Tiểu Lục Thần Phong
Cứ mỗi độ Vu Lan về, những người con Phật lại nao nao lòng. Người người sắm sửa hương hoa, nhà nhà trang hoàng bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên, ông bà, cha mẹ. Các chùa cũng rộn ràng chăng cờ hoa, sắm sanh phẩm vật để cúng dường. Vu Lan là một ngày lễ lớn, một sự kiện quan trọng trong Phật giáo bắc truyền. Chữ Vu Lan dịch từ tiếng Phạn Ullambana. Người Tàu dịch là giải đảo huyền nghĩa là giải cứu tội nhân bị treo ngược. Sự tích Mục Liên -Thanh Đề có lẽ người Việt ( dù không tôn giáo hoặc tôn giáo khác) cũng đều nghe và biết, có lẽ cũng không cần nhắc lại. Ngài Mục Kiền Liên là một đại đệ tử của đức Phật, được xưng tụng là thần thông đệ nhất, là một bậc A La Hán được ví như tiêu biểu của lòng hiếu thảo ( Các vị A La Hán, mỗi vị đại biểu cho một mặt nào đó).
Khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc thì đã bị bổn thổ hóa, địa phương hóa, Trung Quốc hóa từ hình thức đến trang phục, cái cách hành lễ...Chuyện ngài Mục Kiền Liên cũng biến hóa thành Mục Liên-Thành Đề với tích bánh bao thịt chó mang đậm màu sắc văn hóa Trung Quốc. Câu chuyện tuy biến hóa nhưng cái tinh thần thì vẫn là đề cao sự hiếu thảo, nhấn mạnh cái khả năng chuyển hóa, giác ngộ của Phật pháp. Bà mẹ Mục Liên vì tham lam bỏn xẻn mà đọa làm ngạ quỷ, rồi cũng vì tham lam bỏn xẻn mà bát cơm bưng trên tay hóa lửa, ở trong hỏa ngục chịu muôn vàn thống khổ, không một sát na ngưng nghỉ, nhưng một khi tâm niệm chuyển thì lập tức cảnh giới chuyển theo. Từ tâm niệm tham sân chuyển sang thí xả, từ tâm niệm mê mờ chuyển sang giác ngộ… thì cảnh giới hỏa ngục chuyển thành niết bàn. Bà mẹ Mục Liên sanh thiên là vậy! Ngài Mục Kiền Liên, đức Phật, thập phương tăng cũng không thể nào cứu bà được, nếu tâm niệm của bà không chuyển đổi. Thần lực Phật, tâm hiếu của Mục Liện, chú nguyện của thập phương tăng là cái duyên giúp cho bà ngộ ra, chuyển dổi tâm niệm. Giả sử tâm niệm của bà không chuyển thì vẫn cứ mãi là cảnh giới địa ngục. Bởi thế nhà phật mới bảo:” Tâm chủ tể, tâm tạo tác...” ( Kinh suy niệm về nghiệp), thập phương hư không bất ly được xứ, cổ kim tam thế bất ly đượng niệm là vậy! Một niệm tâm đủ đầy tất cả.
Ngày nay các nhà khoa học, các nhà văn đưa ra những giả thuyết “Đường hầm ánh sáng”, “Lỗ hổng thời gian”, “ Cánh cửa xuyên không”… có thể trong chớp mắt đi về quá khứ hoặc đến tương lai, điều này chính là một niệm tâm mà Phật giáo đã nói từ hai mươi lăm thế kỷ qua. Từ một niệm có cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, có cả sơn hà đại địa cho đến vũ trụ vô cùng.
Ngày Lễ Vu Lan, mùa lễ Vu Lan người con Phật tưởng nhớ Phật, tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ… Những người con Phât cố gắng làm điều thiện lành để báo ơn Phật, hồi hướng công đức cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và cho cả pháp giới chúng sanh. Người Phật tử có thể tụng kinh, trì chú, niệm Phật, ngồi thiền, lễ bái, cúng dường, phóng sanh, bố thí… tất cả các pháp này rất thông dụng và cũng đều là Phật pháp cả. Thiển nghĩ căn cứ vào bài kinh Pháp Cú này mà hành trì thì tuyệt vời và đúng bản hoài của đức bổn sư cũng như của ba đời mười phương Phật
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo
Ngày rằm Vu Lan, trời đất phong quang, lòng người nao nao tưởng nhớ Phật, chư hiền thánh tăng, liệt vị tổ tiên, ông bà… Ngay cả người không có đức tin hay khác đức tin cũng ít nhiều biết đến Vu Lan. Có lẽ đây là ngày hoan hỷ của cả trời, người, phi nhân, ngay cả động vật cũng được hoan hỷ lây vì được phóng sanh, bớt bị giết thịt ( thức tế ngày, này lương thịt ở các chợ giảm hẳn đi vì mọi người ăn chay)
Ngày lễ Vu Lan, mùa Vu Lan Phật tử và các chùa bắc tông thường tụng kinh Vu Lan, kinh báo hiếu, kinh Địa Tạng đặc biệt trong thời gian này hình ảnh ngài Địa Tạng luôn hiện lên trong tâm trí mọi người. Một vị bồ tát với lời thệ nguyện vô tiền khoáng hậu, không thể nghĩ bàn, không thể dùng ngôn ngữ , văn tự của thế gian để hiểu và xưng tán:
“ Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng bồ đề”
Có một hiện tượng cũng cần nói đến, có nhiều vị (cả tu sĩ và cư sĩ) bài bác và phủ nhận Phật giáo bắc truyền một cách cực đoan, cứ một mực cho rằng kinh điển, hình tượng bồ tát của Phật giáo bắc truyền là không phải chánh pháp, là do người tàu chế ra, dĩ nhiên là cả lễ Vu Lan cũng thế. Họ lý luận thời đức Phật còn tại thế không có lễ Vu Lan. Các vị ấy quên rằng; Phật giáo có tính khế cơ khế lý, Phật giáo truyền đến đâu thì kết hợp với văn hóa, tập quán, truyền thống và tín ngưỡng bản địa. Phật giáo truyền đến đâu thì bổn thổ hóa đến đó, địa phương hóa đến đó. Có thế Phật giáo mới tồn tại và phát triển hơn hai mươi lăm thế kỷ qua, tồn tại khắp mọi nơi với những khác biệt lớn về văn háo, truyền thống, đức tin… Khi Phật giáo truyền dến Trung Quốc thì không còn khất thực nữa mà chuyển sang chế độ tòng lâm, tự cung cấp thực phẩm, y phục, danh từ giáo phẩm, cách hành lễ… cũng khác để phù hợp với đặc điểm của người Trung Quốc. Tích ngài Mục Kiền Liên cũng biến thành Mục Liên - Thanh Đề cũng là lẽ đương nhiên. Phật giáo truyền về phương nam như Tích Lan, Lào, Thái, Miên… thì du nhập tục té nước chúc phúc, buộc chỉ cổ tay cầu phúc… theo phong tục của người địa phương. Có thêm những hình tượng như chằng làm hộ pháp, rắn thần, apsara, xâm mình, ngồi xổm chắp tay lễ bái… theo tín ngưỡng địa phương, nghệ thuật địa phương. Những vị bài bác chỉ đề cập sự biến và bổn thổ hóa ở Phật giáo bắc truyền mà không nói đến sự bổn thổ hóa ờ Phật giáo nam truyền, không chấp nhận tính khế cơ khế lý. Tuy hai nhánh Phật giáo có nhiều khác biệt nhưng cùng thống nhất ở cốt lõi căn bản: Tứ diệu đế, bát chánh đạo, ba mươi bảy phẩm trợ đạo… Việc bài bác phủ nhận ấy khiến cho nhiều phật tử sơ cơ sanh nghi và hoang mang ( Bút giả cũng có một giai đoạn lung lay lắm). Tuy khác biệt ở phẩm phục, yếu tố văn hóa và tín ngưỡng địa phương, cách hành lễ nghi… nhưng cái cốt lõi vẫn xuyên suốt và nhất quán. Thật đáng tiếc và oan uổng khi những Phật tử sơ cơ phải nghi ngờ vì những sự bài bác quá đáng này.
Vu Lan là một lễ hội, một nghi lễ quan trọng trong Phật giáo bắc truyền, đã thực hiện hơn ngàn năm nay, cùng với lễ hội té nước trong Phật giáo nam truyền cả hai song song tồn tại, cùng phụng sự chúng sanh, cúng dường chư Phật.
Tiểu Lục Thần Phong
Ất lăng thành, 07/22