24- Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ Hay Chiến Thắng Được Tưởng Tượng, Hồng Quốc Lộc

20/12/201212:00 SA(Xem: 6935)
24- Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ Hay Chiến Thắng Được Tưởng Tượng, Hồng Quốc Lộc

1963 – 2013
NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI
TẬP HAI (2/3)
Tuyển tập của 99 tác giả
và những lời Phê phán của 100 Chứng nhân
về chế độ Ngô Đình Diệm
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức Publications 2013
TẬP MỘT TẬP HAI TẬP BA

Chương Năm
MA GIỮA BAN NGÀY
Những ngụy biện và tráo trở lịch sử
của tàn dư chế đô Diệm

CHIẾN THẮNG BỊ BỎ LỠ HAY CHIẾN THẮNG ĐƯỢC TƯỞNG TƯỢNG
Một vài ghi chép về cuốn Triumph Forsaken của Mark Moyar
Hồng Quốc Lộc, Đông Hiến dịch

chienthang-02Trong bài phê bình cuốn “Phượng hoàng và chim săn mồi (Phoenix and the Birds of Prey)”, tác phẩm đầu tay của Mark Moyar, sử gia John Prados đã gọi Moyar là một sinh viên bất mãn, một người vốn luôn cảm thấycác thầy mình chỉ đưa ra những ý kiến một chiều rằng cuộc chiến tranh Việt Namsai trái và bất khả chiến thắng.” “Phượng hoàng” được viết để “chứng minh điều ngược lại,” nhưng, theo Prados, rốt cục cuốn sách này hoá ra cũng “chủ quan chẳng kém gì các giáo sư đang bị Moyar chỉ trích”. [2] 

chienthang-03-contentchienthang-01-content

Nhận xét của chuyên gia tình báo này về cuốn “Phượng hoàng” nên được xem như một lời cảnh báo thẳng thắn đối với những độc giả của cuốn “Chiến thắng bị bỏ lỡ (Triumph Forsaken)”, tác phẩm mới nhất của Moyar về cuộc chiến tranh Việt Nam, do Nhà Xuất bản Đại học Cambridge phát hành năm 2006. [3] Nguyên nhân thôi thúc Moyar viết thêm một cuốn chuyên khảo nữa về đề tài đã làm tốn nhiều giấy mực này cũng khá quen thuộc: sự bất mãn của tác giả đối với các công trình nghiên cứu bị cho là kém chất lượng, được những học giả mà Moyar gọi là “những sử gia chính thống” chấp bút. Những sử gia này đều có chung một xuất phát điểm, là quan niệm coi sự can thiệp của nước Mỹ vào cuộc chiến ở Việt Nam là “sai tráiphi lý.” Tuy họ là phái chủ lưu trong giáo giới ở các trường đại học Hoa Kỳ, quan điểm nói trên đã khiến họ trở nên giáo điều cứng nhắc, do đó các công trình họ viết ra về cuộc chiến này, nhìn chung, có thể được xem là “đã vấp phải nhiều lỗi lầm”. [4] Thế nên cần phải xem xét lại giai đoạn lịch sử này trong một công trình nghiên cứu mới gồm hai tập sách, mà trong đó Chiến thắng bị bỏ lỡ là tập đầu.

Trong tập sách này, Moyar cố gắng phục hồi uy tín cho chính quyền ông Ngô Đình Diệm, người, theo ông ta, vốn bị các sử gia “chính thống” bôi nhọ một cách phi lý. Ý chính của tác giả có thể được tóm tắt như sau: việc Chính phủ Hoa Kỳ quyết định ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm năm 1963 là “sai lầm lớn nhất của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam,” vì nó đã làm hỏng tiến độ hết sức khả quan của chính quyền Việt Nam Cộng hoà trong việc dập tắt bạo loạn cộng sản ở miền Nam. [5] Nếu Ngô Đình Diệm không bị lật đổ, thì Việt Nam Cộng hoà sẽ đánh bại được mầm mống bạo loạn cộng sản, và điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ không bị sa vào vũng lầy đã ám ảnh xã hội Mỹ từ ngày đó đến tận bây giờ. [6]

Nhận xét mang tính “xét lại” này đối với Ngô Đình Diệm không phải mới được đưa ra lần đầu, như chính Moyar đã công nhận. Trước đó nó đã được nhắc đến, ví dụ như trong cuốn Chiến thắng bị đánh mất (Lost Victory) của William Colby. [7] Yếu tố mới trong nghiên cứu của Moyar là số lượng tư liệu có vẻ đồ sộ mà tác giả đã thu thập để chứng minh cho nhận định rằng, lẽ ra Hoa Kỳ không nên bỏ rơi Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, quả núi bằng chứng mà Mark Moyar đã dành nhiều năm để thu thập không đồng nghĩa với việc ý kiến xét lại của ông ta về cuộc chiến tranh Việt Nam có sức nặng tương đương. Moyar khiến người ta nghi ngờ sự khả tín của việc xét lại này, vì ông ta có khuynh hướng giấu độc giả những thông tin có thể khiến họ nghĩ không tốt về chính quyền Ngô Đình Diệm. Một ví dụ điển hình cho khuynh hướng này là cách lập luận của Moyar khi đề cập đến cuộc trưng cầu dân ý năm 1955, căn cứ để sau đó Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại.

Như Moyar cho biết, trước khi tiến hành cuộc trưng cầu dân ý này, thì đã diễn ra một chiến dịch tuyên truyền để bộ máy của Ngô Đình Diệm truyền đạt tới từng cử tri miền Nam thông điệp về hình ảnh của Ngô Đình Diệm như một vị anh hùng dân tộc, tương phản với Bảo Đại là bù nhìn của Pháp, chỉ biết ăn chơi trác táng. Cuối cùng, đến ngày bầu cử 23 tháng 10, cử tri “được hướng dẫn bỏ tấm phiếu đỏ cho ông Ngô Đình Diệm – màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúcmay mắn đối với người Việt - hoặc là phiếu màu xanh cho Bảo Đại – màu xanh mang ý nghĩa ngược lại.” [8] Nhờ tất cả những nỗ lực đó của chính phủ, cuộc trưng cầu dân ý mang lại một chiến thắng vẻ vang cho Ngô Đình Diệm, làm uy tín của ông ta được tăng thêm rất nhiều trong dân chúng miền Nam. [9]Số cử tri đi bầu,” Moyar phân tích, “vượt trên chín mươi phần trăm, trừ một số ít các địa phương vẫn còn đang có tranh chấp với giáo phái Hoà Hảo. Đại sứ G. Frederick Reinhardt (…) cho biết không thấy có dấu hiệu của sự gian lận hay ép buộc. Theo thống kê cuối cùng, Diệm được 5,721,735 phiếu, tương đương 98.2 % tổng số phiếu bầu.[10]

 chienthang-05-contentchienthang-04-content

Trước lúc cử ông Diệm về làm Thủ tướng, toàn dân đứng sau lưng vua. Cuộc Trưng cầu Dân ý độc diễn và gian lận ngày 23-10-1955 đã hạ nhục vua Bảo Đại để ông Diệm thắng cử …98.2% số phiếu !

Tuy ai cũng biết việc chính quyền Ngô Đình Diệm đã sắp đặt cuộc trưng cầu dân ý này một cách vụng về (và có lẽ cũng không cần thiết) để đạt được kết quả như trên, [11] nhưng Moyar nhất quyết không công nhận sự thật đó. Ngược lại, ông ta gắng gượng bào chữa bằng cách quy kết rằng thái độ dễ bảo trên phương diện chính trị của người miền Nam chính là nguyên nhân dẫn đến kết quả một chiều của cuộc trưng cầu dân ý. [12]Kết quả đó, ông ta viết, “không nói lên rằng tất cả mọi người dân miền Nam Việt Nam đều tín nhiệm Diệm; thực ra, nó chỉ chứng tỏ rằng người dân không mấy quan tâm đến các hoạt động dân chủ và sẵn sàng chấp nhận sự sắp đặt của chính phủ, thể hiện qua chiến dịch tuyên truyền và cách chọn màu sắc cho lá phiếu.” [13]

Vì cuộc trưng cầu năm 1955 chỉ là một sự kiện nhỏ, việc Moyar vòng vo ngay cả với một vấn đề nhỏ như vậy không thể không gây những mối hoài nghi về sự khả tín của sử gia này, những mối hoài nghi mà đúng ra Moyar không nên gieo trong lòng độc giả, khi ông ta tiếp tục công kích các học giả thuộc trường phái “chính thống” ở các phần tiếp theo.

Để chứng minh rằng các nỗi nghi ngờ nói trên là chính đáng, trong đoạn tiếp theo chúng ta sẽ bàn xem (1) sự đánh giá của Moyar về chương trình cải cách điền địa do Ngô Đình Diệm khởi xướng trong những năm đầu cầm quyền, và (2) cách giải thích của sử gia “xét lại” này về sự bùng nổ của phong trào Phật giáo, sự kiện đã dẫn tới kết cục sụp đổ của chính quyền. Trong cả hai vấn đề nói trên, Moyar đã đi đến kết luận trái ngược hẳn với quan điểm mà các sử gia “chính thống” vẫn bảo vệ. Tuy nhiên, cách ông ta nêu dẫn chứng để biện minh cho các kết luận đó đầy thiên kiến đến nỗi người ta thấy hình như lời phê bình mà Prados đã dành cho cuốn sách trước của Moyar tỏ ra khá chính xác đối với cuốn Chiến thắng bị bỏ lỡ này.

1. Chương trình cải cách điền địa của Ngô Đình Diệm

Có hai lý do khiến giới sử học về chiến tranh Việt Nam nói chung phải tốn khá nhiều bút mực với chương trình cải cách điền địa mà Ngô Đình Diệm đã khởi xướng ở Nam Việt Nam sau khi lên nắm quyền vào năm 1954. Thứ nhất là gánh nặng mà giới điền chủ đã gây ra cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà vào thời điểm chính quyền miền Nam ra đời, bốn mươi phần trăm (tổng diện tích) đất canh tác thuộc sở hữu của 2,500 người - tức là 25 phần nghìn (0.25%) dân số nông thôn. Phần lớn nông dân vùng này không có hoặc có rất ít đất canh tác và phải đi mướn ruộng cùng với trâu bò kéo của các điền chủ. [14]

Lý do thứ hai khiến các sử gia về chiến tranh Việt Nam quan tâm tới chương trình cải cách điền địa của Ngô Đình Diệm là phong trào phân chia lại ruộng đất do chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hay còn được gọi là Việt Minh tiến hành ở đồng bằng sông Cửu Long trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp quay lại chiếm Việt Nam sau Thế Chiến II.

Trong thời kháng chiến, nhiều điền chủ, địa chủ và tá điền (của vùng này) tản cư về các thành phố và đô thị. Trong khi họ vắng mặt, dựa trên các sắc lệnh của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, các cán bộ kháng chiến tiến hành các chính sách giảm tô cho nông dân trong các khu vực họ kiểm soát. Ngoài ra, cán bộ kháng chiến còn phân chia lại ruộng đất tịch thu của các địa chủ vắng mặt. Những người được nhận ruộng không phải trả tô cho chính phủ kháng chiến nhưng phải đóng thuế, một nghĩa vụ mà người dân nói chung đều chấp nhận thực hiện vì không liên quan gì đến khoản tô vẫn phải trả cho người cho thuê ruộng theo thông lệ. [15]

Dựa trên số lượng các thôn xóm thuộc vùng Việt Minh kiểm soát trong thời kháng chiến chống Pháp, Carlyle Thayer suy đoán việc phân chia lại ruộng đất phải có ảnh hưởng khá sâu đậm đối với nông dân miền Nam. [16] Với kết quả là thu được cảm tình của nông dân miền Nam dành cho Việt Minh, chương trình phân phối lại ruộng đất thực hiện trong những năm kháng chiến có thể so sánh như con ngựa thành Tơ-roa được các cán bộ Việt Minh để lại miền Nam khi tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneva.

Có thể nói, cách giải quyết của Ngô Đình Diệm đối với mối nguy này gồm có hai biện pháp chính. [17] Năm 1955, chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành Dụ số 2 nhằm bảo vệ quyền lợi của tá điền. Ngoài những nội dung khác, Dụ này quy địnhmức tối đa đối với mức thu tô và lãi suất mà điền chủ được áp dụng.[18] Dụ số 57, ban hành một năm sau đó, được thiết kế để hạn chế sự chênh lệch về sở hữu ruộng đất bằng biện pháp tái phân bổ. “Ngày 22/10/1956, Moyar viết, Diệm ban hành một sắc lệnh của tổng thống, giới hạn diện tích đất ruộng tối đa một cá nhân có thể sở hữu100 ha. Quyết tâm tránh “dùng biện pháp ăn cướptra tấn dã man” như phong trào Cải cách ruộng đất của Cộng sản, Diệm chỉ thị cho các quan chức địa phương trả tiền mua số đất vượt quá giới hạn, chứ không tịch thu. Sau đó chính phủ sẽ chia nhỏ số đất vượt giới hạn này để bán cho các nông dân chưa có ruộng, và họ được vay một khoản tiền không phải trả lãi trong kỳ hạn sáu năm để mua.” [19]

Rất nhiều sử gia đã kết luận rằng chương trình cải cách điền địa của Ngô Đình Diệm là một thất bại lớn. [20] Các nguyên nhân dẫn đến sự thất bại này, theo họ, là việc ông ta không thấu hiểu được nhu cầu của nông dân miền Nam, [21] sự e ngại bị mất lòng giới điền chủ, vốn là một bộ phận quan trọng tạo nên điểm tựa chính trị của Ngô Đình Diệm, [22] và sự thiên vị đối với các kế hoạch phát triển nông thôn khác như chính sách Dinh Điền và chương trình Khu Trù Mật. [23] Các biện pháp cải cách mà chính quyền Ngô Đình Diệm áp dụng, xét theo mọi khía cạnh, đều quá yếu nên không thể cất nổi các gánh nặng của người nông dân miền Nam. “Không những chính quyền Sài Gòn không ngăn chặn được sự lạm dụng trong quan hệ của địa chủ với tá điền; mà việc phân chia lại ruộng đất – viên ngọc trên vương miện của bất kỳ một chương trình cải cách hữu hiệu nào – cũng chỉ mang lại được ích lợi cho số ít nông dân,” Philip Catton kết luận trong Thất bại cuối cùng của Diệm (Diem’s Final Failure), một tác phẩm được học giới đánh giá cao. “Dụ số 57,” Catton viết tiếp, “là một văn bản pháp luật nặng tính bảo thủ,” vì mức giới hạn diện tích sở hữu 100 ha được quy định trong văn bản này cao hơn 30 lần so với các mức giới hạn được đặt ra với mục đích tương tựNhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Vì vậy, theo Dụ này, chỉ có bảy trăm ngàn héc-ta đất cần phân chia lại, tương đương một phần ba số diện tích phát canh thu tô ở miền Nam Việt Nam. [24]

