Sám Phổ Hiền, Vesak Hà Nội 2008, Và “Đàn Áp Phật Giáo”

10/10/201012:00 SA(Xem: 25190)
Sám Phổ Hiền, Vesak Hà Nội 2008, Và “Đàn Áp Phật Giáo”



vesak_2008_banner_21

SÁM PHỔ HIỀN, VESAK HÀ NỘI 2008,
và “đàn áp Phật giáo”… 

Nguyễn Thị K. H.

Làm sao xử lý được thông tin một cách chính xáclương thiện trong thời đại bùng nổ thông tin này. Điều này rất khó, đặc biệt cho người Việt Nam, vì ai cũng tưởng là … dễ ợt!

Sau gần 20 năm xa cách, trong chuyến về lại quê hương lần đầu tiên vào năm 1995 để xây mộ phần cho thân phụ, gia đình chúng tôi quyết định bay về Hà Nội trước, rồi thuê xe đi đường bộ ra Huế, và sau đó đi tiếp về Sài Gòn để thực hiện một chuyến xuyên Việt tạm coi là đầy đủ.

Dạo đó, Hà Nội còn chưa phát triển lắm, ba mươi sáu phố phường còn phảng phất nhiều dư ảnh của “vang bóng một thời”. Phố Hàng Đào duyên dáng đổ ra Hồ Gươm đang bắt đầu gương lược ngại ngùng làm dáng, và hàng cây đường Cổ Ngư thì vẫn rì rào e thẹn bên hồ Trúc Bạch.

Sinh ra ở miền Trung và lớn lên ở miền Nam, và vì vốn học ban “C” (ban Văn Chương, trước 1975) ở trường nữ trung học Gia Long nên tôi chỉ biết Hà Nội qua những tác phẩm của các nhà văn tiền chiến trong Tự Lực Văn đoàn, và những bài hát, những câu thơ nghe thật chan chứa nhớ nhung của các văn nghệ sĩ di cư vào Nam năm 1954.

Cho nên trong mấy ngày gấp rút và ngỡ ngàng ở Hà Nội, chúng tôi vội vàng đi thăm các thắng cảnh không thể không thăm được: Văn Miếu, hồ Hoàn Kiếm, chùa Một Cột, đền Quan Thánh, cầu Thê Húc, đê Yên Phụ, gò Đống Đa, viện bảo tàng Lịch Sử

Riêng bọn con gái chúng tôi thì mặc sức mà thưởng thức không biết bao nhiêu miếng ngon Hà Nội của các ông Vũ Bằng và Nguyễn Tuân. Món chả cá Thăng Long ở phố Lã Vọng óng ánh lớp mỡ vàng ríu rít reo vui, tô bún riêu trên vỉa hè phố Tô Lịch đậm đà hương vị đồng nội Bắc bộ …

Lần thứ nhì về Việt Nam, năm 2000, trong khuôn khổ của một tổ chức từ thiện Mỹ để yểm trợ cho lớp huấn nghệ của Ni cô Như Minh ở chùa Tây Linh tại Huế, tôi lại cũng ghé về Hà Nội trước. Vào dịp hè được nghỉ nên đây là một chuyến đi dài ngày mà chồng con cho … phép.

Trong hành trang lần này, ngoài gần ba ngàn Mỹ kim của bạn bè tại Mỹ và Canada cúng dường, trong đầu còn có những thông tin nóng bỏng về tình trạng “đàn áp tôn giáo” mà tôi đã đọc được trên một số trang web Phật giáo hải ngoại và trên các trang báo giấy tại miền nam tiểu bang California, nơi tôi cư ngụ và làm nghề gõ đầu trẻ.

Chỉ 5 năm mà Hà Nội đã thay đổi rất nhiều. Mùi hương của hoa sữa thơm ngạt ngào trên đường Nguyễn Du vẫn còn đó, nhưng những cái mũ cối xanh và chiếc xe đạp nội hóa của năm 1995 thì đang từ từ biến mất. Hà Nội xôn xao trở mình hội nhập như cô gái đoan trang bắt đầu tô môi hồng của những năm đầu thế kỷ thứ 20. Quen sơ nhau lần trước và biết tôi là Phật tử ở Mỹ về, chị Th. L. ở Nhạc viện Hà Nội tình nguyện làm “tài xế’ chở tôi trên chiếc xe (gắn) máy cũ để chập chùng đi thăm các chùa cổ ở ngoại thành.

Chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Bút Tháp, … cổ kính và u trầm. Lãng đãng 2000 năm lịch sử của Phật giáo Việt Nam vương vấn trong chính điện u tịch và trên mái ngói rêu phong. Chùa vắng, người thưa. Không giảng kinh, không lễ Phật. Cảm giác chung là buồn vì không thấy lời dặn duy Tuệ thị Nghiệp của đấng Từ phụ được thể hiện trên thủ đô ngàn năm văn vật, nhưng cũng còn một chút vui an ủidi tích văn hóa của các Thầy Tổ chưa bị nhuốm màu thị trường chói chan của ngọn sóng Toàn cầu hóa.

Lúc đến chùa Quán Sứ để thỉnh kinh, tôi tình cờ được dịp đàm đạo với Thầy B.N. vừa tốt nghiệp Tiến sĩẤn Độ về và, tuy còn trẻ, hiện đang được làm giáo thọ tại một trường Trung cấp Phật học tại Hà Nội. Sau khi trao đổi với Thầy về một số đặc điểm của hệ thống đại học Mỹ mà tôi kinh nghiệm được chút ít trong khi tác nghiệp, tôi “vô tư” chuyển đề tài và hỏi thẳng Thầy về tình trạng “tự do tôn giáo” của Phật giáo trong nước.

Thầy chỉ cười và hỏi tôi có trì và hành Thập chủng Đại nguyện trong “Sám Phổ Hiền” không ? Và Thầy nhờ tôi sau khi đi hết ba miền Bắc Trung Nam, nhìn và hỏi xem Phật tử có được thoải mái hành sự mười đại nguyện đó không? Rồi khi về Mỹ cứ thẳng thắn viết thư cho Thầy biết:

Nhứt giả lễ kính chư Phật
Nhị giả xưng tán Như Lai
Tam giả quảng tu cúng dường
Tứ giả sám hối nghiệp chướng
Ngũ giả tùy hỉ công đức
Lục giả thỉnh chuyển pháp luân
Thất giả thỉnh Phật trụ thế
Bát giả thường tùy Phật học
Cữu giả hằng thuận chúng sinh
Thập giả phổ giai hồi hướng

Thầy không nói gì đến một giáo hội trước 1975 phần lớn đã gia nhập GHPGVN, còn vài vị muốn đứng riêng, không được công nhận và đang được một số ông Tây bà Mỹ của các định chế chính trị quốc tế ủng hộ. Thầy cũng không nói gì đến một vài vị Thầy ở trong Thành phố (HCM) thách thức đòi lật đổ chế độ.

Thầy chỉ nói đến số đông, đến đại chúng, nhấn mạnh đến nhu cầu tu học, mà nhất là “quyền tự do” được tu và hành 10 điều đại nguyện trong Sám Phổ Hiền của hơn mười mấy triệu Phật tử đồng đạo của Thầy. Thầy từ tốn nói đến viễn tượng tương lai, có hoa sen vươn lên từ bùn lầy có thật, của Phật giáo Việt Nam. Còn Dân chủ, Nhân quyền, Đa nguyên, xin trân trọng để ngoài cổng chùa. Đừng bắt Đức Phật phải mang màu cờ sắc áo. Bất kỳ màu cờ gì, bất kỳ sắc áo nào. Phàm ngã hữu tướng giai thị hư vọng!

Mang thêm câu hỏi của Thầy B.N. trong hành lý, tôi giã từ Hà Nội rồng bay để xuôi Nam. Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (của 99 ngọn Hồng Lĩnh cuồn cuộn sử thiêng). Rồi Huế, Đà Nẳng, Quy Nhơn, Nha Trang (của 14 vua triều Nguyễn khai hoang bờ cõi) . Và Sài Gòn, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ (của ai về Gia Định Đồng Nai thì về)… Giang sơn gấm vóc xinh đẹp lạ lùng, đồng bào ruột thịt nhân hậu lạ lùng. 

Trong số hơn 100 Phật tử mà tôi gặp trên “con đường cái quan” xuyên Việt năm đó, người thì hàng ngày ráng thực hiện được ba, người thì đến chùa mong thực hành được bảy đại nguyện của Sám Phổ Hiền. Nhưng dù là ba hay bảy thì từ người quen trong gia tộc rất thuần thành của tôi đến người lạ gặp rất nhanh trong một sân chùa, tất cả đều thoải mái, tất cả đều tự do, không ai cấm cản.

