CHẮP CÁNH CHO CON..
Chân Hiền Tâm
Mẹ sinh con ra nhưng khi con còn rất nhỏ, mẹ lại không có điều kiện để chăm sóc con. Mọi thứ đều phải nhờ vào bà ngoại và mấy dì.
Việc ấy khiến giữa con và mẹ luôn có khoảng cách. Con không thể nói với mẹ về những gì con muốn nói, cũng không mấy khi chịu lắng nghe về những gì cần lắng nghe. Khi mẹ hỏi một điều gì đó, con không trả lời. Con đối với mẹ hơn cả người dưng nước lã. Nhưng mẹ vẫn bình thường. Mẹ vẫn làm những gì mẹ có thể làm, bù cho những ngày mẹ đã bỏ lỡ trước đây.
Mẹ hiểu những trái nghịch đó là do những ngày con còn nhỏ, những ngày con và mẹ có thể gần nhau để mối quan hệ trở thành tốt đẹp cho lúc trưởng thành, mẹ đã không tận dụng được nó. Mẹ đã để nó trôi qua trong công việc. Mẹ không hối hận mà chỉ rút kinh nghiệm. Mẹ cần làm thêm những việc phước thiện trong đời để kiếp sau, nếu có làm người, mẹ không bị trói trong cái duyên phải lăn lộn kiếm tiền, đến mức không có thời gian lo cho con cái.
Còn một điều nữa khiến mẹ không dám khởi tâm buồn rầu hay tức giận, là do Phật nói trong kinh Đại thừa Bản sanh Tâm địa quán rằng: “Nếu nam nữ nào bội ân không thuận, khiến cha mẹ sinh niệm ai oán mà phát lời ác, thì con liền theo đó mà đọa, có khi rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Sự mau chóng ở thế gian không gì bằng gió mạnh. Biểu hiện của ai oán cũng nhanh như thế. Tất cả Như Lai cho đến tiên nhân dù có ngũ thông đều không thể cứu”.
Địa ngục không ở đâu xa, chỉ cần nằm một chỗ, sống không được chết không xong với những đau khổ trong lòng, đủ để thấy địa ngục hiện tiền. Sống trong sự thèm khát mà thức ăn không thể qua họng, không khác gì kiếp quỷ đói. Rất nhiều thứ để mẹ thấy, không đợi phải chết mới có thể thay hình đổi dạng. Mọi thứ đều có thể xảy ra trong hiện tại. Thời mà xe cộ đụng nhau rầm rầm như hiện nay, thức ăn thức uống đầy dẫy chất độc… dễ giúp mình thay đổi hình hài theo nghiệp mau chóng vô cùng. Mẹ không muốn vì những sự buồn phiền ai oán của mình mà sinh ra những điều không hay cho con.
Cái may mắn của mẹ là dù không có bàn tay của mẹ, con vẫn học hành trưởng thành trong vòng tay thương yêu của bà và mấy dì.
Ừ, con nói đúng. Trong công việc làm ăn, không cần phải lo lắng làm gì khi mình có đủ phước đức. Mẹ đồng ý với con quan điểm đó. Không có gì bằng phước đức. Có phước đức thì mọi thứ sẽ trôi chảy. Vấn đề là mình đã đủ phước đức chưa?
Chỉ mang tiền cúng chùa thôi thì chưa đủ. Con có biết cái đức lớn nhất của con người là gì không? Hiếu hạnh. Đức Phật nói: “Cung kính cúng dường cho 100 đại Bà la môn tu tịnh hạnh, 100 đại thần tiên có ngũ thông, 100 thiện hữu v.v… nhất tâm cúng dường như thế mãn đến ngàn kiếp, không bằng một niệm trụ tâm hiếu thuận, dùng chút sắc vật cúng dường bi mẫu, tùy thời cung phụng hầu hạ”. Không có công đức cúng dường nào bằng công đức hiếu thuận. Vì cha mẹ là hai vị Phật trong nhà. Nhưng ngày nay giới trẻ lại ít quan tâm và xem thường, cho đó là chuyện thường tình ở thế gian.