Hậu quả lúc đó là, “chỉ có 10 phần trăm tá điền được hưởng lợi ít nhiều từ việc triển khai Dụ số 57.” [25] Số còn lại vẫn phải tiếp tục lao động “với các điều khoản phát canh chèn ép tá điền.” [26] Đối với những nông dân nghèo, chế độ Ngô Đình Diệm, có thể nói là, “chỉ là một sự cải thiện chút đỉnh so với thời Pháp thuộc.” [27]

Trước tình cảnh như vậy, “lúc đó,” Roy Prosterman kết luận, tức là vào cuối thập niên 50, việc Việt Cộng thế chân Việt Minh là tất yếu, với lời hứa hẹn sẽ duy trìmở rộng phong trào cải cách ruộng đất của Việt Minh khiến họ thu hút được sử ủng hộ rộng khắp của dân chúng. [28]

Không có gì là bất ngờ khi Moyar không tán thành với quan điểm nói trên, vốn vẫn được chấp nhậnquan điểm nổi trội trong giới sử gia về Việt nam. Dù phải công nhận rằng, về lâu dài, quyết định của Ngô Đình Diệm cho phép điền chủ được sở hữu tới 100 hécta đất ruộng là một sai lầmphải trả giá đắt”, [29] Moyar vẫn duy trì ý kiến rằng những nỗ lực giải quyết vấn đề điền/địa chủ ở đồng bằng sông Cửu Long của chính quyền Ngô Đình Diệm, nhìn chung là một thành công. [30]Một trong những thành tựu quan trọng nhất trong thời kỳ đầu cầm quyền của Ngô Đình Diệm là việc cải cách điền địa,” Moyar biện luận, [31] với ngầm ý bác bỏ kết luận của giới “chính thống” rằng đó là một thất bại lớn. Tuy nhiên, sử gia “xét lại” này có vấn đề ở chỗ, ông ta đã để hở những khoảng trống nghiêm trọng, nếu không nói là chết người, trong lý luận của mình khi đưa ra quá ít thông tin liên quan - điều mà một sử gia cần tránh: Ông ta đã không cho độc giả biết rằng cuộc cải cách điền địa của Ngô Đình Diệm đã có thể làm cho tình cảnh của nhiều nông dân nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long xấu đi rất nhiều. Như Jeffrey Race đã chỉ ra rằng:

Với ngôn từ văn hoa là “chương trình hạn chế mức tô mà điền chủ được phép thu,” theo Dụ số 2 ngày 8/1/1955, chính quyền Diệm yêu cầu tất cả tá điền phải ký hợp đồng với điền chủ, tức là chính thức ghi nhận rằng tất cả số ruộng họ được Việt Minh cấp vẫn thuộc quyền sở hữu của điền chủ, địa chủ. Tính riêng ở Long An, hơn 28,000 hợp đồng như vậy đã được ký kết theo quy định của Dụ số 2. Chính sách tái phân bổ do chính quyền Sài Gòn đưa ra theo Dụ số 57 ngày 22/10/1956 gần như không tạo được tác động gì để cải thiện hậu quả nghiêm trọng của Dụ số 2. Trong số khoảng 35,000 hộ nông dân ở Long An phải thuê một phần hoặc toàn bộ đất canh tác, chỉ có 3,613 hộ đủ tiêu chuẩn được mua đất theo Dụ số 57; hơn nữa, thủ tục quá chậm chạp đến nỗi cho đến tận năm 1960, khi chính quyền Long An đã rơi vào hoàn cảnh nguy ngập, mới chỉ có 973 giấy chứng nhận sở hữu đất ruộng được cơ quan Bộ ở Sài Gòn gửi về. Việc đòi hỏi người nhận ruộng phải trả tiền mua của chính quyền Sài Gòn khiến chính sách của họ tỏ ra kém hấp dẫn so với phương pháp cấp phát đại trà của Việt Minh. [32]

Moyar hẳn phải biết những tệ trạng nghiêm trọngchương trình cải cách điền địa của Ngô Đình Diệm có thể gây ra, vì đó là một điểm nổi bật được cả Prosterman và Thayer nhấn mạnh, mà cả hai tác giả này đều được chính Moyar trích dẫn trong phần biện luận về thành tích nông nghiệp của vị Tổng thống Nam Việt Nam. [33] Prosterman đã lưu ý chúng ta rằng biện pháp kiểm soát hợp đồng thuê ruộng của Ngô Đình Diệm có tác độngtái lập lại mối quan hệ điền chủ-tá điền trên hàng trăm ngàn nông hộ ở những vùng trước đây thuộc quyền kiểm soát của Việt Minh, nơi mà những người nông dân vẫn nghĩ rằng ruộng đất đã thuộc về họ,” [34] và Thayer chỉ ra rằng, nhờ chính sách của Ngô Đình Diệm, những điền chủ không ở địa phương “đã sinh sống chủ yếu ở các đô thị”, giờ có thể “thu được tiền tô ở những vùng đất ruộng trước đây không thu được.” Trong nhiều trường hợp, tác giả bổ sung, “điền chủ thuê giới chức địa phương, thậm chí cả đơn vị quân đội, đi thu tô thay mình.” [35] Vì đã tự xưng là một sử gia “xét lại”, đương nhiên Moyar không cần phải chấp nhận những biện luận của các sử gia “chính thống” nói trên về chính sách nông nghiệp của Ngô Đình Diệm như một sự thật hiển nhiên. Nhưng trong trường hợp đó, ông ta cần phải nêu ra những lập luận của họ để tranh luận về tính đúng đắn của chúng. Vì những lập luận này, nếu không bị phản biện, sẽ rất có hại cho quan điểm “xét lại” của Moyar, nên việc ông ta thậm chí không nhắc đến chúng không khỏi gây nên những nghi ngờ rằng ông ta muốn xét lại lịch sử bằng cách loại bỏ những tư liệu không phù hợp với lý thuyết của mình.

2. Cuộc đụng độ với Phật giáo năm 1963

Như chúng ta sẽ thấy, chiến lược loại bỏ tư liệu một cách có chọn lọc được Moyar áp dụng một lần nữa, khi ông ta “xét lại” cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1963, yếu tố khiến chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ nhanh hơn. Như chúng ta đã biết, cuộc khủng hoảng khởi đầu với Biến cố cờ Phật giáo vào tháng Năm năm 1963 ở Huế. Giới Phật giáo miền Nam Việt Nam khẳng định rằng biến cố này là bằng chứng của chính sách kỳ thị tôn giáo mà họ phải chịu đựng dưới chế độ Ngô Đình Diệm - một khẳng định sẽ trở thành sự biện minh cho những hoạt động phản đối chế độ này mà họ tiến hành sau đó.

Tuy quan điểm nói trên đã được nhiều sử gia trong và ngoài nước Mỹ chấp nhận, Moyar lại cho rằng điều đó hoàn toàn sai lạc. “Những người chỉ trích Diệm đã sai lầm khi tin rằng phong trào Phật tử xuống đường năm 1963 bắt nguồn từ sự bất mãn sâu rộng đối với một chính phủ có biểu hiện thiên vị tôn giáo,” ông ta biện luận. [36]

Thật ra, đó là màn kịch quyền lực của một thiểu số các vị lãnh đạo Phật giáo, mà chủ đích mập mờ của họ về sau đã bộc lộ rõ ràng khi họ dứt khoát cản trở những nỗ lực hàn gắn từ phía chính quyền, và những lời buộc tội của họ về đàn áp tôn giáo đã tỏ ra vô căn cứ. Những vị này có quan hệ mật thiết với Cộng sản, hoặc chính bản thân họ là Cộng sản đội lốt, và có những điệp viên Cộng sản tham dự tích cực vào phong trào Phật tử tranh đấu. [37]

Với quan điểm này, Biến cố cờ Phật Giáo năm 1963 được mô tả như một cái cớ để các vị lãnh đạo Phật giáo, hoặc “Cộng sản” vin vào để lật đổ Ngô Đình Diệm. Theo lời kể của Moyar về sự kiện này, khởi điểm của phong trào này là, một hành động của giới cảnh sát nhằm ngăn chặn việc treo cờ Phật giáo nhân ngày 7/5, một ngày lễ Phật (Phật đản). Chỉ vài ngày trước đó, trong các buổi lễ thánh ở Huế và Đà Nẵng, chính quyền đã cho phép treo cờ vàng-trắng của Toà thánh Vatican. Tuy nhiên, sau các buổi lễ đó, Diệm đã quyết định rằng chính quyền phải có biện pháp bảo đảm việc thực thi sắc lệnh cấm treo cờ tôn giáo ngoài trời, kể cả cờ Công giáo, một sắc lệnh vốn được ban hành từ lâu nhưng không được thực thi nghiêm túc. [38]

Rất có thể là Tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ muốn giữ uy tín cho chính quyền, [39] nhưng quyết định của ông ta đã bị những người chống đối xuyên tạc. Bất chấp thực tế là thông tư cấm treo cờ áp dụng cho mọi tôn giáo, và việc cưỡng chế thi hành là để đáp lại hành động của giới Công giáo, một số lãnh đạo Phật giáo cứ khăng khăng rằng đó là một hành vi kỳ thị Phật giáo, vì trước đó chính quyền đã không cấm treo cờ Thiên chúa. [40]

Nhìn chung, có thể nói rằng cách giải thích của Moyar về nỗ lực biến Phật giáo ngược hẳn với quan điểm của nhiều người, ví dụ như của Nguyễn Thế Anh, một người vừa là cựu Viện Trưởng Đại học Huế, vừa là cựu giáo sư khoa Sử trường Đại học Sài gòn. Ông Anh cho rằng, nguyên nhân tổng quát của sự biến này phải được đúc rút từ (a) sự kỳ thị mà Phật giáo miền Nam từng phải chịu đựng dưới bàn tay của chính quyền Ngô Đình Diệm, và (b) thái độ trịch thượng ra mặt của thiểu số Công giáo, với đường lối của Ngô Đình Diệm muốn dựa vào họ làm hậu thuẫn chính trị cho chế độ của mình. Hai yếu tố đó mới là nguyên nhân khoét sâu sự chia rẽ vốn đang tồn tại trong xã hội miền Nam. “Những rạn nứt xã hội, trong mức độ mà chúng đã có,” theo lời của chính ông Anh, lại bị đào sâu thêm do ý định của Ngô Đình Diệm muốn biến cộng đồng Thiên chúa giáo trở thành nền tảng cơ bản của chế độ. Đặc ân của chính phủ chỉ dành cho những người Công giáo: vị trí then chốt dân sự và quân sự, hợp đồng thương mại, các đặc quyền. Việc chiếm hữu gần như độc quyền niềm tín nhiệm và sự ưu đãi của chính quyền của một thiểu số (...), quá thường xuyên phô trương một cách vụng về vẻ ngạo mạn đắc thắng của mình, thế nào cũng bị gán với sự kỳ thị tôn giáo không thể chấp nhận được. [41]

Theo ông Anh, chính tình trạng này đã thúc đẩy những vị lãnh đạo Phật giáo miền Nam, trước đó vốn vẫn giữ quan điểm đứng ngoài chính trị, bước vào chính trường. Khi bàn về mức độ ủng hộ của người dân miền Nam đối với Phật giáo, ông Anh viết như sau:

Thế nhưng, mặc dù được lòng dân, những vị lãnh đạo Phật giáo luôn khinh ghét việc đòi lại ảnh hưởng chính trị để thúc ép các biến cố. Luôn giữ vững niềm tin tự đáy lòngđại diện cho truyền thống đích thực của quốc gia, họ vẫn ngại tham gia vào các cuộc tranh luận. (…) Nhưng phản ứng chống lại sự tàn nhẫn của chế độ Ngô Đình Diệm và chống lại sự thiên vị dành cho thiểu số Công giáo cũng như vẻ trịch thượng của nhóm người đó, sẽ tạo mối hội tụ chính trị của các vị lãnh đạo Phật giáo này. [42]

Nếu chúng ta tin vào cách giải thích của giáo sư Anh về bối cảnh chính trị và xã hội của sự biến Phật giáo năm 1963, thì chúng ta có thể nhận thấy Biến cố cờ Phật Giáo chỉ là giọt nước làm tràn ly, chứ không phải là một sai sót không cố ý (của chính quyền) đã bị lãnh đạo Phật giáo lợi dụng với động cơ chính trị như Moyar ngầm giải thích. Nhưng vì sao chúng ta nên tin lời giáo sư Anh? Có lý do gì để chúng ta thiên về cách giải thích của ông hơn là của Moyar về phong trào Phật giáo?