Hầu như ai cũng cười xòa trả lời chỉ có tam độc Tham Sân Si cấm cản thôi chứ bây giờ ai mà cấm nổi mình đến chùa tụng kinh, niệm Phật, trì chú, và dạy con làm công quả tạo phước đức. Thế là đã quá đủ rồi chị ơi.

Vào Sài Gòn, đến nhà sách Fahasa trên đường Nguyễn Huệ lại thấy gần 200 đầu sách về Phật học được bày bán mà hoa cả mắt. Lên Hóc Môn, đến chùa Hoằng Pháp lại được mặc áo tràng niệm Phật chung với một thính chúng gần 500 người đầy đạo vị. Khắp nơi sao có vẽ “tự do” thế, nhưng còn mấy chùa “thống nhất” thì sao? Thế còn những Thầy “thống nhất” bị Công an đàn hạch mà báo chí chống Cộng ở hải ngoại ồn ào đề cập thì sao?

Tôi ấm ức không có dịp gặp, tôi thất vọng vì ngay cả các anh chị cư sĩ ở Sài Gòn rất năng động cũng chẳng biết đến tên tuổi quý ngài ! Cho nên về lại Mỹ, từ đó, tôi nợ Thầy B.N. của chùa Quán Sứ một câu trả lời còn … chênh vênh.

Thế rồi chuyến đi thứ ba vào năm 2003 với chồng, chuyến đi thứ tư vào năm 2005 với chồng và con trai út sắp vào đại học. Mỗi lần về là mỗi lần gánh từ thiện nặng thêm, hạnh bố thí sâu thêm. Và cũng mỗi lần đi về, tôi lại như sống trong hai thế giới khác nhau.

Cùng là Việt Nam một cõi đi về, cùng là Phật sự trên chính đất nước Việt Nam thân thương đó, mà bên này xa xôi thì những tiếng nói khi thì sôi nổi khi thì hằn học của các Phật tử hải ngoại tố cáo Nhà nước “đàn áp Phật giáo”, còn bên kia gần gũi thì các Thầy Cô trong nước khi thì thong dong khi thì nhọc nhằn ngày đêm chăm lo cho tứ chúng tu học.

Có cái gì không ổn khi cùng một thực tại mà lại có hai nhận thức và hai mô tả khác nhau, do đó, hai hành xử khác nhau. Phướn lay gió lay, vạn vật do tâm tạo…Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng!

Sau bốn chuyến đi này, tôi bắt đầu dè dặt hơn về những thông tin và lý luận của “nước” Việt Nam hải ngoại phất phới lá cờ vàng ba sọc đỏ. Chồng tôi nối kết lên Lap Top cho tôi một số webpages của Phật giáo trong nước và tôi cũng bắt đầu nhận thêm một số email từ các forum ở hải ngoại.

Tôi đọc được bài của Thầy Trí Quảng cũng như của Thầy Quảng Độ, truy cập được “queme” và “vietcatholic” cũng như “phattuvietnam” và “giaodiemonline”, và dù không quan tâm lắm nhưng không biết sao mà vẫn nhận được cả những thông tin và bình luận “xúi nguyên dục bị” cho Phật giáo “đánh nhau” từ các nguồn truyền thông Công giáo lẫn Tin Lành và các tổ chức chính trị “chống Cộng” ở hải ngoại.

Và tôi bỗng khám phá ra một chuyện tuy bên lề nhưng ai cũng biết vô cùng quan trọng để cảnh giác chính mình: Đó là làm sao xử lý được thông tin một cách chính xáclương thiện trong thời đại bùng nổ thông tin này. Điều này rất khó, đặc biệt cho người Việt Nam, vì ai cũng tưởng là … dễ ợt ! Điều này cũng rất khó, đặc biệt cho người Mỹ, vì người Mỹ nào cũng biết là … khó lắm lắm ! Cho nên, về khả năng và trình độ tiêu hóa dữ kiện thông tin, Mỹ và Mỹ gốc Việt thật không giống nhau chút nào: Một trời một vực! 