Quá khứ mẹ không chăm sóc con, không dạy con những điều cần thiết, nên giờ mẹ không có tâm đòi hỏi ở con bất cứ điều gì. Dù mệt mỏi thế nào mẹ vẫn làm mọi thứ cho con để bù vào những ngày mẹ không chăm sóc con. Không cần con phải dọn phòng, chỉ cần con đừng xả thêm, là mẹ đã phải đỡ nhọc rất nhiều. Không cần con phải dọn tủ quần áo, chỉ cần con đừng xáo là mẹ cũng đỡ đi phần sức bỏ ra. Mẹ đã nói thế với con rất nhiều nhưng con vẫn vung vãi mọi thứ. Con xốc tung đồ ra, mẹ dọn. Con lại xốc tung đồ ra, mẹ lại dọn. Vấn đề không phải nằm ở sức khỏe hay con không có thời gian mà ở ý thức. Con ít quan tâm đến sức lực người khác đã bỏ ra cho con thế nào. Chỉ đưa tiền ra bố thí hay cúng dường thì con có thể giàu có, nhưng đó chỉ mới ở mặt phước, còn mặt đức thì chưa. Cái đức được thể hiện qua tình cảm và hành động của mình đối với tha nhân, không phải chỉ trong gia đình mà cả với người chung quanh. Có những chuyện riêng tư mà mình cần chu toàn, không nên để ảnh hưởng đến người khác, con vẫn chưa làm được. Mẹ nói ra không phải vì trách con, chỉ là muốn để con hiểu, sống như thế chưa thể gọi là đủ đức để có thể vung tay thoải mái với mọi thứ như con nghĩ. Mẹ không muốn con hiểu lầm về những gì mình đang làm. Đến khi quả tốt không ra, con lại mất niềm tin với nhân quả.
Ngày xưa mẹ đi buôn không có vốn. Mỗi đợt tàu đi mẹ phải vay mượn đưa đi để khi tàu về mẹ có ít lời. Một đợt, mẹ chạy khắp nơi, không ai cho mượn. Vừa tủi mình vừa tức người. Nhưng đợt đó tàu có đi mà không về. Mọi người đều trắng tay, chỉ mình mẹ là không. Mẹ đã nhận ra rằng: “Thứ mình tưởng xấu chưa chắc đã xấu, thứ mình nghĩ tốt chưa chắc đã tốt. Có khi, việc người không tốt với mình lại là cái phước cho mình”. Thành với mẹ bây giờ, mượn vốn được cũng tốt, không mượn vốn được cũng tốt. Nhưng nếu con thấy việc ấy cần phải dốc hết sức để làm thì cứ làm, mẹ không ngăn cản, nhưng phải bằng tâm lực thuyết phục, không phải bằng những lời xúc phạm. Dùng lời lẽ xúc phạm để thỏa mãn tâm ý của mình chứng tỏ con chưa đủ năng lực để làm việc lớn. Mọi điều kiện thuận lợi cho con hiện nay chưa chắc đã tốt cho con.
Đã biết nói mọi việc đều từ phước đức mà ra thì khi có việc thất bại, mình cần soi lại con người mình, không thể hướng ra ngoài trách người. Mình cần xem lại thái độ và cách sống của mình hiện nay, từ lời nói, cách xử sự, cung cách làm ăn của mình đã gây được niềm tin với người chưa? Nếu chưa thì cần phải sửa đổi. Mình đã đủ mềm mại uyển chuyển để có sức thuyết phục người chưa? Chưa, thì cần phải mềm mại và uyển chuyển hơn nữa. Trong cuộc sống này không có gì dễ dãi. Mọi thứ đều phải đổi bằng công sức và lòng nhẫn nại của mình. Công sức và lòng nhẫn nại của con, nếu bản chất của nó là phước thiện, phù hợp với những gì Phật dạy, thì kết quả thành công sẽ được mỹ mãn dài lâu, không phải chỉ ở kiếp này mà còn là nhân tốt cho những kiếp sau. Nếu bản chất của nó không mang tính phước thiện, đi ngược với lời Phật dạy, thì thành công nếu có cũng không bền vững, lại là nhân xấu cho những kiếp sau này. Nếu đã hết mình mà kết quả vẫn không vừa lòng, thì con cần nhủ: “Việc đó chưa hẳn là xấu với mình”. Không nên trách người.
“Đức” không chỉ nằm ở mặt tiền bạc cho đi mà ở cách sống của mình, ở trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội, ở sự quan tâm của mình đối với mọi người chung quanh. Con mang tiền cúng chùa cho nhiều mà với nhân viên của mình con không quan tâm đến đời sống của họ, con bóp chẹt đồng lương của họ rồi mang đi cúng chùa thì việc đó Phật không dạy. Mọi thứ cần phải hài hòa để cái phước của mình đi liền với cái đức. Phước đức đầy đủ thì cuộc sống của mình và người mới hạnh phúc. Người mà khổ thì mình chẳng thể vui. Dù tiền bạc có vào thật nhiều, rồi cũng ra đi nhanh chóng không bằng cách này thì cách khác. Mọi cái quả ở thế gian này, không phải chỉ có nhân là đủ mà còn lệ thuộc vào duyên. Con gieo cái nhân giàu sang mà lại tạo thêm những nhân bất thiện khác, thì ít nhiều gì quả kia cũng bị ảnh hưởng, không thể đầy đủ và trọn vẹn như ý mình muốn.
Khi Đức Phật còn ở nước Xá Vệ trong vườn Cấp Cô Độc, một thanh niên đã đến và hỏi Phật rằng: “Người tại gia chúng con nên thực hành những việc gì để cuộc sống được an ổn và vui vẻ trong hiện tại?”. Phật đã dạy: Có 4 việc khiến cuộc sống được an ổn và vui vẻ trong hiện tại.
1. Có phương tiện nuôi thân như làm ruộng, buôn bán, làm quan, viết sách, kế toán, hội họa v.v… Với nghề nghiệp đã có thì siêng năng trau dồi.
2. Tiền kiếm được đúng pháp rồi thì khéo gìn giữ không để mất mát.
3. Tiền tài kiếm được, cần biết chi thu cân đối, không thể thu ít mà chi nhiều, cũng không nên thu nhiều mà chi quá ít. Nếu không có mà chi nhiều, tiêu dùng phung phí, là kẻ tham dục không biết nghĩ đến ngày mai. Nếu tiền của đầy ắp mà không dám tiêu dùng thì trở thành kẻ bỏn xẻn, không nên. Thu chi biết chừng mực điều hòa thì cuộc sống an hòa vui vẻ.
4. Sống chừng mực, không buông lung, không giả dối, không hung hiểm v.v… Người như vậy, với những buồn khổ chưa sinh, có thể ngăn ngừa khiến không sinh; buồn khổ nào đã sinh, có thể tỉnh sáng cởi bỏ; những an vui nào chưa sinh, có thể làm nó chóng sinh; an vui nào đã sinh, có thể khiến nó không mất.
Đó là những gì mà Phật đã dạy để một người bình thường có cuộc sống hạnh phúc an vui trong hiện tại. Việc đó không phải khó đối với người đã có nếp sống quân bình. Khi con có ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, con tự trở thành kẻ sống chừng mực, không hung hiểm, không giả dối. Con có thể tự làm chủ bản thân không khó. Nhưng với người đã quen làm biếng, sống buông lung theo tham dục của riêng mình thì mọi thứ không phải dễ dàng. Vấn đề là… vì sao có kẻ biết sống chừng mực, có kẻ lại không. Vì hiện tại bị chi phối bởi những nhân của quá khứ, như tương lai bị chi phối bởi những nhân ở hiện tại. Quá khứ đã qua đi, không thể làm gì. Chỉ còn hiện tại và tương lai, nên Phật dạy thêm 4 việc cần làm trong hiện tại, để tương lai có thể được an vui. Thực hành được chúng, chính là đang củng cố nhân cách cho chính mình để thời hiện tại ở tương lai, mình có thể sống chừng mực, không buông lung v.v… Đời sống theo đó mà an vui hạnh phúc. Bốn việc đó là:
1. Có niềm tin kính đối với Như Lai. Không bị tà ma ngoại đạo phá hoại.
2. Có giới hạnh đầy đủ, là không sát sinh, trộm cắp, nói dối, tà dâm và uống rượu.
3. Bố thí đầy đủ, là tâm luôn hành bố thí. Thường tự tay mang cho, vui mừng tu hạnh thí xả.
4. Phải có trí tuệ đầy đủ, là phải biết như thật về khổ, tập, diệt, đạo.
Việc đầu tiên là phải có niềm tin đối với Như Lai. Tin Như Lai là tin những gì Như Lai đã nói. Những gì Như Lai nói không phải từ trên trời rơi xuống, chỉ là giúp chúng ta ý thức hơn về những gì đang xảy ra quanh mình không thông qua cảm xúc và những lăng kính chủ quan. Nếu con chịu khó tham cứu Phật pháp rồi dùng đó quán sát chiêm nghiệm thì sẽ không mấy khó để con tin Như Lai. Và niềm tin sẽ được củng cố nếu con chịu ứng dụng Phật pháp dài lâu vào đời sống của mình.
Cũng không mấy khó để con tin theo tà ma ngoại đạo (Mẹ muốn nói đến những loại giáo điều mà nhân không đúng với quả, không đưa con người đến chỗ lương thiện) khi tham dục, sân hận và si ám chất đầy trong người con. Vì thế, có 5 việc mà con phải nương theo. Đó là 5 giới mà một Phật tử tại gia đã thọ khi quy y. Thọ để mà giữ, không phải thọ để… yên tâm, để được quỷ thần hộ trợ. Không ai có thể hộ trì cho con khi con đã phạm vào cái nhân bất thiện mà không có tâm muốn sửa đổi. Giữ được nhiều thì đời sống an vui nhiều, họa tai ít. Không giữ được thì đầy đủ thần lực như chư Phật cũng bó tay.
Ngày nay, từ “bố thí” hay được hiểu theo nghĩa cho chác pha sự khinh miệt. Thật ra, bố thí chỉ mang nghĩa “tặng cho”. Bố thí hay cúng dường là cái nhân của sung túc. Sung túc, là điều ai cũng cần trong cuộc sống này. Ngoại trừ Thánh nhân, còn lại sung túc là một trong các duyên khiến mọi người thấy an vui. Bố thí theo cách Phật đã dạy, còn là cái nhân khiến mọi nhân duyên trong đời được tốt đẹp. Mình có những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc đời này, một phần nhờ vào cái nhân bố thí trong quá khứ. Bố thí còn khiến lòng mình mở rộng, người vui, mình vui. Rất nhiều sự tốt đẹp trong thế giới này bắt nguồn từ cái nhân bố thí. Vì thế, Phật dạy chúng sinh bố thí. Bố thí cho người và cúng dường cho Tam bảo.
Cúng dường cho Tam bảo là nhân duyên rất tốt để chúng ta gieo duyên với Phật pháp. Biết Phật pháp, ứng dụng được Phật pháp vào đời sống của mình, với cái nhìn của mẹ, đó là phước báu lớn nhất mà mẹ nhận được trong cuộc đời này.
Cuối cùng là phải có trí tuệ. Trí tuệ Phật nói đây không phải là sự thông thái hay bằng cấp cao, cũng không phải là cái trí có được do học thật giỏi. Nó là cái trí thấy được nguồn gốc của khổ và làm thế nào để không khổ. Phật nói “Biết như thật”, là con phải thấy nó hiện diện ngay trong đời sống của con, không phải chỉ trên sách vở. Con sẽ hỏi mẹ cần thấy những thứ đó để làm gì khi con không khổ? Phải thấy được điều đó, theo đó mà sống thì mới dám chắc hiện tại và tương lai mình không khổ. Còn không, chưa khổ rồi sẽ khổ, khổ rồi càng khổ thêm.
Chỉ bốn từ “Khổ, tập, diệt, đạo” nhưng nó xuyên suốt mọi thứ trong đời sống của mình.
Rượu, là thứ Phật khuyên mọi người không nên uống, trở thành giới cấm của người Phật tử. Có khi mình thọ giới rồi mà không hiểu vì sao Phật lại đặt ra giới đó. Rượu, tác hại của nó trong hiện đời thì ai cũng thấy. Rượu vào lời ra, chân đá tay đấm. Vừa rồi đây, thầy Hiệu trưởng của một trường Tiểu học đã giết chết người bạn là giáo viên cùng trường trong một bữa nhậu. Rượu, một khi mình đã đam mê nó, thì ngoài tác dụng nguy hại trong hiện đời, quả báo của nó không ở ba đường dữ thì cũng là điên loạn. Phật nói “điên loạn”, Bồ tát Long Thọ nói “điên trần truồng”. Điên mà không biết mình điên gọi là điên trần truồng. Nhìn thế gian không đúng với bản chất thật của nó rồi theo đó mà sống, là một dạng của điên trần truồng. Ngày nay thế giới đảo điên, tai ương hoạn nạn ngày càng nhiều, là do cái điên trần truồng này đây.
Rượu tác hại như thế nhưng vì sao vẫn có người chui vào? Chui vào rồi muốn ra, lại không thể ra? Là do “Tập”. Tập, là sự tích tụ, là thói quen. Khi mình uống, mình nghĩ sẽ làm chủ bản thân, không để xảy ra tình trạng nguy hại như thế. Uống chút chút chơi thôi, hại gì! Nhưng mình không biết một điều: Thân tâm mình có tính huân tập. Thứ gì được tích tụ ngày một ít sẽ có lực dẫn mình theo nó. Rượu mỗi ngày uống một ít, sẽ tích tụ thành thói quen. Khi nó được tích tụ ở một mức nào đó, nó làm chủ mình chứ mình không còn làm chủ nó. Đến cơn, chỉ có rượu là thượng đế. Đánh vợ giết con, trở thành không nhân tính vì uống rượu đã thành thói quen. Mình không còn là mình. Chỉ làm sao thỏa mãn những con sâu đang rúc rỉa trong thân, mà chỉ có rượu vào mới làm nó tạm yên.
Hiểu về “Tập”, con cũng sẽ hiểu không có tật xấu nào không thể bỏ. Quan trọng là con có ý thức, quyết tâm và nhẫn lực để bỏ hay không. Người ta nói xì ke ma túy không thể bỏ, có bỏ cũng nghiện lại. Chẳng qua vì mình chưa có phương pháp đúng đắn sau khi cai nghiện mà thôi. Nếu hiểu về “Tập”, mình sẽ có thái độ cẩn thận với những gì từng là thói quen của mình. Ý thức rồi, mình phải quyết tâm tránh tới cùng, bằng công việc và bằng những vui chơi lành mạnh. Mọi thứ cần có thời gian để cái “Tập” trong mình tróc gốc. “Tập” hết rồi thì duyên của tập ấy không còn tác động sai khiến mình được nữa.
Giới trẻ của con ngày nay không hiểu về “Tập” và “Khổ” v.v… nên dễ mất mình cho những thói quen. Bị thói quen mang tính tham dục chi phối thì đầu óc không còn tỉnh sáng. Những thứ đáng làm không làm. Những thứ không đáng làm lại làm. Kết quả là khổ đau. Khi khổ đau lại hủy hoại bản thân…
Những gì con đối với mẹ, mẹ không thấy phiền lòng, vì mẹ tin vào nhân quả. Phật nói không có quả xấu nào mà không có nhân, nhân ấy từ mình mà ra. Những gì mẹ đã tạo ra, mẹ không thể sửa đổi khi nó đã ra quả. Nhưng mẹ có thể biến những cái quả ấy thành những bài học quý giá cho mình. Nó giúp mẹ vững vàng hơn với những bất như ý trong cuộc sống. Nếu mẹ bình thản được với những điều không vui cũng có nghĩa là nhẫn lực của mẹ thêm vững vàng. Và nếu mẹ có thể biến những bất hạnh đó thành những bài học để tự hoàn chỉnh bản thân, cũng có nghĩa là mẹ không có tâm niệm ai oán với con. Nghịch duyên không khiến quả xấu xuất hiện mà đã biến thành công đức cho mình và người. Nương nhờ công đức đó, nguyện cho mẹ con mình đều chuyển tâm hướng thiện, thấy được những gì cần làm và những gì không nên làm, để thế giới của mình được an vui. Cũng mang công đức đó cúng dường mười phương chư Phật, hồi hướng về mười phương pháp giới, nguyện cho những mối nghịch duyên trở thành bạn bè quyến thuộc trong pháp giới Hoa Nghiêm.
Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ Số Vu Lan 185 / Tuyển Tập Vu Lan TVHS