Trong khi đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên, chúng ta cần nhớ rằng có nhiều biểu hiện cho thấy Ngô Đình Diệm cần dựa vào những người Công giáo ngay từ buổi đầu bước vào chính trường. Điều này có thể chứng minh qua những hành động chống Pháp của Ngô Đình Diệm trong thời kỳ Nhật chiếm đóng trong Thế chiến II, khi gia đình họ Ngô chọn Nhật làm đồng minh thay cho người Pháp. [43] Để chống lại người Pháp, Ngô Đình Diệm cho thành lập một chính đảng bí mật lấy tên là “Đại Việt Phục Hưng Hội” khoảng năm 1943. [44]Đảng này dường như hoạt động chủ yếu ở miền Trung Việt Nam, quê Diệm, và đa số - thậm chí tất cả, thành phần nhân sự đều là người Công giáo. [45]

chienthang-06-content

Thư của Giám mục Vĩnh Long là Ngô Đình Thục gửi Toàn quyền Jean Decoux ngày 21/8/1944, nhân danh quá trình tận tụy của cả gia đình cho chính phủ Pháp để xin tha tội cho các em (Diệm và Nhu)

 Xu hướng dựa vào người Công giáo - đồng đạo còn có thể nhận thấy qua đề xuất mà Ngô Đình Diệm và anh trai – Giám Mục Ngô Đình Thục, đưa ra trong cuộc chiến giữa người Pháp và Việt Minh. Đề xuất này được công bố tại Hoa Kỳ, khi Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục tới thăm để vận động cho một giải pháp dân tộc chủ nghĩa thay thế cho cả thực dân Pháp và Cộng sản. “Vào đầu tháng 9 năm 1950,” Edward Miller viết, “hai anh em vượt Thái Bình Dương đến Mỹ và đã tới Washington, ở đó họ được tiếp đón tại Bộ Ngoại giao. Các quan chức tiếp họ hôm đó đều có ấn tượng mạnh với đề xuất họ đưa ra hôm đó, về việc dùng lực lượng vũ trang Công giáo làm nòng cốt cho quân đội quốc gia Việt Nam.[46]

Dù Ngô Đình Diệm hoàn toàn có khả năng thu hút được sự ủng hộ tạm thời của người Việt Nam ngoài giới đồng đạo Công giáo, [47] nhưng dường như giáo dân luôn là hậu thuẫn quan trọng của ông ta. Quan hệ chặt chẽ giữa ông ta với giới Công giáo ngày càng trở nên rõ nét hơn trong mắt người phương Tây kể từ sau khi ông ta lên nắm quyền vào năm 1954. Điều đó đã được những người như J. Donald Lancaster ghi lại vào năm 1956. Sau khi đã chỉ ra những ngón nghề Ngô Đình Diệm đã áp dụng để “cô lập và tiêu diệt dần mòn tất cả các tổ chức “Quốc gia” đối lập,” Lancaster viết:

Tuy nhiên, ông Diệm, một người vốn bị hạn chế trong hành động bởi lòng trung thành đối với gia tộctôn giáo của mình, vẫn chưa chứng minh được rằng ông ta là người có khả năng đề xướng những chính sách tích cực để đảm bảo sự sống còn của “Chủ nghĩa Quốc gia” ở miền Nam Việt Nam.” [48]

Nhận xét của Lancaster có thể được xem như sự minh xác đối với những quan ngại mà tướng J. Lawton Collins, đặc sứ của Tổng thống Dwight Eisenhower tại miền Nam Việt Nam đã bày tỏ. “Joe Sấm sét,” biệt hiệu của Collins, [49] đã cảnh báo Ngô Đình Diệm ngay từ năm 1955 đừng sử dụng nguồn lực chính phủ vào việc phát triển tôn giáo của riêng mình. Collins đã chứng kiến, khi các nhân vật Công giáo nổi tiếng như Hồng y Francis Spellman của Mỹ hay Hồng y Norman Gilroy của Úc đến Sài Gòn [50] để uý lạo dân di cư từ miền Bắc, đường phố treo đầy khẩu hiệu với dòng chữ “Giáo hội Muôn năm” bằng tiếng Pháp, tiếng Latin và tiếng Việt. Chắc chắn động thái này sẽ làm bên Phật giáo, Cao Đài và Hoà Hảo xa rời chính phủ vì tôn giáo của họ không nhận được sự ủng hộ của chính quyền một cách công khai như vậy. [51]

chienthang-08-contentchienthang-07

Hồng y Spellman, với hổn danh là “Giáo hoàng Mỹ”,

Tuyên úy trưởng Quân đội Mỹ, người đở đầu cho chế độ Diệm

 Ông tướng theo Công giáo Collins có đủ lý do để quan ngại về những cuộc thăm viếng nói trên, vì chính đó là nguyên nhân xuất hiện những lời đồn đại rằng Ngô Đình Diệm, khi còn đang là thủ tướng, “ý địnhbiến Việt Nam thành một giáo xứ Công giáo.’[52] Tuy nhiên, vào tháng Hai năm 1955, “khi Collins yêu cầu thủ tướng Diệm ra một tuyên bố công khai về việc bảo đảm tự do tôn giáo, Diệm đã từ chối.” [53] Và Collins cũng từ chối bỏ cuộc, khi ông ta nhắc lại lời khuyên rằng chính quyền Ngô Đình Diệm không nên quá thiên vị Công giáo, trong một cuộc đối thoại với Giám mục Ngô Đình Thục vào ngày 25 tháng Ba năm 1955. [54]Đại sứ Collins,” theo biên bản của cuộc họp này, “phát biểu rằng ông hy vọng sẽ không có một cuộc thăm viếng của những nhân vật Công giáo cao cấp nào trong khoảng thời gian ít nhất là sáu tháng tới,” và “các biểu ngữ tôn giáo treo trên đường phố gần Phủ Tổng thống sẽ tạo cớ cho những lời phê bình rằng ông Diệm đang uốn chính sách theo quyền lợi của Giáo hội.[55]

Nhận xét của người nước ngoài như Lancaster và Collins có mức độ tin cậy khá cao, vì được đưa ra rất lâu trước khi người phương Tây được nghe thấy tên Thượng tọa Thích Trí Quang, người lãnh đạo phong trào biểu tình của Phật giáo sau biến cố cờ Phật giáo, người mà theo Moyar, có khả năng là “một cán bộ Cộng sản.” [56] Nói một cách khác, vì những nhận xét này được đưa ra khi chưa ai biết những gì sẽ xảy ra trong tương lai, nên chúng không bị uốn nắn để phù hợp vơí những chuyện đã ngã ngũ. Do đó chúng có một mức độ khả tín khá cao. Ít nhất, qua đó cũng có thể thấy tính chất bè phái của chế độ Ngô Đình Diệm đã bắt đầu bộc lộ ngay trong giai đoạn phôi thai của nó, và đó chính là nguyên nhân khiến đại diện cao nhất của Hoa Kỳ tại Sài Gòn quan ngại. Những ý kiến đó cũng phù hợp với tình hình một số sự kiện chính thức đang diễn ra tại miền Nam Việt Nam sau khi Ngô Đình Diệm đã tập trung được quyền lực. “Dưới thời Diệm,” Nguyễn Thị Liên Hằng viết, “các buổi lễ Công giáo thường giống như ngày hội quốc gia. Những đoàn rước Thánh làm tắc nhiều khu phố trong nhiều giờ mà không hề bị phạt. Những cuộc hành hương về các Thánh địa lớn thường được chính phủ bảo trợquảng bá công khai. Hai cuộc hành hương về nhà thờ thánh mẫu Maria vào năm 1959 (ở Sài Gòn) và 1961 (La Vang, gần Huế) thu hút được rất đông tín đồ. Những sự kiện như vậy được coi như lễ hội toàn quốc, dù cộng đồng Công giáo chỉ chiếm 10 phần trăm dân số.” [57]

Liên Hằng cũng nêu ra các đặc quyền khác vốn được dành cho các đồng đạo Công giáo của tổng thống. “Trong số rất nhiều các biểu hiện của đặc quyền dành cho cộng đồng Công giáo, có thể kể đến,” tác giả viết, “tài trợ trực tiếp của chính phủ, miễn lao công, ưu đãi về chính trị và pháp luật. Ví dụ như, ba trăm ngàn mẫu “đất Nhà thờ” không hề bị trắc đạc, nên không phải đóng thuế thổ trạch dưới thời Diệm. Giới Công giáo được nhận nhiều trợ cấp nhất theo hệ thống tín dụng nông nghiệp để xây dựng trường học và bệnh viện, và quân đội Nam Việt Nam bị điều động đi xây dựng hoặc tân trang các công trình thuộc sở hữu của Nhà thờ Công giáo.” [58]

Lối đối xử ưu đãi nói trên dành cho giới Công giáo trong thời Ngô Đình Diệm hình như đã có ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ hành xử của nhiều nhân vật Công giáo. Tạ Chí Đại Trường, một sử gia miền Nam đang học ở Sài Gòn dưới chế độ Ngô Đình Diệm, trong một tác phẩm viết mới đây [59], đã nhận định rằng một bộ phận quan trọng trong giới Công giáo “ít nhiều gì cũng là kiêu dân”. [60] Một ví dụ cụ thể về sự trịch thượng, kiêu ngạo của người Công giáo dưới thời Ngô Đình Diệm được cố học giả Nguyễn Hiến Lê, một trong những học giả uy tín nhất của miền Nam, nêu ra. [61]. “Đầu niên khóa 1954-1955,” ông ta kể lại:

trong chương trình Trung học đệ nhất cấp có thêm môn Lịch sử thế giới dạy trong bốn năm. Ông Thiên Giang lúc đó dạy sử các lớp đệ lục, đệ ngũ. Tôi bàn với ông sọan chung bộ sử thế giới càng sớm càng tốt cho học sinh có sách học, khỏi phải chép “cua” (cours). Ông đồng ý. Chúng tôi phân công: tôi viết cuốn đầu và cuốn cuối cho lớp đệ thất và đệ tứ, ông viết hai cuốn giữa cho đệ lục và đệ ngũ. Chúng tôi bỏ hết công việc khác, viết trong 6 tháng xong; tôi bỏ vốn ra in, năm 1955 in xong trước kì tựu trường tháng chín. (...)

Sau một linh mụcTrung yêu cầu bộ Giáo dục cấm bán và tịch thu hết bộ sử đó vì trong cuốn II viết về thời Trung cổ, chúng tôi có nói đến sự bê bối của một vài Giáo hoàng. Bộ phái một viên bí thư có bằng cử nhân lại tiếp xúc với tôi. Ông này nhã nhặn, khen tôi viết sử có nhiệt tâm, cho nên đọc hấp dẫn như bộ sử Pháp của Michelet; rồi nhận rằng sách tôi được bộ Thông tin cho phép in, lại nạp bản rồi thì không có lí gì tịch thu, cấm bán được, chỉ có thể ra thông báo cho các trường đừng dùng thôi; cho nên ông ta chỉ yêu cầu tôi bôi đen vài hàng trên hai bản để ông ta đem về nộp bộ, bộ sẽ trả lời linh mục nào đó, còn bán thì tôi cứ bán, không ngại gì cả. Tôi chiều lòng ông. (...)

Hồi đó bộ Lịch sử thế giới của tôi chỉ còn một số ít. Tôi hỏi các nhà phát hành, được biết có lệnh cấm các trường ngoài Trung dùng nó; trong Nam thì không. Chỉ ít tháng sau bộ đó bán hết, tôi không tái bản. Công giáo thời đó lên chân như vậy.” [62]

không có lý do gì để nghi ngại về tính xác thực của câu chuyện nói trên của Nguyễn Hiến Lê, kinh nghiệm bản thân của ông đã khiến người đọc phải nghi ngờ tính chân xác của một luận điểm quan trọng trong các ý kiến chung của Moyar nhằm bảo vệ chế độ Ngô Đình Diệm trước công luận về việc kỳ thị tôn giáo. Để phản bác nhận xét cụ thể rằng Ngô Đình Diệm “công khai kỳ thị tôn giáo trong quá trình tuyển dụng nhân sự, dẫn đến thực tếđa số quan chức đều là người Công giáo,” Moyar viết:

[Đ]iều dễ thấy nhất là người Công giáo không chiếm đa số trong chính phủ Diệm, ngay cả ở cấp cao nhất. Trong nội các 18 Bộ trưởng, chỉ có năm người theo Công giáo, năm người theo Khổng giáo, và tám người theo Phật giáo, trong đó có một phó Tổng thống và Ngoại trưởng là người Phật giáo. Ở cấp tỉnh trưởng, có mười hai người theo Công giáo và hai mươi sáu vị theo Phật hay Khổng giáo. Chỉ có ba trong số mười chín sĩ quan cao cấp nhất trong quân đội theo Công giáo. [63]

Những con số do Moyar đưa ra không chứng minh rằng không có kỳ thị tôn giáo ở miền Nam dưới thời Ngô Đình Diệm. Sự kiện do Nguyễn Hiến Lê nêu ra khiến ta có thể suy luận rằng, dưới thời Ngô Đình Diệm, người Công giáo không cần chính thức nắm các vị trí trong chính phủ mới có thể thực thi quyền hành khuynh loát của mình. Điều này có thể giải thích tại sao một linh mục Công giáo, xét về mặt pháp lý cũng chỉ là một công dân như mọi người khác, lại có thể ngăn chặn không cho một cuốn sách giáo khoa đã được nhà nước thông qua được lưu hành trong các trường trung học ở miền Trung Việt Nam.

Thực ra, lý lẽ Moyar đưa ra cũng không thể được coi là khả tín, ngay cả trước khi xảy ra biến cố Phật giáo vào tháng 5 năm 1963. Việc ông ta dùng nó để biện luận cho Ngô Đình Diệm cho thấy Moyar đánh giá quá thấp mức độ tinh vi về chính trị của người miền Nam, vì họ đã dùng những chuẩn mực tinh xảo hơn con số bộ trưởng theo Công giáo để lượng định thực quyền của Công giáo trong một chế độ Cộng hoà có Tổng thống là người Công giáo. “Năm 1956, chúng tôi đã nêu lên rằng, ‘trái với sự lo ngại của dư luận, chính phủ chỉ gồm hai người Công giáo trên tổng số mười bốn bộ trưởng,’” tờ Informations Catholiques Internationales viết trong số ra ngày 15/3/1963. [64]

Nhưng công luận không phải chỉ được tạo ra từ một tập ảnh của các bộ trưởng. Nó còn nhạy cảm cả với vị trí danh dự dành cho vị giám mục nào đó trong một cuộc duyệt binh, cho những bóng dáng áo chùng ra vào các Bộ, cho sự can thiệp hiệu quả trong việc tha bổng một nghi can hay hưởng sự giúp đỡ cho người tị nạn. Nếu người ta thấy việc tổng thống chịu phép ban thánh thể trong tất cả các lễ trọng là bình thường, càng lúc, đám đông càng không hài lòng đối với chuyện các đoàn rước Thánh làm tắc nghẽn giao thông hàng cây số trên đường phố Sài Gòn hay ở Huế, sau khi đã được chuẩn bị từ nhiều tuần lễ trước với sự hỗ trợ về kỹ thuật, nhân lực và vật lực của quân đội hay của sở Thông tin.

Công luận cũng không thể thản nhiên trước việc thuyết Nhân Vị của Emmanuel Mounier được chế độ chọn lựa phổ biến để chống lại học thuyết mác-xít. Nơi duy nhấthọc thuyết này được giảng dạy một cách chuyên nghiệp lại chính là ‘Trung tâm nghiên cứu nhân vị’ do Đức ông Ngô Đình Thục, anh của tổng thống Ngô Đình Diệm, thiết lập vào thời Đức ông còn là giám mục ở Vĩnh Long. Ngày nay vẫn vậy, hầu hết các “giáo sư chuyên nghiệp” giảng dạy tại đó đều thuộc hàng giáo phẩm. Các công chức, giáo hay lương, đều lần lượt phải qua một khoá tập huấn ở đó. [65]

Vì quá chú ý vào con số chính thức các quan chức chính quyền là người Công giáo, [66] nên Moyar không nhận thấy được rằng dưới thời Ngô Đình Diệm, sự kỳ thị đối với người không theo Công giáo có thể diễn ra dưới những hình thức tinh vi và ngấm ngầm hơn là một chính sách nhân sự thiên vị ra mặt hay sự đàn áp thẳng tay. Ý kiến phản biện của Moyar cho rằng chế độ Ngô Đình Diệm không kỳ thị tôn giáo sẽ có tính thuyết phục cao hơn nếu ông ta bàn đến và loại trừ tình huống rất có khả năng xảy ra đó. [67]

Tuy nhiên, ông ta có thể đã đúng khi phản biện rằng, trong một số trường hợp, chính quyền Ngô Đình Diệm có lý do chính đáng để đối xử ưu đãi người Công giáo. Nếu xét về khía cạnh đạo đức, việc ưu đãi thiểu số người Công giáo có thể bị coi là đáng chê trách, nhưng xét về mặt chính trị, động thái đó của chính quyền Ngô Đình Diệm là hoàn toàn dễ hiểu. Vì, như Moyar đã nêu ra rất chính xác, “người Công giáo, nhất là người Bắc di cư, luôn tỏ ra chống Cộng tích cực hơn những người không theo Công giáo.” [68]

Nhưng, vấn đề là ở chỗ, một số người Công giáo hình như luôn đòi hỏi nhiều hơn mức độ ưu đãi dành cho họ. [69] Dưới thời Ngô Đình Diệm làm Tổng thống, có rất nhiều người Công giáo cho rằng sự ưu đãi đó là một điều bất chính, và muốn tách Giáo hội ra khỏi chính quyền Ngô Đình Diệm.