Trong cơn hỗn mang chữ nghĩa đó, thôi thì đành đọc bằng kiến thứcthực chứng của chính mình vậy. Và vì là một Phật tử nên tôi ráng tự mình thắp đuốc lên mà … đọc, nghĩa là truy tìm cho bằng được cái tâm địa của chính người viết đằng sau những dòng chữ múa may trên giấy trắng mực đen, để thông qua đó, biết được giá trị của chúng. Tôi dùng một tiêu chuẩn: Mảnh tâm địa đó đang được vun xới hoa thơm hay đang gieo trồng cỏ độc cho Dân tộc và Phật giáo Việt Nam?

Thử đọc một Trưởng tử Như Lai là Thầy T. Kh. T. trong nước, hay một Cư sĩ hộ pháp là bác Ngô Tr. A. ngoài nước, đọc những câu chữ chất ngất hận thùvi phạm nặng nề giới thứ tư trong ngũ giới của hai vị này, nhiều lần, rất nhiều lần, tôi rùng mình choáng váng phải rời khỏi bàn viết, tự hỏi sao đạo Phật cao cả tuyệt vời của tôi lại có thể sản sinh ra những “phó sản” phù thủy phi Pháp độc hại như thế?

Như vậy, sau bao năm vào chùa như Thầy T. Kh. T. hay đọc thiên kinh vạn quyển như bác cư sĩ Ngô Tr. A., liệu tôi có nguy cơ trở thành kẻ nô lệ hung hăng của Tham Sân Si giống như hai vị này không?

Thấy tôi lơ là chuyện Phật sự để “đùa” với lửa thế sự nên chới với mất định hướng (và vì vậy bỏ bê chuyện … cơm nước !), nhà tôi đề nghị một cái shock therapy theo kiểu Thiền sư Lâm Tế bên Nhật: Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2008 này, ta lại về Hà Nội “xem” sao?

vesak_2008_50

Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước tiến vào Hội trường Trung tâm Hội nghị quốc gia để dự lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008

Nhà tôi là người làm việc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên nên méo mó nghề nghiệp, nhìn gì cũng trong một khung hệ thống thống nhất với những vận động có tính quy luật, làm gì cũng theo một quy trình khoa học hợp lý, và chuyện gì cũng chỉ chắc chắn đến 66.67% thôi để từ từ chờ phản biện.

vesak_2008_51

Hàng vạn Phật tử thủ đô và cả nước chào đón Đại biểu dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008

Anh thường mang cái công thức Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc ra để “dọa” các đồng nghiệp Mỹ trong công việc. Nhất là để “cãi nhau” với tôi ! Nhưng vì biết anh thuộc loại sợ vợ thương con, nên khi nhà tôi đề nghị, tôi đồng ý ngay. Vả lại, gần 10 năm rồi, tôi chỉ về Huế và Sài Gòn mà chưa trở lại Hà Nội. Từ thuở mang gươm đi giữ nước, nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long …

Trước đó, hộp thơ điện tử của tôi đã tràn ngập các thông tin về ngày Đại lễ Phật đản Vesak 2008 này. Bên chống bên binh nghe vui như pháo Tết, nhưng lại buồn da diết vì qua đó mà biết bây giờ Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại nát như tương, nát không hàn gắn được nữa, sau vụ cái Giáo Chỉ số 9 gì đó. Giữa “thống nhất” với nhau mà không …thống nhất được thì nói còn ai nghe nữa mà cứ bám chấp vào cái danh xưng rất vô duyên đó làm gì?

Giữa Phật tử với nhau mà tranh dành xem ai “chống Cộng” nhất thì được làm lãnh tụ, như vậy thì còn xưng Phật tử làm gì? Chưa bao giờ tôi thấy “Phật tử thống nhất” hận thù “Phật tử thống nhất” đến thế, cũng chưa bao giờ tôi thấy công ty sản xuất Vô Minh bán được nhiều … nón cối để chụp lên những cái đầu không tóc đến thế!

Ngay trước ngày lên đường, tôi còn nhận được Thông điệp Phật đản 2552 ký tên Thầy Huyền Quang, trong đó có hai câu mà theo tôi, mô Phật, rất … phi Pháp: Thứ nhất, “Chính pháp không thể nở hoa nơi giang sơn nô lệ, chúng sinh không thể an lạc nơi áp bức, đói nghèo”.

Xin khấu đầu thưa với Thầy là hình như nơi nào Chính pháp cũng có khả năng nở hoa được, nơi nào chúng sinh cũng có khả năng an lạc được. Nô lệ hay giải phóng, đói nghèo hay giàu no không phải là điều kiện tiên quyếtduy nhất.

