đảo chánh (Minh, Đôn, Đính, Kim) rằng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp để ngăn chặn cuộc đảo chánh cũng như sẽ tiếp tục viện trợ khi đảo chánh thành công. Với lời hứa đó, nhóm các tướng lãnh bắt đầu tích cực chuẩn bị.

 

Cuộc đấu tranh của Phật giáo 

Ông Diệm vốn tự coi mình là một nhà lãnh tụ theo tinh thần truyền thống của Việt Nam. Mang nặng tinh thần cũ, ông coi mọi việc nhượng bộ trước những đòi hỏi của Phật Giáo như là một tổn hại đối với uy tínsức mạnh của chế độ. Và thái độ này được phổ biến trong tất cả những nhân vật thân cận với ông.

David Halberstam trong cuốn The Buddhist Crisis in Vietnam kể lại rằng sau vụ đụng độ ở Huế khi một nhân viên ngoại giao Mỹ đề nghị với một nhân vật cao cấp thân cận với ông Diệm rằng để giải tỏa sự căng thẳng, chính phủ hãy bồi thường cho các nạn nhân 500,000 đồng và ra một thông cáo nhận rằng các lực lượng an ninh đã dùng bạo lực quá mức trong việc giải tán cuộc biểu tình thì nhận được câu trả lời là “Tiền bạc thì không sao, nhưng chúng tôi không thể công nhận rằng chúng tôi đã làm chuyện đó. Chúng tôi không thể nhận như vậy được.” Và chính quyền tiếp tục quy tội cho Việt Cộng đã nổ súng bắn chết những người biểu tình này.

Sau cái chết của Hòa thượng Quảng Đức, dưới áp lực mạnh mẽ của Mỹ, một cuộc điều đình đã diễn ra một cách gián tiếp giữa chính quyền ông Diệm và các lãnh đạo phong trào tranh đấu Phật Giáo qua trung gian của một số nhân vật có uy tín với cả hai bên như ông Bùi Tường Huân. Ngày 16 tháng 6 chính phủ và Phật Giáo đạt được một thỏa hiệp năm điểm. Hai bên đưa ra một tuyên bố chung trong đó chính phủ nhượng bộ một số điểm nhưng không nói đến trách nhiệm của chính quyền trong sự kiện tại Huế, thay vào đó là việc thành lập một ủy ban để điều tra về sự kiện này.

Thỏa hiệp đạt được đã không làm bất cứ bên nào hài lòng. Halberstam viết rằng một nguồn tin đáng tin cậy kể cho anh nghe một cuộc cãi vã bên trong dinh Độc Lập khi bà Nhu biết được rằng ông Diệm sửa soạn ký vào bản tuyên bố chung. Theo nguồn tin này thì bà Nhu đã lên tiếng xỉ vả ông Diệm là “Anh hèn lắm” Và ông Diệm đã trả lời rằng “Cô không hiểu gì vấn đề này cả. Nó có những ảnh hưởng quốc tế. Chúng ta phải giải quyết.”

Trong khi đó tại chùa Ấn Quang, một số tăng ni trẻ cũng chống lại quyết định của Thượng tọa Trí Quang thỏa hiệp với ông Diệm và đe dọa sẽ nổi lên chống lại. Cũng theo Halberstam, một nhà sư trẻ đã lớn tiếng đe dọaNếu tôi mà kể lại với những Phật tử về những gì người ta đã ký thì họ sẽ hết sức giận dữ.”

Trong những ngày sau đó, tình hình tiếp tục căng thẳng với những tin đồn rằng chính phủ và đặc biệt là vợ chồng ông Ngô Đình Nhu không có ý địnhthực hiện thỏa hiệp giữa hai bên. Ngày 26 tháng 6, tin đồn rằng ông Ngô Đình Như đã gởi một thông điệp mật cho tổ chức Thanh Niên Cộng Hòa của ông, lên án những người Phật Giáo là những kẻ phản loạn và kêu gọi Thanh Niên Cộng Hòa hãy đứng ra khuyến cáo chính phủ đừng chấp nhận bản tuyên bố chung. Và sang đến đầu tháng bảy, Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, một người Phật Giáo, tuyên bố rằng những điều tra sơ khởi về sự kiện tại Huế cho thấy Việt Cộng là thủ phạm tạo ra những cái chết của các người biểu tình.