Họ đánh giá cao những ‘khoảng cách’ đối với chính phủ của Đức ông Nguyễn Văn Hiên (hiện là giám mục Đà Lạt) và người kế vị ông tại Sài Gòn, Đức ông Nguyễn Văn Bình: cả hai vị đều có mối bận tâm muốn đặt mình vào một bình diện thuần tôn giáo của giám mục. [70]

Đức ông Nguyễn Kim Điền là một ví dụ nữa về trường hợp một giáo sĩ Công giáo cao cấp khước từ những ưu đãi để tách tôn giáo ra khỏi chính quyền Ngô Đình Diệm. “Trong một vùng rất nguy hiểm,” tạp chí Informations Catholiques Internationales viết, “khi đi đây đi đó, Đức ông Nguyễn Kim Điền từ chối sự bảo vệ của đoàn xe quân sự: ông tự lái chiếc 2 CV, hoặc đi cùng với người thư ký riêng…” [71]

Như đã gợi ý ở trên, lý do khiến người miền Nam không theo Công giáo gặp khó khăn là việc một số người Công giáo hình như muốn gây khó dễ cho những kẻ “là đồng bào mà không đồng đạo. Một người Công giáo miền Nam mà danh tính được các biên tập viên của tờ Informations Catholiques Internationales giấu kín “vì cần phải cẩn trọng” [72] đã đăng trên tạp chí này một chứng từ về những trường hợp cụ thể của hành động gây khó dễ nói trên. Bà ta ghi nhận rằng, trong khi lực lượng Quân đội Quốc gia phải thức trắng nhiều đêm để dựng “các khải hoàn môn trên đường du hành của hồng y Spellman,” thì các nghi lễ Phật giáolại bị phá rối bởi các xe của sở Thông tin có trang bị loa phóng thanh, đậu gần chùa.” [73]

Nhân chứng này, một người sống bằng nghề dạy học, cũng đề cập đến một ví dụ khác về tình trạng chèn ép tôn giáo, một sự chèn ép khó có thể biện minh bằng lý do chống cộng. Theo lời bà ta kể lại thì tại một khóa tập huấn ở Trung tâm Nhân vị tại Vĩnh Long, bà ta và các đồng nghiệp tham dự bị buộc phải nghe một linh mục vừa tốt nghiệp Trường truyền bá đức tin, hiển nhiên thành thạo về thần học nhưng còn cần phải học hỏi thêm về các tôn giáo vùng viễn đông, đứng ra phê phán Phật giáoKhổng giáo. Khổ nhất là đa số cử toạ lại theo đạo Khổng hay đạo Phật. Công giáo chúng tôi chỉ có khoảng hai mươi người. Và chúng tôi xấu hổ, chúng tôi chịu đựng cùng với các đồng nghiệp bên lương khi, rơi vào hoàn cảnh này, họ không có khả năng để vặn lại những lý lẽ được đưa ra vì sợ bị ghi điểm xấu. [74]

Nếu xét riêng rẽ thì những sự kiện do Nguyễn Hiến Lê và người nhân chứng khuyết danh nêu ra có thể chẳng có gì nghiêm trọng, nhưng nếu nhiều trường hợp tương tự được gộp chung lại và tích tụ qua nhiều năm tháng, chắc hẳn những người miền Nam không theo Công giáo sẽ có mối nghi ngờ rằng Chính phủ quốc gia là của phe Công giáo đang thắng thế. Để thích ứng với thời cuộc, nhiều người miền Nam, kể cả vị Tổng thống tương lai là Nguyễn Văn Thiệu, đã chọn giải pháp cải đạo theo Công giáo. [75] Tuy nhiên, số đông hơn, quyết định hướng về Phật giáo như một hình thức bày tỏ sự bất mãn với “sự ‘ngạo mạn đắc thắng’ kết hợp giữa chế độ và thiểu số Công giáo” - một thái độ bất mãn chung, theo số ra ngày 15 tháng Ba năm 1963 của tờ Informations Catholiques Internationales, dễ dàng nhận thấy ở Sài Gòn cũng như ở các xóm thôn xa xôi hẻo lánh nhất.[76]

Dù sao chăng nữa, điều đó không thể lọt qua sự chú ý của Cha Trần Hữu Thanh, một linh mục Công giáo, đồng thời là một lý thuyết gia về học thuyết Nhân vị được Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu áp dụng làm nền tảng tư tưởng của chế độ. [77] Vị linh mục này cho rằng, theo trích dẫn của tờ Informations Catholiques Internationales, sự trỗi dậy của những người theo Phật giáo trong chế độ Ngô Đình Diệm có nguyên do một phần từ tâm lý chống Công giáo và chống Ngô Đình Diệm. “Trong trào lưu mới của Phật giáo,” ông ta viết

có một sự hoà trộn giữa lòng chân thành của đám đông và ác tâm của các vị lãnh đạo, những người khai thác tất cả mọi dạng thức của chủ nghĩa dân tộc và mọi hằn thù đối với người Pháp và người Công giáo, đã toa rập với nhau để hình thành chế độ thực dân, và cả những nỗi bất mãn đối với một chính phủ nặng ảnh hưởng Công giáo. Họ dựa vào đó để tạo ra một vấn đề chính trị, đánh lạc hướng nguyện vọng chân chính về tôn giáo của dân chúng và như thế, chặn cửa Thiên chúa giáo.” [78]

Sự bất mãn với chế độ mang nặng ảnh hưởng Công giáo của Ngô Đình Diệm hình như đã lan rộng và sâu trong nhiều tầng lớp người miền Nam không theo Công giáo. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng không e ngại gì mà không lợi dụng tâm lý bất mãn nói trên để đối phó với những người chống đối mình. Năm 1974, tức là mười năm sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, có nhiều sự việc khiến Nguyễn Văn Thiệu phải bận tâm, một trong số đó là phong trào Công giáo phản đối chính quyền, với lý do chống tham nhũng do Cha Trần Hữu Thanh khởi xướng. Đáp lại phong trào này, Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho cháu mình, là Bộ trưởng Thông tin Hoàng Đức Nhã làm suy yếu phong trào bằng cách hạ uy tín người khởi xướng. Nhã đã thuê các phóng viên, dùng bài viết trên các báo ở Sài Gòn đăng những tin đồn về các sai lầm của Cha Thanh, đồng thời nhắc dân chúng rằng chính ông là lý thuyết gia của chủ thuyết Nhân vị của Diệm và Nhu. Việc này khiến Cha Thanh và những cộng sự người Công giáo nổi giận. [79]

Dù cho Moyar không có tham khảo các nguồn tư liệu nói trên, nhưng ông ta hẳn phải biết về sự bất mãn của những người miền Nam không theo Công giáo nói chung và giới Phật tử nói riêng trong những năm trước khi xảy ra Biến cố Cờ Phật giáo, vì đó chính là một chủ đề được đề cập rõ ràng trong một tư liệu năm 1961 mà ông ta đã trích dẫn để củng cố cho kết luận của mình rằng “ngay từ đầu, Ngô Đình Diệm đã cho phép giới Phật tử thực hiện nhiều hoạt động mà người Pháp đã từng cấm.” [80] Tuy nhiên, điều mà Moyar đã không kể với độc giả của mình là, trong chính tài liệu đó, có một đoạn trả lời phỏng vấn của một Phật tử. Ngoài việc khẳng định rằng “phản ứng với phía Công giáo” là nguyên nhân chính khiến “kể từ năm 1959 có một sự gia tăng rất lớn số lượng cư sĩ Phật giáođăng ký chính thức”, Phật tử này còn nêu ra chi tiết về một trường hợp kỳ thị tôn giáo tại một làng ở Quảng Ngãi - tỉnh miền Trung Việt Nam, mà nạn nhân là các Phật tử đồng đạo của ông ta. “Một ngôi chùa Phật giáo”, ông ta mở đầu,

đã được dựng trên một quả đồi từ rất lâu, và đất quanh chùa đã được dùng làm nghĩa địa cho dân làng. Chùa đã bị phá trong chiến tranh với Việt Minh và sau này, khi dân làng muốn phục dựng lại, sư trụ trì đã xin được giấy phép của Giáo hội trung ương cho phép tôn tạo. Họ cũng nộp đơn xin phép ông Tỉnh trưởng về việc phục dựng. Khi nghe được việc này, một linh mục Công giáo cũng lên gặp Tỉnh trưởng để xin giấy phép dựng một bức tượng Đức mẹ trên đồi. Ông Tỉnh trưởng thông qua. Thế là dân làng nổi giậnquyết định tự lo liệu lấy. Trong đêm, họ bí mật dựng lên một ngôi chùa sơ sài, trong khuôn viên có một bức tượng Phật, ngay trên đỉnh đồi. Để trả thù, vị Tỉnh trưởng nọ ra lệnh cho mọi người rời khỏi ngọn đồi và tuyên bố sẽ cắt hết thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho bất kỳ ai vẫn ở lại trên đồi. Một số nhà sư và dân làng quyết định sẽ ở lại trên đồi đến cùng và chấp nhận cái chết, nếu cần. Họ lập luận rằng ông Tỉnh trưởng không có quyền cấp đất trên đồi cho vị linh mục kia, vì đất đó là đất chung của làng. Hơn nữa, trên đó còn có mồ mả tổ tiên – có ý nghĩa thiêng liêng với dân làng. (…) Cuối cùng, Giáo hội Phật giáo trung ương ở Huế kiến nghị ông Tỉnh trưởng rút lại quyết định của mình và ông ta đã cho rút quân và để cho dân làng trở lại ngọn đồi. Tuy nhiên, những người dân làng vẫn sợ rằng, sẽ có một cuộc chiến phía trước đang đợi họ sau khi họ đã thắng một trận đó. Vị linh mục vẫn tiếp tục gây sức ép. Sự việc được đưa lên toà án xem xét, và những người Phật tử vẫn chưa yên lòng vì họ sợ bị trả thù, và họ cũng chưa xây lại được ngôi chùa cho kiên cố”. [81]

Nhân chứng Phật tử này sau đó bổ sung rằng “những sự cố kiểu như vậy xảy ra liên tục nhiều lần ở Quảng Ngãi và Bình Định, và giới Phật tử ở đó cảm thấy “luôn phải chịu sức ép vô hình từ phía chính quyền”. Ông ta cũng nói rằng nhiều Phật tử rất không bằng lòng với nội dung chống Phật giáo trong các bài giảng đạo của các cha cố và linh mục Công giáo Việt Nam.” [82]

Cuộc phỏng vấn đó mang một ý nghĩa rất dễ nhận thấy. Nếu coi những nội dung của nó là khả tín, thì cuộc phỏng vấn nói trên đã góp phần khẳng định những lời nhận xét về kỳ thị tôn giáo của giới Phật tử vào năm 1963. Vì cuộc phỏng vấn trên được thực hiện vào năm 1961, khi mà những sự kiện năm 1963 vẫn còn ngủ yên trong tương lai, và xét một thực tế là khi cuộc xung đột Phật giáo xảy ra, nó đã xảy ra ngay tại một thành phố miền Trung Việt Nam là Huế, không một sử gia hữu trách nào lại có thể bỏ qua cuộc phỏng vấn vào năm 1961. Nếu ông ta không tin những lời người trả lời phỏng vấn đã nói trong đó, thì ông ta cũng phải đề cập đến việc đó và giải thích vì sao mình không tin những lời đó. Chứ không thể lờ phắt nó đi như vậy.

Xét những kết luận của ông ta về cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1963, hiển nhiên là Moyar không thể lờ đi cuộc phỏng vấn này. [83] Nếu những dữ liệu trong đó là khả tín, thì nó không những đã phủ một đám mây nghi ngờ lên những kết luận của Moyar rằng “ở những vùng nông thôn (…), nơi đang có chiến tranh, không ai quan tâm đến cuộc khủng hoảng Phật giáo,” [84] mà còn bộc lộ sự thiếu ăn nhập trong kết luận của Moyar rằng chỉ có một số ít quan chức cao cấp trong chế độ Ngô Đình Diệm là người Công giáo. Dưới chế độ đó, hình như là họ có khả năng tạo áp lực có sức quyết định đối với công việc nhà nước mà không cần phải giữ ghế trong chính phủ. Trong trường hợp tỉnh Quảng Ngãi và trong trường hợp mà Nguyễn Hiến Lê đã nêu ra, một cơ quan công quyền sẵn lòng đưa ra quyết định theo lời yêu cầu của một vị Linh mục Công giáo. [85]

chienthang-09-contentchienthang-10-content

Tổng Giám mục Ngô Đình Thục – Giám mục Phạm Ngọc Chi

Những lãnh chúa chính trị, dùng giáo quyền để khống chế thế quyền, dưới chế độ Ngô Đình Diệm

Hơn thế nữa, nội dung cuộc phỏng vấn cũng thể hiện rằng giới Phật tử không thụ động như Moyar ngầm kết luận. Khi bàn về các cuộc biểu tình khởi phát tiếp nối sự kiện lá cờ Phật giáo, ông ta phát biểu rằng nhiều Phật tử tham gia biểu tình để “đòi chấm dứt cái mà họ được tuyên truyền là kỳ thị tôn giáo”. [86] Nhưng nếu chúng ta được phép tin những gì mà người Phật tử được phỏng vấn nói với những người Mỹ trong cuộc phỏng vấn năm 1961, thì chúng ta có thể suy luận một cách hợp lý rằng, những Phật tử tham gia phong trào, nhất là những người ở miền Trung, không cần ai rỉ tai họ về động cơ xuống đường để bày tỏ sự phản kháng đối với chính quyền do Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Với những trải nghiệm trực tiếp của cá nhân họ, những người Phật tửlý do để coi đạo luật về lá cờ tôn giáo như một biểu hiện nữa của chính sách thiên vị Công giáo chứ không phải để nhằm bảo vệ uy tín chính quyền như Moyar nghĩ.