Hơn nữa, hình như ngược lại, càng trong bùn “áp bức, nô lệ, nghèo đói” thì hoa sen Phật giáo càng ngạt ngào thêm. Đạo Phật là đạo cứu khổ mà, hoa sen chẳng nở rộ trong biển lửa sao. Vậy thì xin thầy đừng đặt điều kiện “chính trị” cho chính pháp và cho chúng sinh !

Và thứ nhì là Phật tử bồi đắp tâm linh bao nhiêu cho tiến trình giải thoát giác ngộ, thì càng bảo vệ lãnh thổ bấy nhiêu cho chủ quyền của nòi giống tự do thoát ly nô lệ. Thầy nối hai chuyện “giác ngộ” và “chủ quyền” để đá nhẹ nhà nước Việt Nam một phát làm gì Thầy? Đây là thông điệp Phật đản hay diễn văn chính trị xin Thầy đừng xảo ngôn nhập nhằng với Phật tử. Và xin Thầy chỉ cho biết ở đâu trong rừng Tam tạng Kinh điển của Phật giáo nói rằng “tiến trình giác ngộ” và “bảo vệ chủ quyền” có liên hệ nhân quả đối đãi với nhau như thế?!

Là một nữ Phật tử mà tôi dám nặng lời với Thầy như vậy vì tôi đoán 66.67% không phải Thầy viết thông điệp đó, nên tôi sẽ không phạm một trong ngũ nghịch. Chắc con nội trùng nào đó ngồi bên Tây nóng ruột chuyện Vesak Liên hợp quốc ở Hà Nội nên viết sẵng một cách phi pháp và phi logic như vậy rồi mạo danh ký đại tên Thầy thôi! Thầy Huyền Quangngày xưa ba tôi quen biếtkính trọng đâu có … ẹ như vậy, đâu có vừa ấu trĩ văn hóa vừa phỉ báng chính pháp như thế. 

vesak_2008_52

Thượng cờ Phật giáo lớn nhất từ trước tới nay mừng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008

Cho nên mặc những lời qua tiếng lại, nước cũ của tôi thì tôi về, ngày sinh của Phật thì tôi vui. Bây giờ tôi đã là công dân Mỹ, làm tròn hai trong ba nhiệm vụ cao cả nhất của một công dân là đóng thuế và đi bầu cho nước này. Còn tương lai của gia đình chúng tôi thì chắc chắn là tại Mỹ rồi. Nhưng Hà Nội trái tim của tổ quốc Việt Nam ơi, tôi lại về đây vì về Việt Nam là về lại với cội nguồn. Mà trong cuộc hành trình về lại côi nguồn đó có thêm niềm hoan ca đấng Từ phụ đản sinh thì còn gì thiêng liênghạnh phúc bằng …cho nên hải ngoại lao xao ơi, kệ mi, ta lên đường đây.

Chiếc phi cơ A320 của chuyến bay Cathay Pacific CX791 chao nghiêng lần cuối, hạ dần cao độ, rồi đáp xuống đường băng 29L của phi trường Nội Bài lúc 4 giờ chiều ngày thứ Hai, 12 tháng 5 năm 2008. Phi cảng mới xây khá hiện đại, có 26 hãng hàng không đang hoạt động và trang bị để đủ sức xử lý 10 triệu lượt hành khách mỗi năm. Lần này, có hai điều làm cho tôi thoải mái: Nhân viên di trú và hải quan có vẻ chuyên nghiệp hơn, và phòng lấy hành lý thì hoàn toàn không còn khói thuốc lá nữa.

Một bất ngờ thú vị khác sau chuyến bay dài: Ban tổ chức Đại lễ Vesak có hẳn một tiểu ban Tiếp tân tại phi trường để đón tiếp và giúp đỡ khách về tham dự đại lễ. Các em nữ nói tiếng Anh giọng khá chuẩn, vài em còn biết chắp tay A Di Đà Phật để đáp lễ chúng tôi. Dễ thương nhất là khi các em cũng dùng bốn từ “A Di Đà Phật” âm Việt đó để cung nghinh các … sư Mỹ rồi cùng phá lên cười với nhau!

