Khai tâm cho mùa xuân mới

02/02/20152:59 SA(Xem: 9286)
Khai tâm cho mùa xuân mới

blank
KHAI TÂM CHO MÙA XUÂN MỚI

 Vĩnh Hảo

  

Ước vọng của con người luôn là những gì tốt đẹp, sung túc và dài lâu, cần phải đạt được trong một tương lai gần nhất. Nói cách thực tế theo quán tính của người bình phàm, thì đó là hạnh phúc (phước), thịnh vượng (lộc), sống lâu (thọ). Với các chính trị gia, và những nhà đấu tranh cho dân tộc, cho đất nước, thì đó là tự do, dân chủ, nhân quyền. Với đạo gia thì đó là giải thoát, giác ngộ, và niết-bàn.

Tất cả những ước vọng nói trên, có thể được biểu tượng hóa trong một chữ: XUÂN.

Xuân ấy tất nhiên không phải là xuân của mùa màng, thời tiết. Nhưng một biểu tượng nếu không được cụ thể hóa, tức là thực hiện bằng hành động và lời nói cụ thể, thì mãi mãi nó chỉ là một ước vọng, không bao giờ nắm bắt được.

Và để đạt được một cái gì đó trong tương lai, ai cũng biết là người ta phải bắt đầu từ hiện tại. Không khởi sự từ bây giờ, từ hôm nay, thì ước vọng, thành quả, mục tiêu… của ngày mai, của tương lai, sẽ không bao giờ có được. Thế nhưng, nhân loại trong mấy ngàn năm qua cứ loay hoay, lẩn quẩn mãi ở chỗ khởi đầu, chứ không tiến về hướng mục tiêu để đạt ước vọng như mong đợi. Nghĩa là cứ mơ ước một cái gì tốt đẹp ở tương lai, mà lại cất bước một cách sai lệch, thiên kiến, mù quáng nơi hiện tại. Quả đẹp thì muốn nhưng nhân tốt lại không gieo, hoặc chỉ biết gieo nhân xấu. Muốn hòa bình mà cứ khai binh, khai hỏa bằng những đạo quân nhân danh lý tưởng (hay ảo tưởng? hoang tưởng?) của lãnh tụ nọ, của thần linh kia; muốn hòa hợp mà cứ khai khẩu, khai ngữ bằng lời châm chọc, chửi bới đối phương; muốn tự do dân chủ mà cứ tước đoạt tự do dân chủ của kẻ khác; muốn hòa đồng (các tôn giáo) mà cứ luôn cho đạo của mình là tốt nhất, đạo kia là tệ nhất… Ai cũng cho lý tưởng, mục tiêu, tôn giáo, đoàn thể, đảng phái… của mình là trên hết, sẵn sàng bịt miệng, thậm chí giết hại kẻ khác chỉ vì họ không giống mình, hoặc đã có lời lẽ xúc phạm cá nhân hay tập thể của mình. Như vậy thì làm sao có được mùa xuân thực sự an vui, hòa bình, thịnh vượng cho cá nhân, gia đình, xã hội, đất nước, hay cho toàn thế giới!

Không cần phải chờ đến ngày đầu năm mới khai bút, khai thị, khai giảng, khai trương… để có một mùa xuân an vui và một năm đầy hứa hẹn. Mỗi người chúng ta hãy ngồi xuống trong phút giây này, lặng yên, dừng hết mọi xung động của ý nghĩ, lời nói, hành động; tâm thật lắng đọng, không còn lăng xăng tính toán, sợ hãi, âu lo; không còn những tham lam, thù hận, ganh ghét, nghi kỵ…; không còn những phân biệt, đối đãi thiên vị thân/sơ; không còn biên giới quốc gia, không còn ngăn cách màu da, chủng tộc, ý thức hệ, tôn giáo… Trong giây phút ấy, một nỗi gì, như là niềm thương, mở ra, lan tỏa đến vô cùng. Dù trên thế gian này có xuất hiện hay không các bậc thần linh, các bậc giáo chủ, các vị lãnh đạo các tôn giáo, chính quyền, đảng phái (minh triết hay phàm phu), thì tấm lòng ấy, niềm thương ấy, vẫn hiện hữu, vẫn luôn ở đây, nơi này.

Tâm như hoa, nở ra cho thơm đẹp cuộc đời. Tâm như hư không, mở ra để dung chứa tất cả, để ôm lấy tất cả những phiền muộn, khổ đau của thế gian—tất cả cùng lúc tan biến vào cõi lòng vô tận này.

Mỗi người khai tâm như thế, ở từng giây phút hiện tại, thì ước vọng của chúng ta, mùa xuân của chúng ta, hiển hiện miên trường.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/01/2012(Xem: 60735)
18/01/2011(Xem: 88475)
07/02/2015(Xem: 12695)
27/01/2015(Xem: 23249)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.