Khi biết nội dung cuộc phỏng vấn năm 1961 có thể tác động tiêu cực đến quan điểm “xét lại” để bênh vực Ngô Đình Diệm của mình, lẽ ra Moyar nên phân tích kỹ về cuộc phỏng vấn này. Nhưng, không hiểu vì lý do gì mà ông ta quyết định thậm chí không buồn nhắc đến sự tồn tại của tư liệu này với độc giả. Dường như Moyar chỉ quan tâm đến nghi án về bàn tay Cộng sản bên trong phong trào Phật tử, cho đó là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Ngô Đình Diệm. Dựa trên những tài liệu tịch thu được từ phía Cộng sản và một số cuốn sách do Cộng sản xuất bản những năm 1990 ông ta kết luận rằng, có sự thâm nhập của những cán bộ Cộng sản trong phong trào Phật tử xuống đường. “Không thể (...) phủ nhận rằng có một số lượng đáng kể những người tham gia biểu tình là người của Cộng sản, kể cả một số nhà sư,” Moyar viết.

Trước đó rất lâu, Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần đóng vai sư sãi và thâm nhập vào các tổ chức Phật giáo, một việc rất dễ làm vì bất kỳ người Việt Nam nào cũng có thể lập tức trở thành sư sau khi cạo đầu, khoác chiếc áo cà sathể hiện những hành vi từ bi. [87]

Khi đưa ra những ý kiến này, Moyar đã không chịu công nhận một thực tế là, cho dù thực sự có sự xâm nhập của Cộng sản như ông ta nghĩ, thì tính chính đáng của những yêu sách do giới Phật tử đưa ra cũng không vì thế mà giảm sút. Rốt cuộc, sự xâm nhập nói trên cũng không thể xoá đi những nỗi bất công mà giới Phật tử phải chịu trước sự lộng hành của bên Công giáo, do đó họ có lý do riêng để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Hơn nữa, phong trào Phật tử không phải là đoàn thể duy nhất của miền Nam có khả năng đã bị Cộng sản xâm nhập. Để có cái nhìn toàn diện, lẽ ra Moyar nên bổ sung thêm rằng Cộng sản Việt Nam cũng rất lành nghề trong việc thâm nhập các tổ chức Công giáo cũng như chính quyền miền Nam, dưới vỏ bọc Công giáo. Ví dụ như Đại tá Phạm Ngọc Thảo, người Công giáo trên danh nghĩa, là một điệp viên kiểu như vậy. Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng là hai điệp viên “Công giáo” nổi tiếng khác mà Cộng sản đã cài được vào tận Dinh Tổng thống của miền Nam. [88] Do đó, khả năng bị Cộng sản xâm nhập không thể trở thành lý do duy nhất đủ thuyết phục để kết luận rằng những người Phật tử không có những yêu sách chính đáng khiến chính quyền Ngô Đình Diệm cần lưu tâm giải quyết.

Cách thức Moyar sử dụng các nguồn tư liệu để chứng minh sự hiện hữu của Việt cộng trong phong trào Phật tử cũng khiến ta cần xem xét lại. “Một vài tài liệu của Cộng sản mà người Mỹ và chính quyền Miền Nam nắm được trong tay cho thấy sự tham gia của Cộng sản trong phong trào Phật tử,” ông ta nói. [89]

Một tài liệu của Cộng sản, đề ngày 27/7/1963 và bị tịch thu sau đó vài tuần, đã nói rằng ở một vài nơi, cán bộ Cộng sản “đã thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị thông qua việc khởi xướng các cuộc biểu tình chống đàn áp Phật giáo ở tỉnh và các quận.” [90]

Tuy nhiên, một tài liệu của CIA, ngày 16/9/1963, lại thể hiện cách đánh giá chi tiết hơn về vai trò Cộng sản trong cuộc khủng hoảng Phật giáo so với Moyar. Tài liệu đó kết luận:

Chi nhánh CIA ở Sài Gòn nói không có bằng chứng rõ ràng về sự xâm nhập ở mức đáng quan tâm, hay vai trò lãnh đạo của Việt Cộng trong phong trào Phật tử và sinh viên miền Nam Việt Nam.Tuy nhiên, chi nhánh cũng tin rằng có khả năng một số ít lãnh đạo Phật tử và sinh viên là Việt Cộng, hoặc có nhận chỉ thị hay sự hỗ trợ của Việt Cộng, hoặc ít nhất là cũng thiên Cộng hoặc thân Hà Nội. Có những báo cáo cho thấy Việt Cộng đang tìm cách lợi dụng phong trào phản kháng của Phật tử và sinh viên, và chi nhánh cho rằng có nhiều khả năng một số lãnh đạo các nhóm chống đối có đầu óc cơ hội sẽ tiếp nhận hỗ trợ từ bất cứ phía nào. Một bản báo cáo ngày 17 tháng Tám do [tên bị xoá] viết cho Diệm ghi nhận rằng “các tài liệu thu được từ phía Việt Cộng không đề cập đến vai trò khuấy động của Việt Cộng đối với bất kỳ một biến cố nào, mà chỉ nói đến kế hoạch tận dụng triệt để cơ hội khi có tình huống từ những sự kiện do Mỹ hoặc phe đối lập tạo ra.”Vào ngày 15/9 [tên bị xoá] báo cáo với một nhân viên của chi nhánh rằng mình vẫn chưa thu thập được bằng chứng cụ thể nào về bàn tay của Việt Cộng trong các vụ biến cố, nhưng chống chế rằng “Bằng chứng mà làm gì? Chúng ta biết những người này mà.” [91]

Xét những lời chính bản thân Moyar nói về sự xâm nhập của Cộng sản trong phần trích nói trên, độc giả có thể sẽ thắc mắc muốn biết ông ta nói như thế nào về tài liệu đó của CIA. Đáng tiếc là không có chỗ nào trong cuốn sách Chiến thắng bị bỏ lỡ, Moyar phân tích sâu hơn về tài liệu đó.

Thay vì bàn rõ và phê phán các thông tin có thể làm lay chuyển quan điểm của mình, thì ông ta lại chỉ dựa vào các tác phẩm nói về cuộc khủng hoảng Phật giáo do Cộng sản xuất bản từ những năm 1990 để chứng minh cho ý kiến của mình. Nhưng một điều dễ thấy là các tác phẩm đó đều mắc phải một vấn đề chung là tất cả đều đã được hậu kiểm, có nghĩa là nội dung có thể được nắn chỉnh lại sau khi kết cục của những sự kiện lịch sử đã trở nên rõ ràng. [92] Lẽ ra không thể bỏ qua vấn đề trên, nhưng Moyar lại không hề giải thích cho độc giả tại sao họ vẫn nên tin vào những kết luận trong các tác phẩm đó về vai trò của Cộng sản trong phong trào Phật tử.

Tuy nhiên, nhận định về cách sử dụng các nguồn tư liệu của Moyar không phải là phản biện lớn nhất đối với biện luận “xét lại” của ông ta về cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1963. Bởi vì ngay cả khi chúng ta, để rộng đường bàn luận, sẵn sàng chấp nhận rằng cách thức vận dụng tư liệu của Moyar là chính đáng, thì kết luận của ông ta cho rằng phong trào phản kháng của Phật tử chống lại Ngô Đình Diệm cơ bản là do Việt Cộng xách động và lãnh đạo vẫn rất khó thuyết phục. Bởi vì kết luận này không giải thích được sự bất mãn của Phật tử miền Nam đã từng được ghi nhận từ trước khi biến cố cờ Phật giáo xảy ra vào tháng Năm năm 1963. Muốn làm cho quan điểm “xét lại” của mình có tính thuyết phục hơn, thì Moyar cần phải phản biện hoặc giải thích cho xuôi “những bằng chứng về sự bất mãn của Phật tử đối với chính quyền có nhiều biểu hiện thân Công giáo của Ngô Đình Diệm trước năm 1963 – một số bằng chứng được nêu ngay trong số ra ngày 15/3/ 1963 của tạp chí Informations Catholiques Internationales,” một thách thức quan trọng mà ông ta không giải quyết được. [93]

Moyar cũng nên đưa ra những lời giải thích về vai trò tích cực của Thượng tọa Thích Tâm Châu trong phong trào Phật tử, một vị lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng trong cộng đồng di dân gốc Bắc. Khi bàn về kế hoạch vận động công luận của các nhà sư ở Huế sau sự kiện Lá cờ, Dennis Duncanson lập luận: “[C]ùng với Tăng đoàn ở Sài Gòn, do Thích Tâm Châu lãnh đạo, họ gửi một thỉnh nguyện thư về ‘nhân quyền’ lên Tổng thư ký Liên hiệp quốc.” [94] Khi cuộc đấu tranh của Phật tử tiếp diễn, “Tâm Châu,” vẫn theo Duncanson,

tạo liên minh qua việc thành lập một Ủy ban Liên tôn với các nhóm Tiểu thừa ở Sài Gòn và một số nhóm Hoà Hảo và Cao Đài, là những nhóm mà Tăng đoàn Phật giáo trước đây không công nhận là những dòng tu Phật giáo nhưng lại có những ân oán mà họ muốn thanh toán với chính quyền.” [95]

Phải chăng vai trò lãnh đạo mà nhân vật “chống Cộng quyết liệt” [96] này đã đóng ngay từ buổi đầu của phong trào Phật tử là biểu hiện cho thấy sự bất mãn của giới Phật tử đối với chính quyền Ngô Đình Diệm đã đến mức rất sâu rộng?

Thực ra, vì hầu như chỉ chú ý vào sự xâm nhập của Cộng sản mà có vẻ Moyar đã không nhận thấy được rằng phong trào Phật tử xuống đường cũng nhận được sự ủng hộ đáng kể của các lực lượng đối lập phi Cộng sản. “Vào đầu năm 1963,” Nguyễn Thế Anh viết,

gần như ai ai cũng mất lòng tin đối với một chính quyền độc tàitham nhũng. Để bịt miệng dư luận đang đòi hỏi công bằng xã hội, chính quyền không ngần ngại dùng cảnh sát để đàn áp. Thực vậy, chính quyền Ngô Đình Diệm không lượng thứ với bất cứ cuộc tranh chấp nào, và đặt ra ngoài vòng pháp luật bất cứ ai có thái độ thách thức đối với chính quyền. Hình như khônggiải pháp nào khác được nhận biết. Bởi vì nhóm đối lập vũ trang bất hợp pháp của Mặt trận giải phóng dân tộc miền nam Việt Nam - kiểm soát rộng khắp vùng nông thôn, nhưng rõ ràng càng lúc càng bị những nhà lãnh đạo cộng sản Hà Nội chi phối - không gây được chú ý nơi các phe phái chính trị Nam Việt Nam. Họ co cụm lại trong thái độ chờ đợi, càng hơn thế nữa khi chính quyền Mỹ, dù lúng túng vì cách hành xử độc đoán của chính quyền Ngô Đình Diệm, vẫn quyết định tiếp tục sự ủng hộ hào phóng vốn có từ năm 1955, và dù sao đi nữa, có vẻ cũng không dự kiến cho một cuộc chính biến nào cả.[97]

Vì vậy, khi giới Phật tử bắt đầu xuống đường phản đối chế độ Ngô Đình Diệm, ngay từ đầu, họ có thể kết hợp được cả một trào lưu chung những bất mãn và tập hợp được dưới trướng nhiều lực lượng đối lập với chính phủ, kể cả những người, đứng ngoài mọi mối bận tâm về tôn giáo, đang tìm kiếm một giải pháp phi cộng sản để chống lại chế độ gia đình trị của họ Ngô. [98]

Nếu những thông tin Nguyễn Thế Anh đưa ra là khả tín, thì những thông tin đó đã có tác dụng củng cố ý kiến cho rằng sự xâm nhập của Cộng sản, nếu có, thì cũng không ảnh hưởng mấy tới tính chính đáng của phong trào đấu tranh của Phật tử. Những thông tin ông ta đưa ra đã cho thấy, không chỉ riêng giới Phật tử, mà nhiều người dân miền Nam không theo đạo Công giáo khác cũng có động cơ riêng để chống lại chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm, [99] bất kể phía Cộng sản hành động như thế nào chăng nữa. [100] Sự bất mãn của dân chúng miền Nam đối với chính phủ Ngô Đình Diệm đã lên cao đến mức họ nắm lấy phong trào Phật tử làm cơ hội để bày tỏ thái độ phản đối chính quyền một cách phi Cộng sản. [101] Như vậy, ý nghĩa chính trị của phong trào Phật tử, không phải ở chỗ nó đã tạo ra sự phản kháng, dù trên thực tế có như vậy, mà chính là nó đã tạo nên một môi trường vận động cho rất nhiều lực lượng bất đồng chính kiến ngầm có thể liên kết lại. [102]

Nếu mà một độc giả bình thường có khả năng lượng định mức khả tín của một sử gia chuyên nghiệp, thì hẳn là, riêng về sự kiện phong trào Phật tử, cho đến giờ phút này Nguyễn Thế Anh đã tạo được ấn tượng rằng ông ta là một sử gia đáng tin hơn Moyar rất nhiều. Lý do chính cho phép chúng ta đánh giá các nhận định của ông Anh cao hơn của Moyar là ở chỗ ông Anh đã rất nhất quán với các nguồn tư liệu đã có từ (khá lâu) trước khi xảy biến cố cờ Phật giáo, mở đầu cho phong trào Phật giáo đấu tranh vào tháng Năm năm 1963. Chính vì nội dung các tư liệu đó không hề bị tô vẽ hay chỉnh sửa theo kiểu hậu kiểm, nên chúng có thể được xem là có độ tin cậy khá cao. Những nguồn tư liệu đáng tin cậy đó đã khiến cho các ý kiến của Anh có vẻ có trọng lượng hơn của Moyar.

Ngược lại với tuyên bố của mình, sử gia “xét lại” của chúng ta đã không đánh đổ được quan điểm “chính thống” cho rằng Phật tử miền Nam đã phải chịu sự kỳ thị tôn giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Muốn đạt được mục đích đó, ít nhất ông ta cũng phải cố phản biện những thông tin được nêu trong các nguồn tư liệu được hình thành từ trước Biến cố cờ Phật Giáo như đã nêu ở phần trên. Tuy nhiên, trong cuốn sách Chiến thắng bị bỏ lỡ, Moyar thậm chí còn không nhắc đến chúng, dù chỉ là gián tiếp.