Hà Nội mùa này đã bắt đầu nóng. Xe vượt sông Hồng, len lỏi qua các phố sầm uất của làng giấy Thụy Khuê để vào nội thành là bắt đầu đi vào một bức tranh với hai hình khối và sắc màu rõ rệt: Màu truyền thống và màu hiện đại. Quyện vào nhau, có khi hài hòa thanh lịch, có khi đối chọi nhếch nhác …

Xe quá nhiều, đủ loại (kể cả SUV của Lexus). Phố quá chật, xây đủ kiểu (kể cả kiến trúc chóp nhọn miền núi của Thụy sĩ), và tiếng ồn thì khủng khiếp. May mà khách sạn nơi chúng tôi cư ngụ với các phái đoàn Phật tử Mỹ có hai hàng cây xanh, lại khuất trong một con ngõ nên yên tĩnh.

Chỉ thoáng qua ngày đầu, tôi đã thấy Hà Nội thay đổi hoàn toàn so với 10 năm trước đây. Quá trình hội nhập của xã hội và luật vô thường của thiên nhiên cứ lừng lững trôi … Chỉ tiếc cho một số bạn bè của tôi ở hải ngoại vốn từng khắc khoải mơ về một Hà Nội trong sương khói của thơ nhạc thời tiền chiến, thì sẽ không bao giờ còn được thấm đậm vào không gian đó nữa, dù sau rặng liễu đong đưa vẫn còn Tháp Rùa soi bóng nước Hồ Gươm.

Thủ tục và tiến trình đăng ký để lấy thẻ tham dự đại lễ hơi luộm thuộm nhưng đến ngày cuối thì đâu cũng vào đó. Quản lý một hoạt động phức tạp và ở tầm cỡ quốc tế như Đại lễ Vesak mà đầu não điều hành lại là một “tam đầu chế” khác bản chấtchức năng (I.O.C Liên Hiệp quốc, Giáo hội Phật giáo và Nhà nước Việt Nam) thì những bất cập và khiếm khuyết là không thể tránh được. Mỹ gọi là quản lý hệ thống đa tầng và xuyên ngành (multilayer & interdisciplinary system management) phải rất có bản lĩnh mới thành công nên các nhà quản lý ai cũng… ngán.

Cho nên thật tội nghiệp cho Phật giáo Việt Nam của tôi: 2000 năm qua, kể cả dưới hai thời Lý, Trần trọng đạo, có bao giờ được đón tiếp và giao lưu với hơn 1000 vị khách (vừa tăng vừa tục) đến từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cộng với gần 4000 pháp lữ đến từ gần 60 tỉnh thành trong nước đâu. Có bao giờ phải sắp đặt cho 6 vạn đồng bào vào tham quan 100 gian hàng văn hóa Phật giáo đâu. Có bao giờ chỉ trong vòng hai tuần lễ phải dịch 92 bài tham luận viết bằng 5 thứ tiếng cho 7 chủ đề đâu.

vesak_2008_53

Hợp xướng bài Vesak thiêng liêng trong Lễ khai mạc

Thật lạ, chỉ dưới chế độ Cộng sản “vô thần” mới xảy ra những biến cố trọng đại to lớn này cho Phật giáo. Nhiều điều quá mới, quá lạ, quá khó với Phật giáo Việt Nam … thế mà có lẽ nhờ Phật độ nên bốn ngày đại lễ rồi cũng hoàn tất tốt đẹp. Tốt đẹp trên cả ba phương diện: Nội dung, trình hiện và tác động đúng hướng và bền vững.

vesak_2008_bemac_05

Hội trường Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình) ngày khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc

Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình với thiết kế mang chủ đề “Lượn sóng Biển Đông” không lớn như tôi tưởng nhưng mang nét thanh nhã và quy hoạch bên trong thì khá hợp lý. Dưới trần nhà cao rộng của phòng hội chính là một tập hợp của nhiều kiểu dáng và màu sắc của nhiều loại tăng bào khác nhau rất ấn tượng. Ba màu nâu, lam và vàng quen thuộc của quý Thầy Cô ở Nhật, Hàn quốc, Trung quốc, Việt Nam làm nền cho nhiều mảng tăng bào ba vạt màu huyết dụ hoặc nâu đỏ của quý Thầy ở Bhutan, Tây Tạng, Mông Cổ, Tích Lan, Bangladesh tạo thành một điệu luân vũ sống độnghiện đại.