Đối với những người Phật Giáo, những sự kiện này cùng với những lời tấn công liên tục vào Phật Giáo bởi các phương tiện truyền thông như báo chí, đài phát thanh, đã tạo ra một thay đổi lớn trong thái độ của giới lãnh đạo Phật Giáo. Trước đó phần lớn giới lãnh đạo này tương đối bảo thủkiềm chế được những sư trẻ ở dưới không đi xa quá mức.

Theo một số các quan sát viên thời điểm cuối tháng sáu, đầu tháng bảy này là lúc mà cuộc đấu tranh Phật Giáo bắt đầu thay đổi tính chất. Các nhà sư trẻ nòng cốt của phong trào nay cảm thấy họ đã đi vào quá sâu để có thể rút ra. Biết rằng họ là những đối tượng của chính quyền một khi cuộc đấu tranh thất bại và đã nắm lấy quyền điều hành phong trào từ tay những tầng lớp lãnh đạo già hơn. Và điều này đã thể hiện rõ trong các luận điệu tuyên truyền mà phong trào Phật giáo đưa ra. Trong lúc những đòi hỏi ban đầu chỉ có tính mơ hồ như được đối xử bình đẳng hơn với Công giáo hoặc là đòi chính phủ phải công nhận tầm mức quan trọng của Phật Giáo thì càng về sau những luận điệu tuyên truyền của phong trào càng ra mặt chống chính phủ và đặc biệt là chống cá nhân gia đình ông Diệm. Người ta thấy rõ rằng Phật Giáo đến lúc này đang cố gắng tạo ra một bầu không khí trong đó chế độ có nguy cơ sụp đổ.

Phải chăng phong trào Phật Giáo này là do Cộng sản xách động? Đây chính là quan điểm của chính phủ ông Diệm và những người ủng hộ ông sau này, nói rằng phong trào Phật Giáo là Cộng sản. Chắc chắn là trong phong trào này có những phần tử Cộng sản len vào để tìm cách kích động gây lợi thế cho họ. Một số như Thượng tọa Thích Đôn Hậu có thể có cảm tình với Cộng Sản (ông Đôn Hậu đã bỏ ra bưng theo Cộng Sản trong dịp Tết Mậu Thân 1968 và giữ chức Phó chủ tịch Liên Minh các Lực Lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam của luật sư Trịnh Đình Thảo). Nhưng những bằng chứng về sau này cho thấy phong trào Phật giáo không chỉ chống chính quyền Ngô Đình Diệm mà căn bản là còn chống Cộng nữa. Sau năm 1975, Hòa thượng Thích Trí Quang đã bị Trần Bạch Đằng tố cáogián điệp nằm vùng của CIA và bị quản thúc tại chùa suốt từ đó đến nay.

Tiến vào cuối mùa hè năm 1963, diễn biến tình hình đã trở nên càng ngày càng phức tạp. Trong lúc đó, một sự kiện xảy ra vào ngày 7 tháng 7 đã lại làm tăng thêm ác cảm của giới báo chí quốc tế với chính quyền ông Diệm. Trong khi theo dõi một cuộc biểu tình của Phật Giáo một số nhà báo nước ngoài trong đó có Peter Arnett và Malcolm Brown của thông tấn xã Associated Press, Neil Sheehan của United Press International, Peter Kalisha của đài truyền hình CBS và David Halberstam của nhật báo New York Times bị một toán mật vụ của ông Nhu tấn công. Tấm hình Peter Arnett mặt đầy máu do Malcolm Browne chụp đã được truyền đi khắp thế giới. Ngay sau đó, cảnh sát đã đến văn phòng của Associated Press khám xét và bắt giữ Arnett và Browne về tội “hành hung nhân viên công lực”. Sự kiện này đã dẫn đến việc các phóng viên báo chí nước ngoài biểu tình trước tòa đại sứ Mỹ phản đối cách đối xử của chính quyền ông Diệm với họ và đòi tòa đại sứ phải bảo vệ.

Đến tháng tám thì phong trào phản đối đã lan rộng ra không chỉ tại các thành phố mà còn vào cả các vùng thôn quê và nhất là quân đội. Một cuộc khảo sát do Rand Corporation thực hiện cho thấy dân chúng tại các vùng quê nay đều đã biết đến cuộc khủng hoảng này và không tin tưởng bao nhiêu ở khả năng giải quyết của chính quyền. Đặc biệt, tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, cuộc khủng hoảng này đã là một đề tài tuyên truyền quan trọng của Việt Cộng. Những bài tường thuật về những sự kiện xảy ra tại Sài Gòn và những thành phố ngoài trung được phát đi qua các chương trình của đài BBC và VOA cũng có một tác động đối với dân chúng tại các vùng xa các trung tâm tranh đấu như tại đồng bằng sông Cửu Long. Tương tự như vậy, trong hàng ngũ quân đội càng ngày càng có nhiều những bất mãn và một nhận thức về tôn giáo gia tăng đặc biệt là trong hàng ngũ các sỹ quan trẻ. Các báo cáo nhận được cho thấy cuộc khủng hoảng này đã ảnh hưởng đến tinh thầnhiệu năng của quân đội Trong bối cảnh đó phía Phật Giáo hy vọng có thể khiêu khích chính phủ làm một hành động vội vã thiếu suy nghĩ để tạo ra một ấn tượng với đại sứ mới của Mỹ, ông Henri Cabot Lodge khi ông này sang thay thế cho đại sứ Frederic Nolting. Halberstam dẫn lời một lãnh tụ Phật giáo nói rằng “Chúng tôi sẽ thẩy vỏ chuối để cho họ ngã.”

Về phần ông Diệm thì có thể nói bị mắc kẹt giữa hai thế lực đối nghịch. Một bên là phe chủ chiến đại diện bởi ông bà Ngô Đình Nhu muốn dùng vũ lực để đàn ápgiải quyết cho xong cuộc khủng hoảng Phật Giáo. Một bên kia là Hoa Kỳ áp lực mạnh mẽ để ông Diệm thỏa hiệp với Phật Giáo giải quyết vấn đề khủng hoảng để có thể quay trở lại với mục tiêu chính là chống cuộc nổi dậy của Cộng sản miền nam. Dưới áp lực của Mỹ, ông Diệm đã phải hứa sẽ không có hành động nào mạnh để đàn áp Phật Giáo.

Nhưng càng trù trừ, tình hình lại càng vượt ra khỏi tầm tay của chính phủ. Và với những tin tức cho thấy có ít nhất hai nhóm quân nhân đang muốn chuẩn bị để tổ chức một cuộc đảo chánh, ông Nhu đã quyết định ra tay trước vào ngày thứ tư 21 tháng 8. Cuộc khủng hoảng Phật Giáo bước vào một giai đoạn mới.

 

Căng thẳng Mỹ Việt và sự sụp đổ của chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa (1962-1963)

Cho đến giữa năm 1963, các giới chức Mỹ tại Sài Gòn, kể từ đại sứ Frederic Nolting và tướng Paul Harkins đều có một thái độ rất lạc quan về tình hình Việt Nam.

Trong các báo cáo của họ gởi về Washington hầu hết đều nhấn mạnh rằng, các biện pháp đề ra vào năm 1961 đang có kết quả, vấn đềcần phảithời giankiên nhẫn trước khi đạt được chiến thắng. Trong khi đó, chính quyền của ông Diệm, sau vụ đảo chính hụt của đại tá Nguyễn Chánh Thi vào cuối năm 1960 càng ngày càng rút lui vào một tường thành và chống lại những cố gắng của Mỹ để cải tổ chính trị. Tuy rằng để làm vừa lòng những đòi hỏi của Mỹ, ông Diệm có làm một số cử chỉ có tính hình thức như thành lập một Hội Đồng cố vấn kinh tế, nhưng thay vì mở rộng chính quyền cho những người khác tham gia, ông Diệm lại siết chặt thêm nữa.

Cuối năm 1962, Quốc Hội thông qua một đạo luật cấm mọi hình thức tụ tập, kể cả đám cưới và đám tang nếu không được chính quyền cho phép trước. Chế độ kiểm duyệt được tăng cường. Mọi chỉ trích đưa ra đối với ông Diệm hoặc gia đình đều bị trừng phạt. Vào đầu năm 1963, ông Diệm đã giận dữ cắt hợp đồng với nhóm Michigan State University vì một số người trong nhóm này khi trở về Mỹ đã viết những bài bị chính phủ Việt Nam nói là “không đúng, bất công và có tính xách động”. Cũng trong thời gian này, ký giả Francois Sully của tạp chí Newsweek đã bị trục xuất vì viết bài đụng đến bà Ngô Đình Nhu.