Những thông tin không bị phản biện nói trên cho phép chúng ta suy đoán rằng sự bất mãn của giới Phật tửchính đáng, từ đó khiến chúng ta băn khoăn không biết liệu Ngô Đình Diệm có giữ được chính quyền hay không, nếu ông ta giải quyết được cuộc khủng hoảng Phật giáo theo cách tương tự như chính quyền Bắc Việt đã áp dụng năm 1956 để hạ nhiệt phản ứng của dân chúng trước hậu quả tai hại của chương trình Cải cách ruộng đất. “Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản,” Moyar viết, “đã thừa nhận chương trình cải cách ruộng đất có “trừng phạt cả những người vô tội”, trong khi ông Hồ và ông Giáp đích thân đến nhiều làng để diễn thuyết nhằm an ủi dân chúng và thuyết phục họ không tham gia các phong trào phản kháng.” [103]

Năm 1963, Ngô Đình Diệm từ chối đáp ứng các yêu sáchchẳng có gì quá đáng” do giới Phật tử đưa ra, [104] vì, theo lập luận của Moyar, nếu làm như vậy, ngoài nhiều hậu quả khác, ông ta sẽ “tạo nên một ấn tượng về sự nhu nhược.” [105] Nhưng khi đối phó với cuộc khủng hoảng Phật giáo theo cách mà ông ta đã thực hiện, vị Tổng thống Công giáo này dường như đã bỏ lỡ cơ hội giành được chiến thắng, một chiến thắng mà theo Moyar đã sắp nằm trong tầm tay trên chiến trường miền Nam.

3. Cơ hội bị lãng phí

Vấn đề liệu có phải Cộng sản đang chịu tổn thất lớn trong những năm cuối của Ngô Đình Diệm là một câu hỏi mang nhiều tính chất quân sự, và cần phải được giải quyết riêng rẽ. Tất cả những ý kiến tôi nêu trên đều không có ý quy kết rằng kế hoạch chống bạo loạn nhằm trấn áp Việt Cộng đã thất bại. Ngay cả trong trường hợp chúng ta được phép kết luận rằng chương trình cải cách điền địa của ông ta đã đại bại, và giới Phật tử miền Nam phải chịu sự kỳ thị trong những năm ông ta cầm quyền, chúng ta vẫn không thể loại bỏ khả năng Ngô Đình Diệm là một người thành công trong vai trò người lãnh đạo cuộc chiến. [106] Giá mà Moyar chỉ tập trung vào việc phân tích thành tích quân sự của chế độ Ngô Đình Diệm, thì hẳn ông ta đã gây được ấn tượng đáng tin cậy đối với khối độc giả trung bình, những người thường không có khả năng để kiểm chứng những lập luận chuyên môn của ngành quân sử.

Với tình thế hiện tại, Moyar dường như đã lãng phí cơ hội đó. Xét cách lập luận đầy tính thiên vịchủ quan của Moyar về chương trình cải cách điền địa của Ngô Đình Diệm và nguồn gốc của phong trào Phật tử, bên cạnh nhiều vấn đề khác, ta không khỏi nghi ngờ rằng những phân tích của tác giả về các vấn đề quân sự cũng chủ quan không kém. Tất nhiên, tuy có nhiều lý do hiển nhiên để nghi ngại, ta vẫn không thể lấy đó làm cớ để bác bỏ giả định rằng cách viết quân sử của Moyar có thể là khách quan và hợp lý.

 Việc đánh giá xem giả định trên có đúng hay không, và nếu có, thì đúng đến mức nào là một việc mà chúng ta phải giành cho các sử gia chuyên nghiệp. Họ mới thực là những người vừa có kiến thức chuyên môn, vừa có khả năng tiếp cận các tư liệu cần thiết để đánh giá đúng chất lượng của những phân tích quân sự được nêu ra trong cuốn Chiến thắng bị bỏ lỡ. Vì Moyar đã kết luận một cách vơ đũa cả nắm rằng sự gắn bó chặt chẽ với tư tưởng chính thống của nhiều sử gia trong các trường đại học Mỹ là nguyên nhân gây ra các “lỗ hổng và khiếm khuyết trong việc nghiên cứu (…) chiến tranh Việt Nam”, [107] nên những độc giả quan tâm đến vấn đề này có thể tìm đọc bài phê bình cuốn Chiến thắng bị bỏ lỡ của John Carland, một học giả đã từng làm việc cho Trung tâm Quân sử của Lục Quân Hoa Kỳ và hiện đang làm tại Ban nghiên cứu sử thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. [108]

21/9/2007

 

Ghi chú: Cho dù tôi rất biết ơn các vị đã đọc và góp ý về bản thảo của bài này, cá nhân tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về những lỗi lầm vẫn còn nằm trong bài viết này.

Bản tiếng Việt © 2008 talawas

 Cước chú:

 [1]Tựa đề “chiến thắng được tưởng tượng” mượn từ Kathryn C. Statler, “Triumph Imagined”, 32 Diplomatic History, Issue 1, pp. 153-157 (2008).

[2]John Prados, “Review: Mark Moyar, Phoenix and the Birds of Prey: The CIA’s Secret Campaign to Destroy the Viet Cong”, 85 Journal of American History, No. 4, p. 1675 (1999).

[3]Mark Moyar, Triumph Forsaken: The Vietnam War, 1954-1965, Cambridge University Press, 2006.

[4]Moyar (2006), tr. xi.

[5]Moyar (2006), tr. xvii, xxiii.

[6]Moyar (2006), tr. xvii, 286. Xem thêm một công trình nghiên cứu mới về “vũng lầy” này của một học giả người Việt: Nguyễn Kỳ Phong, Vũng Lầy của Bạch Ốc: Người Mỹ và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975, Tiếng Quê Hương, Virginia, 2006.

[7] “Cuộc đảo chính Diệm (…) phải được coi là vết nhơ về lỗi lầm sớm nhất (có lẽ cũng là nặng nhất) mà Hoa Kỳ đã mắc ở Việt Nam,” Colby kết luận trong: William Colby, with James McCargar, Lost Victory: A Firsthand Account of America’s Sixteen-Year Involvement in Vietnam, Contemporary Books, Chicago, 1989, tr. 366.

[8]Moyar (2006), tr. 54.

[9]Moyar (2006), tr. 55.

[10]Moyar (2006), tr. 55.

[11]Xem: Phong (2006), p. 134, fn. 129, Đoàn Thêm, Hai Mươi Năm Qua: Việc Từng Ngày, Nhà Xuất Bản Xuân Thu, p. 184 (ấn bản Hải Ngoại), và Edward Garvey Miller, Grand Designs: Vision, Power and Nation Building in America’s Alliance with Ngo Dinh Diem, 1954—1960, luận án Tiến sĩ, Khoa Lịch sử, Harvard University, 2004a, tr. 206-209.

[12]Moyar tuyên bố, căn cứ trên nghiên cứu của ông ta về lịch sử Việt Nam, rằng người dân Việt Nam, hay ít nhất là tầng lớp nông dân, vốn “thụ động và nhu nhược”, và họ “chấp nhận và mong muốn có một chế độ độc tài như một phần của trật tự tự nhiên của thế giới.” Xem: Moyar (2006), tr. 94 và 75.

[13]Moyar (2006), tr. 55.

[14]Moyar (2006), tr. 72.

[15]Carlyle A. Thayer, War by Other Means: National Liberation and Revolution in Viet-Nam, 1954-60, Allen & Unwin, Sydney, 1989, tr. 119-120.

[16]Thayer (1989), tr. 120.

[17]Để biết thêm nhiều chi tiết về vấn đề này, xem: Thayer (1989), tr. 120-122.

[18]Thayer (1989), tr. 120.

[19]Moyar (2006), tr. 72-73 (không dẫn các ghi chú).

[20]Xem, ví dụ như: William Duiker, Ho Chi Minh: A Life, Hyperion, Paperback edition, New York, 2000, và Philip E. Catton, Diem’s Final Failure: Prelude to America’s War in Vietnam, University Press of Kansas, 2002.

[21]Duiker (2000), tr. 511: “Có lẽ thất bại tồi tệ nhất của Diệm là đã không đáp ứng được nhu cầu của nông dân, vốn chiếm hơn 80 phần trăm dân số Việt Nam Cộng hoà.”

[22]Catton (2002), tr. 54: “Theo quan điểm của nội phủ, nếu chưa gây dựng được một chỗ dựa khác thì không nên làm mất lòng những người ấy.”

[23]Catton (2002), tr. 56-71. Để biết thêm một nguyên nhân nữa, xem: Moyar (2006), tr. 73: “chương trình cải cách ruộng đất của Diệm cũng lâm vào cảnh thiếu ngân sách; Diệm đề nghị Mỹ chi 30 triệu đô la để thu mua và tài trợ đất, nhưng Mỹ cuối cùng chỉ cấp 4 triệu.”

[24]Catton (2002), tr. 53.

[25]Thayer (1989), tr. 122.

[26]Thayer (1989), tr. 122.

[27]Duiker (2000), tr. 511.

[28]Roy L. Prosterman, “Land Reform in Vietnam”, 57 Current History, No. 340, tr. 330 (1969). Xem thêm: Duiker (2000), tr. 511: “Vào cuối thập kỷ 1950, phần lớn các vùng nông thôn miền Nam đều đòi hỏi phải có những cải tổ cấp tiến hơn.”

[29]Moyar (2006), tr. 73: “Người Mỹ khuyên Diệm giảm giới hạn diện tích xuống dưới mức 100 ha để nhiều nông dân có thể được đất cấp hơn. Các chưong trình cải cách ruộng đất ở các nước Đông Á khác đã đưa ra mức giới hạn thấp hơn nhiều– ở Nhật, điền chủ chỉ được giữ bốn hécta, trong khi ở Đài Loan chỉ có ba hécta. Diệm không mặn mà với lời cảnh báo này. “Các ông không hiểu” ông ta trả lời người Mỹ. “Tôi không thể để mất tầng lớp trung lưu được”. Quyết định này đã chứng tỏ cái giá phải trả là quá đắt, vì ở phần lớn đồng bằng sông Cửu Long, tầng lớp trung lưu nói trên chỉ chiếm một thiểu số quá ít ỏi không thể duy trì hệ thống chính quyền ở nông thôn được, trong khi nông dân nghèo không có ruộng đất được trang bị vũ khí và chỉ đạo tấn công.” (Không dẫn các chú thích).

[30]Moyar (2006), tr. 73: “Kết cục lại, chương trình cải cách ruộng đất của Diệm đã thành công trong việc thu nhỏ những đồn điền rộng lớn ở đồng bằng và thu hẹp số tá điền không có ruộng đất từ chỗ chiếm đại đa số thành một thiểu số. Về sau, chính những người cộng sản cũng phải kêu ca rằng việc phân chia lại ruộng đất này đã “cản trở nghiêm trọng” cho những nỗ lực cải cách ruộng đất sau này của họ nhằm lấy lòng nông dân. Tuy nhiên, ở đồng bằng sông Cửu Long, số nông dân không có ruộng tuy là thiểu số, vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ. Năm 1960, bốn mươi bốn phần trăm các hộ nông dân vẫn phải thuê ruộng hoàn toàn.” (Tôi nhấn mạnh). Nhưng nếu đọc: Prosterman (1969), tr. 328: “Vào thời điểm quan trọng của cuộc xung đột trong những năm đầu thập kỷ 60, chỉ có 257,000 trong số 1,175,000 – tương đương 23 phần trăm – các hộ nông dân đồng bằng sông Cửu Long được sở hữu toàn bộ ruộng đất canh tác. Diện tích sở hữu trung bình là 4,5 acres một hộ. Khoảng 334,000 hộ, hay 28.5 phần trăm tổng số, có diện tích canh tác là 6 acres – trong đó 4 acres là ruộng mướn, còn lại 521,000 hộ, khoảng 44 phần trăm, canh tác với diện tích trung bình 3,5 acres/hộ hoàn toàn là ruộng mướn. Vậy, ở đồng bằng, hơn bảy mươi phần trăm số hộ nông dân (44 phần trăm + 28.5 phần trăm = 72.5 phần trăm) phải phụ thuộc vào ruộng mướn.” (Tôi nhấn mạnh).

[31]Moyar (2006), tr. 72.

[32]Jeffrey Race, “The Origins of the Second Indochina War”, 10 Asian Survey, No. 5, tr. 370-371 (1970) (không dẫn các chú thích).

[33]Moyar (2006), tr. 434, chú thích 45 (Thayer) và 49 (Prosterman).

[34]Prosterman (1969), tr. 330.

[35]Thayer (1989), tr. 120-121. Xem thêm: Duiker (2000), tr. 511. Trong nhiều trường hợp, Duiker nêu ra rằng, “các gia đình sống ở vùng trước đây do Việt minh kiểm soát giờ bị buộc phải trả lại ruộng đất đã được cấp trong thời Việt minh chống Pháp, nhiều khi với sức ép của súng đạn.”

[36]Moyar (2006), tr. xvi.

[37]Moyar (2006), tr. xvi.

[38]Moyar (2006), tr. 212.

[39]Moyar (2006), tr. 212.

[40]Moyar (2006), tr. 212.

[41]Nguyen The Anh, “L’Engagement Politique du Bouddhisme au Sud-Vietnam dans les Années 1960”, trong: Alain Forest et al (dir.), Bouddhismes et Sociétés Asiatiques: Clergés, Sociétés et Pouvoirs, L’Harmattan, Paris, 1990, tr. 115. [Những trích dẫn từ tiếng Pháp trong bài viết này là do Cổ Ngư dịch – ND].

[42]Anh (1990), tr. 114.

[43]Về việc gia đình họ Ngô hợp tác với chính quyền thực dân Pháp rồi sau đó đổi sang với Nhật, xem: Vũ Ngự Chiêu, “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945)”, XLV Journal of Asian Studies, No. 2, tr. 306, fn. 14 (1986), và Chính Đạo [Vũ Ngự Chiêu], Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, Văn Hoá, Houston, 2004, tr. 11-26.

[44]Edward Miller, “Vision, Power and Agency: The Ascent of Ngo Dinh Diem, 1945-54”, 35 Journal of Southeast Asian Studies, tr. 436 (2004b).
[45]Miller (2004b), tr. 436.

[46]Miller (2004b), tr. 443.

[47]Miller (2004b), tr. 457: “Thoạt tiên, vào lúc mới lên làm thủ tướng, Diệm không thiếu đồng minh người Việt như người ta tưởng. Ngoài giới Công giáo, ông ta có thể thu hút được sự ủng hộ của một số người lãnh đạo và tổ chức phi Công giáo, nhờ những nỗ lực giao du của anh em ông trong thời gian lưu vong.”