vesak_2008_55

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008

Cũng nhờ dịp này, trong cái rừng người xao động của 4 ngày đại lễ, tôi gặp lại được một số bạn cũ ở Việt Nam bây giờ có đứa tóc đã muối tiêu nhưng có vẻ như ai cũng an lạc trong chiếc áo lam dung dị hiền lành. Trong hương vị tinh khiết của mấy bữa cơm chay Âu Lạc thơm ngon, chúng tôi hồi tưởng lại thuở áo trắng trường nữ Gia Long ngày xưacó kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

vesak_2008_56

Tăng Ni Làng Mai (Pháp) vào dự Đại lễ 

Trong suốt 4 ngày của đại lễ, ngoài việc đi thu gom tài liệu và bỏ “mặc xác chồng” để loanh quanh tìm kiếm người quen, tôi đặc biệt theo dõi hai buổi lễ khai mạc và bế mạc. Ai dàn dựng các tiết mục và phần trang hoàng mà thật ý nghĩa: vừa mang chiều kích quốc tế nhưng vẫn giữ được nét bản sắc riêng của Việt Nam, vừa có nội dung thế sự ta bà mà vẫn mang dấu ấn tâm linh Phật giáo. Bên nhà, báo chí dùng tính từ “hoành tráng” (mà tôi không hiểu là gì nên không biết dịch thành tiếng Mỹ ra sao. Splendid ?) xem có vẻ rất đúng về mặt tượng thanh và tượng hình để chỉ hai buổi lễ quan trọng này. 

vesak_2008_57

Múa Lục cúng trong lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008

Mỗi tối về khách sạn, nhiều khi về rất khuya vì còn “bận” ngồi cà phê ở Bờ Hồ hàn huyên với bạn bè, chúng tôi lại để ra mươi phút đọc email và truy cập vào hai trang nhà  http://phattuvietnam.net/  http://thuvienhoasen.org/ để biết gần đầy đủ tin tức và hình ảnh sinh hoạt chào mừng Đại lễ Phật đản LHQ 2008 trên cả nước, kể cả sinh hoạt ở các tỉnh xa như Bình Dương, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hạ Long, Hà Tỉnh, Hải Phòng, Huế , KonTum, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nha Trang, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Rạch Giá , Sài Gòn, Tây Ninh, Vũng Tàu, … nên xin các bạn đọc vào đấy cho biết, tôi khỏi phải thêm vào đây làm chi cho dài.

Còn ai muốn biết thông tin một cách chính thống hơn thì xin vào webpage của Ủy ban Tổ chức Quốc tế IOC, http://vesakday2008.com , tài liệu vừa bằng tiếng Anh vừa bằng tiếng Việt rất đầy đủ.

Bốn ngày Đại lễ chứa đầy sinh hoạt tâm linhvăn hóa. Đi đâu cũng gặp Phật, nhìn đâu cũng thấy Phật. Phật trẻ, Phật già. Phật nói tiếng Tây, Phật nói tiếng Ta … thật là đại sự nhân duyên. Thế mà tôi sắp rời Hà Nội, rời Việt Nam, rời tất cả để trở về chốn ta bà lắm bụi hồng. Lần này đi ngắn ngày vì mùa thi ở Mỹ sắp đến, khuôn viên đại học sẽ lao xao tiếng khóc giọng cười …

Đêm cuối, trong ánh sáng lung linh của 2 vạn ngọn nến sắp thành hình chữ Vạn, tôi tình cờ gặp lại Thầy B.N. của chuyến về Hà Nội năm 2000. Bây giờ, Thầy đã chuyển về dạy ở Học viện Phật giáo Hà Nội tại Sóc Sơn, cách Hà Nội hơn 30 cây số. Trông Thầy có già đi nhưng mối quan tâm của Thầy thì không thay đổi: Tứ chúngtinh tấn tu hành hay không ? Thân khẩu ýthanh tịnh trong chính pháp hay không?

Giã từ Thầy trên bậc thềm của Hội trường Mỹ Đình, tôi không nhắc lại câu hỏi tôi nợ Thầy năm xưa về 10 đại nguyện trong Sám Phổ Hiềntình trạng “đàn áp Phật giáo” tại Việt Nam. Nhưng về đến Mỹ, khi những xúc động của những ngày lễ hội tuyệt vời đã lắng xuống, tôi chia sẻ với nhà tôi vài ý nghĩ về hiệu ứng của cái shock therapy:

Tôi không nghĩ rằng tại Việt Namtình trạng Phật giáo bị khống chế, Phật tử bị đàn áp, dù thực tế là ở vài địa phương, có một số cán bộ chính quyền đã tìm cách can thiệp, nhiều khi thô bạo, vào sinh hoạt Phật sự. Tuy nhiên, đó là những can thiệp vì tham nhũng, vì bè phái, vì tư lợi, vì ngu dốt và có thể vì hàng chục lý do khác nữa như vẫn xảy ra ở những quốc gia khác, nhưng dứt khoát không phải vì muốn cấm đoán quyền tự do tín ngưỡng của Phật giáo đồ.