Việc trục xuất ký giả Francois Sully phản ảnh một phần những khó khăn mà chính quyền ông Diệm gặp phải đối với báo chí quốc tế. Trái với những hình ảnh lạc quan của chính giới Việt Nam và Mỹ tại Sài Gòn, các ký giả quốc tế đại diện bởi David Halberstam của tờ New York Times và Neil Sheehan của thông tấn xã United Press International (UPI) lại đưa ra một hình ảnh khác. Tuy rằng chấp nhận mức độ quan trọng của việc ngăn chặn sự bành trướng của Cộng Sản xuống miền Nam, họ chống lại những chính sách của chính phủ Mỹ để thực hiện mục tiêu này. Đặc biệt là sau trận Ấp Bắc, những bài báo chống lại chế độ của ông Diệm càng ngày càng nhiều. Họ lên án chính phủ của ông Diệm là tham những, độc tài và làm mất lòng dân; chương trình Ấp Chiến Lược là một trò giả dối. Họ đưa ra những nghi ngờ về những báo cáo về tiến bộ quân sự, nói rằng chính phủ Việt Nam thổi phồng những con số thống kê; rằng quân đội Việt Nam “làm việc theo giờ hành chánh”, tung ra những cuộc hành quân có lệ vào ban ngày rồi rút trở về doanh trại ban đêm. Theo họ, mặc dầu những can thiệp càng ngày càng gia tăng của Hoa Kỳ, cuộc chiến tại miền Nam đang tiến dần tới thất bại về tay Cộng sản. Và họ kết luận rằng cuộc chiến không thể nào thắng được nếu Hoa Kỳ tiếp tục theo đuổi chính sách “dại dột” “sống và chết cùng với ông Diệm” (sink or swim with Diem).

Halberstam, Sheehan và những đồng nghiệp được cung cấp tài liệu cho những bài chỉ trích đó từ những sỹ quan và viên chức cấp dưới của Mỹ. Sự gia tăng một cách mau chóng những lực lượng Mỹ tại Việt Nam cùng với tầm mức can thiệp sâu đậm hơn vào các hoạt động của chính quyền và quân đội Việt Nam đã tạo ra những căng thẳng tại hầu như tất cả các cấp bậc giữa Mỹ và Việt. Những căng thẳng này có lẽ khó có thể tránh được vì tình trạng gia tăng quá nhanh số người Mỹ tại Việt Nam và những khác biệt về cung cách làm việc và bản chất xã hội giữa hai bên. Hiếu động và thiếu kiên nhẫn, những người Mỹ mới sang này đụng ngay vào với bản chất từ tốn vốn bao trùm hành chánh và quân đội Việt Nam. Hậu quả là nhiều người Mỹ tìm cách qua mặt phía Việt Namđi thẳng vào ngay với dân chúng tại các làng xã, nói môt cách khác, thay vì hành động với tư cách cố vấn họ tìm cách nắm lấy quyền điều hành. Sự kiêu ngạo của những người Mỹ này là nguyên nhân chính tạo ra tình trạng căng thẳng giữa hai bên.

Những chỉ trích của báo chí cũng tạo ra những vấn đề cho chính phủ Kennedy, không muốn làm lộ ra bên ngoài sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Chính Kennedy đã tìm cách áp lực tờ New York Times chuyển Halberstam ra khỏi Việt Nam nhưng không thành công. Nhưng những lời chỉ trích của báo chí cũng làm cho chính quyền Kennedy hoài nghi về những báo cáo mầu hồng của tòa đại sứ và MACV. Đặc biệt, tháng 12, 1962, Mike Mansfield, cựu thượng nghị sỹ và là một trong những người đầu tiên ủng hộ ông Diệm, sang thăm Việt Nam theo yêu cầu của Kennedy và trở về với một báo cáo cực kỳ bi quan về tình hình. Trong báo cáo riêng gởi cho Kennedy, Mansfield so sánh vai trò của Mỹ giống như vai trò của Pháp trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất và nói thẳng thừng rằng Hoa Kỳ có nguy cơ bị kéo vào một cuộc chiến giống như Pháp trước đây với một kết quả cũng vô vọng tương tự.

Báo cáo của Mansfield đã làm cho tòa Bạch ốc dao động và Kennedy gởi ngay Roger Hilsman và Michael Forrestal, một nhân viên thân tín của tòa Bạch ốc sang Việt Nam với một sứ mạng tìm hiểu tình hình (fact finding mission). Báo cáo của phái bộ Hilsman - Forrestal vào đầu năm 1963 đưa ra một quan điểm giữa cái bi quan của những phóng viên báo chí và cái nhìn mầu hồng của các quan chức tòa đại sứ và MACV. Phúc trình của phái bộ đưa ra những dè dặt quan trọng về sự hữu hiệu của quân đội Việt Nam, đưa ra những khuyết điểm quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch Ấp Chiến Lược và công nhận rằng chính phủ của ông Diệm càng ngày càng trở nên cô lập đối với quần chúng. Tuy nhiên phúc trình kết luận rằng Hoa Kỳ và Việt Namtriển vọng đang chiến thắng trong cuộc chiến tuy rằng cuộc chiến “có triển vọng kéo dài lâu hơn là chúng ta muốn” và chiến thắng này “tốn kém hơn cả về nhân mạng lẫn tiền bạc so với chúng ta dự trù”.