[48]J. Donald Lancaster, “Review: Ellen J. Hammer, The Struggle for Indochina Continues: Geneva to Bandung”, 32 International Affairs, tr. 261 (1956).

[49]Phong (2006), p. 124: “Với biệt danh ‘Lightning Joe’, tánh tình của Collins nóng và thẳng thắn. Cho đến bây giờ thuộc cấp của ông vẫn không biết biệt danh ‘Joe Sấm Sét’ bắt nguồn từ lý do ông đã là tư lệnh sư đoàn 25 Bộ Binh (mật danh của sư đoàn 25 là ‘Sấm Sét Nhiệt Đới’) lúc còn đánh nhau với Nhật ở đảo Guadalcanal, hay vì mỗi lúc ông nổi trận lôi đình giọng ông vang lên như sấm.”

[50]Seth Jacobs, America’s Miracle Man in Asia: Ngo Dinh Diem, Religion, Race, and U.S. Intervention in Southeast Asia, Duke University Press, Paperback edition, 2004, tr. 185-186; Seth Jacobs, “‘Our System Demands the Supreme Being’: The U.S. Religious Revival and the ‘Diem-Experiment,’ 1954-1955”, 25 Diplomatic History, No. 4, tr. 620 (2001).

[51]Jacobs (2004), tr. 185-186.

[52]Jacobs (2001), tr. 620.

[53]Jacobs (2001), tr. 620, đăng nguồn trong chú thích 137: “Collins to Dulles, 12 February 1955, Collins Papers, box 31.”

[54]Jacobs (2004), tr. 185.

[55]Foreign Relations of the United States, 1955-1957, Tập I, tr. 146, TL 72. Tài liệu này cũng ghi lại lời Giám mục Ngô Đình Thục đáp lại lời khuyên của Collins: “Thục nói rằng chuyến thăm của Hồng y Gilroy do (Ngoại Trưởng Úc) R.G. Casey đề xướng, và băng rôn là do các chủng viện sinh [tên đã bị xoá] làm, chứ không phải do Diệm yêu cầu.”

[56]Moyar (2006), tr. 218. Dựa trên các nguồn tài liệu lưu trữ trong văn khố Hoa Kỳ, James McAllister đã phản đối lại ý kiến này. Xem James McAllister, “‘Only Religions Count in Vietnam’: Thich Tri Quang and the Vietnam War”, Modern Asian Studies (sắp xuất bản, đã đăng trên mạng từ ngày 30/7/2007, Cambridge University Press).

[57]Nguyễn Thị Liên Hằng, “The Double Diaspora of Vietnam’s Catholics”, 39 Orbis, Số 4, tr. 498 (1995).

[58]Hang (1995), tr. 497 (không dẫn chú thích). Xem thêm: Thayer (1989), tr. 121.

[59]Tạ Chí Đại Trường, Sử Việt đọc vài quyển, Văn Mới, California, 2004.

[60]Trường (2004), p. 457: “Làm cách nào mà một chính quyền Sài Gòn lộn xộn với giáo phái sứ quân, với giang hồ đạo tặc, với Công giáo di cư ít nhiều gì cũng là kiêu dân, với cả người Pháp còn tham vọng giữ phần đất thuộc địa cuối cùng... có thể đương cự với cả một nền tảng đe doạ trùng trùng như thế? Lịch sử ổn định bước đầu của chính quyền đó là một phối hợp tuyệt vọng của những người Việt chống cộng (một tập-hợp-từ tiêu cực đúng với thực chất hổ-lốn của nó) chỉ còn một mảnh đất nương thân, và của người Mĩ đứng nhìn trong bình diện chiến lược quốc tế thấy mình phải chen chân vào.”

[61]Nguyễn Hiến Lê, Đời Viết Văn Của Tôi, Văn Hóa, n.p., n.d., tr. 124-126 (ấn bản Quốc nội). (Hình như đây là cuốn đạo văn của tác phẩm: Nguyễn Hiến Lê, Đời Viết Văn Của Tôi, Văn Nghệ, Westminster, CA, 1986. Tuy nhiên, tôi không tìm mua được tác phẩm gốc).

[62]Lê, op. cit., pp. 124-126. Xem thêm: Nguyễn Mạnh Quang, Việt Nam Đệ Nhất Cộng Hòa Toàn Thư, Tác giả tự xuất bản (ấn bản Hải ngoại), 1998, tr. 163-165. Quang đã trích chi tiết hơn từ cuốn: Lê (1986), tr. 99-101. Điều này khiến chúng ta tin GS Lê đã trực tiếp viết những dòng trên.

[63]Moyar (2006), tr. 216.

[64]Informations Catholiques Internationales, “L’Église au Sud-Vietnam”, 15 Mars 1963, tr. 18.

[65]Informations Catholiques Internationales, 15 Mars 1963, pp. 18-19.

[66]Khi bàn về vai trò của Ngô Đình Nhu trong chính quyền Ngô Đình Diệm, Philip Catton đã viết trong Catton (2002), tr. 16-17: “Với tư cách người đứng đầu cơ quan an ninh và tình báo, ông ta khai thác nguồn lực của Tổng nha Nghiên cứu Chính trị Xã hộivăn phòng đặt trong Dinh Tổng thống, do Trần Kim Tuyến - một người Công giáo gốc Bắc, trước đó là thư ký riêng của Nhu, đứng đầu. Dưới cái tên nghe có vẻ hiền lành, Tổng nha này là cơ quan đầu não của bộ máy quyền lực không chính thức của chế độ Diệm, qua đó Nhu có thể chỉ đạo hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở miền Nam Việt Nam. Như một người từng làm việc trong Dinh nhận xét, Tổng nha đã tạo cho Nhu ‘một tiểu chính quyền thực sự để hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát và kiểm soát chính quyền trên danh nghĩa do Diệm đặt ra.’” (Tôi nhấn mạnh.)

[67]Phong (2006), tr. 139: “Cuối năm 1957, với thế lực của đảng [Cần Lao], ông Diệm đang đứng trên đỉnh cao quyền thế. Nhưng ông rất cô đơn trên ngôi cao đó: người bạn Mỹ thân thiết Lansdale đã bị thất sủng và ra đi. Bây giờ, những cố vấn xung quanh tổng thống Diệm chỉ là một đám nịnh thần.” Xem thêm: Informations Catholiques Internationales, 15 Mars 1963, tr. 20: “Năm 1961, trong những số đầu tiên, tờ báo Đức Mẹ La Vang đã đăng danh sách những vị mạnh thường quân của cuộc hành hương do chính tờ báo này khởi xướng. Danh sách bắt đầu bằng món tiền tặng khoảng 2.000 quan Pháp của phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, vốn không phải là người Công giáo. Giáo hay lương, gần như tất cả các bộ trưởng đều có tên trong danh sách với những tặng phẩm tương tự như thế. Tiếp theo là tướng tham mưu trưởng và các tướng lãnh khác. Cuối cùng, là những vị chức sắc đứng đầu các tỉnh thành...”

[68]Moyar (2006), tr. 216. Xem thêm: Hang (1995), tr. 497.

[69]Liên Hằng (1995), tr. 498: “Sự ưu đãi đối với các hoạt động của Công giáo bao gồm tài trợ những chuyến thăm viếng của các vị chức sắc tôn giáo tới Nam Việt Nam. Ví dụ, khi Hồng y Gregorio Agagianian tới Việt Nam, chuyến đi của ngài hoàn toàn nằm dưới sự sắp xếp của chính quyền Sài Gòn - đúng ra có danh nghĩa thế quyền và không liên quan gì tới tôn giáo” (Đã lược bớt chú thích trong bài.)

[70]Informations Catholiques Internationales, 15 Mars 1963,tr. 21

[71] Informations Catholiques Internationales, 15/3/1963, tr. 21. Độc giả nên xem toàn bộ bài báo để nhận ra những ví dụ khác về những người Công giáo muốn tách nhà thờ khỏi chế độ Ngô Đình Diệm.

[72]Informations Catholiques Internationales, 15/3/1963, tr. 19.

[73]Informations Catholiques Internationales, 15/3/1963, tr. 19.

[74]Informations Catholiques Internationales, 15/3/1963, tr. 19.

[75]Informations Catholiques Internationales, 15/3/1963, tr. 17-18, 21. Việc cải đạo của Nguyễn Văn Thiệu được nhắc tới trong: Chính Đạo [Vũ Ngự Chiêu], Mậu Thân 68: Thắng hay Bại?, Văn Hóa, Houston, tái bản lần 3, 1998, tr. 354-355. “19/4/1968: Sài Gòn: Lansdale gặp Linh Mục Bửu Dưỡng (...). Theo Dưỡng, Dưỡng đã rửa tội cho Nguyễn Văn Thiệu năm 1958 ở Đà-lạt. (…) (Báo cáo ngày 20/4/1968, Lansdale gửi Bunker),” Chính Đạo viết. Xem thêm: Nguyễn-Khắc-Ngữ, Những ngày cuối cùng của Việt-Nam Cộng-Hòa, Nhóm Nghiên-Cứu Sử-Địa, Montreal, 1979, tr. 39-40.

[76]Informations Catholiques Internationales, 15/3/1963, tr. 20-21.

[77]Nguyen Ngoc Huy, “Vietnamese History From 1939 To 1975”, trong: Nguyen Ngoc Huy & Stephen B. Young, Understanding Vietnam, the DPC Information Service, Bussum, 1982, tr. 162.

[78]Informations Catholiques Internationales, 15/3/1963, tr. 21.

[79]Huy (1982), tr. 162. Là một chính trị gia khôn ngoan, Tổng thống Thiệu cũng không ngần ngại giúp đỡ những tàn dư của Đảng Cần lao, khi thấy có lợi cho mình. Ngữ (1979), tr. 67: “Để gây thêm thế lực, Nguyễn-Văn-Thiệu đã móc nối với dư-đảng Cần lao Nhân- vị Cách-mạng đảng của Ngô-Đình-Diệm cũ. Ông đã giúp bọn này tiền bạc để họ tổ chức lễ truy-điệu anh em Ngô-Đình-Diệm, Ngô-Đình-Nhu tại Nghĩa-trang Mạc-Đĩnh-Chi. Người đứng ra lo vụ này là Ngô- Khắc-Tỉnh, Tổng- trưởng Văn- Hoá-Giáo-dục và Thanh-Niên và cũng là bà con thân-tín của Nguyễn-Văn-Thiệu.”

[80]Moyar (2006), tr. 216. Tài liệu được dẫn là: “The Buddhist Movement in Vietnam and its Difficulties with the Present Government” (“Phong trào Phật giáo Việt Nam và những khó khăn với chính quyền hiện tại”). Để biết thêm chi tiết, xem: Moyar (2006), tr. 457, chú thích 47. Tài liệu này có thể được tải về từ trang:  http://www.vietnam.ttu.edu/virtualarchive. Lưu ý rằng phần một của tài liệu này, được Moyar trích dẫn, cũng gồm có 3 đoạn: “Chính quyền tỉnh quy định điều kiện tiến hành các hoạt động đó. Chính quyền Sài Gòn, đơn cử, thường tỏ ra cứng nhắc hơn các tỉnh khác trong việc để Phật giáo tự do hành đạo, và thường chỉ cho phép tổ chức các lễ hội chẳng hạn, vào những phút cuối”.

[81]“The Buddhist Movement in Vietnam and its Difficulties with the Present Government” (“Phong trào Phật giáo Việt Nam và những khó khăn với chính quyền hiện tại”). Tài liệu này cũng gồm đoạn sau: “Và, sau cùng, nhân chứng nói rằng quyền tự do tín ngưỡng quy định trong Hiến pháp đã bị vi phạm bởi hành động này (ở đây ông ta dường như đã mâu thuẫn với ý kiến trước của chính mình, khi phát biểu rằng Phật tử vẫn đang cố gây sức ép với chính phủ về tự do tôn giáothể chế hoá điều này trong Hiến pháp Việt Nam.” Nhân chứng Phật tử này, chắc hẳn đang nói về nỗ lực yêu cầu sửa đổi Nghị định 10, một văn bản pháp luật bị các Phật tử coi là mang tính kỳ thị. Một trong những yêu sách giới Phật tử đưa ra với Ngô Đình Diệm vào năm 1963 là phải sửa đổi lại văn bản nói trên. Xem: Chính Đạo (2004), tr. 251: “Ngày 10/5, trong cuộc biểu tình qui tụ khoảng 5,000-6,000 Phật tử, tăng ni tại chùa Từ Đàm, Trí Quang đọc diễn văn, kêu gọi bất bạo độngPhật tử tiếp tục treo cờ. Sau đó, đại diện Ủy ban tranh đấu trao cho Thị trưởng Đẳng một Thông Bạch [Manifesto], đòi hỏi 5 điều tương đối ôn hoà: tự do treo cờ; Phật giáo được hưởng quyền dành cho Ki-tô giáo như qui định trong Dụ số 10 [ngày 6/8/1950]; ngưng bắt giữ và khủng bố Phật tử; tự do tín ngưỡng; bồi thường cho nạn nhân ngày 8/5 và trừng trị những người có trách nhiệm. Năm người đứng ký tên là Thượng tọa Tường Vân, Mật Nguyện, Mật Hiền, Trí Quang, và Thiện Siêu. Với đại đa số Phật tử, ‘Dụ số 10 nêu trong Thông Bạch ngày 10/5/1963 có vẻ xa lạ. Dụ này do Bảo Đại ban hành ngày 6/8/1950 liên quan đến qui chế các hiệp hội, đảng phái. Gồm 5 chương, 45 điều. Điều thứ 44 ghi nhận: ‘Chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên chúa và Gia tô, và các Hoa kiều lý sự hội sẽ ấn định sau.’ (…) Điều này có nghĩa các tổ chức tôn giáo như Phật giáo, Hoà Hảo, Cao Đài, Islam v.v... đều chỉ được phép hoạt động nếu có sự đồng ý của chính phủ.” (Không dẫn những ghi chú trong bài). Nhưng xem thêm: Dennis J. Duncanson, Government and Revolution in Vietnam, Oxford University Press, 1968, tr. 332. Về những yêu sách của giới Phật tử liên quan đến Nghị định 10, Duncanson phát biểu rằng “trước năm 1963, không hề có một yêu cần sửa đổi nào nhân danh giới Phật tử”. Những thiếu sót của Nghị định số 10, tác giả bổ sung, đã bị sử dụng như một cái cớ để “bọn người xấu lên án chính sách của Chính phủ đàn áp giới Phật tử “người địa phương” nhằm đề cao những công trình phúc lợi, lòng bao dung quảng nạp và đoàn kết chính trị của Nhà thờ ‘đồng minh’ và giới đạo hữu.”

[82]“Phong trào Phật tử Việt Nam và những khó khăn với Chính quyền đương thời”.

[83]Độc giả nên so sánh nội dung của cuộc phỏng vấn trên với những kết luận trong sách của Moyar (2006), tr. 216: “Trong số 4,766 chùa ở miền Nam Việt Nam, 1,275 ngôi được xây dựng trong thời Diệm nắm quyền, rất nhiều ngôi chùa được nhận tài trợ của chính phủ. Chính quyền Diệm cũng cấp ngân sách cho nhiều trường học, lễ hội và các hoạt động khác của Phật giáo. (Không dẫn những chú thích trong sách). Xét nội dung trả lời phỏng vấn, ta có thể thắc mắc không biết việc xây dựng chùa chiền dưới thời Diệm là phải bất chấp sự phản đối hay được nhờ sự ủng hộ của giới chức. Khoản tài trợ bên Phật giáo nhận được thì thật khiêm tốn so với Nhà thờ Công giáo. Những lý lẽ trên cũng không gây được ấn tượng gì với những sử gia như Nguyễn Thế Anh. Xem: Anh (1990), tr. 113-114: “Thật vậy, [Tổng hội Phật giáo Việt Nam] cũng đồng thời chú ý đến các vấn đề giáo dục và cứu trợ xã hội bằng cách xây dựng các trường trung, tiểu học, các nơi chuyên lo công việc từ thiện như trạm xá và cô nhi viện. Nhưng để làm được những việc ấy, giáo hội Phật giáo chỉ có thể trông cậy vào thiện ý của dân chúng, chứ không mong gì đến sự giúp đỡ tài chính của nhà cầm quyền. Việc trùng tu chùa Xá Lợi Sài Gòn năm 1961 - được xem như trung tâm nghiên cứu Phật giáo – đã nhận được sự giúp đỡ của chính quyền chỉ vì hội trưởng Hội nghiên cứu Phật giáo Nam Việt Nam, ông Mai Thọ Truyền, giữ một vị trí quan trọng trong chính phủ.” Moyar phát biểu ngay trong cùng trang sách đó rằng “nguyên nhân người Công giáo chiếm số đông [trong một số cơ quan chính phủ] (…) không phải là do kỳ thị mà là do người Công giáo chiếm tỷ lệ lớn trong tầng lớp có trình độ học vấn cao, một di sản của thời thực dân.” Đáng lẽ ra, để tỏ ra chi tiết hơn, Moyar cần chỉ ra rằng những người chống đối Ngô Đình Diệm có cơ sở để phát biểu rằng chế độ Ngô Đình Diệm muốn duy trì lợi thế về trình độ học vấn cho giới Công giáo thông qua tài trợ cho Đại học Công giáo Đà Lạt, là trường đại học tôn giáo duy nhất được mở ở miền Nam dưới thời Ngô Đình Diệm.

[84]Moyar (2006), tr. 216. Nhưng xem thêm: Moyar (2006), tr. 253. Khi đề cập đến nhận xét của CIA về kết luận của phóng viên David Halberstam của tờ New York Times, ông ta viết: “CIA nhận xét, có rất nhiều bằng chứng chống lại kết luận của Halberstam rằng cuộc khủng hoảng Phật giáo đã làm cho dân chúng và quân đội quay lưng lại với gia đình họ Ngô.” Lẽ ra Moyar nên lấy tài liệu đánh giá này của CIA làm cơ sở để bàn về nội dung cuộc phỏng vấn 1961.

[85]So sánh: Moyar (2006), tr. 457, cước chú 50: “Diệm(...) kịch liệt chống lại những nỗ lực tạo ảnh hưởng lên chính quyền của các cha cố Công giáo.” Ông ta dẫn chứng: Piero Gheddo, The Cross and the Bo Tree: Catholics and Buddhists in Viet-Nam, Sheed and Ward, New York, 1970, tr. 143-145. Xem bài điểm sách: Adam Roberts, “Review: Piero Gheddo, The Cross and the Bo Tree: Catholics and Buddhists in Viet-Nam”, 43 Pacific Affairs, số 4, tr.632- 633 (1970).

[86]Moyar (2006), tr. 217 (những chỗ in đậm do người viết thêm vào).

[87]Moyar (2006), tr. 217 (không dẫn những chú thích trong bài). Cần lưu ý vào mùa hè năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm đã từng cố phá uy tín của phong trào Phật giáo, nhưng không thành, bằng cách sử dụng các sư giả. “‘Sư giả’ là sáng chế của họ Ngô–mùa Hè 1963, người ta thấy xuất hiện trên đường phố, rạp hát, tiệm ăn nhiều thanh niên cạo đầu trọc, mặc áo tu sĩ Phật Giáo, chửi thề, ăn nói tục tĩu. Ai cũng biết đây là sáng kiến của nha trảo họ Ngô,” Nguyên Vũ [Vũ Ngự Chiêu] viết trong: Ngàn Năm Soi Mặt, Văn Hóa, Houston, 2002, tr. 37.

[88]Nguyễn Khắc Ngữ, Đại cương về các đảng-phái chính-trị Việt-Nam, Nhóm Nghiên cứu Sử Địa Việt Nam, Montreal, 1989, tr. 83.

[89]Moyar (2006), tr. 217.

[90]Moyar (2006), tr. 217.

[91]CIA, “The Situation in South Vietnam, 9/16/1963”. Tài liệu này có thể được tải về từ trang:

[92]Xem: Stanley Karnow, Vietnam: A History: Revised and Updated Edition, Pinguin Books, New York, 1991, tr. 557. Khi bàn về nhận định của tướng Võ Nguyên Giáp năm 1990, phát biểu rằng “cuộc tấn công Tết Mậu thân nhằm chứng minh rằng lực lượng Việt Cộng không phải đang kiệt sức hay sắp bị đánh bại như lời tướng,” Karnow viết: “Kết luận của tướng Giáp là có sự hỗ trợ của hậu kiểm, sau khi mọi chuyện đã ngã ngũ.”

[93]Roberts (1970), tr. 633.

[94]Duncanson (1968), tr. 332.

[95]Duncanson (1968), tr. 333; Chính Đạo (2004), tr. 252: “Tại Sài Gòn, dù chưa trở thành mắt bão, Phật tử biểu tình liên tiếp trong hai ngày 7 và 8/5 để chống lệnh cấm treo cờ và đòi bình quyền tôn giáo. Ngày 9/5, Thượng tọa Tâm Châu, Phó Hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, thành lập Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo—quyết ‘Tử Vì Đạo.’ Ủy ban này qui tụ 11 Hội đoàn. ( …) Tâm Châu được cử làm Chủ tịch; với Mai Thọ Truyền, Tổng thư ký. Văn phòng đặt tại chùa Xá Lợi trên đường Bà Huyện Thanh Quan.” (Internal note omitted).

[96]Karnow (1991), tr. 355.

[97]Anh (1990), tr. 115 (không dẫn các chú thích trong bài).

[98]Anh (1990), tr. 115-116.

[99]Miller (2004a), tr. 258-259. Về các bên ký kết Tuyên cáo chung Caravelle được công bố năm 1960, Miller viết: “Các đại diện ký kết đều là các tay bảo thủ và chống Cộng kiên quyết, thành viên của các nhóm vốn được cho là ủng hộ Diệm. Thực ra, trừ Phan Huy Quát là trường hợp ngoại lệ, hầu hết những người ký trước đây đều là những người ủng hộ Tổng thống, trong đó có sáu người từng làm việc trong nội các đầu tiên của Diệm từ tháng Bảy năm 1954 – một nội các (…) lúc đó được coi là tập trung toàn những người tận trung với Diệm. Nếu Diệm đã đánh mất sự ủng hộ của những thành phần bảo thủ như thế, thì sự bất mãn với chế độ của ông ta hẳn đã lên rất cao.” So sánh với: Moyar (2006), tr. 105: “Bảy trong số mười tám [người ký] là bác sĩ, và đa số những người còn lại đã từng giữ các chức vụ cao trong thời thuộc địa. Tất cả đều là những trí thức Sài Gòn điển hình, thấm đẫm các tư tưởng Tây học và xa rời đại chúng.”

[100]Một bằng chứng xác thực ý kiến của Nguyễn Thế Anh có thể được tìm thấy trong bản báo cáo của Đại sứ Pháp tại Sài Gòn gửi về Paris ngày 10/3/1962, trước khi có sự kiện Lá cờ. Trong báo cáo đó, ông đại sứ viết rằng, ngoài phe Cộng sản, chế độ Diệm cũng phải đối mặt với sự chống đối đang gia tăng từ nhiều người dân miền Nam không theo Công giáo, những người này đang mong đợi một sự thay đổi chế độ. Bản báo cáo này được Vũ Ngự Chiêu tìm thấy và dịch sang tiếng Việt. Xem: Chính Đạo [Vũ Ngự Chiêu], Việt Nam Niên Biểu 1939-1975, Tập I-C: 1955-1963, Văn Hóa, Houston, 2000, tr. 248-250. Tài liệu này cần được xem xét cùng với báo cáo năm 1961 của người Mỹ có tiêu đề “Phong trào Phật tửViệt Nam và những khó khăn với chính quyền đương thời”, mà chính Moyar cũng đã dẫn.

[101]Chính Đạo (2000), tr. 248: “10/3/1962: Sài-Gòn: Đại sứ Lalouette báo cáo về Paris rằng vấn đề Việt Nam gai góc hàng đầu tại Đông Nam Á (...) ‘Cuộc đánh bom Dinh Độc Lập ngày 27/2/1962 phá vỡ mọi vẽ bình lặng ngoài mặt.

Ngoài Cộng Sản, những lực lượng đối lập không CS gia tăng chống đối Diệm. Cuộc chống đối này, dưới những dạng thức khác nhau, có mẫu số chung là sự oán hờn (la rancoeur) chống lại một thế lực tổng thống độc tài (...). Lực lượng chống đối tập họp những người ái quốc cấp tiến, giới trưởng giả Nam kỳ bị gạt bỏ khỏi những việc công ích bởi những phần tử từ Bắc hay Trung vào tị nạn, những giáo phái bị giải giới và bị nghi ngờ và, một cách tổng quát, tất cả những người không Ki-tô chống lại thiểu số Ki-tô (10 % dân số) đã đặt tôn giáo Ki-tô La Mã lên hàng quốc giáo.

Họ không đòi hỏi sự thay đổi trong chế độ, mà là thay đổi cả một chế độ.’”

[102]Câu này tôi mượn của sử gia Robert Maddox khi ông viết về những sự phản kháng đối với Tổng thống Franklin Roosevelt về kế hoạch thâu tóm Tối Cao Pháp Viện Liên bang: “Ý nghĩa chính trị của trận chiến về Tối Cao Pháp Viện không hẳn là ở chỗ nó đã tạo ra đối lập, dù trên thực tế nó có tạo ra, mà nằm ở chỗ nó đã hình thành một môi trường vận động để rất nhiều lực lượng đối lập ngầm có thể liên kết lại.” Đã được dẫn trong: William E. Leuchtenburg, The Supreme Court Reborn: The Constitutional Revolution in the Age of Roosevelt, Oxford University Press, 1995, tr. 156.

[103]Moyar (2006), tr. 62 (không dẫn chú thích trong bài).

[104]Dù sao đó cũng là ý kiến của Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Đại học Huế năm 1963, một thành viên trong nhóm thân tín của Ngô Đình Diệm. Ông nói có thể Ngô Đình Diệm cách chức ông vì đã bao che cho những sinh viên tham gia phong trào Phật tử. “Những nguyện vọng của họ thì ai cũng biết, chẳng có gì quá đáng. Ít ra là lúc bây giờ, đại để là hủy bỏ nghị định cấm treo cờ Phật giáo, trừng phạt thủ phạm gây ra cảnh đổ máu ở đài phát thanh, chấm dứt tình trạng đàn áp Phật giáo nếu quả thực chính quyền có chủ trương đó,” ông viết trong: L.M. Cao Văn Luận, Bên Giòng Lịch Sử Việt Nam, 1940-1975, TanTu Research, Sacramento, California, 1983, tr. 236 (tôi tự nhấn mạnh ở những chỗ in nghiêng). Xem thêm: Huy (1982), tr. 94: “Trong khi Diệm cố tìm cách giải quyết vấn đề một cách ôn hoà, ông Thục, ông Nhu và bà Nhu thiên về đối sách mạnh tay với Phật tử. Khiến Phật tử buộc phải gia tăng sự phản đối chính quyền. Ngày 11/6/1963, nhà sư Quảng Đức tự thiêu.” Cũng nên biết rằng, giáo sư Huy, từng là đảng viên Đảng Đại Việt, và phải lưu vong ở Pháp trong thời gian Ngô Đình Diệm nắm quyền.

[105]Moyar (2006), tr. 213. Moyar cũng nêu ra ngay trong trang sách đó những nguyên nhân khác khiến Ngô Đình Diệm không chấp thuận các yêu sách của Phật tử. “Hàng loạt các phe phái và nhóm thiểu số khác có thể sẽ đổ xô đến với không biết bao nhiêu yêu sách mới mà chính phủ không thể nào đáp ứng được. Và nếu thoả mãn các yêu sách của Phật tử, Diệm sẽ tự làm yếu đi khả năng tự vệ trước các lực lượng chống đối khác và Việt Cộng – nếu cảnh sát không được phép bắt những người biểu tình tự xưng là Phật tử, chính quyền sẽ không ngăn ngừa được bạo loạn, kéo theo sự giảm sút thể diện quốc gia.”

[106]Moyar phát biểu rằng Philip Catton đã sai lầm “khi chấp nhận quan điểm chung cho rằng Diệm không có khả năng điều hành cuộc chiến một cách hữu hiệu.” Xem: Mark Moyar, “The Current State of Military History”, 50 The Historical Journal, No. I, tr. 233 (2007).

[107]Moyar (2006), tr. xii. Một trong số các sử gia bị công kích đã có ý kiến “phản hồi”. Xem: Seth Jacobs, “Review: Mark Moyar, Triumph Forsaken: The Vietnam War, 1954–1965”, 94 Journal of American History, No. 1, tr. 332-333 (2007).

[108]John M. Carland, “Review: Mark Moyar, Triumph Forsaken: The Vietnam War, 1954–1965”, 71 Journal of Military History, No. 2, tr. 591-594 (2007). Xem thêm: Thư của Moyar phê bình bài điểm sách này và bài phản hồi của Carland trong: 71 Journal of Military History, No. 3, tr. 903-907 (2007)

[Nguồn:http://www.chuyenluan.net/index.php?option=com_content&view=article&id=5858:chien-thang-tuong-tuong&catid=2:khaocuu&Itemid=4 ]
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/09/2010(Xem: 47021)
31/05/2012(Xem: 10744)
16/10/2014(Xem: 25767)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.