LỄ KHAI MẠC ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN LIÊN HIỆP QUỐC VESAK 2008
Sáng nay, 14/5, Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2008 (Vesak) đã khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Thủ đô Hà Nội). Hàng ngàn đệ tử cửa phật tuy không có giấy mời dự Đại lễ cũng vẫn cùng nhau từ khắp mọi miền đất nước về cùng hưởng không khí ngày Đại lễ trang trọng và đầy ý nghĩa này. Đến dự Lễ khai mạc có: Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết; Hoà thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hoà thượng Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Lễ Mạnh Thát, Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Quốc tế (IOC) Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2008 tại Việt Nam; Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An… cùng hơn 3.500 đại biểu, trong đó có 2.000 đại biểu quốc tế đến từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng ngàn phật tử từ khắp cả nước đã tới dự lễ khai mạc. Trước lễ khai mạc, các đại biểu đã dự Lễ thượng cờ Tổ quốc và cờ Phật giáo; làm lễ dâng hương cúng dường Tam Bảo. Màn biểu diễn múa Lục Cúng “Bài ca Vesak thiêng liêng” mang đậm nét truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam đã chính thức mở màn Đại lễ Phật Đản Liên Hợp quốc 2008. Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Đại lễ Phật đản LHQ 2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Việt Nam luôn quan tâm và tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo mang lại cho đời sống xã hội”. Và “Vesak 2008 được tổ chức tại Việt Nam là sự khẳng định Nhà nước Việt Nam tôn trọng và ủng hộ quyết định đúng đắn của Liên hợp quốc chọn ngày này là ngày văn hoá tôn giáo thế giới, luôn quan tâm và tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, trong đó có đạo Phật”. Chủ tịch cũng cho rằng: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc được tổ chức với quy mô quốc tế là sự kiện quan trọng thể hiện quyết tâm và chủ trương của Liên hợp quốc đối với các hoạt động mang tính quần chúng rộng rãi vì một thế giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đại lễ được tổ chức với sự cổ suý của Liên hợp quốc nhằm tôn vinh những giá trị tư tưởng sâu sắc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về hoà bình, hoà hợp, hoà giải, vị tha, nhân ái đã có từ hơn 2.500 năm trước và vẫn còn nguyên giá trị trong thế giới ngày nay. Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam là sự khẳng định Nhà nước Việt Nam tôn trọng và ủng hộ quyết định đúng đắn của Liên hợp quốc chọn ngày Tam hợp Đức Phật là ngày văn hoá tôn giáo thế giới, đồng thời khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo mang lại cho đời sống xã hội, trong đó có Phật giáo. Trong lĩnh vực văn hoá tinh thần, Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc song cũng sẵn sàng tiếp thu, đón nhận tinh hoa văn hoá thế giới và hội nhập với các nền văn hoá tiên tiến của nhân loại. Việt Nam luôn tôn trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đóng góp cho đời sống xã hội, hướng con người tới chân, thiện, mỹ, nhất là những giá trị phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống hướng thiện của con người Việt Nam, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng xã hội mới với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chủ tịch nước cũng mong rằng những ngày dự Đại lễ Phật đản tại Việt Nam, các vị khách quốc tế sẽ hiểu và thêm yêu đất nước Việt Nam và nhận thấy ở con người Việt Nam những tình cảm chân thành, nhân hậu và lòng mến khách thắm tình hữu nghị, hợp tác. Bên cạnh những bài phát biểu trên còn có các thông điệp của Tổng Thư ký LHQ và các Đại sứ; Thông điệp của Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thông điệp của Lãnh tụ các Giáo hội Phật giáo thế giới. Có thể nói, ngày khai mạc đã thực nói lên được ý nghĩa của “sự tập hợp, đoàn kết, hòa bình, thống nhất và hữu nghị” của tinh thần Đại lễ. Các đại biểu tới dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008. Buổi chiều cùng ngày sẽ có 2 bài thuyết trình của Hoà thượng Dharmakosajaran – Nguyên Chủ tịch IOC Thái Lan và thuyết trình của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về Vai trò của Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh... Đây là 2 trong số 7 bài thuyết trình sẽ được trình bày trong Đại lễ. 5 bài thuyết trình còn lại là: Phật giáo nhập thế và sự phát triển; Chăm sóc môi trường: Giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu; Vấn nạn gia đình và giải pháp của Phật giáo; Diễn đàn giáo dục Phật giáo: Sự kế thừa và phát triển và đặc biệt là bài thuyết trình về: Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số. Bên cạnh đó là các chương trình: Thiền ca của Tăng thân Làng Mai, biểu diễn văn nghệ và múa truyền thống Việt Nam . Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc 2008 sẽ bế mạc vào chiều ngày 16/4, sau đó các đại biểu sẽ chia làm 3 đoàn đi thăm các địa điểm: Bái Đính – Ninh Bình; Yên Tử - Quảng Ninh và Hạ Long - Quảng Ninh... Quang Minh |