Mặc dầu một nhận định nói chung là bi quan, tuy rằng kết luận lạc quan một cách dè dặt, Hilsman và Forrestal cho rằng chính sách của Mỹ theo đuổi - sống chết với ông Diệm - là đúng và khuyến cáo chỉ nên có những thay đổi về chiến thuật để bảo đảm việc thực hiện được hữu hiệu hơn. Phúc trình của Hilsman và Forrestal làm tăng thêm những hoài nghi về sự chính xác của các báo cáo chính thức về tiến bộ đạt được tại Việt Nam, nhưng vẫn còn giữ hy vọng rằng với những giúp đỡ của Mỹ, ông Diệm có thể đạt được chiến thắng chống cuộc nổi dậy của Cộng Sản tại miền Nam.

Vào cuối mùa xuân 1963, trong nội bộ phái bộ Mỹ tại Việt Nam bắt đầu có những bất đồng. Trong lúc tòa đại sứ và MACV vẫn còn tiếp tục tin tưởnglạc quan - khi tướng Harkins đã dám khẳng định trong một hội nghị tại Honolulu vào tháng 4 rằng ông hy vọng rằng cuộc chiến có thể kết thúc vào dịp Giáng Sinh - thì cơ quan CIA tỏ ra bi quan và dè dặt hơn nhiều. Các báo cáo của CIA cảnh cáo rằng tình hình hãy còn mong manh và khó đoán được.

Trong khi đó, quan hệ giữa ông Diệm và Mỹ trở nên đặc biệt căng thẳng. Phía Mỹ gia tăng áp lực để buộc ông Diệm “dân chủ hóa”, đưa ra những cải tổ để thu hút sự ủng hộ của dân chúng trong khi ông Diệm ra sức chống lại, cho rằng những cải tổ Mỹ muốn chỉ có thể làm suy yếu chứ không củng cố được chế độ của ông. Ông Diệm và nhất là ông Nhu cũng thấy mình bị mắc kẹt trong một nan đề, họ biết rằng cần phải trông cậy vào sự hiện diện của Mỹ để ngăn chặn sự bành trướng của Cộng Sản, nhưng chính sự hiện diện của Mỹ này lại mang lại một yếu tố mới, có tính hầu như quyết định ngăn chặn việc giải quyết tình hình. Đặc biệt, ông Diệm và ông Nhu cảm thấy e sợ về sự hiện diện càng ngày càng đông của các cố vấn Mỹ và những cố gắng của họ dành lấy quyền điều hành cuộc chiến. Như đã được Ellen Hammer kể lại trong cuốn sách “Chết trong tháng mười một” (Death in November), ông Diệm đã phản đối chính phủ Mỹ là xâm phạm chủ quyền của Việt Namtố cáo Mỹ là thực hiện chủ nghĩa thực dân mới. Ellen Hammer nhắc lại lời tâm sự của ông Diệm với đại sứ Pháp “Bao nhiêu là lính. Tôi có mời họ sang đâu. Họ chẳng có cả cái thông hành nữa.”

Tình trạng căng thẳng giữa hai bên cuối cùng đã nổ ra vào tháng 5, 1963 khi ông Ngô Đình Nhu chính thức một cách công khai đặt câu hỏi rằng liệu người Mỹ có biết họ làm gì tại Việt Nam hay không và đề nghị Mỹ cắt giảm quân số 5,000 người. Cũng vào đầu mùa hè năm 1963, ông Diệm và ông Nhu cũng bắt đầu tìm cách thương thuyết với Hà Nội một giải pháp giải quyết vấn đề Việt Nam dựa trên căn bản Mỹ rút ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Tình trạng rạn nứt trong liên minh giữa Mỹ và chế độ của ông Diệm như vậy đã bắt đầu.

Lê Mạnh Hùng

[Source: http://www.viettidemagazine.net/index.php?option=com_content&task=view&id=1750&Itemid=50 ]

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/09/2010(Xem: 47001)
31/05/2012(Xem: 10730)
16/10/2014(Xem: 25747)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.