Vả lại, và theo tôi đây mới là điều quan trọng, tình trạng đó chỉ là biệt lệ, và càng lúc càng ít xảy ra theo đà lớn mạnh của Giáo hội PGVN và những tiến bộ trong quá trình cải cách hành chính của bộ máy chính quyền. Đó là xu thế không cưỡng chống được, đó là thực tếViệt Nam.

Vài bạn bè của tôi có lẽ sẽ không đồng ý với nhận định này và nêu trường hợp của giáo hội “thống nhất” bị kiểm soát và bị hạn chế. Làm sao ở hải ngoại mà tôi lại không biết đến giáo hội ồn ào này nhưng tôi đã cố tình không lý đến vì hai lý do:

Thứ nhất, với khoảng 20 chùa và 80 tu sĩ (trên 15.000 tự viện và 50.000 Thầy Cô toàn quốc) giáo hội “thống nhất” này không đại diện, không tác động, không tham dự đáng kể vào đời sống tu học của hơn 10 triệu tín đồ của Phật giáo Việt Nam trong nước, cho nên họ không nằm trong boundaries nhận định của tôi.

Thứ nhì, giáo hội “thống nhất” này không phải là một tổ chức thuần túy Phật giáo, trụ sở đầu não của họ nằm ở Paris dù "lưỡng viện" gì đó của họ nằm ở trong nước, họ nhập nhằng giữa tôn giáo và chính trị với những chủ trương, mục tiêu, hoạt động chính trị rất công khaicụ thể (nhất là ở nước ngoài), cho nên với một số người, cho một số chuyện, họ có thể đáng kể về mặt chính trị nhưng, với tôi, tuyệt nhiên không đáng kể về mặt tôn giáo, do đó không nằm trong boundaries nhận định của tôi. 

Ngoài ra, khi nhìn lại nguồn gốc hành chính của giáo hội “thống nhất” này, tôi chợt nhớ cách đây 45 năm, khi chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo thì ai trên thế giới là người đầu tiên rồi sau đó bền bỉ lên tiếng tố cáo chính quyền Diệm để bảo vệ cho Phật giáo Việt Nam? [và trong khung cảnh đó khai sinh ra giáo hội “thống nhất” vào năm 1964]

Câu trả lờiPhật tử, Tăng già và chính quyền của các quốc gia Phật giáo như Cambốt, Lào, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn quốc, Tích Lan, Ấn Độ … Sau đó mới đến các quốc gia Tây phương và Liên hợp quốc.

Còn bây giờ, cũng chính Phật tử, Tăng già và chính quyền của các quốc gia Phật giáo đó lại đông đảo và nhiệt tình đến tham dự Đại lễ Vesak 2008 do Liên hợp quốc ủy thác cho Việt Nam tổ chức. Như vậy thì làm sao bảo chính quyền Việt Nam đàn áp Phật giáo được?

Trừ ra 500 phái đoàn của 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, 4 tổ chức Phật giáo quốc tế đều bị mù hết, đều bị Cộng sản lừa hết, chỉ có mấy ông bà dân biểu Mỹ đi kiếm phiếu của dân Mỹ gốc Việt và Phật tử ngồi ở “Bolsa xóm đạo” là sáng mà thôi!

Nhờ chuyến đi Hà Nội này mà khi về đến Mỹ, tôi đã có thể trả lời cho Thầy B.N. được rồi: Trên ba miền đất nước ta, ai là Phật tử thì cũng có quyền trì chú Mười Đại nguyện của Sám Phổ Hiền cả. Ở nhà, trong chùa. Hôm nay, ngày mai…

Câu trả lời đó, riêng đối với tôi, là một khẳng định cho tôi tin vào sức mạnh và tương lai của Phật giáo Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

 

(Chuyển từ website TVHS cũ)







Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
28/04/2014(Xem: 4803)
01/04/2014(Xem: 5570)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :